Seite auswählen

„chỉ có một sự đột biến chính trị, một tác động xã hội sâu xa, ảnh hưởng lên toàn thể các thành phần trong xã hội Việt Nam, thì lúc đó, ai cũng là nạn nhân, ai cũng có thể xuống đường và ai cũng phải xông lên liều chết để cứu mạng,…“

Đỗ Thành Công

“Nếu mồi lửa ở Nghệ An, Hà Tỉnh, Vũng Áng, Đồng Tâm chỉ có thể cháy rời rạc ở các nơi này mà không lan rộng cả nước, thì khó lòng có một cuộc cách mạng đột biến.”

Cách mạng ở Ba Lan khởi đầu từ cuộc biểu tình, đình công của công nhân hãng đóng tàu, đuợc tổ chức bởi Công đoàn Tự do Thương Mại vùng Duyên Hải. Khi cuộc biểu tình mới bắt đầu sang ngày thứ hai thì Lech Walesa, một công nhân thợ điện, trước đó bị đuổi việc, đã tìm cách nhảy vào tham gia đoàn biểu tình. Và ông đã trở thành lãnh đaọ của cuộc biểu tình, từ đó dẫn đến sự thành hình của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan.

Truớc đó, với tỷ lệ gần 90% dân Ba Lan theo đạo Công Giáo, các nhận định chính trị của Phương Tây, đều kỳ vọng là lực lượng tín đồ Công Giáo sẽ làm mầm cho cuộc Cách mạng ở Ba Lan. Ngay cả Đức Giáo Hoàng, cũng là người Ba Lan trong giai đoạn dầu xôi lửa bỏng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính lực lượng Công Nhân đã là nguồn lực để đẩy chế độ cộng sản Ba Lan xuống vực thẩm. Cũng cần phải đánh giá là, nếu không có sự đồng loạt biểu tình, của hơn 200 các hãng xưởng khác ở khắp Ba Lan sau vài ngày biểu tình của công nhân đóng tàu, thì chưa hẳn cuộc cách mạng Ba Lan đã chuyển qua vai trò chủ động.

Đòi hỏi của Công nhân Ba Lan thời điểm lúc đó chỉ xoáy vào các nhu cầu công bằng, đòi hảng phải mướn lại công nhân bị đuổi vô cớ và yêu cầu chính quyền Ba Lan tôn trọng quyền công nhân và hợp thức hoá vai trò Công đoàn. Họ không đòi thay đổi, lật đổ chế độ cs Ba Lan, hay đòi Dân chủ Tự do. Tuy nhiên, khi cơn bão cách mạng đã chuyển đi vượt qua khỏi tầm kiểm soát, thì xu hướng chính trị và các đòi hỏi khác của nhiều tầng lớp trong xã hội, đã đẩy cuộc cách mạng Công đoàn đi theo xu hướng đánh đổ chế độ độc tài.

Ở Tiệp thì khác, xu hướng biểu tình đòi quyền Dân chủ đã hoạt động âm ĩ cũng như bộc phát mạnh mẽ, nhưng đều bị dẹp tan hay bị kiểm soát chặt chẽ. Vai trò của Hiến Chương 77, do Václav Havel lãnh đaọ cũng chưa tạo ra nhiều ảnh hưởng. Sự đàn áp của nhà cầm quyền Tiệp cũng rất khốc liệt, bản thân Václav Havel cũng bị tù, nhiều cá nhân, trí thức, cộng sản phản tỉnh Tiệp, cùng ký tên trong bảng Hiến Chương đã bị bắt. Xã hội kỳ vọng ở giới trí thức và thanh niên sinh viên, thay vì vào tầng lớp Nông dân và Công Nhân. 

Sự phẩn nộ của quần chúng trước hành động đàn áp của chính quyền khi thanh niên sinh viên Tiệp biểu tình đòi các quyền căn bản. Sự dấn thân triệt để của giới trí thức Tiệp và can đảm đấu tranh của Thanh niên Sinh viên Tiệp đã làm mầm móng cho cuộc cách mạng Nhung, đánh đổ chể độ cộng sản Tiệp. Từ vài trăm người, biểu tình ở Praha đã lan nhanh từ 200 ngàn đến nữa triệu người. Và khi cả nước nhập cuộc thì chính trị bộ đảng cs Tiệp đã từ chức, vì sợ phải đứng dưới giá treo cổ.

Trong cả hai cuộc cách mạng Ba Lan và Tiệp, đều có sự đóng góp của giới trí thức cộng sản và cả những đảng viên trung, và cao cấp của hai đảng cộng sản. Nói trắng ra là họ phản tỉnh và hợp tác với các lực lượng Dân chủ rất sớm. Lúc đầu, sự nghi kỵ và chia rẽ, giữa các nhân vật lãnh đạo và đảng viên phản tỉnh cộng sản, đã làm hạn chế vai trò của họ. Tuy nhiên về lâu dài, chính sự hổ trợ và tham gia của các thành phần này ngay từ giai đoạn trứng nước đã là một lực đẩy rất lớn, làm nhanh chóng tan rã vai trò độc tài của chính quyền. 

Nhìn ra sự chủ động của các lực lượng “mầm”, làm vai trò chính trong hai cuộc cách mạng ở Ba Lan và Tiệp Khắc. Một nơi thì do Công Nhân, và nơi khác thì do giới Trí Thức, Thanh niên Sinh viên chủ động. Để chúng ta thấy ra rằng tại Việt Nam, liệu cách mạng Dân chủ có thể kỳ vọng vào các thành phần “mầm” này không?

Câu trả lời là không. Vì thực tế, thành phần công nhân ở Việt Nam rất rời rạc. Hầu hết xuất thân từ các tỉnh, vùng quê kéo về thành phố làm thuê. Vì nhu cầu miếng cơm manh áo, vì hoàn cảnh và trình độ hạn chế. Thành phần công nhân Việt Nam rất khó có thể hình thành được các nhóm, tổ chức độc lập với ảnh hưởng của đảng csVN, và xa hơn nữa là quyết liệt đấu tranh cho quyền lợi của họ, chưa nói đến quyền lợi của xã hội.

Riêng trí thức và thanh niên sinh viên Việt Nam thì đã rõ. Hầu hết các cuộc biểu tình đấu tranh cho môi trường, cho quyền lợi của xã hội, cho Trường Sa, Hoàng Sa và cho các sự kiện phản lại quyền lợi của Dân tộc và Tổ quốc, chúng ta không thấy bóng dáng của các lực lượng này. Nếu có, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng vai trò của các đảng viên csVN phản tỉnh thì lại càng ít hơn nữa. Họ chỉ đợi khi về hưu thì mới dám phát biểu vu vơ. Những tiếng nói của trí thức tiên phong như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, đảng viên cs như Tướng Trần Độ, v.v..chỉ là những biểu tượng rất nhỏ nhoi, trong số hơn 3 triệu đảng viên csVN và hàng trăm ngàn cái gọi là trí thức của cs.

Vậy thì chúng ta kỳ vọng điều gì ở cách mạng Việt Nam. Lực lượng, thành phần nào mới có thể làm cuộc cách mạng đột biến, đẩy đảng csVN ra khỏi vai trò lãnh đạo. Nhìn qua các biến động cách mạng, cho dù ở Đông Âu, hay Trung Đông, điều cốt lõi để có thể đánh đổ chế độ toàn trị, là một cuộc xuống đường có tính toàn quốc. Nếu mồi lửa ở Nghệ An, Hà Tỉnh, Vũng Áng, Đồng Tâm chỉ có thể cháy rời rạc ở các nơi này mà không lan rộng cả nước, thì khó lòng có một cuộc cách mạng đột biến.

Vũng Áng cả 4 tỉnh miền Trung đang lâm vào cảnh tan tác, biểu tình liên tục vẫn chưa đánh động được sự nhập cuộc của các tỉnh lân cận.

Đồng Tâm đã nổi dậy cả tuần lễ, trước đó, các làng lân cận cũng đã biểu tình chống lại chính quyền csVN khi họ cướp đất của dân. Khi các làng gần Đồng Tâm biểu tình, thì Đồng Tâm bình chân như vại. Hôm nay, Đồng Tâm có biến, thì các làng khác cũng không thấy động tĩnh gì. Tóm lại, cái tinh thần sống chết mặc bây, chia rẽ và đèn nhà ai nấy sáng đã là yếu tố cản trở sự liên kết, tinh thần đoàn kết để tạo thành sức mạnh, cái sức mạnh tổng hợp mà các cuộc cách mạng đều cần đến. Đồng tâm mà chưa dám đồng chết thì độc tài chưa sợ.

Việt nam là một lò lửa mà các thành phần trong xã hội như Công nhân, Nông dân, Trí thức, Thanh niên Sinh viên, Công giáo, Phật giáo v.v…đều đang là nạn nhân của chế độ. Tuy nhiên, vì mất đi tinh thần đồng cảm, liên đới và chung trách nhiệm, nên Việt Nam đã không có một sự đồng nhất, để tạo ra một sức mạnh tổng thể làm quật ngã chế độ độc tài toàn trị. Một làng, một xã, hay một tỉnh chỉ có thể làm mồi lửa mang tính hạn chế, nếu mồi lửa đó không thể cháy lan ra các nơi khác. Và đó chính là điểm yếu của cách mạng Việt Nam.

Khi nào mồi lửa có thể cháy lan, từ Nghệ An ra Huế, đến Sài Gòn, Hà nội. Thì ngày đó cách mạng Việt Nam sẽ chuyển hướng. Và vì tình huống đặc thù như vậy, kỳ vọng vào một thành phần nào trong xã hội có thể làm “mầm” cho cuộc cách mạng Viêt Nam thì rất khó. Nói cách khác, chỉ có một sự đột biến chính trị, một tác động xã hội sâu xa, ảnh hưởng lên toàn thể các thành phần trong xã hội Việt Nam, thì lúc đó, ai cũng là nạn nhân, ai cũng có thể xuống đường và ai cũng phải xông lên liều chết để cứu mạng, bất kể công nhân, nông dân, trí thức, sinh viên, cộng sản, Công giáo hay Phật giáo. 

Vũng Áng, dân tham gia biểu tình cả nhiều làng, vì nếu không biểu tình Vũng Áng cũng sẽ chết. Đồng Tâm cả làng cùng đồng tâm, vì nếu không quyết tâm thì cả làng đều mất đất. Cả nước Việt Nam cũng vậy, chỉ có một đột biến lịch sử, mà cả nước đều là nạn nhân, thì cơn đột biến đó sẽ cháy lan rất nhanh. Khi Hà nội, Sàigon, Huế, Nghệ An, Hà Tỉnh, Phan Thiết, An Giang cùng đồng loạt xuống đường, sự phẩn nộ của dân tộc biến thành cơn bão lửa cách mạng Việt Nam, thì đó là ngày cáo chung của chế độ độc tài csVN.

Đỗ T. Công

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen