Seite auswählen

Huỳnh Như Phương
18 Tháng Ba, 2019

Thời chiến tranh, người miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp thường tìm chỗ định cư theo chỉ dẫn của những người đồng hương đi trước: vùng này nhà thuê giá rẻ, khu vực kia an toàn, dễ buôn bán mà lại gần nhà thương, trường học… Chọn chỗ ở rồi, tìm cách thiết lập mối quan hệ lâu dài với hàng xóm, bạn nghề; dần dần bám trụ ở địa phương mới, kinh tế có khá giả lên cũng không muốn rời bỏ nơi đã quen thuộc thung thổ. Thành ra nhiều người lúc đầu đặt chân đến Bảy Hiền, Xóm Củi hay Phú Lâm thì mấy chục năm sau vẫn quẩn quanh ở đó, dù nhà có mua thêm vài ba cái vẫn không rời bỏ khu phố cưu mang mình từ thuở hàn vi, thậm chí còn rủ thêm bà con, bạn bè tụ tập thành một “xóm” để dễ bề thăm viếng, giúp đỡ lẫn nhau.

Khi tôi vào Sài Gòn đi học thì hai người cậu ruột của tôi đã có nghề nghiệp, nhà cửa ổn định ở Phú Nhuận. Tôi được cậu mợ cho ở nhờ, ăn uống không tốn tiền, chỉ lo học hành. Hai ông cậu tôi cũng gắn bó liên tục với vùng này, nên tôi được thừa hưởng không khí sinh hoạt ở đây; khi đi làm, rồi lập gia đình, thay chỗ ở ba bốn lần, cũng không muốn xa chợ Trần Hữu Trang buôn ngay bán thật, xa tiệm hớt tóc bình dân của một người đồng hương, xa cái quán cơm tấm, bánh cuốn và xe bánh mì quen thuộc.

Thời trước, Phú Nhuận chỉ là một xã thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, nghĩa là nó vẫn bị xem như bên ngoài ranh giới Sài Gòn. Người có số má mới ở các quận có số: ăn quận 5, nằm quận 3, hát ca quận 1. Gửi thư về quê mà ghi địa chỉ có chữ Saigon kèm theo số 1 hoặc số 3 thì mới gọi là sang. Hơn mười năm tôi ở căn nhà trong hẻm đường Hồ Biểu Chánh (Phú Nhuận), một trong số ít con đường không bị đổi tên, sát vách nhà hẻm Trương Minh Giảng/ Lê Văn Sỹ (quận 3), vậy mà giá nhà hai bên chênh nhau mấy bậc.

Nhưng ở Phú Nhuận lại có cái hạnh phúc của người Phú Nhuận. Từ đây xuống trung tâm thành phố chỉ 4 – 5 cây số, ra sân bay cũng gần, tình trạng kẹt xe, ngập nước hay ô nhiễm môi trường không nghiêm trọng như nhiều nơi khác. Mỗi lần qua thăm bạn ở khu dân cư cao cấp Phú Mỹ Hưng, bị ùn tắc ở cầu Tân Thuận hay cầu Kênh Tẻ, tôi theo phép thắng lợi tinh thần mà tự an ủi: nếu giàu có được ở nơi phong quang, chiều chiều đi dạo hồ bán nguyệt cũng sướng thật, nhưng đi học, đi làm thì khổ bù lại thôi.

Phú Nhuận bây giờ có nhiều quán cà-phê, siêu thị, chung cư, nhà hàng tiệc cưới sang trọng chẳng kém các quận khác. Lại có những “đặc sản” không nơi nào có được: câu lạc bộ guitare và sân khấu kịch Hồng Vân ở nhà văn hóa. Hồi trước, thích nghe nhạc, mà giá vé ở các phòng trà trung tâm thành phố cao quá, gia đình tôi tìm đến Thanh Hoa và Nguyễn Ánh 9 ở Phú Nhuận. Bây giờ mấy quán cà-phê vườn chung quanh nhà tôi cuối tuần đều có chương trình nhạc sống với những giọng ca chưa nổi danh, còn e ấp nhưng đã lộ chất tinh khôi của tài năng trẻ.

Đối với tôi, hình ảnh thu nhỏ của Phú Nhuận chính là phường 11, nơi tôi ở từ thời đi học cho đến bây giờ. Gần 40 năm trước, khi mới ra trường, tôi vừa tập sự dạy học, vừa tham gia một vài công việc ở phường này: vận động bà con làm vệ sinh đường phố, quyên góp cứu trợ nạn nhân bão lụt… Thấy tôi chịu khó, cô Bùi Thị Lộc Anh (chị ruột nhà văn Anh Đức, nguyên mẫu trong truyện ngắn Con chị Lộc của ông) và anh Nghiêm Bá Bốn vận động tôi ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân phường. Nể tình, tôi nhận lời, nghĩ mình là “quân xanh”, ai ngờ trúng cử được làm “đại biểu trẻ” một nhiệm kỳ!

Những người bạn và người quen của tôi đến từ khắp ba miền, từng sống hay làm việc ở Phú Nhuận, khi rời xa vẫn có nhiều luyến tiếc, lâu lâu gặp nhau thường nhắc lại những ngày thiếu thốn, khó khăn thời bao cấp. Có người chuyển về Gò Vấp thoáng đãng hay sang tận Bắc Mỹ xa xôi, nhưng vẫn giữ ngôi nhà Phú Nhuận để cho thuê, làm nơi chốn đi về. Nhà thơ Hoài Vũ rời Phú Nhuận đã lâu, có để lại một bài thơ kỷ niệm: Những tối ai về bên Phú Nhuận/ Vầng trăng xẻ nửa gửi qua cầu…

Hằng năm, cứ vào các ngày 16, 17, 18 tháng giêng, đình Phú Nhuận mở lễ hội kỳ yên, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Ngôi đình này nằm ở địa điểm xưa gọi là Gò Kim Quy, do ông xã trưởng Lê Tự Tài hiến đất để xây dựng. Ông cũng là người có công lập chợ Phú Nhuận, nên chợ này từng được gọi là chợ Xã Tài. Mấy ngày lễ hội, người Phú Nhuận mang heo gà, xôi chè, hoa quả làm lễ vật cúng Thần Thành hoàng Bổn cảnh, Bà Chúa Xứ và các bậc tiền hiền, hậu hiền đã khai khẩn đất đai, xây dựng làng xã. Chương trình múa lân, hát bội, biểu diễn võ thuật cổ truyền diễn ra ba ngày liên tiếp, thu hút đông đảo khách thập phương. Đi lễ về, mỗi người đều được ban quản lý tặng cho một nhánh lá thần tài, một gói gạo và một gói muối nhỏ kèm theo tờ giấy hồng ghi: “Cung cầu tất ứng”, “Thần ý lợi sự”. Tôi đi lễ hội nhiều nơi, thấy lễ kỳ yên ở đình Phú Nhuận là một trong những nơi tổ chức ngăn nắp và trật tự nhất.

Bài báo này tôi viết trong một ngày mưa gió cuối năm. Chợt nhớ 47 năm sống ở thành phố này, thỉnh thoảng gặp cơn gió lớn hay lốc xoáy, chứ chưa bao giờ chứng kiến một trận bão thật sự. Lòng thầm biết ơn những bậc tiền nhân linh thiêng đã chọn một cuộc đất an hòa, mong sao lòng người cũng được an hòa như đất.

Nhà thơ Chế Lan Viên vào sống ở Tân Bình chỉ khoảng mươi năm mà viết: Tân Bình đã thành quê. Tôi sống ở Phú Nhuận gần nửa thế kỷ, thì sao không dám viết: Phú Nhuận đã thành quê.

Nguồn: HỘI NHÀ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen