Seite auswählen

Hương Kiều Loan


1.
Hai năm nay, kể từ ngày các con trưởng thành, ông Hữu rất buồn vì thấy các con xa lạ với mình. Ông nhớ tiếc những ngày chúng còn nhỏ, chúng thường quấn quýt bên cha mẹ. Chúng đòi đi phố, rồi gạ bố cho đi ciné, vòi mua đồ chơi, đòi mua món này món nọ, và thường ôm bố reo lên mỗi khi được món qùa mà chúng ưa thích hay đã hằng ao ước.

Rồi ông nhớ những lần đưa cả nhà đi ăn tiệm. Nhìn gia đình đông đủ, đầm ấm, các con cười nói luôn miệng, và ánh mắt sung suớng của vợ, ông thấy những ngày làm việc vất vả ở xứ người đã được đền bù. Mọi người trong nhà như đều lệ thuộc vào ông, lúc nào cũng bố, cái gì cũng hỏi bố. Xa nữa, ông nhớ lại những ngày mới đến nước Mỹ. Miên và đứa con đầu lòng mới chỉ bốn tuổi khi đó. Trong những tháng đầu Miên chưa nói được tiếng Mỹ lưu loát, mặc dù ngày xưa, Miên thuộc ban văn chương của một trường nữ Trung Học nổi tiếng của Saìgòn nên nàng chỉ bút đàm với gia đình người bảo trợ. Muốn không mỏi tay, và câu chuyện được nhanh hơn, thì mọi việc phải nhờ ông thông dịch. Lúc đó ông thấy mình oai lắm và rất vui, vì ông có niềm hãnh diện là bảo vệ, săn sóc được cho vợ con là những người ông thương yêu hết lòng.

2.
Năm đầu ở Mỹ, lúc nào ông cũng bận rộn với gia đình. Qua năm sau Miên bắt đầu xin được việc làm, nhà chỉ có một xe, nên ông phải dậy sớm để đưa vợ và con đến sở, đứa con nhỏ đã vừa đủ tuổi học mẫu giáo. Hai người làm việc ở hai hướng khác nhau. Sở ông làm ở mãi tận phía tây của thành phố, còn trường Miên làm thì ở tận cuối phía đông. Hôm nào cả nhà cũng phải dậy thật sớm để đi cho kịp giờ. Vất vả nhất là thời gian ông tập cho vợ lái xe. Miên vốn nhút nhát, ngay từ thời nhỏ, phải đi học bằng xe đưa đón của trường, xe đạp cũng không dám đi, nói gì đến xe velos solex. Bây giờ lại phải lái xe hơi, nhất là ở Mỹ, xe cộ đông như mắc củi, xe chạy ào ào. Miên sợ ghê lắm. Ông luôn là người khuyến khích và nâng đỡ tinh thần Miên khi nàng nản chí những lúc học lái xe.

Miên kém ông 7 tuổi, lại là con gái út trong gia đình, được bố cưng chiều nhất nhà, nên lấy chồng đã vài năm, nàng vẫn giữ nguyên những tính nết như lúc còn ở với cha mẹ. Tuy thế ông chiều vợ hết mình. Sự hy sinh vô bờ bến của ông chắn chắn là Miên và các con phải biết rõ. Đời ông, công danh đã lỡ, sự nghiệp chôn vùi sau biến cố 1975. Những năm ở đại học Luật khoa xưa chả giúp được gì cho ông trong cuộc sống nơi xứ lạ này, chỉ còn số ngoại ngữ Anh và Pháp thông thạo, vốn liếng từ những ngày mài đũng quần ở Puginier, đến lycée Yersin ở trung học đã giúp ông tự tin được chút ít khi phải giao thiệp với người bản xứ. Và họ đạo nhà thờ bảo trợ gia đình ôngï đã xin cho ông đuợc việc làm, công việc rất khá so với những người đồng hương tỵ nạn cùng sống trong thành phố lúc bấy giờ. Thế rồi ông theo học thêm trong mấy trường huấn nghệ để có tay nghề vững hơn, chưa hết, sau khi công việc đã khá, ông lại chăm chỉ ghi danh đi học thêm ở đại học những tối và cuối tuần, để có công việc sáng sủa hơn sau này. Ông đã cố gắng hết khả năng của mình để mang lại đời sống sung túc cho gia đình, và lo con cái có cơ hội học hành tiến xa hơn . Ông đã dành tất cả thương yêu cho vợ và con.

3.
Ông đã rất hài lòng với sức học và hạnh kiểm của các con. Từ ngày đi học lớp mẫu giáo đến nay, chúng đều mang niềm hãnh diện cho bố mẹ vì các giấy ban khen của ban giám hiệu nhà trường lúc còn học dưới trung học, đến giấy ban khen của Dean đại học. Thấy các con ngoan ngoãn như vậy, ông yên tâm lắm.

Tưởng đời cứ thế trôi, nhưng đến tuổi gần về hưu, ông mới thấy mình đánh mất quá nhiều. Từ bao năm, ông vẫn nghĩ mình làm tròn bổn và là người cha gương mẫu: không rượu chè , Không cờ bạc, không đàn đúm trà đình tửu quán, không bồ bịch lăng nhăng. Nhưng gần đây ông thấy các con như xa lạ với mình, Ông không đọc được tư tưởng chúng như ngày chúng còn nhỏ nữa. Thì ra hơn mười năm sau này, khi ông mãi lo mưu sinh, về đến nhà là mỏi mệt, không gần gụi trò chuyện thân mật với các con nên một bức tường ngăn cách đã dựng lên giữa cha con ông từ bao giờ? Và càng ngày bức tuờng đó càng cao hơn và dầy hơn. Cứ mỗi lần cha con nói chuyện, đưa đến vấn đề gì cần thảo luận, thì chúng thường yên lặng khi thấy ông hăng hái về tư tưởng của ông, Chúng không dám cãi, nhưng nhìn ánh mắt chúng, ông hiểu là chúng không đồng ý. Mỗi lần phải nói chuyện với ông, chúng thường rất vắn tắt và tỏ vẻ chỉ muốn nghe cho xong để chúng còn rút về phòng riêng. Điều đó làm ông rất khó chịu. Ông không cần biết, dù khôn đến mấy chăng nữa làm sao chúng có kinh nghiệm bằng ông được! Lời khuyên hay răn dạy của ông bao giờ cũng đúng, và bắt buộc chúng phải nghe theo!

4.
Rồi ông cũng chợt nhận ra là bây giờ các con chỉ gần mẹ. Cái gì chúng cũng hỏi mẹ, hay xin mẹ, hoặc nhờ mẹ thưa với bố dùm. Đột nhiên ông cảm thấy cái địa vị làm chủ gia đình của mình bị lung lay. Không phải vợ ông lạm quyền mà vì các con ông không để ý đến ông nhiều nữa (?). Đôi lần trong bữa ăn chiều, ông thấy có đứa vắng mặt. Hỏi, thì Miên bảo con xin phép đi đến nhà bạn dự sinh nhật, hoặc đi ciné với bạn. Ông bực tức:

– Tại sao nó không xin phép tôi?

– Anh đâu có nhà lúc đó mà nó xin phép. Vả lại chúng cũng lớn rồi, năm thứ hai, thứ ba đại học rồi anh, đâu còn 12, 13 tuổi nữa!

Ông không chấp nhận:

– Nếu nó định đi chơi, nghĩa là đã biết truớc nhiều ngày. Vậy sao nó không xin phép khi tôi có mặt ở nhà?

Ông phải đợi con về để hỏi tội. Cái quyền cho phép đi chơi ngoài giờ đi học, đi làm partime là quyền của ông, chứ không phải quyền của mẹ chúng nó. Vì ông biết người mẹ bao giờ cũng dễ mềm lòng với con cái hơn. Ông đọc báo thấy có những party, nhẩy nhót, rượu, gái trai, dễ đưa đến say sưa rồi ẩu đả nhau, và rốt cuộc đi đến tại nạn thương vong. Báo chí Mỹ chả đăng đầy ra đó sao! Ông phải cảnh cáo chúng mới đuợc. Không đi chơi không chết, chúng đi chơi khuya sẽ có ngày gặp ma! Rồi còn nhiều thứ khác nữa. Những bực bội nho nhỏ cứ lan mãi như những phấn hoa, phấn cỏ của mùa dị ứng và cần phải diệt trừ.

5.
Mỗi cuối tuần nghỉ nhà, ông thường để mắt nhìn vào phòng các con. Thấy bừa bộn là máu ông bốc lên đầu. Phải dựng cổ chúng dậy dọn dẹp ngay tức khắc. Tính ông ngăn nắp, ông không thể chịu được khi thấy phòng chúng thật vô trật tự! áo quần chúng vứt bừa trên giường! Chỉ chừa chỗ cho chúng nằm ngủ! Quần áo chúng, mẹ đã giặt cho sạch rồi, đã gấp sẵn rồi, chúng cũng cứ để đầy trên cái ở phòng giặt, mà không chịu cất. Sách đọc xong, cũng không chịu để lại trên kệ sách. CD nghe xong, cũng không chịu bỏ vào cái vỏ hộp CD, mà để đầy trên bàn học hay trên giường chúng nằm. Tại sao chúng không thể giống ông một tý nào về sự gọn gàng cả? Có bao giờ ông như vậy đâu? Vật gì ông cất ở chỗ nào thì dù mười năm sau, hay có tắt đèn, ông vẫn tìm ra những vật đó một cách dễ dàng.

Ngày các con còn nhỏ, ông không nhớ phòng chúng ra sao, có lẽ vì mẹ chúng luôn dọn dẹp. Nay các con đã lớn, Miên nói không muốn vào phòng làm xáo trộn riêng tư của chúng. Ông thì không thể nào chấp nhận cái lập luận đó được. Trong gia đình là không có chuyện gì riêng tư hết. Muốn riêng tư thì dọn ra ngoài ! Sống dưới mái nhà do ông làm chủ, thì phải theo luật gia đình, phải đổ rác, phải hút bụi nhà, phải lau chùi sạch sẽ, mọi thứ phải đâu ra đấy.

6.
Ông dòm dỏ, chú ý cả đến lối sinh hoạt riêng tư của các con. Không lý do gì mà con trai còn ngủ đến tám chín giờ sáng! Mẹ ông xưa thường rót vào đầu ông cái câu: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày!” Sáng dậy trễ là hư! Quan niệm đó đã đuợc ghi trong tự điển của đại gia đình nhà ông.

Nhiều hôm ông bực mình vì Miên bênh con:

– Lớp học của nó mười giờ tối mới tan, về còn tắm rửa và làm bài đến khuya. Sáng thứ bảy anh để cho nó ngủ trễ một tý. Sao anh ác thế?

– Em biết chúng học bài hay chúng chơi game hoặc coi TV hay nghe nhạc trong phòng chúng mà bênh? Muốn học thì hôm nay nghỉ, sao không dậy sớm mà học, đầu óc sẽ minh mẫn hơn.

Nhìn chúng ngồi học, ông càng lộn ruột, chúng vừa học, vừa nghe nhạc. Ngày xưa khi ông học bài buổi tối đâu có như thế. Hồi ấy sau bữa cơm chiều chừng nửa giờ là bố ông bắt mấy anh chị em ông phải ngồi học bài, bàn học kê ở góc phòng khách. Mấy anh chị em phải ngồi đó nhai bài trong suốt hai tiếng đồng hồ, có buồn ngủ rũ mắt ra cũng phải ngồi đấy, không được lén đi chỗ khác chơi, radio phải tắt. Cả cái phòng khách rộng thênh thang và lạnh lẽo với những sập gụ, tủ chè lên nước nâu bóng. Bầu không khí thật là lạnh và nghiêm, không một tiếng động nào khác ngoài tiếng ê a học bài của anh chị em ông. Vậy mà nhiều khi bài học còn khó vào đầu. Bây giờ thì các con ông ngồi làm bài, cứ để TV léo nhéo, lại còn mở cả CD nghe nhạc nữa. Học hành bị chi phối như thế thì chữ nghĩa làm sao vào óc được nữa! Vậy mà không hiểu sao điểm học chúng vẫn cao? Mặc kệ, Ông vẫn muốn chúng phải học theo cách ông học bài ngày xưa, do đấy khi nào ông nhìn thấy kiểu học của chúng là ông la mắng và bắt tắt máy ngay.

7.
Vợ ông không cằn nhằn các con khi chúng thức khuya. Miên cho rằng cả tuần chúng đi học, rồi còn đi làm part time, chúng mỏi mệt, nên cho chúng tự do một tý. Hừ! tiền chúng kiếm được thì chúng sài, ông nào đếm xỉa đến. Ông vẫn phát lương hàng tuần cho chúng mà, và cung cấp cả tiền sách vở, quần áo thật đầy đủ khi chúng cần. Cũng may là học phí thì chúng đã có học bổng rồi, nên đừng có lấy lý do đi làm mỏi mệt với ông. Ông có bắt đứa nào phải đi làm đâu? Học là học, đi làm có tý tiền sẽ sao lãng việc học, mắc mứu vào những ham muốn vật chất, lo kiếm tiền …v…v… việc học sẽ kém đi.

Chuyện chúng đi làm cũng là do Miên đồng lõa. Nàng bảo để tập cho các con có tính tự lập và tạo cho chúng có tinh thần tự trọng, độc lập. Khỏi phải ngửa tay xin tiền bố mẹ những khoản tiêu riêng tư như mua game điện tử, hay đưa bạn gái đi ciné. Mua quà sinh nhật cho bạn bè…v…v…

8.
Nói đến bạn của con ông, khiến ông càng lộn tiết. Cái xứ gì mà phong tuc đến trơ trẽn. Ai lại, ông bố đưa con gái đến tận nhà ông để đón con trai ông lên nhà họ chơi, rồi đến chiều, họ lại đích thân đưa thằng con ông về. Bác sĩ với chả bác siếc. Ông không hiểu nổi tại sao người Mỹ lại chiều con đến thế? Ông thì còn lâu! Ông mà có con gái, con trai tới nhà chơi, ông còn đuổi đi là đằng khác, vì bạn trai chỉ làm chia trí sự học của con gái ông. Cũng may ông không có con gái nên không phải lo canh chừng luôn mắt.

Làm sao ông có thể chấp nhận chuyện bố mẹ làm việc cả tuần mệt nhọc. Cuối tuần lại phải đưa con đi chơi chuyện riêng! Ngay cả đi học nhạc, chơi thể thao… Chuyện đó là không có ông! Ông không đưa đứa nào đi đâu hết, muốn đi chơi, thì đi chung với gia đình, ông đi đâu thì chúng sẽ phải theo đó! Bạn bè gặp trong trường là đủ rồi!

A! ông cũng nhận ra thêm một điều là những năm gần đây, các con ông không thích đi phố với bố mẹ như trước nữa. Chúng chỉ đi khi bị bắt buộc, rồi đến nơi là xin phép tách riêng để đi chơi game hay vào các tiệm bán đồ điện tử, hoặc các hiệu sách. Như thế thì còn gì là hứng thú và ý nghĩa khi gia đình đi chơi chung nữa. Có ép chúng phải đi cùng với ông vào các nơi ông thích, thì mặt chúng chảy dài ra, chả buồn nói hay cười! Tuy thế mà khi bất chợt chúng gặp bạn bè của chúng ở shoping thì chúng tươi như hoa, nói cuời với bạn rất là hào hứng, khiến ông tức vô cùng.

9.
Cái con bé bạn gái của thằng con thứ hai đó, coi nó cũng xinh xắn ra phết, học giỏi và con nhà gia thế, bố nó là bác sĩ nổi tiếng trong thành phố ông cư ngụ. Nhưng ông vẫn ác cảm với nó, vì nó dám rủ rê con ông nạp đơn xin học ở Northwest University, nơi con bé đã đuợc chấp nhận. Làm sao ông bằng lòng đuợc chứ, khi thằng bé mới hơn 17 tuổi mà đi xa nhà như vậy? Lại ở một thành phố nhiều tội ác như Chicago mà ông đã thấy trong các phim ảnh trên TV vẫn hằng chiếu.

Rồi ông càng bực thêm khi vợ ông cho phép bạn gái của con đến nhà chơi cả nửa ngày cuối tuần. Có đứa con gái mắt xanh mũi lõ, tuổi hơ hớ ngồi coi TV với con ông ở phòng family room dưới nhà, khiến ông đi lại trong chính nhà của mình mà mất cả tự nhiên, vì không thể quần đùi, áo may ô đi ra, đi vào được.

Vợ ông lại phán:

– Thà để bạn bè chúng lại nhà chơi, hay con mình đến nhà họ, mình còn yên trí và biết để kiểm soát đuợc, chứ ngăn cấm chúng, để chúng phải lén lút gặp nhau nơi nào khác thì sẽ xảy ra nhiều chuyện tai hại khó lường.

Nghe thì hợp lý đấy, nhưng ông vẫn bực là sao con ông không chọn bạn gái Việt Nam để ông đuợc nghe lời chào hỏi, thưa gửi ngọt ngào lễ phép. Đằng này thì chỉ: “Hi, good morning.” hoặc “Hello! Mr. Do, how are you?” và rồi sau đó là ríu rít với con ông, coi ông không có kilô nào nữa. Chúng biến vào phòng riêng, dù ông đã bắt con ông phải để cửa phòng mở mỗi khi có bạn lại chơi, dù nam hay nữ.

Nhiều lần ông than phiền với bạn bè về cách cư xử của tụi Mỹ con, gặp bố mẹ bạn mà không chịu cúi đầu thưa dạ. Bạn ông an ủi:

– Nó chào như thế là tốt rồi, là ngoan đấy. Thằng con trai tôi có con bồ Mỹ lại kiếm, lúc mình ra mở cửa, nó chả thèm chào một tiếng mà chỉ hỏi: “Is Vu home?” Nghe chỉ muốn bạt tai cho mấy cái. Tôi mang vấn đề vào hỏi dăm thằng Mẽo trắng, dậy cùng trường, thì nó cười bảo: “Chả có gì là bất lịch sự cả, nó là bạn của con mày chứ có phải bạn mày đâu mà thăm hỏi mày?”

Người bạn chép miệng:

– Dân Mỹ nó thế đấy!

Ông lẩm bẩm:

– Càng văn minh lắm, càng mất dạy nhiều!

10.
Sáng nay ông bực lắm vì vừa ngỏ ý muốn nói chuyện với thằng con nhỏ trước khi nó đi làm cuối tuần, thì ông đụng ngay cái bộ mặt khó đăm đăm của nó. Làm cái thiện chí cha con trò chuyện bị cụt hứng. Ông than phiền với vợ thì bà thản nhiên:

– Mình nói chuyện không hợp với nhân sinh quan của chúng thì chúng không muốn nói. Bắt chúng phải theo như ý mình là độc tài trong tư tuởng. Thử hỏi bây giờ có ai cứ đeo theo nói chuyện với anh, mà quan niệm chống đối nhau, anh có thích? Hay sẽ bực bội để né tránh?

Ông hậm hực:

– Hừ! Bạn bè khác , bố mẹ khác.

Miên phản đối:

– Khác? Đúng, vì chúng phải miễn cưỡng nghe tư tuởng một chiều của bố mẹ, và không được bày tỏ quan điểm của chúng, nếu đối nghịch, thì biết thế nào cũng sẽ bị bố “dũa” cho mòn tai, nên chúng né là vậy.

–Bộ em không thấy bực bội khi mình muốn nói chuyện thân mật với chúng mà chúng làm mình cụt hứng sao?

– Tại lối nói của anh lúc nào cũng gay gắt, cứ như ra lệnh và thẩm vấn chúng nên làm chúng khó chịu. Hoặïc nhiều khi anh gợi chuyện không đúng lúc, vào ngay giờ chúng sắp phải đi làm, hoặc chúng đang có chuyện gì không vui nào đó. Nếu là em thì em để kệ nó, khi nào thấy nó vui thì mình sẽ gợi chuyện.

11.
Không cần biết, chúng không vui, hay bận gì thì cũng phải dành thời giờ cho ông khi ông cần nói. Có như thế, hai thế hệ mới thông cảm nhau được, đàng này lúc nào chúng cũng chỉ muốn né ông, làm sao ông không hậm hực được chứ? Miên còn muốn ông nên tỏ ý khen ngợi chúng thường hơn khi chúng học giỏi hay phụ ông trong những việc cắt cỏ, xén riềm cỏ…v…v… Hừm! Đó là bổn phận của chúng, đi học thì phải như vậy, tiền học không phải lo, mọi nhu cầu vật chất ông đã cho đầy đủ, mà không học khá nữa thì làm cu-ly cho xong. Còn cắt cỏ, đó cũng là bổn phận khi sống trong nhà chứ bộ. Ông không là dân mắt xanh mũi lõ mà lúc nào cũng phải “thank you!” Thank với chả thiếc! Khách sáo! Dân Mỹ là chúa mầu mè, ông ghét cay ghét đắng về cái sự giả dối như thế, thank thanks! dẹp!

12.
Đã thế, bà vợ ông còn quân sư quạt mo cho ông như sau nữa chứ: Miên khuyên ông bớt những gay gắt, có giọng nhẹ nhàng ngọt ngaò hơn khi trò chuyện với các con. Và cũng đừng chỉ trích những gì chúng thích, dù mình có ghét những thứ đó đi nữa. Như thế thì cha con mới xích lại gần nhau đuợc, và ông cần phải cư xử với các con như bạn vì chúng đã lớn, đừng nên lấy cái uy quyền khắc nghiệt của bố ra mà đe nẹt con cái! Hừ! Miên dám lên lớp tâm lý chiến với ông? Bà quên rằng ông là gốc Chiến Tranh Chính Trị ở nhà banh xưa hay sao? Thật đúng là đàn bà có khác!

Miên còn bảo:

– Em không bị xa cách với chúng nhiều như anh, vì em tránh không chỉ trích, phê phán các show TV về foot ball, baseball, phim khoa học, kinh dị v…v… khi chúng xem. Em còn làm bộ hỏi chúng về môn chơi đó để tìm hiểu thêm, thật sự, mình không biết nhiều thứ mới mẻ ở xứ này, dầu sao trẻ con lớn lên từ đất Mỹ, có nhiều cái chúng hiểu rõ hơn mình. Em cũng đọc những sách loại Harry Potter hay xem những phim nổi tiếng hiện hành của Mỹ, Như Lord of the Ring v…v… dù em không ưa thích, nhưng xem cho biết. Hơn nữa cho mình chút kiến thức góp chuyện với nguời Mỹ khi họ đề cập đến những thứ ấy v… v…

Ông ngắt lời:

– Tôi không thể nào ngồi xem được những phim giả tuởng quái dị đó cả, người không ra người, quỷ không ra quỷ.

Ông nhớ lại khi cái phim đó chiếu, các con nao nức đi coi, Miên nữa, cũng đi theo chúng nó, Ông vì chiều cả nhà, đã bấm bụng mua vé đi theo. Thật đúng là dại dột! Vừa tốn tiền, vừa mất thì giờ, bởi vì cuốn phim dở ẹc! Quái đản! Mặc thiên hạ say sưa im thin thít theo dõi chuyện phim, ông thì….O….O… ta làm một giấc! tiếng ngáy của ông cứ oai hùng trầm bổng lên xuống cho bõ ghét! Khiến Miên đã phải đánh thức ông dậy vì mọi người đã quay cả lại để tìm nơi nào phát ra “điệu nhạc” kỳ lạ đó!

13.
Qua đến lãnh vực thể thao, cũng không khá gì. Miên nói:

– Anh xem đấy, không những bọn Mỹ dẫn con cái đi cine, mà họ còn hằng tuần đưa con đi chơi baseball và các môn thể thao khác. Họ ngồi vỗ tay cổ võ cho con lên tinh thần trong các trận đấu…v…v…

Ông làm sao ưa được cái môn chơi vung dùi đó chứ? Ông còn ghét cay ghét đắng môn football của dân Mỹ nữa. Cầu thủ như một lũ giác đấu, chỉ hung hăng húc nhau, chả có vẻ gì là thể thao như môn đá bóng của Việt Nam. Ông từng là quán quân về môn bóng bàn của Lycée Yersin xưa. Vậy mà không thằng con nào chịu chơi môn thể thao này với ông, để ông truyền cho những kỹ thuật xoáy banh của mình.

14.
Ông thấy buồn vô cùng, thì ra bây giờ cái gì cũng thay đổi, cũng ngược lại hết, ngay cả cách viết tên họ và ngày tháng, nói chi những chuyện gì khác.

Ngày xưa lúc ông còn nhỏ, thấy bố ông nghiêm nghị, chả bao giờ trò chuyện với con cái. Ông kính và sợ bố một phép, nhưng ông thường ao uớc được bố hỏi chuyện thân mật, điều đó đã không bao giờ xẩy ra, nên năm ông 12 tuổi, khi xem cuốn phim: “Mon Père, Cet Étranger” ông đã rất xúc động và khóc.

Nay, Ông muốn làm thân với các con, thì…mắt cay cay, ông lẩm bẩm: Bây giờ là “MON FILS, CET ÉTRANGER!”

Hương Kiều Loan (1996)

 (Đặc San Lâm Viên)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen