Seite auswählen

 04/03/2020

Phạm Phú Khải

 

Việt Nam là một quốc gia trẻ. Trẻ ở đây là dân số. Tuy số liệu từ nhiều nguồn có thể khác nhau, điểm chung mà đa số các nguồn này đồng ý là rằng ít nhất có hơn 50 phần trăm dân số trẻ, từ 16 đến 30 tuổi, đang sinh sống tại Việt Nam. Dân số Việt Nam hiện nay ước đoán khoảng 97 triệu. Nếu thế thì có gần 50 triệu người Việt trở lên được xem là trẻ.

Theo Ngân hàng Quốc tế (World Bank) thì dân số Việt Nam vào năm 2018 là 97 triệu, trong đó 70 phần trăm dân số dưới 35 tuổi. Nhiều người Việt xem 35 tuổi là vẫn còn trẻ. Năm 2020 có thể gia tăng hơn chút. Nghĩa là có khoảng 68 triệu người Việt được xem là trẻ.

Dữ liệu mà tổ chức BMI đưa ra tuy chưa cập nhất nhất, nhưng cho biết đến cuối năm 2018 thì có khoảng 170.000 sinh viên học sinh đi du học trên toàn cầu. Phần lớn là tự túc, chiếm 90 phần trăm, không nhất thiết là con ông cháu cha và cũng không được học bổng hay hỗ trợ nào từ phía chính quyền.

Những người trẻ Việt Nam không dính liếu gì đến ĐCQVN, bao gồm cả 90 phần trăm người trẻ có cơ hội tự túc đi du học khắp nơi, nghĩ gì về tình trạng đất nước Việt Nam hôm nay? Phần lớn sinh sau 30 tháng Tư năm 1975, họ biết gì và nghĩ gì về chiến tranh Việt Nam? Họ hiểu cuộc chiến này ở hai, hay nhiều chiều, hay chỉ hiểu ở góc cạnh mà ĐCSVN và các bộ phận tuyên truyền và truyền thông của nhà nước này muốn họ hiểu thôi?

Nghĩ về đất nước Việt Nam hôm nay, giới trẻ Việt Nam tự hào hay tủi nhục? Hay không quan tâm/vô tư (indifference)? Quả thật là khó biết. Có lẽ chưa có một cuộc thăm dò ý kiến nào khách quan và tương đối rộng khắp, đại diện cho các tiếng nói khác nhau và nhiều thành phần trẻ khác nhau, được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị khó khăn, rắc rối hay trù dập từ phía chính quyền.

Suốt 45 năm qua, nhất là trong 10 đến 15 năm qua, ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam dám nói lên những gì họ nghĩ, cho dầu nó khác biệt hoặc đi ngược lại với quan điểm của nhà cầm quyền. Cho dầu họ đã bị bắt, đánh đập, ngược đãi và tù đầy. Cho dầu gia đình họ cũng bị áp lực, bao vây kinh tế, và ngay cả chính gia đình họ cũng xử dụng các hình thức dọa nạt, tống tiền bằng tình cảm (emotional blackmail). Tất cả phần lớn vì sợ, vì thương con, không muốn con mình bị đối xử tồi tệ, tù đầy v.v… Vâng, vẫn có những cá nhân can trường, vô úy như thế trong xã hội Việt Nam. Nhưng quá ít. Cho đến nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vì sao vậy? Tại sao một đất nước có hơn 50 triệu người trẻ, ngay cả 68 triệu người dưới 35 tuổi, mà số lượng người trẻ dám vượt qua sợ hãi, dám nói lên những suy nghĩ trái chiều, quá ít ỏi đến thế? Một hiện tượng xã hội hiếm có và khó hiểu. Nói thế nhưng tôi đã may mắn gặp được một số bạn trẻ rất gạn dạ và đang nỗ lực hết mình để mang lại những thay đổi nhỏ cho chính mình và xã hội chung quanh.

Những người trẻ sống ở Việt Nam cả đời thì khó lấy gì so sánh, mặc dầu ngày nay họ có thể truy cập thông tin trung thực hơn từ các mạng. Thông tin là một chuyện. Nhưng thời nay tin thật tin giả cũng tràn lan. Làm sao biết hư thực để so sánh? Và bao nhiêu bạn trẻ ngày nay ý thức làm điều này, có tư duy độc lập, có tinh thần và dám nối kết nhau? Hẳn nhiên là có, nhưng không ai biết rõ được con số. Chắc chắn thời nào cũng có những người lý tưởng, nhất là giới trẻ. Nhưng để trở thành sức mạnh như nước, để hội tụ các giọt nước này thành thủy triều, họ cần hiểu, thông cảm và hỗ trợ rất nhiều về mọi mặt.

Nhưng ngoài nguyên do bạo lực từ phía chính quyền, gia đình, theo tôi, vẫn là cản trở lớn nhất trong bối cảnh xã hội Việt Nam.

Những người trẻ được đi du học, mang quốc tịch Việt Nam đang ở khắp nơi, thì chủ yếu nỗ lực tìm kiếm mảnh bằng làm hành trang cho sự nghiệp của mình trong tương lai. Đó là mục tiêu mà đại đa số cha mẹ Việt Nam mong muốn. Rất chính đáng thôi. Đại đa số gia đình dành dụm tối đa để dồn khoảng 40 phần trăm, hay hơn, nguồn thu nhập gia đình cho con em mình có cơ hội được đi du học. Ngược lại, là thân phận làm con thấy cha mẹ làm việc khổ nhọc, người con nào mà không thương yêu bố mẹ mình và muốn tập trung học tập để có được mảnh bằng và công việc làm tốt. Được như thế thì bố mẹ họ đã mãn nguyện rồi. Cho nên rất hiếm có những bạn trẻ có tư duy độc lập để chọn con đường riêng cho mình. Sợ bao nhiêu phiền toái liên lụy và nhất là sợ bố mẹ buồn. Phụ thuộc kinh tế và nặng tình thương là hai trong các yếu tố chính tác động lên suy nghĩ và hành động của các bạn trẻ Việt Nam hôm nay.

Sống dưới một chế độ độc tài cộng sản, không ít thì nhiều bạn trẻ nào cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường giáo dục, bởi các chính sách giáo dục quái gỡ và phản khoa học trong đó vẫn còn phần nào đó đặt nặng hồng hơn chuyên. Hay nói theo ngôn ngữ “cởi mở” hơn chút từ ông Nguyễn Phú Trọng là vừa hồng vừa chuyên thì mới “tốt”. Thay vì đặt trọng tâm con người là chính, chế độ này chủ trương đặt các ý thức hệ chính trị vô bổ và ảo tưởng lên giới trẻ, từ mầm non đến tuổi trưởng thành như thế, muốn biến họ trở thành những người phục vụ đảng, không phải phục vụ cho đất nước dân tộc. Họ khôn khéo tuyên truyền để nhập nhằng hai là một. Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa v.v… Đảng và nhân dân là một.

Dân tộc Việt Nam đã đấu tranh hào hùng để chống ngoại xâm, nhất là kẻ thù phương Bắc, hàng ngàn năm qua. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ mới thành lập 80 năm qua. Họ muốn người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ sinh sau 1975, biết rằng chỉ có họ mới đánh thắng Pháp, Mỹ, Trung Cộng v.v… Họ muốn giới trẻ chỉ nghĩ rằng lịch sử Việt Nam cận đại là lịch sử bách chiến bách thắng do ĐCSVN lãnh đạo. Cũng như ĐCSTQ, họ muốn xóa bỏ, nếu được, không thì sửa lại và viết lại lịch sử, để các thế hệ hôm nay và mai sau không thắc mắc, không đặt vấn đề, và sau cùng chấp nhận phiên bản lịch sử này. Một phiên bản đầy dối trá, bóp méo sự thật, dựng chuyện từ không đến có, xóa cái từ có đến không!

Tôi có cảm tưởng đại đa số giới trẻ Việt Nam rất cô đơn, không có hướng đi, không thể nhìn ra một tương lai gì tích cực, bền vững chờ đợi họ. Con đường tốt nhất là tìm cho mình một công việc làm tốt ở một xã hội tiến bộ. Có thể tôi sai, nhưng nhìn chung thì 90 phần trăm, hay hơn, giới trẻ Việt Nam là như thế. Chúng ta có nên trách họ không? Chúng ta đã làm gì để giúp họ, nâng đỡ họ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức? Chúng ta có trình bày sự thật để họ tự tìm hiểu thay vì cũng tuyên truyền, nhồi nhét, áp đặt? Chúng ta có thật sự lắng nghe nguyện vọng của họ không hay bác bỏ mọi suy nghĩ tiếng nói của họ? Chúng ta đã làm gì để truyền cảm hứng và tinh thần lên cho họ thay vì nghi ngờ và chủ trương không tiếp cận?

Đây là những câu hỏi mà những người quan tâm đến đất nước cần phải thực lòng suy nghĩ và trả lời. Chất xám và tương lai nằm ở đó, nhưng cứ nhìn họ như mối đe dọa thay vì có tinh thần tự tin để nhìn thấy là cơ hội quý báu.

Khi không hiểu một đối tượng trẻ với một tiềm năng khổng lồ, và là tương lai của đất nước, và có sức mạnh chuyển hóa xã hội, thì chúng ta đã thất bại ngay từ đầu. Làm sao có thể kết nối với họ hay ảnh hưởng tích cực lên họ nếu chúng ta không hiểu họ gì cả? Không hiểu cả những người trẻ tại Việt Nam và những sinh viên đang du học đang nghĩ gì muốn gì!

Trong bài viết tới, tôi sẽ chia sẻ một số suy nghĩ của các nhà hoạt động tại Việt Nam để hy vọng qua đó giúp cho tất cả những ai quan tâm phần nào hiểu hơn về suy nghĩ của một số thành phần giới trẻ hôm nay, dù chúng ta có đồng ý với họ hay không.

.

Trong thời gian qua, tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với một số bạn trẻ Việt Nam. Không nhiều. Chừng 20 bạn trở lại. Tất cả các bạn đều là những người lý tưởng muốn góp phần thay đổi xã hội ngày một tốt hơn. Có thể nói các bạn là những người phi thường trong một bối cảnh xã hội bất thường!

Đầu tiên là họ phải vượt qua được chính mình, các cám dỗ của cuộc sống vật chất chung quanh. Hồi xưa ai cũng nghèo như nhau. Đi hoạt động hiếm có ai mà có tiền. Ngày nay thì hoàn toàn khác. Đi hoạt động là một hy sinh lớn, một sự chọn lựa lắm rủi ro và đầy bất an.

Kế đến là phải vượt qua được những lo lắng và áp lực của gia đình. Đây là cửa ải lớn nhất, khó khăn nhất đối với các bạn. Đại đa số các bạn đều phải vượt qua các áp lực này, hoặc nếu không qua nỗi thì tìm cách dấu gia đình và hy vọng một ngày nào đó gia đình đành phải chấp nhận. Nỗi lo bị an ninh biết những hoạt động của các bạn chưa chắc lớn bằng nỗi lo canh cánh về bố mẹ có hiểu, chấp nhận, khoan nói đến hỗ trợ các việc làm của mình? Hay bố mẹ sẽ tìm mọi cách cản trở, kể cả các hình thức dọa nạt, tống tiền bằng tình cảm (emotional blackmail)?

Sau cùng là va chạm thực tế. Dù có lý tưởng cao cả, các bạn sẽ sống ra sao? Sẽ làm gì vừa để sinh nhai vừa hoạt động? Nếu hoạt động thì lấy gì để sinh nhai? Nếu sinh nhai thì làm sao hoạt động cho hiệu quả? Còn nếu làm cả hai thì chẳng gì ra gì, họ biết vậy!

Nhìn chung quanh ai cũng chạy theo đồng tiền. Ai cũng “thực tế”. Còn các bạn, chỉ bất nhiêu người làm sao thay đổi được gì?

Những câu hỏi này, tuy các bạn không có câu trả lời, nhưng tâm hồn và tấm lòng cứ kêu gọi các bạn tiến tới. Nó không ngừng thúc dục. Tôi thương mến và khâm phục các bạn quá.

Trong cuộc trao đổi mới đây với bạn Minh Tâm, một nhà hoạt động tại Việt Nam, tôi hỏi bạn nghĩ sao về các phong trào và các tổ chức đấu tranh tại hải ngoại? Bạn nói rằng thú thật với anh, nói ra thì xúc phạm và có thể làm anh và người khác buồn, nhưng em thấy “phong trào bên ngoài chẳng ăn nhập gì với trong nước”. Tôi hỏi thêm bao nhiêu điều và Minh Tâm chia sẻ thêm như sau:

“Vấn đề của người Việt Nam cũng không phải phức tạp gì lắm anh ạ.

Thật ra thì không phải người Việt trong nước họ không biết, mà họ sợ, rồi nó thành mãn tính, cho nên họ chỉ biết lo cho thân của họ trước.

Kế đến, họ cứ nghĩ chống đối là bị bắt …, nhưng thực tế không phải như thế. Mình làm sao giúp cho họ thấy và biết nhiều cách khác nhau để họ tham gia.

Rồi sau đó dần dần kết nối họ lại với nhau.

Nhưng để làm như thế thì cần có khả năng thuyết phục.

 

Tuy nhiên phong trào đấu tranh đa phần, không phải là tất cả, chỉ biết chửi bới. Ngoài ra thì vẫn có tư duy tự cho mình là tinh hoa, và muốn lãnh đạo người khác. Thêm vào đó, họ kêu người trong nước thay đổi tư duy, từ bỏ cái tôi, mà họ lai không từ bỏ cái tôi của mình để tạo ra cái tôi mới với người trong nước. Sau cùng họ đặt nặng vào hình thức, chấp vào thể thức, hơn là thực sự muốn dân chủ tự do cho Việt Nam. Em có cảm tưởng nhiều người vẫn muốn đấu tranh cho cái nền dân chủ tự do của trước năm 1975, trong khi dân chủ đã tiến rất xa rồi.

Còn những người có nhân cách tại Việt Nam họ thấy những người khác không bằng họ nên họ không tin và thậm chí coi thường.

Cho nên những người hoạt động trước tiên phải trở thành người đàng hoàng.

Rồi làm các công việc thiết thực.

Thì sẽ dần dần mang lại thay đổi.

Chứ em thấy 45 năm rồi, có hàng trăm tổ chức bên ngoài, bỏ biết bao nhiêu tiền và sức lực, nhưng có thực sự tạo ra sự thay đổi gì không? Trong nước có mấy ai biết đến họ không? Hay chỉ là đấu tranh cho thỏa nỗi hận của mình?…”

Những lời nói thật lòng của Minh Tâm, dù có thể khó nghe đối với nhiều người, đã làm tôi suy nghĩ nhiều.

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Đã 45 năm rồi, đã đến lúc chúng ta cần chăm chú lắng nghe bằng hai lỗ tai, bằng tấm lòng thành, bằng tình thương, sự đồng cảm và sự tôn trọng ý kiến của mỗi và mọi thành viên có tấm lòng cho Việt Nam, dù họ có trẻ đến mấy. Dù họ chỉ mới 15 hay 18 tuổi, 30 hay 35 tuổi. Tự do ngôn luận của mỗi người phải được tôn trọng phải không ạ? Trên hết, họ đáng được kính trọng và trân quý bởi vì sự dấn thân và hy sinh của họ, ít có ai trong chúng ta ở hải ngoại hiểu thấu được.

Tôi cũng thực hiện một cuộc khảo sát rộng hơn, tuy vẫn còn giới hạn, với các nhà hoạt động tại Việt Nam cũng như các bạn trẻ trong và ngoài nước. Tôi sẽ trình bày những suy tư và ý kiến thẳng thắn của các bạn trong các bài tới.

 

Người trẻ nghĩ gì về 30 tháng Tư (phần 3)?

 


bảng cổ động “Toàn dân đoàn kết để bảo vệ miền Nam, giải phóng miền Bắc” trước 1975 ở Sài Gòn.

 Trong những ngày qua tôi đã thực hiện cuộc khảo sát với hai nhóm bạn trẻ. Nhóm đầu tiên là những bạn tôi quen biết trực tiếp, nên tôi gửi các câu hỏi sau đây nhờ các bạn nếu có thì giờ thì viết vài cảm nghĩ về các vấn đề sau đây. Tôi nói rằng trả lời ngắn dài gì cũng được, nhưng cần nhất là sự trung thực.

Bốn câu hỏi này như sau.

Một, 30 tháng 4 có ý nghĩa gì với bạn không?

Hai, những gì người Việt hải ngoại làm trong 45 năm qua: đâu là điểm mạnh, tích cực? Đâu là điểm yếu, không cần thiết? Đâu là những điều cần thay đổi, cải tiến?

Ba, giới trẻ trong nước nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay?

Bốn, theo bạn thì có nhiều người trẻ Việt Nam muốn thay đổi hiện tình đất nước hay không? Tại sao có? Tại sao không?

Lẽ ra nhiều hơn 10 bạn tham gia cuộc khảo sát chi tiết này nhưng có bạn đang bận, có bạn đang bị an ninh theo dõi v.v… nên chỉ còn bảy bạn tham gia.

Sau đó, một nhà hoạt động trong nước đã giúp tôi khai triển các câu hỏi này thành một cuộc khảo sát lớn hơn, tổng cộng 12 câu hỏi. Phần lớn là chọn một trong các câu trả lời có sẵn (multiple choice questions), chỉ có câu cuối là để các bạn tự do điền vào câu trả lời hay suy nghĩ của mình. Cho đến nay đã có 75 người trẻ tham dự, đa số là các nhà hoạt động hoặc có sự quan tâm đến tình hình đất nước.

Trong các bài tới, tôi xin tập trung vào cuộc khảo sát vòng nhỏ, các nhà hoạt động mà tôi quen biết. Các bài sau đó nữa thì sẽ bàn về cuộc khảo sát vòng lớn.

Về các câu hỏi tôi đặt ra, có bạn trả lời một cách vắn tắt và cũng có bạn trả lời rất dài và chi tiết, như bạn Trần Đông hay Trương Thị Hà. Các bạn trình bày ý kiến của mình bằng cách nêu ra nhiều vấn đề về lịch sử, bang giao quốc tế, và chính trị quyền lực. Tôi xin trích một số đoạn và sẽ đăng nguyên bài viết dài của một số bạn trong Diễn Đàn VOA để mọi người cùng tham khảo.

Biển Ngọc: 30 tháng Tư là “ngày tuy em chưa được trải qua nhưng có thể hiểu được những người biết rõ thế nào là cộng sản đã hoảng sợ đến mức nào và những người chưa biết rõ cộng sản là gì cũng bắt đầu kinh qua những điều họ từng được nghe về những người và chế độ cộng sản.

Biển Ngọc chia sẻ thêm như sau: “Chính nghĩa thua rồi nên danh dự cũng chẳng còn! Dân Việt mất chính mình từ ngày đó rồi nên giờ nhà nước cộng sản có cố gắng bao nhiêu về văn hóa thì cũng chỉ là tô vẽ bên ngoài, chứ thực chất truyền thống bên trong đã mai một và bị băng hoại… Chỉ buồn một điều là Việt Nam Cộng Hòa đã thoát tư duy lệ thuộc tàu còn cộng sản thì lại tìm tới điều đó!

Trần Đông: “Chiến tranh Việt Nam 1954-1975 thường được một số học giả gọi là “cuộc chiến tranh tương viện”, ai nhận được nhiều viện trợ hơn sẽ thắng. Vì hai bên trực tiếp tham chiến đều dựa vào viện trợ nước ngoài. Bắc Việt dựa vào khối Xã hội Chủ nghĩa, nòng cốt là Xô-Trung. Nam Việt dựa vào khối Tư bản, do Mỹ lãnh đạo.

Trần Đông chia sẻ thêm như sau: “Đối với Bắc Việt thì đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào một học thuyết ngoại lai. Bất chấp mọi hậu quả để áp đặt vào đất nước Việt Nam.

Đối với Nam Việt thì bị Đồng minh chi phối quá nặng nề, dẫn đến không thể tự quyết việc nội trị.

Ở một góc độ nào đó thì cả hai miền đều là nạn nhân. Trung Quốc sẵn sàng bắt tay với Mỹ để ép Bắc Việt giữ nguyên hai miền chia đôi. Mỹ chỉ cho phép Quân lực miền Nam phòng thủ chứ không tấn công qua vĩ tuyến 17. Trong trường hợp này sự việc chỉ khác ở chỗ, các lãnh đạo miền Bắc có thể đi gần hơn với Liên Xô khi bị Trung Quốc bỏ rơi, còn Việt Nam Cộng Hoà chỉ có thể đầu hàng khi đồng minh Mỹ tháo chạy.

Như vậy, 30/4 là ngày chúng ta nên tưởng niệm về thời kỳ đất nước chúng ta rơi vào những âm mưu chính trị và là nạn nhân của các thế lực ngoại bang. Theo đó chúng ta cần xoá bỏ quá khứ đau thương này và bắt tay với nhau xây dựng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Nam Hải: “Là một người trẻ được sinh ra và lớn lên trong nước, lại sau 1975 rất xa, thì đến tận bây giờ đối với em ngày 30 tháng Tư không có gì quá đặc biệt, chỉ trừ việc nó được xem là “lễ lớn” nên khi còn đi học thì được nghỉ học, lớn lên đi làm thì được nghỉ làm.

Khi dấn thân sâu vào con đường hoạt động, qua tìm hiểu nghiên cứu thì được biết nhiều hơn về VNCH và ngày mà nó sụp đổ. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ giúp một người trẻ trong nước như em biết về một thời kỳ lịch sử biến động, ngoài ra không có gì hơn. Nói chung không mang lại cảm xúc hay ý nghĩa gì đặc biệt.

Nhất Tâm: “Ý nghĩa 30 tháng 4 với em cũng thay đổi nhiều theo thời gian. Nhận thức những năm thanh niên đầu là ngày vui thống nhất đất nước. Đến năm 25 tuổi khi nhận ra sự thật thì cảm thấy đó là ngày buồn của dân tộc khi niềm hy vọng xây dựng một Việt Nam văn minh và tự do của bao thế hệ đã hy sinh phải tan biến. Hầu hết những trí thức tinh hoa ở miền Nam đều phải ra đi tạo ra một sự đứt gãy văn hoá, mất đi sự kế thừa tri thức giữa các thế hệ.

Nhật Nguyệt: “Đối với em khi còn đi học và làm việc tại Việt Nam thì 30 tháng 4 thực chất chỉ là một ngày nghỉ. Mọi người thích ngày đó vì được đi chơi.

Còn giờ em thấy đó là cơ hội để mình tập trung làm truyền thông về các vấn đề liên quan tới lịch sử.

Dương Ngọc: “Đối với em ngày 30/4 là ngày đại tang cho nền dân chủ duy nhất của Việt Nam. Nền dân chủ đó mới được thai sinh, đang còn non trẻ, đã chết yểu trước khi chưa kịp lớn mạnh. Ngày mà dù thống nhất về mặt địa lý, nhưng chia rẽ sâu sắc lòng người, có những hố sâu dường như không bao giờ có thể lấp đầy.

Trương Thị Hà: Vào dịp 30 tháng Tư năm trước, bạn Trương Thị Hà đã viết một bài thẳng thắn về đề tài này. Hà chia sẻ: “Cách đây vài năm, những ai gọi ngày 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi chưa tin họ. Những ai gọi ngày 30/4 là ngày quốc tang, quốc hận, tôi cũng chưa tin họ. Tôi không tin ai hoàn toàn khi tôi chưa tự đặt ra các câu hỏi và tự tìm hiểu về ý nghĩa thực sự của ngày 30/4.

Có thể tóm gọn các ý chính của bài này như sau: càng biết về 30 tháng Tư Hà càng cảm thấy bị lừa dối; 30 tháng Tư chẳng khác gì ngày quốc tang, dù Hà sinh ra và lớn lên tại miền Bắc; dù gì thì Hà cũng không thấy đáng ăn mừng; 30/04 là ngày cho kẻ chiến thắng điên cuồng; 30/04/1975 là ngày đen tối cho thế hệ trẻ – tương lai của đất nước; nhưng đó cũng là ngày để suy ngghĩ về Tuổi trẻ, Trách nhiệm và Danh dự…

Hà kết luận: “Là một người trẻ, sống ở miền Bắc, không được cảm nhận trực tiếp về những nỗi đau và mất mát của người miền Nam Việt Nam. Thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà chúng tôi không hề tham dự, chúng tôi sẽ hành động, suy nghĩ độc lập, dũng cảm, biết đột phá, và cố gắng làm mọi thứ để giải phóng người dân khỏi chế độ độc tài, mang lại tự do thực sự cho người dân Việt Nam.

Bài tiếp theo, tôi sẽ trình bày suy nghĩ của các bạn về cộng đồng người Việt hải ngoại, mà đa số đã có dịp tiếp xúc, chứng kiến hoặc/và tìm hiểu.

 

 

Người trẻ trong nước nghĩ gì về cộng đồng người Việt hải ngoại (phần 4)?

 


Một lễ tưởng niệm 30 tháng Tư tại Little Saigon, California.

Trong cuộc khảo sát vòng nhỏ với các nhà hoạt động tôi quen biết, tôi hỏi các bạn nghĩ gì về cộng đồng người Việt hải ngoại? Tôi đề nghị trả lời ngắn dài gì cũng được, nhưng điều cần nhất là sự trung thực.

Cụ thể hơn là: “Những gì người Việt hải ngoại làm trong 45 năm qua: đâu là điểm mạnh, tích cực? Đâu là điểm yếu, không cần thiết? Đâu là những điều cần thay đổi, cải tiến?”

Sau đây là các góp ý thẳng thắn của các bạn.

Biển Ngọc: “Điểm mạnh thứ nhất mà em thấy được là việc thông tin lại các sự kiện lịch sử, chính trị kinh tế xã hội của miền Nam Việt Nam  điều mà những thế hệ sau 1975 không được biết. Nó quan trọng vì chính tất cả thông tin đó cho thấy sự thật về một thể chế có nền tảng khá tốt đã từng tồn tại trong lịch sử. Tự nó, sự thật làm dấy lên trong con người ta thao thức và hướng dẫn tới hành động.”…

Biển Ngọc chia sẻ thêm: “Bên cạnh đó, em nhận thấy có một vài điểm chưa được tích cực cho lắm trong cộng đồng yêu nước hải ngoại. Thứ nhất, thiếu sự thống nhất và sự hợp tác chung do ai cũng có cái tôi lớn luôn cho rằng chỉ có mình và nhóm của mình mới đúng. Thứ hai, chưa có cái nhìn đầy đủ về tình hình trong nước nhưng luôn chủ quan và thay vì hỗ trợ tích cực những người đấu tranh trong nước, một số thành viên của cộng đồng hải ngoại nhiều khi chỉ biết chê bai, coi thường và không hợp tác với người trong nước đủ và đúng cách. Thứ ba, hình như tất cả mọi người trong cũng như ngoài nước đang tập trung phần nhiều vào cái ngọn là muốn thay đổi thể chế liền mà quên mất cái gốc xây dựng con người. Nhiều tổ chức có tôn chỉ làm việc để xây dựng cái gốc đó nhưng khi vào việc lại cũng chưa tuột trên ngọn xuống được.

Nam Hải đã đóng góp các ý kiến về khía cạnh này như sau.

Điểm mạnh: Góp phần cùng người Việt đấu tranh trong nước mang câu chuyện Việt Nam ra thế giới; Thường xuyên có những hỗ trợ kịp thời cho các nhà hoạt động trong nước (chủ yếu về tài chính).

Chưa tốt: Nhiều hoạt động chỉ mang tính hình thức, chưa có chiều sâu và không thực tế. Gần như mọi hoạt động chỉ xoay quanh VNCH và “lá cờ”. Các hoạt động tiêu tốn không ít tài lực và vật lực nhưng chưa đóng góp hiệu quả cho phong trào trong nước, nếu không muốn nói là đóng góp không đáng kể. Ngoài ra, một số thành viên đấu tranh hải ngoại chưa hiểu rõ, hoặc gần như hoàn toàn không hiểu gì về tình hình thực tế tại Việt Nam nên còn mang suy nghĩ phiến diện, từ đó có tâm lí áp đặt với các nhà hoạt động trong nước. Thêm vào đó, một số thành viên hải ngoại có tâm lý chống Cộng cực đoan, xúi giục người hoạt động trong nước sử dụng bạo lực. Và họ cũng chưa thấu hiểu, thông cảm và bao dung được với các nhóm người Việt khác như: du học sinh từ trong nước ra nước ngoài học, các nhà hoạt động bí mật, 

Nhưng để những việc trên mang lại hiệu quả cao nhất, nó cần được thực hiện một cách có tổ chức, bài bản và đồng bộ. Ví dụ: thành lập các quỹ bảo trợ chuyên xét duyệt hỗ trợ các dự án trong nước, thay vì tổ chức vận động quyên góp vất vả nhưng lại đem cho đi một cách có phần dễ dãi, không có mục đích rõ ràng, không đổi lại được hiệu quả đáng kể.

Thành lập các nhóm y bác sĩ chuyên tư vấn hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe thể chất/tâm lý cho các nhà hoạt động trong nước: có thể tư vấn từ xa về việc chăm sóc vết thương sau khi bị đánh đập (vì hầu hết người bị công an đánh đập không dám đến các cơ sở y tế để điều trị), đặc biệt là tư vấn hồi phục tâm lý cho các nhà hoạt động – những người thường xuyên bị khủng bố bởi công an, an ninh… (các đối tượng cần giúp đỡ đặc biệt nhiều khi Việt Nam nổ ra các cuộc biểu tình và hậu biểu tình)

Nhất Tâm: “Điểm tích cực của người Việt Hải Ngoại là hỗ trợ rất tốt phong trào trong nước về nguồn lực tri thức và tài chính. Tuy nhiên vì không sống ở trong nước và cảm nhận sự chuyển động xã hội và con người bên trong như thế nào, thường chỉ thấy sự việc qua thông tin trên mạng nên khó nhận định vấn đề đầy đủ. Do đó mà một số sự kêu gọi thường vội vàng và không đúng với tâm lý phần đông người dân quốc nội. Nên thay tâm thế truyền thông “chống cộng” bằng một đường hướng mới, một tương lai hậu cộng sản như thế nào!.

Nhật Nguyệt: “Với người Việt hải ngoại em thực chất em không hiểu rõ, nên chỉ nhận xét sơ sơ:

Điểm tích cực: Giữ lại được những nét văn hóa và tài liệu cũ của Việt Nam; phổ biến rộng rãi văn hóa Việt Nam trên thế giới; có những tấm gương thành công của người Việt, giúp cho người trong nước biết được giá trị của người Việt Nam.

Điểm tiêu cực: Nhiều người chửi cộng sản nhưng không đưa một giải pháp gì; tiếc thương chế độ cũ quá mức trong khi thực chất không quan tâm người Việt trong nước; nhiều người coi mình là người Úc, Mỹ, Pháp… rồi quên đi nguồn gốc; nhiều doanh nhân lại về Việt Nam bắt tay với chính quyền.

Điều cần cải tiến: Em hy vọng sẽ có nhiều người thành công ở hải ngoại sẽ lên tiếng về vấn đề Việt Nam.

Trương Thị Hà: Đã chia sẻ cách nhìn của Hà trong bài viết về 30 tháng Tư năm 2019.

Dương Ngọc: “Có một điều mà em luôn cảm thấy cảm kích đó là, những người Việt Nam ở hải ngoại vẫn luôn hướng về Việt Nam, hướng về những người đồng bào trong nước, vẫn luôn mong chờ ngày trở về quê hương và mong mỏi Việt Nam có dân chủ thực sự.

Điểm yếu: Sử dụng cờ vàng trong đấu tranh dân chủ. Hầu hết những người dân trong nước đã bị tẩy não bởi giáo dục hoặc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ ít hiểu rõ cũng như có kiến thức sai lệnh về lịch sử. Em không có ý kiến về việc mọi người sử dụng hay tôn thờ một lá cờ nào cả. Tuy nhiên, nếu dùng cờ vàng đem vào đấu tranh sẽ gây ra tâm lý e ngại cho người dân trong nước và không được sự ủng hộ của đa số họ. Nhất là của những người chỉ đơn thuần muốn đấu tranh cho nền dân chủ, họ không muốn bàn đến cờ đỏ cờ vàng, ít nhiều họ sẽ có những e ngại để từ chối bước vào phong trào. Bên cạnh đó, việc cờ vàng bị đảng cộng sản Việt Nam quy chụp là phản động, khủng bố, theo Mỹ cũng khiến người dân trong nước lo sợ và xa lánh.

Tựu chung những nhà hoạt động tích cực như các bạn này đã tìm hiểu, tiếp xúc, và có thông tin nhiều chiều. Các bạn cũng tận mắt chứng kiến phần nào các hoạt động của người Việt hải ngoại khi có dịp ra nước ngoài. Quan trọng hơn hết, các bạn thừa biết rằng những thông tin từ truyền thông chính mạch trong nước đối với người Việt hải ngoại là toàn tuyên truyền nên các bạn đã cân nhắc trước khi trả lời.

Các trả lời thẳng thắn trên đây cho thấy một số nhà hoạt động trong nước ghi nhận vai trò và đóng góp rất lớn của người Việt hải ngoại. Bên cạnh đó đa số các bạn Họ nghĩ rằng người Việt hải ngoại chưa nắm rõ được tình hình trong nước và tâm lý người dân. Người Việt hải ngoại vẫn còn chủ quan, thường hoài niệm về quá khứ quá nhiều như VNCH và “cờ vàng” v.v…, hơn là những gì thiết thực đóng góp cho phong trào đấu tranh mang tính đường dài và có viễn kiến. Họ cũng mong rằng người Việt hải ngoại tìm tìm ra được các phương thức mới, sáng tạo, thích hợp và hiệu quả trong tình hình thay đổi rất nhanh tại Việt Nam so với các thập niên trước.

Bài tiếp theo, tôi sẽ trình bày giới trẻ trong nước nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay.

 

 

Người trẻ nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay (phần 5)?


Khoảng 10 nhà hoạt động biểu tình về vụ Bãi Tư Chính ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 6/8/2019. Hình minh họa.

Trong hai bài trước, một số nhà hoạt động Việt Nam đã chia sẻ cảm nghĩ về ngày 30 tháng Tư. Qua thông tin, tiếp cận và kinh nghiệm làm việc, các bạn cũng đã đưa ra nhận xét về cộng đồng người Việt hải ngoại.

Những suy nghĩ và góp ý của các bạn về hoạt động của cộng đồng người Việt hải ngoại trong 45 năm qua có thể sẽ làm một số người khó chấp nhận. Dù sao đi nữa, các bạn cũng đều rất trân quý mọi đóng góp của những người Việt yêu nước trong hơn bốn thập niên qua. Các bạn chủ yếu phản ánh sự quan sát và quan tâm của mình để qua đó, hy vọng rằng, những nguồn lực hiếm hoi có thể được tập trung và ưu tiên để đạt hiệu quả hơn.

Câu hỏi kế tiếp mà tôi đặt ra với các bạn là những người trẻ mà các bạn quen biết đang nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay?

Sau đây là những chia sẻ của các bạn.

Biển Ngọc: “Theo ý chủ quan của em, hiện giới trẻ trong nước có thể được chia thành 2 khối chính: khối muốn an phận và khối không muốn an phận.

Khối muốn an phận nhằm chỉ tất cả những người trẻ mà với họ các vấn đề về xã hội dân sự và chính trị là những vấn đề nhạy cảm, không an toàn và không nên có bất cứ sự liên quan nào! Khối này khá thờ ơ với hiện tình xã hội… Rõ ràng mưu cầu hạnh phúc là điều chính đáng nhưng chỉ lo việc đó mà làm ngơ trước mọi bất công xung quanh mình thì đã góp phần nào duy trì thể chế cộng sản Việt Nam vậy.

Khối thứ 2 là khối không muốn yên phận. Em thiết nghĩ có thể chia thành 3 nhóm nhỏ:

Thứ nhất: nhóm những người cờ đỏ – con em các gia đình “đỏ”, từ nhỏ đã thấm nhuần chủ nghĩa Mác  Lê và hiện vẫn đang sống bên trong bộ máy nên dù muốn dù không, họ phải luôn đặt mình dưới ý nghĩ “đảng còn mình còn”…

Nhóm thứ hai là các bạn cờ vàng: các bạn này là những bạn trẻ có lòng với đất nước, thấy được, thấy rõ hiện trạng đất nước và phần nào chịu ảnh hưởng của đời sống văn hóa chính trị kinh tế xã hội hấp dẫn của miền nam Việt Nam trong quá khứ cũng như hấp thụ các yếu tố văn minh phương tây nên các bạn yêu mến là cờ ba sọc đỏ hơn…

Nhóm thứ ba  khát vọng dân chủ thật sự. Em mạo muội cho rằng ai cũng hiểu nhóm này là nhóm như thế nào rồi. Dạ phải, các bạn trẻ thuộc nhóm này là những bạn có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị hiện tại cũng như trong quá khứ của đất nước mình…

Với bạn Nam Hải thì những người ít có cơ hội ra nước ngoài nghĩ rằng Việt Nam ngày càng phát triển, hiện đại, giàu có… Còn những những người có nhiều cơ hội ra nước ngoài hơn thì lại thấy rằng “người Việt Nam bị xem thường, Việt Nam thua kém các nước khác, vấn nạn xã hội (thực phẩm bẩn độc hại, môi trường ô nhiễm,…). Họ biết rằng Việt Nam cần thay đổi nhưng không biết bằng cách nào? Họ không đủ dũng cảm tham gia vào tiến trình thay đổi đó. Họ chọn rời bỏ đất nước bằng cách ra nước ngoài học, rồi sau đó định cư.

Nhất Tâm: “Những bạn trẻ mà em có dịp tiếp xúc trong giới làm việc xã hội thì hầu hết đều mong muốn sự thay đổi. Nhưng thường chọn cách đi an toàn là làm kinh tế, giáo dục hoặc môi trường, né tránh các vấn đề trực tiếp về chính trị như dân chủ và quyền. Còn phần đông các bạn trẻ khác thì bàng quan với thời cuộc, chỉ chạy theo các hình thức vật chất, sống thiếu lý tưởng.

Nhật Nguyệt: “Giới trẻ chia làm 2 phía. Một bên là như bọn em, bất đồng chính kiến. Tuy nhiên ít người dám làm hoặc hoạt động, vì sợ hoặc nghĩ làm sẽ không làm được gì. Nhiều bạn bất đồng nhưng vẫn nghĩ là kiếm tiền sống tạm ổn là được. Đặc biệt là phần lớn người giỏi và có hiểu biết hiện tình sẽ tìm cách đi nước ngoài rồi ở luôn, không cần về nữa.

Bên khác là những người vẫn tin vào Đảng. Vì cho rằng những vấn đề ở Việt Nam nơi nao cũng có, họ sống tốt với chế độ hiện tại. Nhiều người ủng hộ vì đem lại quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, thực chất nhiều bạn bè em mặc dù chịu đàn áp, hoặc có hiểu biết hiện tình, nhưng vẫn nghĩ do người làm sai, còn lý tưởng của Đảng không sai.

Dương Ngọc: “Hầu hết những người bạn của em đều cảm thấy xã hội Việt Nam hiện nay và tình hình đất nước là yên bình và ổn định. Nếu không đồng ý với một vấn đề/chính sách xã hội gì đó thì họ thường chọn cách chấp nhận thay vì muốn thay đổi. Họ cho rằng bất kì một đất nước nào cũng có vấn đề, Việt Nam cũng không ngoại lệ, đảng cộng sản VN lãnh đạo đối với họ như vậy là đủ tốt và nếu có sự thay đổi chính trị xảy ra chưa chắc sẽ tốt hơn. Do đó, họ hài lòng với tình hình đất nước hiện tại.

Trương Thị Hà thì đã chia sẻ cách nhìn của Hà qua bài viết về 30 tháng Tư năm 2019.

Nhắc đến chính trị thì mặt bạn nào cũng ngáo ngơ. Phỏng vấn hỏi Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội cũng nhe răng ra cười, lắc đầu không biết. Đó là những người lãnh đạo và quyết định đến vận mệnh của đất nước, đó là những người quyết định đến việc các bạn đi học phải đóng bao nhiêu tiền, quyết định giá lít xăng các bạn đổ mỗi ngày, quyết định nợ công của bạn ngày hôm nay và con cái bạn ngày sau. Chính trị là một khái niệm dễ gây dị ứng. Nó được hiểu như là một lĩnh vực khô khan, gây nhức đầu, chóng mặt và bất an. Nhưng các bạn phải quan tâm đến nó. Nếu các bạn cứ để chính quyền độc tài chính trị, các bạn sẽ sớm là nạn nhân của việc thờ ơ với chính trị.

Có thể nói chỉ nội trong nhóm nhỏ các bạn này thôi cũng đã cho thấy những nhìn nhận vấn đề khá khác nhau. Biển Ngọc và Nam Hải nhìn thấy được một xã hội rất đa dạng, tùy hoàn cảnh của mỗi bạn trẻ, và tùy theo họ có cơ hội nhìn thấy bức tranh lớn hơn xã hội Việt Nam mà họ đã sống hay không. Nhất Tâm nhìn nhận rằng nhiều người trẻ muốn thấy sự thay đổi nhưng vẫn chọn cách an toàn, trong khi phần lớn giới trẻ thì bàng quan với thời cuộc. Nhật Nguyệt có vẻ đồng ý với Nhất Tâm, nhưng cũng nhìn thấy rằng có một phần không ít giới trẻ vẫn tin vào lý tưởng của Đảng và cho rằng người ta làm sai chứ không phải do Đảng sai. Luận điệu đã được biện minh xưa lắm rồi. Dương Ngọc nhận xét rằng phần lớn các bạn của mình không tin thay đổi sẽ tốt hơn, và họ hài lòng với tình hình hiện tại. Hà lý luận rằng nhiều người trẻ không thật sự hiểu sâu sắc về tình hình chính trị, nếu không nói là quá thờ ơ, vì vậy, sớm muộn gì họ cũng sẽ dễ trở thành nạn nhân của thái độ thờ ơ này.

Bài tiếp theo, tôi sẽ trình bày vấn đề là liệu các nhà hoạt động Việt Nam hiện nay có lạc quan khi nghĩ rằng sẽ có nhiều người trẻ muốn thay đổi hiện tình đất nước hay không?

 

 

Người trẻ có muốn thay đổi đất nước (phần 6)?


Một cuộc biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng tại Việt Nam.

Trong các bài viết trước, các nhà hoạt động tại Việt Nam đã trình bày một bức tranh xã hội không mấy gì lạc quan lắm. Theo cái nhìn thực tế của các bạn thì đại đa số người trẻ Việt Nam có vẻ còn thờ ơ với thời cuộc; ngay cả những người quan tâm thì họ cũng không biết phải làm gì để tạo nên thay đổi và phần lớn, chỉ muốn tìm con đường an toàn để thực hiện các ước mơ của mình. Họ muốn tránh né các vấn đề chính trị, nhạy cảm, rủi ro v.v… Những ai có khả năng thì tìm con đường xuất ngoại vì viễn ảnh tương lai ở đó tươi sáng hơn. Ngay cả khi nhìn như thế, các nhà hoạt động này vẫn lạc quan. Dù biết mình chỉ là nhóm thiểu số, nhưng họ vẫn muốn góp phần thay đổi xã hội trong khả năng của mình. Họ không bỏ cuộc và mong muốn trở thành chất xúc tác để tạo nên thay đổi, dù nhỏ nhoi đến mấy.

Câu hỏi sau cùng tôi đặt ra với các nhà hoạt động Việt Nam là các bạn có nghĩ rằng có nhiều người trẻ VN muốn thay đổi hiện tình đất nước hay không?

Sau đây là các chia sẻ của các bạn.

Biển Ngọc cho rằng tuy có nhiều người trẻ hoạt động, nhưng có một thiểu số đáng chú ý nhất. Biển Ngọc nói: “Có một nhóm trẻ khát vọng dân chủ thật sự… Các bạn này có thể có cái túi rỗng nhưng cái đầu và trái tim thao thức về Việt Nam thì luôn tràn đầy. Các bạn nhóm này nhìn Việt Nam như nó là – với tất cả vẻ đẹp, vết thương và viễn cảnh tương lai một cách khách quan và kiên định. Điều đáng thán phục nơi nhóm này là họ thấy nhưng người bên kia chiến tuyến cũng là con người và cũng là người Việt Nam, cũng muốn dấn thân theo lý tưởng dầu đường hướng có khác nhau.

Nam Hải biện luận rằng những khó khăn đối diện hiện nay đã phần nào làm cho các bạn trẻ Việt Nam nhìn ra được vấn đề nằm ở đâu. Nam Hải chia sẻ: “Mạng internet, phim ảnh nước ngoài,… đã giúp giới trẻ trong nước nhận ra sự khác biệt của Việt Nam và phần còn lại của thế giới. Thông qua các cuộc biểu tình dù bị đàn áp nhưng vẫn có sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ điều đó cho thấy giới trẻ không quay lưng lại với các mối hiểm họa của đất nước.

Các cuộc tuần hành ăn mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chiến thắng cũng nói lên rằng giới trẻ có tinh thần tự hào dân tộc, có lòng tự tôn dân tộc (không bàn đến vấn đề màu cờ). Họ khát khao được thế giới ghi nhận và biết đến.

Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến một bộ phận không nhỏ giới trẻ nhận thấy cần thay đổi: việc được học hành trở nên khó khăn hơn (học phí tăng, chi phí sinh hoạt cao, con cái quan chức được nâng điểm làm giảm cơ hội của họ…). Sau khi tốt nghiệp thì không thể tìm được việc làm, tài năng không được trọng dụng…

Nhất Tâm cũng lạc quan với lý tưởng của người trẻ. Nhất Tâm nhận xét: “Theo em là có, vì tuổi trẻ nào cũng tràn đầy năng lượng và ít nhiều mang trong mình những lý tưởng sống nào đó. Khi các bạn nhận ra hiện tình đất nước thì thường muốn làm gì đó để thay đổi, như các phong trào môi trường, sống xanh tạo nên những cộng đồng khá đông. Các buổi hội thảo về những đề tài xã hội tại Sài Gòn và Hà Nội cũng thu hút rất nhiều, toàn gương mặt trẻ. Nhưng điểm mấu chốt vẫn là thay đổi như thế nào, đường lối ra sao, làm sao để xây dựng niềm tin được? Phong trào dân chủ trong nước vẫn chưa trả lời được những điều đó. Do vậy khó mà thu hút được nhiều người trẻ có tri thức cùng tham gia.

Theo Nhất Tâm thì lý tưởng của người trẻ lúc nào và ở đâu cũng có, nhưng cần có hướng đi rõ ràng để biến thành hành động cụ thể.

Nhật Nguyệt cũng có những nhận định tương tự. Nhật Nguyệt nói: “Em nghĩ đa phần người trẻ (ít nhất là bạn bè em) muốn có sự thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề lớn gây tranh cãi là sẽ thay đổi như thế nào?

Em có bạn bè là công an và quân nhân đều có ý là muốn thay đổi, nhưng muốn thay đổi từ Đảng về để kinh tế, tiền lương và cơ sở vật chất tốt hơn.

Còn bạn bè em kiểu trung lập hoặc có hiểu biết về hiện tình thì chủ yếu muốn thay đổi về phần kinh tế, như vấn đề hối lộ.

Những người như em thì muốn có sự thay đổi triệt để về phần chính trị.

Dương Ngọc thì bi quan hơn. Ngọc nhận xét: “Em cho là những người trẻ hiện nay muốn thay đổi tình hình đất nước là không nhiều. Bởi, giới trẻ hiện nay và thế hệ ba mẹ của họ được sinh ra và giáo dục trong chế độ cộng sản. Hơn nữa, cách giáo dục của gia đình và truyền thống xã hội Việt Nam luôn hướng trẻ con tới việc vâng lời người lớn thay vì được bày tỏ ý kiến. Những nền tảng đó khiến thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng chấp nhận những gì đã được định sẵn, ít đặt câu hỏi, ít bày tỏ quan điểm cá nhân và không phản biện những vấn đề đã đi vào khuôn mẫu.

Trong bài viết về 30 tháng Tư năm 2019, Trương Thị Hà không bàn về việc giới trẻ có muốn thay đổi không, nhưng Hà kêu gọi các bạn như sau:

Các bạn không cần phải có lý tưởng, chẳng cần phải làm điều gì đao to búa lớn, chỉ đơn giản là biết yêu thương, biết quan tâm và biết quan sát một chút. Trước đây, nếu chúng ta sống ở thời chưa có tivi và internet, chẳng ai trách các bạn bị nhồi sọ cả. Nhưng hiện nay, các bạn có tất cả mọi thứ trong tay, internet, smart phone, facebook… Nếu các bạn còn chưa nhận thức hoặc cố tình không chịu tìm hiểu, tôi xin thẳng thắn nói vào mặt các bạn: “Con người khác con vật ở chỗ là biết tư duy độc lập, biết yêu thương và cảm thông cho đồng loại. Nếu sống thờ ơ, vô cảm thì chẳng khác gì con vật cả!

Phần khảo sát với bảy nhà hoạt động trong nước, trên tổng số hơn 50 triệu người trẻ, hiển nhiên không phản ảnh được những suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam. Chúng ta cần phải khảo sát ít nhất vài ngàn bạn trẻ từ mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam để làm mẫu dân số thì mới hy vọng đúc kết được một số vấn đề mang tính khoa học và thực tiễn hơn. Tuy nhiên, qua các nhà hoạt động đã có nỗ lực tiếp cận với giới trẻ trong những năm qua, các bạn đã cho chúng ta thấy được phần nào những vấn đề của Việt Nam hôm nay. Tuy đại đa số giới trẻ thờ ơ với hiện tình đất nước, nhưng vẫn còn một thiểu số quan tâm, sẵn sàng dấn thân bất chấp mọi rủi ro và hiểm nguy để mong đem lại những thay đổi thiết thực. Những xúc tác thay đổi ở xã hội nào và thời đại nào cũng chỉ là thiểu số. Nhưng với một thiểu số quyết tâm, kiên trì cho đến cùng và thêm được sự hỗ trợ tích cực, thì chắc chắn họ sẽ mang lại những thay đổi lớn lao và thành công trên con đường dài.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen