Seite auswählen
Đường Chi Lăng, với hàng cây sao, đoạn gần tới đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Nguyễn Văn Đậu) của xã Bình Hòa (manhhai flickr)

Sống ở Phú Nhuận lâu năm, dù đã quen thuộc với tên đường Phan Đăng Lưu, tôi vẫn tiếc cái tên Chi Lăng là tên đường cũ hồi tôi còn nhỏ. Chi Lăng, cái tên nhắc lại hiểm địa Lạng Sơn,  nơi Lê Hoàn (Lê Đại Hành) phá quân Tống và nơi anh hùng Lê Lợi giết tướng Liễu Thăng của Nhà Minh vào thế kỷ 15, cái tên đánh dấu một vùng đất oai hùng của dân tộc. 

Con đường đó mang nhiều kỷ niệm, với những lần đi qua đoạn cua cong cong để thấy những cây gòn cao trong nắng sớm và những đêm Tết Nguyên đán đi từ Phú Nhuận lên Bà Chiểu viếng lăng Ông. Nhắc đến con đường này, chị Kim Dung, nhà ở cư xá Thủ Hiến trên đường Thái Lập Thành (nay là Phan Xích Long) viết thư cho tôi: 

“Đó là đường đi học của mấy chị em những năm 1960. Buổi sáng có xe thổ mộ chở đầy hoa và rau cải xuống khu vực chợ Bà Chiểu. Anh em trong nhà có việc đi làm hoặc đi chợ trên đường này vẫn đi bằng xe ngựa. Có khi ông anh chở chị bằng xe đạp đi học thêm buổi tối, đi ngang qua khu nghĩa địa Đất Thánh Tây với ánh đèn đường vàng vọt, gió thổi lạnh gây cảm giác sờ sợ. Lúc đó có xe buýt màu vàng lưu thông. Đường sá chỉ mở rộng khi quân đội Mỹ sang, không còn xe buýt và thay thế bằng xe lam, taxi. 

Gần trường Ngoại ngữ Dương Minh ngày nay, trước năm 1975 có phòng trà Lệ Liễu. Các ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn cũng đến đây hát. Ngân hàng Đông Á bây giờ trước kia là siêu thị Chi Lăng, một nhánh của siêu thị Nguyễn Du tại Sài Gòn lớn nhất miền Nam. Qua khỏi góc Thái Lập Thành có một tòa nhà của quân đội Mỹ, đi thẳng tới khoảng trăm mét là Cục Mãi Dịch thuộc Bộ Quốc phòng quân đội VNCH, bây giờ là văn phòng Big C và cửa hàng SatraFood”. 

Chị Dung kể, những năm 1980, ngoài lề đường thành phố có nhiều chỗ mua bán đồ cũ tấp nập. Có lần đi ngang qua đường Phan Đăng Lưu, chị thấy tại khu nhà cất theo kiểu Pháp góc đường Thích Quảng Đức ngày nay có bày bán chai lọ thủy tinh rất đẹp, có cả những lon guigoz sữa hộp bằng thiếc rất tiện dụng. Quần áo cũ bán xôn lúc đó không nhiều như ngày nay và giá cả cũng cao, lúc đó vô cùng quý. Nhìn món gì cũng thèm nhưng không có tiền mua vì phải lo bữa ăn hàng ngày.

Đường Phan Đăng Lưu, chỉ riêng đoạn Phú Nhuận từ ranh giới quận ở phường 7 đến ngã tư Phú Nhuận chỉ dài 1,340 mét, đi ngang qua các phường 5, 3, 7, 2 và 1. Tài liệu xưa cho biết thời thuộc Pháp cuối thế kỷ 19, đường này mang tên Tỉnh lộ số 1 kép – 1bis (cuối thế kỷ 19), băng ngang khu Vườn Nhãn (phường 7) nay đã mất dấu vết. Đến thập niên 1930-1940, đường mang tên Đường Liên Tỉnh 22 nằm trong “Vòng Hạt lớn” (còn gọi là Vòng Gia Định), từ chợ Thị Nghè đi vào Chợ Lớn. Con đường Liên Tỉnh này rất dài, nằm gọn trong tỉnh Gia Định, chia thành năm đoạn mang tên khác nhau và đường Phan Đăng Lưu là một trong số bốn đoạn của Đường Liên Tỉnh thuộc Gia Định. 

 
Đường Chi Lăng ở đoạn đầu ngã tư Phú Nhuận (manhhai flickr)

Ông già bà cả hồi đó gọi đoạn đường băng ngang Phú Nhuận là “Đường Hàng Sao” vì hai bên đường có hàng cây sao cao vút, trong khi phía Bà Chiểu có hàng cây thị và hàng cây keo già nên mới có tên cho Xóm Hàng Keo, Bót Hàng Keo v.v… Có người kể rằng trong xóm Hàng Keo (phường 7), nằm giữa trường Mỹ Thuật Gia Định và trường Đạt Đức (nay là trường trung học cơ sở Châu Văn Liêm), có một con rạch nhỏ quanh co vòng ra Cầu Bông, nay đã cạn, sau để lại vài cái bàu khá rộng. Tương truyền vào thời quân Nguyễn Ánh vào Gia Định, đây là nơi tắm hàng ngày cho các đàn voi. 

Trước năm 1975, vài anh thanh niên xóm tôi mơ mộng chuyện du học kể nhau nghe trên đường Chi Lăng, số nhà 243 có văn phòng của Sài Gòn Lữ Hành chuyên lo giấy phép xuất ngoại và lưu trú. Họ còn tổ chức du lịch tập thể trong và nước ngoài, bán vé máy bay, thủ tục xuất ngoại cho du học sinh. Đó là chuyện khá viễn vông với cái xóm nghèo phía sau nhà thờ Nam nầy, dù cũng có một hai anh lên đường sang châu Âu học giữa thập niên 1960 theo học bổng Colombo. 

Trong hồi ký, nhà văn Nguyễn Thụy Long kể phía đầu đường Nguyễn Huệ – Chi Lăng, có các nhà văn từng thuê nhà ở đó là Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Viên Linh… Căn nhà trọ của Nguyễn Thụy Long cũng gần đó. Ông làm việc ở phi trường Tân Sơn Nhất, bạn bè đeo đuổi nghề báo nghề văn nhưng cũng bữa đói bữa no, phải kiêm luôn nghề kèm trẻ tư gia để kiếm ăn.

Có lần, buổi chiều trời sẩm tối ông đi dạo dưới hàng cây sao bên lề đường Chi Lăng, bỗng gặp nhà văn Viên Linh đi lang thang một mình. Ông hỏi: “Sao cậu không ở nhà?”, Viên Linh than nhà bé bằng cái lỗ mũi, lại đông đảo bạn bè quá nên rủ ra quán cà phê Bằng. Quán này ở khu nhà mười căn bên cạnh cư xá Chu Mạnh Trinh, đầu ngã tư Phú Nhuận. Khu cư xá đó là nơi cư ngụ của nhiều văn nghệ sĩ thành danh. Cà phê Bằng có căn nhà dưới và trên lầu. Buổi tối hôm đó, Viên Linh vừa uống cà phê vừa đọc thơ: 

Sáng ở đầu sông nhớ núi.

Đêm về trong núi nhớ sông

Có tin về hôm giáp Tết

Sống bây giờ long đong

Nhờ Nguyễn Thụy Long sống ở đó, nên mới có những đoạn văn hay ông viết: 

“Con đường Chi Lăng ở tỉnh Gia Định xưa ngắn ngủi, có thể coi bắt đầu từ tòa tỉnh trưởng Gia Định chạy dài đến ngã tư Phú Nhuận là dứt. Con đường giữa dành cho xe hơi, hai bên có đường phụ dành cho xe đạp. Trên hai con đường phụ đó trồng cột điện và hàng cây sao rợp bóng mát… Ấp Đông Ba, Đông Nhì là những xóm ngoại thành, cây cối la đà. Những căn nhà tranh vách đất, những ngôi chùa ẩn mình dưới rặng tre xanh. Những ngọn điện vào được những căn nhà trong xóm đó còn rất hiếm hoi. Đường đất như những lối mòn trong xóm làng. Cái ồn ào của phố thị chỉ huyên náo ngoài lộ chính”. 

 
Ngã tư Phú Nhuận – nhìn từ góc chụp ở đường Võ Tánh: quẹo trái là Chi Lăng, quẹo phải là Võ Di Nguy (manhhai flickr)

Sau này, ông quay lại và thấy nhà cửa san sát đã khác xưa, làm ông nhớ tiếng ễnh ương kêu ở một vũng nước nào đó bên vườn chùa trong đêm, nhớ lại căn nhà ở ấp Đông Ba sống nửa đời người, nơi quy tụ bạn bè, nơi làm nên những tác phẩm rồi theo nghề viết lách. Còn có những đoạn xúc động: 

“Tháng này là tháng xá tội vong nhân. Nhiều nhà sửa soạn cúng cô hồn, những quán cơm chay bên đường Nguyễn Văn Đậu (Ngô Tùng Châu cũ) bắt đầu đông khách. Những tay nghề bẫy chim đem bán làm chim phóng sinh ở cổng Lăng Ông-Bà Chiểu hoạt động mạnh. Khách thập phương giầu lòng nhân ái bỏ tiền ra mua bầy chim tội nghiệp ấy thả bay lên trời xanh để rồi chúng lại bị bắt trở lại ở mẻ lưới khác. Lại được bầy bán ở cổng lăng, cổng chùa. Người ta vê mãi mà vẫn không tròn quả phúc. Nếu có người nào đó đánh dấu vào chân những con chim chim mình phóng sinh sẽ thấy rằng chúng trở lại lồng của người bán chim để được bán nữa. Vẫn có người mua để phóng sinh cầu phước, tỏ với Trời Phật lòng nhân đức của loài người”. 

Mùa mưa lại về trên đất Phú Nhuận. Mùa mưa khiến tôi nhớ người anh lớn đã mất mấy năm nay. Khoảng cuối thập niên 1980, anh làm hiệu trưởng trường Cao Bá Quát (hồi xưa là trường Chi Lăng 2) trên con đường này. Một buổi chiều mưa Tháng Sáu, tôi đến trường đón anh bằng chiếc xe Honda dame của anh mà tôi mượn trước đó.

Anh em tôi ghé cái quán đầu cư xá Chu Mạnh Trinh ăn món bò viên rất ngon, vừa ăn vừa nhắc lại chuyện hồi tôi còn nhỏ đi theo anh từ nhà lên Lăng Ông một đêm Giao thừa và tôi đòi về sớm vì không chịu nổi mùi khói nhang trong Lăng. Kỷ niệm chỉ có vậy, nhưng khi nhắc lại, tôi quá đỗi nhớ những năm tháng nay đã quá xa và con đường Chi Lăng cong cong, có mấy cây gòn ngay khúc cua có ngôi trường Chi Lăng 2 ngày xưa. 

Sài Gòn chuyện đời của phố: Cư xá của những nghệ sĩ danh tiếng

Thanh Niên
26/02/2015

Nghệ sĩ Kim Cúc cùng các con ở trước nhà năm 1966 - Ảnh: gia đình nghệ sĩ Năm Châu cung cấp

Nghệ sĩ Kim Cúc cùng các con ở trước nhà năm 1966 
Cư xá Chu Mạnh Trinh trước kia có tên là cư xá Ngân hàng Đông Dương, nằm trong hẻm số 215 Chi Lăng, ấp Đông Nhất, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, ngoại vi Sài Gòn. Đây là một con hẻm có quy hoạch cho khu cư xá, gồm một hẻm trục lớn và các hẻm nhỏ tỏa nhánh thẳng góc hai bên, đánh số 215 A, B, C, D, E, F cho tới G. Khoảng năm 1962 hay 1963, Trường Chu Mạnh Trinh được lập ở phía đầu hẻm nên dân quanh vùng gọi là cư xá Chu Mạnh Trinh.
Năm 1957, gia đình nghệ sĩ Năm Châu mua căn nhà ở đây khi sinh cậu con trai thứ sáu tên Long. Lúc đó, đạo diễn Hồng Dung, con gái của ông, vừa lên hai tuổi. Lớn lên một chút, chị Dung còn nhớ xung quanh là các vila song lập hình chữ L chỉ có tầng trệt không có tầng lầu, cùng kiểu giống nhau, ngang khoảng 8 m, không sâu lắm, khoảng 12, 13 m. Trước kia, cư xá này dành cho các công chức Pháp của ngân hàng. Sau 1954, người Pháp dần rút về nước và người Việt trung lưu, công chức tìm đến mua để ở.
Nghệ sĩ Năm Châu trước ngôi nhà của mình

Gia đình nghệ sĩ Năm Châu có lẽ là gia đình nghệ sĩ đầu tiên đến ở, còn nhận giấy chủ quyền bằng tiếng Pháp. Dần dà có nhiều gia đình trong giới nghệ sĩ tìm đến. Trong số đó, gia đình nhạc sĩ và danh ca Dương Thiệu Tước, Minh Trang ở cùng với con gái là danh ca Quỳnh Giao ngay tại nhà ông Năm Châu trong hẻm D. Hẻm C đối diện là nhà nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng. Hẻm E có nhà nhạc sĩ Phạm Duy ở ngay đầu hẻm cùng với danh ca Thái Hằng, Thái Thanh, Duy Quang, Thái Hiền… bên trong là nhà của nghệ sĩ cải lương Kim Thoa. Hẻm F đối diện có nhà của đôi vợ chồng nhà báo – nhà văn Hồng Tiêu và Bà Tùng Long. Sau này, qua từng thời kỳ có lúc cư xá là nơi tá túc của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn, nữ danh ca Mộc Lan, danh ca Anh Ngọc, nhạc sĩ Lê Dinh, đạo diễn Lê Mộng Hoàng…

Những năm đầu thập niên 1960 là những năm tháng rất vui với bầy trẻ hẻm D cư xá Chu Mạnh Trinh. Các con nhà đôi nghệ sĩ danh tiếng Năm Châu – Kim Cúc vốn là con nhà nòi nên dẫn dắt trẻ nít hẻm D trong các trò vui, chủ yếu là diễn tuồng. Lúc đó cả xóm từ người lớn đến trẻ nít đều mê sân khấu, đều hâm mộ các vở diễn của nghệ sĩ Năm Châu dàn dựng và diễn. Xóm thành lập một gánh hát trẻ con, do chị em nhà Hồng Dung đứng đầu. Sân khấu là bộ ván ngựa của nhà bà Hai Mùi nhà gần bên. Cứ mỗi buổi chiều, lũ trẻ được người lớn lùa đi học bài sau khi ăn cơm chiều. Sau đó mới đến thời gian dành cho “sân khấu” cho tới 9 giờ tối mới tan. Đến thời kỳ điện ảnh Ấn Độ phổ biến sang Sài Gòn sau đó một chút, lũ trẻ cũng nhanh chóng chuyển sang múa Ấn Độ trên sân khấu của mình. Ngày tết là lúc bận rộn với nghệ sĩ vì lịch diễn kín mít, nhưng sau tết một chút là có thể rảnh rỗi tiếp khách ăn tết muộn. Các nghệ sĩ Duy Lân, Năm Nở là bạn thân thiết với ông Năm Châu thường đến chơi nhà. Thời gian đó, hai nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thành Được còn là vợ chồng rất thương các con của ông bà Năm Châu – Kim Cúc. Hai nghệ sĩ này không có con nên cứ đến dịp Noel, Tết Nguyên đán là đi chiếc xe mui trần chở đầy đồ chơi đến để làm quà cho lũ trẻ.
Con hẻm trước nhà nghệ sĩ Năm Châu

Căn nhà của nghệ sĩ Năm Châu đến nay vẫn còn ở cư xá Chu Mạnh Trinh sau gần 60 năm ấp ủ một gia đình an vui. Con hẻm chính đã có tên mới là đường Đoàn Thị Điểm thuộc quận Phú Nhuận. Các biệt thự xây từ thời kỳ đầu trong cư xá đã thay đổi thành nhà đúc, lầu cao. Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành hai căn cho gia đình hai người con và đổi địa chỉ mới. Nhà không xây lại, vẫn còn mái ngói cũ lấp ló trên cao. Buổi sáng mùa hè có tiếng dương cầm vẳng ra từ phần nhà bên phải.

Chị Hồng Dung pha ly cà phê tiếp khách. Mùi hương gợi nhớ những buổi sáng xa xưa, cuối thập niên 1960 khi ba chị còn khỏe, thức dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để pha cho mình một tách cà phê xong rồi lần lượt pha thêm mười tách nữa cho các con uống trước khi đi làm hay đi học và xem đó là niềm vui. Những âm thanh, mùi hương cũ của một thời vẫn còn đâu đây, như khi sân khấu cải lương Sài Gòn và danh tiếng nghệ sĩ lão thành Năm Châu đang là thời kỳ vàng son nhất.
Nơi có sự chia sẻ, đồng cảm
Tác giả Phạm Công Luận cho biết: “Vật đổi sao dời, người ta tụ lại rồi tản đi là chuyện bình thường. Tôi chỉ luôn tự hỏi điều gì đã khiến nhiều nghệ sĩ danh tiếng của Sài Gòn một thời lại tụ về cư xá này. Có lẽ là do môi trường sống yên tĩnh, tách biệt của cư xá cũng như nhu cầu về sự chia sẻ, đồng cảm, bao bọc nhau của giới nghệ sĩ Sài Gòn xưa. Nếu không có thay đổi về thời cuộc, có lẽ không ít người vẫn còn sống ở đó lâu dài…”.
Xuyên Vân
(ghi)

(Trích từ Sài Gòn – Chuyện đời của phố phần 2 do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam Book ấn hành). 

Phạm Duy – Thái Hằng – Hàng Xóm Của Tôi (Văn Quang)

 

Gia đình Phạm ở cư xá Chu Mạnh Trinh

Gia đình Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh

 

Khu cư xá Chu Mạnh Trinh xây dựng vào khoảng trước năm 1960, tôi không nhớ rõ vào năm nào. Nhưng khi tôi bắt đầu làm cư dân của khu cư xá này, người ta gọi nó là khu cư xá nhà băng, vì một ngân hàng xây dựng bán cho nhân viên của họ rồi mới bán cho người ngoài. Nhưng sau đó nhà băng xây dựng nhiều khu cư xá khác nữa nên người ta lại gọi là cư xá Chu Mạnh Trinh để dễ phân biệt. Bởi ở ngay đầu con đường Chi Lăng (nay là đường Phan Đăng Lưu), ngay ngã tư Võ Di Nguy – Chi Lăng – Võ Tánh thuộc quận Phú Nhuận, Sài Gòn có một ngôi trường Chu Mạnh Trinh nên cái tên khu cư xá thành hình từ đó và cho đến nay người ta vẫn chưa quên. Không ai gọi là cư xá Phan Đăng Lưu cả dù cái hẻm lớn vào cư xá nằm ngay số 215 trên con đường này.

Năm đầu tiên tôi đến làm cư dân của cư xá, vào khoảng năm 62 gì đó, tôi đã thấy gia đình anh Phạm Duy ở đó rồi. Hồi ấy, tôi thuê được một căn nhà trệt, phía trong con hẻm thứ nhất phía tay mặt cư xá của vợ chồng một ông đại úy cùng đơn vị với tôi. Nhưng được ít lâu thì bà vợ hai của ông này đến yêu cầu gia đình tôi dọn đi ngay để bán. Bà ta đưa gia đình tôi đến ở tạm trong ngôi nhà người quen bà và nói là sẽ cho thuê lại một phần căn nhà đó. Thế rồi bà ta “một đi không trở lại” và người chủ nhà nói là không biết gì về chuyện cho thuê nhà, bà này chỉ nói là cho gia đình tôi ở tạm vài ngày. Thế là tôi biết tôi bị lừa dọn ra khỏi nhà, bà này mang con bỏ chợ. Tôi trở nên bơ vơ phải phân tán gia đình mỗi người đi một nơi, người về nội, kẻ về ngoại tá túc một thời gian.

Trong lúc chạy đôn chạy đáo lo tìm nhà thì bất ngờ tôi đến tòa báo VNTP đưa bài, một người làm nhà in giới thiệu cho tôi sang lại một căn nhà lầu ngay mặt tiền, cũng trong khu cư xá này. Tôi đến xem, căn nhà quá tốt, có lầu suốt đàng hoàng. Theo luật lệ bất thành văn của Sài Gòn hồi đó cứ sang nhà là kể như làm chủ, tránh chữ mua vì nếu mua thì phải đóng thuế. Chuyện đó thành thông lệ. Nhưng sang thì nặng tiền quá, làm sao tôi sang được? Nhân trong một buổi chiều ngồi ở “Tour D’argent”, hay còn gọi là “mỏm đấu láo” nhưng nói nôm na ra là “cột cờ Thủ Ngữ” ở bên bờ sông Sài Gòn, tôi tả oán về cái sự long đong vì nhà cửa của tôi, ông bạn Phan Lạc Phúc – tức ký giả Lô Răng – bèn hất hàm hỏi cái nhà sang lại bao nhiêu, ông có bao nhiêu? Tôi bèn khai bừa là có một nửa tức là bốn chục ngàn, còn thiếu một nửa. Ông bạn Lô Răng phán ngay: “Nhà tôi rất ủng hộ các bạn mua nhà hay đúng hơn là làm những chuyện có ích vợ, có lợi cho con như thế”. Vậy là ngày hôm, sau ông ấy mang đến cho tôi mượn bốn chục ngàn, tôi chạy bở hơi tai mới có đủ tiền sang căn nhà đó. Từ năm ấy tôi chính thức là cư dân của khu cư xá này.

 

Gia đình Phạm ở cư xá Chu Mạnh Trinh (nhà mới, cuối ngõ)

Gia đình Phạm ở cư xá Chu Mạnh Trinh (nhà mới, cuối ngõ)

  

Người đến đầu tiên tôi chỉ biết có gia đình anh Phạm Duy, chiếm một khu rộng rãi ngay mặt tiền con hẻm lớn. Rồi đến căn nhà của nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng khi cô mới lập gia đình, căn nhà nhỏ nằm cuối cùng của con hẻm thứ ba phía trái tính từ ngoài vào. Sâu hơn chút nữa là nhà của ông Hồ Anh độc thân – chủ báo Ngôn Luận và Văn Nghệ Tiền Phong.

Một vài năm sau, đất lành chim đậu, một số gia đình văn nghệ sĩ khác cũng lục tục kéo đến ở rải rác trong khu cư xá yên tĩnh ấy. Có thể kể gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước – Minh Trang và “cháu” Quỳnh Giao, nghệ sĩ Năm Châu, đạo diễn Hoàng Anh Tuấn, nữ danh ca Mộc Lan, danh ca Anh Ngọc, nhà văn Duyên Anh, nhà báo Linh Lan, nhà văn Đỗ Tiến Đức, nhạc sĩ Hoàng Nguyên, nhà báo Trịnh Viết Thành. Những năm sau đó, có một số gia đình “lên đời” hoặc “xuống đời” đã dọn đến nơi ở mới. Có lẽ còn một số “cư dân văn nghệ” khác nữa mà đến nay sau 27 năm bị văng ra khỏi khu cư xá ấy tôi không còn nhớ hết. Nhưng dù sao thì hồi đó khu cư xá Chu Mạnh Trinh cũng được nhiều người biết đến, nó như khu cư xá của nghệ sĩ, không giàu mà cũng không nghèo của thành phố thời bấy giờ. Nhưng đặc tính của khu cư xá này là nó hoàn toàn biệt lập, dường như nó không liên quan đến phường xã nào, không ai trên nó và không ai dưới nó. Còn những gia đình dù là nghệ sĩ cũng ít đi lại với nhau, dù hàng ngày vẫn gặp nhau và biết nhau ở đâu quanh đó. Chỉ có một vài nhóm gia đình sống thân thiện gần gũi với nhau như tôi với Hoàng Anh Tuấn, Anh Ngọc, Nguyễn Mạnh Côn. Tối đến là nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng mới nghe một tiếng xe hơi êm ru lướt đi hoặc tiếng xe máy nổ ngoài đường. Xóm an ninh, dễ chịu, chẳng ai để ý tới ai. Tuy vậy làm sao tránh khỏi những điều nọ tiếng kia lan truyền âm ỷ do những cô giúp việc quen nhau ngoài đầu ngõ mang chuyện chủ nhà đi “kháo” lại.

Có một thời trong con hẻm phía bên kia đường Chi Lăng, người ta xây dựng một khu cư xá và một vài biệt thự khá đẹp. Có một con hẻm được đặt tên là đường Nhất Linh. Trong một bữa ăn, chúng tôi đã có lần nói với nhau một chuyện vui: “Biết đâu sau này khu cư xá nhà mình sẽ mang tên Nguyễn Mạnh Côn hay Phạm Duy? Và cũng có thể là Minh Trang hay Dương Thiệu Tước hoặc Hoàng Anh Tuấn lắm chứ”. Bữa đó không có Duyên Anh, nhưng sau này khi gặp Duyên Anh ở tòa soạn báo Tiếng Vang, nó nói: “Tao nghe chúng mày định đặt tên cư xá là Phạm Duy hay Nguyễn Mạnh Côn, sao không đặt tên tao cho dễ nhớ?”. Tôi cười chọc lại: “Đặt tên mày rồi đi đâu chúng tao cũng mang tiếng là Lê Sơ Vơ”. Nó đốp lại: “Moa sơ vơ moa chứ có sơ vơ toa đâu”. Đại khái là khi ở cư xá chúng tôi không gặp nhau, nhưng gặp nhau trong công việc thì vẫn thân thiện hơn vì là người cùng xóm.

Trường hợp của tôi và anh Phạm Duy cũng vậy. Anh cộng tác với đài phát thanh QĐ, gặp tôi hàng tuần trong đài nhưng về nhà thì hầu như chúng tôi không sang nhà nhau bao giờ. Tôi chỉ sang nhà anh một lần duy nhất vào cuối năm 1974, khi anh dọn sang nhà mới, cách đó vài chục thước, căn nhà cũ bán lại cho ông Nguyễn Mạnh Côn. Chị Thái Hằng đi qua nhà tôi, chị bảo tôi: “Anh rủ các bạn bè ghé sang nhà tôi chơi nhé. Nhà tôi đang làm một chỗ cho các anh ngồi chơi ngoài vườn, thơ mộng lắm”. Tôi sang nhà anh khi vừa được trang trí khu sân vườn rất hữu tình. Những hòn giả sơn, bể nước lớn trước nhà, những hàng cây, những phiến đá rải rác đây đó. Đúng là nơi dưỡng già thật tuyệt.

Nhưng tôi không có ý định diễn tả về những “cảnh quan” chưa hoàn chỉnh mà anh đã phải rời xa đó. Hôm nay tôi cũng không nói về những điều và mọi người đã biết về anh. Những bản nhạc bất hủ, những lời ca tinh tế và cả những chuyện linh tinh phía trước và phía sau con người Phạm Duy. Tôi xin được kể về chị Thái Hằng – chắc ai cũng biết đó là bà xã của anh Phạm Duy – một cư dân trong cư xá của tôi.

Trước năm 1975 và sau này những năm 2000, tôi đã có nhiều dịp gặp anh Phạm Duy. Tôi có nhận xét rất thành thật nếu ở con người tình cảm của anh, luôn hiện diện hai chữ Phạm Duy lớn như cây đại thụ thì ở chị Thái Hằng trong xóm tôi, chị là người đàn bà sống rất bình dị, chưa bao giờ chị chứng tỏ rằng mình là một cái gì đó, ít ra thì cũng là vợ một nhạc sĩ có tên tuổi. Nói khác đi, chị không phải là bà Phạm Duy nổi tiếng và cũng chẳng phải đã từng là một nữ danh ca thượng thặng của ban hợp ca Thăng Long. Gia đình chị là một gia đình nghệ sĩ tên tuổi: Thái Thanh, Hoài Bắc, Hoài Trung và những anh em như Phạm Đình Sỹ, Kiều hạnh, cô cháu Mai Hương. Chị sống chan hòa, như một người chị mẫu mực, hiền hậu. Đối với người trong xóm chị hoàn toàn là một người đàn bà bình dị, không xe xua, không làm dáng, thân thiện với mọi người một cách chân thành chứ không phải là thứ “nhún mình” để che giấu một thứ hào quang. sau gáy. Trong tất cả mọi trường hợp, chị bình thản, vui vẻ. Suốt những năm tháng dài từ khi các con anh Phạm Duy còn nhỏ cho đến khi lớn lên, tôi chưa từng thấy chị phải to tiếng với bất kỳ đứa nào và trong xóm đó chị chưa từng làm mất lòng ai. Sự khoan hòa, dung dị của chị có thể là một tấm gương lớn cho người phụ nữ.

Gần đây vụ tai tiếng ở nước Mỹ giữa ông Clinton với một cô thư ký và thái độ khôn ngoan của bà Hillary Rodham Clinton đã khiến nhiều người nể phục. Chuyện đó làm tôi nhớ lại vào khoảng vài chục năm trước đây, khi có chuyện lỉnh kỉnh của anh Phạm Duy, thái độ của chị Thái Hằng còn đáng khâm phục hơn. Báo chí cố tình khai thác một điều gì đó ở chị, nhưng họ đã không thể nào đạt được mục đích. Tôi nhớ mãi câu trả lời rất dịu dàng của chị với phóng viên: “Tôi hoàn toàn tin tưởng ở chồng tôi”. Vậy là chẳng còn gì để nói. Sau này cũng vậy, dù bất kỳ chuyện gì trong xóm, chị cũng thản nhiên cười xòa. Ngay cả cách ăn vận thường ngày của chị cũng rất giản dị như bao nhiêu người giản dị khác trong xóm. Và tôi để ý thấy rất ít khi chị xuất hiện bên cạnh chồng và các con ở hầu hết những cuộc vui. Chị chỉ xuất hiện trên sân khấu với ban hợp ca Thăng Long, rồi thôi, sau này tôi không thấy chị trên sân khấu hoặc trong những cuộc tiếp tân nào nữa.

Cái bóng cực kỳ thầm lặng đó làm nên tính cách lớn con người của chị Thái Hằng. Đó là điều, với tư cách là một người từng có hơn chục năm là hàng xóm của gia đình anh Phạm Duy, là một cư dân cũ của khu cư xá Chu Mạnh Trinh – khu cư xá của những người nghệ sĩ Sài Gòn xưa – tôi muốn nhắc đến Chị Thái Hằng hơn tất cả những gì mà anh Phạm Duy đã có. Tôi tiếc một điều là khi chị Thái Hằng mất ở Mỹ, tôi không thể tiễn đưa chị. Nhưng từ trong đáy sâu tâm hồn tôi, chị mãi mãi vẫn là một người phụ-nữ- nghệ- sĩ rất xứng đáng được mọi người kính trọng. Đó là một lẽ công bằng.

Văn Quang

 

Ngõ Cư Xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận

 

Quỳnh Giao

Tưởng nhớ Nữ ca sĩ Quỳnh Giao, nhớ Sài Gòn, đọc lại một bài viết. DgN

Thu1

Thu2

Thu3