Seite auswählen

„mới ngày nào còn lên BBC và Nhật Ký Yêu Nước chửi phản động thì bây giờ đã đổi phe.“

Ku Búa

Trời đã tối, mới làm xong công việc và ngồi nhâm nhi ly trà sữa Gong Cha. Tự nhiên nhớ tôi hôm bữa có chút cãi lộn online với một đứa bạn lâu năm về tình hình đất nước. Chuyện nhỏ, chẳng có gì cả, tôi mỉm cười rồi bỏ qua thôi. Câu chuyện này khiến tôi nghĩ tới tôi của những năm trước khi gõ phím, tôi cũng y chang như vậy. 

Bây giờ có nhiều bài để gõ nhưng hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe quá trình trở thành ‘phản động’ của tôi nhé. Hồi trước tôi có nói sơ sơ qua nhưng hôm nay xin kể chi tiết một chút. Tôi nghĩ bạn sẽ ít nhiều thấy chính mình trong lời kể này. Tôi xin chia ra thành bốn giai đoạn.

GIAI ĐOẠN MỘT: NGUYỄN TIẾN TRUNG VÀ BBC TIẾNG VIỆT – Trước năm 2012 thì tôi là một ‘bò đỏ’ chính hiệu. Chính trị đối với tôi là một thứ xa vời, tình hình đất nước là một thư cao siêu và phản biện dư luận là một cuộc vui chơi bàn phím lúc rảnh. Cuộc hành trình của tôi bắt đầu với một bài viết của Nguyễn Tiến Trung, có thể được cho là ‘thanh niên phản động’ ưu tú đầu tiên của cộng đồng internet Việt Nam. Tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in khi đọc bài anh ta xuất bản trên BBC Tiếng Việt.

Nếu phải thành đạt đánh giá thì tôi chẳng hiểu gì cả. Chỉ biết anh là vừa du học Pháp về, đang có một công việc tốt đẹp trong một công ty quốc tế thì hứng lên viết một bài phản biện vai trò của ĐCS và đề cập đến những khái niệm như dân chủ và tự do. Trong đầu tôi nghĩ ngay đến một câu: “Thằng Khùng.”

Hồi đó còn trẻ trâu mà, thấy ngứa mắt quá nên gõ comment trên BBC Tiếng Việt chửi anh ta như điên. Giọng điệu y chang như 90% bình luận của độc giả: “Moá thằng Trung là ai, mới đi Tây vài năm rồi về mà tưởng hay ho lắm. Pháp cũng bạo động đó, Việt Nam đang yên bình thì cần gì dân chủ.” Rồi tôi tiếp tục như vậy. Sau vài tuần thì nghỉ vì cảm thấy nhàm chán.

GIAI ĐOẠN HAI: NHẬT KÝ YÊU NƯỚC – Đây có lẽ là giai đoạn ác liệt nhất. Thời đó nhớ không lầm là 2010-2011 hay gì đó. Lúc đó có một trang fanpage chỉ vài ngàn like tên Nhật Ký Yêu Nước tối ngày đăng mấy bài viết chửi chính quyền và nói về tình hình tiêu cực của đất nước. Thế là tôi bực quá, lập nick giả và dùng nick thật chửi liền. Giọng điệu rất điển hình của mấy thanh niên bò đỏ thời này: “Mày đã làm gì cho đất nước chưa?,” “Vậy ngồi đây chửi thì được gì?” và “Có ngon thì kiếm tiền xây dựng đất nước đi.” 

Chửi qua chửi lai với mấy độc giả chắc cũng nhiều. Chửi Nguyễn Tiến Trung, chửi Mẹ Nấm, chửi luôn ông Lê Công Định. Giờ nghĩ lại cảm thấy xấu hổ quá trời quá đất, hồi đó sao mình ngu vậy trời. Thật tội lỗi.

GIAI ĐOẠN BA: ĐẠI HỌC, MILTON FRIEDMAN VÀ AUSTRIAN ECONOMICS – Giai đoạn này diễn ra song song với giai đoạn 2, là vừa học về kinh tế nhưng vẫn lên chửi phản động. Thật không hiểu được lúc đó mình bị cái gì mà ngu vậy. Đã ăn học ở một đất nước tự do mà không nhìn ra vấn đề. Thuộc lòng khái niệm bàn tay vô hình, kinh tế tự do, tự do cá nhân và thị trường linh động mà không áp dụng nó vào thực tế. Có thể giải thích được chính sách tiền tệ là gì nhưng không giải thích được vì sao Việt Nam vẫn còn nghèo. Lúc đó còn ham chơi và trẻ trâu nên thực sự không quan tâm. Nhờ những nền tảng đó nên tôi biết nhìn mọi thứ một cách đa chiều và đa dạng, nếu không thì chắc chỉ tung tin vịt và chửi xàm như đa số người khác.

GIAI ĐOẠN BỐN: TRIẾT HỌC ĐƯỜNG PHỐ – Thời gian trôi qua vài năm, tới cuối năm 2013 hay gì đó tôi biết đến trang Triết Học Đường Phố (THĐP) của anh Huy Nguyễn. Khác với những cộng đồng phản động khác, THĐP không chửi đổng hay chế hình hạ thấp lãnh đạo. Thay vào đó, THĐP mang trong mình sự nhẹ nhàng của một nhà văn, sự lãng mạn của một thi sĩ, sự sáng tạo của tuổi trẻ và tinh tế của hiện đại. Tôi ấn tượng nhất với bài ‘Văn hoá, ước gì tôi có thể tự hào’ của Phi Tuyết. Dù đã gần 6 năm trôi qua nhưng lâu lâu tôi vẫn tìm và đọc lại. Rồi bỗng dưng tôi tự hỏi: “Thay vì chờ ai đó nói hộ mình thì tại sao mình không tự làm?” Sau một hồi thì bài đầu tiên ’23 điều vô lý chỉ có ở Việt Nam’ được xuất bản và Ku Búa ra đời từ đó. Bây giờ THĐP phiên bản cũ không còn nữa nhưng đối với tôi nó chưa bao giờ chết, nó vẫn tồn tại và phát triển trong tôi và những tác giả khác. Và bây giờ nhà sáng lập đã trở lại với THĐP 2.0, nếu bạn nào quan tâm thì có thể tìm và theo dõi, nó vẫn chất như ngày xưa.

KẾT LUẬN – Đó là câu chuyện của tôi, hơi bất ngờ đúng không. Vì mới ngày nào còn lên BBC và Nhật Ký Yêu Nước chửi phản động thì bây giờ đã đổi phe. Tại sao tôi lại kể các bạn nghe câu chuyện này. Vì tôi muốn các bạn có tầm nhìn dài hạn hơn thay vì đánh giá mọi thứ bằng kết quả trước mắt. Để trồng một cái cây thì mất vài mùa, để nuôi một đứa trẻ thì mất vài năm, còn để thay đổi một thế hệ bị tẩy não thì không thể nào làm được trong vài ngày hay vài cuộc nói chuyện được.

Đừng chửi ai đó khi họ bất đồng với mình, trước đây tôi cũng vậy, nhưng đã bỏ vì nó vô ích. Đừng quá tiêu cực để rồi từ bỏ mọi thứ trong vô vọng. Nếu ngày xưa Nhật Ký Yêu Nước ngừng phát triển thì làm sao có tôi của ngày nay. Nếu tôi mà ngừng lại thì, khó hình dung quá nên không nghĩ tới nhé. 

Đó là cuộc hành trình của tôi, từ Bò Đỏ thành Ku Búa. Xin cảm ơn những cá nhân và cộng đồng sau đây: BBC Tiếng Việt, Nhật Ký Yêu Nước và Triết Học Đường Phố vì đã ‘đào tạo’ ra Thằng Xe Ôm. Sự hiện diện của tôi là thành công của chính các bạn. Rảnh nhớ hẹn cà phê hay trà sữa nhé.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa

https://cafekubua.com/

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen