Seite auswählen

Thái Doãn Hiểu – Cái chết của Ngô Tất Tố

(Trích từ tài liệu Những cái chết tức tưởi của nhà văn do Thái Doãn Hiểu biên soạn)

 

3.1.2016

Diễn Đàn Thế kỷ

 

Ngô Tất Tố (1894 – 1954) là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học và nghiên cứu có ảnh hưởng ở Việt Nam giai đoạn trước 1954). Ngô Tất Tố là đại diện tiêu biểu cho những thay đổi của một lớp người trí thức trong giai đoạn giao thời, sự dung hòa tương thích giữa nền văn hóa mới và cũ.

 

Ngô Tất Tố sinh năm 1893 mất năm 1954 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ SơnBắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông AnhHà Nội). Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, ba trai, bốn gái. Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì, ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.

Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà đã vào Sài Gòn. Mặc dù không thật sự thành công trong cuộc thử sức ở Nam Kỳ, nhưng tại đây, Ngô Tất Tố đã có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa thế giới ở vùng đất khi đó là thuộc địa chính thức của Pháp cũng như theo đuổi nghề báo để chuẩn bị sau này trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Trong thời kỳ này, ông viết với các bút danh Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Tân Thôn Dân…

 Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội. Ông tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho các báo: An Nam tạp chí, Thần chung, Phổ thông, Đông Dương, Hải Phòng tuần báo, Thực nghiệp, Con ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba, Tương lai, Công dân, Đông Pháp thời báo, Thời vụ, Hà Nội tân văn… với 29 bút danh khác nhau như : Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ… Trong thời gian những năm 1936-1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích quan lại tham nhũng phong kiến. Hà Văn Đức, trong bài viết Ngô Tất Tố – Nhà văn tin cậy của nông dân (báo Nhân dân, ngày 10 tháng 6 năm 1997), cho biết năm 1935, Ngô Tất Tố từng bị chánh sở mật thám Hà Nội gọi lên “để mua chuộc”, nhưng ông từ chối. Ngoài ra, nhiều lần Ngô Tất Tố bị cấm viết báo và bị trục xuất khỏi Hà NộiHải PhòngNam Định. Năm 1939, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm tác phẩm Tắt đèn. Nhà Ngô Tất Tố ở Bắc Ninh bị nhà chức trách khám xét và ông bị bắt giam ở Hà Nội vài tháng.

 Về sự nghiệp báo chí, người ta  tìm thấy 1.350 tác phẩm (gần 4.500 trang) đã đăng báo của Ngô Tất Tố với 59 bút danh khác nhau. Năm 2005, tại hội thảo Những phát hiện mới về thân thế và tư cách nhà văn hóa của Ngô Tất Tố, một thống kê khác được công bố cho biết trong 28 năm làm báo, Ngô Tất Tố đã viết gần 1.500 bài (mới tìm thấy 1.360 bài) cho 27 tờ báo và tạp chí với 29 bút danh. Di sản báo chí của Ngô Tất Tố trở thành những tư liệu phong phú, chi tiết, phản ánh toán diện và trung thực xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

 Các tác giả trong đề tài nghiên cứu nói trên kết luận rằng tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố đạt được năm thành tựu cơ bản: thuyết phục, truyền cảm, điển hình hóa mà không hư cấu; nghệ thuật trào lộng, đả kích và phong cách đậm đà bản sắc dân tộc. Về thái độ làm báo, Ngô Tất Tố được đánh giá là một nhà báo có dũng khí, trung thực, thẳng thắn, nhạy bén và cập nhật tình hình khẩn cấp

Với tư cách là nhà nghiên cứu ,  Ngô Tất Tố nghiên cứu rất nhiều thể loại khác nhau ông rất giỏi về nghiên cứu các thể loại văn thơ.

 Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố tham gia vào ủy ban giải phóng ở xã Lộc Hà quê ông. Năm 1946, Ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này, Ngô Tất Tố đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng chi hội văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở thông tin khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốckhu XII, Thông tin khu XII, tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc trung ương… Ngoài ra, ông còn viết văn. Ngô Tất Tố được bầu vào vị trí ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam tại đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948).

 Ngô Tất Tố được coi là nhà văn hàng đầu của trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam trước 1945 với các tác phẩm tiêu biểu như Tắt đènViệc làng,Tập án cái đình.

 Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) từng khen ngợi Tắt đèn là “một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy”. Phong Lê, trên Tạp chí Sông Hương tháng 12 năm 2003, gọi những tác phẩm viết về nông thôn của Ngô Tất Tố là “một nhận thức toàn diện và sâu sắc, đầy trăn trở và xúc động về cảnh ngộ và số phận người nông dân Việt Nam” đạt đến “sự xúc động sâu xa và bền vững”.

 Từ một góc nhìn khác, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, trong bài Ngô Tất Tố và một cách thích ứng trước thời cuộc trích từ cuốn Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa (Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2005), viết Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết “rất xúc động” khiến người đọc có thể “nhiều phen ứa nước mắt”.

 Còn thiên phóng sự Việc làng được coi là một trong những tác phẩm báo chí toàn diện và chi tiết nhất về bộ mặt nông thôn Việt Nam trước năm 1945. Phong Lê, trong bài đã dẫn, cho rằng Việc làng phản ánh “tận chiều sâu những cội rễ của cả hai mặt phong tục và hủ tục, nó tồn tại dai dẳng đến thế, không chỉ đến thời Ngô Tất Tố viết Việc làng, mà cả cho đến hôm nay”.

 Tính chất giao thời trong ngòi bút của Ngô Tất Tố thể hiện rõ nét trong tác phẩm Lều chõng.

 Lều chõng ghi lại một thiên phóng sự tiểu thuyết về chế độ giáo dục và khoa cử phong kiến trong những ngày cuối cùng, dưới triều Nguyễn, miêu tả tấn bi kịch của những nhà nho có tài trong xã hội phong kiến và được coi là lời chỉ trích sâu sắc những tồn tại của nền văn hóa cũ.

 Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét về sự thay đổi ở Ngô Tất Tố: “ông vào số những nhà Hán học đã chịu ảnh hưởng văn học Âu Tây và được người ta kể vào hạng nhà nho có óc phê bình, có trí xét đoán có tư tưởng mới” (Nhà văn hiện đại).

 Tác phẩm của Ngô Tất Tố : Ngô Việt Xuân Thu (dịch, 1929); Hoàng Hoa Cương (dịch, 1929);Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ (truyện ký lịch sử, 1935); Đề Thám (truyện ký lịch sử, viết chung, 1935); Tắt đèn (tiểu thuyết, báo Việt nữ, 1937), (Mai Lĩnh xuất bản, 1939); Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, báo Thời vụ, 1939-1944), (Mai Lĩnh xuất bản, 1952); Tập án cái đình  (Phóng sự,1939); Thơ và tình (dịch thơ Trung Quốc, 1940); Đường thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940); Việc làng (phóng sự, báo Hà Nội tân văn, 1940-1941), (Mai Lĩnh xuất bản, 1941); Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu, 1941); Văn học đời Lý (tập I) và Văn học đời Trần (tập II) (trong bộ Việt Nam văn học) (nghiên cứu, giới thiệu, 1942); Lão Tử (biên soạn chung, 1942); Mặc Tử (biên soạn, 1942); Hoàng Lê nhất thống chí (dịch, tiểu thuyết lịch sử, báo Đông Pháp, 1942); Suối thép (dịch, tiểu thuyết, 1946); Trước lửa chiến đấu (dịch, truyện vừa, 1946); Trời hửng (dịch, truyện ngắn, 1946); Duyên máu (dịch, truyện ngắn, 1946); Doãn Thanh Xuân (dịch, truyện ngắn, 1946-1954); Địa dư các nước châu Âu (biên soạn chung với Văn Tân, 1948); Địa dư các nước châu Á, châu Phi (biên soạn chung với Văn Tân, 1949); Địa dư Việt Nam (biên soạn, 1951); Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (kịch bản chèo, 1951); Đóng góp (kịch, 1951); Kinh dịch (chú giải, 1953); Ngô Tất Tố và tác phẩm (tuyển tập, 2 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1971, 1976); Ngô Tất Tố – Toàn tập (5 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1996); Ngô Tất Tố – Toàn tập, bộ mới (dự kiến 30 tập, Nhà xuất bản Hội nhà văn – Công ty văn hóa Phương Nam, 2005).

 Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).

 Gần ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Văn nghệ Việt Nam họp trên đồi Nhã Nam. Cuộc đấu tố của văn nghệ sĩ diễn ra gay gắt căng thẳng. Người ta đã vu cáo những chuyện tày trời, quyết liệt dồn Ngô Tất Tố vào tận chân tường. Tác giả Lều chõng và Việc làng đã phạm tội phục cổ nhằm mục đích gì?  Và, Ngô Tất Tố đã qua đời vào đêm 20 tháng 4 năm 1954 bằng thắt cổ tại nhà riêng ở Yên ThếBắc Giang. Cái sự chết của nhà văn  khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ chối không cho chôn.

Cái chết của nhà văn Ngô Tất Tố qua lời kể của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

 

Nguyễn Thị Hiền

20-9-2023

Tiếng Dân

Kim Văn Chính: Ngô Tất Tố qua lời kể của hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn Kim Lân. Cụ Ngô Tất Tố mất năm 1954 lúc bắt đầu cải cách ruộng đất lần 1. Cụ bị “đấu tố” và cụ đã ra đi rất tức tưởi.

 

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con nhà văn Kim Lân. Nguồn: FB tác giả.

Công chúng văn học biết đến Ông – nhà văn Ngô Tất Tố với tác phẩm Tắt Đèn nổi tiếng và còn biết đến ông như một nhà báo tài năng sắc sảo, một nhà nho học uyên thâm. Nhưng qua trang viết của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (họa sĩ Nguyễn Thị Hiền con gái của nhà văn Kim Lân, người yêu – người đàn bà không tên trong thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ), chúng ta thấy được nhân cách cao đẹp, khí tiết lẫm liệt của ông. Xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:

***

Trên quả đồi Cháy, Ấp Cầu Đen, Yên Thế, Bắc Giang những năm tản cư chống Pháp, có mấy gia đình văn nghệ sỹ ở đó. Giữa đồi là nhà bố tôi (Nhà văn Kim Lân). Sát cạnh nhà tôi là nhà bác Hồng (Nhà văn Nguyên Hồng). Rồi đến nhà bác Bình (Họa sĩ Tạ Thúc Bình). Phía đầu quả đồi là nhà vợ cả bác Tố (Nhà văn Ngô Tất Tố và Họa sĩ Trần Văn Cẩn). Cuối quả đồi cũng là nhà bác Tố, nhưng đấy là nhà vợ hai của bác. Rồi sau có thêm cô Anh Thơ; bác Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm; cô Túc vợ bác Nhạc sỹ Đỗ Nhuận cùng về ở.

Tôi thường hay lấp ló đứng ngoài cửa xem bác Trần Văn Cẩn, bác Nguyễn Tư Nghiêm, bác Tạ Thúc Bình vẽ. Tôi có thể đứng im hàng giờ nhìn các bác vẽ.

Một hôm không nhịn được tôi đã đánh cắp 1 viên phấn của bác Tạ Thúc Bình ngồi hí hoáy vẽ. Tôi đã vẽ những nét đầu tiên nguệch ngoạc trên nền đất đỏ của quả đồi. Vẽ một hồi nhìn hòn phấn vừa lấy cắp của bác Tạ Thúc Bình trên tay, bỗng tôi xấu hổ quá! Bố mẹ đã dậy không được lấy bất kỳ cái gì của ai, tần ngần tiếc rẻ bức tranh vẽ trên nền đất đỏ, hối hận vì đã không nghe lời bố mẹ, tôi vội đứng lên rón rén trở lại nhà bác Bình, trả lại viên phấn vào chỗ cũ, thở phào nhẹ nhõm, lòng sao lâng lâng nhẹ nhàng thế…

Nhà bác Ngô Tất Tố trồng một khóm hồng, ra hoa đẹp lắm, mùi thơm ngát, thích quá, suốt ngày tôi đi vòng quanh cây hoa, ngắm nhìn, chỉ muốn hái một bông, nhưng nhớ lại chuyện viên phấn lấy của bác Bình, tôi lại đứng yên chỉ dám ghé mũi hít hà hương thơm của hoa, và cứ đi vòng quanh khóm hồng, không sao về nhà nổi.

Thấy tôi cứ đi loanh quanh hít hà xun xoăn bên khóm hoa hồng không về được, bỗng bác Tố bất thình lình xuất hiện. Tôi sợ quá, đứng im, miệng lí nhí: Cháu chào bác ạ.

Bác nhìn tôi hỏi: Sao bác thấy cháu cứ vòng quanh cây hoa của bác lâu lắm rồi?

Tôi líu ríu nói, cây hoa của bác ra hoa đẹp và thơm quá, cháu thích lắm nhưng không dám hái chỉ dám ngắm và ngửi mùi thơm thôi ạ.

Nghe tôi nói vậy, bác nói: Thế để bác hái tặng cháu một bông hồng nhé.

Nói rồi, bác nhẹ nhàng ngắt một bông hoa hồng đỏ thắm, cúi xuống đưa cho tôi và nói:

– Bác tặng cháu bông hồng này!

Vừa sợ vừa cảm động, tôi ngước nhìn bác, bác cao lớn nghiêm nghị, tôi lúc nào cũng tò mò nhìn bác và sợ bác lắm, vậy mà bác lại cúi xuống trìu mến nhìn tôi và tặng tôi bông hồng. Cầm bông hồng bác tặng trong tay, tôi líu ríu cám ơn bác, rồi chạy một mạch về nhà.

Bác Ngô Tất Tố cũng làm tôi thắc mắc lắm. Khi đó tôi nghĩ bác đã là già lắm rồi. Bác có hai vợ, bà cả sống ở đầu quả đồi phía đường đất đỏ, bà hai sống ở cuối đồi phía cánh đồng. Cứ buổi chiều chập choạng, bác Tố chống gậy đi xuống nhà bà hai, có một con vịt lạch bạch theo sau, buổi sáng bác lại chống gậy lên nhà bà cả, con vịt lại lạch bạch theo về.

Ngày nào cũng y như ngày ấy, chẳng hiểu bác luyện con vịt thế nào mà nó cứ theo bác không rời. Tôi cứ lấp ló đứng ở vườn nhà, đợi bác sáng đi, tối về qua cổng nhà tôi cùng con vịt, lòng lấy làm kỳ lạ lắm.

Ở trên đồi, tôi sợ bác Tố nhất, bác già rồi, lại uy nghiêm, không ồn ào vui vẻ như bố tôi và các bạn của bố. Đến như bố tôi vẫn phải gọi là cụ Tố, bác Tố. Chẳng ai dám cười nói kha kha, khơ khơ trước mặt bác như lúc các bạn của bố tôi bác Hồng, bác Nguyễn Huy Tưởng, bác Tô Hoài, bác Nguyền Đình Thi, bác Văn Cao, bác Trần Dần, chú Phùng Cung, Phùng Quán… uống rượu, cười nói với nhau cả. Vì thế, tôi cũng sợ bác lắm, chỉ dám đứng từ xa nhìn bác thôi.

Thế rồi, bỗng một hôm tôi thấy bố tôi cùng các bác buồn rầu, lo lắng ra mặt, đi ra đi vào thì thầm nói, cụ Tố quyết không chịu ăn uống gì, kiểu này chết mất thôi. Mọi người bồn chồn lo lắng, nhưng không ai làm được gì…

Rồi bác Tố mất vào năm 1954. Việc bác mất là một bí ẩn đối với tôi. Suốt 12 ngày bác tuyệt thực không ăn gì, bác quyết ra đi!!!

Mãi sau này tôi mới biết bác đã tuyệt thực đến chết để quyết tâm phản đối cải cách ruộng đất.

Sau này tôi đã tìm đọc các tác phẩm “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Lều chõng”, “Kinh dịch”… Bác còn dịch nhiều sách nữa. Hóa ra bác là một học giả uyên thâm, một nhà báo nổi tiếng với 59 bút danh, gần 1500 bài báo.

Di sản báo chí ông viết để lại đã là những tư liệu phong phú, chi tiết, phản ánh toàn diện và trung thực xã hội Viêt Nam đầu thế kỷ 20” (NXB Hội Nhà Văn Hà Nội 2004).

Bác thông hiểu kim cổ, tác phẩm của bác để lại, có những tác phẩm đến bây giờ người bình thường đọc cũng khó khăn và không hiểu nổi, cần phải có kiến thức cao, nghiên cứu nhiều mới hiểu được.

Bác Ngô Tất Tố được coi là nhà văn hàng đầu của trào lưu văn học hiện thực phê phán của Việt Nam trước năm 1945.

Bác đã quyết ra đi ngày 20 tháng 4 năm 1954 tại quả đồi Cháy, Yên Thế, Bắc Giang.

Bác được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1.

Để tưởng nhớ bác, Bố tôi và bác Nguyễn Tuân đã đóng trong phim “TẮT ĐÈN” theo tác phẩm của bác, do đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa làm đạo diễn.

Bông hồng bác tặng tôi lần đầu tiên trong tuổi thơ của mình. Mầu hoa đỏ thắm, âm thầm mãnh liệt, mùi thơm như còn phảng phất đâu đây, khiến tôi mỗi lần nhìn thấy lại nhớ đến bác với tấm lòng vừa kính trọng, vừa ngưỡng vọng, kèm theo nỗi sợ hãi cao vợi. Cảm giác đúng như cầm bông hoa đẹp trong tay, mùi thơm phảng phất, cao xa, mong manh mà vô cùng mạnh mẽ như cuộc đời của bác khó lòng ai với tới mà bác đã gửi lại trong tâm hồn của tôi mãi mãi.

______

Cập nhật: Sau khi đăng bài này, chúng tôi đọc được bài viết của bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái nhà văn Ngô Tất Tố, nói về việc cha của bà qua đời, từ Facebook của nhà văn Phan Thúy Hà. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, chúng tôi xin đăng lại toàn bộ nội dung như sau:

 

Ảnh: Bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái nhà văn Ngô Tất Tố. Nguồn: Phan Thúy Hà

Ông cụ ốm, yếu dần, rồi ra đi. Cụ từng bị ngã dưới chân đồi, được hai người dìu về nhà.

Sau đợt ốm đó cụ vẫn đi làm, sức khoẻ yếu dần.

Anh tôi Ngô Mạnh Duẩn, uỷ viên ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc, anh bị hen, nghỉ viêc về nhà vừa dưỡng sức vừa chăm bố.

Trước đó bố ăn uống đã rất kham khổ, có quả trứng gà nào chúng tôi nhường cho bố bồi bổ, bố cho rất nhiều tương vào để chia ra được cho các con cùng ăn và còn để phần sang bữa khác. Bố lại thường xuyên bị sốt rét. Có lần anh tôi mua được một lọ dầu cá về, bố cầm lọ dầu cá, lắc lắc và nói, uống hết lọ dầu cá này may ra khoẻ. Nhưng bố không khoẻ lên được chút nào mà lả dần, ăn gì vào cũng nôn, không nôn thì đi ngoài ngay lúc đó. Khoảng chục ngày trước khi bố mất, các cô chú ruột rà ngày nào cũng đến, ngồi quây quanh giường, mẹ và các con cứ ngồi vậy nhìn bố. Rồi bố trút hơi thở cuối cùng lúc khoảng 1 giờ sáng.

Tôi khi đó 16 tuổi. Tôi biết chứ. Nếu bố tôi tuyệt thực thì tôi nói là tuyệt thực. Tại sao phải giấu, tại sao phải chối. Sợ cái gì chứ, liên luỵ cái gì chứ. Có gì mờ ám hay bí mật đâu mà phải giấu. Bố chết như thế nào ngay trong nhà chẳng lẽ là con mà không biết, bố chết như thế nào chẳng lẽ cả gia đình anh em họ hàng không ai biết. Có gì bí ẩn mờ ám đâu mà chúng tôi phải ngại.

Tôi không hiểu tại sao người ta gán cho bố tôi cái chết như vậy.

Chúng ta tin ai về cái chết của nhà văn Ngô Tất Tố? (Đặng Chương Ngạn)

 

Nhà văn Alexander Alexandrovich Fadeev- Người từng là chủ tịch Hội nhà văn Liên Xô.

Hiện có hai thông tin về cái chết của nhà văn Ngô Tất Tố: Một của con gái nhà văn Ngô Tất Tố bà Ngô Thị Thanh Lịch, qua FB của nhà văn Phan Thúy Hà, một theo lời kể của hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền con gái nhà văn Kim Lân.

Cả hai đều là nhân chứng sống. Chúng ta biết tin vào lời kể nào?

Rất nhiều bạn tin vào lời kể của bà Ngô Thị Thanh Lịch. Họ tin bà là chứng nhân sống bên cạnh người đã mất, bà lại là con gái của chính nhà văn Ngô Tất Tố. Một số khác tin vào lời kể của hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền (con gái nhà văn Kim Lân).

Tôi không có lý do gì để bác lời kể của hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền.

Tôi cũng không có đủ niềm tin để tin rằng lời kể của bà Ngô Thị Thanh Lich về cha mình là đúng.

Vì lịch sử đã dạy cho chúng ta, nhiều khi chính những người thân vì lý do a,b,c …sẽ phải nói khác đi về cái chết của cha mẹ mình. Không cần nói đâu xa, tôi khẳng định hầu hết các nhân vật trong ĐOẠN ĐỜI NIÊN THIẾU của nhà văn Phan Thuý Hà đều đã có một câu chuyện rất khác về cái chết của chính cha, mẹ, ông bà của họ trong khoảng 30-40 năm cho đến khi họ kể thật với nhà văn Phan Thuý Hà gần đây.

Nếu chúng ta tìm được các bản lý lịch tự khai của họ về gia đình, những bản tự kiểm điểm của họ trước đoàn thể: họ đều viết rất khác với câu chuyện họ đã kể với nhà văn Phan Thuý Hà ở thời điểm này. Và đó là sự thật họ đã phải che giấu.

Nếu họ khai thật lý lịch họ vào những năm 1954-1980, họ không bao giờ có cơ hội để trở thành các giáo sư, tiến sỹ, nhà này, nhà nọ… như họ đã trở thành.

Cái chết của nhà văn Nga Alexander Alexandrovich Fadeev (1901 – 1956) là một minh chứng rõ ràng về điều này: rất nhiều năm chúng ta chỉ biết qua tin đồn Fadeev nát rượu và đã tự sát trong một cơn say cho đến khi lá thư tuyệt mệnh của ông được công khai:

“Cuộc sống của tôi với tư cách là một nhà văn đã mất hết ý nghĩa, nên tôi rời bỏ cuộc đời này với niềm vui vô bờ bến như sự giải thoát khỏi sự tồn tại ô nhục, nơi mà chỉ có sự dối trá, hèn mạt và vu khống đổ xuống đầu tôi.

Hy vọng cuối cùng của tôi chỉ là bộc lộ những điều này cho những người đang điều hành quốc gia, nhưng suốt ba năm trời, dù tôi đã thỉnh cầu, họ thậm chí không thèm tiếp tôi.

Tôi mong được chôn cất bên cạnh mẹ tôi. Alexander Fadeev.”

Đặng Chương Ngạn

Nguồn: https://www.facebook.com/dangchuongngan/posts/pfbid02AhmUxS8fpiGn3qz4RcfyqtPjhcdxDHtjz43B1SAM4Q7pqRiq3gp

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen