Seite auswählen

Dịch bệnh, thất nghiệp cùng biểu tình bạo lực liên quan tới phân biệt chủng tộc biến nước Mỹ thành “thùng thuốc súng” có thể bắt lửa bất cứ lúc nào.

Hai tháng rưỡi qua ở nước Mỹ như đoạn mở đầu trong một bộ phim đen tối về quốc gia này, và bộ phim vẫn chưa đi tới đoạn kết. Đầu tiên, đại dịch Covid-19 tấn công, khiến các bệnh viện trở nên quá tải và biến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu. Nền kinh tế số một thế giới đóng băng và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Kể từ tháng ba, cứ 4 lao động ở Mỹ thì có một người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Dòng xe xếp hàng dài hàng km tại các ngân hàng thực phẩm. Biểu tình phản đối phong tỏa ngăn Covid-19 nổ ra trên khắp cả nước. Tại Michigan, cơ quan lập pháp phải hủy họp vì người biểu tình. Số ca tử vong trên toàn nước Mỹ vì một căn bệnh mà hầu như chưa ai nghe đến hồi năm ngoái đã vượt 100.000.

Khủng hoảng chưa dừng lại ở đó khi tuần này, một sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, bị quay video cảnh ghì gáy người đàn ông da màu George Floyd, 46 tuổi. Khi cận kề cái chết, Floyd kêu lên thảm thiết rằng anh không thể thở được, giống hệt lời cuối cùng của Eric Garner, người đã chết năm 2014 dưới tay cảnh sát New York và trở thành nguồn cơn của phong trào “Người da màu đáng được sống” (Black Lives Matter). Floyd sau đó chết tại bệnh viện.

Cái chết của Floyd diễn ra chỉ vài ngày sau khi ba người đàn ông ở bang Georgia bị bắt vì truy đuổi và giết chết một người da màu khác là Ahmaud Arbery, gây chấn động nước Mỹ. Công tố viên ban đầu từ chối buộc tội những người này với lý do rằng hành động của họ hợp pháp theo luật tự vệ của bang.

Những người biểu tình ở Minneapolis đã đổ ra đường sau cái chết của Floyd và vào tối 27/5, biểu tình biến thành bạo loạn, khiến thống đốc Minnesota phải ban hành lệnh giới nghiêm và đề nghị triển khai Vệ binh Quốc gia đến bang này.

Một người biểu tình đốt phá hôm 30/5 ở Minneapolis, bang Minnesota, nhằm phản đối cái chết của người da màu George Floyd. Ảnh: Reuters.

Một người biểu tình đốt phá ở Minneapolis, bang Minnesota, hôm 30/5 nhằm phản đối cái chết của người da màu George Floyd. Ảnh: Reuters.

Trong một khoảnh khắc, cái chết của Floyd thách thức phản ứng của Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ phong trào “Coi trọng mạng sống của cảnh sát Mỹ” (Blue Lives Matter). Chính quyền buộc phải hành động, tất cả 4 cảnh sát liên quan đến cái chết của Floyd đều bị sa thải, các lãnh đạo cảnh sát trên khắp nước Mỹ đã lên án họ và Bộ trưởng Tư pháp William Barr hứa sẽ ưu tiên điều tra vụ án. Tổng thống Trump gọi những gì xảy ra với Floyd là điều “rất, rất tồi tệ”.

Tối 28/5, khi một công tố viên ở Minneapolis cho hay văn phòng công tố đang điều tra xem 4 cảnh sát có phạm tội hay không, biểu tình bạo lực đã nổ ra, trong đó những người biểu tình giận dữ tấn công đồn cảnh sát. Derek Chauvin, sĩ quan cảnh sát trực tiếp ghì chết Floyd bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn, trong khi ba cảnh sát khác cũng bị điều tra và có khả năng bị truy tố.

Trên Twitter, Trump đe dọa rằng quân đội sẽ phản ứng với những kẻ bạo loạn. “Khi cướp bóc bắt đầu, súng cũng sẽ nổ”, ông viết. Nhiệm kỳ của Trump từng chứng kiến những vụ bạo lực gây sốc như cuộc biểu tình của người da trắng theo chủ nghĩa dân tộc ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, vụ thảm sát tại giáo đường Do Thái Tree of Life ở Pittsburgh, bang Pennsylvania năm 2018 hay vụ xả súng hàng loạt nhắm vào người Mexico ở El Paso, bang Texas, năm ngoái.

Ngay cả khi nước Mỹ sục sôi và hỗn loạn như thế, bạo loạn cũng không lan rộng. Tuy nhiên, bây giờ, nước Mỹ có thể đang bắt đầu một mùa hè dài, nóng của tình trạng bất ổn.

Có quá nhiều thứ khiến nước Mỹ có thể bùng cháy ngay lúc này: thất nghiệp hàng loạt, đại dịch gây bất bình đẳng về kinh tế và y tế, những thanh thiếu niên lười biếng, bạo lực liên quan đến cảnh sát, phe cực hữu thúc đẩy một cuộc “nội chiến thứ hai” ở nước Mỹ và Tổng thống “đổ thêm dầu vào mọi đám cháy”.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta thật sự đang ở trong giai đoạn mà mọi thứ sẽ căng thẳng hơn rất nhiều, trước khi mọi thứ ổn định”, Heather Ann Thompson, nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học Michigan, người từng giành giải Pulitzer năm 2016, nói.

Các cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis đã lan khắp nước Mỹ, buộc nhiều thành phố phải ban lệnh giới nghiêm và triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia để đảm bảo an ninh. Một thanh niên bị bắn chết khi một kẻ lạ mặt nổ súng vào đám đông biểu tình tại thành phố Detroit, trong khi một cảnh sát liên bang cũng thiệt mạng gần nơi biểu tình ở Oakland.

Các cuộc biểu tình có nguồn cơn từ những vụ bạo lực cụ thể của cảnh sát, nhưng chúng cũng diễn ra trong bối cảnh đại dịch lan rộng và những người da màu, đặc biệt là những lao động nghèo, phải hứng chịu những thiệt thòi khi kinh tế bị tàn phá bởi dịch bệnh.

Keith Ellison, lãnh đạo sở tư pháp Minnesota, nói rằng gần đây, khi ra ngoài hoặc chạy bộ ở Minneapolis, lòng ông “trào dâng một nỗi khắc khoải”. “Nhiều người đã bị kiềm chế trong nhà suốt hai tháng, giờ đây, họ lại bị kìm chân trong một không gian khác, một thời gian khác. Có những người thất nghiệp, có người không có tiền thuê nhà, họ giận dữ và thất vọng”, ông nói.

Sự thất vọng đó có thể tiếp tục tăng lên, bởi những thiệt hại kinh tế do đại dịch mới chỉ bắt đầu. Gói trợ cấp thất nghiệp được quốc hội thông qua sẽ hết hạn vào cuối tháng 7. Ngân sách nhà nước bị thâm hụt và các nghị sĩ đảng Cộng hòa từ chối cấp thêm viện trợ cho các bang, đồng nghĩa sẽ sớm có những cắt giảm về việc làm và dịch vụ công.

“Khi mọi người túng quẫn mà dường như không có bất kỳ sự trợ giúp nào, không có sự chỉ đạo, không có hình dung rõ ràng về những gì sẽ xảy ra, điều đó sẽ tạo điều kiện cho giận dữ và tuyệt vọng, tất cả cấu thành sự bất ổn”, Keeanga-Yamahtta Taylor, một trợ lý giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại Princeton, cho biết. “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy kiểu phản ứng này ở nhiều nơi trong vài tháng tới”.

Những áp lực kể trên không phải là lý do duy nhất biến nước Mỹ thành một “thùng thuốc súng”. Hồi giữa tuần, các nhà báo Robert Evans và Jason Wilson bày tỏ lo ngại về “boogaloo”, một phong trào cực hữu của Mỹ.

Những thành viên phong trào này kỳ vọng thời tiết ấm áp hơn sẽ tạo điều kiện cho những cuộc đối đầu vũ trang với lực lượng hành pháp và đang thúc đẩy một cuộc nội chiến Mỹ lần hai. Evans và Wilson cho rằng trong bối cảnh đầy chia rẽ do đại dịch, phong trào này có thể góp phần thúc đẩy bạo lực lan rộng trên đường phố Mỹ.

Theo bình luận viên Michelle Goldberg của NYTimes, khi đối mặt với tình hình bất ổn trong nước, các tổng thống Mỹ sẽ thường tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Đó là lý do các vụ bạo động thường dẫn tới cải cách ở Mỹ, dù chúng gây thiệt hại đáng kể cho cộng đồng nơi chúng bùng phát. Theo nhà nghiên cứu Thompson, thay đổi sẽ được thực hiện khi những người biểu tình “tạo ra tình thế mà những người nắm quyền phải thực sự hành động để đem lại ổn định đúng nghĩa”.

Nhưng Tổng thống Trump hiện nay dường như không quá quan tâm đến việc làm lắng dịu tình hình, khi liên tục gọi những người biểu tình là “những kẻ cướp bóc, vô chính phủ” và đe dọa rằng họ sẽ đối mặt với “chó dữ” nếu tấn công hàng rào an ninh Nhà Trắng. Lời đe dọa đó không hiệu quả, khi người biểu tình vẫn xô đổ hàng rào và đụng độ với lực lượng Mật vụ bên ngoài Nhà Trắng.

“Khi một cuộc biểu tình lên cao trào vì tình trạng bất bình đẳng, nước Mỹ rốt cuộc sẽ phải tìm kiếm một sự cân bằng mới, giải quyết vấn đề để vãn hồi trật tự”, Thompson nói. “Nhưng giờ chúng ta có một lãnh đạo đã tuyên bố rõ rằng việc để nước Mỹ rơi vào nội chiến cũng không sao”.

Bình luận viên Goldberg cho rằng đây là điều nước Mỹ chưa từng chứng kiến. “Không ai rõ tình hình sẽ đen tối tới mức nào, chỉ biết rằng trong thời kỳ của Trump, những cảnh tượng chúng ta từng nghĩ chỉ có trong ác mộng sẽ trở nên gần như bình thường vào ngày hôm sau”, Goldberg viết.

Mai Lâm (Theo NY Times)

vnExpress

Một tuần biểu tình rung chuyển nước Mỹ

Khi Covid-19 đang phơi bày những bất bình đẳng kinh tế và y tế, cái chết của người da màu George Floyd dưới tay cảnh sát như “quả bom” làm đảo lộn nước Mỹ.

George Floyd, sống ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tử vong tại bệnh viện hôm 25/5, sau khi bị cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy hơn 9 phút trong vụ bắt người liên quan cáo buộc sử dụng tiền giả. Khi cận kề cái chết, Floyd kêu lên thảm thiết rằng anh “không thể thở”, giống lời cuối cùng của Eric Garner, người đã chết năm 2014 dưới tay cảnh sát New York và trở thành nguồn cơn phong trào “Coi trọng mạng sống của người da màu” (Black Lives Matter).

Ngày hôm sau, video được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội, làm nổ ra các cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis.

 

Ngày 26/5, lãnh đạo lực lượng cảnh sát Minneapolis, Medaria Arradondo, sa thải Chauvin và ba cảnh sát khác liên quan đến vụ bắt Floyd. Ông cũng kêu gọi FBI mở cuộc điều tra sau khi video cho thấy lời tường trình của cảnh sát không giống những gì thực sự xảy ra.

Đêm đó, hàng trăm người biểu tình xuống đường ở Minneapolis. Một số phá hoại xe cảnh sát và nhắm mục tiêu vào đồn cảnh sát 4 sĩ quan làm việc.

Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra trong thành phố trong những ngày tiếp theo. Các sĩ quan sử dụng hơi cay và bắn đạn cao su vào đám đông. Một số cơ sở kinh doanh, bao gồm nhà hàng và cửa hàng phụ tùng ôtô, bị đốt phá. Người dân vào các cửa hàng bị phá hoại để hôi của.

Ngày 27/5, biểu tình lan sang các thành phố khác. Tại Memphis, cảnh sát phải phong tỏa một phần đường phố. Tại Los Angeles, hàng trăm người diễu hành quanh trung tâm hành chính của thành phố. Một nhóm người biểu tình chặn đường cao tốc Route 101.

Trump nói rằng cái chết của Floyd “rất bi thảm” và hứa hẹn công lý sẽ được thực thi cho anh. “Tôi rất đau buồn về việc đó. Một chuyện rất đau buồn”, ông nói.

Người biểu tình dội sữa lên mặt sau khi bị phun hơi cay tại Minneapolis ngày 31/5. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình dội sữa lên mặt sau khi bị phun hơi cay tại Minneapolis ngày 31/5. Ảnh: Reuters.

Thống đốc bang Minnesota Tim Walz yêu cầu điều động Vệ binh Quốc gia ngày 28/5 khi tình trạng phá hoại và phóng hỏa ngày càng trầm trọng. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ coi một cuộc điều tra liên bang về cái chết của Floyd là ưu tiên hàng đầu.

“Tình hình ở Minneapolis không còn là về cái chết của George Floyd. Đây là cuộc tấn công vào xã hội, gieo rắc nỗi sợ hãi và phá hoại các thành phố tuyệt vời của chúng ta”, ông nói.

Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey ngày 28/5 đăng tweet, kêu gọi lập lại trật tự và cho biết sẽ có “nỗ lực toàn diện để khôi phục yên bình và an ninh trong thành phố”. Ông kêu gọi người biểu tình trở về nhà. “Chúng ta cần phải thể hiện tình yêu và lòng trắc ẩn căn bản mà trong ai cũng có. Chúng ta phải khôi phục lại yên bình để có thể cùng nhau thực hiện công việc khó khăn này”.

Dù gọi cái chết của Floyd là một “thảm kịch”, Trump cho rằng bạo lực quá khích là hành động của “những kẻ cướp bóc vô chính phủ”. Ngày 29/5, Tổng thống đề xuất quân đội sử dụng lực lượng vũ trang để xử lý bạo loạn. Ông cảnh báo những người cướp bóc các cơ sở kinh doanh sẽ bị bắn, đồng thời chỉ trích thị trưởng Minneapolis thuộc phe Dân chủ là “hoàn toàn thiếu khả năng lãnh đạo”.

Người biểu tình Mỹ đốt phá đồn cảnh sát

 Người biểu tình đốt phá đồn cảnh sát ở Minneapolis ngày 28/5. Video: Twitter/Seth Kaplan.

Trong những đêm sau đó, thêm nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước. Ngày 29/5, hàng trăm người biểu tình đổ ra đường gần công viên Olympic Thế kỷ ở Atlanta, đập phá các cửa sổ. Một số người trèo lên tấm biển CNN lớn bên ngoài trụ sở hãng truyền thông và phun sơn các thông điệp lên đó.

Ở New York, người biểu tình đụng độ với cảnh sát trên khắp Brooklyn và Hạ Manhattan, khiến nhiều cảnh sát và người biểu tình bị thương. Hàng nghìn người tụ tập trong các cuộc diễu hành lớn trước khi phân nhóm thành các cuộc biểu tình bạo lực nhỏ hơn. Một số người ném chai và mảnh vỡ vào cảnh sát. Lực lượng an ninh đáp trả bằng hơi cay và bắt một số người biểu tình.

Tại Washington, đám đông tụ tập bên ngoài Nhà Trắng, la hét, ném chai nước, đồ vật, xô đổ hàng rào an ninh, khiến mật vụ sử dụng hơi cay và phong tỏa tòa nhà trong một khoảng thời gian. Trump được đưa xuống hầm tổng thống để đảm bảo an toàn.

Ở Dallas, người biểu tình và cảnh sát đụng độ gần Tòa thị chính. Cảnh sát phản ứng bằng hơi cay sau khi người biểu tình chặn một xe cảnh sát và đập vào mui xe.

Từ 29/5, Minneapolis áp lệnh giới nghiêm, yêu cầu toàn bộ dân thành phố không ra đường hàng ngày kể từ 20h tới 6h sáng hôm sau, trừ lực lượng hành pháp, Vệ binh Quốc gia, nhân viên cứu hỏa và y tế.

Cảnh sát Derek Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn ngày 29/5. Hồ sơ truy tố nói rằng Floyd mắc các bệnh lý nền gồm động mạch vành và suy tim do tăng huyết áp. “Những tác động kết hợp của việc Floyd bị cảnh sát ghì gáy, bệnh lý nền và bất kỳ chất kích thích tiềm tàng nào trong cơ thể Floyd đã dẫn đến tử vong”, hồ sơ cho hay. Nhiều người chưa thỏa mãn với tội danh của Chauvin, đặc biệt là người thân của Floyd.

Thị trưởng Frey nhấn mạnh hôm 30/5 rằng cuộc biểu tình ôn hòa đòi công lý cho George Floyd ban đầu đã “biến tướng thành cướp bóc và khủng bố trong nước”. “Chúng tôi đang đối đầu với những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, thành viên tội phạm có tổ chức, những kẻ xúi giục ngoại bang và thậm chí có thể là các thế lực nước ngoài muốn phá hủy và gây bất ổn cho thành phố và khu vực” ông nói.

Một video trên Twitter ngày 30/5 cho thấy một chiếc xe của sở cảnh sát New York (NYPD) đang đứng yên do bị người biểu tình đem rào chắn chặn lại. Đám đông còn ném nhiều vật thể về phía chiếc xe. Khoảng 10 giây sau, một xe khác của NYPD chạy tới, đâm thẳng về phía những người biểu tình. Chiếc xe đang đứng im cũng lao theo, đâm đổ cả rào chắn, khiến nhiều người biểu tình ngã xuống đất, không rõ có thương vong hay không. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho hay giới chức đang điều tra song ông lưu ý các sĩ quan cảnh sát có thể không còn lựa chọn nào khác.

Ngày 31/5, một chiếc xe bồn bất ngờ lao vào đám đông biểu tình ôn hòa trên một cao tốc gần trung tâm thành phố Minneapolis, khiến họ vội vàng dạt sang hai bên. Cảnh sát nghi ngờ đây là hành động có chủ đích và đã bắt tài xế.

Xe cảnh sát New York lao vào đám đông biểu tình

Xe cảnh sát New York lao vào người biểu tình ngày 30/5. Video: Twitter.

Tính đến 31/5, hơn 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm. Khoảng 5.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai tới thủ đô Washington và 15 bang, trong khi 2.000 lính dự binh đang sẵn sàng cơ động.

Một số người đã chết vì bạo lực liên quan đến biểu tình. Ở Indianapolis, một người chết và ba người bị thương sau khi có người nổ súng vào đám đông biểu tình. Tại St. Louis vào sáng sớm 31/5, một người đàn ông chết sau khi những người biểu tình chặn Xa lộ Liên 44, đốt phá và cố gắng hôi của từ một chiếc xe tải FedEx.

Ở Chicago, 6 người bị bắn và một người bị giết vào tối 30/5. “Đây có phải là cách chúng ta mang lại công bằng xã hội, đòi hỏi thay đổi không?”, Thị trưởng Lori Lightfoot nói tại cuộc họp báo ngày 31/5. “Không, chắc chắn là không”.

Giới chức đang điều tra vụ một cảnh sát liên bang bị bắn chết bên ngoài tòa án ở Oakland, California tối 29/5. Ken Cuccinelli, quyền thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa, gọi đây là hành vi “khủng bố trong nước”, nhưng thống đốc bang cho rằng chưa nên kết nối vụ sát hại với các cuộc biểu tình trước khi có kết quả điều tra.

Tại Detroit, một thanh niên 21 tuổi ngồi trong xe hơi bị bắn chết khi người biểu tình xuống đường hôm 29/5. Một thanh niên 19 tuổi cũng thiệt mạng khi có người nổ súng vào đám đông biểu tình.

Mặc dù các cuộc đụng độ xảy ra khắp nước Mỹ, cũng có những nơi cảnh sát thể hiện sự chia sẻ với những người biểu tình ôn hòa. Ngày 31/5, ở Queens, New York, người biểu tình quỳ gối để phản đối cái chết của Floyd. Điều khiến họ bất ngờ là vài cảnh sát cũng quỳ xuống giống họ. Một mục sư sau đó mời các sĩ quan cùng tham gia cuộc biểu tình ôn hòa, khiến đám động vỗ tay tán thưởng.

“Tôi thực sự không bao giờ nghĩ đến điều này. Tôi chưa từng nhìn thấy cảnh tượng như thế”, Aleeia Abraham, người đứng đầu tổ chức tình nguyện BlaQue Resource Network ở Queens, nói.

Cảnh sát New York quỳ gối cùng người biểu tình

 Cảnh sát New York quỳ gối cùng người biểu tình ngày 31/5. Video: Twitter.

Các cuộc biểu tình có nguồn cơn từ vụ bạo lực cụ thể của cảnh sát, nhưng chúng diễn ra trong bối cảnh Covid-19 lan rộng và kết quả một số nghiên cứu cho thấy người da màu, đặc biệt là lao động nghèo, hứng chịu nhiều hệ quả hơn những nhóm người khác, trong khi Trump được cho là đưa ra những phát ngôn “đổ thêm dầu vào lửa”.

“Tôi nghĩ tình hình sẽ còn tăng nhiệt hơn rất nhiều trước khi mọi thứ ổn định”, Heather Ann Thompson, nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học Michigan, người từng giành giải Pulitzer năm 2016, nói.

vnExpress

‘Bão’ kép tàn phá cuộc sống người Mỹ

Khi ám ảnh về Covid-19 còn chưa qua đi, cuộc sống của người Mỹ tiếp tục chao đảo bởi bạo lực biểu tình. 

Covid-19 đã đảo lộn cuộc sống của Jimmy Mills, 56 tuổi, sống ở khu Midtown thuộc thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Hiệu cắt tóc J-Klips của ông là một trong nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ của người da màu bị tàn phá bởi đại dịch. Mills từng rất lạc quan vì ông dự định mở cửa trở lại vào tuần này, sau hai tháng đóng cửa.

Ngày 29/5, biểu tình bạo loạn đã nhấn chìm khu phố nghèo nơi Mills sống và cắt tóc 12 năm qua trong biển lửa. Cái chết của George Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi 46 tuổi, sau khi bị một sĩ quan cảnh sát Minneapolis ghì gáy, đã thổi bùng ngọn lửa biểu tình ở thành phố này và trên khắp nước Mỹ cuối tuần qua.

“Chúng tôi khổ sở vì nCoV và giờ là biểu tình. Nó không khác gì đòn giáng chí mạng”, ông Mills nói.

Người lính của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ khóc khi ngăn biểu tình ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, cuối tuần qua. Ảnh: NYTimes.

Người lính của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ khóc khi ngăn biểu tình ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, cuối tuần qua. Ảnh: NYTimes.

Đoạn video ghi lại cảnh Floyd đau đớn kêu “không thể thở được” đẩy Mỹ vào cảnh hỗn loạn, khiến người dân phẫn nộ và lo lắng. Điều này càng khoét sâu thêm vết thương của Covid-19, đại dịch khiến hơn 100.000 người Mỹ thiệt mạng và hơn 40 triệu người thất nghiệp.

Cư dân Minneapolis nói rằng làn sóng phẫn nộ và biểu tình sau cái chết của Floyd là hệ quả của một cộng đồng liên tục bị thách thức bởi bạo lực cảnh sát và đại dịch, mà trong đó phân biệt chủng tộc được khắc họa rõ nét.

Cộng đồng người nhập cư và thiểu số ở Mineapolis chịu ảnh hưởng nhiều hơn về kinh tế và sức khỏe do Covid-19. Lao động Mỹ Latinh và da màu nằm trong nhóm có khả năng mất việc cao hơn. Một số khác là lao động trả lương theo giờ, như nhân viên cửa hàng tạp hóa, công nhân nhà máy. Họ phải chấp nhận rủi ro sức khỏe để kiếm tiền, vì không thể làm việc từ xa.

Giống nhiều người Mỹ gốc Phi khác trên cả nước, cộng đồng da màu ở Minnesota có tỷ lệ nhiễm và chết vì Covid-19 cao hơn nhóm khác. Theo ước tính, người da màu chiếm ít nhất 26% ca nhiễm nCoV ở Minnesota và tính riêng ở thành phố Minneapolis là 35%.

“Không từ ngữ nào có thể miêu tả những gì mà mọi người đang trải qua”, nghị sĩ Mohamud Noor, người đại diện cho cộng đồng người Somalia và người nhập cư khác, cho hay.  

Bác của Noor đã chết vì nCoV cách đây vài ngày và ông không biết có bao nhiêu người thân khác hay cử tri đang hấp hối. Noor cho rằng đóng cửa trường học sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới học sinh nghèo không có laptop hay internet ổn định để học trực tuyến. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt vì phong tỏa.

Với hơn 200 cơ sở kinh doanh trong khu vực bị thiệt hại vì bất ổn, Noor sợ rằng  tình trạng đóng cửa, mất việc và kinh doanh thua lỗ tiếp tục kéo dài.

“Nhiều người nghèo bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khủng hoảng kép bởi họ hầu như không có gì trong tay”, Noor nói.

Từ lâu người dân khu phố Midtown đã cảm thấy bị bỏ rơi và tách biệt với phần còn lại của thành phố. Trước Covid-19, họ đã nỗ lực tái thiết sau nhiều năm kinh tế khó khăn. Một tuyến đường sắt xuyên qua khu phố được chuyển đổi thành đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp. Khu chợ quốc tế Midtown Global mọc lên thu hút nhiều thực khách và người mua sắm tới các gian hàng của người Ấn Độ, Morocco cùng nhiều cửa hàng thủ công và đồ ăn nước khác.

Nhưng giờ đây, ngay bên cạnh hiệu cắt tóc của Mills, một cửa hàng đồng giá và một cửa hiệu cung cấp sản phẩm làm đẹp đã bị thiêu rụi. Cửa sổ phía trước hiệu cắt tóc của ông Mills bị đập vỡ và tivi, thiết bị thu phát video, kéo đều bị cướp sạch. Điện cắt, nước rỉ ra khắp sàn, khu phố bị bao vây bởi lực lượng cảnh sát và Vệ binh Quốc gia. Mills thực sự không biết khi nào cửa hiệu của ông mới có thể mở lại.

“Nửa khu vực này đã bị kiểm soát. Chúng tôi biết đi đâu bây giờ?”, ông nói.

Phillipe Cunningham, thành viên hội đồng thành phố, là người đại diện cho tầng lớp người nghèo với phần lớn là người da màu ở Minneapolis. Ông đã đấu tranh suốt hai tháng qua để mở một địa điểm xét nghiệm và nhận được vô số cuộc gọi từ lao động mất việc, chủ cơ sở kinh doanh da màu không tiếp cận được chương trình cứu trợ liên bang.

Hôm 29/5, Cunningham lái xe đi khảo sát các tòa nhà bị hư hại, giúp một số người gia cố mặt tiền cửa cửa hàng để ngăn đập phá và trộm đồ. “Chúng tôi đang phải chiến đấu”, ông nói.

Tại nhiều khu phố nghèo của Minneapolis, nơi nCoV xuất hiện nhiều hơn, cư dân không có khẩu trang và dung dịch rửa tay, dù thị trưởng hồi đầu tuần trước yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi vào cửa hàng. Tuy nhiên, Starr Brown, mục sư của nhà thờ First Covenant ở trung tâm thành phố, cho biết rất nhiều người vẫn xuống đường biểu tình đòi công lý cho Floyd. “Đây không chỉ là vấn đề mạng sống của một người da màu, mà còn tương lai của chúng tôi và những đứa trẻ”, bà nói.

Nhiều người trẻ, đặc biệt thuộc cộng đồng thiểu số, từng làm hai, ba công việc bán thời gian giờ trở thành người thất nghiệp vì Covid-19. Họ lo lắng không biết có được hưởng trợ cấp nếu bị ốm, theo Tyler Sit, mục sư nhà thờ New City. 

Ở nhà vì phong tỏa, không có việc làm và cũng không có triển vọng tìm được việc trong thời gian tới, họ quan tâm hơn tới tình hình ở Mỹ và quyết định xuống đường biểu tình.

“Họ không muốn nhiễm nCoV và cũng không muốn lây virus cho người khác nếu chẳng may mình mang mầm bệnh mà không hay biết. Nhưng chứng kiến thành phố hỗn loạn, từ sâu trong họ, một cảm giác thôi thúc phải làm điều gì đó”, Tyler Sit nói.

Hai người kiệt sức ngồi trên đường sau cuộc biểu tình giữa đêm ở thành phố Minneapolis cuối tuần qua. Ảnh: NYTimes.

Hai người kiệt sức ngồi trên đường sau cuộc biểu tình giữa đêm ở thành phố Minneapolis cuối tuần qua. Ảnh: NYTimes.

Tại Atlanta, Denver, New York và nhiều nơi khác, làn sóng biểu tình cũng sục sôi. Họ đeo khẩu trang hoặc dùng khăn che mặt để tránh lây nhiễm nCoV và bị xịt hơi cay.

Anais Nunez, 31 tuổi ở khu phố Allerton, thành phố New York, cho biết cô bất chấp rủi ro tham gia biểu tình để thể hiện tinh thần đoàn kết chống lại bạo lực của cảnh sát.

“Tôi đến từ hạt Bronx, tâm dịch của tâm dịch”, Nunez nói về hạt tâm dịch của New York, nơi ghi nhận tỷ lệ nhiễm, nhập viện và chết vì nCoV cao nhất thành phố. “Chúng tôi đang chịu rất nhiều đau khổ. Chúng tôi vẫn phải biểu tình, dù biết nó sẽ khiến tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn”, cô nói. 

Theo Rashawn Ray, nhà xã hội học và thành viên của Viện nghiên cứu Brookings ở thủ đô Washington, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai cuộc khủng hoảng hiện tại là Covid-19 có thể biến mất nhờ vaccine hoặc đột phá về y tế. “Nhưng phân biệt chủng tộc là điều không bao giờ biến mất ở Mỹ”, ông nói.

vnExpress

Nhà hàng Việt ở Mỹ bị thiêu rụi trong biểu tình

1.6.2020

Sau một đêm bị người biểu tình đốt phá, nhà hàng Việt Nam Saigon Bay của vợ chồng ông Thanh Sơn chỉ còn là đống đổ nát.

Saigon Bay là một trong khoảng 40 cơ sở kinh doanh ở khu thương mại Fowler Plaza South, thành phố Tampa, bang Florida, bị đốt phá và cướp bóc vào tối 30/5, sau khi cuộc biểu tình ôn hòa ban ngày liên quan đến cái chết của George Floyd biến thành bạo loạn, theo Tampa Bay Times.

Ông Thanh Sơn, 50 tuổi, cùng gia đình mua lại nhà hàng Saigon Bay cách đây 4 năm sau khi điều hành một nhà hàng ở thành phố Kansas, bang Missouri suốt 15 năm. Saigon Bay đã tồn tại hàng chục năm nay, là nơi người dân và sinh viên ở đại học Nam Florida gần đó thường xuyên tới thưởng thức món phở.

Tối đó, ông cùng mọi người đang ở nhà hàng thì biểu tình nổ ra.

“Tôi nhìn thấy đám đông kéo tới. Thật đáng sợ”, Savy Lam, 44 tuổi, vợ ông, kể.

Tuy nhiên, sau đó, chủ một cửa hàng trang sức gần đó gọi cho ông Sơn, báo tin ông nhìn thấy nhà hàng đang bốc cháy qua camera an ninh. 1h sáng 31/5, ông quay lại nhưng không thể tiếp cận nên đành đi về nhà.

Trở lại Saigon Bay lúc 7h, trước mắt ông là đống ngổn ngang. Cả nhà hàng và cửa hiệu Champs Sports bên cạnh đều là đống đổ nát. Mái và khung nhà bị thiêu rụi, bảng hiệu bị gãy, cửa kính bị đập vỡ.  

Nhà hàng Saigon Bay, thành phố Tampa, Florida, bị thiêu rụi trong cuộc bạo loạn đêm 30/5. Ảnh: Tampa Bay Times

Nhà hàng Saigon Bay, thành phố Tampa, Florida, bị thiêu rụi trong cuộc bạo loạn đêm 30/5. Ảnh: Tampa Bay Times

Đến gần trưa, cảnh sát và lính cứu hỏa vẫn làm việc tại hiện trường. Hơn 40 người đã bị bắt giữ với loạt tội danh từ cướp của đến gây bạo loạn và mang theo vũ khí. 

Suốt những năm qua, ông Sơn chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế.

“Chúng tôi không biết khi nào mới gây dựng lại được. Chúng tôi hoàn toàn không biết”, ông nói.

Tampa chỉ là một trong những thành phố của Mỹ chứng kiến những cuộc biểu tình kéo dài một tuần qua sau khi George Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát ghì gáy dẫn tới tử vong. Các cuộc biểu tình khởi phát ôn hòa từ thành phố Minneapolis, bang Minnesota, sau đó biến thành bạo lực, cướp bóc, đốt phá, khiến các tòa nhà, cơ sở kinh doanh bị hư hại.

Một video được chia sẻ trên mạng cho thấy tiệm nail của người Việt tại Minneapolis bị đập vỡ kính, bàn ghế, các dụng cụ, cướp tiền. 

“Nhiều cửa hàng ở trung tâm thành phố Houston cũng bị đập phá, trong đó có nhà hàng Blind Goat của đầu bếp nổi tiếng Christine Hà, quán ăn yêu thích của tôi”, anh Nhật Minh, ở Houston, bang Texas, nói với VnExpress. “Hôm qua, khi đi qua trung tâm thành phố, tôi nhìn thấy biển cảnh báo người dân tránh khu vực đó”.

Anh Minh cho hay lượng người xuống đường tại Houston khá lớn bởi Floyd vốn là người ở đây. Theo bạn bè của Floyd, anh lớn lên ở khu vực chủ yếu là người da màu tại Houston, trước khi đến Mineapolis tìm việc. 

Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã tuyên bố tình trạng thảm họa do tình trạng bạo lực tại các thành phố khắp bang, đồng thời triển khai hàng nghìn binh sĩ và hơn 1.000 thành viên Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ cảnh sát đảm bảo an ninh.

Chị Phương Trần, ở Las Vegas, bang Nevada, cho hay các cuộc biểu tình diễn ra tại khu vực trung tâm mấy ngày qua, nơi có rất nhiều shop thời trang và nhà hàng. Biểu tình ban đầu diễn ra ôn hòa khi cảnh sát cam kết ủng hộ những người tham gia nếu họ không gây rối và đập phá tài sản.

Tuy nhiên, bạo loạn sau đó bùng phát với hơn 100 người bị bắt, nhiều tòa nhà bị hư hại. Một chiếc SUV bị đốt cháy, các cửa hàng bị phun sơn với thông điệp kêu gọi công lý. Tối qua, cảnh sát Las Vegas đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. 

“Dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, lại thêm biểu tình, tôi càng hạn chế ra ngoài, nếu có thì tránh những khu vực trên”, chị nói. “Nhiều thành phần lợi dụng hỗn loạn để phá hoại và cướp bóc. Để tránh rủi ro, chính quyền đã khuyến cáo các cơ sở kinh doanh ở trung tâm thành phố đóng cửa từ 16h”.

Người biểu tình ôn hòa trên cầu Manhattan, quận Brooklyn, thành phố New York, hôm 31/5. Ảnh: New York Daily News

Người biểu tình ôn hòa trên cầu Manhattan, quận Brooklyn, thành phố New York, hôm 31/5. Ảnh: New York Daily News

Floyd bị cáo buộc sử dụng tờ 20 USD giả để thanh toán tại một tiệm tạp hóa. Theo các công tố viên, sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin đã dùng gối ghì chặt gáy của Floyd trong gần 9 phút, mặc anh này van xin vì “không thở được”.

Chauvin đã bị sa thải, bắt giữ và truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát. Ba cảnh sát còn lại ở hiện trường cũng bị sa thải. Tuy nhiên, người biểu tình không hài lòng và cho rằng tất cả họ cần phải chịu trách nhiệm và bị truy tố nặng hơn.

Theo thống kê của AP, ít nhất 4.400 người đã bị bắt trong những ngày qua, từ trộm cướp, chặn đường cao tốc đến phá lệnh giới nghiêm.

Vừa mở cửa lại được hai tuần sau cả tháng đóng cửa do lệnh phong tỏa để kiềm chế Covid-19 lây lan, anh Hoài Nam, chủ một nhà hàng Việt ở thành phố New York, lại lo lắng vì biểu tình nổ ra. Các cơ sở kinh doanh khác ở một số khu vực bị phá hoại, nhưng nhà hàng của anh may mắn chưa ảnh hưởng gì. 

“Covid-19 đã khiến nhiều chủ kinh doanh điêu đứng rồi, giờ thêm bạo loạn nữa không biết họ phải sống sao”, anh chia sẻ. “Hàng ngày tôi vẫn mở cửa, đến tối về lại bất an, sợ nhỡ nhà hàng của mình bị đập phá thì sao?”.

Các cuộc biểu tình ở New York đã kéo dài 4 ngày liên tiếp với hàng nghìn người xuống đường tuần hành. Anh Nam cũng hòa vào dòng người biểu tình ôn hòa đó vào sáng qua. Tuy nhiên, giống như những ngày trước, đến đêm, bạo loạn lại xảy ra. Người biểu tình đốt lửa, đụng độ với cảnh sát. Những tiếng súng vang lên, nhiều người bị bắt và nhiều sĩ quan bị thương.

Anh Nam cho hay mình phần nào hiểu được phản ứng của người biểu tình bởi họ từng chịu nhiều bất công trong xã hội, bị khinh thường và đối xử như những một tầng lớp thấp kém. Cái chết của Floyd cộng với tình hình dịch bệnh và thất nghiệp thời gian qua đã thổi bùng ngọn lửa tức giận trong họ.

“Đâu cũng có người tốt, người xấu. Không phải tất cả người da màu đều xấu và không phải tất cả người da trắng đều tốt. Không có gì là hoàn hảo”, anh nói.

Biểu tình ở Mỹ hiện đã lan sang cả Anh và New Zealand. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cái chết của Floyd là một “thảm kịch”, nhưng lên án các hành vi biểu tình bạo lực là hành động của “những kẻ cướp bóc, vô chính phủ”.

Anh Nam dự đoán tình hình căng thẳng sẽ chấm dứt sau 2-3 ngày nữa, khi 4 cảnh sát liên quan tới cái chết của Floyd nhận những bản án thích đáng. 

“Một bộ phận cảnh sát Mỹ cậy quyền và không coi trọng mạng sống của người khác. Tôi nghĩ nếu người da màu được đối xử khác, sẽ không có những chuyện như thế này xảy ra”, anh nói thêm. 

vnExpress

9/6/2020

Lý do biểu tình ở Mỹ vẫn sục sôi

Dakota Patton cảm thấy kiệt sức khi bỏ công việc, lái xe hai giờ mỗi ngày đi biểu tình suốt hai tuần qua, nhưng không có ý định dừng lại.

“Chuyện này quan trọng hơn. Tôi không bận tâm đến bất cứ điều gì khác nữa. Tôi muốn và cần phải ở đây”, Patton, thanh niên 24 tuổi tại bang Colorado, Mỹ, cho hay. Anh là một trong những người tham gia làn sóng biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát sau khi George Floyd, người đàn ông da màu tại thành phố Minneapolis, bị một cảnh sát da trắng ghì chết.

Đã hai tuần trôi qua kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra sau cái chết của Floyd, hàng nghìn người vẫn tập trung tuần hành đòi bình đẳng sắc tộc tại hơn 150 thành phố ở Mỹ. Người dân khắp thế giới, như tại Australia, Anh, Pháp, Đức, cũng bất chấp thời tiết giá lạnh và những quy tắc phòng ngừa Covid-19 để xuống đường thể hiện sự đoàn kết với người biểu tình ở Mỹ.

Quy mô và mức độ của các cuộc biểu tình được cho là chưa từng thấy suốt nhiều thập kỷ và dường như sẽ không sớm lụi tàn. Các con đường, quảng trường tràn ngập những người chấp nhận hủy kế hoạch cá nhân, bớt thời gian làm việc, hoặc vội vàng thuê người trông trẻ để đi biểu tình.

Người biểu tình tập trung tại nơi tưởng niệm George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ hôm 8/6. Ảnh: NY Times. 

Người biểu tình tập trung tại nơi tưởng niệm George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ hôm 2/6. Ảnh: NY Times. 

Nhiều người cho biết mọi kế hoạch của họ đã đổ vỡ sau khi nền kinh tế lao dốc vì Covid-19. Với hàng chục triệu lao động mất việc và hàng loạt sinh viên nghỉ học vì trường đóng cửa, họ giờ đây không có gì ngoài thời gian.

“Cảm giác như nơi này là nhà của tôi”, Rebecca Agwu, một lao động thất nghiệp vì đại dịch, cho hay. Cô gái 19 tuổi này đã dành 5 ngày để tham gia cuộc biểu tình tại thành phố Denver, bang Colorado, đồng thời tranh thủ trò chuyện với những người đồng cảnh ngộ trong đám đông.

Theo các nhà hoạt động và học giả nghiên cứu về những cuộc biểu tình liên quan đến tình trạng bạo lực của cảnh sát, xả súng trường học, nữ quyền hay nhập cư, cơn thịnh nộ lan rộng vì bất bình đẳng kinh tế và chủng tộc, vấn đề vốn âm ỉ lâu nay, cùng sự thất bại của chính quyền khi xử lý Covid-19, có thể đã giúp phong trào hiện nay sục sôi trong thời gian dài hơn.

“Mọi người đang chứng kiến bất công xảy ra trong mọi lĩnh vực xã hội. Trường học bị đóng cửa. Sinh viên chịu nhiều gánh nặng và nợ nần. Những điều đó đã xát thêm muối vào nỗi đau”, Wes Moore, một doanh nhân xã hội, nêu ý kiến.

“Giải pháp cho các cuộc biểu tình lúc nào cũng vậy, lặp đi lặp lại theo một quy trình chuẩn. Họ sẽ triệu tập một ủy ban, tổ chức vài phiên điều trần với sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng. Nhưng lần này một số nhà hoạch định chính sách đã lên tiếng. Đây chính là điểm khác biệt“, Jody David Armour, giáo sư luật tại Đại học Nam California, nhận định.

Thị trưởng New York Bill de Blasio cam kết cắt giảm ngân sách của Sở Cảnh sát thành phố và dành nhiều tiền hơn cho các dịch vụ xã hội. Tại Minneapolis, nơi bộ máy thực thi pháp luật từ lâu bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, 9 thành viên của hội đồng thành phố cũng muốn tạo ra một hệ thống an ninh công cộng mới thay thế lực lượng cảnh sát.

Công tác tổ chức tốt dường như cũng là một trong những yếu tố giúp duy trì các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Nekima Levy Armstrong, một nhà tổ chức ở Minneapolis, từng là phó giáo sư luật tại Đại học St. Thomas trong thành phố. Tuy nhiên, bà nghỉ việc hồi năm 2016 để có thể cống hiến hết mình cho phong trào dân quyền và các cuộc biểu tình.

Hôm 3/6, ngay sau khi quyết định truy tố đối với 4 cảnh sát liên quan đến vụ Floyd bị ghì chết được công bố, Armstrong đã tập hợp được hơn 500 người mang theo những tấm biểu ngữ đòi quyền lợi cho người da màu. Bà cảnh báo 4 cảnh sát có thể được một bồi thẩm đoàn gồm toàn người da trắng xét xử rồi được tha bổng.

“Chúng ta phải tiếp tục đề cao cảnh giác. Chúng ta không thể nghỉ ngơi”, Armstrong kêu gọi đám đông tập trung trước một đài truyền hình. “Chúng ta phải tiếp tục tuần hành. Hãy duy trì cuộc biểu tình, tiếp tục nói lên sự thật”. Đáp lại lời của bà là những tiếng reo hò và vỗ tay.

Các nhà tổ chức cộng đồng cho rằng nguồn năng lượng biểu tình trên đường phố rồi cũng sẽ hạ nhiệt, nhưng phong trào lần này dường như còn giúp tạo ra một thế hệ các nhà hoạt động mới.

Tại khu vực phía nam bang Florida, các nhà hoạt động đang cố gắng duy trì động lực bằng cách tuyển thêm tình nguyện viên, tổ chức đào tạo, đồng thời đảm bảo mọi người đủ tiền lộ phí để tới tham gia nhiều cuộc biểu tình trong ngày.

“Trước đây, chúng tôi từng chứng kiến động lực phai nhạt dần, nhưng bây giờ mọi người lại muốn biết cách tổ chức biểu tình. Tôi nhận thấy một sự thay đổi”, Tifanny Burks, thành viên liên minh đấu tranh vì người da màu tại hạt Broward, bang Florida, cho hay.

Asa Rogers-Shaw, nhà hoạt động 30 tuổi tại thành phố Fort Lauderdale, cho biết không phải ngày nào anh cũng đi biểu tình, mà đang tập trung hoạch định chiến lược để đảm bảo người biểu tình đủ điều kiện duy trì hoạt động. Khi các nhà tổ chức tại hạt Broward mở buổi đào tạo trực tuyến nhằm chỉ dẫn cho người dân cách tiếp tục biểu tình thông qua “những hành động cụ thể”, hơn 200 người đã đăng ký.

Cuộc biểu tình vì quyền lợi của người da màu tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, hôm 3/6. Ảnh: NY Times.

Cuộc biểu tình vì quyền lợi của người da màu tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, hôm 3/6. Ảnh: NY Times.

Các nhà hoạt động tại Mỹ còn cho biết họ chưa bao giờ ngừng đấu tranh và kêu gọi cải cách. Tại thành phố Ferguson, bang Missouri, nơi một thanh niên da màu 18 tuổi bị cảnh sát bắn chết hồi năm 2014, cư dân và các nhà hoạt động đã dành gần 6 năm kêu gọi cải cách hệ thống tòa án, chính sách với cảnh sát và lãnh đạo chính trị. Tuần trước, thành phố này bầu ra thị trưởng người Mỹ gốc Phi đầu tiên là Ella Jones.

Tại Baltimore, gia đình của Tyrone West, người thiệt mạng sau khi đụng độ với cảnh sát hồi năm 2013, vẫn tập trung trên đường phố vào mỗi thứ tư hàng tuần để đòi công lý, đồng thời tưởng niệm những người tử vong vì bạo lực của cảnh sát.

Các nhà hoạt động của phong trào “Mạng sống người da màu cũng quan trọng” tại Los Angeles đã biểu tình ở trung tâm thành phố mỗi thứ tư hàng tuần trong hơn hai năm qua, thường chỉ thu hút vài chục người. Tuy nhiên, hàng nghìn người đã đến gia nhập vào tuần trước.

Valerie Rivera, mẹ của một người bị cảnh sát giết hồi năm 2017, cho biết bà rất vui khi có nhiều người tham gia biểu tình cùng. “Chúng tôi vẫn luôn chờ đợi ngày mà mọi người tràn ngập những con phố này”, bà nói.

Trong một cuộc biểu tình gần đây ở thủ đô Washington, một người trong đám đông hét lên rằng tất cả họ sẽ quay lại vào ngày hôm sau. Hàng trăm người sau đó hưởng ứng rồi hô vang khẩu hiệu “Và cả ngày hôm sau nữa!”.

Một người biểu tình tên Andrew Jackson cho biết những trải nghiệm của bản thân về sự lạm quyền của cảnh sát khiến anh phải bớt giờ làm để đi tuần hành. Thanh niên 25 tuổi này từng bị cảnh sát chĩa súng vào đầu và chứng kiến con trai của một hàng xóm bị bắn chết.

“Tôi sẽ ra ngoài biểu tình ngày này qua ngày khác”, Jackson nói.

Nguồn: vnExpress

George Floyd: Vì sao các cuộc biểu tình tại Mỹ lần này mạnh mẽ như vậy?

 

  • 10 tháng 6 2020
Một người phụ nữ đeo khẩu trang với dòng chữ "Tôi không thể thở" ở Nantes, vào 8/6/2020, trong một cuộc biểu tình 'Black Lives Matter' chống lại nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết của George FloydGETTY IMAGES Một người phụ nữ đeo khẩu trang với dòng chữ “Tôi không thể thở” ở Nantes, vào 8/6/2020, trong một cuộc biểu tình ‘Black Lives Matter’ chống lại nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết của George Floyd.

Hàng ngàn người Mỹ đang xuống đường để phản đối tệ trạng phân biệt chủng tộc – nhiều người đi biểu tình lần đầu trong đời. Tại sao bi kịch này lại tạo nên sự hưởng ứng lớn đến vậy?

George Floyd không phải là trường hợp đầu tiên cái chết của một người Mỹ gốc Phi trong lúc bị cảnh sát bắt giữ làm nổ ra các cuộc biểu tình.

Trước đây từng có những cuộc biểu tình và kêu gọi thay đổi sau khi Tamir Rice, Michael Brown và Eric Garner bị cảnh sát giết chết.

Nhưng lần này có vẻ khác, khi phản ứng kéo dài và lan rộng hơn. Biểu tình đã nổ ra trên khắp Hoa Kỳ – ở tất cả 50 tiểu bang và thủ đô Washington DC – bao gồm cả ở các thành phố và cộng đồng nông thôn nơi người da trắng chiếm đa số.

Chính quyền địa phương, giới thể thao và các doanh nghiệp lần này có vẻ sẵn sàng hơn trong việc bày tỏ lập trường – đáng chú ý nhất là việc hội đồng thành phố Minneapolis biểu quyết giải tán phòng cảnh sát.

Mục sư Al Sharpton đọc điếu văn tại lễ tang George Floyd

Và các cuộc biểu tình Black Lives Matter (Sinh mạng người da đen cũng đáng kể) lần này có vẻ đa dạng về sắc tộc hơn – với số lượng lớn người biểu tình da trắng, và người biểu tình từ các sắc dân khác sát cánh cùng các nhà hoạt động da đen.

Có một số yếu tố hội tụ để tạo ra “cơn bão hoàn hảo cho hành động nổi loạn” liên quan đến cái chết của George Floyd, Frank Leon Roberts, một nhà hoạt động đang dạy khóa học về phong trào Black Lives Matter tại Đại học New York, nói với BBC.

Cái chết của Floyd đặc biệt ‘khủng khiếp và rõ ràng’

Một cảnh sát, Derek Chauvin, ghì đầu gối trên cổ ông Floyd trong gần chín phút – ngay cả khi Floyd liên tục nói “Tôi ngộp thở rồi” và cuối cùng trở nên bất động. Sự việc được ghi lại rõ ràng trong video.

“Trong nhiều vụ bạo lực của cảnh sát trước đây, đó thường là một câu chuyện mơ hồ được thuật lại – có thể là một tường thuật không trọn vẹn về những gì xảy ra, hoặc cảnh sát nói rằng họ đã phải đưa ra quyết định trong giây lát do lo ngại tính mạng bị đe dọa”, ông Roberts nói.

“Trong trường hợp này, đó là một hành xử bất công rất rõ ràng – mọi người có thể thấy người đàn ông này [Floyd] hoàn toàn không vũ trang và mất năng lực phản kháng.”

Wengfay Ho (thứ hai từ trái) cho biết cô lần đầu tiên tham gia cuộc diễu hành Black Lives Matters sau cái chết của George Floyd

 

 

Wengfay Ho (thứ hai từ trái) cho biết cô lần đầu tiên tham gia cuộc diễu hành Black Lives Matters sau cái chết của George Floyd

Nhiều người tham gia tuần hành gần đây là những người lần đầu đi biểu tình, họ giải thích khi nhìn thấy cái chết của George Floyd họ cảm thấy không thể ở nhà được nữa.

“Có hàng trăm cái chết không được ghi lại trên video, nhưng tôi nghĩ rằng sự kinh khủng và cái ác trong video đó đã đánh thức mọi người”, Sarina LeCroy, một người biểu tình từ Maryland, nói với BBC.

Tương tự, Wengfay Ho cho biết cô vốn luôn ủng hộ phong trào Black Lives Matter, nhưng cái chết của George Floyd là một “chất xúc tác” đặc biệt khiến cô lần đầu tiên xuống đường.

Nó “gợi nhiều cảm xúc hơn, và lời kêu gọi thay đổi hiện trở nên cấp bách hơn”.

Sự việc xảy ra giữa đại dịch, và tỷ lệ thất nghiệp cao

“Lịch sử thay đổi khi có một sự tập hợp lực lượng bất ngờ,” ông Roberts lập luận.

Cái chết của ông Floyd xảy ra giữa lúc đại dịch virus corona đang khiến người Mỹ bị buộc phải ở nhà, và gây ra mức thất nghiệp cao nhất kể từ Đại suy thoái vào những năm 1930.

“Hoàn cảnh ở đây là toàn bộ đất nước đang bị phong tỏa, và số người xem TV cao hơn… có thêm nhiều người bị buộc phải chú ý – họ ít nhìn đi chỗ khác, ít bị phân tâm hơn.”

Đại dịch đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, và dẫn đến việc có nhiều người Mỹ ở nhà “tự vấn rằng điều gì trong cuộc sống là điều không thể chấp nhận được”, ông nói thêm.

Nếu xét ở tính thực tiễn, thì mức thất nghiệp 13% của Hoa Kỳ có nghĩa là đang có nhiều người hơn có thể đi biểu tình và vận động bình thường mà không phải lo làm bổn phận của mình.

‘Giọt nước tràn ly’

Cái chết của ông Floyd xảy ra theo sau cái chết của Ahmaud Arbery và Breoanna Taylor.

Arbery, 25 tuổi, bị bắn vào ngày 23/2 khi đang chạy bộ ở Georgia, sau khi một vài cư dân nói rằng anh trông giống một nghi phạm trộm cắp. Breoanna Taylor, 26 tuổi, là một nhân viên y tế đã bị bắn 8 lần khi cảnh sát xông vào căn hộ của cô ở Kentucky.

Tên của hai người đều xuất hiện trên biểu ngữ trong các cuộc biểu tình mới nhất của phong trào Black Lives Matters, và người biểu tình được khuyến khích hô vang tên Taylor.

Ông Roberts mô tả cái chết của George Floyd là “giọt nước tràn ly với nhiều cộng đồng”, nói thêm rằng vụ việc xảy ra vào mùa hè, khi mọi người muốn ra ngoài trời, cũng là một yếu tố đáng lưu ý.

Vì năm nay có bầu cử, điều đó cũng có nghĩa là các chính trị gia có nhiều khả năng chú ý và phản ứng hơn, ông nói.

Biểu tình đa sắc tộc hơn

Mặc dù không có thống kê cụ thể về sắc tộc của người tham gia biểu tình, nhưng nhiều cuộc biểu tình dường như thu hút một tỉ lệ cao những người tham gia không phải là người Mỹ gốc Phi.

Laura Hopman đã đưa hai con trai chín tuổi đi biểu tình vào thứ Bảy ở Washington DC

 

Laura Hopman đã đưa hai con trai chín tuổi đi biểu tình hôm thứ Bảy ở Washington DC

Chẳng hạn, ở Washington DC, hàng chục ngàn người đã xuống đường hôm thứ Bảy – và khoảng một nửa đám đông dường như không phải là người da đen. Nhiều người phản đối đã đưa ra những khẩu hiệu cho thấy mong muốn trở thành đồng minh của phong trào.

Điều này có thể xuất phát từ sự thay đổi quan điểm.

Một cuộc thăm dò của ABC cho thấy 74% người Mỹ cảm thấy rằng vụ giết ông Floyd là một phần của vấn đề rộng lớn hơn trong việc cảnh sát đối xử với người Mỹ gốc Phi.

Con số này tăng mạnh so với một cuộc thăm dò tương tự vào năm 2014, sau cái chết của Michael Brown và Eric Garner – khi có 43% người Mỹ cảm thấy rằng những sự cố đó phản ánh một vấn đề rộng lớn hơn, ABC cho hay.

Dù phong trào Black Lives Matter “luôn luôn đa sắc tộc… nhưng người da trắng ở Mỹ không thực sự dành nhiều ngôn từ để nói nhiều về chủng tộc”, ông Roberts nói.

“Điều đó thật khó chịu, và họ cho rằng bất kỳ cuộc trò chuyện nào về phân biệt chủng tộc đều là một sự công kích vào chính sự hiện hữu của họ, hoặc cảm thấy họ không có tư cách để lên tiếng trong trường hợp họ xúc phạm ai đó.”

Tuy nhiên, ông nói rằng bây giờ ông đang chứng kiến có nhiều đồng minh da trắng lên tiếng và “cảm thấy thoải mái hơn về điều vốn dĩ không thoải mái đối với họ”.

Ngoài các cuộc tuần hành rầm rộ ở các thành phố lớn, cũng có những cuộc biểu tình ở các thị trấn nhỏ, bao gồm cả Anna, vốn được dân chúng mô tả là một trong những “nơi phân biệt chủng tộc nhất” ở Illinois và Vidor, ở Texas, nơi từng nổi tiếng là một thành trì của Ku Klux Klan, nhóm theo thuyết người da trắng thượng đẳng.

Việc tình huống gây ra cái chết của ông Floyd rất rõ ràng cũng có thể khiến mọi người dễ trở nên đoàn kết hơn.

Trong một bài viết nhan đề “Thị trấn nhỏ bé với toàn dân da trắng của tôi vừa biểu tình. Chúng tôi không đơn độc”, nhà báo Judy Mueller viết rằng đã “sửng sốt” khi thấy khoảng 40 người tại một buổi cầu nguyện ở Norwood, Colorado.

Những người tổ chức buổi cầu nguyện nói “việc ủng hộ cảnh sát và ủng hộ Black Lives Matter không mâu thuẫn nhau”, trong khi một ủy viên hội đồng thị trấn địa phương, đảng viên Cộng hòa Candy Meehan, nói, “Tôi không nghĩ đây là chuyện chính trị. Sai là sai.”

Ceri Menendez and Cindy Sweeting at the DC protest on Saturday 6 June

Ceri Menendez (trái) cho biết trước đây cô chưa từng tham gia tuần hành Black Lives Matter – nhưng cảm thấy cần phải xuất hiện vào lúc này

Các nhà hoạt động xã hội da đen hoan nghênh sự hưởng ứng của các cộng đồng.

Eric Wood, cư dân Washington DC, cho biết ông đã tham gia biểu tình sau cái chết của Khayvon Martin năm 2012 và cái chết của Breoanna Taylor vào đầu năm nay, nhưng làn sóng phản đối lần này “có lẽ là lớn nhất”.

“Người Mỹ gốc Phi và các sắc dân thiểu số đã phản đối việc [phân biệt chủng tộc] trong nhiều năm. Tiếng nói của chúng tôi rõ ràng không có nhiều sức mạnh như khi có thêm các bạn da trắng giúp sức.”

Trong khi đó, ông Roberts lập luận: “Lịch sử cho thấy rõ ràng là những người cần thay đổi trước khi vỡ đập là những người đã được hưởng lợi từ các hệ thống hiện có.”

Hành động của cảnh sát có gây ảnh hưởng?

Phần lớn các cuộc biểu tình trên khắp Hoa Kỳ khá ôn hòa – và trong một số trường hợp, cảnh sát địa phương cũng bày tỏ sự ủng hộ.

Tuy nhiên, cũng có một số cuộc đối đầu và đụng độ gây chú y giữa người biểu tình và cảnh sát.

Tuần trước, các nhà chức trách đã đuổi người biểu tình ôn hòa khỏi một quảng trường bên ngoài Nhà Trắng. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump băng qua đường để đến chụp ảnh trước một nhà thờ.

Hàng chục nhà báo đưa tin về các cuộc biểu tình cũng báo cáo đã bị lực lượng an ninh nhắm làm mục tiêu đàn áp, sử dụng hơi cay và đạn cao su.

Một số người biểu tình đã xuống đường sau khi họ cảm thấy cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức.

Ben Longwell and Justine Summers at the DC protests on Saturday 6 June

”Đây là lần đầu tiên trong đời tôi sợ cảnh sát”

Hai nhân viên y tế Ben Longwell và Justine Summers cho biết vì những hành động đàn áp của cảnh sát, họ đã quyết định tham gia các cuộc biểu tình ở DC – bất kể khó khăn trong việc duy trì sự xa cách xã hội.

“Đây là lần đầu tiên trong đời tôi sợ cảnh sát”, ông Longwell nói.

Trong khi đó, bà Summers nói rằng trước đó bà không định tham dự biểu tình – nhưng “khi tôi nghe về việc cảnh sát bắt người bạo lực như thế nào thì thấy dường như đó là việc tôi cần phải làm”.

Một cuộc thăm dò được thực hiện cho CNN cho thấy 84% người Mỹ thấy các cuộc biểu tình ôn hòa phản ứng lại việc cảnh sát dùng bạo lực với người Mỹ gốc Phi là hợp lý, trong khi 27% cho rằng ngay cả khi biểu tình trở nên bạo động cũng có hiểu được – mặc dù sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình bạo lực đã bị chia rẽ rõ ràng theo quan điểm chính trị.

“Thực tế là chúng tôi không muốn ai bị tổn thương. Nhưng chúng tôi cũng phải nhận ra rằng, dù xấu hay tốt, bạo loạn thường là một chiến lược chính trị và truyền thông, để các nhà hoạt động đảm bảo rằng các máy ảnh và máy quay phim để giải quyết vấn đề”, Roberts nói.

Biểu tình có thể dẫn đến đâu?

Kenny Pegram and his son Dylan Pegram at the DC march on 6 June 2020

Dylan Pegram, 10 tuổi có mặt với cha trong lần diễu hành đầu tiên.

Nhiều người biểu tình đã kêu gọi thay đổi cụ thể – bao gồm bắt buộc các sĩ quan cảnh sát phải đeo máy ảnh gắn trên người, giảm tài trợ cho lực lượng cảnh sát hoặc khuyến khích mọi người đi bầu.

Ông Roberts cho biết còn quá sớm để nói liệu các cuộc biểu tình hiện nay có dẫn đến sự thay đổi lâu dài hay không – “Hãy nhớ phong trào dân quyền [của những năm 1950 và 1960] đã diễn ra trong hơn một thập niên.”

Tuy nhiên, ông cũng hy vọng rằng: “Chúng ta sống ở một đất nước chỉ mất một khoảnh khắc giống như Rosa Parks để thay đổi mọi thứ.”

Rosa Parks đã bị bắt sau khi bà từ chối nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng vào năm 1955 – gây ra những vụ tẩy chay, và một phong trào quần chúng cuối cùng đã dẫn đến một bộ luật dân quyền vào năm 1964.

Nhiều người biểu tình ở DC cuối tuần qua cũng cảm thấy rằng họ đang ở trên đỉnh của một thời khắc lịch sử.

“Chúng tôi đang ở thời điểm mà mọi thứ thực sự có thể thay đổi,” Laura Hopman nói thêm rằng cô đã mang theo hai đứa con trai chín tuổi vì “Tôi muốn chúng là một phần của tiến trình này – để biến nó thành một bước ngoặt cuộc đời của các con và đời sống của nhiều người khác.”

Dylan Pegram, 10 tuổi, cũng có mặt với cha, trong lần diễu hành đầu tiên.

“Tôi thấy hơi căng thẳng, nhưng đồng thời nó cũng tốt, bởi vì chúng tôi cần thay đổi,” ông nói.

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen