Seite auswählen


12.07.2011

Đã có 300.000 hầm trú ẩn ở Thụy Sĩ – chỗ cư trú nhiều hơn số dân cư. Và sau Fukushima, người Thụy Sĩ lại xây dựng thêm nhiều cơ sở trú ẩn nữa.

Khi Silvia Berger còn nhỏ, mẹ cô giữ những lọ mứt phía sau cánh cửa sắt nặng nề và những bức tường bê tông dày. Mỗi khi mẹ bảo cô ấy xuống lấy một lọ, cô ấy phải lấy hết can đảm và mạo hiểm đi vào căn phòng tối tăm, giống như hầm trú ẩn trong tầng dưới mặt đất của ngôi nhà.

Ở dưới đó, thức ăn gia đình Berger được xếp dọc theo những bức tường trần trủi, ẩm ướt. Không phải là vì  mứt của gia đình Berger có giá trị đặc biệt. Không có tình trạng thiếu lương thực cấp thời. Tuy nghe có vẻ lố bịch, nhưng nó lại là bình thường ở một đất nước mà mỗi ngôi nhà trên một kích thước nhất định theo luật pháp phải có một phòng ẩn trú.

Những người không muốn có một căn phòng trống trong nhà, sử dụng phòng trú ẩn của mình giống như một phòng lưu trữ, công xưởng hoặc chỗ chứa dụng cụ. Đối với người Thụy Sĩ, chỗ trú ẩn là một phần của cuộc sống hàng ngày như phòng khách hoặc nhà để xe. Ngày nay, Silvia Berger là một nhà sử học và nghiên cứu lịch sử xây dựng hầm của Thụy Sĩ. “Những nơi trú ẩn đã trở thành một phần của bản sắc của chúng tôi,” cô nói.

Sự lo âu có thể đo được bằng mét vuông
Sự sợ hãi của người Thụy Sĩ có thể đo được bằng mét vuông. Hiện có hơn 300.000 phòng trú ẩn trong Liên bang. Ở một đất nước chỉ có 7,6 triệu dân, chúng có thể chứa 8,6 triệu người. Bây giờ người ta còn muốn xây thêm nữa.

Đúng ra, Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ đã quyết định vào ngày 9 tháng 3 năm 2011, các nơi trú ẩn sẽ không còn cần thiết sau 20 năm khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng hai ngày sau, thảm họa hạt nhân nổ ra ở Fukushima.

Xây dựng phòng trú ẩn mới
Người Thụy Sĩ lại đâm ra lo lắng và nghị viện đã sửa đổi quyết định của mình. Trong khi chính phủ Đức nhanh chóng lao vào chương trình từ bỏ nhà máy hạt nhân, Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ đã quyết định vào đầu tháng Sáu không chỉ để duy trì luật bắt buộc phải có phòng trú ẩn, mà thậm chí còn cho xây thêm những phòng trú ẩn mới. Điều này làm sống lại một truyền thống kỳ lạ.

Ai hỏi một người Thụy Sĩ, anh ta có một nơi trú ẩn không, người đó được nhìn, như thể  đã hỏi, anh ta có thở không khí. Tất nhiên! Nơi trú ẩn thuộc về Thụy Sĩ như pho mát, đồng hồ và sô cô la. Chúng tồn tại trong mọi cộng đồng. Một số phòng thì nhỏ, kín đáo trong các hầm trong nhà một gia đình. Những nơi khác thật sự là pháo đài trong núi có chỗ chứa hàng trăm giường.

Cửa sắt dày là bắt buộc
Tất cả đều có tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Cửa sắt dày là bắt buộc, cũng như các bức tường bê tông dày ít nhất nửa mét. Ít có phòng nào thực sự là ấm cúng. Những bức tường trơ trụi, không được dán giấy tường, đèn neon sáng chói, ống thông gió trên trần nhà.

Thường thì các giường gác xép bằng sắt của quân đội Thụy Sĩ nằm trong số đó. Tuy nhiên, hầm trú ẩn đánh thức ở hầu hết người Thụy Sĩ một sự liên kết tốt. “Khi người Đức nghe từ nơi trú ẩn, họ nghĩ về chiến tranh và chôn lấp. Nhưng người Thụy Sĩ chúng tôi thích dưới mặt đất, ít nhất kể từ khi đường hầm Gotthard được xây, ” Berger nói.

Nhiều nơi trú ẩn để trống
Nhiều nơi trú ẩn để  trống, nhưng hầu hết các nơi trú ẩn tư nhân được sử dụng. Một số được dùng làm phòng chơi nhạc, những phòng khác được dùng như là nhà cho người tị nạn. Xã Sevelen ở bang St. Gallen đã phải xây một nơi trú ẩn công cộng vào đầu những năm 90 tương đương với gần ba triệu euro .

Điều này là do luật bảo vệ dân sự của Thụy Sĩ năm 1963. Nó nói rằng, bất cứ ai không muốn có một nơi trú ẩn trong nhà, phải trả một khoản phí. Đổi lại, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm cung cấp một chỗ trong một nơi trú ẩn địa phương. Xã này nhanh chóng phải đối mặt với  các khoản thanh toán tiền thế chấp tài sản cao. Vì vậy, xã đã nhờ các nghệ sĩ Frank và Patrik Riklin để phát triển một khái niệm để có thể sử dụng hầm trú ẩn.

Bunker mới – không có chức năng thực sự
“Thiệt là vô lý. Mọi người đều biết rằng hầm trú ẩn hoàn toàn mới này không có chức năng thực sự, vì không có nguy cơ chiến tranh nào cả, ” Frank Riklin nhớ lại. Trong năm 2008, các nghệ sĩ về khái niệm đã tạo ra khách sạn “không sao” đầu tiên trên thế giới trong hầm chứa 300 giường.

Họ đã thay thế các trang bị quân đội bằng những chiếc giường Biedermeier bỏ đi từ những khách sạn sang trọng đã ngừng hoạt động, nhờ vậy xã không phải trả cho khách sạn mới một xu nào. Các thành phố khác cũng đưa ra những ý tưởng sáng tạo: Ở Trogen (bang Appenzell Ausserrhoden), nơi trú ẩn chung hiện nay là nơi chứa sách báo của thư viện bang.

Sự biến động nhiệt độ nhỏ trong nơi trú ẩn là một điều lý tưởng cho kho lưu trữ. Tuy nhiên, cả khách sạn và thư viện phải được sơ tán hoàn toàn trong vòng 24 giờ trong trường hợp khẩn cấp, luật bảo vệ dân sự đã quy định như vậy. Nhà chức trách Thụy Sĩ  không làm cho việc chuyển đổi chức năng được dễ dàng.

Một phong vũ biểu của sự hoảng sợ toàn cầu
Lịch sử của nơi trú ẩn Thụy Sĩ có thể xem như là một phong vũ biểu của sự hoảng sợ toàn cầu. Năm 1950, quốc hội Thụy Sĩ quyết định xây dựng những nơi trú ẩn mới. Chỉ vài tháng trước, thử nghiệm bom nguyên tử thành công đầu tiên của Liên Xô đã gợi lên tầm nhìn đáng sợ về một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Năm 1963, luật bắt buộc phải có phòng trú ẩn được ban hành, chưa tới một năm, sau khi thế giới xuýt rơi vào một cuộc khủng hoảng thế giới mới trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Vào ngày 6 tháng 6 năm 2011, Hội đồng Quốc gia  quyết định, chỗ trú ẩn cũng nên có trong thế kỷ 21 – để đáp ứng với sự không chắc chắn về năng lượng hạt nhân được bộc lộ tại Fukushima.

Phòng trú ẩn  có nguồn gốc từ huyền thoại nơi trú ẩn trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Vào thời điểm đó, quân đội Thụy Sĩ đã cố thủ trong một hệ thống pháo đài trên núi, cái gọi là Réduit. “Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người Thụy Sĩ đã có cảm giác rằng đất nước của họ đã không bị xâm phạm vì những người lính của họ có thể rút lui vào Réduit,” Berger nói.

Một cảm giác an toàn
Huyền thoại này giải thích tại sao việc bắt buộc có nơi trú ẩn  luôn được dân chúng hỗ trợ  trong Chiến tranh Lạnh. Nó mang lại cho người Thụy Sĩ một cảm giác an toàn trong một thế giới ngày càng nguy hiểm, một réduit cho cả một nòi giông, trong đó chi phí cho tới ngày nay tốn khoảng mười tỷ euro. Trong phim, chiến dịch tuyên truyền chính thức dùng macmot để quảng cáo cho việc bắt buộc có nơi trú ẩn.

Loài gặm nhấm nhỏ này biến mất khi có đe dọa trên mặt đất. Một chiến thuật hiệu quả  trong hàng ngàn năm để đôi đầu với đại bàng vàng, cũng sẽ có công hiệu chống lại tên lửa hạt nhân của Liên Xô. Nhiều thế hệ đã trưởng thành với những nơi trú ẩn. Silvia Berger đã trải qua nhiều đêm ở nơi trú ẩn với nhóm hướng đạo của mình.

Nhưng sự say mê về hầm trú ẩn Thụy Sĩ đã kết thúc với sự sụp đổ của khối Đông Âu. Ngày càng nhiều người Thụy Sĩ tuyên bố rằng họ thực sự coi các nơi trú ẩn là không cần thiết – vì vậy, quyết định của nghị viện ngày 9 tháng 3 năm 2011 không làm cho  ai ngạc nhiên. Fukushima thay đổi mọi thứ. Bây giờ nhiều người Thụy Sĩ, đặc biệt là những người trẻ tuổi,  một lần nữa lại sung sướng, họ có nơi trú ẩn của họ.

Fukushima như một cảnh báo
“Fukushima đã cho chúng ta thấy rằng tai nạn hạt nhân cũng có thể xảy ra ở các nước phương Tây,” Bruno Frick của đảng tư sản Nhân dân Ki tô Dân chủ (CVP) nói. Frick đã bỏ phiếu chống lại việc bãi bỏ việc bắt buộc có phòng trú ẩn trong Hội đồng quốc gia, hạ nghị viện của Nghị viện Thụy Sĩ.

Bởi vì trong một tai nạn hạt nhân, bức xạ ở nơi trú ẩn nhỏ hơn 500 lần so với bên ngoài. Nhưng ông còn nghĩ xa hơn nữa, thấy một mối đe dọa không chỉ bởi một tai nạn hạt nhân, mà còn bởi bão hoặc động đất. Những thảm họa như vậy gần đây trở nên có khả năng xảy ra hơn.

“Một chỗ trong phòng trú ẩn có giá từ 2000 đến 3000 franken, nhưng chúng tôi phải tự hỏi mình, sự an toàn của chúng tôi có giá trị gì đối với chúng tôi”, Frick nói. Bộ trưởng Quốc phòng Ueli Maurer có cùng ý kiến ​​và biện minh cho nhu cầu về nơi trú ẩn với nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể rơi vào tay kẻ xấu.

“Không phải là khái niệm đúng nữa”
Franziska Teuscher không đồng ý: “Các nơi trú ẩn không còn là khái niệm đúng đắn”, Ủy viên Quốc hội và Phó Chủ tịch của đảng Xanh Thụy Sĩ nói. Mặc dù chúng bảo vệ chống lại một vụ đánh bom, nhưng không thích hợp cho một vụ tai nạn lò nguyên tử. “Bạn không thể ở lại trong nơi trú ẩn trong nhiều tháng,” Teuscher nói.

Bà đòi hỏi từ bỏ nhà máy sản xuất điện hạt nhân nhanh chóng. Song song với cuộc tranh luận về nơi trú ẩn, Thụy Sĩ cũng thảo luận về nhà máy hạt nhân. Mặc dù Quốc hội cơ bản đã quyết định từ bỏ nhà máy hạt nhân, thời khóa biểu ít tham vọng hơn so với Chính phủ Liên bang Đức.

Hannes Hänggi thuộc ủy ban Thanh tra hạt nhân liên bang phàn nàn rằng không có kế hoạch sơ tán khẩn cấp. “Các nơi trú ẩn là một tàn dư của Chiến tranh Lạnh và không nhất thiết phải là phản ứng tốt nhất cho một vụ tai nạn lò hạt nhân.” Nói chung ít có lý do để xây dựng các nơi trú ẩn mới.

Mặc dù vậy dường như tương lai của các nơi trú ẩn được bảo đảm trong ít nhất 50 năm tới. “Với những nơi trú ẩn nó giống như với quân đội,” nhà chính trị đảng Xanh Teuscher nói, “không phải lúc nào cũng có lý lẽ hợp lý cho cả hai.”

Biểu hiện của tâm lý Thụy Sĩ
Bổn phận xây phòng trú ẩn cũng là một biểu hiện của tâm lý Thụy Sĩ: “Chúng tôi có nhu cầu rất lớn về an ninh”, nghệ sĩ Frank Riklin nói. “Chúng tôi Thụy Sĩ tự bảo vệ mình đối với mọi thứ xung quanh chúng tôi bởi vì chúng tôi sợ mất tính đặc thù của chúng tôi.

Thụy Sĩ là một quốc gia mà ngày nay giống như một nơi trú ẩn khổng lồ. ”Một luật lệ có thể được thay đổi nhanh chóng, nhưng với bản sắc và sự nhận thức của toàn thể một dân tộc thì khó hơn một chút.

“Chừng nào luôn có những mối nguy hiểm mới, các nơi trú ẩn sẽ tiếp tục tồn tại ở Thụy Sĩ”, Silvia Berger dự đoán. Các phòng trú ẩn, trước đây là một biểu tượng của Chiến tranh Lạnh, đã trở thành biểu hiện của một làn sóng mới của sự sợ hãi. Và các bà mẹ Thụy Sĩ có thể cũng sẽ gửi các con của họ đến hầm trú ẩn trong tương lai nếu họ cần một lọ mứt.

VNChi dịch

Nguồn: Warum bauen die Schweizer so viele Bunker?

 

 

 

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen