Seite auswählen

29.10.2019

Vay 5.000 USD nộp cho người môi giới, anh Lục nhận được lời hứa có cuộc sống tốt ở Đức mà không ngờ sắp nếm trải đòn roi, cướp bóc, tù tội.

“Đó là một hành trình cực khổ, kéo dài cả năm, suýt phải đánh đổi bằng tính mạng”, anh Lục (46 tuổi, trú thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) kể với VnExpress về chuyến xuất ngoại sang châu Âu vào năm 2003.

Khi ấy, anh Lục 30 tuổi, có vợ và một con nhỏ. Thấy một số nhà trong làng khấm khá nhờ người thân “vượt biên”, Lục cũng ấp ủ mong muốn đổi đời. Anh bàn với gia đình vay 5.000 USD nộp cho người môi giới địa phương để “làm hộ chiếu bay sang Nga theo diện du lịch ba tháng để sang Đức”.

Xuống sân bay ở Nga, anh được một người Việt đón lên ôtô, chở về một nhà kho rộng chừng 20 m2 cùng 80 người đến từ nhiều quốc gia khác, cũng có ý định sang Đức. Anh cùng nhóm người bị hủy hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, bị nhốt trong nhà kho nhiều ngày, cắt đứt liên lạc. Cơm nước được đưa tới vào đầu giờ sáng, trưa, tối, do đường dây cung cấp.

Sau một tháng, người cầm đầu đường dây vượt biên thông báo, hành trình từ Nga sang Đức bắt đầu. Tùy vào tình hình an ninh, họ chia người nhập cư thành nhiều tốp, mỗi tốp 5-7 người, vượt biên bằng đường rừng vào ban đêm. Lúc di chuyển, một người nước ngoài đi ngựa dẫn đường, tất cả đi phía sau. Đoàn lần lượt di chuyển từ Nga qua Ukraine, Ba Lan.

“Ai đi chậm sẽ bị người đi ngựa dùng roi đánh. Cứ hết một chặng, trời gần sáng, chúng tôi lại bị nhốt vào một nhà kho giữa rừng. Người dẫn đường sẽ căn cứ vào tình hình kiểm tra của cảnh sát địa phương để lên kế hoạch vượt biên. Có lúc phải nằm chờ một tháng giữa rừng mới có thể đi tiếp”, anh Lục nhớ lại.

Hành trình kéo dài như vậy suốt nhiều tháng. Ngày bị nhốt trong kho, đêm đến đoàn người lại cúi đầu đi, không biết đang đến đâu, cũng không dám hỏi người dẫn đường, vì sợ bị chửi và đánh.

Anh Lục kể về hành trình vượt biên ly kỳ như phim. Ảnh: Đức Hùng

Anh Lục kể về cuộc vượt biên. Ảnh: Đức Hùng

Chặng từ Ukraine qua Ba Lan, đoàn người phải vượt sông. Biên giới giữa Ukraine và Ba Lan là một con sông rộng khoảng 60 m, sâu khoảng 15 m. Nếu dùng thuyền thì khó qua mặt được cảnh sát và chó nghiệp vụ, những tay “lái người” nghĩ ra cách: bỏ lao động nhập cư vào túi nylon, cho thợ lặn mang bình ôxy kéo sang sông.

Một ngày giữa năm 2003, anh Lục nhận thông báo từ nhóm buôn người: Tối nay vượt sông.

“Tôi thấp thỏm, lo lắng, không thể chợp mắt, dù bản thân biết bơi. Tôi thủ sẵn hai con dao, giấu trong người, lỡ có bất trắc gì thì rạch túi nylon để trốn thoát. Đêm đến, hai thợ lặn nhét tôi vào túi nylon lớn, tôi nằm co ro trong đó. Một người lặn trước kéo túi, người sau dìm túi chìm dưới đáy sông. Vừa lóp ngóp dò dẫm đến bờ sông, chúng tôi đã bị cảnh sát phục kích chờ sẵn trên bờ”, anh nói.

Kế hoạch bất thành, anh Lục bị đuổi trở lại Ukraine và bị tuyên án 3,5 tháng tù vì tội vượt biên trái phép. Quá trình ở tù 3,5 tháng, thanh niên này bị bạn tù đủ mọi quốc tịch tra tấn, đánh đập, cơ thể chi chít vết thương. Hết thời hạn giam giữ, anh bắt liên lạc với đường dây vượt biên, tiếp tục hành trình đi Đức.

Lần này, anh cùng 12 lao động khác được nhét trên một chiếc ôtô 5 chỗ. Họ nằm xếp chồng lên nhau để đến biên giới Cộng hòa Séc và từ đó tìm đường sang Đức. “Tất cả phải nằm bất động, ngứa hay mỏi cũng không thể gãi, kêu ca. Nhiều người muốn đi vệ sinh, bí quá đành phải thực hiện luôn trong xe. Một số người khác quá sợ hãi đành bỏ cuộc giữa đường”, anh nhớ lại.

Một tháng di chuyển bằng đường bộ lẫn đường rừng, anh Lục đến được biên giới Séc. Nhóm buôn người thả anh cách cửa khẩu 2 km, anh phải tự đi bộ luồn lách qua rừng để sang Đức. Chuyến vượt biên thành công vào tháng 9/2004, anh được đối tác của đường dây, là những người Việt Nam đang sống tại Đức đón ở một bìa rừng, chở ôtô vào nội địa nước này sau khi cầu cứu gia đình ở quê nộp thêm 1.000 USD. Hành trình đến Đức hết 9 tháng.

Vào Đức, anh nhập trại tị nạn và được cấp 200 euro mỗi tháng để sinh hoạt. Sau thời gian quen địa bàn, người đàn ông quê Hà Tĩnh thường trốn ra ngoài buôn thuốc lá lậu. “Nếu suôn sẻ, mỗi tháng tôi kiếm được từ 1.000 đến 5.000 euro. Cuộc sống ổn hơn, tôi gửi tiền về trả hết nợ”, anh kể.

Ở Đức 4 năm, nghe một số người bạn đang làm việc tại Anh rủ rê, nói “xứ sở sương mù” thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Anh liên hệ với đầu mối trong băng nhóm buôn người, cùng một đồng hương vượt biên qua Pháp, tìm đường sang Anh qua cảng Calais vào đầu năm 2008.

Cánh rừng gần cảng Calais có hàng nghìn người tị nạn, đủ các quốc tịch, họ dựng hàng trăm lán trại, sinh sống năm này qua năm khác ở đó, chờ cơ hội vượt biên vào Anh. Thỉnh thoảng, ở đây lại xảy ra các vụ ẩu đả, bắn giết. Anh Lục và bạn thuê hai người bản địa dẫn đường nhưng thuê đúng hai tên cướp. Phát hiện người dẫn đường đang định cướp tài sản, anh cùng bạn bỏ chạy song bị chúng đuổi kịp, dí súng vào đầu đe dọa.

“Tôi quỳ xuống, van xin, đưa một ít tiền. Chúng dùng báng súng đánh, chúng tôi giả vờ ngất nên chúng bỏ đi. Sau đó, tôi và bạn vùng chạy thục mạng”, anh Lục kể. Thoát chết, cả hai tiếp tục hành trình vượt biển.

Tại cảng Calais, những người muốn nhập lậu vào Anh có hai cách để xuống phà vượt sông. Nếu “đi VIP”, người của đường dây sẽ dẫn lao động trốn trong container chở hàng, chi phí tầm 10.000 euro. Đi “cỏ”, khoảng 2.000 euro, người môi giới sẽ rạch các xe tải chở hàng, rồi tự người lao động nhảy lên, chui vào bên trong để vượt phà. Anh Lục và bạn chọn “đi VIP”.

Đoàn của anh Lục gồm khoảng chục người khác, được nhốt trong một container chở hàng điện tử. Họ được phát một túi nylon để trùm kín mặt, tránh thiết bị an ninh quét được hơi thở. “Tôi liên tục phải nín thở, ngồi trong xe lạnh run cầm cập”, anh nhớ lại.

Sau hai tiếng, anh Lục vượt phà Calais thành công. Khi tiến vào gần London, nhóm anh bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ và trục xuất trở lại Đức, rồi trở về Việt Nam.

Trở về quê, anh cùng vợ mở quán giải khát. Nhớ lại quãng thời gian vượt biên làm việc ở châu Âu, anh nói giờ được cho hàng trăm nghìn USD, cũng không dại gì tha hương đổi đời bất hợp pháp nữa. “Như vậy là quá đủ. Tôi cảm thấy giữ được mạng sống là may rồi”, anh nói.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Đức Hùng

Vnexpress

Người Việt di cư bất hợp pháp: Những giấc mơ không thành

A Vietnamese woman stands near an under-construction house in Yen Thanh districtGETTY IMAGES Một phụ nữ Yên Thành đứng bên cạnh một ngôi nhà đang xây, giấc mơ đổi đời của nhiều người

Vụ phát hiện 39 thi thể trong chiếc container ở Essex (Anh) mà trong đó có nhiều người Việt Nam đang dấy lên những hồi chuông báo động về tình trạng lao động di cư bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài.

Số liệu trong báo cáo ‘Precarious Journey‘ (tạm dịch: ‘Hành trình chông gai’) của Ecpat UK, Anti-Slavery International và Pacific Links Foundation cho thấy, các năm từ 2009-2018, riêng tại Anh, đã có 3.187 người lớn và trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân của nạn buôn người.

Trong vài năm qua, người mang quốc tịch Việt Nam được xác định là nằm trong nhóm ba nước đứng đầu về số lượng nạn nhân của nạn buôn người ở Anh.

Còn năm nay, Việt Nam tụt xuống bậc thứ hai, trên danh sách các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người, trong hệ thống ba bậc của phúc trình thường niên về tình trạng buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Theo báo cáo ‘Precarious Journey’ nói trên, có nhiều mạng lưới với những tuyến đường khác nhau để đến Anh. Một số qua ngả Trung Quốc và Nga, một ít người khác có thể đi máy bay trực tiếp đến Paris nếu họ có được thị thực Schengen qua Séc hoặc Hungary. Họ sẽ đến Hunary, Ba Lan và Cộng hòa Séc, nơi có cộng đồng người Việt ở đó và sau đó, tìm đường sang Anh. Nếu bay đến Nga, họ sẽ qua Belarus bằng xe tải rồi đi bộ qua các khu rừng để đến biên giới Ba Lan. Ở đó, một chiếc xe tải đang đợi và họ sẽ tiếp tục đến Warsaw, trước khi đi qua Đức và Bỉ để đến Paris.

Tại Paris, những lao động di cư phải chờ đợi trước khi chuyển đến một trại gần khu vực xe tải đậu trên đường cao ở Angres. Họ chờ ở đó để rồi náu mình trong những chiếc xe tải đi đến Calais và sau đó là qua Anh theo các gói, với giá khác nhau, tuỳ vào mức độ an toàn và sự hỗ trợ của những kẻ trong đường dây buôn người.

Điều kiện của hành trình vô cùng khó khăn, nhất là chặng từ Nga đến Ba Lan, vì họ phải chịu đói và lạnh, báo cáo cho biết thêm.

Nhưng không chỉ có một con đường sang Anh bằng cách qua Trung Quốc và Nga. Trên thực tế, nhiều nước khác đã được giới buôn người chọn làm điểm chuyển tuyến, thậm chí ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia.

Chị Hoa Nguyen-Adam, chuyên gia với 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ hành động chống tệ nạn buôn người cho BBC News Tiếng Việt biết qua điện thoại hôm 28/10 rằng, Malaysia – nơi chị đang làm việc – cũng là một điểm chuyển tuyến được nhiều đường dây lựa chọn. Từ Malaysia, người lao động sẽ mua vé sang Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và từ đấy bắt đầu vào châu Âu, Đức, Hà lan, Bỉ. Nhưng Trung Quốc vẫn là tuyến phổ biến hơn, để từ đó làm giấy tờ vào châu Âu.

Cũng theo báo cáo ‘Precarious Journey,’ bên cạnh các tuyến nói trên, gần đây, còn có một tuyến vận chuyển mới đi qua Peru (Lima), Brazil hoặc Cộng hòa Dominican ở Nam Mỹ sau đó sẽ đến châu Âu, nhất là Pháp.

Le Minh Tuan, father of 30-year old Le Van Ha, who is feared to be among the 39 people found dead in a truck in Essex, UKGETTY IMAGES Ông Lê Minh Tuấn, cha Lê Văn Hà, 30 tuổi, người được cho là nằm trong số 39 nạn nhân trong chiếc xe tải ở Essex

Chẳng hạn, tháng 12/2018, cảnh sát Tây Ban Nha với sự hỗ trợ EUROPOL, đã bắt giữ 37 thành viên của một tổ chức buôn người quốc tế bị cáo buộc đưa 730 người Việt Nam vào Tây Ban Nha qua điểm chuyển tuyến Nam Mỹ. Mỗi người phải trả 18 ngàn Euro và được đưa đi theo nhóm từ 6 đến 12 người.

Chị Hoa Nguyen nhận xét:

“Chưa nói đến những nguy hiểm của những người từ châu Âu sang Anh như trường hợp 39 nạn nhân vừa phát hiện mà ngay cả với những người đi du lịch sang Malaysia, để từ đó, kiếm đường sang nước khác cũng đã rất nguy hiểm rồi. Không có ngoại ngữ, đường đi nước bước thì không biết, họ sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào những kẻ buôn người. Tôi đã gặp những trường hợp qua Malaysia, sau đó bị lừa bán vào các điểm mại dâm ở đây. Để rồi khi không còn làm được việc cho chúng thì bị chúng vất ra đường, không có giấy tờ gì cả. Có trường hợp đã học đại học mà vẫn bị lừa sang đây, rồi bị bắt và ra toà.”

Những lao động di cư phần lớn xuất phát từ các khu vực nghèo ở Việt NamNHAC NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES Những lao động di cư phần lớn xuất phát từ các khu vực nghèo ở Việt Nam

Giấc mơ đổi đời

Nghiên cứu ‘En route to the United Kingdom‘ (Tạm dịch ‘Đường đến Anh’) của Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại ở Bangkok và France terre d’asile (Pháp) thực hiện trong năm 2017 cho thấy, rất nhiều trong số những lao động di cư đến Anh xuất phát từ tỉnh Nghệ An, đa số họ sống ở vùng nông thôn.

Những người di cư Việt Nam này mơ ước có một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu, nhất là Anh được họ coi như ‘miền đất hứa.’

Ở Anh vốn đã có một cộng đồng người Việt và những kẻ buôn người hứa hẹn, họ sẽ dễ dàng tìm được việc trong các tiệm nail hay các nhà hàng. Hơn nữa, lao động di cư hy vọng, người quen của họ đã sang Anh từ trước sẽ giúp họ tìm việc.

Mục tiêu của họ là làm việc vài năm, trả hết nợ vay để làm lộ phí, gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam để giúp con cái học hành, xây nhà và tiết kiệm một khoản để nay mai trở về, bắt mở đầu cuộc sống mới.

Thừa nhận không phải tất cả những người ra đi đều là những người có hoàn cảnh quá khó khăn, kể cả khi hầu hết họ đều xuất phát từ các khu vực nghèo ở Việt Nam như miền Trung hoặc miền núi phía Bắc, chị Hoa Nguyen nhận xét:

“Có những người ở TP Hồ Chí Minh nữa chứ có phải chỉ toàn vùng sâu, vùng xa. Trên thực tế, để kiếm được ngần ấy tiền bỏ ra chi phí cho chuyến đi, nhiều người trong họ không nghèo. Thậm chí có những bạn mà tôi gặp ở Malaysia, bị bắt và đưa về Việt Nam, khi gửi ảnh qua cho tôi, ngôi nhà của họ rất khang trang. Có những bạn xài những chiếc iphone xịn,” chị Hoa Nguyen nói.

Các nghiên cứu về lao động Việt Nam di cư xác nhận nhận xét này.

Những người di cư Việt Nam phải bỏ ra một khoản tiền lớn để có thể đến Anh, có thể lên tới 33 ngàn bảng Anh. Khảo sát của AAT (tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ và có hoàn cảnh khó khăn) cho thấy, những người di cư bị bắt quay về Việt Nam có mức sống trung bình, thậm chí một số gia đình có thể được coi là giàu có. Họ có nhà cửa khang trang, thậm chí ô tô hay sở hữu một doanh nghiệp, và có thể bỏ tiền ra cho con đi học ở Úc. Chỉ 10% hộ gia đình thực sự nghèo ở khía cạnh, họ không có nhà, sống cùng các thành viên khác trong gia đình hoặc nhà của họ đã bị chủ nợ xiết.

Một người cha mất liên lạc với con trai đã đặt bàn thờ cho con mình

Có phải ‘miền đất hứa’?

Dễ dàng tìm công việc lương cao, ít khi bị cảnh sát kiểm tra và dễ dàng tìm kiếm con đường ở lại hơn so với các nước châu Âu khác là những hứa hẹn, hy vọng và cũng là động lực chính khiến họ chọn Anh thay vì các quốc gia châu Âu khác.

Chị Hoa Nguyen nói: “Nếu họ sống ở các vùng xa của Việt Nam, thu nhập của họ sẽ rất thấp hoặc khó kiếm được việc làm. Nhưng sang Anh, ngay cả đi làm nail thì họ cũng có thể kiếm hàng trăm ngàn mỗi ngày. Đấy là sự khác biệt rất lớn và là động cơ chính thôi thúc họ tìm đường ra đi.

“Hơn nữa, tâm lý của người Việt Nam là họ chỉ thấy nước Anh qua tấm ảnh hào nhoáng, còn những người đã đi thành công khi về, toàn kể về những mặt tốt đẹp của đời sống ở nước ngoài, chứ không ai nói về những ngày trốn chui trốn lủi, về những chuyến đi băng rừng trong đói khát để tìm miền đất hứa, về nỗi cơ cực của nghề làm móng hay cảnh bị ép sống trong những căn nhà trồng cần… Những kẻ buôn người thì chỉ toàn vẽ nên những viễn cảnh tươi đẹp.

“Ngay cả như sự việc 39 người này, có ảnh và những lời kể của gia đình trên các phương tiện truyền thông, nhưng nhiều người vẫn không tin đó là sự thật, và đi Anh là giấc mơ với nhiều người. Thường họ đi cả gia đình, trong đó có cả trẻ em sang trồng cần sa. Khi ở Anh, tôi đã từng gặp các em như vậy. Có em bảo, cả nhà sang, từ trẻ đến già còn đi được là kiếm tiền đưa sang,” chị Hoa kể.

Nhưng thực tế luôn khác với mơ mộng. Theo khảo sát của AAT, 80% trong số họ đã không có được công việc như đã được hứa hẹn. Không biết tiếng Anh, không được giúp đỡ, họ chấp nhận làm bất kỳ công việc nào, ngay cả công việc có rủi ro cao nhất, như trồng cần sa, vì họ còn phải trả nợ.

Chiêu thức của những kẻ buôn người

“Thực sự là những kẻ buôn người rất khôn, chúng tận dụng các mối quan hệ quen biết, qua người thân hay làm quen trên Facebook, rồi gửi vé qua Zalo… Hầu hết giúp các trường hợp mà chúng tôi giúp đỡ đều môi giới với bọn buôn người qua quan hệ thân quen.

“Một cô gái mà tôi từng tham gia hỗ trợ để đưa về nước còn bảo, ôi bạn trai em sẽ cứu em, tức những kẻ môi giới thậm chí còn làm giả dạng làm bạn trai của các nạn nhân nữa. Có những trường hợp ra toà ở Malaysia, nhưng sau cả 6 tháng đến 1 năm chúng tôi tiếp xúc để hỗ trợ, họ vẫn một mực tin vào những người đã đưa mình đi.

“Có những bạn thất bại, ra toà rồi được hỗ trợ để về tái hoà nhập ở Việt Nam, nhưng rồi lại quay lại. Họ lại đi với hy vọng là sẽ không gặp thất bại như lần trước. Lại có những bạn ra đi thất bại nhưng lại được chính đường dây đã đưa đi huấn luyện để trở về chiêu dụ những con mồi mới,” chị Hoa cho biết tiếp.

Chống một tội ác

Bất chấp những nỗ lực của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ khác, khoản tiền khổng lồ kiếm được từ việc buôn người khiến nó trở thành một ngành kinh doanh béo bở và tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam.

Rất khó để các hoạt động tầm soát hay truy quét những kẻ buôn người hiệu qủa nếu không có sự phối hợp của cộng đồng.

Trong khi, theo như chị Hoa nhận xét, các hoạt động tuyên truyền vẫn chưa tới được với nhiều người ở các khu vực có nguy cơ cao.

Mặt khác, trong khi bọn buôn bán người đang săn mồi và tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để hoạt động; còn những nạn nhân bị lôi kéo hay dụ dỗ qua mạng, thì các hoạt động nâng cao nhận thức vẫn theo kiểu cũ mà chưa tận dụng loại hình truyền thông này, theo chị Hoa.

Mặt khác, chính phủ ở nhiều nước châu Âu trên đường trung chuyển có xu hướng xem nạn nhân của bọn buôn người như tội phạm hoặc không xem đó là chuyện của nước mình, theo báo cáo ‘Precarious Journey,’ cũng là điều khiến việc phòng chống trở nên khó khăn.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, tạo cơ hội phát triển và giảm bất bình đẳng xã hội ngay tại Việt Nam. Mà điều này đòi hỏi chính quyền nhận lãnh trách nhiệm của mình.

Không thể mãi xem những bi kịch như vụ 39 người tử nạn trên xe tải ở Anh là một “chuyện đáng tiếc.”

Grays
Thắp hương và đốt nến cho 39 người chết trong xe tải ở Grays, Essex

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen