Seite auswählen

Huế gây thương nhớ không chỉ bởi nét cổ kính và trầm mặc mà còn khắc sâu hình ảnh những cô gái diện tà áo dài tung bay trong gió, chiếc nón lá bài thơ nghiêng nghiêng giữa chiều hoàng hôn mờ ảo…

Huế và con gái Huế từ lâu đã là nguồn cảm hứng vô tận cho rất nhiều nghệ sĩ. Mỗi lần nhắc đến xứ sở mộng mơ, người ta sẽ nghĩ ngay đến nét đẹp dịu dàng pha lẫn chút trầm tư, giọng nói nhỏ nhẹ và nét duyên thầm không nơi nào có được của con gái mảnh đất cố đô.
Nét duyên                                                           dáng với chiếc                                                           nón là áo dài
Có lẽ trên khắp đất nước này, không một địa phương nào, vẻ đẹp của người con gái lại được in đậm trong thơ ca như xứ Huế. Để rồi từ nguồn cảm hứng ấy, hàng nghìn bài thơ, ca khúc, tác phẩm hội họa… đã ra đời. Trải qua những thăng trầm thời gian, cuộc sống dẫu có nhiều biến động, thế nhưng có lẽ nét đẹp của người con gái xứ Huế mãi mãi vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người về sự dịu dàng, thanh thoát, tinh khôi… Một nét đẹp dù không rực rỡ nhưng đủ sức khiến người ta vấn vương ngay lần đầu bắt gặp.

Thơ về                                                           Huế, bài thơ                                                           hay về xứ Huế                                                           dễ gây thương                                                           nhớ

Trước hết, đó là một màu áo, Đoàn Phú Tứ giải thích sắc Huế của bài Màu thời gian là do câu “Màu thời gian tím ngắt”. Nhưng điều đáng lưu ý là thơ lại thường giữ lại màu trắng ở tà áo cô gái Huế chứ không phải cái màu đã được gọi là “tím Huế” ấy. Huy Cận xếp bài thơ Áo trắng vào tập thơ về Huế, còn Nguyễn Bá Trạc ở tận California nhớ về Huế cho tới bây giờ vẫn gợi lại “…bọn học trò áo trắng mùa thu”, cũng như Nguyễn Duy vào những thập kỷ này vẫn khắc khoải:

Tôi về xứ Huế mưa sa

Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa

Tôi về xứ Huế chiều mưa

Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu

Một màu áo, và cùng một vẻ đẹp. Có lẽ không ai tả màu áo trắng và vẻ đẹp của cô gái Huế độc đáo bằng Hàn Mặc Tử, có thể bởi vậy, mà hình ảnh của thơ ông (thôn Vĩ) đã làm tiêu đề cho cả một tập thơ về Huế. Một gương mặt nhìn không rõ, cả tà áo cũng vậy, thế mà tất cả bóng hình của cô gái Huế đã hiển hiện:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

(…)
Mơ khách đường xa, khách đường xa,

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?
Tà áo trắng ấy huyền ảo tới mức không còn sắc màu khi Hàn Mặc Tử mộng thấy nàng Thương Thương, người tình chưa từng gặp “Bàn tay mềm mại nên thơ quá – Tà áo lung linh dày tợ sương”…
Một tà áo, một gương mặt, một bóng dáng, nhòa phai, duyên nhiều hơn là đẹp. Cái vẻ “nhìn không ra”, “mờ nhân ảnh” ấy được lặp lại ở tất cả những bức tranh về cô gái Huế.  “Cô gái thẩn thờ vê áo mỏng – Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai” đã ghi lại một nét duyên của cô gái Huế chiếc nón khiến ta nhìn không rõ mặt. Có ai cười như cô gái Huế? Nữ sĩ Quỳnh Giao còn lại được với ngày nay có lẽ chỉ do một câu thơ:

Một hàng Tôn nữ cười trong nón…

E lệ, bởi vì cổ kính. Muốn tìm vẻ đẹp của Thị Bằng, của giai nhân cố đô, nhà thơ chỉ có cách:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để thành hơi

Bởi thế, có lẽ không nên lấy lập trường giai cấp ra để trách một số nhà thơ, hễ tả Huế lại mường tượng lại cái thời:

Ngày xưa không lạnh nữa, Tần phi


Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

(Đoàn Phú Tứ)

Hoặc:

Gió cầu vương áo nàng Tôn nữ

Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ

…Mơ mộng giai nhân buông mắt nhìn

Lâu đài cung điện bóng in xa…

(Đông Hồ)

Và:

Cung tần mỹ nữ ngời son phấn

Theo gót nhà vua nở gót sen

(Nguyễn Bính)

 Dù là giai nhân, cung tần, mỹ nữ, .., đến cả bóng dáng người con gái lao động cũng đơn côi:

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang

(Hàn Mặc Tử)

Bởi người con gái ấy là một số phận. Trong thơ Lưu Trọng Lư, người tình xưa là một cô gái Huế “nằm trong nhung lụa”, theo như giai thoại, người ta còn nói rằng tên nàng trùng với tên bông hoa của mù thu (Giống như Hoàng Cúc của Hàn Mặc Tử). Song “tiếng thu” cũng là một khúc nhạc buồn, và “gái trong song cửa” cũng vẫn chỉ là “Người em sầu mộng của muôn đời”. Con thuyền – một hình tượng gần như ước lệ gắn với cô gái Huế – lại cũng là một biểu tượng của số phận, từ thời ca dao:

Thuyền về Đại Lược,

nốc ngược Kim Luông

Đây là ngả rẽ của đôi dòng…

Bởi thế nên dù là tần phi, tôn nữ hay người lao động thì số phận của họ cũng được biểu tượng qua những mã chung với “người kỷ nữ” con thuyền, dòng sông, khúc hát và cả vầng trăng nữa. Xuân Diệu dệt bởi tất cả những gì đã bắt đầu từ ca dao đến Thơ Mới với Lời Kỹ Nữ đã làm bất tử hình ảnh nàng, nâng thành biểu tượng

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo

Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da

Người giai nhân; bến đợi dưới cây già

Tình du khách thuyền qua không buộc chặt.

Người con gái Sông Hương đó là một khúc ca đứt đoạn “Vì nghe nương tử trong câu hát – Đã chết đêm rằm theo nước xanh”…Đến đây chúng ta hiểu được vì Sao cô gái Huế lại là thơ: bởi nàng là nhạc. Song thể hiện nàng bằng âm thanh, có lẽ phải nhờ Nhạc sĩ Văn Cao với hai câu thơ toàn vầng bằng êm dịu kết hợp với giọng nói Huế, mà nhịp phách là canh trời điểm bằng sao rơi.

Sao đàn u hoài gì mùa thu?

Sao đàn u hoài gì mùa thu


Thuyền xô về bến mô thuyền hỉ

Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà

Giọng hát sầu chi phấn nữ oi

Từng canh trời điểm một sao rơi

Tà tà trăng lặng hiu hiu gió

Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi

Số phận của người suốt đời là “con gái” quả không có gì vui song không phải chỉ có người kỹ nữ phải mang cái bệnh cô đơn ấy. Những “gái hộ lăng” một hình tượng Huế – may mắn thay giờ không còn nữa – nhờ nhà thơ Xuân Tâm mà vận mệnh của họ được ghi lại. Những người…“trải qua hai thế kỷ – sóng thời gian gội tóc bạc phau phau” vẫn cứ là trinh nữ.

…Để đêm đông lạnh buốc đơn hương lửa

Đến ngày lầu son nát trước lòng son

Cô gái Huế, đâu có phải chỉ là áo trắng, nón bài thơ…Họa chăng người ở Đàng ngoài mới tưởng rằng:

Chỉ thiếu chiếc kiềng vàng

Con thành “Cô gái Huế”

(Nguyễn Thị Thiếu Anh)
Nét duyên                                                           dáng với chiếc                                                           nón là áo dài

Cho đến trong ký ức, nơi quê mẹ gắn với tuổi nhỏ, hình ảnh cô gái Huế mới lớn qua thơ Nguyễn Bá Trạc vào những thập kỷ này vẫn cứ phảng phất buồn

Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ

Còn thổi mưa lên mấy cửa thành

Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi

Khi tóc em vừa mới chớm xanh
Chính cái buồn, cái phẳng lặng, cái sâu lắng đã tạo nên nét riêng cho con người và cảnh vật Huế. Thơ bắt nhịp vào những cái đó của Huế đã tạo ra được nhiều tác phẩm hay khi viết gái Huế, về vùng đất này. Người ta nói về Huế bằng giọng trầm, giọng trung, từ tốn, thong thả mà lắng đọng, diết da kiểu như Nguyễn Trọng Tạo viết trong “Con sông huyền thoại”:

Con sông mình hạc xương mai
vàng son in bóng đền đài hoa khôi
đến đây tôi gửi bóng tôi
vớt lên thì vỡ, tan rồi lại nguyên

Huế là miền thơ. Bởi thế, những gì tôi viết trên đây mới chỉ là chấm phá. Còn nhiều, nhiều bài thơ rất hay cho gái Huế, về Huế vẫn chưa được nêu ra. Biết làm sao đây, ơi Huế?

Phương Anh chuyển.

 Giọng Huế

Bộ ảnh cô gái                                                     mặc áo dài tím Huế                                                     thật đẹp

Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức
Gửi vào mắt em thêm một dáng u hoài
Đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm
Thêm mây vào e tan nát lòng ai!

Anh quỳ xuống hôn lên đôi mắt đó
Bỗng dưng sao thương Huế rất lạ lùng
Chắc tại em ngồi bên anh thỏ thẻ
Tiếng quê hương xao động vô cùng

Hẹn chi rứa răng chừ em sợ lắm
Mạ ngày xưa cũng từng nói như em
Anh mất Mạ càng thương em tha thiết
Như từng thương câu hát Huế êm đềm

Cám ơn em đã cho anh nhìn lại
Dòng sông Hương trên bến cảng Sài Gòn
Nước như ngọc in bóng thuyền lấp lánh
Mái chèo khua vương nhẹ cánh rong non

Nếu lại được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như Mạ hát ngày xưa
Câu hát Huế chứa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô
(Tô Kiều Ngân)

Em Gái Huế

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen