Seite auswählen

1_YWLlhGv5W7X_8Eaxmw1W3w.jpeg

Đăng Phạm/ ncls group

15.11.2019

1/ Sự tan rã Đế quốc Bồ Đào Nha, Cách mạng Hoa cẩm chướng và sự ngộ nhận về ”Cách mạng Màu”

Hiện nay trên các phương tiện thông tin, chúng ta không lạ với cụm từ ”Cách mạng màu”. Đây là một thuật ngữ được sử dụng rất nhiều hiện nay, ít nhất là ở Việt Nam nhằm ám chỉ ”chiến lược chống phá” nhằm chống các chính phủ thiên tả, XHCN trên thế giới trong đó có nước ta. Với những gì miêu tả hiện nay, chúng ta mặc nhiên coi rằng ”Cách mạng Màu” là do Mỹ giật dây nhằm chống phá các phong trào cánh tả thế giới.

Nhưng, xin thưa đó là một sai lầm, hoặc ngộ nhận một cách cố ý!

Bởi lẽ tên gọi “Cách mạng màu”, về bản chất không gì hơn một cuộc cách mạng bất bạo động, ôn hòa không đổ máu. Hoàn toàn không có gì hơn! Và quan trọng nhất, một sự kiện dù rất quan trọng trên thế giới nhưng chúng ta có lẽ cố tình bỏ quên: những người Xã hội chủ nghĩa đã phát động cuộc cách mạng màu đầu tiên của thế giới: Cách mạng Hoa Cẩm Chướng của Bồ Đào Nha.

*Đế quốc Bồ Đào Nha và các thuộc địa trong những năm 1970s

Có thể nhiều người sẽ phản đối, nhưng cũng có người sẽ đồng ý. Đến giữa thế kỷ 20, Bồ Đào Nha vẫn còn bị coi là một đế quốc, nếu xem xét tên gọi Đế quốc là nước ”chuyên đi xâm lược” theo cách dạy lịch sử ở phổ thông. Thực tế người ta đánh giá Đế quốc Bồ Đào Nha chỉ cáo chung chỉ sau tận năm 1999, khi trao trả thuộc địa cuối cùng là Macau về Trung Quốc Đại Lục. Còn trước đó, Bồ Đào Nha có thể coi là đế quốc thực dân cuối cùng của thế giới. Đơn giản vì họ là nước duy nhất còn giữ được thuộc địa của mình sau làn sóng phi thực dân hóa những năm 60 thế kỉ 20.

Cho đến những năm 60, khi mà các đế quốc Anh, Pháp,…đã mất gần hết các thuộc địa ở châu Phi, châu Á, Bồ Đào Nha vẫn giữ cho mình các thuộc địa:

-Hai nước Angola và Mozambique ở Nam Châu Phi

-Nước Guinea Bissau ở Tây Phi

-Đảo quốc São Tomé and Príncipe ở Vịnh Guinea

-Đảo quốc Cape Verde ở Tây Phi

-Pháo đài São João Baptista de Ajudá thuộc nước Cộng hòa Benin (Benin độc lập nhưng pháo đài vẫn bị Bồ Đào Nha kiểm soát)

-Goa, Damman và Diu ở Ấn Độ

-Macau ở Trung Quốc

-Đông Timor ở Đông Nam Á

-Nhiều đảo hải ngoại trải khắp các đại dương

Cho đến lúc này, Đế quốc Bồ Đào Nha đã có tuổi đời 500 năm tuổi. Không phải nghiễm nhiên mà họ duy trì được các thuộc địa lâu như thế. Một số lý do được giải thích:

-Chính sách thuộc địa khác biệt của Bồ Đào Nha. Nước này không coi mình là một đế quốc, mà lại gọi là ”Quốc gia đa châu lục”. Nghĩa là tất cả các thuộc địa đều là lãnh thổ cùng 1 quốc gia. Bồ Đào Nha không coi các vùng lãnh thổ kia dưới quy chế thuộc địa, hay xứ bảo hộ, mà coi như là các ”tỉnh hải ngoại” (província ultramarina). Với quy chế này, mọi công dân các vùng lãnh thổ đều được coi là công dân Bồ Đào Nha, hưởng quyền công dân, hệ thống luật pháp, tài chính,…hoàn toàn tương đương người Bồ Đào Nha chính gốc, và tự do hơn khá nhiều so với các thuộc địa của các đế quốc khác. Chính sách này thực tế được áp dụng sau khi các thuộc địa Nam Mỹ giành độc lập, dẫn đến điều chỉnh chính sách thuộc địa của Bồ Đào Nha.Điều này đã xoa dịu đáng kể các phong trào chống đối ở các thuộc địa còn lại.

-Chính sách thuộc đia của Bồ Đào Nha khá giống Anh, mà chính xác là học theo nước Anh. Họ không chủ trương vơ vét cạn kiệt tận gốc các thuộc địa, mà thay vào đó là khai thác đồng thời với đầu tư vào thuộc địa của mình, dù quốc lực của Bồ Đào Nha thua kém rất nhiều so với Anh. Điển hình cho chính sách này là Bồ Đào Nha đã xây dựng Macau thành một thuộc đia trù phú không kém Hong Kong của người Anh ngay sát bên cạnh. Hiệu quả của nó là các thuộc địa của Bồ Đào Nha tương đối thịnh vượng hơn so với của Pháp, Bỉ hay Tây Ban Nha,…cũng góp phần xoa dịu làn sóng đấu tranh ở các thuộc địa.

-Khác với các đế quốc khác, Bồ Đào Nha không thường xuyên có cái gọi là ”quân đội thuộc địa”. Người dân thuộc địa không bị bắt phục vụ quân đội Bồ Đào Nha. Việc kiểm soát các thuộc địa hoàn toàn do quân đội Bồ Đào Nha đảm nhận. Mặt khác, Bồ Đào Nha đứng ngoài hai cuộc thế chiến, nên không xuất hiện tình trạng người dân thuộc địa bị bắt nhập ngũ ra chiến trường làm bia đỡ đạn

-Các thuộc địa Bồ Đào Nha có lịch sử lâu dài 5 thế kỷ, người Bồ Đào Nha đã có kinh nghiệm đàn áp các phong trào đấu tranh trong thời gian dài.

-Bồ Đào Nha đã duy trì chính sách ngoại giao trung lập đến tận chiến tranh Lạnh. Nền đệ nhị Cộng hòa, (Estado Novo) đã được duy trì từ năm 1926 với một chính phủ bảo thủ. Trong chiến tranh Lạnh, họ không ngả về bên nào dù là Mỹ hay Liên Xô. Thậm chí Bồ Đào Nha còn bị coi là một trong những tàn dư của chủ nghĩa phát xít hậu Thế chiến 2 do liên hệ của họ với chế độ độc tài Franco ở Tây Ban Nha. Vì lẽ đó, cả Mỹ và Liên Xô không có lợi ích gì để ủng hộ các thuộc địa của Bồ Đào Nha độc lập.

Với những điều trên, cho đến năm 1960 tình hình chung của Đế quốc Bồ Đào Nha vẫn ổn định và thịnh vượng. Nhưng tình hình bắt đầu có thay đổi. Làn sóng phi thực dân hóa các thuộc địa châu Phi, đỉnh cao vào năm 1960 làm tan rã hệ thống thuộc địa của Anh và Pháp. Dù ít hay nhiều, nó cũng ảnh hưởng lên các thuộc địa Bồ Đào Nha.

*Sự kiện Ấn Độ giải phóng Goa năm 1961

Tiểu bang Goa nằm ở bờ biển phía Tây Ấn Độ. Đây được xem là tiểu bang khác biệt nhất với phần còn lại của đất nước. Nó là tiểu bang nhỏ nhất, nhưng dưới sự cai trị của Bồ Đào Nha, nó trở thành một khu vực giàu có. Suốt từ đó đến nay, Goa là tiểu bang có thu nhập đầu người cao nhất của Ấn Độ, cao gấp 2,5 lần mức trung bình của đất nước. Tiểu bang mang đậm dấu ấn Bồ Đào Nha, với thành phố lớn nhất mang tên Vasco de Gama, nhà thám hiểm vĩ đại đã tìm đường từ châu Âu đến Ấn Độ thế kỷ 16.

Nhưng từ năm 1947, Ấn Độ giành độc lập, Goa đã trở thành một điểm nóng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Bồ Đào Nha. Sau rất nhiều năm đàm phán không thành, Ấn Độ đã dùng vũ lực để giành lại Goa.

Ngày 18/12/1961 được coi là một ngày trọng đại trong lịch sử Ấn Độ. Sau khi Anh, Pháp trao trả độc lập cho Ấn Độ năm 1947, Bồ Đào Nha lại từ chối trả lại Ấn Độ các thuộc địa Goa, Daman và Diu, vẫn coi đó là các tỉnh Bồ Đào Nha và có đại biểu gốc Ấn trong nghị viện Bồ Đào Nha. Nhưng đến ngày 18/12/1961, quân đội của Cộng hòa Ấn Độ đã bất ngờ sử dụng vũ lực, ném bom và bắn phá Goa để chiếm lấy thành phố.

Bị tấn công bất ngờ, quân đội Bồ Đào Nha không tập trung chiến đấu mà gấp rút tiến hành chiến dịch di tản cho thường dân gốc Âu khỏi Goa. Chiến dịch này thực chất là một sự bất tuân lệnh. Bởi lẽ nó các máy bay được Bồ Đào Nha gửi đến Goa để chống Ấn Độ, nó lại được các binh sĩ ở đây dùng để chở thường dân di tản. Tương tự, khi con tàu mang tên ”Ấn Độ” của Hải quân Bồ Đào Nha cập cảng Goa trên đường đến Đông Timor, đô đốc Manuel Vassalo e Silva đã đưa 800 người dân di tản lên tàu dù nó chỉ chứa được 300 người và chính quyền ở Lisbon không cho phép dân thường lên tàu. Hành động của đô đốc Manuel Vassalo e Silva dù cứu sống 800 sinh mạng, nhưng khiến ông bị đuổi khỏi quân đội và suýt nữa bị tử hình do bất tuân quân lệnh.

Do quân đội Bồ Đào Nha không chủ trương chiến đấu, cuộc tấn công Goa của Ấn Độ thắng lợi. 22 lính Ấn Độ, 30 lính Bồ Đào Nha hy sinh. Sau khi cuộc di tản dân thường kết thúc, 5000 lính Bồ Đào Nha ở đây đã hạ vũ khí đầu hàng.

Goa được sáp nhập vào nước Cộng hòa Ấn Độ, kết thúc 451 năm Bồ Đào Nha cai trị. Sự kiện Ấn Độ sáp nhập Goa là một sự kiện chấn động mạnh nhất thế giới thời điểm đó, làm chính trường thế giới dậy sóng. Hàng loạt các quốc gia, nhất là các nước châu Phi coi sự kiện này là ”châm ngòi nổ cho thùng thuốc súng” để giải phóng các thuộc địa cuối cùng. Nhiều nước đã gọi đây là ”cuộc giải phóng Goa” mặc dù chính bản thân Ấn Độ cũng chưa dám gọi đây là ”giải phóng”.

Trong lịch sử Ấn Độ, sự kiện sáp nhập Goa năm 1961 được coi là một cuộc giải phóng lãnh thổ trong lịch sử. Ngày nay ngày sáp nhập Goa năm 1961 được coi là ngày lễ lớn của bang và được tổ chức trên toàn đất nước Ấn Độ.

Sự kiện cũng là một dấu mốc quan trọng bậc nhất trong quá trình phi thực dân hóa các thuộc địa cuối cùng trên thế giới, được coi là mở đầu cho sự sụp đổ của Đế quốc Bồ Đào Nha.

*Cách mạng Hoa Cẩm chướng – Cách mạng màu đầu tiên

Sự kiện Ấn Độ sáp nhập Goa năm 1961 như một trận động đất làm rung chuyển gốc rễ chính quyền Bồ Đào Nha. Tiếp nối địa chấn này, là một loạt các sự kiện như sóng thần ập vào đế chế đang đến ngày tàn. Ngay trong năm đó, pháo đài São João Baptista de Ajuda, một trong những thuộc địa lâu đời nhất thế giới ở bờ biền Tây Phi thuộc Bồ Đào Nha, bị chính quyền mới của Cộng hòa Dahomey sáp nhập, sau khi nước này giành độc lập từ Pháp.

Có thể nhiều người chưa biết, Dahomey ngày nay là nước Cộng hòa Benin. Quốc gia này thực tế đã từng là một nước Cộng sản trong chiến tranh Lạnh. Năm 1980 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thăm Cộng hòa Benin. Nhưng chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Benin cuối cùng đã thất bại thảm hại.

Không ngừng lại ở đó, sau hàng thế kỷ im ắng, phong trào độc lập ở các thuộc địa lớn của Bồ Đào Nha ở châu Phi lại bùng nổ sau năm 1961.

Bắt đầu ở Angola, từ năm 1961 lần lượt 3 tổ chức vũ trang đòi độc lập ra đời, mở đầu cho chiến tranh Độc lập Angola. Tiếp sau đến năm 1963, Guinea Bissau nổi dậy, đến năm 1964, Mozambique cũng nối chân đứng lên. Sự nổi dậy đồng loạt ở các thuộc địa châu Phi đã kéo Bồ Đào Nha vào cuộc chiến dai dẳng, tốn kém mà lịch sử gọi là ”Chiến tranh thuộc địa Bồ Đào Nha”.

Các cuộc chiến tranh thuộc địa đã khiến Bồ Đào Nha phải duy trì từ 150.000-200.000 quân ở nước ngoài. Chi phí cho chiến tranh tăng dần theo từng năm, đè nặng lên nền kinh tế. Nó cũng dẫn theo những áp lực và trừng phạt quốc tế giáng lên Bồ Đào Nha, do các quốc gia đều muốn Bồ Đào Nha nhanh chóng từ bỏ các thuộc địa, vốn đã bị coi là lỗi thời trên thế giới.

Ở trong nước, năm 1970 nhà độc tài António de Oliveira Salazar, người đã lãnh đạo Bồ Đào Nha suốt từ năm 1933 qua đời. Dưới chế độ Salazar, dù giúp Bồ Đào Nha có nền kinh tế phát triển cao, nhưng cùng với đó cũng là những chính sách đàn áp hà khắc lên người dân Bồ Đào Nha, trong đó có lực lượng cảnh sát mật PIDE. Người thay thế Salazar là Marcelo Caetano, không đủ tài năng để dẫn dắt đất nước. Người dân ngày càng căm ghét nền đề nhị Cộng hòa bảo thủ, cùng lúc bị áp lực kinh tế đè lên. Sự giận dữ trong quần chúng có cả sự phản đối từ quân đội Bồ Đào Nha, những người cho rằng đang bị lôi vào cuộc chiến vô nghĩa ở châu Phi.

Chế độ độc tài ở Bồ Đào Nha rõ ràng không có thiện cảm với quân đội. Họ biết rằng chỉ dựa vào lực lượng an ninh và cảnh sát mật tuyệt đối trung thành. Điều này dẫn đến sự việc nhiều sĩ quan quân đội bất mãn bị cảnh sát mật bắt cóc và thủ tiêu. Đến tháng 2 năm 1974, sự kiện chính quyền sa thải Tướng António de Spínola, một tướng quân đội cấp tiến đã trở thành giọt nước tràn ly, đẩy mâu thuẫn giữa quân đội với chính quyền lên đỉnh điểm.

Các sĩ quan khác, đứng đầu bởi Otelo Saraiva de Carvalho, đã thành lập một phong trào mang tên MFA để chống lại chính quyền. Dù biết rõ sự thành lập của MFA, chính phủ không có cách nào để dẹp bỏ nó.

Đúng 10h55 ngày 24/4/1974, chính biến nổ ra, bắt đầu bằng sự kiện Đài phát thanh Lisbon phát bài hát ”E Depois do Adeus”, ca khúc của Bồ Đào Nha gửi đến thi tại Cuộc thi âm nhạc nổi tiếng Eurovision năm 1974. Đó là ám hiệu để quân MFA hành động. Đến sáng ngày 25/5/1974, quân MFA đã chiếm sân bay, đài phát thanh, nhiều căn cứ quân sự và giải cứu được tướng António de Spínola đang bị cảnh sát mật giam lỏng tại nhà.

Thủ tướng Marcelo Caetano biết đã có đảo chính xảy ra, nên trốn đến trụ sở của Cảnh sát, nơi ông bị phát hiện vào bị bao vây bởi quân đội. Bất chấp kêu gọi người dân ở trong nhà, hàng ngàn người dân vẫn đổ ra đường ủng hộ quân đội, áp đảo cảnh sát. Cảnh sát PIDE chỉ nổ súng vào người dân ở António Maria Cardoso, làm 4 người dân thiệt mạng. Đây là những người duy nhất thiệt mạng trong cuộc cách mạng. Còn lại ở những nơi khác, lực lượng cảnh sát đã không có sự phản kháng nào.

Cuộc cách mạng thắng lợi sau khi kết thúc cuộc đàm phán giữa quân đội và thủ tướng Marcelo Caetano tại trụ sở của cảnh sát. Marcelo Caetano chấp nhận từ bỏ quyền lực, đổi lại được tị nạn ở Brazil. Thông báo về tuyên bố của Marcelo Caetano được truyền đi trên đài phát thanh, đánh dấu nền Đệ nhị Cộng hòa Bồ Đào Nha sụp đổ. Cuộc cách mạng chính thức thắng lợi.

Sở dĩ cuộc cách mạng tên là Cách mạng Hoa cẩm chướng là vì tính ôn hòa của nó. Ngoại trừ 4 người dân bị cảnh sát mật bắn chết ở António Maria Cardoso,, không có một phát đạn nào khác được bắn ra. Cuộc chính biến diễn ra chóng vánh, không có quân nhân nào thiệt mạng. Còn lý do người ta chọn hoa cẩm chướng là vì một sự vô tình.

Đó là từ một phụ nữ tên Celeste Caeiro, đang làm việc trong một cửa hàng đã đóng cửa vào lúc đảo chính xảy ra. Khi quân đội đi qua, bà Celeste Caeiro đã được binh sĩ hỏi xin thuốc hút. Nhưng cửa hàng không có thuốc, nên bà Celeste Caeiro đã lấy hết số hoa cẩm chướng còn lại tặng cho binh sĩ. Các binh sĩ cài hoa cẩm chướng lên súng. Hình ảnh này được chụp lại, và vô tình trở thành biểu tượng của cuộc cách mạng do sự kỳ lạ của nó.

Cách mạng hoa cẩm chướng là cách mạng màu đầu tiên của thế giới, với bản chất là cuộc cách mạng bất bạo động. Từ đó về sau, tên ”cách mạng màu” được dùng để chỉ các cuộc cách mạng ôn hòa. Nhưng với một số nước, người ta vô tình hoặc cố ý lầm tưởng ”cách mạng màu” chỉ nhằm để chống phá các nước XHCN. Lịch sử cho biết rằng họ đã sai.

 

2/ Hệ quả của cách mạng hoa cẩm chưởng

*Với Bồ Đào Nha

Phải khẳng định một điều, cách mạng Hoa cẩm chướng ở Bồ Đào Nha là một cuộc cách mạng hơi hướng Xã hội chủ nghĩa. Điều này khẳng định khi nhìn vào thành phần sĩ quan MFA, hầu hết là những người có liên hệ với Đảng Cộng sản.

Cách mạng cẩm chướng diễn ra ôn hòa, nhưng sự ôn hòa trớ trêu thay lại không diễn ra sau cách mạng. Ngay sau khi giành được quyền lực, chính phủ mới của Bồ Đào Nha đã lục đục. Trong suốt hai năm 1974-1975, đất nước Bồ Đào Nha hỗn loạn và chia rẽ. Những người cộng sản ôn hòa (thường là Đảng Xã hội) và cực đoan (thuộc Đảng Cộng sản) đấu đá nhau dẫn đến giải thể MFA. Thời kỳ hỗn loạn đó được gọi với cái tên ”Processo Revolucionário Em Curso” (cách mạng tiếp diễn, hoặc cái tên mỹ miều là ”thời kỳ quá độ”). Cuộc quá độ thất bại của Bồ Đào Nha đánh dấu bằng sự kiện ngày 25/11/1975, những người Cộng sản Bồ Đào Nha tiến hành đảo chính thất bại, dẫn đến việc bị tẩy chay trước bầu cử.

Bồ Đào Nha tiến hành bầu cử tự do năm 1976. Bất chấp kỳ vọng của Liên Xô và nhiều nước khác, Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha đã thất cử do các hành động cực đoan của họ. Người thắng cử là Mário Soares, thuộc Đảng Xã hội Trung tả.

Sau cuộc bầu cử năm 1976, về kinh tế Bồ Đào Nha đã chọn đi theo các chính sách quốc hữu hóa của phe cánh tả. Nền kinh tế hồi phục chậm nhưng đến những năm 90 đã đạt được thành tựu đáng kể. Nhưng về chính trị, họ chọn con đường dân chủ nghị viện Châu Âu. Sau năm 1989, Bồ Đào Nha càng nghiêng về EU, xóa bỏ bớt các yếu tố thiên tả trong hiến pháp. Ngày nay, Bồ Đào Nha vẫn được coi là một nước dân chủ đầy đủ trong Liên minh châu Âu.

*Với các thuộc địa châu Phi

Cách mạng hoa cẩm chướng ở Bồ Đào Nha là một sự kiện bất ngờ, đặt dấu chấm hết ngay lập tức với các cuộc chiến tranh ở các thuộc địa châu Phi. Tuy nhiên, bên cạnh hiêu quả là nền độc lập được trao cho các nước Angola, Mozambique, Guinea Bissau, São Tomé and Príncipe và Cape Verde, hậu quả của nó cũng không hề nhỏ.

Sự rút quân đột ngột của Bồ Đào Nha đã vô tình để lại một khoảng trống quyền lực khó định hình ở các thuộc đia. Lý do là thời điểm cách mạng nổ ra, chiến sự ở các thuộc địa đang nghiêng phía có lợi cho Bồ Đào Nha. Các lực lượng kháng chiến ở các nước châu Phi, không lực lượng nào giành thắng lợi lớn. Hơn nữa, phe kháng chiến ở các nước đó lại là những nhóm riêng rẽ, thậm chí đối nghịch nhau. Từ đó dẫn đến nội chiến dai dẳng và đẫm máu ngay sau khi Bồ Đào Nha rút đi.

Tiêu biểu cho điều này là trường hợp của Angola. Trước khi Bồ Đào Nha rút về, nước này có 3 phong trào kháng chiến riêng biệt.

-Đầu tiên, sớm nhất là Mặt trận giải phóng dân tộc Angola (FLNA). Đây thực chất là nhóm chỉ đấu tranh đòi khôi phục vương quốc của bộ lạc Bakongo nằm giữa Angola và Zaire. Nói cách khác, đây là một tổ chức phi chính trị, chỉ có chủ nghĩa dân tộc. Vì điều này mà đây là nhóm yếu nhất, khi không có phe nào trong chiến tranh Lạnh sẵn sàng giúp đỡ họ. Nhưng trong cuộc chiến chống Bồ Đào Nha họ có vai trò rất lớn

-Thứ hai là Phong trào giải phóng nhân dân (MPLA), là một nhóm Cộng sản. Đây là nhóm lớn nhất, cũng là nhóm được hỗ trợ nhiều nhất. Sự giúp đỡ ở đây bao gồm cả việc quân đội Liên Xô và Cuba đã sang tận Angola để giúp MPLA chiến đấu chống lại các nhóm đối địch. Với sự giúp đỡ của ngoại bang, MPLA là phe đã giành chiến thắng trong nội chiến.

-Cuối cùng là Liên minh vì Độc Lập và toàn vẹn của Angola (UNITA), do Jonas Savimbi lãnh đạo. Trong chiến tranh, nhóm này không chiến đấu rộng rãi mà chỉ hoạt động ở phía Bắc Angola. UNITA là phe được Mỹ và Nam Phi hỗ trợ chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô, Cuba và MPLA nhưng thất bại.

Do không có phe nào giành lợi thế trên chiến trường, cả 3 đã lao vào đánh nhau trong cuộc nội chiến đẫm máu. Đầu tiên FLNA bị đánh bại, sau đó MPLA chiến đấu với UNITA suốt hàng chục năm. Nội chiến Angola kéo dài tận năm 2002, làm nửa triệu người chết và tàn phá nền kinh tế đất nước. Chiến tranh kết thúc với thắng lợi của phe Cộng sản MPLA.

Tương tự là nội chiến ở Mozambique. Trước khi giành độc lập nước này cũng có 2 phong trào kháng chiến khác nhau là Mặt trận Giải phóng Mozambique (FRELIMO) và Kháng chiến quốc gia Mozambique (RENAMO). FRELIMO là nhóm cộng sản, chiến đấu ở miền Bắc, trong khi RENAMO là nhóm thân phương Tây, chiến đấu ở miền Nam. Khi Bồ Đào Nha rút đi, phe FRELIMO đã thừa cơ chiếm lấy các vùng rộng lớn, buộc RENAMO phải lui sang đất Nam Phi tiến hành chiến tranh du kích. Nội chiến Mozambique là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất thế kỷ, làm hơn 1 triệu người thiệt mạng, biến Mozambique thành đất nước nghèo nhất thế giới

*Thảm họa Indonesia xâm lược Đông Timor năm 1975

Một sự kiện diễn ra ngay sát chúng ta nhưng có vẻ không nhiều người biết đến.

Khác với châu Phi, Đông Timor không trải qua chiến tranh giành độc lập. Người dân Đông Timor đang chấp nhận sống yên bình dưới quy chế tỉnh hải ngoại của Bồ Đào Nha thì bỗng nhiên cách mạng bùng nổ. Quyết định trao trả độc lập bất ngờ khiến người Đông Timor chưa kịp chọn ra chính phủ mới. Sau một thời gian với các hoạt động chính trị vội vã, một đảng phái tên là Mặt trận Cách mạng Đông Timor độc lập (Fretilin) nổi lên và giành được sự ủng hộ của người dân.

Vấn đề ở chỗ, một số thành viên, dù không nhiều của Fretilin có liên hệ với phong trào Cộng sản, thậm chí có quan hệ với Trung Quốc, Liên Xô. Điều này gây lo ngại cho nhiều nhân vật bảo thủ của Đông Timor. Nhưng nguy hiểm hơn, nó còn làm cho nước láng giềng khổng lồ Indonesia thấy bất an, khi Indonesia là một nước chống Cộng cực đoan vào thời đó. Điều này trở thành thảm họa khi một số người Đông Timor, vì lợi ích chính trị hẹp hòi, đã cầu viện quân Indonesia.

Trong các nhóm đối địch với Fretilin, có nhóm Liên minh dân chủ Timor (UDT). Đây là một nhóm có trụ sở ở cả Đông Timor lẫn Tây Timor (thuộc lãnh thổ Indonesia). UDT chủ trương thống nhất với Indonesia, mặc dù nhiều người kịch liệt phản đối, coi đó là ”bán nước”. Tháng 8 năm 1975, một xung đột vũ trang giữa UDT và Fretilin đã làm nhiều người chết, hàng nghìn nhân vật của UDT phải tháo chạy sang Indonesia.

Các nhân vật cứng rắn nhất trong quân đội Indonesia, lo ngại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Timor, có thể kích động sự ly khai ở các vùng khác của Indonesia. Tổng thống Suharto, ban đầu tỏ ra thận trọng. Nhưng những lời đe dọa về ”mối nguy cộng sản” của các tướng lĩnh khiến Suharto phải đồng ý. Kế hoạch xâm lược Đông Timor được thông qua.

Ngày 7 tháng 12 năm 1975 ghi dấu một ngày đen tối trong lịch sử Đông Nam Á. Quân đội Indonesia thực hiện một cuộc nhảy dù vào thủ đô Dili của Đông Timor, nơi họ giết 122 lính của Fretilin và có 35 lính chết. 3 ngày sau, 35.000 quân Indonesia đã tràn ngập Đông Timor. Dù binh sĩ không nhiều, nhưng cuộc xâm lược vẫn tập trung gần như những tướng lính tài giỏi nhất của quân đội Indonesia lúc bấy giờ.

Những gì kể lại sau đó, nếu đúng sự thật thì là một sự tang tốc ghê rợn. Quân đội Indonesia được báo cáo là giết người dã man, bừa bãi trên các đường phố, cướp bóc, hãm hiếp thậm chí cả trẻ em,…Sự tàn bạo của quân đội Indonesia không chỉ dừng lại nhằm vào FRETILIN. Các báo cáo bạo lực nhắm vào người Trung Quốc cũng được ghi nhận. Quân đội Indonesia thậm chí còn giết chết một nhà báo Úc tên Roger East bằng cách xử bắn tập thể cùng hơn 50 người khác, vụ việc đã bị chính quyền Úc tố cáo lên quốc tế.

Quân FRETILIN chấp nhận rút lui khỏi các thành phố, lùi sâu vào các vùng núi hiểm trở nhất để tiến hành chiến tranh du kích chống Indonesia.

Indonesia đã chiếm và sáp nhập Đông Timor thành tỉnh thứ 29 của nước này. Cuộc chiếm đóng kéo dài đến năm 1999, nghĩa là gần 1/4 thế kỷ. Trong thời gian đó, 108.000 người Đông Timor đã chết, chiếm 1/5 dân số nước này. Đây là một tội ác chưa từng có trong lịch sử Đông Nam Á hiện đại. Ủy ban sự thật về Đông Timor của LHQ đã cho rằng các lực lượng Indonesia chịu trách nhiệm cho khoảng 70% các vụ giết người bạo lực. 24 năm chiếm đóng Đông Timor bị coi là trang sử đen tối trong lịch sử Indonesia, khi họ bị quốc tế lên án và trừng phạt.

Cho đến tận năm 1998, tương lai của Đông Timor vẫn rất đen tối. 20% dân số đã chết vì chiến tranh, đói rét và bệnh tật. Phong trào kháng chiến bị đàn áp khốc liệt, có lúc chỉ còn có 200 người. Nhưng ở tận cùng của tuyệt vọng, tương lai đã sáng trở lại với Đông Timor. Quốc gia xâm lược họ, Indonesia thay đổi chế độ. Suharto từ chức năm 1998, chấm dứt chế độ độc tài hà khắc. Chính phủ mới của Indonesia đã cho phép Đông Timor trưng cầu dân ý năm 1999, với kết quả là người dân chọn độc lập. Nhưng từ đó đến năm 2002, Đông Timor do LHQ quản lý.

Ngày 20/5/2002, quốc gia Đông Timor chính thức tái độc lập, trở thành quốc gia thứ 11 ở Đông Nam Á.

*Trao trả Macau năm 1999

Macau là một vùng đất nhỏ, được cho Bồ Đào Nha thuê từ tận thời nhà Minh (1557). Từ đó, người Bồ Đào Nha đã dần biến Macau thành một khu vực giàu có phồn thịnh bậc nhất thế giới, tương đương với Hong Kong cách đó không xa. Dưới thời Đế quốc Bồ Đào Nha, giống các thuộc địa khác, Macau mang quy chế tỉnh hải ngoại, có đại biểu gốc Hoa trong nghị viện Bồ Đào Nha.

Từ năm 1987, Bồ Đào Nha và Trung Quốc đã đàm phán thành công về Macau. Năm 1999, 2 năm sau khi Anh trao trả Hồng Kong, đàm phán Trung-Bồ tốt đẹp, với thỏa thuận trả Macau về cho Trung Quốc, nhưng duy trì ”chính sách Một quốc gia-Hai chế độ”, điều tương tự đã diễn ra với Hong Kong.

Ngày 20/12/1999, Macau chính thức được trao trả. Vào những ngày cuối cùng thế kỷ, sự kiện cũng đặt dấu chấm hết cuối cùng cho thời đại thực dân trên thế giới, với Bồ Đào Nha là Đế quốc thực dân cuối cùng!!!

Nghiên Cứu Lịch Sử

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen