Seite auswählen

Người Nhật, kỷ luật trong tai nạn

Nhã Duy

5-1-2024

Có dịp sang Nhật và quan sát thì ắt nhiều người cũng ghi nhận được vài điều gì đó về tính cách chung của người Nhật qua các giao tiếp hay trong các sinh hoạt hàng ngày của họ. Với tôi thì hai điều nhỏ còn lưu lại là sự vệ sinh và trật tự nơi công cộng nhưng chúng lại cho thấy thêm về một tính cách đáng học hỏi từ người Nhật.

Tại những khu trung tâm Tokyo có khá ít hay thậm chí tôi không thấy thùng rác tại vài con đường nhưng đường phố vẫn rất sạch sẽ. Chỗ công cộng nếu có nhiều thùng rác sẽ giúp ngăn chận tình trạng xả rác bừa bãi, còn ở đây không có thùng rác mà người dân vẫn giữ được sạch sẽ, quả là một ý thức rất cao. Có người bảo tôi là họ giữ rác lại và mang về nhà bỏ chứ không vứt bừa xuống đường.

Thứ nhì là hành khách sử dụng các trạm xe điện ngầm rất kỷ luật, lên xuống các cầu thang cấp đi bộ chỉ một phía cố định, xuống phía trái và lên bên phải dù chỉ có một cầu thang chung và chẳng có ngăn cách. Họ không tùy nghi lên hay xuống lộn xộn, nhờ vậy mà ra vào hay lên xuống rất nhanh, lại chẳng va chạm nhau.

Có thể họ đã được huấn luyện từ nhỏ. Hoặc có thể đó là thói quen và lâu ngày trở thành một ý thức chung. Là gì thì tôi nghĩ cả hai điều trên thể hiện một tinh thần kỷ luật tự giác rất cao của người Nhật, giúp cho xã hội vận hành văn minh, hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Tinh thần kỷ luật cao độ của người Nhật thường được nhắc đến nhiều như sự thừa hưởng truyền thống và tinh thần hiệp sĩ đạo Bushido từ lâu đời. Bushido là sự can đảm, danh dự, tinh thần tự thắng, tự kỷ luật và đặt người khác lên trước mình. Điều này đã ảnh hưởng đến hành xử, ý thức và văn hóa của người Nhật.

***

Tôi nghĩ về những điều này khi đọc tin tức về tai nạn của chiếc phi cơ hãng hàng không Nhật – Japan Airlines (JAL) trong những ngày đầu năm mới. Chiếc phi cơ này khi hạ cánh xuống phi trường Haneda tại Tokyo đã đụng phải chiếc phi cơ của lực lượng tuần duyên, có thể đã hiểu lầm hiệu lệnh và tiến vào phi đạo thay vì chờ đến lượt mình. Nếu phi hành đoàn của lực lượng tuần duyên hầu hết bị thiệt mạng thì chuyến bay JAL516, với tổng cộng 379 hành khách lẫn phi hành đoàn 12 người, đều thoát hiểm an toàn chỉ trong một thời gian rất ngắn, sau 18 phút với chỉ ba trong số tám cửa thoát hiểm bởi phi hành đoàn quyết định chỉ sử dụng cửa thoát hiểm nào ngăn lửa và khói tràn vào phi cơ.

Truyền thông Nhật và thế giới gọi đây là phép lạ, ca ngợi sự chuyên nghiệp lẫn kỹ năng được huấn luyện tốt trong tác vụ của phi hành đoàn, đã bảo vệ cho tất cả hành khách được an toàn. Nhưng yếu tố quan trọng khác mà một vài hành khách trên chuyến bay khi được phỏng vấn đã cho biết là, chính thái độ bình tĩnh và tinh thần kỷ luật rất cao của hành khách mà tất cả họ đã được thoát hiểm an toàn.

Họ cho biết các, hành khách tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của các nhân viên phi hành đoàn, vẫn ngồi cúi đầu tại chỗ để tránh hít phải khói và đợi đến phiên mình được hướng dẫn sẽ lần lượt thoát khỏi phi cơ theo cửa thoát hiểm nào trong khi phi cơ đang bốc cháy phía ngoài.

Chính vì không hoảng loạn, không chen lấn dành sự sống cho riêng mình và gia đình, không ráng mang theo hành lý cá nhân mà tất cả họ cùng được sống sót vì chỉ vài phút sau cuộc thoát hiểm hoàn tất thì phi cơ đã bùng cao lửa và phát nổ. Khi không tranh giành mạng sống cho riêng mình thì họ đã tạo ra sự an toàn cho chính họ.

Kỷ luật đã giúp những hành khách Nhật lẫn gia đình họ sống sót trong tai nạn của chuyến bay JAL516 này. Tổn thất sinh mạng duy nhất trong tai nạn là phi hành đoàn đã không cứu được hai chú chó hay mèo gì đó trên chuyến bay, theo như thông cáo xin lỗi của JAL hôm nay.

Thử hỏi rằng nếu đây là chuyến bay của hãng hàng không Việt hay Trung Quốc trong tình cảnh này thì sẽ như thế nào?

Vài ý với Nhã Duy về một sự so sánh

Krishna Trần

6-1-2024

Giống nòi lỡ bước văn minh chậm

Non nước đang chờ tiết khí cao

(Hoàng thân Vĩnh Sính trích dẫn cho quyển “Nhật Bản cận đại”)

Một chiếc máy bay của hàng không Nhật Bản lâm nạn tại Tokyo và mấy trăm hành khách thoát nạn trong vòng mười mấy phút, trong một tinh thần kỷ luật tuyệt vời, trước khi chiếc máy bay cháy rụi.

Khi tin này loan ra, tôi nghĩ ngay rằng, sẽ có những bài viết nào đó trên mạng xã hội, so sánh người Nhật và … người Việt.

Đúng như vậy. Nhã Duy, một tác giả khá quen thuộc trên trang Tiếng Dân, viết: “Người Nhật, kỷ luật trong tai nạn”, trong đó tác giả ca ngợi văn hóa và kỷ luật Nhật Bản, so với người Việt.

Chuyện tinh thần kỷ luật, trật tự, ngăn nắp của người Nhật, nước Nhật, vẫn thường xuyên làm cho cả thế giới thán phục, đâu riêng gì người Việt, đâu riêng gì Nhã Duy, mà tôi đây cũng thế.

Nhưng đọc bài của Nhã Duy xong, tôi thấy còn lấn cấn cái gì đó, đúng hơn là nhiều cái gì đó, mà không biết bắt đầu từ đâu.

Tôi bắt đầu bằng Samuel P. Huntington.

Một nền văn minh đầy sự riêng biệt

Huntington viết Sự xung đột giữa các nền văn minh (Clash between Civilizations) vào năm 1996, chưa đầy 10 năm sau khi khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Trong quyển sách này ông dự báo rằng, xung đột tương lai của thế giới sẽ không phải là ý thức hệ như cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản tự do và cộng sản toàn trị, mà là giữa các nền văn minh lâu đời khác nhau. Dự báo này chứng tỏ khá chính xác trong trường hợp cuộc chiến Ukraine hiện nay (xung đột giữa hai thế giới Thiên chúa Tin Lành và Chính thống giáo). Dĩ nhiên còn những nguyên nhân khác nữa của cuộc chiến tranh tàn khốc đang diễn ra gần hai năm nay, nhưng mục đích của tôi không phải là nói về xung đột. Điều tôi muốn dẫn từ cuốn sách của Huntington là việc chia ra các nền văn minh trên thế giới, trong đó Nhật Bản đứng riêng biệt.

Nhật Bản là một quần đảo, mặc dù chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng người Hán chưa bao giờ cai trị Nhật Bản. Chỉ có hai lần quân đội nước ngoài đặt chân lên lãnh thổ Nhật Bản, đó là những chiến binh Mông Cổ vào thế kỷ 13, trước khi bị tiêu diệt hết. Lần thứ hai là các đội quân Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản sau khi nước này thua trận chiến thế giới lần thứ hai. Trong lịch sử độc lập rất riêng đó, điều quan trọng là, ảnh hưởng của người Hán không phải là một ảnh hưởng cưỡng bức như đối với Việt Nam, với gần 1000 năm Bắc thuộc.

Sự độc lập đó tạo điều kiện cho Nhật Bản có thể lựa chọn những gì hay của văn minh Khổng giáo, kết hợp với triết học Phật giáo (cũng sang Nhật theo ngã Trung Hoa), tạo nên một nền văn hóa mạnh mẽ, nhiều sự tốt đẹp, cho riêng mình.

Hình ảnh các khán giả Nhật Bản đi nhặt rác trong các sân vận động quốc tế, hình ảnh đoàn người kiên nhẫn xếp hàng chờ cứu trợ sau thảm họa Fukushima, hay những clip ngắn cho thấy người Nhật theo nhau qua cửa thoát hiểm ở sân bay Tokyo, chính là kết quả của hàng ngàn năm độc lập phát triển một cách chọn lọc như thế.

Những điều kiện như thế không có ở Việt Nam, núi liền núi sông liền sông với một đế quốc quá hùng mạnh, có điều hay nhưng cũng lắm cái dở hơi. Nhật Bản cũng thoát nạn thực dân khi các võ sĩ đạo thức thời mở cửa buôn bán với phương Tây, ủng hộ Minh Trị canh tân đất nước, trong khi Thiệu Trị và Tự Đức còn mãi làm thơ chữ Hán khi pháo thuyền thực dân Pháp đã vào đến Đà Nẵng. Thoát nạn thực dân, sau đó thua trận nhưng bị Mỹ chiếm đóng, thay vì Liên Xô, Nhật Bản lại thoát khỏi chế độ toàn trị cộng sản, không như các sĩ phu, trí thức xứ An Nam, phải cậy đến phương pháp cộng sản để giành độc lập, để rồi rơi vào thêm mấy mươi năm lạc hướng.

Quả táo Fuji và trái cam sành

Đương nhiên chẳng có gì để so sánh giữa chúng với nhau cả.

Sau khi xem lại Huntington, tôi vào trang New York Times, để xem người Mỹ nói gì về chiếc máy bay Nhật Bản lâm nạn. Trong bài “Khi ngọn lửa bùng lên, trật tự ngự trị bên trong máy bay của Japan Airlines”, có tới gần 1000 bình luận của độc giả, mà có tới hai phần ba so sánh Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đa số viết rằng, nếu chuyện đó xảy ra ở Mỹ, thì với ý thức quyền lợi cá nhân quá cao, người Mỹ hẳn chết nhiều lắm trong một tai nạn tương tự.

Các độc giả Mỹ này có lý hơn khi họ so sánh hai quả táo, Fuji và Pennsylvania, cùng là táo cả. Hai quốc gia hiện đại tương đương nhau, khoa học kỹ thuật tương đương nhau. Và bên cạnh những người than phiền tính cách văn hóa “Me First”, của người Mỹ, nhiều người khác viết rằng, câu chuyện Nhật Bản là câu chuyện văn hóa, không phải mới dạy dỗ trẻ em hôm kia thì hôm nay có được, mà là nó hun đúc cả ngàn năm.

Mà có khi hai quả táo Fuji và Pennsylvania cũng khó so sánh.

Hai vợ chồng một người quen của tôi, người gốc Việt sống ở Mỹ, đi du lịch Nhật Bản về. Chị vợ ca ngợi hết lời sự sạch sẽ của nước Nhật, chị ca cẩm là nước Mỹ so với Nhật thì dơ bẩn quả, vì nhiều di dân đến từ các nước nghèo khó, và vì thế nên hạn chế di dân như Nhật Bản.

Nhật Bản là một quốc gia rất đồng nhất về sắc tộc, và như thế dễ quản trị hơn một nước đa sắc tộc như Mỹ.

Anh chồng bèn trả lời, rằng Mỹ có nhiều người nhập cư, thế là không thiếu lao động, dân số không già đi như Nhật Bản. Được cái này thì mất cái kia, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.

Quả táo Fuji có sâu không?

Có chứ!

Cách đây hơn 20 năm, tôi thăm đền Đế Thiên Đế Thích, thấy một đoàn du khách Nhật Bản do một anh hướng dẫn viên người Việt hướng dẫn. Một ông cụ đi trước một bà cụ, rồi quay lại nói gì đó với bà cụ mà vẻ mặt có vẻ cáu giận. Tôi bèn hỏi anh hướng dẫn viên người Việt. Anh ấy dịch câu của ông cụ là: Đi nhanh lên đi chứ, cái đồ ngu ngốc! Anh cho biết thêm là, những câu nói của đàn ông Nhật Bản tương tự như vậy, rất thường xuyên được nói với vợ họ.

Chuyện phân biệt đối xử với phụ nữ là chuyện của nhân loại, nhưng chuyện đó đối với nhân loại Nhật Bản trầm trọng hơn nhân loại phương Tây, mà xem chừng có thể là trầm trọng hơn cả nhân loại Việt Nam. Gần đây, quốc hội Nhật bàn xem phải làm thế nào để giải quyết cái gọi là “rape culture” của xã hội Nhật Bản, trong đó người phụ nữ bị hãm hiếp mà không thể, hoặc không dám đưa thủ phạm ra ánh sáng.

Tỷ lệ người tự tử ở Nhật đứng hàng đầu thế giới. Cũng không rõ đó có phải do nguyên nhân tinh thần kỷ luật quá tuyệt đối, sức ép công việc lên cá nhân quá lớn hay không! Nhưng dù gì đi nữa, một dân tộc có tỷ lệ tự tử cao như vậy thì khó mà nói rằng họ hạnh phúc. Một nền văn hóa như thế nào mà dân chúng không được hạnh phúc, thì có lẽ cũng nên xem xét cho tường minh mà sửa đổi.

What if

Ở cuối bài, tác giả Nhã Duy đặt câu hỏi theo dạng… Nếu: Thử hỏi rằng nếu đây là chuyến bay của hãng hàng không Việt hay Trung Quốc trong tình cảnh này thì sẽ như thế nào?

Một độc giả của bài báo trên tờ NYT mà tôi đề cập trên kia, viết rằng, đã đi du lịch nhiều nơi ở châu Á, thấy rằng người Á châu, trong đó có cả người Trung Quốc, rất có kỷ luật.

“Nếu” tức là chưa có, và đang không có. Và mọi sự có thể đổi thay.

Một trong những người Việt Nam am hiểu Nhật Bản là Hoàng thân Vĩnh Sính (1944-2014), là giáo sư lịch sử và văn hóa Nhật Bản tại Canada. Ông viết một quyển sách tên là “Nhật Bản cận đại, dành cho độc giả người Việt. Mở đầu quyển sách, ông trích dẫn hai câu thơ:

“Giống nòi lỡ bước văn minh chậm

Non nước đang chờ tiết khí cao”

Hai câu thơ này cũng hàm ý một sự so sánh. So sánh giữa nhanh và chậm, cao và thấp, nhưng khi đọc, tôi cảm nhận một sự cảm thông, hơn là lấn cấn.

Cuộc sơ tán người hoàn hảo khỏi ‘hỏa ngục’ phi cơ Japan Airlines bốc cháy ở Tokyo

 

 

Getty Images

GETTY IMAGES

 

Kelly Ng

BBC News

 

Hành khách tuân theo hướng dẫn của phi hành đoàn, lao tới lối thoát hiểm của chiếc máy bay Japan Airlines đang bốc cháy mà không mang theo hành lý xách tay.

Việc bỏ lại những đồ vật có giá trị là “yếu tố quan trọng” đằng sau việc sơ tán nhanh chóng của tất cả 379 người trên khoang ngay trước khi chiếc máy bay bốc cháy trên đường băng sân bay Haneda ở Tokyo vào thứ Ba vừa rồi, các chuyên gia hàng không nói.

Chuyến bay 516 của hãng hàng không Japan Airlines đã bùng cháy thành quả cầu lửa sau khi va chạm với một máy bay tuần duyên khi hạ cánh. Năm trong số sáu người có mặt trên chiếc máy bay tuần duyên có kích thước nhỏ hơn đã thiệt mạng.

Cuộc sơ tán hoàn hảo trên máy bay của Japan Airlines đã khiến cả thế giới kinh ngạc và khen ngợi. Các chuyên gia hàng không và phi hành đoàn nói với BBC rằng kết quả này là nhờ việc phi hành đoàn đã thực hiện quá trình huấn luyện nghiêm ngặt, cùng việc những hành khách “cư xử tốt”, tuân thủ các quy trình an toàn.

“Tôi không thấy một hành khách nào khi xuống tới mặt đất, trong bất kỳ video nào tôi xem, có hành lý mang theo bên mình… Nếu mọi người cố lấy hành lý xách tay thì sẽ là thực sự nguy hiểm vì họ sẽ làm chậm quá trình sơ tán,” Giáo sư Ed Galea, giám đốc Nhóm Kỹ thuật An toàn Phòng cháy chữa cháy tại Đại học Greenwich nói.

Tình trạng của chiếc máy bay Airbus A350 đã khiến việc sơ tán trở nên khó khăn, Giáo sư Galea cho biết.

“Vụ tai nạn này xảy ra khá là tệ. Máy bay bị chúi phần đầu xuống, khiến hành khách khó di chuyển,” ông nói.

Chỉ có thể sử dụng ba cầu trượt bơm hơi để sơ tán hành khách nhưng chúng không được bung ra đúng cách do cách thức máy bay tiếp đất. Đường trượt rất dốc, dễ gây nguy hiểm.

Japan Airlines cho biết hệ thống thông báo của máy bay cũng gặp trục trặc trong quá trình sơ tán, vì vậy phi hành đoàn phải dùng loa và cả hét to để hướng dẫn mọi người.

Hãng hàng không cho biết một hành khách bị bầm tím và 13 người khác yêu cầu được tư vấn y tế do cảm thấy người khó chịu.

Chiếc máy bay của Japan Airlines khởi hành từ sân bay New Chitose của Sapporo lúc 16:00 giờ địa phương (07:00 GMT) và hạ xuống Haneda ngay trước 18:00. Chiếc máy bay tuần duyên nhỏ hơn dự định sẽ khởi hành, đi cứu trợ cho các nạn nhân trận động đất mạnh vào ngày đầu năm mới . Một cuộc điều tra về vụ va chạm đang được tiến hành.

Hành khách xuống bằng đường trượt khẩn cấp sau khi chiếc phi cơ bốc cháy

Tác dụng của việc huấn luyện an về toàn

Một cựu tiếp viên hàng không của Japan Airlines nói với BBC rằng hành khách trên chuyến bay thương mại đã “cực kỳ may mắn”.

“Tôi cảm thấy nhẹ cả người khi biết tất cả hành khách đều an toàn. Nhưng khi bắt đầu nghĩ đến trình tự sơ tán khẩn cấp, tôi chợt cảm thấy lo lắng và sợ hãi,” cô nói. “Tùy thuộc vào cách hai máy bay va chạm và ngọn lửa loang rộng ra sao, mọi chuyện đã có thể trở nên tồi tệ hơn thế rất nhiều”.

Cựu tiếp viên hàng không giấu tên này cho biết trong các tình huống thực tế thì có thể khó đảm bảo rằng hành khách không hoảng sợ.

“Nhưng những gì họ đạt được khó hơn những gì ta có thể tưởng tượng. Việc họ đưa được mọi người thoát ra được là kết quả của sự phối hợp tốt giữa phi hành đoàn và các hành khách tuân thủ hướng dẫn,” cô nói.

BBC

Cô cho biết các tân thành viên phi hành đoàn đều phải trải qua quá trình huấn luyện sơ tán và cứu hộ nghiêm ngặt trong thời gian đến ba tuần trước khi họ được phép phục vụ trên các chuyến bay thương mại. Việc đào tạo được lặp lại hàng năm.

“Chúng tôi trải qua bài kiểm tra viết, thảo luận nghiên cứu tình huống và đào tạo thực tế bằng các tình huống khác nhau, chẳng hạn như khi máy bay phải hạ cánh trên mặt nước hoặc nếu có hỏa hoạn trên máy bay. Nhân viên bảo trì cũng tham gia vào khóa đào tạo đó,” cựu tiếp viên hàng không, người đã rời công ty 10 năm trước, nói.

Một phi công của một hãng hàng không Đông Nam Á, người cũng giấu tên, cho biết quá trình huấn luyện nghiêm ngặt mà phi hành đoàn đã trải qua đã giúp cho việc sơ tán được triển khai nhanh chóng.

“Tôi phải nói rằng điều đó thật tuyệt vời. Tôi nghĩ điều xảy ra trong trường hợp này là nhờ vào kết quả của quá trình đào tạo. Bạn thực sự không có thời gian để suy nghĩ trong tình huống như thế này, vì vậy bạn chỉ làm những gì bạn đã được đào tạo để làm,” anh nói.

Để bất kỳ phi cơ dân dụng nào được cấp chứng nhận quốc tế, các nhà sản xuất máy bay phải chứng minh rằng mọi người trên khoang có thể rời khỏi máy bay trong vòng 90 giây. Các buổi diễn tập sơ tán đôi khi có cả sự tham gia của các hành khách thật, anh nói thêm.

Reuters

REUTERS Hàng khách nhìn máy bay bốc cháy từ đài quan sát

Viên phi công này nói thêm rằng các quy định an toàn hàng không đã được tăng cường đáng kể sau những tai nạn từng xảy ra.

Ví dụ, vụ va chạm của hai máy bay phản lực Boeing 747 tại sân bay Los Rodeos ở Tây Ban Nha năm 1977 – khiến 583 người thiệt mạng và cho đến nay vẫn là vụ tai nạn chết người nhất trong lịch sử hàng không – đã dẫn đến việc xem xét lại các quy trình liên lạc vô tuyến với buồng lái. Vụ tai nạn được xác định là do sự hiểu nhầm nhau trong quá trình trao đổi liên lạc giữa phi hành đoàn và các kiểm soát viên không lưu.

Japan Airlines đã từng có vụ tai nạn riêng của mình vào tháng 8/1985, khi chuyến bay 123 đi Osaka đâm vào một ngọn núi ngay sau khi cất cánh từ Tokyo Haneda. Người ta cho rằng nguyên nhân vụ việc là do công tác bảo trì, sửa chữa của nhà sản xuất máy bay Boeing có vấn đề. Chỉ có 4 trong số 524 người trên khoang sống sót sau vụ tai nạn.

Năm 2006, Japan Airlines đã mở một trung tâm giống như bảo tàng gần Haneda để trưng bày những mảnh vỡ sau vụ tai nạn, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về an toàn cho nhân viên của hãng.

“Trước nỗi đau buồn của các gia đình tang quyến cũng như sự mất lòng tin của công chúng đối với an toàn hàng không [sau vụ tai nạn năm 1985], chúng tôi cam kết sẽ không bao giờ cho phép một tai nạn thương tâm như vậy xảy ra nữa,” Japan Airlines viết trên trang web của trung tâm này

“Mọi nhân viên đều được nhắc nhở rằng chúng tôi làm công việc được tin cậy, được giao phó mạng sống và tài sản quý giá.”

Mariko Oi tường thuật bổ sung

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen