Seite auswählen

Hiếu Chân/Người Việt

Sự kiện nổi bật ở Việt Nam hiện nay là phiên tòa xét xử 29 người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đang diễn ra. Có 25 bị cáo bị truy tố tội “giết người,” bốn bị cáo còn lại bị truy tố tội “chống người thi hành công vụ.” Tất cả bị cáo đều là nông dân, là con cháu, thân nhân hoặc hàng xóm láng giềng của ông Lê Đình Kình – người đã bị giết tức tưởi trong cuộc tấn công của cảnh sát cách đây tám tháng.

 

Những người dân xã Đồng Tâm trong phiên xử sơ thẩm tại Hà Nội ngày 8 Tháng Chín. (Hình: Nguyễn Hưởng/Người Lao Động)

Vụ án khơi lại biến cố bi thảm rạng sáng 9 Tháng Giêng, 2020, khi lực lượng cảnh sát cơ động khoảng 3,000 người trang bị vũ khí tận răng đồng loạt tấn công vào thôn Hoành lúc người dân đang còn ngủ say, bắn chết ông Kình ngay trong buồng ngủ của ông, làm bị thương nhiều người khác và bắt đi 29 người. Phía cảnh sát được cho rằng có ba người bị giết và “thiêu xác” – nguyên cớ để truy tố các bị cáo vào tội “giết người” tại phiên tòa hiện nay.

Trong tám tháng qua, đã có hàng trăm ngàn bản tin, bài viết về sự kiện bi thảm này trên báo chí của chính quyền và trên mạng xã hội; hàng chục nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội đã đến Đồng Tâm, gặp gỡ những người sống sót và viết bài phản ảnh trên mạng; hàng chục thư kiến nghị, tuyên bố của các tổ chức xã hội dân sự phản đối vụ tấn công Đồng Tâm đã thu hút hàng ngàn chữ ký. Bạn đọc có thể dễ dàng tìm ra những tài liệu này bằng công cụ tìm kiếm của Google.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng: Tại sao giữa thủ đô trong thời bình lại xảy ra một cuộc tấn công đẫm máu như vậy, ai là người quyết định, chỉ huy cuộc tấn công đó, vì mục đích gì?

Có phải vì tranh chấp cánh đồng Sênh?

Đa số ý kiến đều cho rằng có một vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân thôn Hoành về cánh đồng Sênh rộng 59 hécta. Người dân thôn Hoành – đứng đầu là ông Lê Đình Kình, 84 tuổi đời, 59 “tuổi đảng,” từng làm bí thư đảng Cộng Sản xã Đồng Tâm – cho rằng đó là ruộng đất của họ, họ đã và đang canh tác và đóng thuế đầy đủ; trong khi chính quyền cho rằng đó là “đất quốc phòng” thuộc sân bay Miếu Môn cần thu hồi để giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel xây nhà máy sản xuất. Tranh chấp cánh đồng Sênh kéo dài, phát sinh nhiều sự việc đáng tiếc như chuyện ông Kình bị lừa ra ruộng để “phân định mốc giới” rồi bị đánh gãy chân và bị bắt giam, chuyện 38 cảnh sát cơ động được phái tới Đồng Tâm dẹp loạn bị người dân bắt giam trong nhà văn hóa và nhiều chuyện bi hài khác nữa.

Nhiều người thắc mắc một cách hợp lý rằng tranh chấp đất đai là chuyện dân sự, có thể hòa giải hoặc giải quyết thông qua tòa án, tại sao chính quyền phải dùng tới bạo lực trấn áp. Có người cho rằng, cuộc tấn công vào thôn Hoành là hành động “cưỡng chế,” buộc người dân phải trả đất đai tài sản cho nhà nước sau khi thương lượng không có kết quả. Lập luận này không vững, vì cưỡng chế bao giờ cũng chỉ nhằm thu hồi tài sản, ở đây tài sản là cánh đồng Sênh cách làng hơn ba cây số; tấn công vào làng để cưỡng chế cánh đồng là vô lý.

Xem kỹ nhiều tài liệu quanh vụ án, chúng tôi cho rằng việc tranh chấp đất đồng Sênh giữa người dân thôn Hoành với chính quyền, cụ thể là với quân đội, chỉ là cái cớ ban đầu và mờ nhạt. Nguồn tin nội bộ cho biết sau nhiều lần thương thảo không thành, phía quân đội đã có ý bỏ cuộc, cho xây tường rào ngăn cách phần đất thuộc quân đội và cánh đồng canh tác của người dân để tránh tranh chấp về sau. Tập đoàn Viettel được biết cũng đã từ bỏ dự án xây nhà máy sản xuất linh kiện điện tử trên mảnh đất ấy. Nếu đúng như vậy, vấn đề đất đai đã có thể giải quyết.

Có dư luận cho rằng một “nhóm lợi ích” bất động sản giấu mặt nào đó rắp tâm chiếm 59 hécta đất đồng Sênh để xây khu đô thị mới, thu lợi bất chính, chuyện thường thấy ở Việt Nam từ hồi “đổi mới,” đất đai trở nên có giá. Nhóm này cấu kết với chính quyền, dùng biện pháp cưỡng chế để giành cho được khu đất vàng. Lập luận này không có nhiều cơ sở vì cuộc tấn công đẫm máu vào thôn Hoành và cái giá phải trả về sinh mệnh và uy tín chính trị vượt quá giá trị của khu đất. Nếu cân nhắc được và mất sẽ không có chính quyền nào tổ chức một cuộc tấn công quy mô như vậy chỉ để giành một khu đất.

Cũng cần để ý rằng, tranh chấp đất đồng Sênh là giữa người dân và quân đội, lực lượng tấn công lại là công an. Trong thể chế Cộng Sản, quân đội và công an đều là cánh tay bạo lực của đảng, đều tham nhũng đất đai khủng khiếp nhưng ai cũng biết hai lực lượng này thường không hòa thuận với nhau do mâu thuẫn về quyền lợi. Đưa lực lượng công an ra trấn áp dân để giành đất về cho quân đội là điều khó có thể xảy ra và chắc chắn chẳng có đơn vị công an nào ra mặt đấu với dân, chịu cho dân mắng nhiếc rủa sả chỉ để quân đội ngồi không hưởng lợi. Vụ tấn công thôn Hoành của công an do vậy rất ít liên can tới chuyện đất đai ở cánh đồng Sênh.

 

Các lối đi vào Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội trên phố Phạm Văn Bạch được kiểm soát nhiều lớp an ninh. (Hình: Giang Huy/VNExpress)

Nguyên nhân là “Tổ Đồng Thuận”

Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân thật sự đằng sau vụ tấn công đẫm máu ở Đồng Tâm chỉ có thể là đảng Cộng Sản quyết tiêu diệt một tổ chức chống đối, bất tuân quyền lực của họ. Từ tranh chấp cánh đồng Sênh, người dân thôn Hoành dưới sự chỉ huy của ông Lê Đình Kình, đã tự phát lập ra một “tổ chức” – tôi nhấn mạnh vào từ “tổ chức” – gọi là “Tổ Đồng Thuận” quy tụ con cháu trong gia đình ông và những người dân có ruộng đất trên cánh đồng ấy. Tổ này, theo tài liệu được phổ biến trên mạng, có mục đích thống nhất ý kiến của người dân để “đấu lý” với chính quyền, bảo vệ tài sản ruộng đất không bị cướp đi một cách phi pháp.

Sai lầm của ông Kình và người dân thôn Hoành là ở chỗ họ đã lập ra một “tổ chức” không chính thức để đấu tranh với chính quyền. Cho dù cả làng Hoành già trẻ lớn bé có dầm mưa dãi nắng đội đơn khiếu nại đất đai trước cổng trụ sở tiếp dân ở Hà Nội từ năm này sang tháng khác thì chắc chính quyền cũng sẽ không xuống tay với họ, như số phận hàng chục ngàn “dân oan” mất nhà mất đất đang vất vưởng khắp các vườn hoa thủ đô. Đằng này, họ đã lập ra một “tổ chức,” tạo một cái cớ để chính quyền đàn áp.

Trong thực tế, “Tổ Đồng Thuận” đã có một số hành động làm chính quyền Cộng Sản phải lo sợ như tổ chức họp hành hàng tuần, làm video clip loan tải trên mạng thề quyết giữ đất dù có phải đổ máu, huy động người dân rào làng, luân phiên canh gác báo động, mắng chửi các quan chức chính quyền địa phương… và cao điểm là bắt giữ 38 cảnh sát cơ động hồi cuối năm ngoái. Thông tin của công an Cộng Sản, qua các báo đài quốc doanh, tố cáo các thành viên “Tổ Đồng Thuận” chung góp tiền mua vũ khí như xăng dầu, lựu đạn… để chống trả chính quyền nhưng không có bằng chứng khả tín cho điều đó. Khi hành động như vậy, người dân thôn Hoành – tiêu biểu là ông Kình – chắc nghĩ đơn giản rằng họ là những người kiên trung “suốt đời đi theo và cống hiến cho đảng,” hành động của họ chỉ là “chống tham nhũng, bảo vệ tài sản chính đáng” nên đảng sẽ đối xử có lý có tình với họ.

Thế nhưng có một điều đã thành quy luật là đảng Cộng Sản sợ nhất là các “tổ chức” không do đảng lập ra và kiểm soát. Với guồng máy công an trị, đảng Cộng Sản dư thừa thủ đoạn và phương tiện để vô hiệu hóa mọi cá nhân chống đối, kể cả những người bất đồng chính kiến sống ở trong hay ngoài nước, họ chỉ sợ những “tổ chức” – tập hợp những cá nhân có cùng chí hướng, cùng quyết tâm tiến tới một xã hội tự do và dân chủ, chống tham nhũng, chống độc tài toàn trị, nghĩa là chống lại quyền lực độc tôn của đảng.

Đảng Cộng Sản không bao giờ dung thứ cho các “tổ chức” dù đó là đảng phái chính trị hay chỉ là tổ chức xã hội dân sự làm những việc thiện nguyện như bảo vệ cây xanh. Guồng máy công an chìm nổi khổng lồ của đảng tỏa khắp mọi thôn xóm và trên các mạng xã hội liên tục đánh hơi tìm kiếm những nhóm, hội, câu lạc bộ có xu hướng phản biện và có thể phát triển thành các tổ chức phản kháng để tiêu diệt từ trong trứng nước. Những vụ bắt bớ, giam cầm và những bản án khắc nghiệt mà nhà cầm quyền cộng sản áp đặt cho các tổ chức xã hội dân sự như Hội Nhà Báo Độc Lập gần đây là một minh chứng, dù các nhà báo đó tay không tấc sắt và không hề cổ xúy bạo lực.

Trong mối lo sợ đầy hoang tưởng như vậy của đảng cộng sản, “Tổ Đồng Thuận” ở thôn Hoành – ngay thủ đô Hà Nội – là một tổ chức “phản loạn” cần phải tiêu diệt trước khi nó trở thành hình mẫu, kích thích sự ra đời của hàng trăm “Tổ Đồng Thuận” khác của hàng vạn hàng triệu dân oan khắp ba miền. Vụ người dân bắt giữ 38 cảnh sát cơ động, dù đối đã với họ khá thân thiện, là cái cớ để Bộ Công An đưa thôn Hoành vào diện “phản động,” một “tổ chức chống đối nguy hiểm,” và lên kế hoạch đàn áp.

Chỉ có như vậy mới giải thích được vì sao chính quyền huy động tới ba ngàn lính, cả chó nghiệp vụ, đang đêm bất thần nổ súng tấn công một làng quê không có dấu hiệu khủng bố hay bạo loạn. Mục đích của “chiến dịch” không gì khác hơn là tiêu diệt những người cầm đầu của “Tổ Đồng Thuận” là ông Lê Đình Kình, ông Bùi Viết Hiểu, đánh bị thương và bắt giam những người trai trẻ trong “Tổ Đồng Thuận” ấy, bất kể là đàn ông hay đàn bà và tịch thu toàn bộ tài liệu, hình ảnh hoạt động của tổ chức này.

Đòn tiêu diệt “tổ chức chống đối” ở Đồng Tâm không chỉ nhổ đi một cây gai gây đau nhức cho lãnh đạo đảng Cộng Sản mà còn phát đi tín hiệu đe dọa, dằn mặt các tổ chức xã hội dân sự khác trong cả nước, cho họ thấy rằng để duy trì quyền lực, đảng cộng sản sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào cho dù tàn bạo đến đâu, để bóp chết tất cả những tổ chức rắp ranh thách thức quyền cai trị độc tôn của họ.

Ai dàn dựng vụ tấn công?

Theo bản cáo trạng đọc trước phiên tòa ngày 7 Tháng Chín, vụ tấn công Đồng Tâm do Công An thành phố Hà Nội lập kế hoạch và thực hiện, được Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội và Bộ Công An phê chuẩn. Tuy nhiên, diễn biến của vụ việc, cùng những hiện tượng liên quan như chiến dịch truyền thông trên truyền hình và báo chí cho thấy, “chiến dịch” này phải được soạn thảo và chủ trì ở cấp cao nhất, có thể là ở Bộ Chính Trị – chóp bu của đảng Cộng Sản. Việc ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng nhanh nhảu ký giấy phong tặng huân chương, thăng cấp hàm cho ba viên công an “chết cháy” chỉ một ngày sau sự kiện là bằng chứng cho thấy chóp bu của đảng đã can dự và phê chuẩn chiến dịch này.

Hãy xem trường hợp ông Nguyễn Đức Chung, ủy viên trung ương đảng, thiếu tướng công an, chủ tịch thành phố Hà Nội, vừa bị tạm giam về tội “đánh cắp tài liệu bí mật nhà nước” (!) Toàn bộ sự việc Đồng Tâm diễn ra trên đất Hà Nội nên với tư cách người lãnh đạo cao nhất của thủ đô, ông Chung phải là người có vai trò chính. Thế nhưng yêu cầu của các luật sư đòi ông Chung ra tòa với tư cách nhân chứng đã bị chánh án bác bỏ.

Sau khi xảy ra chuyện ông Kình bị đánh gãy chân và người dân trả đũa bằng cách bắt giam 38 cảnh sát cơ động, ông Nguyễn Đức Chung đã có một hành động “thỏa hiệp” đáng ghi nhận. Ông Chung đã đích thân đi về xã Đồng Tâm gặp người dân và tại đó ông Chung đã ký một văn bản viết tay, có điểm chỉ lăn tay hẳn hoi, cam kết “không truy tố hình sự người dân Đồng Tâm.” Ông Chung còn can thiệp với bệnh viện để ông Kình được chữa trị chu đáo, đã tặng xe lăn để ông lão này đi lại như một cử chỉ chuộc bớt lỗi lầm của thuộc cấp.

Sự thỏa hiệp của ông Chung đã giúp xoa dịu tạm thời vụ đối đầu giữa dân làng và chính quyền, các cảnh sát cơ động được thả ra và vấn đề đất đai có cơ may được giải quyết ổn thỏa. Nhưng trong não trạng đầy hoang tưởng của giới lãnh đạo chóp bu, hành động của ông Chung bị coi là “vô nguyên tắc,” tự ý thỏa hiệp với “phản loạn” và do đó ông Chung phải bị trừng phạt.

Cũng như bao quan chức Cộng Sản khác, con đường hoạn lộ của ông Chung đầy rẫy tội lỗi với dân với nước, nhưng hạ bệ và bắt giam ông Chung với lý do “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” có gì đó không thật thỏa đáng, dù sao ông Chung cũng là ủy viên trung ương đảng, chủ tịch Hà Nội, là “ông vua” của thủ đô. Lý do thật sự có thể là trong vụ án Đồng Tâm, ông Chung đã cả gan đi ra ngoài đường lối của Bộ Chính Trị, thỏa hiệp với “kẻ thù” là tổ chức “Tổ Đồng Thuận” ở thôn Hoành.

Có thể dưới sức ép khủng khiếp của đảng cấp trên mà chỉ một thời gian ngắn sau lần xuống xã Đồng Tâm trở về, ông Nguyễn Đức Chung quay ngoắt 180 độ, tổ chức tấn công những người nông dân đã nghe theo “cam kết” của ông, với ước mong “lập công chuộc tội.” Nhưng ông Chung đã không thoát được mối uất hận của các đồng đảng ở chóp bu; sau cuộc tấn công đẫm máu vào thôn Hoành, cuối cùng ông Chung cũng đã phải tra tay vào còng số 8 khi đồng đảng bắt ông ta phải trả giá.

Số phận của ông Nguyễn Đức Chung cho thấy vụ tấn công Đồng Tâm được dàn dựng ở một cấp cao hơn cấp thành phố Hà Nội, chính xác phải ở cấp Bộ Chính Trị, với sự tham mưu và thực hiện của Bộ Công An. Và vụ “nhập kho chăn kiến” của ông Nguyễn Đức Chung, cũng như cái chết oan khuất của ông Lê Đình Kình, đảng viên 59 tuổi đảng, một lần nữa cho thấy trong đảng Cộng Sản, cái gọi là tình đồng chí, là lý tưởng cách mạng… chỉ là chiêu bài lừa mị, mọi đảng viên dù cao cấp nếu không cúi đầu đi theo đảng trưởng thì hoặc phải thân bại danh liệt, hoặc gia tộc tan nát. Những ai còn chút lương tri mà đang cầm thẻ đảng thì nên nhìn vào đó để suy ngẫm.

 

Tờ cam kết của Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm. (Hình: Dân Việt)

Làm gì có công lý mà chờ đợi!

Phiên tòa đang diễn ra ở Hà Nội chỉ là một phân đoạn trong vụ án Đồng Tâm, là bước kế tiếp của cuộc tấn công vào thôn Hoành rạng sáng 9 Tháng Giêng, nhằm triệt hạ hoàn toàn “Tổ Đồng Thuận” bằng công cụ “pháp lý” để che mắt dư luận. Nhưng ngay từ lúc phiên tòa khai mạc, người ta đã thấy một màn diễn vụng về và thô bỉ của cái gọi là hệ thống tư pháp, bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý và lương tâm con người; thực sự là phiên tòa “thủ phạm xử nạn nhân” vô tiền khoáng hậu!

Những người có chút hiểu biết hoặc trải nghiệm với Cộng Sản đều biết, không bao giờ có công lý dưới chế độ này. Một khi đảng Cộng Sản đã ra tay thì mọi định chế còn lại, như báo chí truyền thông, tòa án, luật pháp… chỉ còn có nhiệm vụ tô vẽ hoặc biện hộ cho hành động của đảng. Trước nhân dân và trước cộng đồng quốc tế.

Vụ Đồng Tâm rồi sẽ khép lại, rồi sẽ trôi dần vào quên lãng giữa bộn bề cuộc sống nhưng vết nhơ của nó sẽ không thể gột xóa được, là chứng tích của một thời đại tối tăm nhất trong lịch sử dân tộc. Thật đau xót và căm phẫn! (Hiếu Chân) [qd]

Nguồn: Nguoi-Viet

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen