Seite auswählen

Jackhammer Nguyễn

7-1-2020

Khoảng vài năm trở lại đây, đột nhiên nhiều người Việt trên mạng xã hội liên tục đề cập chuyện chính trị Tả với Hữu.

Tôi nghĩ có hai lý do để xuất hiện tình trạng này. Thứ nhất là Donald Trump, từ khi lên sân khấu, ông này liên tục dán nhãn các đối thủ chính trị của mình là Tả, là Cộng sản, là Xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai là do sống lâu dưới chế độ cộng sản, họ ghét cộng sản (dĩ nhiên), và tin vào một kiểu phân loại rằng thì là Cộng sản = Tả, cộng thêm cái gì đó.

Nhìn lại lịch sử Tả – Hữu thế giới, thì đâu có đơn giản như họ nghĩ như vậy.

Tả Hữu ra đời trong Cách mạng Pháp, khi giới bảo thủ được gọi là Hữu vì ngồi phía bên phải của nghị viện. Từ đó những khuynh hướng chính trị khác nhau nở hoa rất đa dạng trong xã hội đa nguyên phương Tây nói chung.

Theo từ vựng của giới báo chí phương Tây nói chung, thì Tả có nghĩa là những chính sách thiên về phúc lợi xã hội, nhà nước xen vào chuyện điều phối phúc lợi, hòng giúp đỡ những người nghèo hoặc không may mắn. Nhưng mà nói rằng Tả là Cộng sản thì quả hơi khó nghe. Đành rằng thoạt kỳ thủy Cộng sản có thể xem là Cực Tả, vì nhà nước toàn quyền hết mọi thứ (toàn trị). Nhưng tôi có những ví dụ chứng minh rằng trong thực tế có những điều ngược lại.

Trong quyển sách của Henry Kissinger về Trung Quốc mang tựa đề On China, ông ta thuật lại lời của Mao Trạch Đông rằng: Tôi thích những người Đảng Cộng hòa, những người cánh hữu ở Mỹ.

Khoảng 30 năm trước tôi có lần gặp gỡ một ông người Thụy Điển. Ông là chủ một hãng giấy lớn hàng thứ tư thế giới. Khi tôi nói cho ông nghe về những chi phí giáo dục và y tế mà người dân thường Việt Nam phải chịu, ông tròn mắt hỏi: Ơ hay thế Việt Nam Cộng sản lại là phe cánh Hữu à?

Mới đây có một nhân vật khá nổi tiếng trên Facebook tiếng Việt, được mệnh danh là luật gia nhân quyền gì đó, tức là tranh cãi cho những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ông chỉ trích rằng những người như Obama là cánh Tả, thân thiết với những quốc gia như Iran, hay cộng sản Cuba, Tàu,… Không biết ông có biết rằng dưới chế độ của các giáo chủ Iran, thì chẳng có một dòng chữ về cộng sản được viết ra trên đất nước này? Không biết khi ông luật gia tự xưng (hay được xưng) này là luật gia nhân quyền, ông có biết rằng phong trào nhân quyền, đòi quyền bầu cử cho người da màu (có nhiều đồng bào ông trong đó) được xem là một phong trào cánh Tả hay không?

Một ông Facebooker khác cũng thường đổ lỗi cho việc Việt Nam Cộng hòa bị sụp đổ là do Đảng Dân chủ thiên Tả, mà lờ đi (hay không biết) chuyện những đội quân Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng là theo lệnh của một Tổng thống thuộc đảng Dân chủ. Ông này cũng mạnh dạn tuyên bố báo chí Tây – Âu là thiên Tả hết, dù rằng chắc chắn ông chẳng biết đọc các thứ tiếng Tây – Âu, còn tiếng Anh ông đọc có hiểu hay không cũng còn là dấu chấm hỏi.

Còn rất nhiều ví dụ về sự tương đối Tả – Hữu trong chính trị ngày nay. Nhưng cũng còn rất nhiều những niềm tin (?) như của ông luật gia và ông Facebooker mà tôi vừa đề cập.

Tôi tự hỏi, căn nguyên nào mà người Việt ngày nay lại háo hức cái chuyện Tả – Hữu đến như vậy? Tôi nghĩ nó có hai nguyên nhân:

Thứ nhất là nỗi khát khao được tranh cãi chính trị, vốn bị cấm đoán dưới chế độ cộng sản. Những người khát khao đó có khuynh hướng đối lập với chế độ toàn trị của Cộng sản Việt Nam, thế là họ tin chắc như bắp vào cái phân loại Tả – Cộng sản. Thành ra, bất kể cái gì có khuynh hướng xã hội, hay được Donald Trump dán nhãn là họ tin sái cổ rằng thì là đó là Cộng sản, là Tả.

Thứ hai là… họ chả biết gì sất!

Nhưng tới đây coi chừng tôi sa đà theo họ mà lại sai mất. Liệu 90 triệu dân Việt có Tả – Hữu loạn xạ như trên Facebook không? Nhìn dòng người Việt ăn mặc kín mít trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn để chống ô nhiễm, nhìn đám đông cuồng loạn đi Bão bóng đá, bạn có nghĩ 90 triệu dân ấy có quan tâm tới chuyện Tả – Hữu không?

Mà Chính phủ Cộng sản Việt Nam ngày nay là Tả hay Hữu? Các bạn hỏi ông luật gia nói trên thử xem, có thể ông ấy biết đấy.

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Tiếng Dân

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen