Seite auswählen

Yến Phương

27-4-2020

Những ngày này, người dân Việt Nam ở trong nhiều tình cảm xáo trộn, khi thấy “giặc” Trung Quốc đang ngày đêm uy hiếp nước ta. Nỗi lòng của người dân cả nước, trong đó có em – một người con nước Việt, luôn tự vấn lòng mình, “ta phải làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”?

Xin tự giới thiệu với anh Phan Đăng, em chỉ là một nữ sinh Sài Gòn, sinh năm 1995, mới tốt nghiệp đại học luật, chuyên ngành luật quốc tế được 3 năm. Kiến thức của một cô gái nhỏ như em, chắc chưa theo kịp với một nhà báo tiếng tăm tầm cỡ như anh. Nhưng em mạo muội nói thẳng với anh một số vấn đề.

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, em cũng rất say mê chương trình “Lẩm Bẩm 24h” của anh Phan Đăng trên kênh YouTube. Thế nhưng, khi nghe anh Phan Đăng “lẩm bẩm” trên trang YouTube của anh về đề tài Biển Đông – kiện hay không kiện, em từ kinh ngạc chuyển sang phẫn nộ.

Clip này, anh Phan Đăng nói khoảng hơn 36 phút, em đã phải nghe ít nhất 5 lần, để hiểu được vì sao Việt Nam “không chịu phát triển” và trở nên yếu hèn như vậy? Vì sao giới trẻ Việt Nam nhiều người không yếu ớt về thể chất, nhưng lại bạc nhược về tinh thần? Vì có những con người như anh, Phan Đăng ạ.

Trong bài nói chuyện gần 40 phút này, luận điểm chính của anh Phan Đăng là:

Để trả lời cho câu hỏi, có nên kiện Trung Quốc hay không, anh Phan Đăng nói là giới trẻ Việt Nam cần phải trả lời 3 câu hỏi của anh trước đã. Đó là i) Kiện toà nào? Kiện cái gì? Và sau khi kiện sẽ làm gì?

Trong lúc hùng biện, anh Phan Đăng đã dẫn chứng rất nhiều kiến thức từ luật quốc tế, lịch sử Việt Nam cũng như quan hệ quốc tế hiện đại để dẫn chứng cho các luận điểm của anh ấy.

Và chốt lại, anh Phan Đăng trả lời giùm là “các bạn trẻ cứ yên tâm đi, Đảng và Nhà nước đã biết hết các nỗi lo của các bạn rồi, Đảng và Nhà nước đã có phương án hết cả rồi. Và chúng ta cũng không cần kiện Trung Quốc đâu. Các bạn cứ tin tưởng vào Đảng và Nhà nước đi”.

Bài viết của em để đáp lại lời anh, chia thành hai phần chính. Một là, trả lời 3 câu hỏi của anh về chuyện kiện. Hai là, trả lời cho luận điểm hãy yên tâm đi, mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo rồi.

Và bây giờ, em sẽ xin nói thẳng với anh Phan Đăng từng vấn đề một.

Vấn đề 1

Thứ nhất, anh Phan Đăng không phải là chuyên gia luật quốc tế, mà anh ấy cũng tự nhận, những cái anh ấy nói, các cụ, các bác biết hết cả rồi. Tuy vậy, thực tế là kiến thức của anh không có chuyên môn về luật quốc tế. Nhưng anh lại nói chuyện kiện tụng quốc tế.

Như vậy thì rõ ràng anh ta nói về một thứ anh ta không nắm chắc. Mà không nắm chắc thì chắc chắn thông tin anh cung cấp không đầy đủ. “Một nửa cái bánh mì là một nửa cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải sự thật”. Đó là em chưa trích câu nói của Lê nin – thầy của Đảng anh là, “sự nhiệt tình cộng với sự ngu dốt thành một sự phá hoại”. Chính vì thế, nếu anh không rõ về luật quốc tế, thì “để Mị nói cho mà nghe nè”:

1.- Kiện toà nào?

Từ năm 2014 trở đi, mỗi năm vào dịp hè về, tiếng ve kêu, hoa phượng nở là tàu Trung Quốc lại tiến vào vùng biển của Việt Nam. Những căng thẳng lại dâng lên, và em lại nghe báo chí và các chuyên gia lên tiếng là cần kiện Trung Quốc ra Toà.

Anh Phan Đăng có nhắc tới 3 Toà án quốc tế, nhưng hỡi ôi, anh lại nhầm lẫn. Toà thứ nhất, anh nói đúng, đó là Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – Viết tắt là ICJ). Toà này là cơ quan tư pháp của Liên Hiệp quốc.

Toà thứ hai anh Phan Đăng nhắc tới là Toà trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration – viết tắt là PCA). Đây là Toà quốc tế lâu đời nhất. Nhưng Toà này không phải là Toà đã ra Phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc như anh nói đâu.

Toà thứ ba thì anh Phan Đăng càng lầm lẫn. Toà này mới là Toà xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc nhưng nó chỉ là một Hội đồng trọng tài được thành lập khi phát sinh vụ việc giải quyết tranh chấp, thuật ngữ chuyên môn gọi là ad hoc. Vụ Philippines kiện Trung Quốc là bởi vì, nếu một Toà muốn có thẩm quyền xét xử tranh chấp đó, phải có thẩm quyền xét xử theo luật định. Hai Toà trên ICJ và PCA đều đòi hỏi các bên tranh chấp đồng ý đưa lên Toà giải quyết thì Toà mới có thẩm quyền.

Thứ hai, trong Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 (gọi tắt là UNCLOS) có quy định, nếu các bên tranh chấp mà tranh chấp đó liên quan đến việc áp dụng hoặc giải thích bất cứ điều khoản nào của UNCLOS thì có thể sử dụng các cơ chế giải quyết được quy định tại UNCLOS. Trong đó, có Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Và chính một Toà trọng tài như vậy đã được thành lập với 5 Thẩm phán quốc tế lừng danh về luật biển là thành viên của Hội đồng trọng tài.

Và theo quy định về giải quyết tranh chấp như đã nêu trong UNCLOS thì nếu các bên đã tiến hành các thủ tục giải quyết trong bước đầu tiên, nhưng vẫn không được, thì một bên có thể yêu cầu một phán quyết từ Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS này, mà không cần sự đồng ý của bên còn lại. Và nhờ có quy định đó, Philippines mới có thể lôi được Trung Quốc ra Toà, bởi vì Trung Quốc có bao giờ thèm ra Toà đâu.

Tóm lại là thế này nhé anh Phan Đăng, Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS xử vụ Philippines kiện Trung Quốc là một Hội đồng trọng tài có 5 thành viên, được lập ra chỉ để giải quyết vụ này thôi. Và Toà này sử dụng PCA làm chỗ để thực hiện vụ xét xử, sử dụng các dịch vụ của PCA để tiến hành xét xử, và dĩ nhiên, sẽ phải trả tiền cho PCA cho các dịch vụ này. Chứ không phải vụ này do PCA xử anh nhé.

Không biết nói thế này, anh Phan Đăng có hiểu không nhỉ, chứ em hồi học đại học, các thầy cô đã giảng rất kỹ về chức năng và tính chất của Toà này, cũng như về Phán quyết biển Đông năm 2016.

2.- Kiện cái gì?

Vấn đề số 2 này liên quan đến vấn đề thứ nhất. Như đã trình bày ở vấn đề số 1, các Toà ICJ và PCA thì không thể có thẩm quyền vì Trung Quốc luôn từ chối việc ra Toà, và hai Toà này có thể khởi kiện vấn đề chủ quyền. Thế nhưng, tranh chấp chủ quyền là một câu chuyện lâu dài, nó có khi kéo dài đến đời cháu anh Phan Đăng cũng chưa chắc đã giải quyết xong.

Và chủ quyền không phải là tất cả. Điều quan trọng đáng nói ở đây là Trung Quốc đang sử dụng lúc thì “đường lưỡi bò” lúc thì “Tứ Sa” để làm bình phong cho việc “cướp biển” của Việt Nam. Các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với nguồn tài nguyên hải sản phong phú nay còn đâu? Ngư dân Việt Nam phải lang thang sang “trộm cá” tại vùng biển của các nước khác.

Rồi dầu mỏ, khí đốt – nguồn tài nguyên đã nuôi sống nhà nước Việt Nam thời bao cấp, nay còn đâu, khi các mỏ gần thì đã khai thác sắp cạn kiệt, còn mỏ xa hơn một chút như Cá Rồng Đỏ, Cá Kiếm Nâu, Sao Vàng – Đại Nguyệt… bị “giặc Tàu” đe doạ, bắt ép phải rút lui, không được khai thác, cho dù nó nằm ở “nhà mình”.

Rồi nếu khi giặc Tàu kiểm soát được hết vùng biển của mình, liệu tất cả các con tàu của mình có thể ra khơi khi không được sự cho phép của nó? Vậy thì nguy hiểm nhất đang cận kề, đó là nguy cơ Việt Nam đang mất biển. Biển mới quan trọng anh ạ. Chứ cái mỏm đá thì ăn thua gì, nhưng ta phải giữ các mỏm đá ấy vì ta muốn giữ biển, anh Phan Đăng ạ.

Không biết anh Phan Đăng thông kim bác cổ như vậy có biết câu: “Đường đi khó không phải vì sông ngăn núi trở mà trong lòng cảm thấy có núi trở sông ngăn”. Lỗ Tấn cũng có câu: “Lúc ban đầu, thế giới không có đường đi, về sau người ta đi mãi thì cũng thành đường”.

Trước năm 2016, anh nói câu kiện hay không kiện như bây giờ, em nghe còn lọt tai, chứ sau năm 2016, Philippines đã mở đường rồi anh ạ. Anh chỉ việc đi theo mà thôi, vấn đề là anh có dám đi không? Và anh cũng biết rằng, khi người ta quyết tâm, người ta sẽ hành động, còn khi người ta không muốn làm thì người ta tìm lý do.

Kiện cái gì thì em sẽ nói đây anh ạ. Em – một cô gái chân yếu, tay mềm, nhưng không khiếp nhược trước giặc Tàu “xâm lược”, sẽ chỉ anh cần kiện gì.

Nếu giặc Tàu lại tiếp tục cho tàu bè của họ, Hải Dương địa chất các loại đó, xâm phạm vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của mình, thì anh cứ thu thập bằng chứng về các hoạt động trái phép của họ để đệ đơn lên một Toà Trọng tài theo Phụ lục VII, yêu cầu Toà phán quyết là hành động đó đúng hay sai?

Và giặc Tàu bảo đó là vùng tranh chấp như khu vực Bãi Tư Chính chẳng hạn, thì anh có thể đệ đơn lên Toà hỏi khu vực đó của Việt Nam hay của Tàu Cộng? Và ai có quyền khai thác dầu mỏ, khí đốt ở đó? Cái đó hoàn toàn nằm trong việc giải thích hoặc áp dụng UNCLOS, nên Toà sẽ có thẩm quyền anh ạ.

Anh có nói là Việt Nam có thể yêu cầu Toà tuyên bố “đường lưỡi bò” vô hiệu. Anh ơi, cái đó Toà đã tuyên rồi, anh mất công yêu cầu lại nữa làm gì.

Còn nhiều thứ có thể kiện lắm anh ơi, chẳng hạn Hoàng Sa tuy Trung Quốc đang chiếm đóng, nhưng anh có thể yêu cầu Toà trọng tài (từ giờ em nói Toà trọng tài tức là nói Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS nhé anh) phán quyết các thực thể tại Hoàng Sa có là đảo hay không? Là vì Tàu Cộng nói đây là các đảo, họ có chủ quyền, nên nó có quyền kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo đó.

Rồi năm 1996, Tàu Cộng tuyên bố một đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa, anh có thể kiện lên Toà trọng tài, hỏi đường cơ sở thẳng ấy có vi phạm hay không?

Tóm lại là, nếu anh muốn kiện (mà làm sao anh muốn được, phải Đảng và Nhà nước của anh, nếu muốn kiện), cứ nói em. Em học luật quốc tế tại Sài Gòn, học chuyên Anh từ nhỏ, thì sẽ kiện được, dư sức kiện anh nhé.

3.- Sau khi kiện thì làm gì?

Anh Phan Đăng nói, dù có kiện ra Toà quốc tế thì cũng chả làm gì, vì các toà án quốc tế không có cơ chế cưỡng chế thực hiện. Anh ơi, kiến thức này hồi năm thứ 3 em đã được học. Chả có toà quốc tế nào có cơ chế cưỡng chế thực hiện, chỉ một ít trường hợp của ICJ thì Hội Đồng Bảo An LHQ mới giúp thực hiện, mà thực tế ít xảy ra lắm anh ạ.

Nhưng sẽ có cơ chế, thưa anh. Mà đúng rồi, anh ở cái xứ mà chỉ biết sử dụng cường quyền thì quan tâm gì đến pháp luật. Pháp luật chỉ được áp dụng khi muốn “triệt tiêu” một ai đó thôi. Chứ Đảng và Nhà nước của anh luôn ở trên pháp luật thì anh nghĩ luật pháp quốc tế nó cũng vậy chăng? Anh có biết là gần 500 năm trước Công nguyên, tinh thần tôn trọng pháp luật đã thấm đẫm trong tâm thức của người phương Tây ở Hy Lạp cổ đại không, huống chi bây giờ. Nói như anh, chắc dẹp hết các Toà án quốc tế đi nhỉ, vì gần như chả có toà án quốc tế nào có cơ quan cưỡng chế thi hành án như nhà nước ta, anh nhỉ?

Và đây nè, em trích nguyên văn từ một bài viết của anh Dương Danh Huy trên BBC, như sau: “Chắc chắn Trung Quốc sẽ không tự nguyện tuân thủ phán quyết, cũng như họ đã không tuân thủ phán quyết 2016 về vụ kiện Phi-Trung.

Nhưng một phán quyết xác nhận Việt Nam đúng, Trung Quốc sai, sẽ vô cùng hữu ích trong việc tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Các nước khác, đặc biệt là Mỹ, có thể ủng hộ Việt Nam một cách danh chính ngôn thuận, không thể bị cho là thiên vị một bên trong tranh chấp và sự ủng hộ của họ sẽ có nhiều trọng lượng hơn.

Trung Quốc sẽ không thể ngụy biện rằng họ đang giải quyết và quản lý tranh chấp với các nước nhỏ một cách tốt đẹp, các nước ngoài khu vực không nên xen vào. Các nước khác có thể lên tiếng bảo vệ các công ty dầu khí của họ khi các công ty này làm việc với Việt Nam, Trung Quốc không thể yêu cầu họ rút ra khỏi ‘vùng tranh chấp’.

Nếu trong tương lai Việt Nam phải đưa tranh chấp ra LHQ, vì chắc chắn là Trung Quốc sẽ leo thang lấn lướt, nếu có trong tay một phán quyết xác nhận Việt Nam đúng, Trung Quốc sai, Việt Nam sẽ được nhiều phiếu ủng hộ hơn”.

Đó anh thấy không. Kiện là kiện thôi, ăn thua có muốn và có dám kiện hay không. Anh lại nói rằng, nếu kiện Trung Quốc thì sẽ khó khăn cho người dân mình. Anh ơi, sao anh không nói Đảng và Nhà nước anh học tập Đài Loan đi, họ không dựa vào Trung Quốc mà kinh tế họ vẫn phát triển ầm ầm kìa. Khi đó thì kiện hay không cũng đâu có ngán.

Còn đây, cho dù Việt Nam mình không kiện Trung Quốc, thì người dân mình vẫn buôn bán với họ theo kiểu mình là con tin của họ. Lúc thích thì họ mua. Lúc không thích thì họ kiếm chuyện đóng cửa. Mãi mãi người dân mình sẽ là con tin của họ thôi nếu không tìm cách thoát khỏi “ảnh hưởng của họ”, anh ạ.

Vấn đề 2

Tiếp theo, anh Phan Đăng nói là “các bạn cứ yên tâm đi, mọi việc Đảng và Nhà nước đã biết hết rồi, Đảng và Nhà nước đã lo cả rồi”. Ôi thôi! Em sẽ phân tích từng thứ cho anh thấy nhé.

Chắc anh phải biết, trên báo chí người ta dẫn lời các chuyên gia từ trong, ngoài nước đều khẳng định là Trung Quốc sẽ quyết tâm độc chiếm biển Đông cho bằng được. Điều đó không còn là hồ nghi gì cả. Vậy anh nói Đảng và Nhà nước có cách rồi, không cần kiện mà vẫn giữ được tất cả, không mất gì cả. Có chuyện đó không? Đảng và Nhà nước anh có phép thần gì để làm được như thế?

Anh có biết là vừa rồi, khi Trung Quốc lại nhắc lại cái “công hàm” Phạm Văn Đồng 1958 làm cả nước xôn xao không? Anh biết vì sao người ta lại cãi nhau ỏm tỏi như vậy không? Đó là niềm tin giữa những người dân với Đảng và Nhà nước của anh đã cạn kiệt rồi. Mà không cạn sao được. Đảng và Nhà nước của anh nào là vụ Đồng Tâm, Văn Giang, Tiên Lãng… toàn “đánh úp” người dân thôi. Thế thì làm sao mà họ tin vào Đảng và Nhà nước được? Vì lỡ tin, lại có một cái Hiệp ước Thành Đô nữa hay sao?

Thêm nữa, Đảng và Nhà nước của anh, từ Chính phủ đến quân đội, công an, đều tham nhũng đầy mình, đều là những bầy sâu nhung nhúc, ăn của dân không chừa thứ gì. Ngay cả đại dịch Covid-19 mới đây, mua cái máy xét nghiệm có 2 tỉ thì kê lên hơn 7 tỉ. Thế thì, với những đại tướng tham nhũng như Phùng Quang Thanh, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, hay Trung tướng Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành… những người đó mua tàu ngầm Kilo hay tàu chiến Gerard về, lấy gì để bảo đảm họ không kê giá, không ăn bớt? Và những thứ vũ khí đó, liệu có còn xài được không hay khi chiến sự nổ ra mới hiện nguyên hình là những đống sắt vụn?

Chưa kể, với những người tham tiền như thế thì Trung Quốc họ thiếu gì tiền, họ tìm cách hối lộ cho các anh hàng tỉ đô la như cái vụ Bô xít Tây nguyên… Lỡ các anh bán nước thì làm sao tụi dân đen như tụi em biết được?

Cho nên anh Phan Đăng ơi, lẽ ra anh nên khuyến khích những người trẻ như em phải trăn trở với vận mệnh dân tộc, phải đau với nỗi đau của dân tộc thì mới đúng. Đằng này anh bảo tụi em hãy vô tư vui chơi đi, hãy trà sữa và tự sướng đi, cho dù ngã vào xe lửa chết cũng được. Thao thức với dân tộc không có nghĩa là chúng em chống lại Đảng và nhà nước của các anh, mà chúng em muốn đồng hành với Đảng và Nhà nước của anh trong công cuộc chống lại giặc Tàu này.

Ngày xưa, Chế Lan Viên phải đau khổ vì “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”. Thế mà ngày nay, khi tụi em thao thức với tương lai của dân tộc, thì anh lại khuyên bảo tụi em là hãy lo yêu nhau và làm tình đi, vì tất cả Đảng và Nhà nước đã lo rồi. Cũng Đảng và Nhà nước của anh lo mà như chị Trần Thị Lam phải đau khổ thốt lên rằng: “Rừng đã hết và biển thì đang chết/ Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa”.

Anh dẫn chứng lịch sử chúng ta bị đô hộ hàng ngàn năm mà không bị mất nước. Đúng là như vậy. Bác Hồ kính yêu của anh đã từng nói thế này: “Cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể”. Chính vì thế, anh phải xem cụ thể trường hợp này thế nào nha anh? Nước Việt Nam bị đô hộ hàng ngàn năm không bị mất là nhờ ý chí kiên cường bất khuất chống giặc Tàu của cha ông ta, còn ươn hèn thì làm sao mà chả mất nước.

Anh hay nói về lịch sử, anh có nhớ Hịch tướng sĩ không? Này nhé, “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Phải có ý chí quyết tâm, căm thù giặc như vậy thì mới có thể giữ được nước chứ anh.

Em còn muốn viết nhiều nữa, nhưng em sẽ đợi khi nào anh trả lời em đã. À, em còn cần nói thêm với anh đôi điều. Đó là thay vì kêu tụi em hãy yên tâm kê cao gối ngủ đi, thì anh cần nhớ lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của bác Hồ anh đó: “Chúng ta muốn hoà bình nên chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới”.

Và mong rằng, Đảng và Nhà nước của anh cần phải hiệu triệu toàn dân: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, quyết không để mất một tấc đất, tấc biển nào của tổ tiên để lại”, thì tất cả những người trẻ như em sẽ theo bước, chứ không phải ru ngủ tụi em nhé anh.

Và nếu anh còn tiếp tục ru ngủ nữa, anh sẽ là tội đồ của dân tộc này đó. Còn chương trình “Lẩm bẩm 24h” của anh chắc nên đổi thành “Lẩn Thẩn 24h” thì mới đúng bản chất.

Chào thân mến và quyết thắng nhé anh!

Tin liên quan:

Khi nào Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc? (RFA) “Còn hàng trăm hàng ngàn dư luận viên, cỡ như “Lẩm bẩm 24h” thì ấn vào đầu thanh niên học sinh ngày nay: ‘Kê cao gối mà ngủ, mọi chuyện đã có đảng – nhà nước lo. Kiện Trung Quốc là mất hết đấy!’ (Có lẽ Phan Đăng sợ nhất là mất mất mấy cái ‘vòng kim cô’ do Bắc Kinh chụp lên đầu “những con khỉ đột” đời chót!)”

Tiếng Dân

Khi nào Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc?

Cát Vàng
2020-04-23

Hình minh hoạ: Tàu hải cảnh Trung Quốc tiến gần tàu cảnh sát biển Việt Nam trước đây.

Hình minh hoạ: Tàu hải cảnh Trung Quốc tiến gần tàu cảnh sát biển Việt Nam trước đây.  Reuters

Hơn nửa tháng nay, khi cuộc chiến công hàm và cuộc đấu khẩu giữa Hà Nội và Bắc Kinh vào hồi cao trào, dư luận trong nước và quốc tế nói nhiều đến khả năng Việt Nam sẽ sớm kiện Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một sự nhầm lẫn lớn!

Chỉ là phép thử

Tất cả cho đến nay chỉ là một “show diễn” không hơn không kém. Trung Quốc – hẳn nhiên nước này là bên chủ động – cần làm một cuộc thăm dò. Chẳng phải Bắc Kinh không biết, giữa mùa đại dịch Vũ Hán do chính họ gieo rắc, mà khua gươm múa súng thì thật là thất nhân tâm. Nhưng họ “do’nt care!” (không quan tâm). Giữa đại dịch Vũ Hán mà họ còn dám bán khẩu trang và thiết bị y tế rởm cho Mỹ và châu Âu để móc túi thiên hạ, thì nói đạo lý với thầy trò Tập Cận Bình chẳng khác gì “nước đổ đầu vịt”.

Vậy họ định thăm dò điều gì? Bắc Kinh muốn thử xem thế giới văn minh có dám kiện họ thật không? Chưa phải về Biển Đông đâu! Biển Đông là câu chuyện của “hậu kỳ”. Trước mắt, họ lo về quốc tịch con “Virus Vũ Hán”. Nếu thiên hạ truy lùng đến tận gốc (tracing) thì dễ đổ bể lắm. Nếu thế giới kiện Trung Quốc bất tài và dối trá trong việc chống dịch, khiến một trận cúm địa phương biến thành cơn đại dịch toàn cầu, thì còn có thể nhờ WHO chạy tội để giảm án.

Nhưng đâu chỉ có thế giới, ngay cả các thần dân Vũ Hán và một số nơi khác trên đất nước Trung Hoa cũng đang lăm le kiện nhà đương cục Bắc Kinh. Vậy thì “nhất cử lưỡng tiện”, hãy “múa gậy vườn hoang” một phen. Trump như gà mắc tóc, dù tay này trường vốn và sức khoẻ còn chạy tiếp được ma-ra-tông nhiệm kỳ 2. Nhân mấy cái “mẫu hạm” của y đang bị COVID-19 làm cho lao đao, ta cứ ra tay, cướp thêm được đảo nào thì càng tốt.

Nhân kỳ này, định danh luôn 80 rặng san hô chưa có tên. Sau này sẽ hô “biến” để mấy cái giấy khai sinh tuần qua được sửa lại ngày tháng, coi như lập từ các đời Hán, Tần… Phải “khua gươm” trên Biển Đông để làm nản lỏng mấy chuyến FONOP của Huê Kỳ. Nếu kiện “mỗ” chuyện corona, cùng đường “mỗ” sẽ khuấy đảo cho mấy “rock” đá nổi cồn. Việt Nam thì chẳng chấp. Chả quốc gia nào trên thế giới coi Việt Nam là “cạ” cả. “Mỗ” đã ém được lá bùa “ba không”, mà cánh quân đội, đứng đầu là tướng Nguyễn Chí Vịnh bán dạo mấy lâu nay như một món dầu “cù là” ế.

Hình minh hoạ. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương hôm 18/4/2018

Hình minh hoạ. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương hôm 18/4/2018 Reuters
 

Kẻ tung người hứng. Bắc Kinh lên giọng thì Hà Nội cũng buộc phải “cực lực” và “mạnh mẽ” phản đối. Lấy lệ thôi, chứ cho ăn kẹo Hà Nội cũng chưa dám “đáo tụng đình”. Hôm 17/4/2020, Bắc Kinh tung chưởng “công hàm Phạm Văn Đồng” – vị thủ tướng lâu niên nhất mà cũng bất tài nhất – Hà Nội bẹp như một con gián. Đợi mãi tới 21/4, thím Hằng mới thỏ thẻ: “Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước UNCLOS-1982 được tôn trọng”.

Cũng phải thôi! Con cái ai dám thưa kiện bố mẹ để thế gian chê “nhà kia lỗi phép con khinh bố” à? Uỷ viên quốc vụ viện Dương Khiết Trì từng công khai gọi mấy chú Ba Đình là “những đứa con hoang đàng” mà Hà Nội đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Có một phó chủ nhiệm, hàm thứ trưởng ở Bộ Ngoại giao từng đứng trên bục khua môi: “Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh chẳng qua là vì yêu (ta) nên cho roi cho vọt!” Còn hàng trăm hàng ngàn dư luận viên, cỡ như “Lẩm bẩm 24h” thì ấn vào đầu thanh niên học sinh ngày nay: “Kê cao gối mà ngủ, mọi chuyện đã có đảng – nhà nước lo. Kiện Trung Quốc là mất hết đấy!” (Có lẽ Phan Đăng sợ nhất là mất mấy cái “vòng kim cô” do Bắc Kinh ban cho “những con khỉ đột” đời chót!)

Hoạ phúc phải đâu một buổi

Nói cho cùng thì không nên trách dàn dư luận viên loại “Lẩm bẩm 24h”. Tuy không cùng ngành “bán trôn nuôi miệng” nhưng cái cách lập luận “kiện hay không kiện Trung Quốc” kiểu ấy, cũng là một duộc “bán miệng nuôi trôn” cả thôi. Đối với người nghiêm chỉnh, muốn truy tìm nguyên nhân sâu xa của chủ nghĩa đầu hàng “made by Nguyễn Phú Trọng” thì phải dụng công tìm hiểu lịch sử xa xưa. Từ cái thuở “bên ni biên giới là mình, bên kia biên giới cũng tình quê hương”. Cái thuở “Việt Nam Trung Hoa… chung một Biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như Rạng Đông”.

Cảm ơn nhà báo của “Bên thắng cuộc” đã khái quát cái “tinh thần quốc tế vô sản” mà Bắc Kinh vẫn sử dụng trước nay như một miếng bả chuột, còn Hà Nội thì đội lên đầu như một báu vật. Nhìn như vậy mới thẩm thấu được nỗi đau. Đúng! Cái mà Trung Quốc “bẫy” được là biển đảo, là đất đai, chưa kể những cuộc chia chác địa-chính trị trên máu xương người Việt. Kể từ Hội nghị Thành Đô, khi Bắc Kinh từ chối dùng “giải pháp đỏ” lẽ ra, theo Huy Đức, Hà Nội phải thấy họ không còn là cộng sản nữa. Anh Huy Đức thân mến, Trung Quốc chưa bao giờ là cộng sản cả. Chả thế Stalin từng gọi họ là những “редис” (củ cải đỏ), chỉ đỏ lớp vỏ ngoài thôi!

Cảm ơn luật sư người Úc gốc Việt Đào Tăng Dực đã giúp cho những ai còn mang trong huyết quản của mình dòng máu Việt tộc hiểu về quy trình pháp lý cũng như cách lập luận để vô hiệu hoá cái công hàm của ông Phạm Văn Đồng. Và có thể đi đến niềm hy vọng rằng, trước một pháp đình có thẩm quyền nghiêm chỉnh, công hàm liên hệ đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa do thủ tướng CSVN ký hồi bấy giờ (ngày 14/9/1958) không hề có giá trị pháp lý và nhà cầm quyền CSVN cần phải đưa Trung Quốc ra tòa càng sớm càng tốt, hầu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.

Phải đặt ý thức hệ cộng sản trong chia cắt và binh đao như thế mới đong đếm hết cái giá dân tộc ta phải trả cho các “khoản vay quốc tế vô sản”. Đúng là quá đau đớn! Ấy vậy nhưng dù bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21 rồi mà “candidate” Tổng bí thư của Đại hội 13 Trần Quốc Vượng vẫn thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể/hợp tác xã. Ai mà chả biết, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa ấy làm ăn không hiệu quả, nhưng mức “lại quả” thì rất hấp dẫn và để cướp đất của dân thì thật hữu dụng. Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ khó đòi… là phản ánh chính từ báo chí quốc doanh. Vậy mà “cá chuối vẫn đắm đuối vì con”.

Chưa hết, để có thể kiện Trung Quốc, chính quyền phải có tránh nhiệm ràng buộc đối với các nền tảng pháp lý quốc tế cũng như trong nước. Tuy nội hàm khác nhau, nhưng điểm chung là các hệ thống pháp luật ấy phải thắp sáng lên được lẽ thật, phải thắp sáng lên được công lý. Không thể đang đêm xua 3.000 quân chỉ để giết một già làng, không thể kết tội một thầy giáo dạy nhạc chỉ vì chính kiến. Hãy nghe lời người thầy ấy nói trước toà: “Tôi khát khao một đất nước tự do, dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc… Tôi không thể vô cảm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe doạ xâm lăng của Trung Quốc. Dù mức án có cao đến đâu… kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến”.

Trung Quốc “ngồi xổm” lên tự do – dân chủ, đã đành. Nhưng tại sao Việt Nam phải đi theo cái chủ nghĩa “giữ ghế”, “giữ lá nho” ấy? Tại sao Việt Nam hưởng ứng các thử nghiệm “phản dân chủ” kiểu Thiên An Môn? Có phải Nguyễn Phú Trọng vừa muốn ghi điểm với Tàu, nhưng lại ngại mất lòng dân? Có phải ông cần kiếm chút “chính danh” cho chế độ? Đủ thấy, cái hiệu ứng “bóng đè” ý thức hệ trùm lên không chỉ trong vấn đề biển đảo (không dám kiện anh Hai), mà cả trên những vấn đề tương lai của đất nước (không dám bỏ Chủ nghĩa xã hội). Nhưng khi “Bắc cuồng Tây nộ Đông hải biến” như Trạng Trình tiên báo, mọi sự sẽ đảo lộn. Lúc ấy, “sợi dây cháy chậm” của đảng ông Trọng tàn lụi, vụ nổ “big bang” mở ra bước ngoặt dân chủ cho Việt Nam. Chừng đó, mới có chuyện Hà Nội dám kiện Bắc Kinh./.

Tham khảo thêm:

http://www.tintuchangngay.org/2020/04/huy-uc-vi-sao-tbt-trong-khong-muon-viet.html

Huy Đức – Vì sao TBT Trọng không muốn Việt Nam kiện Trung Quốc?

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2571472843169617&id=100009207787077

LS. Đào Tăng Dực: Duyệt lại giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng

https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-chinh-tri-phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-la-xu-the-tat-yeu-1202212.html

Bộ Chính trị: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu

https://khoahocdoisong.vn/nhung-bi-mat-an-chua-trong-hai-bia-da-co-102433.html

“Bắc cuồng Tây nộ Đông hải biến” là lời sấm trên bia đá (Di Ngôn Chí) tìm thấy ở Tiến Lãng, Hải Phòng được các nhà nghiên cứu cho là của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

https://www.youtube.com/watch?v=oBZaCT_x_gs

Kiện Trung Quốc, đưa vấn đề Biển Đông ra Toà quốc tế: Nên không? | Lẩm Bẩm 24h

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

RFA

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen