Seite auswählen

/1/ Khi nói với nhau “anh đó người Bạc Liêu”, “chị kia người Cần Thơ”, “cô kia người Sài Gòn”…, ai cũng biết “người” ở đây là chỉ cộng đồng (community), không đồng nhứt với “dân tộc” (dĩ nhiên rồi, làm gì có “dân tộc Cần Thơ”, “dân tộc Sài Gòn”?).

Ta nói trong ngôn ngữ Việt, nếu dùng chữ nghĩa không cẩn thận thì dễ lộn giữa “người” với “dân tộc” đó đa. Nói đâu xa, sự lẫn lộn này đang chình ình trước mắt, trong cách gọi…”dân tộc Kinh” (?).

/2/ “Người Kinh”, được dùng đối ứng với “người Thượng”, là để nói về người sống ở chốn kinh kỳ, vùng đồng bằng, ở miền xuôi (đối ứng với người sống ở vùng cao, ở mạn ngược). “Người Kinh”, tôi xin nhấn mạnh, là thuật từ mang nghĩa cộng đồng (community); NHƯNG đã bị đánh lộn sòng thành “dân tộc” (ethnic).

Trong dòng chảy lịch sử, ghi lại nơi thư tịch, chúng ta thấy xuất hiện “Kinh”, “Trại”. Người Kinh dùng chỉ cư dân sống chốn kinh kỳ, kinh đô và vùng phụ cận; còn “Trại” để chỉ cư dân sống ở Thanh Hóa, Nghệ An… Đó, thuật từ “người Kinh” rõ rành là mang nghĩa cộng đồng cư trú (community).

Lại có người suy đoán “người Kinh” là xuất phát từ … Kinh Dương vương. Trời đất, tộc người thuộc về phân loại của ngành nhân chủng học, mà lại suy từ danh tánh một vị vua, coi ngược đời hết sức! Vậy, trước khi xuất hiện nhà vua Kinh Dương vương thì tộc người đó gọi tên là dân tộc gì?

Trong sử sách thư tịch hàng ngàn năm, thảy đều ghi tên dân tộc là “Lạc Việt” 駱 越, “Âu Việt” 甌 越 , không hề thấy ghi là dân tộc “Âu Kinh” hay “Lạc Kinh” (kêu “lạc kinh” dám chừng là … lạc (thần) kinh, đứt dây thần kinh rồi đa).

Thuộc về tộc VIỆT (越), trong nhân chủng học, còn có phân nhánh là người Mường (đa số sống ở Hòa Bình, Thanh Hóa), người Thổ (phần lớn sống ở Nghệ An) và người Chút (phần lớn sống ở Quảng Bình).

/3/ Có người bèn viện dẫn ở bên Tàu có “tộc Kinh” (京 族). Mắc giống gì đem cách phân loại dân tộc bên nước Tàu áp vô VN?

Nhắc lại: ở nước VN, từ ngàn đời, “Kinh” dùng để chỉ địa bàn cư trú, cộng đồng (community).

Chỉ có bên Tàu, “Kinh” mới dùng để chỉ dân tộc (ethnic) – rất tréo ngoe và ngược ngạo. Xin diễn giải cho khỏi mập mờ:

Từ thế kỷ 15, cách đây cũng lâu bộn, một số lưu dân người Việt (ở miền bắc) qua bên Đông Hưng thuộc Quảng Tây lập nghiệp, sinh sống. Trải qua hơn năm thế kỷ, cộng đồng lưu dân này hiện nay có khoảng hai, ba chục ngàn người. Lẽ ra, triều đình bên nước Tàu phải gọi họ là lưu dân VIỆT tộc 越 族 thì mới hợp lẽ, nhưng Tàu họ đổi tên khác, đặt là “Kinh tộc” 京 族.

Đây chẳng phải “kinh kỳ” gì ráo, mà đơn thuần vùng lưu dân Việt tộc đến cư ngụ mang tên “Kinh Đảo” 京 島 (thuộc Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây), thành thử gọi là “người Kinh Đảo”, nói gọn là “người Kinh”.

(Mở ngoặc nói thêm: Chữ “kinh” 京 còn có một nghĩa nữa, cũng dùng ký tự y chang, để chỉ… bãi tha ma, nghĩa địa! Nghe rợn người, đừng tưởng “kinh kỳ” mà thấy sang; chữ “kinh” ở đây xuất phát từ chữ “cửu kinh” 九京 là bãi tha ma, rồi người Tàu quen nói gọn là “kinh” cũng để chỉ nơi chôn người chết.

Ở đây, tôi không xác quyết triều đình bên Tàu có thâm ý khi đặt tên “kinh tộc” hay không, theo nghĩa xấu là tha ma, là đồ vứt đi, trôi sông lạc chợ)

/4/ Bên Tàu bao đời họ tự cho mình cái quyền sửa tên bất chấp người khác/nước khác gọi ra sao. Tiền nhân chúng ta bao đời Lý, Trần, Lê xưng tên nước “Đại Việt”; nhưng Tàu KHÔNG hề tôn trọng mà sửa thành “An Nam”!

Cũng cái mửng đó, bên Tàu KHÔNG tôn trọng giữ lại danh xưng “VIỆT tộc” 越 族, mà sửa thành “Kinh tộc” 京 族 !

/5/ Vào năm ngoái, 2018, tại thành phố Bussy Saint Georges (Pháp) xảy ra một biến cố! Bỗng dưng nảy nòi một ban đại diện “Tộc Kinh” với mục đích tập hợp người Việt hải ngoại, trong đó có một số xưng gốc gác là “Kinh tộc” ở Đông Hưng (bên Tàu) mong muốn “về nguồn”, kết đoàn với đồng bào. Ủa, về nguồn thì phải đổi danh xưng “Kinh tộc” trở thành “VIỆT tộc”, cớ sao làm ngược lại, là về nguồn… Kinh tộc theo cách gọi bên Tàu?

Cộng đồng người Việt ở hải ngoại phản ứng dữ dội, cuối cùng phải hủy bỏ ban đại diện “Tộc Kinh”.

Mà cộng đồng người Việt, nói nào ngay, cũng có những người hiểu lịch sử dân tộc còn ba chớp ba nháng, thành thử mới bị “tộc Kinh” (bên Tàu) xỏ mũi. 

Nguyễn Chương MT

PHỤ CHÚ: Tới đây, ắt quí bạn hiểu vì sao tôi viết: “Dân tộc Kinh”… dị tới mức nào? Nói thêm chút nữa, hi vọng giải ảo cho dứt dạt:

Thông tin viết bằng Anh ngữ cũng có một số trang, bài ghi “Viet” rồi mở ngoặc đơn chú thích là “Kinh”; lộn sòng giữa hai khái niệm! Sự nhầm lẫn này, thực ra, cũng dễ hiểu nguyên do.

Như đã nói ở phần /4/, người phương Tây tiếp xúc với Trung Hoa trong nhiều thế kỷ trước đây, họ gọi nước ta là “An Nam” theo cách gọi của Tàu mà không hề biết tới tên gọi “Đại Việt”. Nhiều người phương Tây lấy tên “An Nam” áp lên khi viết về nước Việt.

Cũng vậy, họ chỉ biết tới tên “tộc Kinh” đã mấy thế kỷ theo lối nói của Tàu, trong khi tên gọi đúng đắn của chúng ta bao đời là “tộc Việt”!

***

Thông Tin:

Văn Phòng Liên Lạc thông tin:

Âm mưu thâm độc của Trung cộng qua vụ « Tộc Kinh BSG »

Thưa quý vị

Ngày sau buổi trình chiếu cuốn phim co phụ đề Việt ngữ về âm mưu thâm độc của Trung cộng qua vụ « Tộc Kinh BSG » ngày 28 .10. 2018, quý vị hiện diện đã quyết định thành lập Nhóm Minh Bạch ( Collectif Transparence) để bắt tay ngay vào việc : Một số anh chị em đã tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm.

Thời gian thắm thoát gần một năm đã trôi qua.

Nhóm trách nhiệm Collectif Transparence đã làm việc tích cực làm việc để tìm hiểu các công ty ẩn hiện, phân tích các sự kiện liên quan và rất nhiều thông tin đã lần lượt được đưa ra đến quý đồng hương trên trang Facebook –

https://www.facebook.com/collectiftransparence/

và trong email groupe 

collectif-transparence@googlegroups.com

Thưa quý vị

Đến nay là thời điểm đúc kết các dữ liệu trong và ngoài xứ Pháp để
trình đến quý đồng hương kết quả thu thập được.

Theo yêu cầu của quý vị luôn nặng tình với tổ quốc, nóng lòng gặp gỡ, đó cũng là mong ước của chúng tôi.

Kính mời quý vị tham dự buỗi tường trình Tổng quát «  vụ Tộc Kinh BSG  »

Ngày Chủ Nhật 29 tháng 09 năm 2019 – lúc 14 giờ
tại Nhà Thờ Saint Hippolyte – Phòng La Roulotte
27 Avenue de Choisy – 75013



Collectif Transparence hân hạnh đón tiếp quý vị,
Chúng ta sẽ cùng nhau trao dổi thân mật quanh tiệc trà ấm cúng.

Trân Trọng
Nhóm đại diện Collectif Transparence

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen