Seite auswählen

 

Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ lại thực hiện việc trục xuất một số di dân Việt thuộc diện được bảo vệ đã từng sinh sống ở Mỹ hàng thập kỷ qua sau khi rời Việt Nam trong thời gian chiến tranh.

Một bài báo đăng trên tạp chí The Atlantic ra hôm 12/12 tường thuật rằng chính quyền TT Trump đang trong quá trình chuẩn bị để tiến hành việc trục xuất một số di dân gốc Việt ra khỏi Hoa Kỳ, trong khi báo New York Times hồi tháng trước nói chính quyền Trump đã lặng lẽ đình chỉ việc trục xuất một số người nhập cư Việt Nam cách đây vài tháng.

Chính sách trục xuất di dân Việt Nam về nước được tin là đã gây ra tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và cũng là nguyên nhân dẫn tới quyết định của một đại sứ Mỹ tại Hà Nội từ chức vào cuối năm ngoái.

Theo một thỏa thuận ký vào năm 2008 giữa hai chính quyền cựu thù, thì không thể trục xuất những người Việt tới Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995 –ngày hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ bang giao.

Theo The Atlantic, vào đầu năm ngoái Nhà Trắng đơn phương diễn giải hiệp định này để loại bỏ những người bị kết án hình sự khỏi sự bảo vệ của hiệp định 2008, và cho phép chính quyền gửi trả về Việt Nam một số ít di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995. Đây là một chính sách mà Nhà Trắng đã rút lại hồi tháng 8.

Tuy nhiên, theo một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội,chính phủ Mỹ nay lại quyết định thi hành chính sách này trở lại. Washington cho rằng hiệp định 2008 không bảo vệ những người di dân Việt tới Mỹ trước 1995.

“Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một hiệp định song phương về vấn đề trục xuất vào năm 2008, đồng thời thiết lập các thủ tục để trục xuất công dân Việt đến Mỹ sau ngày 12/7/1995 và là đối tượng của lệnh trục xuất cuối cùng,” James Thrower, người phát ngôn Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, nói với tạp chí The Atlantic của Mỹ. “Mặc dù các thủ tục liên quan đến hiệp định này không cụ thể áp dụng cho các công dân Việt Nam đã tới Mỹ trước ngày 12/7/1995, tuy nhiên nó không vạch rõ là cấm trục xuất những trường hợp tới Mỹ trước năm 1995.”

Theo tạp chí The Atlantic, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận rằng Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã gặp các đại diện của sứ quán Việt Nam ở Washington DC nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về thời gian và địa điểm, cũng như những gì đã được bàn thảo tại các cuộc thương lượng đó.

“Hiện đang có 5.000 người Việt đang sống ở Hoa Kỳ bị kết án hình sự và đã có quyết định cuối cùng là phải bị trục xuất – những người này không phải là công dân Mỹ và đã bị bắt giữ, kết án và cuối cùng bị một thẩm phán về di trú ra lệnh trục xuất dưới thời các chính quyền tiền nhiệm, Katie Waldman, một phát ngôn viên của DHS nói. “Ưu tiên của chính quyền hiện nay là trục xuất những tội phạm hình sự trở về đất nước nơi họ ra đi.”

Hồi năm ngoái chính quyền của TT Trump bắt đầu bắt giữ những người nhập cư đến từ Việt Nam đã sống lâu dài ở Mỹ và chuẩn bị trục xuất họ. New York Times trích dẫn thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ vào tháng trước cho thấy có khoảng 7.700 trong số khoảng 8.000 di dân Việt thuộc diện chờ bị trục xuất.

Nhiều người Việt đến Mỹ trước năm 1995, được bảo vệ theo hiệp định dưới thời của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, là những người tị nạn chiến tranh Việt Nam. Trong số đó có con cái của những người đã từng chiến đấu cho các lực lượng đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Để phản đối việc hàng nghìn người Việt bị trục xuất về Việt Nam, đại sứ tiền nhiệm của ông Kritenbrink, Ted Osius, đã từ chức đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào tháng 10/2017.

Trả lời VOA trước đây, cựu thẩm phán Phan Quang Tuệ từ California nhận định rằng những di dân Việt thuộc diện bị trục xuất không nên tiếp tục trông đợi vào thoả thuận ký năm 2008 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo ông, bản ghi nhớ này không thể bảo vệ những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 khỏi nguy cơ bị trục xuất.

Trong khi đó Luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas khẳng định trong tương lai gần, những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Theo ông, những người trong diện này có thể tự tin ra trình diện Sở Di trú và xin giấy phép lao động, cũng như bằng lái xe.

Tuần trước, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nói Việt Nam mong muốn Mỹ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở đây hòa nhập, đóng góp cho xã hội Mỹ cũng như giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.

Viện Chính sách Di dân có trụ sở tại Washington DC cho hay là sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, khoảng 125.000 người tị nạn đã rời Việt Nam trong một chương trình di tản được chính phủ Mỹ tài trợ. Con số thống kê của viện này cho thấy lượng người Việt nhập cư vào Hoa Kỳ đã tăng nhanh chóng kể từ năm 1975, và lại tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Tính đến năm 2017, đã có hơn 1,3 triệu người Việt tới an cư ở Mỹ, chiếm 3% trong tổng số 44,5 triệu di dân ở Mỹ.

13.12.2018, VOA

Xem thêm:

 Trump Moves to Deport Vietnam War Refugees  (The Atlantic)

 Nạn nhân của chiến tranh và giờ đây là nạn nhân của chính quyền Trump

 

26 dân biểu Mỹ phản đối TT Trump đòi trục xuất người Việt Nam

 

WASHINGTON, DC (NV) – Nhiều dân biểu liên bang Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 13 Tháng Mười Hai, gởi thư phản đối chính quyền Donald Trump và yêu cầu tôn trọng thỏa thuận hiện tại với Việt Nam, không trục xuất những người đến Mỹ trước năm 1995.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, Dân Biểu Alan Lowenthal (Dân Chủ), đại diện Địa Hạt 47 của California, nói: “Sáng nay, tôi cùng với 25 đồng viện khác tại Hạ Viện gởi thư cho Tổng Thống Donald Trump, Ngoại Trưởng Mike Pompeo, và Bộ Trưởng Nội An Kirstjen Nielsen, yêu cầu họ tôn trong thỏa thuận Mỹ ký với Việt Nam năm 2008, theo đó, những người Việt Nam tị nạn đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, không bị trục xuất.”

“Tôi rất bực mình và vô cùng khó chịu vì chính quyền Donad Trump tìm cách trục xuất hàng ngàn người Việt Nam,” Dân Biểu Lowenthal nói tiếp. “Cả hai chính quyền George W. Bush và Barack Obama đều thừa nhận tính cách luân lý của thỏa thuận này, để bảo vệ những người tị nạn trong thời chiến tranh Việt Nam đang sống hàng chục năm tại Hoa Kỳ.”

Ông cho biết thêm: “Tôi rất tự hào dẫn đầu 25 đồng viện của tôi ở Hạ Viện để phản đối bất cứ cố gắng nào của chính quyền tìm cách tái thương thuyết thỏa thuận với Việt Nam, vì như vậy sẽ gây nguy hiểm cho những người này.”

Ông Lowenthal cũng cho biết, sáng Thứ Năm, bản thân ông có gọi điện thoại cho Bộ Ngoại Giao Mỹ lên tiếng phản đối dự định của chính quyền Hoa Kỳ, đồng thời nhắc lại vụ ông Michael Phương Minh Nguyễn, cư dân Orange, đang bị Việt Nam giam cầm từ Tháng Bảy.

Phóng viên nhật báo Người Việt có hỏi ông, nếu chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục tìm cách trục xuất những người Việt Nam này, liệu ông và các đồng viện của ông có định giới thiệu một dự luật, hoặc làm một điều gì đó, để ngăn chặn hay không.

“Chắc chắn chúng tôi sẽ phản ứng. Tuy nhiên, bây giờ Quốc Hội sắp nghỉ Đông, và phải đợi tới Tháng Giêng, 2019, khi khóa 116 nhóm họp, lúc đó mọi thứ mới bắt đầu,” vị dân biểu đại diện vùng Little Saigon nói. “Trước mắt, chúng tôi sẽ ngồi xuống để xem bước kế tiếp là gì. Có thể chúng tôi sẽ mở một cuộc điều trần, yêu cầu đại diện Bộ Ngoại Giao đến để chất vấn. Chúng tôi cũng có thể thông qua một nghị quyết kêu gọi chính quyền tôn trọng thỏa thuận hiện nay.”

Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Ngày 24 Tháng Giêng, 2008, ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, được ông Nguyễn Thế Cường, phát ngôn viên tòa Đại Sứ Việt Nam ở Washington, DC, trích lời cho biết về thỏa thuận trục xuất người Việt phạm pháp ở Mỹ như sau:

“Ngày 22 Tháng Giêng, 2008, tại Hà Nội, bà Julie Myers, phụ tá bộ trưởng Bộ Nội An Hoa Kỳ, và ông Đào Việt Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ký một thỏa thuận, theo đó, chỉ nhận những công dân Việt Nam không phải là công dân Mỹ hoặc công dân bất cứ nước nào, trước đây từng sống ở Việt Nam và hiện không sống tại quốc gia thứ ba, vi phạm luật Hoa Kỳ và bị giới chức thẩm quyền ra lệnh trục xuất, sau khi hoàn tất án tù vì phạm tội.”

“Thỏa thuận này không áp dụng với công dân Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”

“Chương trình hồi hương sẽ được thực hiện một cách trật tự và an toàn, phù hợp với luật của Mỹ, luật quốc tế, và các điều khoản trong thỏa thuận này, trong khi cũng xét đến vấn đề nhân bản, đoàn tụ gia đình, và các trường hợp đặc biệt của từng cá nhân hồi hương, trong khi tôn trọng phẩm giá của người bị trục xuất.”

Nhiều dân cử phản đối

Cũng trong ngày Thứ Năm, Văn Phòng Dân Biểu Lowenthal gởi cho nhật báo Người Việt một thông cáo báo chí cho biết, trong lá thư gởi cho phía hành pháp, 26 dân biểu viết rằng: “Các điều khoản của thỏa thuận 2008 thừa nhận lịch sử phức tạp giữa hai quốc gia và tình trạng thảm khốc mà sau đó hàng trăm ngàn người Việt Nam bỏ trốn đến Hoa Kỳ tìm tự do và tránh bị đàn áp chính trị sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Nhiều người trong số này từng chung vai sát cánh chiến đấu hoặc hỗ trợ chính phủ Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh.”

Lá thư của 26 vị dân cử Mỹ kết luận: “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất cứ cuộc tái thương thuyết nào đối với thỏa thuận này nhằm xóa bỏ điều khoản bảo vệ đối với những người Việt Nam tị nạn, bao gồm cả dự định hủy bỏ thỏa thuận bảo vệ những người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995, cũng như các điều khoản xem xét mang tính nhân bản đối với tất cả những người khác. Chúng tôi yêu cầu quý vị tôn trọng tinh thần và chủ đích nhân bản bao gồm trong thỏa thuận hiện tại. Nếu không, quý vị sẽ đẩy hàng ngàn người Việt Nam trở lại nơi mà họ bỏ trốn nhiều năm trước đây, làm ly tán hàng ngàn gia đình, và làm ảnh hưởng một cách tệ hại đến các cộng đồng di dân và tị nạn tại Mỹ.”

Hôm Thứ Năm, cựu Ngoại Trưởng John Kerry viết trên Twitter như sau: “Đáng khinh bỉ. Trong nhiều năm – từ George H.W. Bush tới John McCain và Bill Clinton – làm việc một thời gian dài để hàn gắn vết thương và quên đi cuộc chiến – bây giờ chính quyền lại quay lưng lại với những người từng trốn khỏi quê hương, những người từng chiến đấu với chúng ta. Chính quyền làm vậy để được cái gì?”

Dân Biểu Liên Bang Harley Rouda (Dân Chủ), đại diện Địa Hạt 48, bao gồm một phần Little Saigon, hôm Thứ Tư tweet ra như sau: “Quyết định đơn phương của chính quyền Donald Trump hôm nay nhắm vào việc trục xuất người Mỹ gốc Việt là sai trái và không thể chấp nhận được. Người Mỹ gốc Việt là một bộ phận quan trọng của Địa Hạt 48. Tôi sẽ làm việc với Quốc Hội để phản đối quyết định này.”

Ngoài ra, cũng hôm Thứ Năm, một số dân cử địa phương trong vùng Little Saigon, như Thượng Nghị Sĩ California Tom Umberg, Dân Biểu California Tyler Diệp, Giám Sát Viên Orange County Andrew Đỗ, và Nghị Viên Westminster Sergio Contreras đều gởi thông cáo báo chí đến nhật báo Người Việt cho biết rất quan tâm cũng như phản đối dự định của chính quyền Donald Trump trong việc trục xuất người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995.

Nhiều tổ chức phản đối

Hôm Thứ Tư, 15 tổ chức cộng đồng và hơn 50 dân cử tiểu bang và địa phương cùng tham gia với hai tổ chức Asian American Advancing Justice (AAAJ) và Southeast Asia Resources Action Center (SEARAC) gởi thư cho tổng thống, ngoại trưởng, và bộ trưởng Nội An, kêu gọi họ ngưng thay đổi bất cứ điều khoản gì trong thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam, liên quan đến trục xuất.

AAAJ và SEARAC cho biết, sự thay đổi này có thể làm cho hơn 8,500 người Việt Nam có khả năng bị trục xuất.

“Trong nhiều năm qua, thỏa thuận này bảo vệ hàng ngàn gia đình Việt Nam, coi nước Mỹ là nhà từ hàng chục năm qua,” cô Phi Nguyễn, một luật sư phụ trách tố tụng tại AAAJ, được thông cáo báo chí của tổ chức này trích lời cho biết. “Thỏa thuận này bảo đảm những người qua Mỹ trước năm 1995 không bị trả về Việt Nam. Chính quyền chúng ta không nên quay lưng lại với họ.”

Chính quyền Donald Trump không công nhận thỏa thuận

Hôm Thứ Tư, nhật báo The Atlantic cho biết, chính quyền Donald Trump đang tái khởi động những nỗ lực để trục xuất số di dân Việt Nam vốn là những người sống hợp pháp ở Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua, nhưng có lệnh bị trục xuất. Nhiều người trong số họ đã trốn thoát khỏi đất nước sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975.

Đây là hành động mới nhất trong kế hoạch của Tổng Thống Trump, thực hiện chính sách khắc nghiệt về nhập cư và tị nạn.

Theo The Atlantic, việc này chắc chắn sẽ gây nhiều bất ngờ lẫn phản đối bởi vì Tòa Bạch Ốc từng rút lại kế hoạch trục xuất những người này hồi Tháng Tám.

Tuy nhiên, bây giờ, chính quyền Trump cho rằng những di dân gốc Việt đặt chân đến Hoa Kỳ trước khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia được thiết lập là đối tượng chính của Luật Di Trú, nghĩa là họ nằm trong diện bị trục xuất.

Chính quyền của ông Trump vào năm ngoái đã bắt đầu theo đuổi việc trục xuất nhiều người nhập cư bị cáo buộc là những “người nước ngoài phạm tội bạo lực.”

Lập trường siết chặt nhập cư mới nhất của chính quyền Trump diễn ra trong bối cảnh thời điểm gia hạn thỏa thuận về trục xuất di dân gốc Việt sắp được gia hạn vào Tháng Giêng, 2019.

The Atlantic cho biết, trong năm 2017, Tòa Bạch Ốc đã đơn phương thay đổi thỏa thuận theo hướng nhằm tước bỏ sự bảo hộ đối với những người phạm tội, cho phép chính phủ Mỹ trục xuất một phần những người nhập cư gốc Việt tới nước này trước ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Sau đó, chính sách này bị rút lại vào Tháng Tám vừa qua. Tuy nhiên, phát ngôn viên của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho biết chính phủ Hoa Kỳ một lần nữa muốn đảo ngược tình huống.

“Chính quyền Washington hiện tại tin rằng thỏa thuận năm 2008 không thể bảo vệ những người gốc Việt nhập cư trước năm 1995 khỏi khả năng bị trục xuất,” phát ngôn viên yêu cầu không nêu danh tính nói với The Atlantic.

Phát ngôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội nói với The Atlantic, quyết định “lật ngược” này diễn ra trong bối cảnh Bộ Nội An có gặp đại diện Việt Nam tại Washington, DC, mới đây. Tuy nhiên, người này từ chối tiết lộ chi tiết nội dung và thời gian diễn ra cuộc gặp.

The Atlantic dẫn lời bà Katie Waldman, phát ngôn viên Bộ Nội An, cho biết hiện có khoảng 8,000 người gốc Việt bị kết án đã có lệnh trục xuất. Họ là những người chưa được công nhận là công dân Mỹ. (Ðỗ Dzũng)

13.12.2018

Người Việt

 

 

 

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen