Seite auswählen

Thục Quyên

13-2-2020

Ngày 12/2/2020  Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, với đa số ủng hộ là  401 phiếu, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.

Những lời phát biểu của đôi bên được/ thua là bàn đạp cho việc thực thi bản Hiệp định trong những ngày tháng tới.

Phía bỏ phiếu chống

Một trong số 192 người bỏ phiếu chống là bà Phó chủ tịch Nghị viện Heidi Hautala, dân biểu đảng Xanh, Phần Lan.

Bà Hautala là một vị dân biểu đã qua 4 nhiệm kỳ tại Nghị viện Âu châu, và đã có trách nhiệm thay mặt Nghị viện qua Việt Nam vào đầu năm 2019, để khảo sát Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản EU-VN (gọi tắt là VPA).

Với tư cách Phó chủ tịch Nghị viện và cũng là thành viên của các Ủy ban Thương mại, Tiểu ban Nhân quyền, phái đoàn quan hệ với các nước Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), DB Hautala đã lên tiếng trong buổi họp Nghị viện ngày 11/02 trước cuộc bầu cử quyết định:

Các thỏa thuận giữa EU và Việt Nam chắc chắn rất quan trọng về mặt địa chính trị, và Việt Nam cũng đã đạt được tiến bộ trong việc cải cách luật lao động của mình – nhưng mặt khác, đã không sửa đổi bộ luật hình sự để cho phép người lao động được hưởng các quyền đó. Sự đàn áp đã trở nên nghiêm trọng hơn, ngay cả trong giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện thỏa thuận này. Nếu ngày mai Nghị viện đồng ý phê chuẩn EVFTA:

1 Nghị viện sẽ có trách nhiệm lớn trong việc đòi hỏi các yêu cầu của Nghị viện đã đưa ra (trong thời gian qua) về phát triển bền vững, nhân quyền và sự tham gia của một xã hội dân sự độc lập, phải được thực hiện.

2- Theo lời đòi hỏi của Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban LMAC (Commission) vẫn còn phải cùng các đồng nghiệp đối tác Việt Nam thiết lập một cơ chế giám sát độc lập về Nhân quyền và cơ chế khiếu nại độc lập, với những đòi hỏi khắc phục vi phạm.

Đó là những lý do tại sao nhóm của chúng tôi, Đảng Xanh/ Liên minh Tự do Âu châu chưa thể hỗ trợ Hiệp định này.

Ngày 12/02, sau khi có kết qủa thuận cho việc phê chuẩn EVFTA, bà Phó chủ tịch Nghị viện đã nhận định đúc kết như sau:

Nghị viện Âu châu vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại EU-Việt Nam. Nhóm Xanh đã bỏ phiếu chống lại Hiệp định này vì, bất chấp các cuộc đàm phán trong chương trình Hiệp định, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm Nhân quyền và gây áp lực lên các tổ chức của phe đối lập và công nhân. Hiệp định thiếu phương tiện hiệu quả để thực thi Quyền Con Người, những ràng buộc luật pháp về Môi sinh và các tiêu chuẩn Xã hội. Ngoài ra, Việt Nam đã không can thiệp vào các phương tiện theo đúng  khả năng để giải quyết nạn phá rừng.

EU cần phải làm tốt hơn trong chính sách thương mại của mình.

Thỏa thuận giữa EU và Việt Nam rất quan trọng về mặt địa chính trị, nhưng vẫn nửa vời về phát triển bền vững và nhân quyền. Một mặt, Việt Nam đã cải thiện luật lao động, nhưng đồng thời luật hình sự củaViệt Nam ngăn cản việc thực thi hiệu quả các quyền này. Trong những năm qua, suốt thời gian tiếp diễn các cuộc đàm phán Hiệp ước, áp lực trên xã hội dân sự thậm chí còn tăng lên.

Vì những  lý do đó, tôi đã không thể hỗ trợ Hiệp ước.

Khi tán thành Hiệp ước, Nghị viện Âu châu sẽ chịu trách nhiệm nặng nề trong việc đảm bảo rằng các đòi hỏi phát triển bền vững, nhân quyền và xã hội dân sự độc lập thực sự được đáp ứng. Tuy nhiên, Hiệp ước lại không cung cấp những đảm bảo này. Ủy ban LMÂC cùng với Việt Nam cần phải thiết lập một cơ chế giám sát nhân quyền độc lập có thể giải quyết hiệu quả mọi vi phạm (các quyền).

Bây giờ, sau khi Hiệp ước đã được phê duyệt, cần phải đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng Hiệp định Thương mại không phải là sự kết thúc của phát triển tích cực, mà là sự khởi đầu của nó.

Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước và sau cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bày quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều cần phải lắng nghe nhau.

Ý kiến và đòi hỏi của một số dân biểu bỏ phiếu chống từ những đảng khác nhau:

1/ Khối đảng Liên minh tiến bộ Xã hội và Dân chủ S&D

Nữ dân biểu Maria Arena, chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền (nằm trong Ủy ban Đối ngoại) thuộc khối Xã hội Bỉ, và đang trong nhiệm kỳ thứ 2 của Nghị viện Âu châu.

Ngay sau khi được bầu làm chủ tịch Tiểu ban NQ, dân biểu Arena đã mời những tổ chức nhân quyền như FIDH, VETO! và VOICE đến trình bày vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và lắng nghe những đề nghị giải quyết của họ (2).

Trong cuộc thảo luận trước ngày bầu cử, dân biểu Arena đã đưa ra nhận định ngắn gọn: “Nhân danh bảo vệ nhân quyền để bỏ phiếu cho một hiệp định thương mại tự do với một chế độ cộng sản độc tài là một điều siêu thực.  

Tuy nhiên, nó đã và vẫn có thể được làm tốt hơn so với hiệp định hiện đang có. Tại sao cơ chế giải quyết tranh chấp giữa đôi bên không bao gồm vấn đề phát triển bền vững? Tại sao, khi nói đến các quyền xã hội và môi trường, không có cơ chế ràng buộc hơn và kèm thêm các biện pháp trừng phạt?

Một sự thay đổi trong chiều hướng này, thưa ông Ủy viên phụ trách thương mại (3), là điều hoàn toàn có thể làm được, nhưng cần phải có ý chí chính trị để làm điều đó. Ông Ủy viên, và cả chúng tôi, với tư cách là Nghị viện, cần thêm thời gian để sửa đổi thỏa thuận này, như lúc trước chúng ta đã từng làm với cơ chế ISDS giải quyết tranh chấp nhà đầu tư  nhà nước. Mọi người ở đây trong Nghị viện lúc đó đều nói rằng ISDS thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta đã chiến đấu và chúng ta đã chiến thắng: Thay đổi ISDS thành hệ thống Toà án Đầu tư ICS.

Trận chiến của chúng ta ở đây là làm cho sự phát triển bền vững trở thành một chương ràng buộc, đi cùng với các biện pháp trừng phạt.

Sau cuộc bầu cử, DB M. Arena đã phê bình: “Chúng tôi chỉ có 26 (trên 154) dân biểu thuộc đảng S & D đã không chấp thuận các phần khác nhau của hiệp định giữa EU và Vietnam. Một điều đáng xấu hổ! Thêm một bằng chứng nữa cho thấy khí hậu và nhân quyền sẽ luôn là thứ yếu đối với lợi ích kinh tế.

Nghị viện Âu châu đã chấp thuận hiệp định mặc dù nó không bao gồm các biện pháp ràng buộc để chế độ độc đoán này tôn trọng các cam kết của mình trong các vấn đề về quyền con người và môi trường.  ̣

Đáng lý chính sách thương mại của EU phải là một phương tiện để thúc đẩy các giá trị cơ bản của chúng ta. Nhưng dường như đối với đại đa số đại biểu thuộc các đảng Nhân dân Âu châu EPP và đảng cánh trung RENEW (bao gồm cả dân biểu Pascal Canfin mặc dù giữ chức chủ tịch của Ủy ban Môi trường), việc đề cập đến chính sách thương mại phải tôn trọng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (4) là không thể tưởng tượng được.

2/ Khối đảng Nhân dân Âu châu EPP

Trước ngày bỏ phiếu, dân biểu Benoit Lutgen , đảng Trung lập Dân chủ Nhân bản Bỉ CDH, khẳng định: “Thứ Tư, tôi sẽ bỏ phiếu chống lại Hiệp ước Thương mại Tự do với Việt Nam vì nó không bao gồm những đảm bảo tham gia cuộc chiến chống lại sự hâm nóng toàn cầu (không đánh giá tác động của CO2) và nó không bảo vệ quyền lao động, cũng như không bảo vệ nhân quyền.

Dân biểu B. Lutgen là 1 trong 3 dân biểu bỏ phiếu chống, trên tổng số 186 thuộc khối đảng EPP. Cho thấy có những dân biểu bầu theo sự hiểu biết và lương tâm của mình, cho dù đi ngược lại đường lối của đảng.

3/ Khối đảng Xanh – Liên minh Tự do Âu châu

Nữ dân biểu Maketa Gregorova vừa được bầu vào Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 2019-2004, là một dân biểu trẻ thuộc Đảng Cướp Biển (Pirates), Cộng hoà Séc.

Đảng Cướp biển có 4 dân biểu tại nghị viện Âu châu, (3 thuộc Cộng Hoà Séc và 1 thuộc Đức). Với cái tên “ngổ ngáo”, đây là một đảng của những người trí thức rất trẻ không bằng lòng đường lối của các đảng truyền thống, và đặc biệt nhất là chủ trương tự do internet, phản đối việc theo dõi và kiểm duyệt trên mạng, cổ động việc nhân dân trực tiếp tham gia vào việc điều hành đất nước.

Ngày 11.2.2020, trước cuộc bầu cử, nữ dân biểu M. Gregorova đã lên tiếng trước Nghị viện và sau bầu cử, cũng đã thay mặt phái đoàn đảng Cướp Biển phát biểu:

Phái đoàn đảng Cướp Biển tại Nghị viện Âu châu hôm nay đã bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Âu châu. Điều này chủ yếu là do nhân quyền tại Việt Nam đã tiếp tục xấu đi trong suốt thời gian các cuộc đàm phán cho tới khi thỏa thuận, và không có triển vọng cải thiện, dù Liên minh Âu châu có cố gắng làm áp lực.

Khi thỏa thuận, chúng ta đang trao cho chế độ độc tài Việt Nam một tấm ngân phiếu trắng để giao dịch với khối kinh tế lớn nhất thế giới, mà không phải thực thi những điều kiện đưa đến thay đổi. Với hiệp ước được phê chuẩn, Đảng Cộng sản Việt Nam đang cho rằng Liên minh Âu châu ủng hộ một nhà nước độc đảng giám sát và đàn áp người dân của họ

Phái đoàn đảng Cướp Biển hỗ trợ thị trường tự do và tăng cường hợp tác kinh tế, nhưng không phải bằng mọi giá. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, các chính sách thương mại và an ninh không thể tách rời. Câu thần chú cũ rằng thương mại tự do sẽ giải quyết mọi thứ và cuối cùng dẫn đến nền dân chủ tự do, không còn giá trị. Thay vào đó, chế độ đang dùng kinh tế để siết lại và gia tăng các cơ hội áp bức mới, thí dụ như qua các công nghệ giám sát hoặc mạng xã hội, một tình trạng được Việt Nam theo rập khuôn khổ Trung Quốc.

_________

 

(2) https://boxitvn.blogspot.com/2019/11/tinh-hinh-evfta-va-ipa-1-hien-nay-cac.html

(3) Phil Hogan

(4) Thoả thuận Paris là một thỏa thuận tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ 2015

Quan trọng hơn hết, những tổ chức bảo vệ nhân quyền và những tổ chức xã hội dân sự giữ một chỗ đứng nhất định trong cuộc tranh cãi, để bảo vệ những giá trị cơ bản của con người, sự công bằng trong xã hội, bằng cách lên tiếng thay mặt những người yếu thế, những nạn nhân không có tiếng nói.

Mạng xã hội tự do đã cho người dân lưu tâm đến vấn đề, có cơ hội trao đổi với nhau và cả với các chính trị gia, các dân biểu. Nhiều dân biểu Âu châu cũng lên mạng tranh luận trực tiếp với người dân, thu thập ý kiến, hoặc tự biện hộ.

Những tổ chức bảo vệ Nhân quyền và XHDS đã lên tiếng

Khác với mức tham dự rầm rộ của các tổ chức XHDS và các tổ chức lao động, quốc tế cũng như Âu châu, trong thời gian hình thành CETA giữa EU và Canada, hay TTIP giữa EU và Mỹ (đưa tới CETA được Nghị viện phê chuẩn và TTIP bị đình chỉ và bãi bỏ), những tổ chức này có mặt nhưng lên tiếng rất yếu ớt cho EVFTA/ IPA, tới khi 2 hiệp định này đã được EU và VN ký kết, chỉ còn chờ Nghị viện Âu châu phê chuẩn. Lý do là họ còn xa lạ với Việt Nam (so với Mỹ và Canada) vì không có liên lạc với những tổ chức XHDS Việt Nam hiện đang trong tình trạng rất èo uột.

Cuối cùng, sát ngày phê chuẩn, nhìn ra những ảnh hưởng tương tác đôi bên, họ mới thấy cần phải lên tiếng.

1/ Tham dự từ sớm là các tổ chức bảo vệ Nhân quyền

– Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) đã đưa đơn khiếu nại tới bà O’Reilly, Thanh tra Liên Minh Âu châu, vì lý do Ủy ban Âu châu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trong bối cảnh đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam.

Phán quyết của bà Thanh tra ngày 26/02/2016, rằng đây là một sai phạm quản lý nghiêm trọng, bị Ủy ban Âu châu lấy cớ cuộc đàm phán đã đi quá xa, không thực hiện được và họ đã có tham khảo ý kiến của một vài tổ chức phi chính phủ.

Điều này cho thấy Ủy ban Âu châu cố tình lơ là vấn đề Nhân quyền và những tổ chức bảo vệ Nhân quyền đã vào cuộc tương đối trễ. Vào thời điểm này, ngoại trừ FIDH và VCHR , phía bảo vệ Nhân quyền chưa có sự theo dõi nghiên cứu chương trình làm việc của Ủy ban Âu châu hữu hiệu để đưa ra những đòi hỏi chính xác.

Phán quyết của bà Thanh tra không hiệu quả, cho thấy không có ràng buộc pháp lý hay kinh tế, thì phe phạm lỗi không bao giờ chịu sửa đổi trước những lời cảnh cáo suông.

– Những tổ chức chức nhân quyền quốc tế, như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, VCHR, VETO! và một số tổ chức XHDS Việt Nam tại hải ngoại và trong nước đã bền bỉ đưa tin tức về những tù nhân lương tâm cho Nghị viện Âu châu, xin can thiệp, đưa đến nhiều nghị quyết của Nghị viện (nhiệm kỳ 8) đòi trả tự do cho những người này.

Tuy cả 8 cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và VN xảy ra mỗi năm một lần đều có nhắc tới tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của VN nhưng chỉ là lấy lệ, và một số nhà hoạt động trong nước đã từng được mời tới gặp Ủy ban Liên minh Âu châu cũng chưa từng lên tiếng phê bình những cuộc gặp gỡ vô bổ này.

Tình trạng này có thể được cắt nghĩa vì các nhà hoạt động trong nước nhìn Ủy ban Âu châu là nơi ban bố, giúp đỡ. Cũng có người nhìn rõ mình bị lạm dụng nhưng không thể lên tiếng (TS Phạm chí Dũng đã bị bắt sau khi vừa lên tiếng). Trong khi đó, những tổ chức nhân quyền quốc tế nắm vị thế đòi hỏi Liên minh Âu châu một khi đã đưa những giá trị đạo đức phổ quát vào nền tảng của những hiệp định thương mại, thì phải hoàn thành trách nhiệm bảo vệ những giá trị này.

– Tổ chức VETO! đặc biệt đưa ra những đề nghị cụ thể với Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 để hỗ trợ việc thực hiện các khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của EVFTA (1).

Sau cuộc bầu cử Nghị viện nhiệm kỳ 9, tổ chức VETO! đã được mời đến điều trần trước Tiểu ban Nhân quyền.

Vì phía Việt Nam không có hành động nào cụ thể đáp ứng những đòi hỏi về nhân quyền, Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 đã đình trệ tiến trình phê chuẩn EVFTA và hiệp định đã không được phê chuẩn trong nhiệm kỳ 8 Nghị viện như mong đợi.

2/ Các tổ chức XHDS quốc tế vào cuộc

Ngày 9/02/2020, chỉ một ngày trước bầu cử, 68 tổ chức XHDS Âu châu mới vào cuộc gửi thư thúc giục Nghị viện Âu châu không chấp thuận phê chuẩn EVFTA/IPA.

Trong tuyên bố chung, 68 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Attac, Friends of Earth, Foodwatch, Emmaus International, Global Campaign to Reclaim Peoples Sovereignty, Dismantle Corporate Power and Stop Impunity…, nhận định, EVFTA không đáp ứng nhiều vấn đề như giải quyết bất bình đẳng quyền lợi giữa đôi bên ký kết, bảo vệ công nhân, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu …, cũng như thiếu những ràng buộc pháp lý rõ ràng và cần thiết. Ngoài ra Việt Nam là một nước độc đảng, không tôn trọng những quyền tự do dân sự (tự do ngôn luận, báo chí, lập hội…), không có một ngành tư pháp độc lập, nên không thể thích hợp với tự do thương mại. Một phần vì thời gian tính, thư đã không kịp gây ảnh hưởng trên quyết định của các dân biểu.

Trước sự phản đối đồng loạt của gần 100 tổ chức bảo vệ nhân quyền và XHDS, với những lý do đa dạng và chính đáng, dân biểu thuộc hai nhóm đảng Xanh/ Liên minh Tự do châu Âu (Verts/ALE) và Cánh tả châu Âu Thống Nhất (GUE) xin tạm hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận để Nghị viện mới, nhiệm kỳ 9 có thêm thời gian xem xét.

Đề nghị này đã bị phe đa số bác bỏ, với lý do Việt Nam đã đáp ứng phần nào một số điều kiện EU đặt ra, dựa trên những phê bình, phản đối của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Tuy vậy, trong tương lai, những thiếu sót của EVFTA do các tổ chức bảo vệ nhân quyền và XHDS quốc tế nêu ra, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để là nền tảng cho Nghị viện Âu châu theo dõi và kiểm soát khi EVFTA đi vào hoạt động.

____

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen