Seite auswählen

Bạn đọc thân mến,

Đây là bài đầu tiên trong loạt bài “45 năm Người Việt Tự Do tại Melbourne: Thử Thách và Thành Tựu”, xin gởi đến quý bạn đọc. Chúng tôi có lược dịch qua Anh ngữ nếu quý vị muốn có xin liên lạc qua email này: duyact@yahoo.com.au

Chúng tôi cố gắng thu nhặt thông tin để nhìn lại sự phát triển cộng đồng 45 năm qua. Chúng tôi chủ trương không đưa những thông tin sai sự thật nên nếu bạn đọc có thêm thông tin, hay thông tin khác với bằng chứng rõ ràng xin chia sẻ để chúng tôi có thể hiệu đính bài viết.

Thân mến

Nguyễn Quang Duy

Những người Việt đầu tiên tại Úc

Ở thời điểm 30/4/1975 chỉ có trên 1,000 người Việt tại Úc, gồm những phụ nữ lập gia đình với Úc, sinh viên du học ở lại Úc, sinh viên đang du học, viên chức đang làm việc hay tu nghiệp, tu sĩ công giáo tu học và trẻ mồ côi sang Úc vào tháng 4/1975.

Trừ các trẻ mồ côi chưa hiểu biết, đa số đều lo lắng cho gia đình bị kẹt lại ở Việt Nam.

Các sinh viên đang theo học và viên chức miền Nam còn nhận được thư của Chính phủ Lao Động Gough Whitlam yêu cầu thu xếp hồi hương.

Những người đến Úc đầu tiên

Ngay sau 30/4/1975, Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị chấp nhận người di tản Việt được tạm cư tại Hong Kong, Singapore, Malaysia và “vận động” Chính phủ Whitlam nhận một số người theo diện nhân đạo.

Ngày 20/6/1975, 201 người từ Hong Kong đến định cư tại Sydney và ngày 9/8/1975, 323 người từ Malaysia và Singapore đến Brisbane theo diện nhân đạo.

Chính phủ Whitlam còn nhận 224 người Việt theo diện đoàn tụ gia đình, tôn giáo và di dân, nâng tổng số người đến Úc trong năm 1975 lên đến 748 người.

Từ đảo Guam đến Melbourne có gia đình Giáo sư Nguyễn ngọc Truyền gồm chừng 40 người theo diện đoàn tụ gia đình.

Từ Guam theo diện di dân có Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn cùng vợ và 4 con nhỏ vào tháng 9/1975.

Từ Nhật đến Melbourne, có gia đình Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Nhật, gồm 7 người vào giữa tháng 7/1975. Ông Đan phải ký giấy hứa khi đến Úc “không được làm chính trị”.

“Không được làm chính trị”

Ngày 21/8/1975, Thủ tướng Whitlam bị đảng Tự Do chất vấn, phải thú nhận có 9 người Việt bị buộc phải ký giấy hứa khi đến Úc “không được làm chính trị”.

Ông Whitlam lập luận rằng 9 người này đều hoạt động chính trị hay tham dự vào hoạch định chính sách thời Việt Nam Cộng Hòa, nên họ có thể dùng lãnh thổ Úc làm căn cứ nhằm lật đổ chính phủ một nước đã được Úc công nhận.

Ông Whitlam bị đảng đối lập và truyền thông phản đối là trái với truyền thống tự do chính trị tại Úc, kỳ thị người miền Nam Việt Nam, đòi ông phải hủy bỏ giấy hứa, phải xin lỗi người tị nạn và xin lỗi công chúng Úc.

Theo hồi ký Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan, giới chức Úc cho biết ông giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Việt Nam Cộng hòa, đều là những chức vụ mang tính cách chính trị, nên nếu ông muốn đi Úc phải ký giấy hứa.

Ông Đan nghĩ suốt đời ông chỉ làm công chức cho chính phủ không hề làm chính trị, nên chấp nhận ký.

Còn cựu chủ tịch Thượng Viện ông Trần văn Lắm luôn bị dằn vặt chỉ vì rất muốn đoàn tụ với gia đình ở Úc mà phải ký giấy này.

Được biết, Luật sư Lưu Tường Quang và ngay cả ông Đoàn Bá Cang, cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Úc trước ngày mất nước, cũng bị buộc phải ký giấy hứa này.

Bỏ rơi nhân viên Việt

Ngày 20/4/1975, Đại sứ Geoffrey John Price gởi điện tín mật cho Thủ tướng Whitlam thông báo Sài Gòn đang thất thủ và yêu cầu cho lệnh di tản nhân viên tòa đại sứ, công dân Úc và cấp sổ thông hành đặc biệt cho nhân viên Việt làm việc cho tòa đại sứ Úc.

Ngày 21/4/1975, Ngoại Trưởng Úc Dân biểu Don Willesee đề nghị ông Whitlam cấp thẻ thông hành cho 115 người Việt gồm nhân viên làm việc cho tòa đại sứ Úc và gia đình nhằm tránh cho họ bị cộng sản trả thù.

Nhưng trái với tinh thần nhân đạo của người Úc, ngày 25/4/1975, Thủ tướng Whitlam ra lệnh đóng cửa tòa Đại sứ, di tản khỏi miền Nam, không cấp thông hành và bỏ lại hầu hết những người Việt đã làm việc cho Úc.

Theo hồi ký của Bộ trưởng Lao Động và Di Dân, Clyde Cameron, Thủ Tướng Whitlam tin rằng người Việt tị nạn cộng sản sẽ trở thành những cử tri chống cộng ủng hộ đảng Tự Do, tương tự như di dân từ ba nước Bắc Âu, sau Thế chiến Thứ Hai.

Hội sinh viên Việt Nam hải ngoại

Theo Radio Australia từ năm 1963 các sinh viên du học Colombo đã thành lập Hội sinh viên Việt Nam hải ngoại tại Úc.

Năm 1974, Hội có tới 120 hội viên, nhưng sau biến cố 30/4/1975, những người học xong tản mác khắp nơi, không còn người đi học, Hội giảm dần hoạt động đến năm 1977 chính thức giải tán.

Nhiều sinh viên Colombo sau này đã trở thành lãnh đạo hay thành viên sáng lập Cộng đồng Người Việt Tự do.

Hội Đoàn ủng hộ cộng sản

Ngày 26/2/1973, Chính phủ Whitlam chính thức lập quan hệ ngoại giao với nhà cầm quyền Hà Nội, một số cựu sinh viên Colombo trở mặt ủng hộ cộng sản chống lại chính quyền miền Nam.

Theo Radio Australia, ngay sau ngày 30/4/1975, Nguyễn Phạm Điền, một cựu sinh viên Colombo sang Úc từ năm 1962 rồi trốn lại, đã đứng ra thành lập Hội Đoàn Kết người Việt ở Úc.

Số người theo Hội chỉ chừng 20 trong tổng số từ chừng 500 sinh viên và cựu sinh viên. Một số hội viên khi biết được thân nhân ở Việt Nam bị đi tù, biết sự thật vi phạm nhân quyền đang xảy ra cho hằng triệu người miền Nam nên đã bỏ Hội. Một vài người chuyển sang sinh hoạt với Cộng đồng người Việt Tự do.

Năm 1984, Hội Đoàn Kết đổi tên thành Hội Người Việt Nam tại Úc, ông Điền làm hội trưởng.

Những năm đầu thập niên 1990, tôi làm chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra, ông Điền sống tại đây, ngoài ông ra tôi không thấy ai khác công khai nhận là hội viên Hội này. Năm 1996, Hội chính thức giải tán.

Cũng sau 30/4/1975, một số khoa bảng thiên tả đã thành lập Hội Úc Việt, hoạt động chủ yếu trong khuôn viên Đại Học Quốc Gia Úc Đại Lợi (Australian National University) tại Canberra và có phát hành bản tin “Vietnam Today” bằng Anh ngữ và vài cuộc hội thảo “Vietnam Updated”.

Tôi biết một số hội viên Hội này, trong đó có Giáo sư David Marr và ông Trần Hạnh, sinh viên Colombo khóa 1972, cả 2 đều là chủ bút của “Vietnam Today”.

Mặc dù là chủ bút của “Vietnam Today”, ông Trần Hạnh biết rất ít thực tế đang xảy ra tại Việt Nam.

Được Radio Australia phỏng vấn ông Hạnh tự nhận là mãi đến đầu thập niên 1980, ông mới biết cha của ông một sĩ quan cấp tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị tù “cải tạo”, mẹ ông bị đuổi đi kinh tế mới và các em ông phải ly tán.

Năm 1992, ông Hạnh về Việt Nam khi cha ông vừa ra tù. Ông Hạnh cho tôi biết cha ông rất buồn vì ở Úc ông theo cộng sản và rất sợ vì ở Việt Nam ông Hạnh luôn bị công an cộng sản quấy nhiễu. Nhờ chuyến đi đó ông mới biết được phần nào thực tế đang xảy ra tại Việt Nam.

Ông Hạnh khi ấy đang học cao học truyền thông có làm một cuộn phim quay video về đời sống ở Việt Nam ông cho tôi biết “lén” mang về Úc và được phát trên đài truyền hình ABC.

Ông Hạnh sau làm Trưởng ban Việt Ngữ đài BBC và làm Giám đốc sản xuất cho Radio Australia.

Cũng khoảng thời gian đó ông David Marr có cho tôi biết ông vừa từ Việt Nam về, trước khi ông bước lên máy bay, tất cả những tài liệu và cả vở ghi chú của ông đều bị công an cộng sản tịch thu.

Cũng đầu thập niên 1990, khi Hà Nội bắt đầu nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ, nhiều hội viên Hội Úc Việt khi đó “vỡ mộng” biết được cộng sản Việt Nam phản bội niềm tin của họ, Hội quyết định giải tán.

Tị nạn chính trị

Ngày 11/11/1975, Toàn quyền John Kerr sa thải Thủ tướng Whitlam, và chọn lãnh tụ đối lập Malcolm Fraser làm thủ tướng xử lý thường vụ sửa soạn bầu cử.

Ngày 13/12/1975, Liên đảng Tự Do – Quốc Gia thắng cử, Thủ tướng Malcolm Fraser đảo ngược chính sách của Chính phủ Whitlam cho phép các sinh viên được định cư và đón nhận người Việt tị nạn chính trị.

Vào đầu năm 1976, Tiến sĩ Nguyễn triệu Đan nhận được thư của Bộ Trưởng Di trú và Sắc tộc sự vụ, Michael MacKellar, thông báo hủy bỏ giao ước “không được làm chính trị”.

Nhưng dù thất cử, ông Whitlam tiếp tục giữ vai trò thủ lãnh đối lập với đường lối cứng rắn quyết ngăn cản người Việt tị nạn cộng sản được định cư tại Úc.

Đến ngày 10/12/1977 khi Thủ tướng Fraser thắng cử nhiệm kỳ 2 chính sách nhận người Việt tị nạn mới phần nào thay đổi.

Mãi đến 20-21/7/1979, sau Hội nghị Geneva về người tị nạn Đông Dương, Chính phủ Fraser đồng ý Úc sẽ nhận thêm mỗi năm hằng chục ngàn người tị nạn.

Giữa năm 1982, Chính phủ Fraser đạt thỏa thuận với nhà cầm quyền Hà Nội để người Việt tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.

Theo số thống kê vào tháng 6/1976, có 2,427 người Việt trên toàn nước Úc. Số người Việt tại Úc tăng đến 60,000 người vào cuối năm 1982 và 220,000 người vào năm 2016.

Nếu tính luôn thế hệ tiếp nối sinh ra tại Úc số người Việt tự do có thể đã lên đến trên 300,000 người.

Hai vị ân nhân

Nữ hoàng Elizabeth Đệ NhịThủ tướng Malcolm Fraser quả đã khai sinh cộng đồng người Việt tự do.

Trong tang lễ ông Fraser ngày 27/3/2015, tôi và hằng trăm người Việt khác đã “biểu tình” trước cửa nhà thờ Scots’ với ba biểu ngữ lớn biểu lộ tấm lòng tri ân của người Việt tự do dành cho ông.

Ông Nguyễn thế Phong, cựu chủ tịch Cộng đồng, mặc áo dài đen, đội khăn đống, tay ôm bức chân dung của ông Fraser, hai bên là hai lá cờ Úc Việt (cờ vàng ba sọc đỏ), thương tiếc sự ra đi của vị ân nhân đáng kính nhất của người Việt tự do.

Cuộc biểu tình được truyền thông chú ý và đưa tin: người Việt không quên ơn ông Fraser, người Việt không quên ơn nước Úc đã mở rộng bàn tay cưu mang đòan người trốn chạy cộng sản tìm tự do trên đất Úc.

Người Việt tự do

Đảng Tự Do trước đây đã sát cánh với miền Nam chống lại cộng sản, sau 30/4/1975 lại đề ra những chính sách đón nhận người Việt tị nạn cộng sản và gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, ngày 10/2/1976, sau khi Thủ tướng Malcolm Fraser quyết định nhận người tị nạn chính trị, hai ông và một số sinh viên thành lập Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do dự tính giúp chính quyền tiểu bang Victoria tiếp đón đồng bào sẽ qua Úc định cư.

Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do chính là tiền thân của Cộng Đồng Người Việt Tự do tại Victoria.

Trải 44 năm, từ ngày thành lập 10/2/1976, các Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự do tại Victoria đều luôn giữ đường lối độc lập với các đảng chính trị tại Úc nhưng trong tận đáy lòng không quên ơn Thủ Tướng Malcolm Fraser, một đặc điểm đáng ghi nhận của Cộng Đồng tại Victoria nói riêng và tại Úc châu nói chung.

Đây là bài viết đầu tiên trong loạt bài 45 năm nhìn lại những thử thách từ bước ban đầu thành lập cho đến ngày nay (1975-2020), và duyệt lại nỗ lực trẻ trung hóa thành phần lãnh đạo hầu tiếp nối duy trì truyền thống của người Việt tự do. Mong nhận những thông tin và ý kiến của bạn đọc để hoàn chỉnh loạt bài.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

Những gương mặt trong cộng đồng người Việt tị nạn đến thành phố Melbourne, Úc từ 1976

Theo phần mở đầu Bản Nội Quy, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria đã được hình thành vào những năm cuối của thập niên 1970, nhưng Bản Nội Quy không cho biết ngày thành lập.

Theo thông tin về Liên Hội Ái Hữu người Việt Tự Do Úc châu tiền thân Cộng Đồng Úc châu đã được thành lập vào ngày 26/12/1977, tại thủ đô Canberra.

Đại diện cho Victoria tham dự cuộc họp có Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan, bà Huỳnh Bích Cẩm và ông Đoàn Việt Trung. Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng mặc dầu không tham dự cuộc họp nhưng sau đó được mời làm Tổng thư ký Hội từ năm 1977 đến năm 1983.

Nhờ thông tin của bà Huỳnh Bích Cẩm và nhờ một số tài liệu tìm được cho biết Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do được thành lập ngày 10/2/1976 chính là tiền thân của Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria.

Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng dưới bút danh Đào Phụ Hồ trên báo Văn Nghệ phát hành tại Úc châu vào ngày 12/8/2004, cho biết Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do được thành lập ngày 10/2/1976.

Theo hồi ký Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan sau khi Thủ tướng Malcolm Fraser quyết định nhận người tị nạn chính trị vào tháng 2/1976, ông và một số sinh viên tổ chức một cuộc họp để thành lập Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do dự tính hợp tác với chính quyền tiểu bang Victoria tiếp đón và giúp đỡ đồng bào mới qua.

Ông Đan cho biết Hội bầu một Ban Chấp Hành Lâm Thời gồm 4 người, trong đó có ông và bà Huỳnh Bích Cẩm hiền thê của ông, ít lâu sau mọi người cử ông làm Hội trưởng.

Bà Huỳnh Bích Cẩm cho biết cuộc họp chỉ có 7 hay 8 người, Ban Chấp Hành còn có Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng và Thầy Huỳnh San, cuối năm 1979 Thầy San chịu chức linh mục.

Bà Cẩm không nhớ tên các hội viên sáng lập khác vì họ hầu hết là sinh viên sau này không còn sinh hoạt.

Theo thống kê dân số vào tháng 6/1976, có 382 người Việt sống rải rác tại Melbourne, nên so ra số hội viên sáng lập tuy khiêm nhượng nhưng chiếm một tỉ lệ không nhỏ.

Bà Cẩm cho biết nhu cầu chính của Hội lúc ban đầu là tạo mối dây liên lạc với người Úc, ông Đan có kinh nghiệm và quen biết với chính giới, lãnh đạo tôn giáo, ký giả và giới khoa bảng Úc nên được các hội viên đề cử giữ vai trò Hội trưởng.

Trong hồi ký ông Nguyễn Triệu Đan nói rõ hơn: “Mang tên là Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do, song trên thực tế chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ nhoi tự nguyện hoạt động, phương tiện không có, đọc báo theo dõi tin tức, thấy nói có người mình tới thì bảo nhau đến thăm. Bà con gặp nhau tay bắt mặt mừng, song giúp đỡ cụ thể thì người đến trước chỉ có thể giúp đồng hương tới sau bằng cách thông ngôn và cung cấp chỉ dẫn về đời sống địa phương.”

Danh xưng Việt kiều

Bà Huỳnh Bích Cẩm cho biết tên tiếng Anh của Hội là Vietnamese Friendly Society. Chữ Vietnamese vì thế có thể được dịch là Việt kiều, người Việt hay người Việt tự do.

Ông Đoàn Việt Trung, cựu chủ tịch Cộng Đồng Úc châu, giải thích chữ Việt kiều khi ấy mang ý nghĩa công dân Việt Nam Cộng Hòa sống trên đất Úc.

Ngược lại chữ hội trưởng hay chủ tịch đều được dịch sang Anh ngữ là president. Trong khi đó phía cộng sản dịch chữ chủ tịch là chairman.

Nhóm tị nạn đầu tiên.

Ngày 19/3/1976, nhóm người Việt tị nạn đầu tiên gồm chừng 20 người đến định cư tại Melbourne từ Thái Lan.

Ông Nguyễn Hữu Thu là một người trong nhóm này cho chúng tôi biết Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng, Thầy Huỳnh San cùng một nhóm nhỏ nữ sinh viên tại đại học Monash đến đón bà con ngay tại phi trường Tullamarine rồi đưa về thẳng bệnh viện ở vài ngày để khám sức khỏe tổng quát trước khi chuyển về Eastbridge Hostel, Nunawading.

Đến ngày 7/2/1977, nhóm người Việt tị nạn thứ hai gồm chừng 250 người trong số có Thầy Bùi Đức Tiến, đến cuối năm 1979 Thầy được thụ phong linh mục.

Tương tự, Linh mục Tiến cho biết Thầy Huỳnh San, Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng và Tiến sĩ Trần Minh Hà đã ra tận phi trường Tullamarine, Melbourne, đón bà con mới sang và giúp đỡ bà con trong bước đầu định cư.

Thuyền nhân đề tài chính trị.

Ngày 26/4/1976, tàu Kiên Giang chở 5 thuyền nhân đến thẳng Úc. Khi tàu ghé Malaysia định đi Guam họ được một thuyền trưởng người Úc cho bản đồ, hướng dẫn đường đi và khuyên họ nên đi thẳng tới Úc theo luật (khi đó) họ sẽ được nhận.

Trong năm 1976, 3 tàu khác với 111 thuyền nhân cũng đến thẳng Úc. Sang năm 1977, có thêm gần 30 tàu với tổng số 868 người cập bến Úc.

Ngày 13/12/1975, đảng Lao Động thất cử, Gough Whitlam mất chức thủ tướng, nhưng tiếp tục giữ chức thủ lãnh đối lập và vẫn giữ đường lối cứng rắn hầu ngăn cản người Việt tị nạn được đến Úc định cư. Gough Whitlam lợi dụng việc thuyền nhân từ Việt Nam đến thẳng Úc để mở chiến dịch tranh cử.

Thủ Tướng Gough Whitlam là người bãi bỏ chính sách di dân da trắng của Úc, nhưng lại mâu thuẫn trong chính sách đối với người tị nạn cộng sản, nên đến nay nhiều người vẫn xem ông là thiên cộng và kỳ thị người miền Nam Việt Nam.

Ngày 10/12/1977, Thủ tướng Malcolm Fraser thắng cử nhiệm kỳ 2 nhưng thuyền nhân vẫn là đề tài tranh luận tại Quốc Hội.

Năm 1978, có thêm 746 thuyền nhân Việt đến thẳng Úc, phe đối lập đề nghị lập trại tạm giam, kéo tàu tị nạn trở ra biển và giới hạn những trợ cấp an sinh xã hội.

Tất cả mọi ý kiến của phía đối lập đều bị Thủ tướng Fraser bác bỏ, ngược lại phe đối lập không cho phép chính phủ nhận thêm nhiều người Việt từ các trại tị nạn.

Trong khi đó, các trại tị nạn tại Đông Nam Á lại chật cứng thuyền nhân mới tới. Năm 1977 có 21,276 người; năm 1978 có tới 106,489 người; và chỉ 6 tháng đầu năm 1979 có đến 166,604 người đến được các trại tị nạn.

Nhiều người bị hải tặc Thái Lan cướp, cưỡng hiếp và bắt cóc, nhiều tàu cập bến bị đuổi ra, nhiều người chết trên biển, và nhiều con tàu tiếp tục cuộc hành trình đến Úc.

Theo ước tính của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc có tới nửa triệu người Việt mất tích trên đường tìm tự do.

Ngày 21/7/1979, Hội nghị quốc tế về người tị nạn được triệu tập tại Geneva với 66 quốc gia tham dự để tìm ra những giải pháp cho người tị nạn Đông Dương.

Chính phủ Fraser đồng ý Úc sẽ nhận thêm mỗi năm hằng chục ngàn người tị nạn. Đồng thời tiến hành thương lượng với nhà cầm quyền cộng sản để những người tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.

Hội trưởng đầu tiên

Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan là hội trưởng đầu tiên của Hội nhiệm kỳ 1 năm 1976-77.

Ông tốt nghiệp luật khoa Đại học Paris, ở Pháp, sau đó phục vụ ngoại giao cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa từ 1955 đến năm 1975.

Ông từng làm Tổng lãnh sự tại Ấn Độ, thành viên phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Hòa Đàm Paris, Pháp, và là Đại sứ tại Nhật. Giữa tháng 7/1975 ông cùng gia đình đến Úc định cư.

Ông còn nhiều đóng góp khác cho cộng đồng, như đầu năm 1983, ông làm trưởng nhóm 25 người vận động đưa tiếng Việt vào Chương trình Trung Tiểu học tại Victoria. Đến đầu năm 1987 tiếng Việt đã được công nhận là môn thi để lấy bằng tốt nghiệp trung học tại Victoria.

Ông Nguyễn Việt Long, cựu chủ tịch Cộng Đồng và cựu chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân, cho biết ông Đan cũng giúp vận động để các cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được hưởng quyền lợi hưu trí theo tiêu chuẩn cựu quân nhân Úc.

Vào tháng 10/1991, Tiến sĩ Đan thành lập Câu Lạc Bộ thứ Sáu là diễn đàn chính trị vận động cho nhân quyền, tự do và dân chủ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Triệu Đan qua đời ngày 15/5/2013 tại Melbourne hưởng thọ 84 tuổi.

Hiền thê ông Đan là bà Huỳnh Bích Cẩm ở tuổi bát tuần (tuổi 80) vẫn tích cực hoạt động xã hội. Bà sáng lập Hội Phụ Nữ Việt Úc năm 1983 và vẫn giữ vai trò Tổng Thư Ký kiêm Giám Đốc của Hội. Chúng tôi sẽ có bài viết riêng về Hội Phụ Nữ Việt Úc.

Hội trưởng thứ hai

Ông Đoàn Việt Trung, cựu chủ tịch Cộng Đồng Liên Bang, cho biết Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng là người soạn bản Nội Quy và là Hội trưởng thứ hai trong thời gian 1977-78.

Ông Trung là Trưởng ban Văn Nghệ nhưng không nhớ người nào khác trong Ban Chấp Hành dưới thời ông Hưng.

Ông Hưng là sinh viên Colombo sang Úc năm 1965, tốt nghiệp ngành Kỹ sư Hóa Học ở Viện đại học Queensland và Tiến sĩ Hóa học tại Viện đại học Monash.

Từ tháng 11/1975 đến cuối năm 1978, ông Hưng là chủ bút tạp chí Người Việt Tự Do, quay roneo và phổ biến miễn phí cho bà con mới sang.

Ông Đoàn Việt Trung chịu trách nhiệm vẽ cho tạp chí. Ông Hưng và ông Trung xin thư viên Đại Học Monash một góc riêng để giữ các tạp chí và sách báo của người Việt tự do.

Ông Hưng cộng tác với Bộ Di Trú Úc đón tiếp người tị nạn ngay tại phi trường, giúp đỡ bà con tại các trung tâm tiếp cư di dân, giúp đỡ bà con xin việc làm cũng như chuẩn bị cho họ khả năng hội nhập và định cư.

Ông đứng ra tổ chức Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Tưởng niệm biến cố 30/4/1975, biểu tình chống các phái đoàn cộng sản.

Ông Hưng còn là Tổng thư ký của Liên Hội Ái Hữu người Việt Tự Do Úc châu trong 5 năm, liên tục từ 1977 đến 1982.

Ông vận động đài sắc tộc 3EA cho chương trình phát thanh tiếng Việt và được 3EA mời giữ Trưởng ban Việt ngữ.

Đài phát thanh hàng tuần buổi đầu tiên vào ngày 25/4/1978 cho đến giữa năm 1992 đài sáp nhập với 2EA Sydney thành đài phát thanh toàn quốc SBS.

Ông Hưng và ông Nguyễn Ngọc Phách trong một thời gian dài còn thực hiện chương trình phát thanh hàng tuần trên đài phát thanh Radio Australia phát về Việt Nam.

Ông Hưng là tác giả hằng ngàn bài báo và nghiên cứu, dưới các bút hiệu Đào Phụ Hồ, Nguyễn Lương Triều, Nguyễn Nhất Đình, Ngụy Ông, Nguyễn Tất Thắng, Đằng Phong Hầu, được đăng trên nhiều tờ báo hải ngoại.

Khoảng đầu thập niên 1990, khi biết tôi viết tiểu luận cao học về “Tình hình giáo dục tại Việt Nam”, chính ông Hưng đã đến tận nhà hỏi mượn bài viết cùng tài liệu để nghiên cứu và viết bài.

Ông Hưng, Giáo sư Bửu Khải và Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách còn thành lập và phụ trách giảng dạy khoa Thông Ngôn Phiên Dịch, thuộc trường Ngôn Ngữ Viện Cao Đẳng Kỹ Thuật RMIT ở Melbourne.

Trong vòng 20 năm cộng tác với RMIT ông đào tạo hàng trăm thông ngôn và phiên dịch viên. Ông cũng dịch nhiều tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Anh, như quyển “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

Công việc chính của ông Hưng là Giám Đốc kỹ thuật Công ty hóa chất ICI (sau đổi thành Orica), những đóng góp của ông cho cộng đồng đều hoàn toàn bất vụ lợi.

Ông Hưng tiêu biểu cho những người tiên phong khai dựng Cộng đồng người Việt tự do tại Victoria và Úc châu, ông qua đời ngày 5/8/2012 tại Melbourne hưởng thọ 65 tuổi.

Linh mục Huỳnh San

Cha San luôn gắn bó với sinh hoạt Cộng Đồng, Cha là chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Victoria, nhiệm kỳ 1982-83.

Cha về chốn Vĩnh Hằng ngày 10/10/2019, hưởng thọ 71 tuổi, với một tang lễ thật đơn sơ. Quan tài của Cha được đặt dưới đất với di ảnh Cha mặc áo lễ có hình lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Chiếc áo lễ với hình lá cờ Việt Nam Cộng Hòa này, Cha được một giáo dân tặng và đã mặc trong buổi lễ thụ phong linh mục trên 40 năm trước.

Người Việt Tự Do

Đến khoảng cuối năm 1978 thành phố Melbourne đã có trên 2,000 người, để tránh bị coi là công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, những người tị nạn mới sang không còn đồng ý sử dụng Danh xưng Việt kiều nữa.

Danh xưng được đổi thành người Việt tự do và Hội đổi tên thành Hội Ái Hữu người Việt Tự Do tại Victoria.

Mời các bạn đón xem số tới về những thách thức của người tị nạn tại thành phố Melbourne trong giai đoạn 1978-83.

Nếu có thông tin chưa chính xác, xin quý bạn chia sẻ để chúng tôi có thể hiệu đính.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

Người Việt tới Úc: Những thách thức bước đầu ở Melbourne

Sang tới nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Malcolm Fraser, chính sách về người tị nạn Đông Dương mới được mang ra Quốc Hội tranh luận và đến gần cuối năm 1978 mới được ban hành.

Nhưng phải đợi đến sau Hội nghị quốc tế về người tị nạn tại Geneva, ngày 21/7/1979, và vào thời Bộ Trưởng Di Trú và Sắc tộc Sự Vụ Ian MacPhee (1979-82) số người Việt được nhận định cư từ các trại tị nạn Đông Nam Á mới thực sự gia tăng.

Năm 1980, có 12,915 người, năm 1981 và 1982, mỗi năm chừng 12,000 người được Úc nhận, nhờ thế người Việt tị nạn không mạo hiểm dùng thuyền đi thẳng đến Úc.

Bộ Trưởng Ian MacPhee còn là người khởi xướng chính sách Ra Đi Trật Tự (Orderly Departure Program) thương lượng với nhà cầm quyền cộng sản để những người tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.

Gia đình đầu tiên được bảo lãnh đến Úc vào giữa năm 1982, có thể gia đình này đã đến thành phố Melbourne.

Theo thống kê ABS vào tháng 6/1976 chỉ với 382 người, cuối năm 1978 ước tính đã có gần 2,000 người, đến cuối năm 1982 đã có trên 20,000 người Việt định cư tại Melbourne.

Giai đoạn 1978-83 rất đặc biệt trong nỗ lực phát triển cộng đồng từ việc ổn định đời sống cá nhân đến các sinh hoạt tương trợ, xã hội, văn hóa, dạy tiếng Việt cho con em, sang đến việc vận động chính giới, chính trị Việt Nam và xây dựng một cơ chế cộng đồng liên bang.

An cư lạc nghiệp

Người Việt tị nạn thường bắt đầu cuộc sống tại các Trung tâm tiếp cư (hotstel), được trợ cấp đặc biệt bằng với tiền trợ cấp thất nghiệp, được học Anh văn sơ cấp ngay tại Trung tâm, có nhân viên xã hội giúp đỡ, con cái có xe đưa đón đến tận trường.

Các sinh hoạt cộng đồng như bầu cử, biểu tình, các sinh hoạt tôn giáo như Lễ Giáng Sinh, có xe buýt đến tận Trung Tâm đưa đón.

Nhưng ngược lại bà con phải trả đến 3/5 khoản trợ cấp, đồ ăn do Trung tâm cung cấp lại không hợp khẩu vị, cuộc sống chung đụng không thoải mái nên nhanh chóng mướn nhà và dọn ra.

Bước ban đầu mọi người đều dựa vào nhau thu nhặt thông tin, giới thiệu công việc và nhất là chia sẻ niềm vui nỗi buồn đời tị nạn.

Khu Richmond sát cạnh trung tâm thành phố, cạnh nhà thờ Linh mục Huỳnh San, giá mướn nhà rẻ, có nhà cao tầng chính phủ cho mướn rất rẻ, nên nhanh chóng trở thành Sài Gòn nhỏ tập trung người Việt.

Ba khu Footscray, Springvale và Box Hill vì ở sát ba Trung tâm Midway, Enterprise và Eastbridge nên số người Việt sinh sống buổi ban đầu cũng rất đông.

Người tị nạn siêng năng, không đòi hỏi, có việc là làm, thập niên 1970 công việc hãng xưởng lại nhiều, nên đa số đến Melbourne hôm trước hôm sau có việc làm.

Hầu hết người tị nạn đều cố gắng làm việc không chỉ để lo cho bản thân và gia đình ở Úc, họ còn phải gởi quà, gởi tiền cho gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.

Nhà cửa khi đó rẻ có việc làm là nhà băng cho mượn tiền, nhiều người Việt mua ngay nhà và chỉ trên 5 năm là trả xong nhà, rồi đổi nhà lớn hơn hay xây nhà ở các khu vực khác.

Một số người không thích công việc làm tay chân thì thi vào các công việc chính phủ như lái hay bán vé xe điện (xe tram), bưu điện hay công chức bậc thấp.

Một số người có ít vốn mở tiệm buôn, nhà hàng hay hãng xưởng nhỏ.

Một số khác tiếp tục học tiếng Anh để có thể xin được một chỗ học ở Đại Học hay Cao Đẳng.

Sang đầu thập niên 1980, kinh tế Úc suy thoái, người tị nạn lại sang rất đông, nên nhiều người phải ở nhà may gia công hay lên nông trại làm việc.

Tôi đến Melbourne tháng 4/1983, thời điểm kinh tế còn khủng hoảng rất khó kiếm việc làm nên phải vừa học toàn thời, cuối tuần làm việc ở nông trại, tối đến chạy bàn ở nhà hàng, sẽ có bài viết riêng gởi bạn đọc.

Không muốn bị gọi là “Việt kiều”

Từ ngữ “Việt Kiều” trước đây mang ý nghĩa công dân Việt Nam Cộng Hòa sống trên đất Úc.

Sau 30/4/1975, Tòa Đại Sứ Cộng sản tại Canberra công khai lôi kéo “Việt Kiều” nhất là những sinh viên du học trước đây đứng về phía họ.

Ông Nguyễn Hữu Thu có kỷ niệm chua chát là vào giữa năm 1978, Tòa Đại Sứ Cộng sản từ Canberra xuống Melbourne tổ chức một cuộc họp giải thích “chính sách đối với kiều bào” có một số sinh viên và cựu sinh viên tham dự.

Bên ngoài buổi họp bà con tị nạn biểu tình phản đối, điểm mặt những người tham dự là tay sai cho cộng sản.

Ít nhất một sinh viên tên L. sau khi tham dự cuộc họp ít lâu bị đón đánh ở Richmond.

Sau đó một bài viết trên báo Trắng Đen phát hành tại Mỹ đưa tin cuộc họp, với danh sách những người được cho là tham dự buổi họp và ví họ như “cỏ đuôi chó”.

Khi ấy ở Úc chưa có báo chí Việt ngữ, còn ông Thu đang theo học tại viện Đại Học Melbourne, không tham dự buổi họp, nhưng không hiểu vì lý do gì trong danh sách lại có tên ông.

Ông Thu cùng lúc đang thực tập ngành nhân viên xã hội tại Ecumenical Migration Centre (EMC) ông báo cho họ biết, họ khuyên ông nên gởi bài báo cho Bộ Di Trú.

Bộ mời ông lên gặp để tìm hiểu, ông nói họ muốn biết thì hỏi sinh viên L. sẽ rõ, còn ông không tham dự và không biết gì.

Sau đó một người bạn cho ông biết một số người muốn vào tận ký túc xá Đại Học nơi ông đang cư ngụ để tìm ông, nhưng anh ấy cho họ biết ông là người tị nạn cộng sản và là cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nên họ mới thôi không đến.

Khi ấy thành phần thiên tả Úc – Việt liên tục tổ chức các cuộc triển lãm và hội họp buộc những người tị nạn mới sang không thể làm ngơ.

Nhiều cuộc biểu tình dẫn đến xô sát và việc tìm “thanh toán” giới thiên tả và cộng sản thường xuyên xảy ra.

Linh mục Bùi Đức Tiến cho biết có 2 lần những người bị đánh, vì bị cho là theo cộng sản, phải chạy vào nhà thờ nhờ Cha giúp tránh bị hành hung.

Ở thủ đô Canberra căng thẳng hơn khi một người tị nạn và mấy nhân viên Tòa Đại sứ cộng sản đánh nhau ngay giữa chợ trời. Đưa nhau ra tòa, người tị nạn thắng kiện, nhờ được nhân chứng người Úc thấy nhiều người tấn công anh.

Bạo động nhất là vụ “Quốc hiệu” nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam treo trước cửa Tòa Đại sứ cộng sản bị bắn nát, truyền hình báo chí Úc đưa tin hàng đầu, cảnh sát không bắt được ai.

Theo tôi biết phía Tòa Đại Sứ không muốn làm lớn chuyện, vì họ e ngại báo chí Úc sẽ biến thành một vụ án chính trị không có lợi cho họ.

Để tránh bị tiếp tục tấn công, Tòa Đại Sứ phải lặng lẽ rời về góc cuối một con đường vùng O’Malley ít người qua lại đặng dễ bảo vệ.

Tôi nhớ vụ này Giáo sư sử học David Marr, một người thiên cộng, phải lên truyền hình ấp úng nói không lên lời biểu lộ sợ hãi đến phiên mình và gia đình được hỏi thăm sức khỏe.

Việc này khi đó gây khá nhiều tranh cãi. Đến nay nhiều người vẫn tin rằng trong giai đoạn đó làm như thế là đúng, mới ngăn cản ảnh hưởng của Tòa Đại Sứ Cộng sản vào sinh hoạt cộng đồng và giúp cộng đồng phát triển.

Vài câu chuyện nêu trên cho thấy ngay từ buổi ban đầu người Việt tị nạn đã không chấp nhận Tòa Đại Sứ Cộng sản đại diện cho mình, họ không chấp nhận những người theo cộng sản, họ cảm thấy từ ngữ “Việt kiều” không còn thích hợp, nên muốn đổi danh xưng thành người Việt tị nạn, người Việt quốc gia hay người Việt tự do.

Tên tiếng Anh của Hội Việt Kiều Tự Do sau năm 1978 cũng được đổi từ Vietnamese Friendly Society thành Vietnamese Association in Victoria.

Bước chuyển đổi…

Ông Hoàng Phương, Việt Nam Dân Xã Đảng, sang Úc ngày 19/6/1978, cho biết tại Trung Tâm Midway (hostel), Footscray, bà con đã bầu người đại diện có khả năng nói tiếng Anh để làm việc với Ban Giám Đốc và nhân viên.

Ở thời điểm này mọi sinh hoạt từ hội họp đến Hội Chợ Tết đều có treo Quốc Kỳ và đều khởi đầu bằng việc hát Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 18/8/1979, Thầy Huỳnh San khi được thụ phong linh mục đã mặc một chiếc áo lễ với hình lá cờ Việt Nam Cộng Hòa do một giáo dân tặng. Một sự kiện có một không hai trong lịch sử Cờ Vàng.

Ông Nguyễn Bình, Gia đình Hải Quân, sang Úc vào tháng 12/1978, cho biết trước đó các nhóm thiên tả hoạt động mạnh nên bà con đề cử Thiếu tá Nguyễn Khắc Ngà làm Trưởng Ban và ông Bùi văn Cao làm phó Ban tổ chức biểu tình chống cộng.

Sau đó ông Ngà được đề cử làm Hội trưởng Hội Ái Hữu Người Việt Tự Do nhưng chỉ vài tháng ông Ngà từ chức.

Bà con đề cử Thầy Huỳnh San làm Trưởng ban tổ chức Tết Nguyên Đán Kỷ Mùi 1979, đồng thời vận động Giáo sư Tôn Thất Ngữ, Đại Học Nông Lâm Súc Sài Gòn, lên thay làm Hội trưởng Hội Ái Hữu.

Ngày 13/1/1979, Kỹ sư Trần Ngọc Thọ qua Úc, chừng 1 tháng sau ông được Giáo sư Tôn Thất Ngữ mời giữ vai trò phó Ngoại vụ. Ban Điều Hành có thêm hai người là ông Võ Doãn Ngọc, Phó Nội Vụ và Bác sĩ Trần Quốc Đông, Tổng thư ký.

Ông Ngữ chỉ làm Hội trưởng chừng vài tháng thì tuyên bố xin từ chức vào tháng 3/1979.

Ông Thọ được bà con vận động đứng ra lập một Ban Quản Trị mới cho Hội. Ông đồng ý với 2 điều kiện những người cũ phải tiếp tục giúp ông và phải qua một cuộc bầu cử tự do để Hội có được chính danh.

Bầu cử tự do và Hội Chợ Tết đầu tiên

Đến tháng 6/1979, cuộc bầu cử tự do đã diễn ra và liên danh do ông Trần Ngọc Thọ làm thụ ủy được bà con tín nhiệm.

Đây là cuộc bầu cử cộng đồng đầu tiên tại Melbourne và cũng có thể cũng là đầu tiên của người Việt tại Úc. Một số tiểu bang mãi đến thập niên 1990 vẫn chỉ có hội viên chính thức mới được quyền tham gia bầu cử cộng đồng.

Ngoài Kỹ sư Trần Ngọc Thọ là Hội trưởng, Ban Chấp hành còn có Giáo sư Nguyễn văn Nha Phó Ngoại vụ, ông Võ Doãn Ngọc Phó Nội Vụ, ông Hồ Xuân Thu, Tổng Thư ký và ông Trần Trọng Khương, Thủ quỹ.

Thêm vào có ông Trần văn Ni là Trưởng Ban xã hội và ông Đỗ Phát Thanh Trưởng ban văn nghệ.

Trụ sở của Hội đặt tại số 40 đường Rae, North Fitzoy.

Trong nhiệm kỳ 1 năm từ 1979-80 Hội đã thực hiện được các công việc sau:

  1. Về xã hội ông Ni và ông Khương đã mướn xe giúp bà con di chuyển từ trung tâm ra nhà mới và vận động Hội Tị Nạn Đông Dương (ICRA) giúp bảo trợ người tị nạn từ các trại tị nạn;
  2. Về giải trí ông Đỗ Phát Thanh đã liên lạc với các cơ quan Úc để mượn những phim Việt Nam về chiếu cho bà con ở Trung tâm (Hostel) xem;
  3. Tổ chức Tết Trung thu rất lớn tại Dallas Brooks Hall East Melbourne có nhiều khách mời ngoại quốc; và
  4. Tổ chức thành công Hội Chợ Tết đầu tiên của người Việt tại Melbourne cũng như tại Úc. Hội chợ kéo dài 2 ngày tại Camberwell Civic Centre với sự đóng góp của rất nhiều người đặc biệt của Linh mục Bùi Đức Tiến, Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn và Ca sĩ Đăng Lan. Tài chánh để tổ chức Hội Chợ đều do các thiện nguyện viên đóng góp.

Sau Hội Chợ Tết, Thủ tướng Malcolm Fraser gởi thư chúc mừng Hội Chợ thành công và chúc Tết Cộng Đồng.

Đáng tiếc ông Trần Ngọc Thọ không còn giữ lá thư này đồng thời cũng không còn giữ hình ảnh sinh hoạt.

Từ đó, Hội Chợ Tết Melbourne hằng năm đều được tổ chức. Vài năm sau, thành phố Sydney và các thành phố khác cũng tổ chức.

Riêng tại Melbourne ngày nay ngoài Hội Chợ do Cộng đồng tổ chức còn có 6 Hội Chợ Tết do các Hội thương gia Richmond, Footscray, Springvale, St Albans, Sunshine và Boxhill tổ chức.

Trước đây các lễ hội đều mang sắc thái của người da trắng gốc Anh, Hội Chợ Tết trở thành một lễ hội sắc tộc đầu tiên đóng góp vào sự hình thành và phát triển của chính sách đa văn hóa của nước Úc.

Ông Thọ cho biết văn hóa chính là gạch nối giữa người Việt với người các sắc tộc khác và giữa thế hệ thứ nhất với các thế hệ tiếp nối. Vì thế ông rất quan tâm đến các sinh hoạt văn hóa.

Chỉ một năm phục vụ cộng đồng, đóng góp của Kỹ sư Thọ và Ban Chấp Hành vô cùng quan trọng, đã mở ra sinh hoạt bầu cử công khai và việc tổ chức Hội Chợ Tết làm nền tảng để Hội Ái Hữu được nhìn nhận như tiếng nói chính thức của cộng đồng người Việt tự do tại Victoria.

Hầu như tất cả những thông tin phổ biến trước đây về Cộng Đồng Victoria đều không nhắc đến giai đoạn trước 1980, nay nhiều người không còn nữa, nhưng có trước mới có sau, nỗ lực của họ cần thiết được ghi nhận.

Giai đoạn 1980-82

Ông Trần Ngọc Thọ còn nhớ khi Linh mục Bùi Đức Tiến ra ứng cử có rất đông đồng bào tham dự và ủng hộ Cha.

Ban Chấp Hành gồm Chủ tịch Linh mục Bùi Đức Tiến; Phó Chủ Tịch Nội Vụ, ông Võ Doãn Ngọc; Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, bà Kiều Renaud; Tổng Thư Ký, Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng.

Cha Tiến cho biết Ban Chấp Hành giữ 2 nhiệm kỳ một năm 1980-81 và 1981-82.

Văn phòng tuyên úy Công giáo cũng được sử dụng làm văn phòng Cộng đồng. Còn các sinh hoạt như Hội Chợ Tết và Tết Trung Thu được tổ chức tại sân Nhà thờ St John’s, East Melbourne.

Đóng góp chính của Hội trong thời gian này là giúp những người mới tới mướn được nhà, rời khỏi các Trung Tâm tiếp cư dành chỗ cho người từ các trại tị nạn.

Khi các Trung tâm có chỗ trống, Hội vận động với chính phủ nhận thêm người từ các trại tị nạn đến Melbourne.

Đồng thời Hội vận động với Hội Tị Nạn Đông Dương (ICRA) giúp bảo trợ người từ các trại tị nạn. Thời gian này mỗi năm có tới trên 5 ngàn người đến định cư tại Melbourne.

Hội cùng các tiểu bang khác trong cơ chế Liên Bang còn vận động và hỗ trợ Chính phủ Fraser, giữa năm 1982, Úc đạt được thỏa thuận với nhà cầm quyền Hà Nội để người Việt tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.

Một số người cho biết là nhờ công của bà Kiều Renaud một người hết sức năng nổ và nhiệt thành trong việc định cư người Việt tại Melbourne.

Linh mục Bùi Đức Tiến (1980-82)

Cha Tiến là người Việt tị nạn đầu tiên được thụ phong linh mục tại Melbourne, và là linh mục tiên khởi xây dựng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Melbourne, cũng như xây dựng Trung tâm Vinh Sơn Liêm.

Cha Tiến là cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thuộc Khóa 4/1970 Võ Khoa Thủ Đức, nhưng giữa Khóa Cha được phép về Đại Chủng Viện Long Xuyên học.

Vào ngày 19/6/1981, khi Cha đang làm chủ tịch Hội Ái Hữu, Cha giúp thành lập Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Victoria.

Trong Đại Hội cấp Liên Bang họp tại Trung Tâm Vinh Sơn Liêm, do Cha làm linh mục quản nhiệm, vào ngày 4/1/1987, Cha tham dự và giúp thành lập Tổng Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Cha còn tham gia Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hằng năm khi được nghỉ, Cha theo tầu ra Vịnh Thái Lan cứu người vượt biên, đi tìm những thuyền nhân bị hải tặc Thái giam giữ trong đất liền hay trên các đảo, và giúp đồng bào trong trại tị nạn.

Năm 2007, Cha và Thượng tọa Thích Phước Tấn thành lập HOPE – AVHWA một Hội Từ thiện quy tụ một số bác sĩ chuyên khoa về mắt trên toàn thế giới, về chữa trị cho những người khiếm thị tại các vùng quê Việt Nam.

Cha Tiến cho biết ngay khi đến Úc năm 1978, cha có ra nguyệt san Quê Hương nhưng chỉ phát hành được vài tháng.

Đến năm 1980 Cha cộng tác với Linh mục Việt Châu ở Mỹ ra ấn bản Dân Chúa Úc châu, hiện vẫn phát hành hằng tháng.

Cha còn viết và phát hành 10 sách Đạo tiếng Việt.

Chính trị và Hội Đoàn

Giai đoạn 1980-82 là giai đoạn nhiều Hội Đoàn địa phương được thành lập trong đó có Cộng đoàn Công Giáo, Hội Cựu Quân Nhân và Hội Sinh Viên.

Cũng trong thời gian này nhiều tổ chức chính trị người Việt hình thành trên đất Úc, Mỹ, Pháp, rồi lan tỏa khắp nơi.

Một mặt các tổ chức nhắc nhở người Việt tị nạn về thảm họa cộng sản phải được giải quyết ngay tại Việt Nam.

Nhưng mặt khác vì bất đồng trong phương cách đấu tranh và khác tổ chức gây không ít tranh cãi thậm chí đến xô sát ngay trong những sinh hoạt cộng đồng.

Hội chính thức thành Cộng Đồng

Tại Úc, chỉ có 2 cộng đồng đã thiết lập được một cơ chế cấp liên bang là Do Thái và Việt Nam.

Cộng đồng Việt Nam được thành lập ngày 26/12/1977, tại Canberra, dưới danh xưng Liên Hội Việt Kiều Tự Do Úc Châu.

Đến Đại Hội tại Adelaide, Nam Úc, vào ngày 12/4/1982, Liên Hội được đổi tên thành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc châu. Tất cả các tiểu bang cũng được đề nghị thay danh xưng thành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại tiểu bang.

Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria đã sử dụng danh xưng này từ đó đến nay.

Trong khi Hội Đoàn bị giới hạn bởi số hội viên, chỉ có hội viên mới được tham dự vào các buổi họp của Hội và được bầu Ban Chấp Hành, thì mọi người Việt có thường trú nhân, sống tại Victoria, đều có quyền bầu Ban Chấp Hành Cộng Đồng cũng như tham gia mọi sinh hoạt, hội họp và biểu quyết.

Ban Chấp Hành Cộng đồng giữ vai trò điều hợp các Hội Đoàn thuộc Cộng đồng người Việt tự do, trong các sinh hoạt về văn hóa, xã hội và chính trị.

Cộng Đồng cấp liên bang giữ vai trò điều hợp các Cộng Đồng tiểu bang trong sinh hoạt vận động chính giới và chính trị cộng đồng.

Để hiểu rõ hơn về khía cạnh sinh hoạt chính trị của Cộng Đồng bài kế tiếp sẽ nói về cơ chế Liên bang và một số các hoạt động đáng ghi nhớ được Liên Bang điều hợp trên 40 năm nay.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

Nhờ đâu người Việt tại Úc đồng lòng chống cộng?

Cộng đồng người Việt tại Úc biểu tình chống cộng sản tại thủ đô Canberra, Úc năm 2008 nhân dịp một thủ tướng CSVN đến nơi đây. (Viettan.org)

NGUYỄN QUANG DUY

Muốn hướng đến tương lai cần hiểu rõ quá khứ, loạt bài viết về Cộng đồng người Việt tại Úc nhìn từ trong tổ chức Cộng Đồng nhìn ra, giữ nguyên tắc tuyệt đối tôn trọng sự thật, vì thế chúng tôi sẵn sàng hiệu đính nếu được cung cấp thêm thông tin hay thông tin khác có bằng chứng rõ ràng.

Người Việt một cộng đồng đồng nhất

Ở Úc, chỉ cần 3 người họp lại là có thể lập hội, có thể đăng bộ với chính phủ và có thể hoạt động như mọi tổ chức có tư cách pháp nhân khác.
Khi tôi làm chủ tịch Cộng Đồng Canberra (1990-94), tham dự các buổi họp cộng đồng sắc tộc, cộng đồng Việt chỉ có tôi đại diện, có sắc dân có đến 4 nhóm đại diện.
Người Trung Hoa, ngoài cộng đồng người Úc gốc Trung Hoa gồm những người đã định cư ở Úc nhiều đời, còn có cộng đồng người Đài Loan, cộng đồng người Hồng Kông và cộng đồng người Trung Hoa Lục Địa.
Cộng đồng Cam Bốt khi ấy có 2 nhóm Hoàng Gia và nhóm Thủ Tướng Hun Sen. Cộng đồng Phillipines cũng 2 nhóm, theo Tổng Thống Corazon Aquino và trung thành với cựu Tổng thống Ferdinand Marcos.
Chỉ có 2 cộng đồng thiết lập được một cơ chế cấp liên bang khá đồng nhất là Do Thái và Việt Nam.

Khởi đầu ngồi lại…

Với dân số chỉ trên 2,000 người, vào năm 1976, cộng đồng Việt đã hình thành nhiều hội đoàn với nhiều tên gọi khác nhau, tại tiểu bang New South Wales có Hội Liên Hương, ở Melbourne, Canberra và Adelaide có Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do, ở Queensland có Hội Người Việt Tự Do.
Luật sư Lưu Tường Quang, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do tại Lãnh Thổ Thủ Đô ACT, đã kêu gọi các Hội tiểu bang ngồi lại để vào ngày 26/12/1977 thành lập một tổ chức lấy tên là Liên Hội Ái Hữu Việt Kiều tại Úc.
Liên Hội đảm trách vận động chính trị gia và chính phủ cấp liên bang, báo chí và đấu tranh chính trị với Hà Nội. Hội tại các tiểu bang vẫn giữ tên cũ và giữ những hoạt động độc lập tại địa phương.
Ông Lưu Tường Quang từ 1970-74 là nhân viên ngoại giao Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Úc nên quen một số chính trị gia, biết các hội đoàn, giới báo chí, giới khoa bảng và hệ thống chính trị Úc nên được đề cử làm Hội trưởng.
Cứ mỗi năm các Hội lại họp ở một tiểu bang để bầu lại Ban Chấp Hành, ông Quang được tín nhiệm làm hội trưởng cả giai đoạn từ năm 1977 đến năm 1982.
Được sự hỗ trợ của các tiểu bang, Luật sư Quang đã vận động chính phủ Fraser nhận thêm người Việt tị nạn và vận động để đến giữa năm 1982 Úc đạt được thỏa thuận với Hà Nội để người Việt tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.

Thống nhất danh xưng lập Cộng Đồng

Bác sĩ Bùi Trọng Cường một người đã bắt đầu sinh hoạt cộng đồng từ năm 1975 và hiện vẫn là chủ tịch Cộng Đồng tại Queensland, nhớ trong thời gian 1978-82, lần nào Đại Hội danh xưng “Việt kiều” cũng được mang ra thảo luận.
Người tị nạn mới sang rất dị ứng khi bị gọi là “Việt kiều,” Hội Queensland và Victoria đã đổi danh xưng thành “người Việt tự do,” trong khi Liên Hội vẫn sử dụng danh xưng “Việt kiều.”
Mãi đến Đại Hội tổ chức tại Adelaide, ngày 12/4/1982, Bác sĩ Cường, Giáo sư Nguyễn văn Khánh và Luật sư Đinh sĩ Trang mới thuyết phục được Đại Hội rằng người Việt tị nạn phải bỏ nước tìm tự do trong khi “Việt kiều” là “kiều dân Việt” là người Việt sống ở nước ngoài, những người vẫn muốn làm công dân của nước Việt Nam cộng sản, lấy tên “Việt kiều” là không đúng.
Đại diện Hội Queensland thuyết phục được Đại Hội để tu chính lại Nội Quy, Liên Hội đổi tên thành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu.
Sáu Hội tiểu bang là NSW, Nam Úc, Queensland, Tây Úc, Tasmania, Victoria, lãnh thổ thủ đô Canberra (ACT) và lãnh thổ Bắc Úc cũng đổi tên thành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu tại NSW, Nam Úc, Queensland,…
Cộng Đồng tại thành phố Wollongong là thành viên sáng lập nên vẫn được kể là thành viên chính thức Cộng Đồng Liên Bang.
Đại Hội năm 1982, Bác sĩ Cường được bầu làm Chủ Tịch Liên bang và nhiệm kỳ cũng thay đổi là hai năm thay vì một năm như trước đây.
Xuyên suốt 43 năm từ ngày thành lập, cơ cấu tổ chức Cộng đồng không mấy thay đổi, tạo được thế chính danh và uy tín cả Cộng Đồng Tiểu Bang lẫn Liên Bang.
Ở Úc, không có việc Cộng đồng bị xé ra làm hai, làm ba như tại Hoa Kỳ hay một số quốc gia Âu châu.

Tính chính danh của người Việt tự do

Về mặt tinh thần danh xưng gắn bó mọi người Việt sống tại Úc châu vì nó thích hợp cho mọi người bất kể lý do rời Việt Nam, rời khi nào, xuất thân, quê quán, tuổi tác, hiện đang sống ở đâu, họ đều là người bỏ nước tìm tự do, không công nhận Hà Nội làm thể chế đại diện.
Danh xưng người Việt tự do còn bao trùm các thế hệ tiếp nối của người Việt bỏ nước tìm tự do. Đối nghịch lại là người Việt theo cộng sản hay những người còn muốn giữ quốc tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Gần 6 năm từ khi Luật Quốc Tịch được ban hành ngày 13/11/2008 đến ngày 1/7/2014, Hà Nội liên tục vận động nhưng trong số 4.5 triệu người Việt hải ngoại chỉ vọn vẹn chưa tới 6,000 Việt kiều xin giữ quốc tịch Việt Nam.
Trong thập niên 1980 và 1990, tại các Đại Hội danh xưng người Việt tự do nhiều lần được đề nghị đổi thành người Việt quốc gia hay người Việt tị nạn nhưng đều không được đa số đồng thuận.
Chính nhờ xác định được danh tính người Việt tự do Cộng đồng mới có thể huy động được hằng chục ngàn người xuống đường biểu tình chống ảnh hưởng của Hà Nội tại Úc.

Giai đoạn 1982-91 tại Úc

Ngày 11/3/1983, đảng Lao Động thắng cử, Thủ tướng Bob Hawke tiếp tục chính sách nhận người tị nạn từ các trại Đông Nam Á và nhận đoàn tụ gia đình từ Việt Nam sang.
Về quan hệ ngoại giao, khi Việt Nam mang quân sang Cam Bốt năm 1979 Chính phủ Fraser đã cắt đứt viện trợ, phong tỏa thương mại và đầu tư với Hà Nội.
Chính phủ Hawke làm ngược lại vào tháng 6/1983, ông Hawke cử Ngoại trưởng Bill Hayden qua Việt Nam công bố tái viện trợ cho Hà Nội và mới Ngoại trưởng cộng sản Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Úc.
Tháng 4/1984, ông Nguyễn Cơ Thạch chính thức sang Úc đây là thử thách đầu tiên chứng tỏ sức mạnh chính trị của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc châu.
Vào ngày ông Thạch thăm Quốc Hội Liên Bang, Cộng đồng Người Việt Tự Do các tiểu bang đã đồng loạt tổ chức biểu tình.
Bác sĩ Bùi Trọng Cường nhớ lại có đến 5,000 người tham dự biểu tình tại thủ đô Canberra đa số là bà con từ Sydney. Tham dự với người Việt là hằng trăm thành viên thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia bị Cộng Sản Chiếm Đóng.
Truyền hình và báo chí đưa tin, từ trước đến khi đó, chưa có cuộc biểu tình nào có số lượng người tham dự đông hơn cuộc biểu tình phản đối ông Nguyễn Cơ Thạch.
Một trại tù “cải tạo” được dựng ngay trước Quốc Hội với gần 30 tù nhân bị trói bên trong tố cáo trước dư luận Úc tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Trưởng trại tù là Hải Quân Thiếu tá Trần Thế Diệp, còn Phó trại kiêm phát ngôn viên truyền thông là Trung Úy Phi công Võ Minh Cương. Cả hai đều đã phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đều trải qua nhiều năm tù cộng sản.
Khi đoàn xe chở ông Nguyễn Cơ Thạch chạy vào Quốc Hội, nhà báo Nguyễn Vi Túy định chạy ra đón đầu bị cảnh sát xô té.
Ở trong Ban Tổ Chức biểu tình tại tiểu bang Tasmania tôi nhớ rõ cuộc biểu tình tại đây.
Với chưa tới 500 người Việt chúng tôi xin nhà trường cho các cháu nhỏ được nghỉ học đi biểu tình, đồng thời đi hàng hai và cách nhau chừng 1 thước để đoàn biểu tình được kéo dài.
Chúng tôi may và in thật nhiều cờ vàng phát cho bà con tham dự, đây là dịp đầu tiên và duy nhất lá cờ vàng tràn ngập thành phố Hobart thủ phủ tiểu bang Tasmania.
Tối đó đài truyền hình và báo chí đưa tin cuộc biểu tình lớn thứ hai trong lịch sử Tasmania, lần trước là cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, lần này là đoàn người tị nạn thật dài, thật lặng lẽ, thật ôn hòa đồng hành trên đường phố.
Các cuộc biểu tình phản đối Nguyễn Cơ Thạch đã ảnh hưởng lớn đến sách lược của chính phủ Hawke, nên mãi 9 năm sau năm 1993 thời chính phủ Keating mới có những chuyến viếng thăm kế tiếp.
Một sự kiện đáng ghi nhớ khác là cuộc đi bộ Đồng Tâm do hai đoàn một từ Melbourne đi hơn 600 cây số và một từ Sydney đi gần 300 cây số cùng hướng tới thủ đô Canberra dự cuộc biểu tình 30/4/1987.
Ông Hoàng Phương người khởi xướng và tổ chức cuộc đi bộ Đồng Tâm hứa sẽ đóng góp bài về cuộc đi bộ này.
Khi ấy, biểu tình tưởng niệm 30/4/1975 trước tòa Đại Sứ Cộng Sản tại Canberra, cũng đã được tổ chức hằng năm.
Hai dẫn chứng trên thấy vào thập niên 1980 Cộng đồng Liên Bang đã thực sự trưởng thành và là một thực thể có sức mạnh, vững chắc và có tổ chức.
Bác sĩ Bùi Trọng Cường được tín nhiệm 5 nhiệm kỳ liên tiếp (1982-91) nên cùng các Ban Chấp hành còn đóng góp mở ra đường lối phát triển văn hóa, dạy tiếng Việt, giúp người vượt biển, giúp người mới tới định cư.

Giai đoạn 1991-99

Ngày 20/12/1991, Dân Biểu Paul Keating được các dân biểu và nghị sĩ Lao Động bầu làm Thủ tướng Úc thay cho ông Bob Hawke, ít ngày sau ông Võ Minh Cương cũng được Đại Hội cấp Liên bang bầu làm chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc châu.
Khi ấy Việt Nam vừa rút quân khỏi Cam Bốt nên Hà Nội đẩy mạnh bang giao với Úc và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Thủ tướng Keating muốn mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước Á châu, nên gởi lời mời Thủ Tướng cộng sản Võ Văn Kiệt sang thăm Úc vào tháng 5/1993.
Thời điểm đó Đông Âu và Liên Sô vừa sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt, các tổ chức kháng chiến Việt ở Đông Dương tan rã, khuynh hướng đấu tranh ôn hòa hợp tác với Hà Nội được một số người và tổ chức ủng hộ.
Khi đó, tôi đang làm chủ tịch Cộng đồng tại thủ đô Canberra, trước khi ông Kiệt tới, tôi đã được nhiều cá nhân và tổ chức đề nghị gặp ông ta.
Khi họp với Cảnh sát Liên bang và Cơ quan Tình báo Úc một mặt họ thăm dò, mặt khác họ đề nghị Cộng đồng nên gặp ông Kiệt.
Chừng 10 hôm trước cuộc biểu tình, Văn phòng Thủ tướng Úc mời tôi và chừng 10 người khác trong cộng đồng tham dự một cuộc họp cũng đã chính thức đề nghị chúng tôi gặp ông Kiệt.
Chúng tôi đã thảo luận trước với ông Võ Minh Cương, chủ tịch Liên Bang, nên đòi hỏi được “đối chất” về nhân quyền, phải công khai, phải có báo chí tham dự và đòi hỏi một phái đoàn đi Việt Nam điều tra nhân quyền. Đồng thời, chúng tôi ủng hộ Chính phủ Úc viện trợ Việt Nam xây dựng cầu Bắc Mỹ Thuận.
Đến ngày ông Kiệt thăm Quốc Hội, bên ngoài có gần 3,000 người biểu tình, đa số bà con tham dự biểu tình đến từ Sydney.
Vì phải vận động bà con nên Cộng Đồng NSW luôn nhận trách nhiệm Trưởng ban Tổ chức Biểu tình và ông Võ Minh Cương khi ấy còn là chủ tịch Cộng Đồng NSW.
Bên trong Quốc Hội khá bất ngờ ông Võ văn Kiệt đã đồng ý với Thủ Tướng Paul Keeting để một phái đoàn Úc đi Việt Nam điều tra nhân quyền.
Đây là một chuyển biến lịch sử một phái đoàn cấp quốc gia chính thức đi Việt Nam điều tra nhân quyền, trước đó Hà Nội luôn phủ nhận việc họ vi phạm nhân quyền và từ chối mọi đề nghị quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam từ các quốc gia Tây Phương hay tổ chức Quốc Tế.
Cộng đồng Úc châu có soạn tập tài liệu bằng Anh ngữ tường trình chuyến điều tra nhân quyền này.
Vào tháng 7/1995, Tổng Bí thư Cộng Sản Đỗ Mười sang thăm Úc một cách hết sức âm thầm. Chính phủ Keating chỉ thông báo ít lâu trước khi ông Mười sang và mọi thông tin về chuyến viếng thăm đều được giữ tuyệt đối bí mật đến phút cuối.
Cộng Đồng Liên Bang đã phải mua tin từ thám tử tư, ngày ông Mười vào Quốc Hội, để tổ chức biểu tình được đúng ngày.
Lúc đó việc tổ chức biểu tình đã đi vào nề nếp nên chỉ trong vài ngày thông báo hằng ngàn người từ khắp các tiểu bang đã đổ về Canberra tham dự biểu tình.
Một lần nữa cho thấy hiệu quả của vận động biểu tình cấp Liên Bang và sự liên kết giữa Cộng Đồng NSW và các tiểu bang khác.
Từ đó cả hai đảng Tự Do và Lao Động đều chủ trương mở rộng bang giao với Hà Nội, bởi thế những người lãnh đạo Cộng Đồng phải thường xuyên vận động sức mạnh người Việt tự do để biểu lộ quan điểm và lập trường đấu tranh.
Ông Võ Minh Cương, sau này tốt nghiệp luật sư, được tín nhiệm và giữ 4 nhiệm kỳ 2 năm từ 1991-99. Nội quy được tu chính các Ban Chấp Hành chỉ được giữ 2 nhiệm kỳ liên tục và mỗi nhiệm kỳ vẫn giữ 2 năm.

Chấm dứt tiếp vận chương trình Đài VTV4

Sang giai đoạn Kỹ sư Đoàn Việt Trung làm chủ tịch (1999-2004) đã xảy ra chuyện đài truyền hình sắc tộc SBS chuyển tiếp chương trình tin tức VTV4 từ Hà Nội.
Trong vài tháng chương trình của VTV4 trên SBS mỗi ngày đã thực sự đe dọa cuộc sống bình yên của người Việt tự do tại Úc, bởi thế hằng chục ngàn người Việt khắp nước Úc đã liên tục xuống đường biểu tình chống SBS-VTV4.
Khi Bác sĩ Nguyễn mạnh Tiến, chủ tịch Cộng đồng NSW, lên tiếng kêu gọi 5,000 người biểu tình trước Trụ Sở chính của Đài SBS tại Sydney, ngày 28/10/2003 có trên 5,000 người biểu tình.
Khi Bác sĩ Nguyễn mạnh Tiến lên tiếng kêu gọi 10,000 người, ngày 2/12/2003 đã có 12,000 người từ các tiểu bang đổ về Sydney tham dự cuộc biểu tình.
Sức mạnh chính trị của Cộng Đồng Việt Nam đáng được ghi vào lịch sử nước Úc, lần đầu tiên và có thể là duy nhất một cộng đồng nhỏ đã buộc một cơ quan truyền thông Úc phải thay đổi chính sách truyền thông “độc lập” do họ đề ra.
Trong cuộc biểu tình ngày 2/12/2003, tôi mướn một xe buýt 12 chỗ ngồi chở bà con từ Canberra lên Sydney tham dự.
Trên đường trở về chúng tôi đồng ý với nhau nếu Bác sĩ Tiến kêu gọi lần thứ 3, chúng tôi sẽ vận động thêm nhiều người Canberra lên Sydney biểu tình.
Trong giai đoạn ông Trung làm chủ tịch đã bắt đầu các cuộc họp viễn liên (telephone conference) với các Cộng Đồng Tiểu Bang cùng Ban Cố vấn vào mỗi tối thứ hai đầu tháng để bàn luận và quyết định các vấn đề liên quan, đây là một cải cách quan trọng trong việc thông tin và lấy quyết định.

Duyên dáng Việt Nam và Nghị quyết 36/2004

Bước sang giai đoạn Bác sĩ Nguyễn mạnh Tiến làm chủ tịch (2004-2008) thách thức mới là Nghị Quyết 36 nhằm bình thường hóa các sinh hoạt của đảng Cộng sản tại hải ngoại.
Sự kiện đáng nhớ nhất là đoàn Duyên Dáng Việt Nam sang Úc trình diễn. Báo Thanh Niên đưa tin với trên 100 người trong đoàn, được Tòa Đại Sứ, Tòa Tổng Lãnh Sự tại Sydney, báo Thanh Niên, Vietnam Airlines và Sở Văn Hóa Thông Tin TP HCM cùng tổ chức.
Ngay khi biết tin đoàn văn công sẽ sang trình diễn tại Canberra vào tối ngày thứ Hai 31/10/2005, ông Lê Công chủ tịch Cộng đồng Canberra đã hỏi mượn nhà tôi để họp nên tôi còn nhớ rất rõ.
Cả một đoàn lên tới trên trăm người, tốn phí vài triệu Úc kim, vé vào cửa lại “tặng” ai muốn xem chỉ cần liên lạc Tòa Đại Sứ.
Tổ chức trình diễn vào tối thứ Hai để có thể mời các chính trị gia Úc, vì nếu tổ chức vào cuối tuần, các chính trị gia rời thủ đô Canberra về lại địa phương không ai ở lại tham dự.
Chỉ chưa đến một tuần Cộng đồng ra thông báo đã có trên 2,000 bà con tham dự biểu tình. Do sợ mất phiếu nên các chính trị gia được mời đều không tới.
Số khách tham dự hôm đó cũng chỉ chừng 300 khách, trong khi Canberra Theatre Center có thể chứa được 2,000 người.
Trong số 300 khách chính mắt tôi thấy hai xe buýt lớn chở hằng trăm người, không rõ là khách du lịch từ Việt Nam sang hay người từ các nơi khác được Tòa Đại Sứ mời tham dự. Nhiều sinh viên du học tại Canberra được phát vé mời, cho tôi biết họ không tham dự.
Đến Chủ Nhật 6/11/2005, Đoàn Duyên Dáng Việt Nam trình diễn tại Hội Trường Tòa Thị Chính (Town Hall) thành phố Sydney, bên ngoài lên tới 4,000 người biểu tình phản đối. Đoàn bỏ trình diễn ở 2 thành phố Melbourne và Adlaide, lên máy bay về nước.
Những người cộng sản rút ra bài học, từ đó không phô trương thực hiện Nghị Quyết 36 mà tìm cách chia rẽ cộng đồng bằng những cách thức mềm dẻo hơn như lập Hội Doanh Nhân Việt Nam hay cấp phép và trợ giúp ca sĩ, giới hoạt động dân sự, từ thiện trong nước ra hải ngoại trình diễn.
Có lần Bác sĩ Nguyễn mạnh Tiến, cựu chủ tịch Cộng Đồng, lên tiếng về một MC từ Mỹ sang dẫn chương trình ca hát bị Cộng Đồng phản đối. MC này đặt vấn đề tại sao ở Mỹ ông ta được quyền tổ chức còn khi sang Úc ông lại bị Cộng Đồng phản đối. Có người đặt ngược câu hỏi tại sao ca sĩ ông MC giới thiệu được phép sang Úc hát còn các ca sĩ khác không được phép sang.
Câu hỏi giờ được đổi lại là tại sao nhân vật “xã hội dân sự” A được phép liên tục sang Úc trình diễn, còn nhiều người khác cũng sinh hoạt xã hội dân sự lại bị ngăn cấm ngay tại phi trường không cho xuất ngoại, nhiều người còn bị khép tội nhốt tù.
Nghị Quyết 36 vẫn là thách thức lớn nhất cho cộng đồng hải ngoại, Cộng Đồng vẫn tiếp tục dựa vào Nội Quy để vận động người dân và sử dụng luật pháp tại Úc để chống lại nỗ lực bình thường hóa hoạt động của đảng Cộng sản tại Úc châu.

3 vị lãnh đạo khác
Các vị lãnh đạo Cộng Đồng Liên Bang đều đã từng lãnh đạo Cộng Đồng Tiểu Bang nên đều có lập trường dứt khoát, có kinh nghiệm điều hành cộng đồng và uy tín vận động người dân tham dự biểu tình.
Ông Nguyễn Thế Phong chủ tịch giai đoạn 2008-2012, Luật sư Võ trí Dũng chủ tịch giai đoạn 2012-2016 và ông Nguyễn Văn Bon đương kim chủ tịch giai đoạn 2016-2020, đều đã có thật nhiều đóng góp cho Cộng đồng ở cả cấp tiểu bang lẫn liên bang. Chúng tôi sẽ có những bài viết khác nói đến những đóng góp của ba vị nói trên.
Nhìn chung những người lãnh đạo cộng đồng và các Ban Chấp Hành không chỉ giữ vững một cộng đồng tự do, còn xây dựng tiếng nói với chính giới và công luận Úc. Họ còn đóng góp bảo tồn văn hóa dân tộc và hỗ trợ cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam.

2 thách thức …

Giữa tháng 6/2012 tại Đại Hội Cấp Liên Bang tổ chức tại Melbourne, các Tiểu bang đã đồng thuận chiến lược trẻ trung hóa sinh hoạt và thành phần lãnh đạo cộng đồng, chúng tôi sẽ đi sâu vào đề tài này trong các dịp khác.
Chính quyền tiểu bang Victoria đang lọt vào bẫy nợ “Một Vành Đai, Một Con Đường” do nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh tạo ra. Vay nợ hôm nay, con cháu chúng ta sẽ phải trả mai sau.
Theo tôi đây là một thách thức không riêng cho thành phần lãnh đạo cộng đồng, mà chung cho tất cả người Việt tự do đã từng trải những kinh nghiệm với cộng sản, Cộng đồng Người Việt Tự Do cần đề ra một chiến lược đấu tranh chống lại ảnh hưởng của cộng sản Bắc Kinh ngay trên nước Úc.

(Melbourne, Úc Đại Lợi)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen