Seite auswählen

„Đảng Cộng Sản và Chủ Nghĩa Xã Hội chính là hai vòng kim cô siết chặt sinh mệnh của Dân Tộc. Dân tộc muốn bay lên, Đảng giang tay níu lại. Dân tộc muốn tự do, Đảng trói lại. Dân tộc muốn dân chủ, Đảng chận đứng. Dân tộc muốn giàu, Đảng không cho. Dân tộc muốn tiến, Đảng kéo giật lùi. Dân tộc càng vùng vẫy, vòng kim cô của Đảng càng siết chặt.“

 

Nhật Khánh

 

 I) SỨC MẠNH CỦA TỪ NGỮ VÀ KHÁI-NIỆM.

 

Gustave Le Bon, người Pháp, tác giả cuốn “Psychologie de la foule” (Tâm Lý Quần Chúng), nêu ra một số đặc điểm của con người khi tham dự trong đám đông: nhẹ dạ, dễ tin, hay thay đổi, nhạy cảm, chóng quên và … phản bộị Người ta có thể rất sáng suốt, tự chủ khi đứng ngoài, đứng riêng, nhưng khi đã hòa vào đám đông, và tất nhiên sẽ mang những đặc điểm của đám đông. Chính thứ tâm lý đó đã giúp hình thành nên những cuộc nỗi loạn, những cuộc cách mạng khi những nhà lãnh đạo biết khai thác các hiệu ứng tâm lý của đám đông.

 

 

Cái gì gây nên hiệu ứng tâm lý đó ? Từ ngữ!

Và cách diễn giải từ ngữ đó, tức là khái niệm.

 

Nói như thế thì cũng có phần hồ đồ, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, trong nhiều yếu tố gây kích động quần chúng, thì cách xử dụng từ ngữ và giải thích từ ngữ đó đóng một vai trò hàng đầụ Xử dụng từ ngữ – hay nói khác đi, tạo ra khẩu hiệu – đúng lúc, đúng thời, đúng chỗ sẽ huy động một số quần chúng lớn lao hỗ trợ cho các phong trào, tổ chức. Thông thường thì các khẩu hiệu nói lên được một phần sự thật, vì có chứa được một phần sự thật thì mới dụ dỗ được quần chúng. Nhưng lắm khi, khẩu hiệu chỉ là những chiêu bài, những cái bánh vẽ không hơn không kém.

 

“Lấy của người giàu chia cho người nghèo”, “Phản Thanh phục Minh”, “Phù Lê diệt Trịnh”, “Lê Lợi vi vương, Nguyễn Trãi vi thần”, “Tự Do, Bình Đẳng”, “Giải Phóng Nô Lệ”…..Đó là những khẩu hiệu mà chúng ta biết về các cuộc cách mạng, nỗi dậy trong lịch sự Có người bảo không có hai chữ “Tự Do” và “Bình Đẳng” chưa chắc đã có cuộc cách mạng Pháp năm 1789!

 

Kể cũng có phần quá đáng, nhưng chẳng phải là hoàn toàn không có lỵ Một nhà văn Pháp thời đó đã phải thốt lên: “Ôi, Tự Do, nhân danh mi mà bao người phải rơi đầu !”

 

Cho đến nay, không ai xử dụng trò chơi chữ và khẩu hiệu một cách sáng tạo, linh động và xảo quyệt như những người Cộng Sản. Kể từ Marx, Engels, Lê Nin, Mao Trạch Đông đến Hồ Chí Minh, tùy từng thời điểm lịch sử, tùy hoàn cảnh địa phương, các khẩu hiệu được tung ra một cách mạnh mẽ, dồn dập, đầy ấn tượng và có tác dụng tích cực vào tâm lý quần chúng một cách rộng lớn, lâu dàị Các từ ngữ tuyên truyền thường ngắn, gọn, nhịp nhàng _ vừa thuyết phục, vừa đe dọa, dụ dỗ, vừa khích động nhằm huyễn hoặc quần chúng : giai cấp đấu tranh, áp bức, bóc lột, đại đồng, cộng sản, vô sản, giải phóng, địa chủ, đế quốc đầu sỏ, phản động, hòa hợp hòa giải, độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân, tổ quốc, đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào, Áo xanh thì tha áo hoa thì giết, ta nhất định thắng địch nhất định thua, đấu tố, diệt ác phá kềm…

 

Cách chọn chữ, chọn khẩu hiệu, cho phù hợp với giai đoạn, lịch sử, với đối tượng tuyên truyền là cả một nghệ thuật được nghiên cứu, duyệt xét rất công phu, kỹ lưỡng để gây một hiệu ứng mạnh mẽ nhất trong tâm lý quần chúng nhằm :

 

– cưỡng bức mọi người hướng về một mục tiêu định sẵn

– xóa nhòa ranh giới giữa các hữu lý và vô lý

– xóa nhòa ranh giới giữa sự thực và ảo tưởng.

 

Chữ nghĩa và cách diễn dịch chữ nghĩa đều có tính cách “cưỡng từ đoạt lý”. Ví dụ: nói dân chủ, Cộng Sản bảo “dân chủ tập trung” (thực ra là độc tài) hoặc “dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân”. Nói yêu nước, Cộng Sản bảo “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”. Để kêu gọi nhân dân thế giới, Công Sản bảo: “Vô sản các nước, hãy đoàn kết lại!”.

 

Để kêu gọi những người yêu nước, Cộng Sản bảo : “Độc lập dân tộc“. Để lừa gạt người nghèo, Cộng Sản hô hào: “Lao động vùng lên“. Để dụ dỗ những người Công Giáo, Cộng Sản bảo : “Kính Chúa yêu nước”…..

 

Không thiếu người đi theo Cộng Sản chỉ vì nghe những khẩu hiệu và cách diễn dịch những khẩu hiệu đó. Đến khi hiểu được sự thực, thì đã ở trong guồng máy Cộng Sản rồi ! Đi không được, thoát không ra, thôi thì đành biến thành những con vẹt, và lại tiếp tục hô khẩu hiệu Chúng ta đã từng biết, “hô khẩu hiệu” là một đặc điểm của cán bộ, đảng viên Cộng Sản và nhân dân trong vòng kiềm tỏa của họ, lớn hô, nhỏ hô, sống hô mà gần chết cũng hô. Những người máy, không suy nghĩ.

 

Cộng Sản quả là bậc thầy trong các trò mê hoặc quần chúng bằng chữ nghĩa Cũng cần nói rõ, không phải nó chỉ mê hoặc người vô học hoặc ít học, mà còn mê hoặc cả giới trí thức. Phải mất gần cả một thế kỷ, nhân loại mới thoát ra khỏi cái thế giới ma quái chữ nghĩa của Cộng Sản, và do đó, thoát được cơn ác mộng của “chủ nghĩa đại đồng”.

 

Ấy thế mà còn một bộ phận nhỏ của nhân loại vẫn còn chưa thức tỉnh. Bất hạnh thay, trong đó có Việt Nam!

 

 

II) HỆ QUẢ CỦA MỘT LÝ THUYẾT KHÔNG TƯỞNG.

 

Ông tổ của chủ nghĩa Cộng Sản, Karl Marx, kết án những lý thuyết gia về xã hội chủ nghĩa đi trước ông như Proudhon, Feuerbach là “không tưởng”. Bởi thế, ông đưa chủ nghĩa của ông vào hiện thực bằng cách lập một đảng chính trị để làm công cụ thi hành chủ nghĩa. Và Lê Nin, cụ thể hơn,bắt tay ngay vào việc lật đổ chế độ cũ và lập nên Nhà Nước Cộng Sản với tất cả những kỹ thuật tinh vi nhất về việc trị dân. Tưởng chừng như Lê Nin đã biến giấc mơ không tưởng Cộng Sản thành hiện thực. Thực tế thì, như chúng ta đã thấy, đó là một cơn ác mộng diễn ra bằng máu, nước mắt và tiêu tốn của nhân loại biết bao nhiêu sinh lực để được chứng minh là không tưởng. Tác hại ghê gớm đó diễn ra là vì Cộng Sản đã dùng cái “thực” để xây dựng cái “ảo”, và cố dựng cái “ảo” vào trong cái “thực”.

 

– Cộng Sản dùng sức người, sức của, huy động mọi tiềm lực sống, kể cả sinh mệnh dân tộc – những điều có trong hiện thực – vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa là cái không có thực.

 

– Cộng Sản ra sức biến ngôn từ, khẩu hiệu, khái niệm và những hoang tưởng thành những cái có thực. Thực tế là họ áp đặt những hoang tưởng, họ muốn buộc thực tế tuân theo điều họ muốn.

 

Rốt cục, quá trình THỰC THÀNH ẢO, ẢO THÀNH THỰC mà người Cộng Sản tạo ra đã khiến cho toàn thế giới nói chung, và từng dân tộc nói riêng, phải chịu những gánh nặng trên chiều dài lịch sự Nhất là đối với những dân tộc, trong đó các điều kiện lịch sử đặc biệt đã giúp cho Cộng Sản có cơ hội lớn mạnh, với một thế lực áp đảo như dân tộc Việt Nam, Trung Hoa, thì gánh nặng càng khủng khiếp hơn. Hơn 50 năm qua, và ngay cả hiện nay, Cộng Sản Việt Nam đặt toàn khối dân tộc trong một màn hư ảo của những tuyên truyền, hứa hẹn, chiêu bài. Họ thay hình đổi dạng, xào nấu ngôn ngữ, phỉnh phờ nhân dân và tự phỉnh phờ mình : hết độc lập dân tộc, giải phóng, đấu tranh giai cấp, chống thực dân, đế quốc, chống bành trướng đến hòa hợp hòa giải, kinh tế thị trường, chống diễn biến hòa bình….. Tất cả chỉ là chữ nghĩa. Nhưng khốn nạn thay, hậu quả của thứ chữ nghĩa đó lại quá lớn : biến cả dân tộc chơi vơi trong thế giới ảo và đẻ ra hai thực thể mà sức tàn phá của nó, vốn đã quá trầm trọng trong quá khứ, lại càng ghê gớm hơn trong tương lai: đó là đảng Cộng Sản và Chủ Nghĩa Xã Hội.

 

 

III) HAI VÒNG “KIM CÔ”.

 

Như chúng ta biết, trong Tây Du Ký, để buộc Tôn Ngộ Không mãi mãi bị khống chế, Phật Bà Quan Âm đã tròng vào đầu chú khỉ bướng bỉnh này vòng “Kim Cô”. Cái vòng này dính hẳn vào da thịt Tôn Ngộ Không, không cách gì tháo ra được. Mỗi lần bị Tam Tạng niệm chú, cái vòng siết lại làm cho chú khỉ nhức đầu không chịu nổi. Càng vùng vẫy cái vòng lại càng siết thêm. Thế là chú khỉ đành cúi đầu chịu phép.

 

Tình trạng dân tộc Việt Nam cũng tương tự thế, chịu một lúc hai vòng kim cô : Đảng Cộng Sản và Chủ Nghĩa Xã Hội,  hai mà một, một mà hai. Cái này là chiêu bài của cái kia .Cái kia là lý do tồn tại của cái này. Tất nhiên, tôi không có ý bẻ nguyên câu chuyện Tôn Ngộ Không vào đây. Tôi chỉ muốn dùng khái niệm vòng kim cô để giải thích hoàn cảnh bế tắc đặc biệt của đất nước hiện nay.

 

Đảng Cộng Sản và Chủ Nghĩa Xã Hội chính là hai vòng kim cô siết chặt sinh mệnh của Dân Tộc. Dân tộc muốn bay lên, Đảng giang tay níu lại. Dân tộc muốn tự do, Đảng trói lại. Dân tộc muốn dân chủ, Đảng chận đứng. Dân tộc muốn giàu, Đảng không cho. Dân tộc muốn tiến, Đảng kéo giật lùi. Dân tộc càng vùng vẫy, vòng kim cô của Đảng càng siết chặt. Đảng vẫn cương quyết thi hành cái ước mơ hoang tưởng về xã hội chủ nghĩa. Bởi thế, dù cố phát triển đất nước theo kinh tế thị trường, Đảng vẫn khư khư bọc trong những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Dân tộc, cái chiêu bài mà Đảng đã vận dụng suốt mấy chục năm qua – và vận dụng một cách thành công – chỉ là mượn đầu heo nấu cháo. Dân tộc chỉ là vật thí nghiệm.

 

Thử nhắc lại những từ, những khẩu hiệu chính của người Cộng Sản :

 

– “Trung với Đảng, hiếu với dân”

– “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”

– “Tính Đảng, tính giai cấp, tính dân tộc”

– “Bác và Đảng”, “Đảng và Bác”

– “Nhờ ơn Bác, nhờ ơn Đảng”

 

Thực ra, như đã đề cập, Cộng Sản có vô số từ, vô số khẩu hiệu vận dụng trong nhiều trường hợp riêng biệt để tranh thủ nhân tâm, rất nhiều khẩu hiệu đề cao vai trò của dân tộc. Nhưng ý kiến dân tộc ở đây bị trói buộc vào ý niệm về Đảng và Chủ Nghĩa. Đảng và Chủ Nghĩa là chính. Dân Tộc chỉ là một chặng trong quá trình thực hành chủ nghĩa.

 

  1. Đảng và quá trình thánh-hóa.

 

Người ta thường đề cập đến tệ sùng bái cá nhân và cho đó là nguyên nhân gây ra những thảm trạng trong các nước cộng sản. Thực ra, tệ sùng bái cá nhân chỉ là hậu thân của tệ sùng bái Đảng. Đảng được sùng bái, thế tất lãnh tụ Đảng phải được sùng bái.

 

Trong căn bản lý thuyết, người Cộng Sản quan niệm đảng Cộng Sản khác hẳn các đảng phái chính trị khác. Các đảng chính trị khác đại diện cho một khuynh hướng, một bộ phận quần chúng trong lúc vẫn chấp nhận những khuynh hướng khác, bộ phận quần chúng khác. Họ không muốn, và cũng không thể đại diện cho hết thảy mọi người – và lại càng không thể đại diện cho một dân tộc. Đảng Cộng Sản nêu mục tiêu của mình là giải phóng giai cấp, giải phóng toàn nhân loại. Ngoài họ ra, không ai có thể làm được điều đó Chính vì thế, đảng Cộng Sản không những đại diện cho toàn bộ giai cấp vô sản, mà còn đại diện cho toàn nhân loại. Ở trong mỗi nước, họ đại diện cho cả dân tộc. Đi xa hơn, đảng Cộng Sản đại diện cho Chân Lý, cho cái Thiện đi tiêu diệt cái Ác. Đảng Cộng Sản là chính nghĩa.

 

Xuất phát từ quan điểm đó, ngay khi nắm được chính quyền (thông thường là bằng bạo động), họ lập tức tiêu diệt hết phe đối lập và đặt đất nước dưới gông cùm của Đảng. Đảng hoàn toàn chuyên chế. Đảng đứng trên Hiến Pháp, Pháp Luật, đứng trên Dân Tộc. Đảng trở thành THẦN, thành THÁNH, thành THƯỢNG ĐẾ. Mọi người đều phải cúi đầu phủ phục trước Đảng. Đảng luôn luôn đúng, không bao giờ sai.

 

Chỉ cần vài năm sau khi nắm chính quyền, với bộ máy đàn áp qui mô, tàn bạo cọng với bộ máy tuyên truyền, Đảng Cộng Sản hoàn thành quá trình thánh-hóa : biến mọi người thành những con cừu non và Đảng thành thiên thần. Đảng và các lãnh tụ thay thế các tôn giáo, các vị thần. Quá trình thánh-hóa không chấm dứt ở đây. Nó tiếp tục mãi mãi, ngày đêm, từng giờ từng phút bằng cách bắt mọi người lập đi lập lại các câu khẩu hiệu, các bài học tập, kiểm điểm xuyên qua các chiến dịch, các phong trào thi đua.

 

  1. Chủ Nghĩa áp dụng vào hiện thực.

 

Sự áp dụng những nguyên tắc Xã Hội Chủ Nghĩa giúp một phần lớn vào quá trình thánh-hóa Đảng nói trên.

 

– bần cùng hóa nhân dân

– thủ tiêu kinh tế tư nhân

– độc quyền ngoại thương

– hợp tác hóa nông nghiệp

– nắm toàn bộ nguồn lương thực

– đoàn ngũ hóa mọi thành phần

– huấn luyện mọi người trở thành những điểm chỉ viên của Công An.

 

Tất cả những công việc trên được thực hiện để tạo tiền đề thuận lợi cho bộ máy tuyên truyền thánh-hóa Đảng.

 

Chúng ta đã thấy hậu quả của công việc hiện thực hóa Xã Hội Chủ Nghĩa như thế nàọ Nó không tạo ra bất kỳ một cái gì thêm cho xã hội, cho đất nước ngoài việc tàn phá tài nguyên vật chất, tài nguyên tinh thần. Nó phung phí biết bao nhiêu sinh lực của dân tộc vào các phong trào, kế hoạch, vào các cuộc chiến tranh.

 

 IV) TÁC DỤNG CỦA HAI VÒNG KIM CÔ

 

Nhưng di sản nặng nề nhất phải nói là hình tượng Đảng, cơ chế Đảng, tâm lý Đảng và cơ cấu Xã Hội Chủ Nghĩa kỳ quặc để lại trên tâm lý, xã hội của đất nước. Nó trở thành một quán tính, một sức rì kéo Dân Tộc lại. Cho dù có nói cải cách, đổi mới, kinh tế thị trường, hòa hợp hòa giải, Đảng và Chủ Nghĩa vẫn còn đó như lưỡi gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu Dân Tộc. Anh muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, nhưng phải nhớ rằng : Đảng và Chủ Nghĩa phải trên hết.

 

 1. Đảng và Chủ Nghĩa vẫn còn đó.

 

Hiện nay, không ít người tin tưởng rằng với chính sách đổi mới, và kinh tế thị trường, dân tộc ta sẽ có cơ hội bay lên vì ĐẢNG ĐÃ LỘT XÁC và CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÔNG CÒN NỮA. Nhận thức này hoàn toàn không đúng. Trong tất cả nghị quyết, tài liệu học tập, các bài diễn văn…, những nhận định cốt tủy sau đây luôn luôn được lập lại, và được khẳng định như là những nguyên tắc chỉ đạo của Nhà Nước Cộng Sản :

 

– “Con đường đi lên Xã Hội Chủ Nghĩa ở nước ta càng ngày càng được xác định rõ hơn”.

 

– “Sự lãnh đạo của Đảng cần được thể chế hóa thành luật pháp”.

 

– “Cần xác định đổi mới không có nghĩa là thay đổi mục tiêu Xã Hội Chủ Nghĩa mà là quan niệm đứng đắn hơn về Chủ Nghĩa Xã Hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những bước đi, hình thức và biện pháp phù hợp”.

 

– “Xây dựng Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng Sản lãnh đạo.“

 

– “Thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên đường lối, chủ trương của Đảng, các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những truyền thống tốt đẹp của Dân Tộc”.

 

– “Không được truyền bá những quan điểm sai trái với quan điểm, đường lối của Đảng, không được phát tán tài liệu, làm lộ bí mật của Đảng và của quốc gia”.

 

Những đoạn trích dẫn trên nghe như ở đâu từ trước thời kỳ đổi mới, lúc Đảng Cộng Sản còn thi hành chính sách đóng cửa. Thực ra, chúng được rút ra từ một tài liệu mới toanh, đó là “Dự thảo các văn kiện trình Đại Hội 8 của Đảng” được soạn thảo để thông qua tại đại hội mùa hè 1996 sắp tới. Thực quá ngao ngán ! Cũng cần lưu ý, các tài liệu luôn luôn để Đảng và Chủ Nghĩa trước Dân Tộc, kiểu trung với Đảng rồi mới hiếu với Dân – tính Đảng trước tính Dân Tộc…

 

 

  1. Hậu quả của hai vòng kim cô.

 

Cũng có người cho rằng : Ừ thì Đảng lãnh đạo cũng được, Xã Hội Chủ Nghĩa cũng được, miễn sao cho dân giàu nước mạnh. Bằng chứng là hiện nay tất cả đã thay đổi, đời sống đã sung túc, không khí đã cởi mở. Cần gì phải đa nguyên, đa đảng (!) cần gì phải dân chủ, tự do (!).

 

Chúng ta đọc thử một đoạn báo sau đây trên tờ Tuổi Trẻ, cơ quan ngôn luận của Thành Đoàn Thanh Niên Cọng Sản TP Hồ Chí Minh :

 

“Có một số nhóm gồm các giám đốc doanh nghiệp thường gặp nhau tại các Bar rượu thượng lưu tại Sài Gòn và Hà Nội, sau đó sát phạt nhau bằng những ván bài trị giá trăm nghìn đô la. Trong một canh bạc giải khuây vì làm ăn thua lỗ gần đây, hai doanh nhân nọ đã thua trên hai trăm ngàn đô la. Một trong những người may mắn, giám đốc Công Ty Vật Tư quận 3 Nguyễn Ngọc Châu đã ăn 1tỷ3 đồng. Nhà doanh nghiệp thua bài phải chung bằng 5 xe du lịch do đơn vị mới nhập về, trị giá 1tỷ8. Ông Châu “thối” lại 500 triệu đồng. Mới đây, ông Giám Đốc “may mắn” này đã bị Công An quận 3 bắt quả tang đang cùng một số chiến hữu đánh bạc tại một căn nhà trên đường Lê Quý Đôn. Nhưng một lần nữa, ông Châu lại gặp “may mắn” : chỉ bị xử lý hành chánh”.

 

…”Đi công vụ nước ngoài bây giờ nhiều như rươi. Tất nhiên tiền đổ ra cho các chuyến đi này phần lớn đều từ ngân sách Nhà Nước. Có một số doanh nghiệp, thua lỗ càng nhiều càng tăng cường đi nước ngoài. Bởi thế cho nên có nhiều giấy mời đi nước ngoài với nội dung tiếp thị, ký hợp đồng mua bán nhưng thực chất là một cuộc đi chơi cho đã”.

(Tuổi Trẻ, số ngày 9-1-1996)

 

Một bài báo khác cũ hơn cho biết :

 

“Theo Tổng Thanh Tra Nhà Nước, qua một năm chống tham nhũng trong cả nước, đã xử lý hành chánh 19.220 ngườị Trong số này, có 7 thứ trưởng và tương đương, 6 lãnh đạo cấp Vụ và Tổng Công Ty, 8 Tỉnh Ủy Viên, 4 Bí Thư Huyện Ủy, 10 Phó Chủ Tịch Huyện, 99 huyện ủy viên, hàng trăm giám đốc cấp huyện.”

(Tuổi Trẻ 23-2-1991)

 

Những loại bài báo như trên không lạ gì đối với nhân dân. Nó nhan nhản trên các báo Đảng trong chiến dịch chống tham nhũng. Thực chất của vấn đề là : tất cả cái “thay đổi”, “sung túc”, “cởi mở”, chỉ là hậu quả của tình trạng “Sự giàu lên của Đảng trong một đất nước nghèo vào bậc nhất thế giới”. Nói khác đi, Đảng đổi mới không phải để phục vụ dân tộc, mà để củng cố quyền hành của Đảng. Để theo kịp xu thế của thế giới, thay vì thống trị nhân dân chỉ bằng bạo lực, kềm kẹp và sự nghèo đói, Đảng “tiến lên” thống trị bằng cách vỗ béo các công thần của Đảng để họ tiếp tục bảo vệ Đảng và Chủ Nghĩa – cho dù chỉ là hình thức. Đảng độc quyền đầu tư, độc quyền làm giàu, độc quyền tham nhũng, độc quyền đổi mới, độc quyền chống tham nhũng.

 

Cứ suy ngẫm mà xem : AI THAM NHŨNG, AI KÊU GÀO CHỐNG THAM NHŨNG, AI ĐÒI ĐỔI MỚI, AI XỬ THAM NHŨNG, AI THAY THẾ NHỮNG NGƯỜI THAM NHŨNG, AI ? TẤT CẢ TẤN KỊCH CHỈ CÓ MỘT VAI : ĐẢNG. Quanh đi quẩn lại, dù có hò hét lăng nhăng, có rộn ràng la lối, trên sân khấu, diễn viên đều nằm trong hàng ngũ 2 triệu đảng viên. Nói cho chính xác, : tập đoàn lãnh đạo Đảng và vây cánh của họ là diễn viên chính.

 

Từ vô sản, Đảng tiến lên hữu sản. Từ thống trị bằng BẠO LỰC + KHẨU HIỆU, Đảng tiến lên thống trị bằng BẠO LỰC + ĐÔ LA Đố chạy đâu cho khỏi Đảng ! Dân Hà Nội sửa lời của Mạnh Tử như thế này :

 

Đảng vi quí

Xã tắc thứ chi

Dân vi khinh.

 

Dù cách nào, thì Đảng cũng áp đặt quyền lợi của Đảng và sự ứng dụng chủ nghĩa ở trên quyền lợi của Dân Tộc. Bởi thế, mối mâu thuẫn Dân Tộc – Đảng hiện diện thường xuyên trong các chính sách của Đảng, thời chiến cũng như thời bình.

 

– vừa đề cao truyền thống dân tộc, lại vừa hủy hoại những yếu tố của truyền thống dân tộc như đình, chùa, miếu, các tập tục cổ truyền…

– vừa kêu gọi đoàn kết dân tộc, lại vừa tiêu diệt đến tận cùng các thành phần không cùng quan điểm.

 

– vừa muốn dân giàu, nước mạnh lại vừa bóp nghẹt quyền tự do kinh doanh.

 

Trong quá trình lịch sử của Đảng Cộng Sản, mỗi khi mối mâu thuẫn đó quá căng thẳng, quyết định tối hậu là hy sinh quyền lợi của Dân Tộc. Hiệp Ước Sơ Bộ 6-3-1946, Hiệp Định Genève 1954, các cuộc đấu tố, cải cách ruộng đất, cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam, chính sách giam cầm cải tạo qui mô sau 1975, chính sách kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Những thành quả lớn lao mà Đảng Cộng Sản vẫn hằng tuyên truyền như là công lao phục vụ dân tộc của họ, trong căn bản, là chống lại quyền lợi của Dân Tộc : làm kiệt quệ sinh lực đất nước, tàn phá môi trường thiên nhiên, bán tài nguyên cho thương nhân ngoại quốc, tạo ra xung đột giai cấp, xung đột Bắc-Nam, xung đột người trong Đảng và ngoài Đảng, xung đột Ngụy – cách mạng. Hậu quả lâu dài để lại cho toàn bộ dân tộc là : người dân mất định hướng, mất bản lãnh, cầu an, sợ hãi, không còn sáng kiến, thiếu đầu óc vươn lên.

 

Tâm lý cầu an, sợ hãi, an phận đó ảnh hưởng ngay đến một số thành phần hiện đang sống ở Hải Ngoại : Đảng Cộng Sản mạnh quá, không làm gì nổi, thôi thì họ nắm quyền cũng được, miễn sao dân tộc tiến bộ là được. Nhiều người loay hoay, góp ý, đề ra những cải cách. Nhiều người về nước đầu tư. Nhiều người kêu gọi “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quí”. Vô ích cũng chỉ nói cho vui. Mọi giải pháp cho dân tộc hoàn toàn bế tắc nếu hai vòng kim cô vẫn còn tồn tại : đó là Đảng và Chủ Nghĩa.

 

Đại Hội 8 sắp tới của Đảng Cộng Sản không có ý đồ nào khác hơn là tiếp tục duy trì hai cái vòng kim cô đó trên đầu dân tộc. Toàn bộ bản dự thảo cương lĩnh chính trị dài 79 trang không có gì mới lạ, ngoài cái trò chơi chữ quen thuộc mà mục tiêu chính vẫn là Đảng trên hết và kiên trì thi hành chủ nghĩa xã hội Các lực lượng đấu tranh cho dân chủ và cho một đất nước giàu mạnh không nên mơ hồ về ý đồ này của Đảng Cộng Sản. Trước cũng như sau, MỘT NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ, GIÀU MẠNH HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI LÀ MỤC ĐÍCH MÀ NGƯỜI CỘNG SẢN NHẮM TỚI.

 

Nhật Khánh

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen