Seite auswählen

Hải Quân Ấn Độ và Pháp tập trận rầm rộ với Trung cộng trong tầm nhắm

Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp, tham gia tập trận cùng với Hải quân Ấn Độ ở vùng Ấn Độ Dương, từ ngày 10/05/2019. REUTERS/ Christophe Simon

Vào hôm qua, 10/05/2019, trên vùng biển Ấn Độ Dương, ngoài khơi bang Goa ở miền tây Ấn Độ, Hải Quân Pháp và Ấn Độ đã khai mạc một cuộc tập trận với quy mô lớn, huy động đến hai hàng không mẫu hạm, trong đó có chiếc Charles de Gaulle của Pháp đang có mặt tại châu Á. Dù không được bên nào nêu đích danh, nhưng Trung cộng được cho là đối tượng mà cả Pháp lẫn Ấn đều dè chừng.

Cuộc tập trận huy động đến hơn một chục chiến hạm và tàu ngầm từ cả hai phía. Về phía Pháp, ngoài hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, còn có hai khu trục hạm FNS Forbin và FNS Provence, hộ tống hạm FNS Latouche-Tréville, tàu tiếp liệu FNS Marne, và một tàu ngầm hạt nhân không được nêu tên.

Lực lượng Hải Quân Ấn Độ cũng huy động hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya, tàu khu trục INS Mumbai, hộ tống hạm INS Tarkash, tàu tiếp liệu INS Deepak và tàu ngầm INS Shankul.

Cuộc tập trận quy mô được hai nước tiến hành trong bối cảnh những tuyến đường vận tải chiến lược trên Ấn Độ Dương bị nhiều thế lực dòm ngó. Theo hãng tin Pháp AFP, dù không nêu đích danh Trung cộng, nhưng cả Ấn Độ lẫn Pháp đều quan ngại trước sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung cộng, cũng như các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.

Chuẩn đô đốc Olivier Lebas – chỉ huy hạm đội Pháp tham gia cuộc tập trận đã bày tỏ thái độ tin tưởng là hai nước Ấn và Pháp « có thể đem lại sự ổn định cho một khu vực mang tính chiến lược, có vai trò quan trọng cho thương mại quốc tế ».

Thế thống trị lâu nay của Ấn Độ tại vùng Ấn Độ Dương hiện đang bị Trung cộng thách thức, với những hoạt động dùng tiền thu phục các láng giềng của New Delhi, kèm theo đó là việc triển khai tàu chiến và tàu ngầm dọc theo những tuyến đường biển, cũng như việc xúc tiến dự án Một Vành Đai Một Con Đường mà Ấn Độ không tán đồng.

Về phần Paris thì chuẩn đô đốc Didier Maleterre, chỉ huy lực lượng Hải Quân Pháp trong khu vực đã nhận định rất ngoại giao là ở Ấn Độ Dương, Trung cộng không hung hăng như tại Biển Đông : « Tại Ấn Độ Dương, người ta không thấy những gì mà người ta đã thấy tại vùng biển quanh Trung cộng, như các hoạt động bồi đắp, cải tạo ở quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa ».

Đối với ông Maleterre, chiến lược Con Đường Tơ Lụa Mới của chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, trong đó có phần liên quan đến Ấn Độ Dương, « là một chiến lược chủ yếu mang tính chất kinh tế, nhưng có lẽ cũng mang một mục đích khác ».

Nhân vật lãnh đạo Hải Quân Pháp này không nói rõ mục đích khác đó là gì, nhưng nói thêm rằng có những « kịch bản » cho từ 10 đến 15 năm tới đây, dù không nghiêm trọng như ở vùng biển sát cạnh Trung cộng, nhưng « rõ ràng có thể dẫn đến căng thẳng. »

Vào đầu tháng 4 vừa qua, Pháp đã khiến Trung cộng nổi giận khi cho hộ tống hạm Vendémiaire đi ngang eo biển Đài Loan. Chính quyền Bắc Kinh đã chỉ trích một hành động xâm phạm lãnh hải Trung cộng, trong lúc Paris xem đấy là việc thể hiện quyền tự do hàng hải.

RFI (11.05.2019)

Việt Nam và Nhật hợp tác chống lại sự bành trướng của Trung cộng

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya.

Nhật Bản đang giúp Việt Nam xây dựng hệ thống phòng thủ chống lại sự bá quyền của Trung cộng về mặt quân sự trong bối cảnh Hà Nội nói rằng lực lượng Bắc Kinh đang chiếm nhiều hải đảo hơn trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và người đồng cấp Việt Nam, ông Ngô Xuân Lịch, đã gặp nhau hôm 2/5 ở Hà Nội để “tăng cường hợp tác” về vấn đề an ninh hàng hải, đài truyền hình Nhật NHK cho biết.

Các chuyên gia quốc tế nhận định với VOA rằng động thái này có thể cho thấy dấu hiệu hợp tác quân sự, quốc phòng Nhật – Việt sẽ thắt chặt hơn trong tương lai.

Ông Jeffrey Kingston, giảng viên lịch sử tại Đại học Temple, Nhật Bản nhận định với VOA: “Có thể thấy một ‘vòng cung lo ngại’ chạy dài từ New Delhi đến Canberra, Jakarta, rồi đến Hà Nội và cả Tokyo.”

Ông nói thêm: “Do đó, tôi nghĩ rằng có lẽ phát biểu này có mục đích báo hiệu những mối quan ngại chung, đang hướng đến một phản ứng tập thể.

Đài NHK loan tin rằng một thỏa thuận giữa hai nước đã mở đường cho nhiều tàu hải quân Nhật Bản đến thăm Việt Nam, cũng như hợp tác kỹ thuật về thiết bị quốc phòng trong giám sát hàng hải của Việt Nam.

Ông Murray Hiebert, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, nói: “Nhật Bản có thể thiết lập các cuộc trao đổi quân sự, tổ chức đối thoại chiến lược và cung cấp các thiết bị phòng thủ hải quân.”

“Việt Nam đang hướng tới Nhật Bản như một bờ dậu che chắn giữa lúc Trung cộng quân sự hóa Biển Đông, gây thêm áp lực cho Việt Nam, và ép Hà Nội từ bỏ các hoạt động thăm dò dầu khí, ngay kể cả trên thềm lục địa của Việt Nam,” ông Hiebert cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Stephen Nagy, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Christian Quốc tế ở Tokyo, nói: “Phía Nhật muốn hậu thuẫn các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, nhưng họ không muốn thực hiện điều đó bằng quân sự.”

“Thay vào đó, họ sẽ gầy dựng năng lực, xây dựng khả năng tương tác và xây dựng một liên minh các quốc gia sát cánh cùng nhau và cố gắng thực thi luật quốc tế ở Biển Đông,” ông Nagy nói.

Ông Tai Wan-ping, giáo sư kinh doanh quốc tế chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học Cheng Shiu, Đài Loan, nói với VOA: “Tôi nghĩ việc hợp tác (quân sự) Nhật – Việt sẽ mở rộng, từ hợp tác ban đầu trong lĩnh vực kinh tế chuyển sang lĩnh vực chính trị. Vì lẽ rằng các hoạt động quân sự của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á từ trước đến nay chưa thật mạnh.”

VOA (10.05.2019)

New Delhi tăng tốc tham gia chiến lược « Ấn Độ – Thái Bình Dương »

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, Washington DC, ngày 26/06/2017 Reuters

Đầu tháng 5/2019, lần đầu tiên Hải Quân Ấn Độ tập trận chung với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Phi Luật Tân tại Biển Đông, mà Trung cộng đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền. Đây là được coi là một dấu hiệu mới cho thấy New Delhi can dự mạnh mẽ hơn vào dự án bảo vệ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « mở và tự do », trọng tâm trong Chiến lược An ninh mới của Mỹ. Tuy nhiên, can dự của Ấn Độ không chỉ về quân sự.

Yếu tố nào cho thấy Ấn Độ trong thời gian gần đây đang tăng tốc tham gia chiến lược « Ấn Độ – Thái Bình Dương » ?

Ý tưởng xây dựng một khu vực hợp tác rộng lớn liên thông hai biển Ấn Độ – Thái Bình Dương, được New Delhi và Tokyo nêu lên lần đầu vào năm 2007, chỉ thực sự khởi sắc từ đầu năm 2018, sau khi Hoa Kỳ chính thức thông qua Chiến lược An ninh mới, coi Trung cộng đang bành trướng ảnh hưởng là đối thủ chính. Trong chiến lược này, Ấn Độ được coi là một trụ cột. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, New Delhi dường như ít có bước tiến cụ thể để can dự mạnh mẽ.

Thời gian gần đây, bên cạnh việc New Delhi lần đầu tiên tham gia tập trận tại Biển Đông với Mỹ, Nhật, giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc chính quyền Ấn Độ thành lập một bộ phận mới, thuộc bộ Ngoại Giao, phụ trách toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, hồi giữa tháng 04/2019.

Theo báo chí Ấn Độ, vụ Ấn Độ – Thái Bình Dương, theo ý tưởng của thứ trưởng Ngoại Giao Vijay Gokhale, được thành lập để triển khai một cách đồng bộ và nhất quán chính sách mới về Ấn Độ – Thái Bình Dương, được thủ tướng Modi nêu ra tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La năm 2018. Vụ này sẽ thống nhất quản lý khu vực các nước ven bờ Ấn Độ Dương (Ocean Rim Association – IORA), vùng Đông Nam Á (ASEAN), cũng như vấn đề Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Ấn Úc (QUAD) với toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Một số chuyên gia Ấn Độ (1) cho rằng đây là « một bước ngoặt chiến lược ». Phát biểu trên báo mạng The Quint, nhà cựu ngoại giao Vishnu Prakas, nguyên phát ngôn viên bộ Ngoại Giao và cựu tổng lãnh sự ở Thượng Hải (Trung cộng), nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thống nhất tất cả các tác nhân, vốn hoạt động riêng lẻ vào mục tiêu chung, vì « một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, không loại trừ ai ».

Chuyên gia về an ninh quốc tế Manoj Joshi thì ghi nhận phương diện « ngoại giao » là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của New Delhi. Quân sự là phương diện đầu tiên mà Hoa Kỳ hướng đến. Ít tháng sau khi tuyên bố Chiến lược An ninh mới, Hoa Kỳ đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư Lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, như một động tác mang tính biểu tượng cao, thể hiện bước chuyển chiến lược này. Ngược với Mỹ, trọng tâm chiến lược của New Delhi là về ngoại giao. Ưu tiên ngoại giao so với quân sự là một tín hiệu quan trọng của Ấn Độ gửi đến Bắc Kinh, theo chuyên gia Manoj Joshi.

Một số chuyên gia viện tư vấn Observer Research Foundation, tại New Delhi, xác nhận là hạn chế hiện nay của nhiều quốc gia tham gia vào chiến lược xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « tự do và rộng mở » là chưa xác định được kế hoạch hành động ở cấp bộ. Việc thành lập một vụ mới, thuộc bộ Ngoại Giao, quản lý thống nhất các vùng thuộc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, rõ ràng là một bước tiến quan trọng.

Cụ thể là cơ quan mới của bộ Ngoại Giao Ấn Độ, phụ trách khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, phải đối mặt với những nhiệm vụ chủ yếu nào ?

Trong một phân tích trên báo mạng The Diplomat (2), nhà nghiên cứu Aman Thakker, chuyên về các quan hệ chiến lược Ấn – Mỹ, lưu ý đến 5 mục tiêu hàng đầu mà cơ quan phụ trách khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mới cần nhắm tới.

Thứ nhất là kéo Hoa Kỳ tham gia vào các hợp tác Ấn Độ – Châu Phi, thừa nhận mối quan tâm của New Delhi đối với vùng phía tây Ấn Độ Dương, đặc biệt là khu vực ven biển miền đông của Châu Phi. Kể từ năm 2008, thượng đỉnh Ấn Độ – Châu Phi (IAFS) được tổ chức ba năm một lần. Năm 2015, đại diện của 51 nước Châu Phi tham dự thượng đỉnh tại New Delhi. Việc Ấn Độ mời Mỹ tham dự thượng đỉnh IAFS lần tới được đánh giá sẽ là « một bước tiến táo bạo » theo hướng này.

Mục tiêu thứ hai là thúc đẩy việc xây dựng « các cơ sở hạ tầng có chất lượng » trong khuôn khổ hiệp hội các nước ven bờ Ấn Độ Dương (IORA). Trong các kế hoạch hạ tầng « bền vững, tôn trọng môi trường, kháng cự tốt trước thiên tai », New Delhi rất cần đến đóng góp của Nhật Bản. Hợp tác với Nhật trong lĩnh vực này được khởi sự từ năm 2015, với hệ thống metro ở thủ đô New Delhi là một ví dụ tiêu biểu. Thách thức của Ấn Độ trong vấn đề này là đưa được hướng hợp tác xây dựng « cơ sở hạ tầng có chất lượng » vào trong khuôn khổ Hiệp hội các nước vùng Ấn Độ Dương IORA, với 22 quốc gia thành viên, mà Ấn Độ là một trụ cột.

Để đối trọng lại Trung cộng, mục tiêu thứ ba của cơ quan mới phụ trách toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, là thúc đẩy dự án Hành lang Tăng trưởng Á – Phi (Asia – Africa Growth Corridor/AAGC), ra mắt tháng 5/2017, cũng với thành phần trụ cột là Nhật Bản. Dự án này trên thực tế đang dậm chân tại chỗ.

Nhiệm vụ thứ tư của cơ quan mới là kết nối hai hiệp hội khu vực, các nước ven bờ Ấn Độ Dương (IORA) với Diễn đàn của Ấn Độ với các đảo quốc Thái Bình Dương (FIPIC). Ấn Độ đã đăng cai một thượng đỉnh với 14 đảo quốc Thái Bình Dương trong khuôn khổ FIPIC vào năm 2015.

Nhiệm vụ thứ năm là về quân sự. New Delhi có trách nhiệm mở rộng cho Mỹ, Nhật Bản và Pháp tham gia cuộc tập trận hải quân khu vực Milan. Tập trận hai năm một lần, khởi sự từ năm 1995, trong thời gian gần đây có sự tham gia nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tập trận diễn ra dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh quân khu phụ trách quần đảo Andaman và Nicobar, án ngữ con đường qua lại giữa Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, thông ra Biển Đông và Thái Bình Dương. « Tập trận Milan », với sự tham gia của các cường quốc Hải quân Mỹ-Nhật-Pháp, có thể biến thành một cuộc tập trận của toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Nhiệm vụ thứ 5 nói trên phải chăng cho thấy mặt quân sự cũng là một trong các ưu tiên của New Delhi trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương ?

Đúng là khía cạnh quân sự có phần nổi bật khi nhìn vào các hoạt động ngoại giao Ấn-Mỹ vào thời điểm Trung cộng tổ chức Diễn đàn « Sáng kiến Vành đai, Con đường » lần thứ hai, cuối tháng 4/2019. Ấn Độ không cử đại diện tham gia. Cùng lúc đó, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Randall Schriver, phụ trách An ninh khu vực ASEAN và Thái Bình Dương, công du Ấn Độ ba ngày (3). Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, đô đốc Sunil Lanba, cũng có mặt tại New Delhi vào thời điểm đó. Một trong các mục tiêu phối hợp Mỹ-Ấn là tăng cường bảo vệ an ninh đối với các mạng lưới internet ngầm dưới Ấn Độ Dương, cũng như nhiều dự án hợp tác về hậu cần và huấn luyện khác. Đầu tuần tới, chỉ huy Hải Quân Mỹ John Richardson công du Ấn Độ.

Ghi chú

1. “India Sets Up New Indo-Pacific Desk, Experts Laud ‘Strategic Move’ ”, mạng Quint, ngày 15/04/2019.

2. “Big Ideas for the Indian Foreign Ministry’s New Indo-Pacific Desk”, The Diplomat, ngày 01/05/2019.

3. “India, US discuss deepening Indo-Pacific cooperation as China hosts BRI meet”, Livemint, ngày 25/05/2019.

RFI (10.05.2019)

Hải quân Mỹ, Ấn, Nhật và Phi Luật Tân thao dượt chung ở Biển Đông

Chiến hạm Mỹ USS Blue Ridge (LCC 19) tại căn cứ Hải quân Changi, Singapore, ngày 09/05/2019.REUTERS/Edgar Su

Theo thông báo của hải quân Phi Luật Tân hôm nay, 09/05/2019, được báo chí nước này trích dẫn, lần đầu tiên hải quân của bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Phi Luật Tân đã cùng đi vào khu vực Biển Đông trong khuôn khổ các cuộc thao dượt chung trên biển.

Sáu chiến hạm của 4 quốc gia nói trên đã băng qua vùng biển quốc tế và hôm qua đã đến Changi, Singapore, kết thúc cuộc thao dượt mang tên ASEAN-Plus Defense Ministers’ Meeting Maritime Security Field Training Exercis (ADMM-Plus MARSEC FTX) 2019 . Cuộc thao dượt kéo dài một tuần, khởi đầu tại Busan, Hàn Quốc, nhằm củng cố quan hệ đối tác và nâng cao sự thông hiểu nhau giữa hải quân các nước tham gia.

Trưởng phái đoàn hải quân Phi Luật Tân, hạm trưởng Roy Vicent Trinidad, cho biết cuộc thao dượt chung này là dịp để hải quân Phi Luật Tân tăng cường quan hệ với các đồng minh và các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thông cáo của Hạm đội Bẩy Mỹ cho rằng những sự kiện như vậy là « cơ hội để các lực lượng hải quân có cùng quan điểm ( like-minded navies ) tập huấn với nhau và tăng cường hợp tác hàng hải trong một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. »

Cuộc thao dượt quy tụ hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Phi Luật Tân diễn ra sau khi Washginton vào tháng 12 năm ngoái kêu gọi các nước đồng minh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, nơi mà Trung cộng tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ xây dựng.

RFI (09.05.2019)

Việt Nam “ủng hộ” tàu chiến Mỹ áp sát Đá Gạc Ma và Đá Ga Ven

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thu Hằng © Ảnh : Văn Điệp – TTXVN

Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam ủng hộ quyền tự do hàng hải của các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế và đề nghị các nước tiếp tục đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực, Zing dẫn lời người phát ngôn cho biết.

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ ngày 9/5 về việc hai tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

 “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế”.

Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, bà Lê Thị Thu Hằng nói. 

Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định của khu vực, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, luật pháp quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, người pháp ngôn cho biết thêm.

Ttrước đó, trả lời hãng tin Reuters, người phát ngôn quân đội Mỹ thông báo hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon ngày 6/5 tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông. Các tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai thực thể này đang bị Trung cộng chiếm đóng trái phép bất chấp sự lên án từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Clay Doss, người phát ngôn Hạm đội 7, khẳng định USS Preble cùng USS Chung Hoon thực hiện quyền “đi lại vô hại” tại khu vực quanh các đảo đá nhằm “thách thức những tuyên bố hàng hải vô lý và đảm bảo quyền tiếp cận đối với những tuyến đường hàng hải được quy định trong luật pháp quốc tế”.

Tại cuộc họp báo ngày 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng nói rằng “phía Trung cộng bày tỏ sự bất mãn lớn và kiên quyết phản đối” đối với hoạt động diễn ra gần hai rạn san hô ở quần đảo Trường Sa.

Trung cộng chiếm đóng trái phép nhiều thực thể của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung cộng và Mỹ đã nhiều lần công kích lẫn nhau về những gì Washington gọi là hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh với việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo và rạn san hô nhân tạo.

Sputnik (09.05.2019)

Việt Nam phản đối việc Trung cộng dùng hình ảnh Hải chiến Trường Sa trong video 70 năm thành lập hải quân

Ảnh màn hình video hải quân Trung cộng bắn vào tàu hải quân VN và chiếm đảoi Gạc Ma/Trường Sa ngày 14.03.1988.

Việt Nam phản đối các hoạt động tuyên truyền dưới bất kỳ hình thức nào cho các hành động sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Trí Thức Trẻ dẫn lời người phát ngôn cho hay.

Ngày 9/5, trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về thông tin trong video kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung cộng có xuất hiện hình ảnh được cho là sự kiện Hải chiến Trường Sa năm 1988, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ thông tin.

Việt Nam phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia cũng như các hoạt động tuyên truyền dưới bất kỳ hình thức nào cho các hành động phi pháp đó. Việt Nam luôn chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia vì hoà bình ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới“, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Trước đó, đã xuất hiện thông tin, trong video đăng trên website của Bộ Quốc phòng Trung cộng nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân nước này có hình ảnh được cho là trong sự kiện Hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988, khi Trung cộng dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép đảo của Việt Nam.

Được biết phía Việt Nam đã cử 2 tàu hộ vệ đến dự lễ 70 năm thành lập hải quân Trung Cộng này.

Sputnik (09.05.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen