Seite auswählen

Đảng và Nhà nước phải chịu trách nhiệm về “quả bom” Vạn Thịnh Phát!

Mai Hoa Kiếm

Tiếng Dân

22-11-2023

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, đảng cộng sản nắm quyền “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”. Tất cả mọi thứ, từ cho phép thành lập ngân hàng, cơ cấu lại ngân hàng, xử lý công nợ… đều được chính phủ trình Bộ Chính trị, xin ý kiến. Thế nhưng, khi sự cố xảy ra, ảnh hưởng tới đời sống của người dân; thì những kẻ “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” lại trốn tránh trách nhiệm.

Đơn cử như vụ án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, báo chí quốc doanh cứ giật tít “Ai tiếp tay cho bà Trương Mỹ Lan nâng khống giá trị tài sản thế chấp”, hay “SCB vỡ nợ, trách nhiệm thuộc về ai”… Có lẽ truyền thông nhà nước cần nói rõ: Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm!

 

Tháng 3-2011, Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã ký ban hành văn bản số 02-KL/TW Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011. Theo đó, chóp bu của đảng lúc đó đã thấy rõ nguy cơ nợ xấu từ “bong bóng” bất động sản, bê bối từ các ngân hàng thương mại… Thay vì xử lý rốt ráo vấn nạn tiềm ẩn, đảng lại “đánh trống bỏ dùi”.

Ngày 26-12-2011, Thống đốc Ngân hàng NNVN Nguyễn Văn Bình, tức Bình “ruồi”, cho phép thành lập Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Bình “ruồi” cũng chỉ định Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) dưới sự điều hành của Trần Bắc Hà, được tham gia toàn diện vào SCB sau hợp nhất, với tư cách đại diện vốn nhà nước.

 

Ảnh: Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình bàn giao cho tân thống đốc Lê Minh Hưng. Nguồn: VNN

Theo thời gian, không rõ Bình “ruồi” và Trần Bắc Hà giúp sức ra sao mà trước khi sáp nhập, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn cổ phần tại các ngân hàng này. Sau khi hợp nhất với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bà Lan sở hữu hơn 85% cổ phần và tiếp tục mua thêm sau đó. Tóm lại, Ngân hàng SCB xem như thuộc về gia đình Trương Mỹ Lan.

Từ đây, thông qua SCB, các tập đoàn và các công ty chứng khoán trực thuộc, Trương Mỹ Lan phát hành trái phiếu huy động vốn lên đến triệu tỷ đồng. Đồng thời, bà Lan cũng lập ra cả một hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, gồm cả ngàn công ty lớn nhỏ để rút ruột hàng triệu tỷ đồng từ SCB, thông qua các hợp đồng vay vốn. Cũng trong năm 2011, vợ chồng Trương Mỹ Lan nhận Huân chương Lao động hạng ba, do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký.

 

Vợ chồng Trương Mỹ Lan – Chu Lập Cơ nhận Huân chương lao động dịp 30-4-2011. Photo Courtesy

Ngày 7-1-2014, Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Vinalines, Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ GTVT, khai trước toà chi tiết ông Dũng được bà Trương Mỹ Lan (Công ty Vạn Thịnh Phát) nhờ chuyển giúp 1 triệu USD cho tướng Phạm Quý Ngọ để bà Lan lấy dự án tại Cảng Sài Gòn. Số tiền đó Dũng nhận từ tay của ông Tiệp (tức tướng Trần Quang Tiệp, là trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang).

Rõ ràng, “bộ ba” Dương Chí Dũng – Phạm Quý Ngọ – Trần Đại Quang đều liên đới “nhúng chàm” vào việc làm ăn mờ ám của Trương Mỹ Lan cả chục năm trước. Vụ này cả nước biết và Dương Chí Dũng cũng có đơn gởi Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Trưởng Ban Nội chính trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Vậy mà cả bộ máy từ trung ương xuống, đều làm ngơ.

 

(Xin được nhắc lại, sau lời khai của Dương Chí Dũng, hơn một tháng sau, ngày 18-2-2014, Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, lăn đùng ra chết! Còn Dương Chí Dũng vẫn y án tử hình trong phiên phúc thẩm ngày 5-4-2014. Nhưng sau gần 10 năm nhận án tử, vẫn chưa có lệnh thi hành án tử hình Dũng, cũng không ai biết hiện nay Dũng đang ở đâu, sống chết ra sao).

Lo sợ bị truy cứu hình sự do Dương Chí Dũng khai ra, tháng 5-2014, Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình là Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hoà, đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam, để dễ bề cao chạy xa bay sau này. Tuy nhiên, được thế lực lãnh đạo cấp cao là Lê Thanh Hải và Trần Đại Quang bảo kê, trấn an, nên một năm sau, Trương Mỹ Lan và 9 thành viên gia đình bà ta đã huỷ đơn xin thôi quốc tịch.

Nếu chóp bu của đảng chỉ đạo truy đến tận cùng lời khai của Dương Chí Dũng, thì ngày đó Trương Mỹ Lan đã bị bắt giam, cũng như dân chúng không phải để quốc tang một tên tội phạm là chủ tịch nước, có tên Trần Đại Quang!

Tháng 5-2016, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố, một số nhân vật trong “Hồ sơ Panama” có tên Trương Mỹ Lan (Truong My Lan) và chồng là Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric).

 

“Hồ sơ Panama” rò rỉ tài liệu bí mật, tiết lộ cách thức những kẻ giàu có và quyền lực trên thế giới chuyển tiền ra nước ngoài nhằm trốn thuế, rửa tiền… ra sao, từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12-2015. Một lần nữa, Đảng biết, các cơ quan bảo vệ pháp luật biết; nhưng thay vì điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ, xác minh, thẩm định… thì họ lại vờ như không nghe, không thấy bất cứ chuyện gì.

Tháng 11-2017, Bộ Chính trị kỷ luật “vuốt đuôi” khi cách chức cựu “Bí thư Thành uỷ TPHCM giai đoạn 2010-2015” của Lê Thanh Hải, (tức Hai Nhựt) và kỷ luật, khiển trách cựu “Chủ tịch UBND TP giai đoạn 2010-2015” của Lê Hoàng Quân. Đúng như đồn đoán, Đảng thoả hiệp với Lê Thanh Hải, thì chuyện Trương Mỹ Lan bị xộ khám lúc đó, đã không xảy ra.

 

Lê Thanh Hải và Trương Mỹ Lan tại một sự kiện. Ảnh trên mạng

Chính nhờ quyền lực “nghiêng trời” của Hai Nhựt ở thành Hồ mà Vạn Thịnh Phát thâu tóm được hầu hết những lô đất “kim cương” ở trung tâm thành phố có thời được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông”; cũng như như sở hữu Ngân hàng SCB, huy động vốn và qua mặt cả thượng tầng chính trị.

Ngoài ra, giữa anh Hai Nhựt và Trương Mỹ Lan còn có “dây mơ rễ má” nữa là, Lê Trương Hải Hiếu, con trai của Hai Nhựt, sống như vợ chồng với Cheng Bảo Phương và có hai con, một trai một gái. Về mặt danh nghĩa, Hai Nhựt và Lan là sui gia, bởi Cheng Bảo Phương Phương là cháu ruột và cũng là con nuôi của Trương Mỹ Lan. Lê Trương Hải Hiếu hiện là Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM.

 

Lê Trương Hải Hiếu và Cheng Bảo Phương thời còn mặn nồng. Photo Courtesy

 

 

Cheng Bảo Phương và hai con của cô với Lê Trương Hải Hiếu. Photo Courtesy

Dân đòi tiền, Lan “xộ khám”, quan chức nhảy lầu tự tử

Mặc dù lực lượng công an luôn đe doạ, đàn áp thẳng tay người dân gởi tiền và các nhà đầu tư trái phiếu, khi họ đến đòi rút tiền tại Ngân hàng SCB, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cấm báo chí quốc doanh đưa tin xấu về SCB, Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan, nhưng cuối cùng tuyên giáo cũng không bưng bít nổi thông tin.

 

Ảnh: Người dân xuống đường biểu tình, đòi tiền SBC. Photo Courtesy

    

Tháng 10-2022, không thể che đậy “quả bom SCB” được nữa, khi người gởi tiền không thể rút được vốn, ngân quỹ của SCB chỉ còn là những cái két sắt rỗng ruột, cơ quan điều tra buộc phải “tính sổ” với Trương Mỹ Lan. Ngày 8-10-2022, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan, cùng tay chân của bà bị bắt.

Một ngày trước, ngày 7-10-2022, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đột tử.

 

Ngày 10-10-2022, bà Nguyễn Phương Hồng, Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chết trong trại tạm giam sau hai ngày bị khởi tố, bắt giam.

Ngày 14-10-2022, ông Nguyễn Ngọc Dương, giám đốc công ty Sài Gòn Penninsula, cựu tổng giám đốc công ty Vạn Phát Hưng, hai công ty con của Vạn Thịnh Phát, cũng đã chết do “nhảy lầu” tự tử.

Sau khi bà Lan bị bắt, cùng các yếu nhân của SCB và Vạn Thịnh Phát tự tử, đột tử, hoặc chết không rõ nguyên nhân, điều này đã khiến các quan chức từng giúp sức, cầm tiền của Vạn Thịnh Phát, co rúm, lo sợ bị réo tên.

Chiều 19-11-2022, ông Hứa Ngọc Thuận, tức Bảy Thuận, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM lên sân thượng nhà riêng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhảy lầu tự tử và chết tại chỗ.

Ông Hứa Ngọc Thuận sinh năm 1956, tại Bến Tre. Tháng 7-2009, ông Thuận được bầu làm phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2004 – 2011. Thời điểm đó, ông là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư – xây dựng Khu đô thị Nam TP, nơi Vạn Thịnh Phát phát triển nhiều đại dự án.

Hai ngày sau khi ông Hứa Ngọc Thuận tự tử, ngày 21-11-2022, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng khoá 13, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026, cũng đã nhảy lầu và chết tại chỗ, ngay trụ sở Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng, địa chỉ số 7 đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1964, quê Thăng Bình, Quảng Nam, từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ KonTum và là đệ tử thân tín của ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Hùng được cho là đã nhận số tiền chạy án rất lớn từ gia đình Trương Mỹ Lan. Cái chết của ông Hùng được cho là bị các đồng chí của ông ta bức tử, vì đó là cách duy nhất để bảo toàn thanh danh cho đảng và tài sản cho cho vợ con của ngài Phó chủ nhiệm UBKT Trung ương.

Ngày 4-3-2023, Trần Văn Minh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, đã treo cổ tự tử lúc 6h30 sáng. Nhận được tin báo, xe cấp cứu đến nhà, đưa ông Minh vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong tình trạng chết lâm sàng. Các bác sĩ bó tay, hồ sơ bệnh án tại bệnh viện ghi rõ “ngưng tim, ngưng thở trước khi vào viện”.

Trần Văn Minh sinh năm 1967, quê Quảng Ngãi, học chuyên tu nhưng có học vị Tiến sĩ Kinh tế. Ông Minh được cho là đã giúp Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí có được dự án nghìn tỷ Sài Gòn – Đại Ninh tại Lâm Đồng, cũng như vô hiệu hoá các đơn thư tố cáo nhắm vào Trương Mỹ Lan.

Vụ án Vạn Thịnh Phát còn một chi tiết đáng chú ý: Chỉ với chức vụ Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, mà Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ 5,2 triệu Mỹ kim từ Trươmg Mỹ Lan, thì Thống đốc thời điểm đó là Lê Minh Hưng và cả “cha đẻ” cấu trúc tạo nên SCB hợp nhất là Nguyễn Văn Bình, chẳng lẽ không nhận của Trương Mỹ Lan đồng nào chăng? Liệu sẽ còn có thêm cựu quan chức ngân hàng nào bị biến thành “củi” hoặc nhảy lầu tự tử trong những ngày tới?

Tiền của dân sẽ vào túi ai?

Vụ án Vạn Thịnh Phát rồi cũng sẽ như “nước chảy qua cầu”, tương tự như các đại án khác. Nhà nước sẽ tịch thu tài sản, tiền bạc… hàng trăm ngàn tỷ của gia đình Trương Mỹ Lan, sung vào công quỹ. Nhưng các nạn nhân của vụ án này chính là dân chúng, họ bị mất tất cả những đồng tiền mà họ kiếm được từ mồ hôi, nước mắt, gởi vào SCB và đầu tư vào trái phiếu của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Vụ án này còn phơi bày bộ mặt thật của chế độ, trong đó giới chức chóp bu cấu kết, ăn chia với giới tài phiệt, mà đằng sau nó có cả một thế lực mafia hắc ám nước ngoài, để rút ruột ngân khố quốc gia và ăn trên xương máu, nỗi thống khổ, bần cùng của người dân. Trong khi những kẻ “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” chỉ biết nhận công, chứ không bao giờ biết nhận trách nhiệm khi để xảy ra hàng chục vụ đại án dưới thời của chúng. Cuối cùng thì tiền của dân tiếp tục cúng nạp cho đảng, qua trung gian là đám “củi” to, “củi” nhỏ.

Bà Trương Mỹ Lan và hậu quả “bên trọng, bên khinh”

 

Bình luận của blogger Đồng Phụng Việt
RFA
2023.11.22
sharethis sharing button

Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

 RFA edit

Kết luận điều tra (KLĐT) vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Grroup) liên quan đến bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng quản trị VTP Group (1) đang khuấy động dư luận.

Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang khai thác tận tình KLĐT mà công an Việt Nam cung cấp để biểu dương chiến công mới của ngành này: Tìm ra 86 cá nhân đã phạm một hoặc nhiều tội như  “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “tham ô tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và đề nghị truy tố họ.

Tuy nhiên nếu chỉ dùng công luận hướng sự chú ý của công chúng vào các viên chức đảm nhận công việc thanh tra – giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì rõ ràng chưa thỏa đáng…

***

Theo KLĐT, sở dĩ bà Trương Mỹ Lan có thể gây thiệt hại vài trăm ngàn tỷ vì có thể lũng đoạn hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Các sai phạm xảy ra tại SCB, dẫn tới thiệt hại đến 500.000 tỷ vì không được ngăn chặn kịp thời.

Trách nhiệm phát hiện – ngăn chặn các sai phạm tại SCB được đổ lên đầu một đoàn thanh tra được thành lập vào tháng 8/2017. Đoàn thanh tra này có 18 thành viên, trong đó chín người là cán bộ của cơ quan Thanh tra – Giám sát thuộc NHNN, bốn người là cán bộ của Thanh tra Chính phủ (TTCP), ba người của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UB GSTC QG), hai người của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Đoàn này có trách nhiệm “kiểm tra hoạt động cấp tín dụng kể từ 30/6/2014 và thực trạng nợ xấu, kế hoạch tái cơ cấu, các khoản lãi và phí phải thu, đánh giá hoạt động quản trị tại hội sở chính và 12 chi nhánh của SCB”. Việc kiểm tra SCB được chia thành hai đợt.

Cả ông Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh Thanh tra phụ trách cơ quan Thanh tra – Giám sát của NHNN) lẫn bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Thanh tra – Giám sát, người giữ vai trò Trưởng Đoàn Thanh tra SCB) cùng nhận tiền của bà Lan, nhất trí kiến nghị cho SCB “tái cơ cấu” và đưa SCB ra khỏi diện “kiểm soát đặc biệt”. Nhờ vậy, ông Hưng được bà Lan “biếu” 390.000 Mỹ kim, bà Nhàn được bà Lan “biếu” 5,2 triệu Mỹ kim. Tất cả những thành viên còn lại của Đoàn thanh tra SCB đều được “biếu” tiền. Người nhận ít nhất là 100 triệu, người nhận nhiều nhất là 40.000 Mỹ kim. Tuy 100% thành viên Đoàn thanh tra SCB nhận tiền nhưng chỉ có bà Nhàn bị đề nghị truy tố “nhận hối lộ”, những người còn lại chỉ bị đề nghị truy tố “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (2).

Đáng lưu ý có bảy người tuy rõ ràng đã “nhận hối lộ” nhưng công an bỏ qua, không truy cứu trách nhiệm hình sự vì “chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao, chủ động khai báo về sai phạm, nộp lại tiền đã nhận và tích cực hợp tác điều tra”!

***

Cứ như những gì báo giới Việt Nam đã lược thuật về KLĐT của công an Việt Nam thì rõ ràng việc áp dụng pháp luật đối với các cá nhân từng tham gia Đoàn thanh tra SCB không nhất quán và không thể hiểu vì sao lại thế! Tại sao cùng nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan, cùng tham gia chỉ đạo đổi tình trạng của SCB từ đen thành trắng nhưng hành vi của bà Đỗ Thị Nhàn là “nhận hối lộ” còn hành vi của ông Nguyễn Văn Hưng chỉ là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”? Tại sao cùng nhận tiền và góp phần vào việc đổi tình trạng của SCB từ đen thành trắng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại có bảy cá nhân là cán bộ của TTCP, cán bộ của KTNN, cán bộ của UB GSTC QG được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự?

Chẳng lẽ ông Hưng “cao quý” hơn bà Nhàn nên 390.000 Mỹ kim trở thành quá… nhỏ, không đáng để xem là tiền hối lộ ông Hưng? Chẳng lẽ một số cán bộ của Thanh tra chính phủ, của KTNN, của UB GSTC QG cũng vậy nên không cần truy cứu trách nhiệm hình sự như những thành viên khác trong Đoàn thanh tra SCB? Tương tự, tại sao chỉ đổ trách nhiệm về hậu quả do bà Lan gây ra và thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng của SCB lên đầu một số thành viên Đoàn thanh tra SCB?

Năm 2012 – thời điểm công an Việt Nam khởi tố vụ án “tham ô tài sản” xảy ra ở Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (mua ụ nổi đã hết hạn sử dụng với giá 2,3 triệu Mỹ kim rồi nâng lên thành… 19 triệu Mỹ kim, chưa kể còn áp dụng phương thức này trong nhiều dự án đầu tư khác để nâng khống giá trị, chiếm đoạt số tiền tính bằng ngàn tỷ), ông Dương Chí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines) đột nhiên biến mất ngay trước ngày công an thực hiện lệnh bắt. Sau khi bị dẫn độ về Việt Nam, phải ra tòa, trước tòa, ông Dũng khai chính ông Phạm Quý Ngọ – Thượng tướng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban chuyên án Vinalines gọi điện thoại để khuyên ông bỏ trốn… Ông Dũng còn khai thêm nhiều chuyện động trời khác…

000_Del6274542.jpg

Ông Dương Chí Dũng (giữa) ra tòa ở Hà Nội hôm 16/12/2013. AFP

Chẳng hạn một người tên Tiệp từng giúp bà Trương Mỹ Lan giao cho ông Dũng 20 tỷ để ông Dũng chuyển cho ông Ngọ. Trước toà, ông Dũng khai rất rõ ràng rằng lúc đó, nhân vật tên Tiệp bảo ông Dũng: Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an – để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa…

Cũng theo lời ông Dũng: Sau đó ít ngày, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang Bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo lại với anh Quang là anh Ngọ có giới thiệu công ty như thế… Anh Quang bảo chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả. Ông Dũng còn khai thêm ông từng đưa 30.000 Mỹ kim cho hai sĩ quan của C48 (3)…

Không rõ có phải vì thành khẩn như đã tường thuật hay không mà kết quả chung thẩm vẫn là ông Dương Chí Dũng bị phạt tử hình. Tháng sau (2/2014), ông Phạm Quý Ngọ đột tử (4). Cả đơn tố cáo mà ông Dương Chí Dũng gửi nhiều lãnh đạo đảng, nhà nước sau phiên xử sơ thẩm lẫn lời khai của ông tại phiên xử phúc thẩm chỉ khuấy động dư luận được một thời gian ngắn rồi rơi tõm vào quên lãng. Toàn bộ hệ thống tư pháp, từ Tòa án, Viện Kiểm sát tới Bộ Công an không làm gì cả ngoài chuyện Bộ Công an công bố quyết định khởi tố phóng viên Nguyễn Hùng của BBC (5) vì trong tường thuật về phiên phúc thẩm ông Dũng đã… ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp – Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trong khi Dũng khai tên người đưa tiền là ‘Tiệc’ (6)…

Tháng 4/2016, ông Trần Đại Quang thôi làm Bộ trưởng Công an để đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tháng 8/2017 giới hữu trách ở Việt Nam quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của SCB từ 30/6/2014. Xin lưu ý bà Trương Mỹ Lan và VTP Group đã nổi tiếng về khả năng “chọc Trời, khuấy nước” từ lâu và từ lâu, công chúng đã thắc mắc tại sao bà Trương Mỹ Lan cũng như VTP Group có thể làm được những chuyện khó tưởng như đã biết.

SCB hình thành từ ba ngân hàng là Sài Gòn, Tín Nghĩa, Đệ Nhất. Bà Lan chỉ có thể sử dụng SCB như công cụ kể từ 2012. Vì sao đề cao “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” nhưng hệ thống tư pháp lại bỏ qua những lời khai của ông Dương Chí Dũng, không “mở rộng điều tra” như vẫn làm thế? Nếu công an Việt Nam thật sự “chí công vô tư”, thật sự có trách nhiệm trong việc bảo vệ, thực thi pháp luật thì bà Lan có thể lũng đoạn hoạt động của SCB trong mười năm và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như công an vừa công bố hay không? Chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của các thành viên Đoàn thanh tra SCB có thỏa đáng hay không? Ngành Kiểm sát có trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra – xác định lại trách nhiệm của giới lãnh đạo ngành công an, ít nhất là vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, vì để “sót người, lọt tội” hay vui vẻ truy tố như công an muốn?

____________

Tham khảo:

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/toan-canh-vu-an-van-thinh-phat-lien-quan-ti-phu-truong-my-lan-20231120012630041.htm

(2) https://vnexpress.net/100-thanh-vien-doan-thanh-tra-nhan-tien-de-dung-tung-cho-scb-4679130.html

(3) https://giaoduc.net.vn/duong-chi-dung-khai-gi-ve-nhung-lan-hoi-lo-nguoi-cua-bo-cong-an-post136923.gd

(4) https://petrotimes.vn/tuong-pham-quy-ngo-tu-tran-161129.html

(5) https://www.bbc.com/vietnamese/blogs/2014/04/140424_duong_chi_dung_and_the_millions_blog

(6) https://vov.vn/phap-luat/khoi-to-vu-an-vu-khong-lien-quan-den-bai-bao-dang-tren-bbc-323292.vov

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Ba vấn đề liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát

Nguyễn Ngọc Chu

23-11-2023

1.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát, về ba tội: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng; Đưa hối lộ [1].

Trong khối tài sản kê biên của bà Trương Mỹ Lan có 1.237 bất động sản [2]. Bà Trương Mỹ Lan là chủ của nhiều dự án bất động sản tại các khu đất vàng của TP.HCM [3] như Times Squares, Khách sạn Duxton, Union Square …

Câu hỏi là: Việc chuyển giao các khu đất vàng cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã tuân thủ theo đúng pháp luật chưa? Có bỏ sót tội phạm trong lĩnh vực này không? Hay là sẽ xem xét vấn đề này trong các trường hợp khác?

2.

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thì trong vụ án Việt Á [4] số tiền thu lợi bất chính là 1.200 tỷ đồng, số tiền hối lộ là 106 tỷ đồng. Liên quan đến sai phạm trong vụ án Việt Á [5] đã phải xử lý đến ba Uỷ viên Trung ương Đảng. Vụ án Vạn Thịnh Phát có mức độ sai phạm lớn hơn rất nhiều so với vụ án Việt Á [6], đạt kỷ lục về hối lộ và thất thoát, nhưng chưa thấy cán bộ cấp cao nào bị liên đới. Chỉ riêng Dự án di dời công năng cảng Sài Gòn, theo lời khai của ông Dương Chí Dũng, thì bà Trương Mỹ Lan đã qua ông Dương Chí Dũng để chuyển đến cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ một triệu USD [7].

Mức độ sai phạm rất lớn của vụ án Vạn Thịnh Phát mà chỉ liên quan đến cấp vụ trưởng, cục trưởng [5] thì có bình thường không?

3.

Luật pháp ban ra thì rõ ràng, không thể tuỳ tiện theo quan điểm của người xét xử. Đã nhận tiền thì phải có nguyên do. Làm sao có thể xác định được nhận tiền mà “không có động cơ”, “không cam kết làm gì có lợi cho bên đưa tiền”. Ông Chu Ngọc Anh mấy tháng mà không nhớ túi quà, khi chuyển nhà mới phát hiện ra, thì làm sao chứng minh được có cam kết?

Cho nên:

“Người nhận ít, không có động cơ; nhận tiền vào dịp lễ tết như bồi dưỡng, quà; không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nguyên nhân, hoàn cảnh. Các trường hợp này sẽ không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính”. [8]

không phải “có lý có tình” mà đã vận dụng không đúng Luật pháp. Đã có tội thì chiếu theo Luật [9] mà xử, tại sao lại “không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính”?

Các thầy cô giáo giảng dạy về Luật sẽ giải thích ra sao cho sinh viên về “nhận tiền mà không có động cơ, không cam kết làm lợi cho người đưa tiền”?, “không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính”? Đây có phải là điểm mới khác biệt của của Nhà nước Pháp quyền XHCN?

Các vị ĐBQH đang tham gia Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV không biết có thời gian để lưu tâm đến các vấn đề nêu trên?

Nhân dân nhiệt liệt ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của Nhà nước. Càng mong muốn không bỏ sót tội phạm.

_____

TÀI LIỆU DẪN

[1] https://vnexpress.net/them-72-nguoi-lien-quan-dai-an-van…

[2] https://tuoitre.vn/ke-bien-hang-ngan-bat-dong-san-du…

[3] https://vietnamnet.vn/kinh-ngac-nhung-khu-dat-vang-cua…

[4]https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vu-viet-a-vi-sao-co….

[5] https://vnexpress.net/23-cuu-lanh-dao-bi-khoi-to-lien…

[6] https://tuoitre.vn/vu-van-thinh-phat-la-ky-luc-ve-hoi-lo…

[7] https://tuoitre.vn/nhung-loi-khai-chan-dong-cua-duong-chi…

[8] https://vnexpress.net/mientrach-nhiem-hinh-su-nguoi-khong…

[9] https://thuvienphapluat.vn/…/toi-nhan-hoi-lo-theo-quy….

Ai sẽ trả tiền SCB?

 

25-11-2023

 

Những ngày này năm trước (2022) chứ đâu xa. Nhớ mấy hôm cuối tháng 11.2022 ấy, tôi đi qua mấy trụ sở, phòng giao dịch của ngân hàng SCB thấy đông nghẹt người. Phát hoảng, hỏi ra thì biết người dân tới rút tiền, lo bị mất sau khi đại gia Trương Mỹ Lan bị bắt.

Người dân nằm trước ngân hàng SCB Hà Nội, biểu tình đòi tiền. Nguồn: Facebook

Vẫn nhớ rất rõ, trước tình hình căng, chính quyền, công an, ngân hàng nhà nước, báo chí mậu dịch cùng lên tiếng trấn an dân chúng, nói người dân đừng lo lắng, đừng rút tiền, tiền ở đâu thì còn đó, không có gì mà lo…, đồng thời đề nghị nhà nước xử lý nghiêm những thế lực thù địch, lợi dụng đục nước béo cò, tung tin kích động, xuyên tạc, gây rối, gây hoang mang, kích động dân chúng đi rút tiền.

Đích thân Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng đứng ra tuyên bố (được hầu hết báo mậu dịch thuật lại đầy đủ) rằng: “Mọi quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền ở SCB luôn được nhà nước bảo đảm“. Đại loại, ngân hàng là ngân hàng, Mỹ Lan là Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát là Vạn Thịnh Phát, đâu ra đó, bà con đừng lo, chẳng kẻ nào chiếm đoạt được tiền của bà con. Nếu xảy ra sự gì, đã có nhà nước lo, đứng ra chịu trách nhiệm.

Nay thì con mẹ Mỹ Lan đã bị công an tố tội chiếm đoạt hết tiền của SCB, tất nhiên trong đó có tiền gửi tiết kiệm của dân. Chưa thấy chị Hồng lên tiếng gì về khoản tiền gửi này. Ai sẽ trả cho dân, hay lại đổ hết cho con mẹ Lan? Nó còn gì mà trả, ngoài cái thân nó.

Đứa cháu tôi năm xưa bán cái nhà, được khoản tiền đem gửi vào SCB để kiếm chút tiền lãi sống qua ngày. Năm ngoái nó cũng đi xếp hàng rút tiền, sau nghe lời bà Hồng nên về, không rút nữa. Không tin bà Hồng thì tin ai.

Mấy hôm rồi, nó cứ gọi cho tôi suốt, hỏi phải làm sao. Thì biết làm sao bây giờ. Tôi nói, ai năm ngoái khuyên mày đừng rút thì họ sẽ có trách nhiệm trả cho mày. Về đạo lý thì thế, chứ theo luật là mày thua rồi, cháu ạ. Thôi thì cứ chờ xem, ở hiền gặp lành.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen