Seite auswählen

 

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch

  

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

THƯ VIỆN PHẬT VIỆT Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

BBC

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người từng bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – một tổ chức tôn giáo không được chính quyền Việt Nam công nhận, vừa qua đời.

Báo Giác Ngộ xác nhận Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch lúc 16 giờ ngày 24/11/2023, thọ 81 tuổi.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vốn nổi tiếng là một nhà tu hành uyên bác, là dịch giả của nhiều bộ kinh, luật, luận, tác giả của các công trình nghiên cứu Phật học giá trị.

Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, là nhà thơ, dịch giả và có nhiều hoạt động được cho là bất đồng với chính phủ Việt Nam.

Trong số các sự kiện gây chấn động Phật giáo Việt Nam thời gian trước là việc ông bị bắt năm 1984, sau đó bị chính quyền Việt Nam tuyên án tử hình năm 1988, với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.

Sau các đợt vận động và sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, tu sĩ Thích Tuệ Sỹ thoát án tử năm 1998.

Cũng trong năm này, ông cùng bảy người Việt khác được Tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng nhân quyền Hellmann-Hamett Awards.

Thời điểm tháng 9/2022, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận vai trò lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thay Hòa thượng Thích Quảng Độ, người viên tịch vào ngày 22/02/2020.

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Một số người trích đăng lại một đoạn trong ‘Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế’ của ông:

“Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng…”

  

Bức thư vận động hủy bỏ án tử hình cho hai nhà sư

 

BTV Tiếng Dân

25-11-2023

LGT: Nhân sự kiện Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch hôm qua, chúng tôi xin được đăng lại bài viết “Bức thư vận động cho tù nhân lương tâm gần 33 năm trước“, đã được giới thiệu trên Tiếng Dân ngày 27-5-2021. Bài viết giới thiệu nội dung bức thư kêu gọi hủy bỏ án tử hình cho hai vị hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và thượng tọa Thích Trí Siêu, tức thiền sư Lê Mạnh Thát.

Bức thư ghi ngày 28-10-1988, của The Indochina Resource Action Center (do ông Lê Xuân Khoa làm chủ tịch lúc đó), gửi cho ông Đỗ Mười (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tức Thủ tướng lúc bấy giờ), sau khi hai nhà sư nói trên bị tuyên án tử hình.

 

Thư được gửi bằng dịch vụ Mailgram của Western Union, là tài liệu chưa từng được công bố, mà chúng tôi có dịp chụp lại từ số tài liệu của ông Lê Xuân Khoa. Bức thư ghi lại giai đoạn lịch sử tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam thời trước khi có mạng internet.

Hai nhà sư Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị nhà cầm quyền CSVN bắt hồi tháng 4-1984, do hai vị là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Hơn bốn năm sau, tháng 9-1988, cả hai vị đều bị tuyên án tử hình, tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”.

Sau cuộc vận động của các tổ chức nhân quyền, cùng với sự can thiệp của chính quyền Mỹ và các nước châu Âu, tháng 11-1988, cả hai nhà sư được giảm án xuống còn chung thân. Họ bị giam cầm thêm 10 năm nữa, đến đầu tháng 9/1998, cả hai vị được phóng thích.

Được biết, trước khi phóng thích, nhà cầm quyền CSVN yêu cầu hòa thượng Thích Tuệ Sỹ ký tên vào “đơn xin khoan hồng” để gửi cho ông Trần Đức Lương, Chủ tịch nước lúc đó. Nhưng hòa thượng Thích Tuệ Sỹ trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”.

Công an trại giam nói rằng, họ sẽ không thả ông nếu ông không ký tên vào “đơn xin khoan hồng”. Vị hòa thượng tuyệt thực, cuối cùng, ông cũng được phóng thích sau 10 ngày tuyệt thực.

Sau đây là nội dung bức điện thư ngày 28-10-1988:

Trung Tâm Tác Vụ Đông Dương

1628 16th street Northwest, Washington DC, 20009

Gửi ông Đỗ Mười

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

Hà Nội, Việt Nam

Thưa ông,

Chúng tôi vô cùng đau buồn trước bản án tử hình gần đây đối với các nhà sư Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu. Việc áp đặt bản án tử hình là sự vi phạm tàn nhẫn nhất đối với những điều cơ bản nhất về quyền con người. Ngoài ra, việc bỏ tù quá lâu hai học giả tôn giáo có uy tín quốc tế này, cho thấy sự đàn áp nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Chúng tôi biết rằng, không có bằng chứng nào cho thấy những vị này đã gây ra bất kỳ mối đe dọa bạo lực nào đối với trật tự công cộng, an ninh quốc gia, cũng như không thấy họ có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Chúng tôi kêu gọi giảm hình phạt cho hai vị tôn giáo này và trả tự do cho họ ngay lập tức, hơn nữa chúng tôi kêu gọi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng ở Việt Nam, được phép tự do thực hiện tín ngưỡng tôn giáo của họ mà không sợ bị sách nhiễu, bị bỏ tù hoặc bị giết chết, như Hiến pháp của quý vị bảo đảm.

Chúng tôi kêu gọi tất cả những tù nhân lương tâm bị giam cầm được trả tự do vô điều kiện, các hành động có suy nghĩ của quý vị trong những vấn đề này sẽ chứng tỏ rõ ràng với cộng đồng quốc tế, trong đó có 1,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, về mức độ nghiêm túc của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong công cuộc mở cửa, đổi mới và hòa giải dân tộc.

Trân trọng,

Trung Tâm Tác Vụ Đông Dương

1628 16th street Northwest

Washington DC, 20009

____

Bản tiếng Anh:

We are deeply distressed by the recent sentencing to death of Buddhist monks Thích Tuệ Sỹ and Thich Trí Siêu. The imposition of the death sentence is the cruelest violation of the most fundamental of human rights. Additionally, the lengthy imprisonment of these two internationally respected religious scholars is suggestive of severe repression of the freedom of religion in Vietnam.

We are aware of no evidence that these persons have posed any violent threat to public order of national security, nor that they are guilt of any wrongdoing.

 We urge that the sentence of these two religists be commuted, and that they be released immediately, further we make our appeal that persons of all faiths in Vietnam be allowed free exercise of their religious beliefs without fear of harassment, imprisonment, or death, as guaranteed by your constitution.
We urge that all persons imprisoned for reasons of conscience be released without condition, your thoughtful actions in these matters will demonstrate clearly to the international community, including 1.5 million overseas Vietnamese, the extent to which the socialist republic of Vietnam is serious about openness, renovation, and national reconciliation.

Most respectfully,

The Indochina Resource Action Center

1628 16th street Northwest

Washington DC, 20009

Thiền sư Tuệ Sỹ – ‘‘Cọng lau nằm xuống mà đại ngàn rung chuyển’’

Thiền sư Thích Tuệ Sỹ viên tịch ngày 24/11/2023. Sự ra đi của ông, gần như rất ít được báo chí chính thức tại Việt Nam nói đến, gây chấn động một bộ phận công luận Việt Nam, kể cả những người lần đầu tiên được biết đến Thiền sư. Thiền sư Tuệ Sỹ là lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho đến khi ông qua đời.

Trang bìa cuốn sách ''Kỷ yếu tri ân Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ'' của Hội Đồng Hoằng Pháp, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (năm 2023).
Trang bìa cuốn sách ”Kỷ yếu tri ân Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ” của Hội Đồng Hoằng Pháp, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (năm 2023). © ảnh chụp màn hình
QUẢNG CÁO

Tang lễ Thiền sư Tuệ Sỹ, từ ngày hôm qua 25/11 đến ngày 29/11, tổ chức tại chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai, được cử hành theo nghi thức ‘‘Tâm tang’’, không đọc điếu văn, tiểu sử, không lập sổ tang, miễn phúng điếu, đúng theo Di chúc của Thiền sư.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, tục danh là Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 tại Paksé (Lào), nguyên quán tỉnh Quảng Bình, xuất gia từ năm 9 tuổi ở Lào. Ông trở về Huế, Việt Nam, tu học tại chùa Từ Đàm với Hòa thượng Thích Thiện Siêu. Nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu, khảo luận về thiền và triết học Phật giáo, năm 1970 Thiền sư được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ tại Viện Đại học Vạn Hạnh, do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012) làm Viện trưởng, và là giáo sư trẻ nhất lúc bấy giờ.

Theo trang mạng Giác Ngộ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ nổi tiếng uyên bác, thông thạo nhiều cổ ngữ lẫn sinh ngữ như Hán văn, Phạn văn, Tạng văn, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… Trong gần trọn cuộc đời, Hòa thượng đã dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho việc phiên dịch, chú giải, giới thiệu kinh điển đạo Phật. Đối với trang mạng Phật sự online – diễn đàn của Tăng Ni Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước -, Thiền sư là vị ‘‘anh tài tinh hoa Dân tộc’’, ‘‘di sản Văn hóa, Giáo dục mà Hòa thượng để lại xứng đáng làm tư lương cho hành giả và học giả đời sau’’.

Điều không được truyền thông chính thức tại Việt Nam nhắc đến, đó là Thiền sư Tuệ Sỹ cũng là lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một tổ chức Phật giáo độc lập, không nằm trong số các tổ chức tôn giáo chính quyền nhìn nhận. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập năm 1966 dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi Việt Nam thống nhất, nhiều thành viên ban lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do chính quyền chủ trương, một bộ phận khác, trong đó có Thiền sư Tuệ Sỹ, tiếp tục cuộc tranh đấu phục hồi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Thiền sư Thích Tuệ Sĩ là một trong 18 thành viên của Hội đồng phiên dịch Tam Tạng, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thành lập năm 1973, tại Đại học Vạn Hạnh, với tôn chỉ ‘‘cấp bách’’ phiên dịch Tam Tạng, tức toàn bộ các kinh điển của đạo Phật sang tiếng Việt. Tù đày, trấn áp không khuất phục được ông. Sau khi đất nước thống nhất, thiền sư bị giam giữ tổng cộng 17 năm (từ 1978 đến 1981 và từ 1984 đến 1998). Năm 1988, ông bị chính quyền kết án tử hình cùng với thiền sư Lê Mạnh Thái về cáo buộc âm mưu ‘‘lật đổ chính quyền nhân dân’’ (án tử hình được giảm xuống chung thân, rồi 10 năm tù do áp lực quốc tế). Thiền sư Tuệ Sỹ bị bắt trở lại vào năm 1984, khi ông đang cùng Thiền sư Lê Mạnh Thát biên soạn bộ Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển. Trong thời gian ít năm trước khi mất, dưới sự thúc đẩy của Thiền sư, đầu năm 2023, một phần của bộ ‘‘Thanh Văn Tạng’’, chứa đựng các giáo điển cơ bản trong 45 năm thuyết pháp của Đức Phật, với 29 quyển đã được ấn hành (xem thêm Tâm thư 2022 của Hội Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam – Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Việt Nam Thống Nhất).

Thiền sư Tuệ Sỹ ra đi cũng để lại một di sản văn chương cùng niềm tin đạo Phật phục hưng ở Việt Nam. Trả lời RFI Việt ngữ, nhà văn Dạ Ngân, từ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ cảm nghĩ của bà về sự ra đi của Thiền sư:

Nhà văn Dạ Ngân (TP HCM)

Tôi chưa đọc cuốn nào của Thầy. Nhưng nói về việc tôi biết Thiền sư thì tôi ngắm Ông nhiều. Khi Ông xuất hiện ở đâu trên mạng, hay có ảnh gì đó, tự dưng tôi cứ muốn ngắm Ông. Con người nó khiến cho mình phải ngắm. Rồi mấy ngày hôm nay, mới đọc được rất nhiều thơ của Ông. Bạn bè trích, bạn bè đưa gần như toàn bộ cuộc đời lận đận của Ông. Thì mình mới không ngạc nhiên là, thứ nhất là cuộc đời như vậy, thứ hai là thơ hay như vậy, và một cái tuổi già ở ẩn tư thế như vậy, cho nên đúng như bạn bè nhận định là một ”cọng lau nằm xuống mà rung chuyển đại ngàn’’. Không có gì diễn tả hay hơn, mấy câu đó của ai thì mình không nhớ.

‘‘Rung chuyển đại ngàn’’ nghĩa là thế nào?

‘‘Rung chuyển đại ngàn’’ tức là Rung chuyển cảm xúc. Mình cảm nhận được cái rung chuyển cảm xúc của toàn cõi mạng Việt Nam cơ. Mình có 4.900 bạn bè thôi, nhưng chưa bao giờ mình thấy là chưa bao giờ là ai cũng tìm cách nói về Ông, về cảm xúc mấy dòng, hoặc là trích mấy câu thơ của Ông. Có những người hiểu biết nhiều từ lâu rồi, họ viết những bài chia sẻ. Bài nào cũng hay, được chia sẻ rộng rãi. Mình nghĩ là không ai bảo ai, mà tại sao có một nghĩa cử văn hóa như vậy. Hóa ra là Ông nổi tiếng từ rất sớm, những người bạn của mình như là chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, cựu giáo chức Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, hay là chị Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Mình đọc mình mới biết là các chị từng được học Đại học Vạn Hạnh. Những lời của những người đó hay quá, cứ nâng cái cảm xúc của mọi người lên, bằng rất, rất, rất nhiều bài viết hay về Ông. Mình chưa bao giờ được cảm nhận trên mạng toàn những bài viết hay như thế. Mình cùng với mọi người như được bay, được có cánh bay theo Ông. Và mình luôn khóc, không biết sao… Mình nghĩ mọi người cũng vậy. Những nước mắt này không phải là tiếc thương, không phải là buồn, mà như là một sự trải nghiệm, trải nghiệm là như được lắng nghe Ông, được nghe Ông nói, và làm theo cách sống của Ông. Nghĩa là sống tối giản, sống cho tri thức, trải nghiệm hành vi, thu mình lại, biết mình là ai, cùng liên kết, lan tỏa với nhau, làm thành một sự lương thiện cho xã hội, đang rất cần lúc này.  

Mọi người như được nghe Ông truyền giảng, bằng những bài thơ, bằng những bức ảnh của Ông, bằng những câu chuyện về Ông. Mọi người như được hành hương đến với một vị chân tu – những vị chân tu, đến với đạo Phật, đã từng tốt đẹp của nước mình, được gột rửa khỏi những điều mình nghĩ chưa được tốt, ở trong lòng mình, trong tâm hồn, trong ham muốn của mình.

Chị nghĩ gì về thơ của Thiền sư ?

Bây giờ đọc thơ Ông nhiều cảm thấy những bài thơ khác, kiểu thơ khác mình không đọc được. Mình thấy thơ Ông sao nó hay đến như thế, mà tại sao không được phổ biến mấy, mọi người không biết, không biết mấy. Chữ ”hay” này, nhiều người định nghĩa nào là ‘‘tuyệt tác’’, nào là ‘‘trác việt’’, nào là ‘‘siêu việt’’… mình cảm thấy nó làm một cái thứ rất là cao siêu, cao cả dành cho người. Đọc thơ Ông có thể làm thay đổi rất nhiều. Không chỉ đọc những bài, những cuốn sách Ông viết hay Ông dịch, mà chỉ riêng thơ là có thể thay đổi được.

Có lẽ mình là người yêu thơ, bây giờ thỉnh thoảng đọc thơ Tô Thùy Yên, không thấy hận thù trong ông ấy, dù những câu thơ của ông ấy, sự trải nghiệm của ông ấy kinh khủng, nhưng không thấy uất hận. Rồi bây giờ bên Phật giáo Trời cho mọi người được một vị này, để đọc đi đọc lại. Riêng phần đọc đi đọc lại thơ Ông là đáng lắm rồi.

Sự ra đi của Ông, người ta nhìn lại, người ta thấy : ồ, đây là một món quà của Trời, chứ không chỉ là của Phật. Trong lúc này, giữa lúc đổ nát, và nhiều cái việc làm cho lòng người hoang mang thế này, thì là như được ngồi bên nhau lại, để nghe, để nghĩ, và để xem mình hành xử như thế nào với cuộc đời của chính mình, và từ đó mà nó lan tỏa những điều vi diệu cho xung quanh. Cái chết của Ông như là sự Trời cho Việt Nam, cho một nhân vật này, để thử xem lòng người  lúc này có tan hoang như mọi người, như chính mình không. Thì mình thấy là mọi người khi cần, chỉ cần một dấu hiệu thực sự tốt lành, thì mọi người lại tập họp chung quanh nhau, bất kể có đi đạo Phật hay không, bất kể học ít hay học nhiều. Có những người chưa từng biết Ông, chưa từng đọc, người ta nói trên Facebook như thế, thậm chí những người đang hoang mang về đạo Phật, thì người ta nghĩ : Ôi bây giờ còn có một số người, một con người này, thì như vậy thì mình nên tin vào một sự thay đổi chứ. Bây giờ mình mới nhận ra cái công lao vĩ đại của Thầy, bằng cả cuộc đời, bằng trí tuệ siêu việt của Thầy, bằng tình yêu, tình bao la của Bồ Tát của Thầy – người ta dùng chữ ”Bồ Tát” cho Thầy nhiều lắm. Gần như là Thầy đang dần phục hưng lại cái đạo Phật ở trong lòng của dân tộc Việt Nam, như nó đã từng vững mạnh và tốt đẹp.

Thông tin về Tang Lễ Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

 

26.11.2023

 VP Thư Ký BBC và XB HDHP

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ban Báo Chí và Xuất Bản HĐHP xin kính gửi đến chư vị

Thông Báo Lễ Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

và một số thông tin liên quan đến Tang Lễ của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.

 

1. Cáo Bạch: Đức Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ thị tịch
https://hoangphap.org/cao-bach-duc-truong-lao-ht-thich-tue-sy-thi-tich/

2. HT Thích Tuệ Sỹ: Di chúc tang lễ
https://hoangphap.org/ht-thich-tue-sy-di-chuc-tang-le/

3. Tiểu sử Hòa Thượng THÍCH TUỆ SỸ
https://hoangphap.org/tieu-su-hoa-thuong-thich-tue-sy/

4. Chương trình Tang lễ Đức Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ
https://hoangphap.org/chuong-trinh-tang-le-duc-truong-lao-ht-thich-tue-sy/

5. Thư cung thỉnh Lễ tưởng niệm Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ
https://hoangphap.org/thu-cung-thinh-le-tuong-niem-truong-lao-ht-thich-tue-sy/

6. Thông bạch truy tán Công hạnh và Tưởng niệm Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ
https://hoangphap.org/thong-bach-truy-tan-cong-hanh-va-tuong-niem-truong-lao-ht-thich-tue-sy/

7. Thông Báo Lễ Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
https://hoangphap.org/thong-bao-le-tuong-niem-truong-lao-hoa-thuong-thich-tue-sy/

8. Hoà Thượng Tuệ Sỹ và GHPGVNTN trong dòng sống của dân tộc và hướng đi của thời đại
https://www.voatiengviet.com/a/hoa-thuong-tue-sy-va-ghpgvntn-trong-dong-song-cua-dan-toc-va-huong-di-cua-thoi-dai/7368829.html

 

Văn Phòng Thư Ký Ban Báo Chí và Xuất Bản

Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia

Website: www.hoangphap.org

Email: hdhp.bbc@gmail.com; Đin thoi: +61 481 169 631

 

Ghi chép từ tang lễ của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ

 

Bài bình luận của blogger Tuấn Khanh
25-11-2023
sharethis sharing button

Ghi chép từ tang lễ của Hoà thượng Thích Tuệ SỹTang lễ Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

 Hình chụp từ video tang lễ do tác giả cung cấp

Buổi tối 24 Tháng Mười Một, không khí trong chùa đã bắt đầu xôn xao đón những người khách đầu tiên đến chờ viếng. Những người thân quen của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ tề tựu chung quanh ngài, thảo luận về công việc cho ngày mai: Lễ nhập kim quan, lễ giác linh an vị, thọ tang… Nhiều Gia đình Phật tử từ Bình Thuận, Huế, Nha Trang, Đồng Nai… bắt đầu tập họp nhận công việc từ các huynh trưởng Gia Đình Phật tử Khánh Ân, tức nhóm sinh hoạt ngay tại chùa Phật Ân.

Ở ngoài cổng và trong chùa, đã xuất hiện các an ninh mặc thường phục tới lui, nhin ngó và thỉnh thoảng lấy máy ra chụp hình, quay phim. Trước nay thì những chuyện như vậy thường gây khó chịu và căng thẳng nhưng giờ thì mọi thứ đã trở nên bình thường và mọi người cũng học cách đi lại và không quan tâm những người như vậy, ngoại trừ như trường hợp bất thường cần phải can thiệp.

Sáng 25 Tháng Mười Một, Con đường bên ngoài chùa Phật Ân đã đầy các xe hơi 4,7,16 chỗ từ các nơi đổ về. Con đường Khu 14, An Phước, Long Thành, Đồng Nai trước chùa vốn xưa nay vắng lặng, nay chợt đông đúc bất thường, nhiều người qua lại.

Sáng sớm, gần 7 giờ, phái đoàn đầu tiên trịnh trọng xuất hiện là của hoà thượng Thích Chân Quang, nhân vật nổi tiếng của Phật giáo nhà nước. Một vị sư trẻ kể lại, phái đoàn xin gặp thầy Trụ trì Thích Minh Tâm nhưng bị từ chối vì đang lo chuẩn bị lễ. Nhưng theo mô tả, các tang lễ hay các dịp trọng đại của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất, các tăng ni hay phái đoàn của Phật giáo nhà nước vẫn hay xuất hiện, đòi đứng chung ban tổ chức… mục đích là tạo hình ảnh lẫn lộn khó phân biệt đâu là giáo hội nhà nước, đâu là giáo hội độc lập. Nhưng với các vị cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thì cách thức này quá dễ đối phó. Dù mặc áo gì, danh thế nào, họ được tiếp đón như khách.

Sự kiện hoà thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trở thành tin tức lớn nhất của những ngày cuối tháng Mười Một của cả nước, nhưng là chỉ có báo Tuổi Trẻ, Một Thế Giới và báo Giác Ngộ của Giáo hội nhà nước đưa tin. Đáng chú ý, Trong cách đưa tin của báo Giác Ngộ là kiểu ăn theo hết sức trơ trẽn và cố ý chỉ đưa tên của hoà thượng Thích Phước Trí, nguyên Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung Ương Giáo hội nhà nước – Một cách lập lờ với đại chúng như kiểu hòa thượng Thích Tuệ sỹ là người của Giáo hội nhà nước. Trên thực tế là ngay khi đau yếu, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã tính toàn việc đám tang có thể bị gây khó, nên chọn hoà thượng Thích Phước Trí làm chủ nghi lễ để nhằm hoá giải mọi chuyện. Bài viết trên báo Giác Ngộ ký tên nặc danh là “nhóm phóng viên” đã không dám nhắc gì đến các vị cao tăng khác có mặt, vốn là người của GHPGVNTN, và cũng lờ đi thời gian tù tội, và cả án tử hình đã áp vào thầy Tuệ Sỹ.

Ăn theo, thao túng và mưu tính đồng hoá GHPGVNTN vào hệ thống tăng ni nhà nước đã là vệt đáng xấu hổ của những người mặc áo cà sa, xưng là học Phật. Còn nhớ đám tang của Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ vào năm 2020, hoà thượng Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, cùng với số đệ tử trà trộn vào chùa Từ Hiếu, mưu tính cướp tro cốt đem đi về thờ trong hệ thống chùa nhà nước, nhằm đồng hoá hình ảnh GHPGVNTN. Chuyện diễn ra gay gắt với sự phản đối của hoà thượng Thích Nguyễn Lý (trụ trì chùa Từ Hiếu) và chúng tăng, nên âm mưu bất thành.

Gần 8 giờ sáng ngày 25 Tháng Mười Một, một phái đoàn của bên an ninh, ban tôn giáo, chính quyền địa phương đến tìm thầy Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Phật Ân, đòi tháo tấm biểu ngữ trong điện thờ và tất cả những gì có ghi danh tính của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ với hàng chữ Chánh thư ký, kiêm xử lý thường vụ, Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Tên của một giáo hội hình thành từ năm 1964, nay bỗng trở thành nhạy cảm ghê gớm. Báo Giáo Ngộ với nhóm phóng viên viết bài, quay hình, theo dõi sự kiện đến 4-5 người, cũng hoàn toàn như không biết gì về chuyện này. Dĩ nhiên, việc đòi hỏi đó không được đáp ứng. Một tăng sĩ kể lại là khi phái đoàn của nhà nước bị đặt câu hỏi “tại sao?”, đã có người nói GHPGVNTN là một tổ chức không được công nhận. Câu trả lời dứt khoát của các thầy ở chùa Phật Ân là “khi nào GHPGVNTN có văn bản đặt ra ngoài vòng pháp luật, chúng tôi sẽ bàn thảo về chuyện này”.

Vào lúc 12g, đúng ngọ, lễ nhập kim quan bắt đầu. Mọi chuyện diễn ra trang nghiêm và không ồn ào, bởi đã loại bỏ các hình thức phóng thanh. Sân chùa Phật Ân đầy người đến dự lễ. Nhìn quy cũ và hàng hàng lớp lớp tăng ni, các Gia đình Phật tử, tín đồ lẫn giới mộ tín, khó ai tưởng được đây là một nghi lễ của GHPGVNTN đang trải qua vô cùng những khó khăn, kể từ khi nhà nước dựng lên giáo hội mới, nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc, từ năm 1981. Sự có mặt đông đảo các thành phần tham dự, các lứa tuổi, từ những cụ già cho đến những thiếu nhi, thật sự đem lại một cảm giác lạ lùng và xúc động.

Đây là lúc các nhân viên an ninh xuất hiện dày đặc hơn, ngoài cửa đã có thêm xe cảnh sát giao thông và dân quân địa phương. Những chiếc máy quay liên tục chĩa và người và sự kiện. Một thành viên nữ, thuộc ban truyền thông của gia đình Phật tử kể, cô bị một nhân viên an ninh đến, yêu cầu giao nộp những gì cô đã quay, chụp. “Tại sao?”, cô này kể đã hỏi dứt khoát, và bỏ đi quay nhìn lại.

Thầy Thích Nguyên Lý chưa khoẻ lại sau một vụ đụng xe lạ lùng, sau lễ ngài phải về sớm để làm lễ ở chùa quận 8, Sài Gòn. Thầy kể khi ra cửa, gặp ngay một sĩ quan an ninh của TP.HCM đang đi vào.

  • “Sao chuyện ở Đồng Nai mà công an Sài Gòn cũng phải chạy xuống vậy?”, thầy cười hỏi.
  • “Công việc phải vậy mà thầy”, viên công an đáp.
  • “Hôm nay không có gì đâu, mai mốt có đại hội tui báo cho”, thầy Thích Nguyên Lý vừa cười vừa nói.
  • Chắc không có đại hội được đâu”, viên công an đáp nhanh.

Hoá ra, theo nhận định của thầy Thích Thiện Minh, phía công an căng thẳng là vì dự đoán có thể trong tang lễ của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, các thầy lớn trong GHPGVNTN tụ về, sẽ có việc tiến hành bầu Đệ Lục Tăng Thống, người lãnh đạo mới của GHPGVNTN. Nhưng ngay cả việc này, cũng không nằm ngoài dự đoán của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ lúc sinh thời.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Tưởng niệm Thích Tuệ Sỹ: Khi cái chết trở nên điều huyền thoại

 

THƯ VIỆN PHẬT VIỆT

THƯ VIỆN PHẬT VIỆT Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (1925-2023)

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Liêm

Gửi bài tới BBC từ San Jose, California

 

Một trong số ít tu sĩ mang tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Phật giáo miền Nam Việt, nhất là trong khối Phật tử thuộc Giáo Hội Thống Nhất trước 1975, là Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

Thầy Tuệ Sỹ (từ đây Tuệ Sỹ) là một hình ảnh biểu hiện những đức hạnh của một tăng sĩ đạo Phật – từ vóc dáng thân thể đến lập trường, quan điểm trên bình diện thế gian.

Chuẩn mực cho lãng mạn và tưởng tượng

Điều rõ ràng nhất là Tuệ Sỹ đã từng đáp ứng được trí tưởng tượng cho số đông quần chúng nhà Phật, nhất là giới trí thức, văn nghệ. Là một thi sỹ dù Thầy là một học giả ưu việt về Phật học, trước tác và dịch thuật nhiều công trình cao sâu. Chính những tác phẩm cao sâu khó hiểu, khó lãnh hội đó đã làm cho trí tưởng tượng của trí thức Phật giáo về Thầy càng gia tăng cao độ.

Thêm nữa, bản án tử hình mà Thầy đã nhận lãnh ở thế kỷ trước ở miền Nam sau 1975 (đổi thành án chung thân) cho những hoạt động chính trị – cùng với Thầy Lê Mạnh Thát – đã trở nên một minh chứng cho ý lực nơi chữ Dũng của nhà Phật. Tức là Phật pháp không tách lìa khỏi thế gian. Tinh thần vô úy – không sợ hãi – của Thầy với bản án đó lại càng gia tăng cường độ ám ảnh cho giới Phật Tử về lòng can đảm trước những thử thách hiện sinh mà đã từ lâu cảm họ thấy bất lực trước thế cuộc. Thầy là một điểm tận cho ý chí dấn thân mà giới tri thức đã từ mấy chục năm qua hầu như mất hết mọi khung tham chiếu cho giá trị tôn giáo mà nhiều người khao khát.

Nhưng từ khi Thầy Nhất Hạnh qua đời, và nay với sự ra đi của Thầy, thì ý chí và con đường dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam xem như chấm dứt. Người đồng hành với Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, tức Thích Trí Siêu, thì nay chỉ còn chú tâm vào cổ sử học với ít nhiều sinh hoạt Phật giáo giới hạn. Con đường của tăng lữ nhà Phật đã đi vào ngõ hẹp hơn, và sợi dây liên kết giữa đạo Phật và dân tộc hình như đã bị tách rời và đứt đoạn. Chúng ta hãy chờ xem một thế hệ tăng sĩ và Phật tử có nối lại mối tương thông giữa đạo và đời nhằm đi tiếp con đường mà thế hệ Phật giáo Tiếp hiện – Engaged Buddhism – đã khơi nguồn.

Khởi đi từ văn hóa miền Nam trước 1975, Tuệ Sỹ xuất hiện theo cao trào Phật giáo lãng mạn mang hương vị hiện sinh trong một giai thời hỗn loạn. Trong khi ở miền Bắc nơi chủ nghĩa quốc gia lãng mạn đã hóa thành ý chí chiến tranh, thì trí thức Phật giáo miền Nam thăng hoa chữ nghĩa lên tầm mức lãng mạn hương thiền như là một phương cách vươn thoát khỏi vũng lầy hiện hữu.

Getty Images

GETTY IMAGES Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp trong chuyến đi thăm Thái Lan hồi tháng 04/2013

Nếu phía Bắc có Tố Hữu, Chế Lan Viên thì phía Nam có Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Trịnh Công Sơn và Tuệ Sỹ. Hai vế đối nghịch giữa hai văn hóa – chiến tranh và hòa bình – đã tạo nên một giòng sinh động âm dương phủ quyết nhau. Thầy Tuệ Sỹ nằm trong văn hóa giòng âm ở phía Nam.

Đối với chiến tranh thì trí thức văn nghệ miền Nam chỉ muốn hòa bình, trong khi miền Bắc quyết tâm chiến thắng. Từ đó, và cũng vì thế, thi ca cũng như cuộc đời Tuệ Sỹ là cả một bài thơ dài nhiều cung điệu bi tráng. Phật học đối với Thầy cần hương vị văn thơ để cho tư duy được chuyển động. Đạo lý đối với Thầy cũng giống như thi văn, triết học. Những lý luận về tánh không, hư vô, hay thiền học đều ít nhiều mang nội dung thi ca. Cái khó lãnh hội thành ra một hố đen tư tưởng xuất hiện như những niềm cám dỗ cho cuộc đời đầy khổ nạn. Đạo Phật, do đó, là một con lộ vô cùng và sâu thẳm mà Thầy qua học thuật nghiêm chỉnh không muốn giáo lý cao siêu biến thành ảo vọng.

Niềm án trọng nơi cơ thân

Từ góc độ cá thể, khi nhìn hình dong nhỏ nhắn, nho nhã, ốm yếu, khuôn mặt thông tuệ và khiêm cam của Thầy đã làm cho nhiều người vốn đang bất mãn với tình hình Phật giáo trong nước có một tiêu chuẩn thân xác cho lý tưởng và ý niệm về giá trị nhà Phật. Ý chí khổ hạnh trong hoài bão chân lý đã từ lâu là nỗi ám ảnh lớn khi hầu hết giới tăng lữ nhà Phật đã không còn theo đuổi ý hướng và ý chí pháp thân. Một trong những khó khăn của các tu sĩ nhà Phật là họ phải đáp ứng được trí tưởng tượng về một pháp thân tượng trưng cho con đường lao khổ trên đường đạo – đã là tu sĩ thì phải gầy gò, ốm yếu. Tinh thần cứu độ thế gian phải đi đôi với ý chí chiến thắng ái dục xác thân. Thầy mang hình ảnh lý tưởng đó.

Tuệ Sỹ đã như là một chiếc bè mong manh giữa biển sóng mạt pháp của nhà Phật. Khi tính ưu việt nơi giáo lý vô ngã của nhà Phật đã từ lâu trở nên một chiếc bẫy ngầm phủ định cho ý chí và tri thức, Tuệ Sỹ minh xác một năng lực ngã thức cho thế gian. Bài học tôn giáo cần phải chiêm nghiệm rằng, trong khi tu sĩ nhà Chúa hiến dâng cái ta cho Chúa, tức là hoán vị ngã thức cho ngoại thể, thì ngược lại, tu sĩ nhà Phật ôm lấy cái ngã của ta để cố gắng phủ nhận nó. Vì thế, nếu ai để tâm thì sẽ thấy tu sĩ nhà Chúa có vẻ như khiêm tốn, ít ngã mạn hơn là giới tu sĩ nhà Phật. Khi Tuệ Sỹ dâng cái ta cho trần thế, Thầy đã đạt đến cái hạnh của người con Phật.

Trí thức Phật giáo ít nhiều thường hay nhầm lẫn bình diện bản thể (ontology) của ngã thức với tính năng động tâm lý cá nhân. Biện minh vô ngã, từ đó, đối với họ đã trở nên một biện minh cáo từ cho sự bất lực, lười biếng, yếu hèn. Giới tu Phật hiểu điều đó một cách mơ hồ – để rồi xây đắp cho họ những hình ảnh siêu nhân trong những huyền thoại tự cao. Nhiều Phật tử Việt trong và ngoài nước – vốn từ lâu bất mãn với tình trạng Phật giáo đầy nghi thức dài dòng, luộm thuộm, và những sinh hoạt mang mầu sắc kinh tế nơi các cơ sở, chùa chiền – đã xem Thầy Tuệ Sỹ như là một hình nhân cứu vớt cho nỗi niềm bất mãn ấy.

Hãy cứ là huyền thoại

Người Tây Âu có nói, nếu không muốn đánh mất niềm tin tôn giáo mình thì đừng tìm biết rõ giới tu sĩ. Khi tôn giáo – bất cứ tôn giáo nào – đã xây cho quần chúng những ngọn núi tưởng tượng đầy huyền hoặc, giới tu sĩ vô tình đã trở thành tù nhân trong con mắt thế gian. Vòng biên chế giới hạn của giới luật tu hành thay vì là một điều kiện thiết yếu cho ý chí giải thoát thì nay trở nên một năng lực phủ quyết.

Nhìn vào cuộc đời và hành trạng cũng như con người của Tuệ Sỹ thì cho những ai yêu trọng Phật giáo cảm nhận được một niềm an ủi lớn cho những nỗi băn khoăn về thế cuộc hiện nay. Có thể rằng, Thầy là một tu sĩ rất hiếm trong thời gian qua đã không mang khuyết điểm cá nhân – dù rằng ít nhiều thì giới Phật tử đã huyền thoại hóa Thầy để thỏa mãn niềm u uất trong tình huống bất lực của họ. Hy vọng là Thầy đã vượt qua chướng ngại huyền thoại mà thế gian đem đến cho Thầy – vì đối với rất đông Phật tử miền Nam thì Tuệ Sỹ nay đã là một huyền thoại.

Trong niềm suy niệm về Tuệ Sỹ khi Thầy vừa tạ thế, chúng ta hãy cùng thắp nén hương cầu nguyện cho linh thức của Người được siêu thoát.

Bài thể hiện quan điểm riêng của Luật gia, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm, người hiện sống ở San Jose, California, Hoa Kỳ.

Hòa thượng Tuệ Sỹ còn ảnh hưởng bao nhiêu tới Phật giáo và Phật tử Việt Nam hiện nay?

 

THƯ VIỆN PHẬT VIỆT

THƯ VIỆN PHẬT VIỆT

Joaquin Nguyễn Hòa

Gởi BBC News Tiếng Việt từ San Jose, California, Hoa Kỳ

 

Tin Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch có vẻ như khép lại một trang sử sôi động, đầy lãng mạn của Phật giáo Việt Nam, kể từ phong trào Chấn hưng Phật giáo, với sự thành lập An Nam Phật học tại miền Trung vào năm 1932, do các nhà sư và các trí thức nho học lẫn “Tây” học, chủ trương, trong đó nổi tiếng nhất là bác sĩ Lê Đình Thám (1897-1969).

Với Chấn hưng Phật giáo, Phật giáo Việt Nam bắt đầu tiếp nhận kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội từ phương Tây, những lĩnh vực không hề mâu thuẫn với cốt lõi của Phật giáo do Đức Thích Ca thành lập. Phật giáo Việt Nam cũng bắt đầu tách việc cúng bái, tế lễ… ra khỏi việc tu tập của tăng sĩ và đại chúng.

Sau khi Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch (24/11/2023) vài ngày, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, một phật tử ở Mỹ có bài viết mang tựa đề, Tưởng niệm Thích Tuệ Sỹ: Khi cái chết trở nên điều huyền thoại.

Trong bài viết này, ông Nguyễn Hữu Liêm cho rằng tính cách, tri thức, và đạo đức, lòng quả cảm (vô úy) của Hòa thượng Tuệ Sỹ là một chỗ dựa cho giới trí thức Phật giáo Việt Nam hiện nay, giữa một thời thế mà họ cho là có quá nhiều điều đáng trách đối với Phật giáo Việt Nam, từ việc nghi thức lễ lạt luộm thuộm, cho đến chỉ lo kiếm tiền ở các chùa chiền.

Người biết kẻ không

Việc ra đi của Thầy Tuệ Sỹ đã được những người thân cận với ông, cũng như những Phật tử chịu ảnh hưởng nhiều từ ông, chuẩn bị từ lâu. Một thời gian không lâu trước khi ông viên tịch, các trí thức Phật tử trong và ngoài nước, bao gồm cả các nhà sư, đã bắt đầu viết kỷ yếu tri ân Hòa thượng Tuệ Sỹ.

Có vẻ như đối với giới trí thức Phật giáo, những người quan tâm nhiều đến phần “tuệ”, của tư tưởng Phật giáo, thì ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ đã rất rõ, không bàn cãi.

Tôi có đặt câu hỏi về ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ với một doanh nhân trong nước, mà tôi xin giấu tên, thì bà cho rằng trong vòng bạn bè quen biết của bà, rất nhiều người quan tâm tới Thầy Tuệ Sỹ, mà là những người có học, có vai vế và địa vị trong xã hội.

Nhưng đối với một tầng lớp Phật tử đông đúc hơn, bình dân hơn, tầng lớp quan tâm nhiều đến nghi thức, tín ngưỡng, nhiều hơn là tri kiến, thì ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ là tới đâu?

Trên trang Facebook của chùa Phật học Cần Thơ, một trang Facebook được cập nhật thường xuyên, không có một dòng nào về việc ra đi của Thầy Tuệ Sỹ, mà là một tâm thư gửi cho Phật tử về việc quyên góp để xây một ngôi chùa.

Tương tự như vậy, trên trang Facebook của chùa Tam Phước (Đồng Nai, thuộc hệ phái Theravada), là thông bạch Hùn phước quỹ hộ trì tam bảo.

Cả hai vị trụ trì hai ngôi chùa kể trên đều đã từng đi hoằng pháp tại… Mỹ, và tôi từng tiếp xúc.

Với sự hậu thuẫn của bộ máy nhà nước Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước, mà trong đó không bao gồm những vị tăng như Thầy Tuệ Sỹ, thì việc “không biết đến Thầy Tuệ Sỹ” là một chuyện bình thường.

Theo ghi nhận của một số người thì việc Thầy Tuệ Sỹ viên tịch chỉ được hai tờ báo trong nước ghi nhận, đó là tờ Tuổi Trẻ và tờ Giác Ngộ, trong đó các bản tin không hề ghi nhận về bản án tử hình mà nhà nước Việt Nam tuyên cho Hòa thượng Tuệ Sỹ và Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) vào năm 1988, cũng không đề cập rằng Hòa thượng Tuệ Sỹ là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Nhưng những ngôi chùa Việt Nam tại Mỹ, cũng như cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Mỹ, đều biết và ghi nhận về sự ra đi của Thầy Tuệ Sỹ?

Không phải như thế.

Tại Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng, San Diego, California, ngôi chùa lớn nhất của hệ phái thiền Trúc Lâm tại Mỹ, cũng chỉ diễn ra những hoạt động Phật sự bình thường, không có một lời nào nhắc đến tên Thầy Tuệ Sỹ. Người đứng đầu hệ phái Trúc Lâm là Hòa thượng Thích Thanh Từ, hiện là Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước.

Ngày Chủ nhật, 26/11/2023, tôi đến một ngôi chùa nhỏ ở miền Bắc California. Có khoảng 50 Phật tử đến chùa dự buổi giảng pháp và cầu siêu, một con số khá lớn đối với một ngôi chùa nhỏ tại Mỹ, chỉ có ba người biết đến Thầy Tuệ Sỹ, trong đó có hòa thượng trụ trì.

Tôi hỏi hai phụ nữ vào độ 70 tuổi, vừa phát qui y hai tuần trước đó, không ai biết gì về Thầy Tuệ Sỹ.

Đó là những cộng đồng Phật tử xuất phát từ miền Nam Việt Nam, nơi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã từng có một bề dày ảnh hưởng.

Tôi không cho là có ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ đối với các cộng đồng Phật giáo tại miền Bắc Việt Nam, vốn đi theo một con đường hoàn toàn khác với Phật giáo miền Nam trong hàng chục năm trời phân chia Nam Bắc.

Đối với giới trí thức miền Bắc cũng vậy, Phật tử hay không, ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ không là bao nhiêu. Ông Mạc Văn Trang, một giáo sư về hưu ở Hà Nội viết rằng ông chỉ biết đến thầy Tuệ Sỹ khi thầy viên tịch.

Getty Images

GETTY IMAGES

Miền bất định

Trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm trên BBC Việt ngữ, ông cho rằng, “từ khi Thầy Nhất Hạnh qua đời, và nay với sự ra đi của Thầy (Tuệ Sỹ), thì ý chí và con đường dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam xem như chấm dứt”.

Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định này của ông Liêm, vì theo tôi thì sự chấm dứt đó bắt đầu sớm hơn nhiều.

Hay nói khác hơn là sự “nhập thế” của Phật giáo Việt Nam đi vào một cảnh giới khác, một cảnh giới của “Hùn phước quỹ hộ trì tam bảo”! Một cỗ máy làm tiền rất lớn, có vẻ rất phù hợp với chủ trương của chính phủ Việt Nam hiện nay rằng “tôn giáo là động lực phát triển xã hội” (một nhà ngoại giao Việt Nam nói với tôi như thế, mà báo chí nhà nước Việt Nam cũng viết như thế).

Nhưng mặt khác, ý thức hệ Marxism vẫn là hệ tư tưởng chủ đạo của đảng cầm quyền hiện nay. Trong ý thức hệ đó tôn giáo vẫn là “thuốc phiện của nhân dân”. Vậy có nghĩa là phát triển xã hội bằng thuốc phiện?!

Nhưng “Hùn phước quỹ hộ trì tam bảo” không phải chỉ ở trong nước, với hoàn cảnh nhá nhem giữa thuốc phiện và động lực phát triển, tại các cộng đồng Phật tử Việt Nam ở Mỹ cũng thế.

Tại đây mối quan tâm hàng đầu cũng là các buổi lễ theo truyền thống Tịnh độ dài lê thê, các gian phòng thờ hương linh, chứ không phải là trao đổi luận bàn về triết học, tâm lý học Phật giáo. Công cuộc chấn hưng Phật giáo, phân biệt rõ giữa cúng tế và Phật giáo, của An Nam Phật học, hơn 90 năm trước, có vẻ đã không có kết quả gì.

Một người hoạt động trong Phật giáo hải ngoại, tại San Jose, nói với tôi rằng việc xây dựng chùa to Phật lớn cũng là điều tốt, vì trước mắt việc đó thu hút đông đảo người đi chùa.

Ông không phải là người duy nhất có quan niệm đó. Những người này cũng có lý vì tuyệt đại đa số những người Việt ở Mỹ đến chùa hiện nay là những người lớn tuổi, mối quan tâm của họ là những nghi lễ, và những phòng thờ linh, những cảnh chùa hoành tráng. Ít nhất là hiện nay, Phật giáo Việt Nam tại Mỹ giúp đỡ được cuộc sống của những người tha hương bớt hiu quạnh, tạo cho họ niềm vui được nối kết với cộng đồng cùng ngôn ngữ.

Nhu cầu này tạo nên một luồng di cư rất lớn các tăng ni từ Việt Nam, vì những tăng ni này vẫn nói cùng một ngôn ngữ, không khác biệt văn hóa với đại chúng Phật tử Mỹ gốc Việt hiện nay.

Hàng ngàn tăng ni Việt Nam đã sang Mỹ, nhưng con số còn trụ lại với việc hoằng pháp, tu tập không là bao nhiêu. Không có con số thống kê chính thức, nhưng từ những nguồn tin khả tín trong giới Phật giáo ở Mỹ, cũng như từ các vị sư, thì những tăng ni còn ở lại trong chùa, dao động từ 5 đến 20% những tăng ni di cư sang Mỹ.

Getty Images

GETTY IMAGES

Hiện tượng này gây lo ngại đến nhiều Phật tử Mỹ gốc Việt. Một người nằm trong ban hộ trì tam bảo một ngôi chùa miền Bắc California nói với tôi rằng ông không muốn ngôi chùa của mình thành một trung tâm di trú!

Trở lại với phong trào chấn hưng Phật giáo hơn 90 năm trước, trong 90 năm đó Phật giáo Việt Nam cống hiến cho thế giới một pháp môn Làng Mai của thầy Nhất Hạnh.

Nhưng Làng Mai và phần còn lại của Phật giáo Việt Nam giống như hai thế giới cách biệt. Tại các trung tâm của Làng Mai, người ta không thấy cúng tế dài lê thê, và rất nhiều Phật tử trẻ nhiều quốc tịch.

Một người hoạt động trong giới Phật giáo Việt Nam tại Mỹ nói với tôi rằng Làng Mai “ích kỷ” không quan tâm đến cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Tôi có nhận xét rằng tại các trang web của Làng Mai, trong những ngày này, cũng không thấy có một dòng chữ nào nói đến Thầy Tuệ Sỹ, tuy rằng cả hai thầy, Nhất Hạnh và Tuệ Sỹ cũng đều xuất thân từ công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Trung, đến Đại học Phật giáo Vạn Hạnh tại Sài Gòn trước năm 1975.

Có lần tôi đặt vấn đề về những khó khăn bất định như vậy của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam tại Mỹ nói riêng, với một sư cô người Việt lớn lên ở Mỹ. Sư cô nói với tôi rằng đừng nhìn ly nước bằng khoảng trống của nó! Vị sư cô này có nhiều nỗ lực trong việc thu hút thanh thiếu niên Việt Nam lớn lên tại Mỹ, đến với Phật giáo.

Tôi cũng có quen thượng tọa Thiện Tâm ở miền Nam California. Ông không trụ trì một ngôi chùa nào, và đi giảng pháp nhiều nơi, bằng tiếng Anh lưu loát, đặc biệt là ông dành thời gian rất nhiều để giúp đỡ tinh thần cho các tù nhân miền Nam California. Phật tử của ông gồm nhiều gốc gác chủng tộc khác nhau. Ông nói với tôi rằng ông không có gì lo ngại cho tương lai của Phật giáo cả.

Tương lai của Phật giáo Việt Nam có thể không nằm ở cái hình hài khá bi quan của nó hiện nay, vì nó chỉ là hình tướng?!

Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút tự do Joaquin Nguyễn Hòa, hiện sống tại San Jose, California, Hoa Kỳ.

Tam Bao

TAM BAO Chùa Tam Bảo, Louisiana, Hoa Kỳ

Niềm tin không thể bị xóa bỏ bởi sức ép bên ngoài

 

Nguyễn Thọ

30-11-2023

Cái chết của hòa thượng Tuệ Sỹ tuy không được báo chí nhà nước nói đến nhiều, nhưng nó đã tạo ra niềm xúc động lớn trong lòng người Việt, dù ở đâu.

Đối với nhiều người, Thích Tuệ Sỹ không chỉ là một vị chân tu đầy lòng vị tha, một người đấu tranh bất khuất vì lý tưởng của mình, mà còn là một trí thức uyên bác. Không thể kể hết những lời ca ngợi, lòng thương nhớ dành cho ông.

Đối với số đông khác thì cái chết của ông là một phát hiện mới. Từ đó, họ mới biết là ở Việt Nam còn có một Phật giáo khác. Đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) của các hòa thượng Tuệ Sỹ, Huyền Quang, Quảng Độ… Tất cả các ông đều trải qua tù đày, quản thúc và bạc đãi, nhưng không chịu phản bội GHPGVNTN. Giáo hội này khác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) không chỉ ở chỗ nó không rầm rộ với khẩu hiệu: “Đạo Pháp, Dân tộc và CNXH” mà còn bởi các ngôi chùa thanh bạch, luôn bị cô lập. Chúng khác hẳn những ngôi chùa sơn son thếp vàng, luôn đình đám, khói hương nghi ngút, người ra vào nườm nượp, tiền chảy như nước mà xưa nay dân chúng vẫn ngỡ là cửa phật.

Không đi đạo, không hiểu biết nhiều về Phật giáo, tôi không dám viết gì về ông, chỉ xin tỏ lòng ngưỡng mộ một con người ý chí sắt đá, một trái tim nhân từ và trí tuệ vô biên. Hôm nay sau khi tang lễ của của ông đã hoàn tất, tôi mới viết những điều tôi cảm nhận từ bên này trái đất.

– Đám tang của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được tổ chức rất trang nghiêm nhưng đơn giản, theo đúng di chúc của Người. Điều này chứng tỏ GHPGVNTN vẫn hoạt động hiệu quả, qui củ mặc dù bị khống chế, cô lập từ suốt mấy chục năm qua. Thật không ngờ.

– Số người đến viếng rất đông mặc dù đám tang bị theo dõi, giám sát chặt chẽ. Điều này chứng tỏ uy tín của của các vị chân tu và của GHPGVNTH trong dân chúng rất lớn. Quốc tế cũng quan tâm đến cái chết của hòa thượng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố chia buồn.

– Trong các hoạt động nghi lễ luôn xuất hiện hình ảnh các thanh niên Gia đình Phật tử (GĐPT) phục vụ tăng lễ. Họ ăn mặc giống “Hướng đạo sinh” (Scout, Pfadfinder) khiến tôi nghĩ đến Hướng đạo sinh.

Hướng đạo là một sinh hoạt xã hội phổ biến trên toàn cầu. Hướng đạo giúp thanh thiếu nhi phát triển tâm trí và kỹ năng sống. Phong trào này du nhập vào Việt Nam quãng 1930. Bố vợ tôi luôn kể về những kỷ niệm của ông khi còn là hướng đạo sinh. Sau 1975, phong trào này không được hoạt động ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, lẻ tẻ ở nhiều địa phương đã xuất hiện các nhóm hướng đạo. Mong rằng các hoạt động hướng đạo và GĐPT sẽ phát triển ở Việt Nam.

Ảnh trên mạng

– Mặc dù ông Tuệ Sỹ bị bắt hai lần, chịu 17 năm tù và từng bị tuyên án tử hình, được trả tự do bởi sức ép quốc tế, nhưng truyền thông nhà nước vẫn đưa tin về cái chết của ông (Giác Ngộ, Tuổi Trẻ, Lao Động, Báo Mới) [1]. Tuy các báo đều đưa tin theo một kiểu khiến người đọc không rõ ông Tuệ Sỹ là người của GHPGVN hay GHPGVNTN, nhưng điều này chứng tỏ truyền thông nhà nước đã thấy rõ ảnh hưởng của hòa thượng trong giới Phật giáo và trong toàn xã hội.

Tôn giáo là niềm tin. Niềm tin không thể bị xóa bỏ bởi sức ép bên ngoài, nó chỉ mất đi khi bị phản bội.

[1] https://giacngo.vn/hoa-thuong-thich-tue-sy-vua-vien-tich-post69454.html

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen