Seite auswählen

(Phần 1)

New York Times

Tác Giả: Russ Buettner, Susanne Craig  Mike McIntire

Dịch Giả: T.Vấn

27-9-2020

Lời Người Dịch: Hồ sơ thuế của tổng thống Donald Trump là một đề tài nổi trội từ nhiều năm nay, nổi cộm nhất là từ năm 2015 khi ông cho biết ý định sẽ ra tranh cử năm 2016. Trong suốt thời gian 5 năm qua, từ quốc hội liên bang cho đến các viên chức công tố của tiểu bang New York (nơi Donald Trump là một cư dân thâm niên, cho đến ngày 1/11/2019, ông chọn Florida làm quê hương mới) tìm mọi cách để có được các hồ sơ này, nhưng phần lớn đều thất bại vì những rào cản pháp lý mà các luật sư của tổng thống viện dẫn, hầu giữ kín những bí mật về tài chính của thân chủ.

Khi được hỏi lý do tại sao không công bố hồ sơ thuế của mình như tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm đã làm trước khi ra tranh cử, Donadl Trump trả lời, rằng hồ sơ thuế của mình đang bị sở thuế (IRS) truy vấn (audit) nên không thể đưa chúng ra công chúng được. Nhưng sở thuế Hoa Kỳ xác nhận, việc họ audit hồ sơ thuế một người không hề cản trở người ấy bạch hóa hồ sơ thuế của mình. Tháng 5 năm 2019, Hạ viện Hoa Kỳ yêu cầu sở thuế cung cấp hồ sơ thuế của tổng thống, nhưng Trump đã ra lệnh cho bộ trưởng Ngân Khố Mnuchin không cho phép sở thuế làm việc này với lý do yêu cầu của quốc hội “thiếu mục đích có tính cách pháp lý”.

Nhiều bản phân tích kết luận rằng, hẳn Donald Trump phải có điều gì giấu giếm nên mới cố tìm mọi cách để ngăn không cho chúng được bạch hóa. Ở Mỹ, thuế là thứ mà một người phải sống với nó cho đến ngày nhắm mắt, nên ai cũng phải đóng thuế và khai thuế hàng năm, vừa để làm nhiệm vụ một công dân, vừa để hưởng những phúc lợi xã hội mà mức thu nhập (thấp) của mình có thể được nhận hưởng. Và khi cần, vẫn phải gởi bản khai thuế của mình đến các cơ quan chức năng theo yêu cầu. Vì thế, sự khăng khăng của Donald Trump khiến nhiều người nghi ngờ sự trung thực của một trong những tỉ phú ầm ĩ nhất nước Mỹ.

Trong tình hình như vậy, báo chí dòng chính của nước Mỹ không thể bỏ qua, nhất là với một tờ báo có chiều dày lịch sử và uy tín như tờ New York Times. Tháng 10/2018, nhóm phóng viên tài chính của họ đã tiết lộ một số bí mật về thực trạng thuế của Trump với nguồn cung cấp được giữ kín như thường lệ (Cuối tháng 7/2020, Mary Trump – người cháu ruột gọi Donald Trump bằng chú – đã xuất bản quyển hồi ký “Too Much and Never Enough”, tiết lộ, chính bà là người đã cung cấp cho tờ New York Times tài liệu thuế nói trên). Tiết lộ của báo New York Times cho thấy một chút đầu mối biện minh cho sự nghi ngờ của giới thạo việc.

Ngày 27 tháng 9 năm 2020, với nguồn cung cấp vẫn còn được giữ kín (như thường lệ), nhóm phóng viên của New York Times công bố một bản điều tra cho biết, họ hiện nắm trong tay hầu như toàn bộ hồ sơ khai thuế của Donald Trump trong khoảng thời gian gần hai thập kỷ, bản điều tra mang tên: The President’s Taxes.

Đây là một tài liệu nhiều người mong được xem, không chỉ riêng những đối thủ chính trị của Trump, giới ký giả, các bình luận gia mà tất nhiên, những cử tri sẽ góp tiếng nói của mình trong kỳ bầu cử ngày 3 tháng 11 sắp tới. Họ cần biết để hỗ trợ cho quyết định lá phiếu của mình. Bản điều tra có những chi tiết khá bất ngờ (kể cả với giới thạo việc, các ký giả) về tình trạng tài chính của vị tổng thống được xem là giàu có nhất trong lịch sử 45 đời tổng thống của nướcMỹ.

Vì nội dung của bản điều tra có nhiều chi tiết rất chuyên môn trong lĩnh vực thuế má và tài chính, lẽ dĩ nhiên kèm theo đó là những thuật ngữ khá xa lạ với người đọc bình thường, cộng thêm với bộ luật thuế của nước Mỹ khá phức tạp, nên bản chuyển ngữ tiếng Việt sẽ phải uyển chuyển, không thể dựa cứng ngắc vào nguyên tác Anh ngữ, để người đọc tiếng Việt bình thường dễ lĩnh hội.

Kinh nghiệm nhiều năm làm việc cho hãng thuế Mỹ H&R BLOCK với nhiệm vụ một Tax Advisor (Level 2), phải giải thích cho thân chủ những thắc mắc về thuế của họ, chúng tôi nhận ra rằng, ngay đối với một người Mỹ bình thường cũng không dễ dàng hiểu được chính xác những khái niệm về thuế được áp dụng vào tình hình tài chính của chính họ, nói gì đến nội dung một bản điều tra về những phức tạp trong hồ sơ khai thuế của một thương nhân làm chủ cả trăm cơ sở kinh doanh thương mại như Donald Trump.

Nhưng với một số thuật ngữ quen thuộc như “Audit”, “Credit”, “Refund” chúng tôi sẽ luôn luôn kèm theo tiếng Anh trong ngoặc đơn, vì với những trường hợp như vậy, chữ tiếng Anh lại dễ hiểu hơn là dịch sang tiếng Việt (cho người Mỹ gốc Việt).

Bài điều tra của tờ New York Times khá dài, chúng tôi sẽ chia ra làm nhiều kỳ gởi đến độc giả. Mục đích của công việc chúng tôi làm không có gì khác hơn, ngoài việc cung cấp cho độc giả Việt Nam những thông tin cần biết (nếu quan tâm) về một nhân vật gây khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng người Việt, trong nước cũng như hải ngoại. Người đọc ủng hộ TT Trump, nếu tạm gác qua một bên chính kiến của mình, cũng có thể biết được nhiều điều cần biết, nên biết, qua loạt bài điều tra này. Trong trường hợp có người vẫn khư khư cho rằng New York Times là một tờ báo “thổ tả”, là bọn “fake news” thì cũng là quyền biểu đạt ý kiến của mỗi người, chúng tôi xin không có ý kiến. Chỉ xin đừng buộc tội chúng tôi tội “nối giáo cho giặc”, “phản bội người Việt Quốc Gia” v.v…

Mong được chia sẻ trong tinh thần cởi mở, phóng khoáng của những người biết đọc, biết viết, và nhất là biết suy tưởng.

Ngày 28 tháng 9 năm 2020

T.Vấn

***

Báo New York Times đã nắm được trong tay hồ sơ thuế của Donald Trump giai đoạn suốt hơn hai thập niên vừa qua, với nội dung cho thấy những khó khăn mà ông phải đối phó trong việc sở hữu các tài sản hiện có, việc ông sử dụng những khoản khấu trừ khổng lồ với mục đích làm giảm bớt thu nhập phải trả thuế, việc ông đang vất vả với những truy vấn của sở thuế (audits) về hồ sơ khai thuế của mình trong nhiều năm, cùng với những khoản nợ lên tới hàng trăm triệu đang sắp sửa đáo hạn.

Bài Một – Tổng quát

Năm Donald Trump thắng cử tổng thống (2016), ông chỉ trả có $750 thuế lợi tức liên bang (Federal Income Tax). Năm sau (2017), năm đầu tiên cư ngụ tại tòa Bạch Ốc, ông cũng chỉ trả $750 thuế lợi tức liên bang.

Song song với việc phát động chiến dịch tái tranh cử (mà kết quả các cuộc thăm dò cho thấy ông đang gặp nguy cơ thất cử), vị tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm còn phải chịu những áp lực nặng nề về tình hình tài chính tồi tệ của cá nhân, bủa vây bởi những lỗ lã, những món nợ hàng trăm triệu đang tới kỳ đáo hạn mà chính ông đã đem tên tuổi mình ra cam kết thanh toán.

Đó là chưa kể đến việc ông phải trả lời những cật vấn của sở thuế (IRS – Internal Revenue Service) từ hơn 10 năm nay, liên quan đến tính hợp pháp của các hồ sơ thuế mà ông khai báo và đã nhận về tổng số $72.9 triệu tiền refund. Khoản tiền trả lại này có được do bởi ông khai trong hồ sơ thuế là các công việc kinh doanh của mình đã bị lỗ lã trầm trọng. Nếu các cuộc truy vấn của sở thuế kết luận rằng, Donald Trump đã man khai nhằm trốn thuế, thì khoản tiền ông phải trả lại sẽ lên đến hàng trăm triệu (bao gồm số tiền 72.9 triệu đã nhận về và các khoản tiền phạt, lẫn tiền lời phát sinh từ số 72.9 triệu nói trên).

Những hồ sơ thuế cá nhân mà Donald Trump từ bấy lâu nay cố tìm mọi cách che giấu đã tiết lộ một nội dung, về cơ bản, hoàn toàn khác hẳn với những gì ông tuyên bố trước công chúng về tình hình kinh doanh và tài sản của mình. Những bản khai thuế mà Donald Trump gởi đến sở thuế bộc lộ bộ mặt thật của một thương gia thu về hàng trăm triệu mỗi năm, qua các họat động kinh doanh của mình, nhưng khi khai thuế lại sử dụng mọi phương cách để chứng minh mình bị lỗ lã triền miên, hầu tránh không phải trả thuế cho lợi tức mình kiếm được.

Giờ đây, với những gánh nặng tài chính nặng trĩu trên vai, những dữ liệu thực tế cho thấy, vị tổng thống của chúng ta ngày càng bị lệ thuộc vào việc tìm lợi tức từ những họat động kinh doanh, vốn tự bản chất, đặt ông ở vị trí có tiềm năng đối nghịch trực tiếp với những nhiệm vụ của một tổng thống mà ông đang đảm nhiệm.

Tờ New York Times đã nắm được trong tay hồ sơ thuế của Donald Trump trải dài suốt hơn hai thập niên vừa qua cùng với những dữ liệu liên quan đến hàng trăm công ty lớn nhỏ nằm trong quỹ đạo kinh doanh của ông, cùng với những chi tiết tài chính trong thời gian hai năm đầu tiên ông nắm quyền. Trong số này, sẽ không bao gồm những chi tiết của hai năm 2018 và 2019. Lọat bài điều tra này trình bày tổng quát những gì nhóm phóng viên tìm thấy được. Trong những tuần kế tiếp, nhiều kết quả điều tra khác sẽ tiếp tục được công bố.

Những hồ sơ khai thuế của Donald Trump, theo các tài liệu lưu trữ mới đây được nhiều người quan tâm, là một trong vài đối tượng được săn tìm nhất, và cũng được bàn tán suy diễn nhiều nhất. Trong thời gian gần 4 năm qua khi Donald Trump nắm quyền – cùng với hàng thập kỷ không ngừng khoe khoang về mình với công chúng – các ký giả, các công tố viên, các chính trị gia đối lập và kể cả những người theo thuyết âm mưu, đã tìm mọi cách để đào xới những bí ẩn trong thế giới tài chánh của ông, nhưng phần lớn không mấy thành công. Do vậy, ngay từ bản chất, những hồ sơ khai thuế của Donald Trump sẽ có nhiều câu hỏi không thể trả lời được, nhiều câu hỏi có câu trả lời nhưng sẽ không làm thỏa mãn người hỏi.

Những hồ sơ này chỉ gồm những gì Donald Trump khai báo với sở thuế, chứ không phải là kết quả những xem xét từ một cuộc điều tra tài chính độc lập. Thêm nữa, qua những hồ sơ khai thuế này, người ta chỉ biết rằng, Donald Trump sở hữu những tài sản trị giá hàng trăm triệu, chứ không thấy được sự giàu có thực sự của ông và cũng không cho thấy những mối quan hệ trước đây ông đã có với người Nga.

(Phần 2)

Phần 2: Hồ sơ thuế của Tổng Thống

Để hồi đáp bức thư tóm lược nội dung các điểm chính trong bản điều tra của tờ New York Times, Alan Garten, luật sư của tổ hợp Trump đã trả lời rằng “phần lớn, nếu không phải là tất cả, những phát hiện của bài báo đều không chính xác”, đồng thời, Garten yêu cầu được xem những văn kiện mà bài báo căn cứ vào đó để điều tra. Sau khi New York Times từ chối cung cấp cho luật sư Garten các văn kiện mà ông này đòi hỏi với lý do để bảo vệ nguồn cung cấp tin, ông Garten đã trả lời tờ báo nhưng chỉ xoáy trực tiếp vào số tiền thuế mà Donald Trump đã đóng.

Trong bản tuyên bố của mình, ông Garten nói: “Trong suốt thập niên qua, Tổng Thống Trump đã đóng hàng chục triệu đô la tiền thuế cá nhân (personal taxes) cho chính phủ liên bang, kể cả việc đã đóng hàng triệu đô la tiền thuế cá nhân từ khi chính thức loan báo việc tranh cử tổng thống trong năm 2015”.

Tuy nhiên, khi sử dụng thuật ngữ “thuế cá nhân (personal taxes)”, có vẻ như ông Garten muốn gộp tất cả các loại thuế mà ông Trump đã đóng vào cùng với thuế lợi tức (income taxes): Đó là thuế an ninh xã hội (Social Security tax), thuế bảo hiểm y tế khi về hưu và tới tuổi 65 (Medicare tax) và thuế trả cho việc thuê mướn người giúp việc trong nhà.

Ngoài ra, luật sư Garten cũng khẳng định rằng, một phần trong khoản thuế lợi tức mà ông Trump phải đóng được “trả bằng những ưu đãi đặc biệt về thuế cho doanh nghiệp” (paid with tax credits). Đây là một cách đánh lạc hướng, lập lờ con đen trên khái niệm “ưu đãi đặc biệt về thuế cho doanh nghiệp”, vốn được dùng để giảm bớt gánh nặng về thuế lợi tức cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp trực tiếp tham dự (và đóng góp) cho các họat động trong nhiều lãnh vực đa dạng, chẳng hạn như nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường v.v…

Những dữ liệu trong hồ sơ khai thuế của Donald Trump mà nhóm phóng viên báo New York Times xem xét, cung cấp một lược đồ tổng quát để dễ dàng nhận ra những đặc điểm chính yếu mà Trump đã sử dụng trong nhiều năm khi báo cáo tình trạng thu nhập của mình với sở thuế: Từ việc khấu trừ vào thu nhập doanh nghiệp những chi phí trả cho luật sư trong một vụ án hình sự (tức trừ đi khoản chi phí này vào thu nhập, khiến thu nhập ít đi, cũng có nghĩa là ông ta sẽ trả thuế ít đi – ND) đến việc khấu trừ chi phí mua một khu nhà giải trí dành cho gia đình đi nghỉ mát vừa tròn đúng số tiền hàng chục triệu đô la TT Trump thu được khi đứng ra tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ năm 2013 ở Moscow (mua nhà để dùng cho mục đích cá nhân không liên can gì đến chi phí trong doanh nghiệp – ND).

Cùng với những văn kiện tài chính liên quan và các hồ sơ khai thuế, những dữ liệu mà nhóm phóng viên New York Times có trong tay, đã cung cấp rất nhiều chi tiết chưa từng được biết tới bên trong đế chế doanh nghiệp của TT Trump. Chúng bộc lộ một sự dối trá, rỗng tuếch và cũng không kém phần ma mãnh, quỷ thuật đằng sau hình ảnh con người tự cho mình là tỉ phú – được đánh bóng nhờ vào chương trình truyền hình “The Apprentice” trên kênh NBC mà ông ta là ngôi sao sáng chói – từ bệ phóng đó đã góp phần đưa Trump đến địa vị chủ nhân tòa Bạch Ốc và hiện nay vẫn còn giúp củng cố lòng trung thành của nhiều người trong nhóm “gà nhà” (base) quyết không bỏ Trump.

Nói một cách chính xác, Donald Trump đã thành công trong việc đóng vai trò một nhà kinh doanh thành đạt hơn là một nhà kinh doanh thành đạt.

Bản điều tra của New York Times cho thấy Trump đã thu được 427.4 triệu đô la từ chương trình truyền hình “The Apprentice” cùng với tiền bán bản quyền khai thác và các hợp đồng bảo trợ khởi nguồn từ vị thế người nổi tiếng (celebrity status) của mình. Ông đã đầu tư phần lớn số tiền đó vào một lọat những lĩnh vực kinh doanh, chủ yếu là xây dựng những sân chơi Golf. Từ đó, những họat động này đã ngốn khá nhiều vốn liếng tiền mặt của ông. Giống hệt như hồi đầu thập niên 1990s, Trump đã kín đáo nhận tiền giúp đỡ của cha mình để tài trợ cho những dự án viễn vông dẫn tới sự sụp đổ thê thảm về tài chính (Từ năm 1991 cho đến năm 2009, doanh nghiệp Trump đã 6 lần khai phá sản vì không đủ khả năng thanh toán nợ nần – ND).
Chương trình truyền hình “The Apprentice” cùng với việc bảo trợ thương mại và các lợi tức khác thu được từ sự nổi tiếng cá nhân (celebrity), đã đem về cho Donald Trump 427.9 triệu đô la. Nguồn: Rob DeLorenzo/Zuma Press

Thật vậy, tình hình tài chính của Trump vào lúc ông ta tuyên bố ý định tranh cử hồi năm 2015 khiến người ta tin rằng ít nhất một phần trong mục tiêu dài hạn của Trump là tìm cách đánh bóng lại khả năng tiếp thị tên tuổi ông ta.

Giữa khi những tranh chấp pháp lý, chính trị trong việc bạch hóa hồ sơ khai thuế của Trump ngày càng trở nên khốc liệt hơn, ông ta có lúc công khai thắc mắc, sao lại có người muốn tìm hiểu những hồ sơ khai thuế cá nhân của mình để làm gì. Năm 2016, Trump tuyên bố với hãng tin AP: “Hồ sơ thuế của tôi chẳng có gì cần biết cả”. Trump cũng mách nước rằng, có rất nhiều thông tin hữu ích cho mọi người trong bản báo cáo tình hình tài chính hàng năm mà ông buộc phải công bố với tư cách là tổng thống – và nhấn mạnh, đó là bằng chứng cho thấy khả năng bậc thầy của ông trong việc phát triển kinh doanh và gặt hái được lợi nhuận vô biên.

Trên thực tế, những bản báo cáo tài chính công khai mà Trump nói đến chỉ đưa ra một nội dung méo mó, đơn giản là vì chúng chỉ nói đến tổng doanh thu mà ông ta nhận được, chứ không phải lợi nhuận (tức thu nhập hay lợi tức có được sau khi trừ đi mọi chi phí liên quan đến kinh doanh – ND). Lấy năm 2018 làm ví dụ. Trump công bố trong bản báo cáo thường niên của mình là năm đó ông ta kiếm được ít nhất là 434.9 triệu đô la. Bản khai thuế lại đưa ra một hình ảnh vô cùng tương phản: Trump khai ông ta bị lỗ (kinh doanh) 47.4 triệu đô la.

Các hồ sơ khai thuế không có đặc tính đánh giá tính hợp pháp của mỗi chi phí doanh nghiệp liên quan (business expense) mà Trump khai để nhằm giảm thiểu số lợi tức bị đánh thuế (taxable income) của mình – chẳng hạn như, chi phí về hành chính và tổng quát tại sân golf Bedminster của Trump ở New Jersey đã tăng gấp 5 lần trong năm 2017 so với năm 2016. Bản khai thuế của Trump không có một lời giải thích nào về sự tăng vọt này.

Trước đó, hồi năm 2016, Trump đã huênh hoang tự hào rằng, khả năng luồn lách không phải đóng thuế của mình chứng tỏ ông ta là “người khôn ngoan” (makes me smart). Nhưng nội dung những bản khai thuế mà chính Trump là chủ sở hữu, đã đá giò lái lời tự sướng của ông ta về khả năng nhạy bén kinh doanh của mình, bằng cách cho thấy rằng Trump đơn giản chỉ đang rót tiền vào các họat động kinh doanh chứ thu về thì chẳng được bao nhiêu.

Bức tranh tài chính nổi bật nhất trong một núi những con số, những mẫu khai thuế mà người kế toán của Trump đang cặm cụi làm việc là hình ảnh vị tổng thống – thương gia đang bị kẹp chặt vào giữa những gọng kềm tài chính.

Phần lớn những họat động kinh doanh cốt lõi của Trump – từ một chuỗi những sân golf cho đến khách sạn có sức thu hút giới bảo thủ ở Washington – đều báo cáo lỗ lã hàng triệu đô la, nếu không nói là hàng chục triệu đô la, hết năm này đến năm khác.

Doanh thu mà Trump kiếm được từ chương trình “The Apprentice” và việc bán bản quyền khai thác (chương trình) đang cạn dần. Nhiều năm trước đây Trump đã bán hầu như sạch sẽ các cổ phần chứng khoán mà giờ đây nếu còn giữ được, số cổ phần ấy chắc chắn sẽ giúp ông ta lấp được các lỗ hổng trong nỗ lực bảo toàn những tài sản đang có nguy cơ bị mất.

Rồi lại lù lù những cuộc truy vấn của sở thuế (tax audits).

Trong vòng 4 năm tới, các khoản nợ tổng cộng hơn 300 triệu đô la – những khoản nợ mà cá nhân Trump trực tiếp chịu trách nhiệm – sẽ tới kỳ đáo hạn.

Trên cái nền của hình ảnh ảm đạm ấy, những số liệu tài chính của Trump ngày càng vạch rõ những mâu thuẫn quyền lợi tiềm ẩn và đang xảy ra trước mắt mà nguyên nhân của chúng là do chính Trump từ chối không chịu từ bỏ các họat động kinh doanh cá nhân trong lúc tại vị ở nhiệm vụ tổng thống. Những cơ sở kinh doanh của Trump đã trở thành những cửa hàng nhận tiền trực tiếp từ những tay chạy lobby, các viên chức ngọai quốc và những kẻ cầu được gặp mặt tổng thống, được ban phát những ân sủng hay cơ hội trục lợi nào đó; lần đầu tiên, bản khai thuế của Trump chứa đựng con số chính xác cho những thương vụ vừa nói đến.

Tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, từ năm 2015, một đợt sóng tân hội viên rủ nhau ghi danh giúp Trump bỏ túi thêm gần 5 triệu đô la doanh thu của câu lạc bộ. Năm 2017, hiệp hội những người truyền bá phúc âm của mục sư Billy Graham đã trả khoản tiền $397,602 đô la cho chi phí thuê khách sạn của Trump ở Washington. Nơi đây, ít nhất đã có một buổi họp diễn ra trong sự kiện 4 ngày có tên là “Hội nghị toàn thế giới bảo vệ những người Ki-tô giáo bị ngược đãi” do hiệp hội này tổ chức.

Bản điều tra của New York Times cũng đã thu thập được toàn bộ con số lợi tức mà Trump nhận được qua các họat động kinh doanh quốc ngọai, ở những nơi thế lực cá nhân của ông ta lấn lướt hẳn nền ngọai giao chính thống của Hoa Kỳ.

Khi mới nhậm chức, Trump hứa sẽ không theo đuổi các hợp đồng mới ở ngoài nước Mỹ trong thời gian ông ta còn tại vị tổng thống. Dù vậy, chỉ trong hai năm đầu tiên làm cư dân trong Tòa Bạch Ốc, tổng thu nhập từ những họat động kinh doanh ở nước ngoài của Trump là 73 triệu đô la. Và trong khi phần lớn trong số thu nhập ấy là đến từ hai sân golf ở Scotland và Ireland, thì số còn lại đến từ việc bán bản quyền chương trình truyền hình “The Apprentice” ở những quốc gia có các nhà lãnh đạo độc tài, chuyên chế hay những quốc gia có vị thế địa chính trị gai góc – như Philippines với doanh thu 3 triệu, Ấn Độ với doanh thu 2.3 triệu và 1 triệu đô la ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở Philippines, nơi Donald Trump cho phép tòa tháp Manila được mang tên mình, Trump và công ty đã trả cho chính phủ Philippines $156,824 đô trong năm 2017. Nguồn: Hannah Reyes Morales/ NYT

Trump khai (trong hồ sơ thuế) đã trả thuế lợi tức ở nước ngoài cho một số họat động kinh doanh tại hải ngọai của ông ta. Năm 2017, ông ta đóng góp $750 vào việc duy trì guồng máy vận hành của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng con số này quá nhỏ nhoi so với con số mà ông ta (và các công ty của mình) đã đóng góp (trả thuế lợi tức) cho Panama $15,598; cho Ấn Độ $145,400 và cho Philippines $156,824.

Con số tiền thuế mà tổng thống Donald Trump đóng cho nước Mỹ, sau khi đã tính toán khấu trừ số bị lỗ lã do kinh doanh tồi tệ, hầu như vừa ngang bằng số tiền thuế (không tính đến sự sai biệt do đồng tiền bị lạm phát) mà một vị tổng thống Hoa Kỳ khác đã trả cách đây nửa thế kỷ. Năm 1973, tờ The Providence Journal đã tiết lộ rằng, sau khi khấu trừ khoản đóng góp từ thiện bằng việc cho đi những tài liệu giấy tờ mang dấu triện tổng thống, Richard Nixon đã chỉ trả có $792.81 cho khoản lợi tức $200,000 ông thu về trong năm 1970.

Sự kiện cựu tổng thống Nixon đóng một số tiền thuế lợi tức quá khiêm tốn bị tiết lộ, đã khiến dấy lên một cơn phẫn nộ chưa từng có tiền lệ trước đó. Từ đó trở đi, các vị tổng thống, các ứng cử viên tổng thống, luôn sẵn sàng bạch hóa các hồ sơ khai thuế của mình cho công chúng được lãm tường.

 

(Phần 3)

New York Times

 

Phần 3: Tấm bản đồ của đế chế doanh nghiệp Trump

Nội dung của hàng ngàn tài liệu thuế kinh doanh và cá nhân có chứa đựng nhiều chi tiết về tài chính đã bị che giấu trong nhiều năm.

Năm 2014, khi được hỏi liệu ông có bằng lòng bạch hóa các hồ sơ khai thuế của mình nếu ra tranh cử tổng thống hay không, Trump đã trả lời: “Tôi sẵn sàng làm việc đó”. Từ bấy đến nay, lập trường của ông về việc này đã đảo ngược hoàn toàn.

Trong lúc vận động tranh cử, Trump tuyên bố ông ta sẽ bạch hóa các hồ sơ thuế của mình, nếu bà Hillary Clinton (ứng cử viên của đảng Dân chủ năm 2016) công khai nội dung các bức điện thư (e-mails) mà bà đã xóa đi trong máy chủ cá nhân của bà – na ná giống như luận điệu ông ta đã dùng để chỉ trích cựu tổng thống Obama về câu chuyện bịa đặt vị cựu tổng thống này không phải sinh ra tại nước Mỹ, rằng: Ông ta sẽ bạch hóa hồ sơ thuế của mình nếu tổng thống Obama cho mọi người xem tận mắt tờ giấy khai sinh của ông.

Đã có lúc Trump huyên hoang rằng, hồ sơ khai thuế của mình “dầy lắm” và “hết sẩy”. Nhưng trình làng cho mọi người xem ư? “Phức tạp lắm, khó hiểu lắm!”. Ông ta thường viện dẫn đến việc hồ sơ thuế của mình đang bị sở thuế truy vấn (audit) nên không thể công bố chúng được. Nhưng viên giám đốc sở thuế đã xác nhận, việc hồ sơ thuế bị truy vấn không cản trở chủ nhân của nó công bố ra cho mọi người. Khi các công tố viên, các ủy ban điều tra của quốc hội, công bố trát đòi ông ta phải nộp các hồ sơ thuế của mình, thì Trump đã dùng đến không chỉ các luật sư riêng mà còn lôi kéo cả Bộ Tư pháp trong chính phủ vào cuộc, gây trì hoãn lê thê cho đến khi phải giao cho Tối cao Pháp viện phán quyết.

Thái độ thách thức và việc sử dụng những chướng ngại đầy tính toán của Trump trong việc tìm cách để không phải bạch hóa hồ sơ thuế của mình, chỉ gây thêm nhiều nghi hoặc rằng, hẳn ông ta có điều bí mật cần được giấu giếm. Liệu trong đó có một đầu mối tiền bạc gì dính líu đến việc ông ta có vẻ như tỏ ra chiều lòng nước Nga và vị tổng thống Nga Vladimir V. Putin? Trump có khấu trừ khoản tiền đấm mõm (hush payment) trả cho cô đào đóng phim người lớn Stormy Daniels như là một chi phí kinh doanh trong hồ sơ khai thuế vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử 2016? Liệu có một nguồn tài chính nào ở trong bóng tối tài trợ cho những họat động thu mua cơ sở thương mại một cách điên cuồng ầm ĩ của Trump hồi giữa những năm 2000?

Báo New York Times đã xem xét, phân tích những dữ liệu từ hàng ngàn hồ sơ thuế cá nhân và doanh nghiệp từ năm 2000 cho đến năm 2017, cùng với một số dữ liệu về thuế khác thuộc về những năm trước đó. Tập hồ sơ này bao gồm dữ liệu về số tiền lương trả cho nhân viên trong nhiều năm và ghi chép về các khoản thanh toán bằng tiền mặt giữa Trump và các doanh nghiệp, cũng như những chi tiết liên quan đến các cuộc truy vấn (audits) của sở thuế hiện đang diễn ra. Ngoài ra, bản điều tra này cũng căn cứ vào hàng chục cuộc phỏng vấn, những dữ liệu có từ trước, nhưng chưa được công bố từ nhiều nguồn khác nhau, cả công khai lẫn bí mật.

Tất cả những tài liệu mà báo New York Times có được đều có nguồn gốc từ những chủ sở hữu hợp pháp. Trong khi phần lớn những dữ liệu thuế trước đây chưa hề được công bố, tuy nhiên, tờ báo cũng có thể kiểm chứng tính chính xác của chúng một phần nhờ vào những nguồn cung cấp mà công chúng có thể tham khảo và một phần nhờ vào những tài liệu riêng mà trước đây tờ báo đã thu thập được.

Nghiên cứu sâu vào những hồ sơ thuế tồn trữ qua nhiều năm sẽ nhìn được kỹ hơn cấu trúc phức tạp của những họat động kinh doanh của tổ hợp Trump – và tất nhiên, chiều sâu của những vướng mắc mà Trump đã tự đưa mình vào. Nhiều người biết tới cái gọi là Tổ Hợp Trump (Trump Foundation), thực ra đó là một tổng hợp của hơn 500 doanh nghiệp, tất cả đều do Trump làm chủ, một số mang tên của Trump. Chẳng hạn như, có 105 cơ sở trong số này lấy tên từ “Trump marks” (nhãn hiệu Trump). Ông ta cũng dùng các “Trump marks” này để thu lợi tức bản quyền tên Trump.

Trước đây, một phần rời rạc trong các hồ sơ khai thuế của Trump, đã từng bị tiết lộ.

Năm 2019, New York Times đã sở hữu được bản sao chính thức từ sở thuế (transcript) của mẫu thuế liên bang 1040 cho những năm 1985 đến 1994. Nội dung những hồ sơ thuế này cho thấy, Trump đã bị lỗ lã tiền bạc nhiều hơn bất cứ một người Mỹ bình thường nào.

Hồi chiến dịch tranh cử năm 2016 còn đang diễn ra, New York Times đã nhận được qua hệ thống bưu điện từ một người gửi nặc danh 3 trang đầu của mẫu thuế 1040 của Trump cho năm thuế 1995, trong đó, Trump khai đã bị lỗ 915.7 triệu đô la. Con số này cho phép Trump được khấu trừ vào lợi tức trong vòng hai mươi năm tới, có nghĩa là ông ta sẽ không phải đóng một xu tiền thuế lợi tức liên bang nào.

Năm tháng sau, ký giả David Cay Johnson có được hai trang đầu của hồ sơ khai thuế Trump gởi cho sở thuế năm 2005. Năm đó (2005), những kinh doanh của Trump đã hồi phục đến mức có được lợi tức để trả thuế.
Năm 1995 là năm Trump đặt nhát cuốc đầu tiên xây khách sạn Trump International và Tòa tháp Trump Tower ở New York, ông ta khai lỗ 915.7 triệu đô la – một con số rất lớn, nó giúp ông ta trải dài sự khấu trừ vào lợi tức trong nhiều năm sau để không phải trả một xu thuế lợi tức nào. Nguồn: Francis Specker/New York Post Archives/ NYP Holdings, Inc./ Getty Images
Đến năm 2005, vận may đã quay trở lại với Trump và ông ta đã bắt đầu đóng thuế: Khoản lỗ gần 1 tỉ từ 10 năm trước ông ta đã sử dụng hết sạch sự khấu trừ của nó; vừa đúng lúc Trump có thể kiếm được tiền nhờ vào vai trò ngôi sao sau khi chương trình “The Apprentice” phát sóng lần đầu tiên. Nguồn: Michael Nagle/ Getty Images

Một khối lượng khổng lồ những dữ liệu thuế của Trump mà New York Times có trong tay, sau khi phân tích, đã giúp nhóm phóng viên điều tra có được một kết luận đầy đủ về những chu kỳ thăng-trầm/ thành công-thất bại trong sự nghiệp của Trump. Dù vậy, vẫn còn có những giới hạn không thể vượt qua.

Chẳng hạn như, các hồ sơ thuế không bắt buộc phải báo cáo giá trị ròng (net worth) của doanh nghiệp – trong trường hợp của Trump, điểm này khó mà xác định vì không có những cơ sở chính xác mà không gây tranh cãi. Các văn kiện liệt kê một lọat những món tiền khổng lồ, nhưng bản khai thuế chỉ ghi nhận những món nợ mà không đòi hỏi phải để tên người cho vay.

Những số liệu hiện có không cho biết một chi tiết nào về khoản tiền đấm mõm (hush-money) 130,000 đô la trả cho Stephanie Clifford, tên thật của cô đào đóng phim người lớn qua nghệ danh Stormy Daniels. Đây cũng là mục đích chính của công tố viên khu Manhattan, New York, khi gởi trát đòi Trump phải nộp bản khai thuế hàng năm và các văn kiện tài chính khác. Trump đã xác nhận có hoàn trả số tiền nói trên cho cựu luật sư riêng là Michael Cohen, là người đã thay mặt Trump thực hiện vụ giao dịch, nhưng trong các văn kiện mà New York Times hiện có, không thấy liệt kê số tiền mà Trump đã hoàn lại cho Cohen. Tuy nhiên, rất có thể số tiền nói trên đã được bao gồm (bất hợp pháp) trong các khoản chi phí pháp lý được dùng để khấu trừ trong lợi tức kinh doanh của Trump. Hồ sơ thuế không bắt buộc người khai phải liệt kê chi tiết từng khoản tiền trong chi phí này.

Không một đề tài nào gợi sự chăm chú soi mói về tình hình tài chính của Trump hơn đề tài về mối quan hệ mà ông ta duy trì với người Nga. Trong lúc các hồ sơ thuế vụ không cho thấy mối quan hệ tiền bạc nào của Trump với người Nga mà trước đây, cũng như bây giờ, không được biết tới; và chính xác hơn, thiếu những yếu tố quan thiết để bị bắt buộc phải được ghi trong hồ sơ; tuy nhiên, qua phân tích các hồ sơ thuế của Trump, người ta thấy một chút ánh sáng chiếu vào số tiền ở phía sau cuộc thi hoa hậu hoàn vũ năm 2013, diễn ra ở Moscow, một đề tài ngấm ngầm mà dai dẳng vì những cuộc điều tra liên tiếp về sự can thiệp của người Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Những dữ liệu cho thấy, cuộc thi năm 2013 là cuộc thi hoa hậu hoàn vũ đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong suốt thời gian Trump là một trong những chủ sở hữu, nó đã đem lại số tiền 2.3 triệu đô la cho mỗi người chủ sở hữu; trong đó phải kể đến sự đóng góp – ít nhất là một phần – của gia đình Agalarov, là người mà sau này làm môi giới cho cuộc họp mặt năm 2016 kiếm tìm “bùn bẩn tát vào Hillary Clinton” đầy tai tiếng giữa các viên chức điều hành chiến dịch tranh cử của Trump và viên luật sư người Nga có những mối quan hệ mật thiết với điện Kremlin.

Hồi tháng 8 vừa qua, ủy ban tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ công bố một bản báo cáo có nội dung xoáy mạnh vào những sự kiện và hoàn cảnh chung quanh cuộc thi hoa hậu này, đã tiết lộ rằng, mới hồi tháng 2 năm nay, các điều tra viên đã gởi trát đòi đến ca sĩ người Nga Emin Agalarov, là người có liên quan đến việc tổ chức cuộc thi. Cha của Emin, ông Aras Agalarov, một tỉ phú đã từng khoe mình có những mối quan hệ mật thiết với Putin, cũng là đối tác chính của Trump trong cuộc thi hoa hậu nói trên.

Trái: Emin Agalarov, ca sĩ người Nga; gia đình Emin đã tham gia việc họach định tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ năm 2013 diễn ra tại Moscow. Cuộc thi này đã đem về cho Trump 2.3 triệu đô la. Nguồn: Irina Bujor/ Kommersant.ru/ AP

Ủy ban tình báo của thượng Viện Hoa Kỳ cũng đã phỏng vấn bà Paula Shugart, giám đốc điều hành cuộc thi hoa hậu. Bà này cho biết, gia đình Agalarov đã đề nghị bảo trợ cho cuộc thi; doanh nghiệp của họ, công ty Crocus Group, trả 6 triệu đô la tiền phí bản quyền và thêm 6 triệu đô la nữa cho những chi phí tổ chức. Trong lúc cuộc thi được xem như là một thất bại về tài chính cho gia đình Agalarov – họ chỉ lấy về được 2 triệu đô la – bà Shugart nói với các điều tra viên rằng, cuộc thi là “một trong những thương vụ béo bở nhất” mà những người tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ đã kiếm chác được, theo nội dung bản báo cáo của ủy ban tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ.

Hồ sơ thuế của Trump cũng đã xác định chi tiết này. Ban tổ chức cuộc thi báo cáo đã nhận được tổng thu là 31.6 triệu đô la – số thu cao nhất kể từ những năm 1990s – cho phép Trump và chủ đồng sở hữu là đài truyền hình NBC chia nhau khoản lời 4.7 triệu đô la. So sánh với năm trước đó (2012), Trump và NBC chia nhau khoản lỗ là 2 triệu đô la, và năm sau đó (2014) họ chia nhau khoản lỗ là 3.8 triệu đô la.

(Phần 4)

New York Times

 

 

Phần 4: Kẻ thắng, người thua

Những khoản lỗ khổng lồ do kinh doanh tồi tệ đã giúp Trump khấu trừ hàng trăm triệu đô la trong thu nhập từ vai trò một người nổi tiếng (Celebrity income)

Năm 2015, trong lúc Trump đi ngang đi dọc khắp nước, tự đánh bóng mình là người duy nhất đủ tiêu chuẩn làm tổng thống vì ông ta “thực sự giàu có” và “đã gầy dựng nên một công ty vĩ đại”, thì ở New York, các nhân viên kế toán của ông ta đang vùi đầu, cố hoàn tất cho xong bản khai thuế năm 2014 của Trump.

Sau khi lập bảng đối chiếu lời lỗ cho những doanh nghiệp đa dạng của Trump để điền vào mẫu khai thuế 1040, họ ngừng lại ở hàng số 56 (Line 56, form 1040), nơi sẽ phải viết xuống con số tiền thuế mà doanh nhân ứng cử viên tổng thống Trump phải đóng cho chính phủ. Khoảng trống dành cho một con số là vừa đủ.

Zero

Với Trump, hàng 56 của mẫu thuế 1040 trông rất quen thuộc. Đây là năm thứ tư liên tiếp ông ta không phải đóng một xu nào cho thuế lợi tức liên bang.

Sự né tránh luồn lách để không phải đóng đồng thuế nào của Trump là một trong những phát giác gây chấn động nhất khi nghiên cứu hồ sơ thuế của Trump, đặc biệt là với một loạt những chi phí khấu trừ được liệt kê trong các mẫu thuế khác đính kèm với mẫu chính 1040 gởi đến sở thuế.

Thu nhập ròng của Trump từ tiếng tăm của mình – phần chia một nửa doanh thu của chương trình truyền hình “The Apprentice”, cùng với tiền bạc hào phóng rót xuống người Trump từ khoảng 20 doanh nghiệp khác trả cho việc được ủy quyền sử dụng tên ông ta – tổng cộng lên tới 427.4 triệu đô la tính đến năm 2018. Lại còn thêm 175.5 triệu đô la lợi nhuận khác đến từ việc đầu tư rất thành công vào hai tòa cao ốc cho thuê làm văn phòng.

Làm cách nào mà ông ta có thể né tránh được việc đóng thuế cho số lợi tức khổng lồ ấy? Ngay cả khi lấy tỉ lệ đánh thuế dành cho 1% những người giàu có nhất nước Mỹ để ước tính số thuế Trump phải trả, cũng đã lên đến hơn 100 triệu đô la.

Câu trả lời nằm ở phạm trù thứ ba trong số các họat động kinh doanh của Trump: Những doanh nghiệp do Trump trực tiếp làm chủ và điều hành. Những lỗ lã tiền bạc triền miên dai dẳng trong một chuỗi những thất bại dây chuyền, cái này kéo theo cái kia đổ xuống, giúp Trump khi báo cáo khai thuế đã sử dụng những lỗ lã ấy để khấu trừ đi khoản thu nhập 600 triệu đô la thu nhập từ “The Apprentice”, các hợp đồng bản quyền và đầu tư khác (nói cách khác, sau khi khấu trừ lỗ doanh nghiệp, Trump không còn lợi tức phải trả thuế – taxable income – nào nữa. Đó là lý do của con zero to tướng ở line 56 trong mẫu thuế 1040 của Trump – ND).

Phương trình khấu trừ lẫn nhau bằng không này là một yếu tố cơ bản trong thuật làm vàng giả của doanh nhân Donald Trump: Dùng thu nhập có được từ danh tiếng của mình để mua sắm và làm chỗ dựa cho các thương vụ bấp bênh, rồi tận dụng sự lỗ lã từ các thương vụ bấp bênh ấy để né tránh bổn phận đóng thuế.

Trong suốt sự nghiệp doanh nhân của mình, Trump thường bị lỗ lã với những số tiền lớn vượt trội số có thể dùng khấu trừ cho những thu nhập khác trong một năm. Nhưng luật thuế đã mở ra một lối đi vòng quanh cho những trường hợp như vậy: Ngọai trừ một số hạn chế đặc biệt, các chủ doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền lỗ không dùng tới trong năm thuế hiện tại vào những năm thuế tương lai cho đến khi hết.

Quy định thuế này là bản nhạc nền êm ái trong cuộc đời Trump. Như trong bài điều tra trước đó của New York Times về hồ sơ thuế năm 1995 của Trump đã cho thấy, con số gần một tỉ lỗ doanh nghiệp từ hồi đầu thập niên 1990s đã cho phép Trump được khấu trừ dần vào thu nhập của liên tiếp 18 năm sau đó.

Những hồ sơ khai thuế của các năm sau đó đã tiết lộ, Trump sử dụng những đồng đô la khấu trừ cuối cùng của số tiền lỗ lã gần một tỉ ấy vào năm thuế 2005, vừa đúng lúc dòng suối ngọt ngào của sự giàu có đến từ kỹ nghệ giải trí bắt đầu chảy qua túi của Trump, mà chương trình truyền hình “the Apprentice” ra mắt hồi năm 2004 đã hứa hẹn.

Từ năm 2005 đến năm 2007, khoản lợi nhuận từ các thương vụ bán bản quyền và bảo trợ thương mại đã lấp đầy các tài khoản ngân hàng của Trump với con số 120 triệu đô la ròng. Đến lúc này, không còn một khoản lỗ nào nữa để khấu trừ vào lợi tức phải trả thuế (taxable income), Trump đã đóng khoản tiền thuế liên bang đầu tiên trong đời của mình: con số thuế là 70.1 triệu đô la.

Khi những thu nhập từ tiếng tăm của “The Apprentice” ngày càng phình to, Trump lao đầu vào một loạt những vụ mua sắm thả dàn khác biệt hoàn toàn với những gì ông ta đã làm hồi thập niên 1980s, lúc mà những ngân hàng đang hăm hở sẵn sàng cho vay và sự giàu có của cha ông ta đã cho phép Trump mua bán, xây cất sòng bài, máy bay, du thuyền và khách sạn cũ, những thứ mà chẳng bao lâu sau đó đã buộc Trump phải khai phá sản.

Lúc chương trình truyền hình “The Apprentice” vừa khởi sắc, Trump mới chỉ mở cửa họat động 2 sân golf và đang nâng cấp 2 sân golf khác. Cho đến cuối năm 2015, ông ta sở hữu tổng số 15 sân golf và đang thực hiện dự án canh tân tòa trụ sở bưu điện cũ ở Washington thành Trump International Hotel. Nhưng, thay vì những thứ đó phải làm cho Trump trở nên giàu có hơn, các hồ sơ thuế đã đưa ra một hình ảnh ngược lại, mỗi một thương vụ mới được thực hiện, chỉ đưa tình trạng tài chính của Trump xuống thấp hơn.

Thử xem xét kết quả tài chính của khu vực sân golf lớn nhất của Trump, Trump National Doral, ngay gần thành phố Miami. Năm 2012, Trump mua lại khu này với giá 150 triệu đô la; đến cuối năm 2018, Trump bị lỗ 162.3 triệu đô la. Hồ sơ thuế tiết lộ, ông ta đã phải đầu tư thêm cho Doral 213 triệu đô la tiền tươi (fresh cash) và nợ số tiền vay (mortgage balance) mua khu này là 125 triệu đô la đáo hạn trong vòng 3 năm.

 

Trump National Doral ở gần Miami, khu giải trí sân golf lớn nhất của Trump. Từ năm 2000, ông ta đã báo lỗ hơn 315.6 triệu đô la cho họat động kinh doanh ở tất cả các sân golf Trump sở hữu. Nguồn: Scott McIntyre/ NYT

Ba sân golf khác của Trump ở châu Âu – 2 ở Scotland và 1 ở Ireland – đã báo cáo lỗ tổng cộng là 63.6 triệu đô la.

Gộp chung lại, từ năm 2000, Trump đã báo cáo con số lỗ là 315.6 triệu đô la từ tất cả các sân golf ông ta sở hữu, những tài sản mà ông ta vô cùng hãnh diện được làm chủ.

Mang đặc tính quyến rũ của một thế giới Trump đầy hào nhóang, khách sạn Trump International nằm giữa thủ đô, cũng không cho thấy có gì khả quan hơn. Tài liệu thuế cho thấy, cho đến năm 2018, số lỗ lã là 55.5 triệu đô la.

Riêng Trump Corporation, một công ty dịch vụ địa ốc của Trump, đã báo lỗ 134 triệu đô la từ năm 2000. Hồ sơ thuế cho biết, Trump đã sử dụng tiền túi bù đắp cho những khoản lỗ kéo dài năm này qua năm khác, và xếp lọai chúng như những khoản cho vay. Số tiền vay này cứ càng ngày càng tăng. Năm 2016, biết rằng không cách gì có thể lấy lại số tiền cho vay này, Trump chuyển chúng thành khoản tiền mặt rót vào bù lỗ cho doanh nghiệp.

Trump thường thừa nhận rằng, những lỗ lã doanh nghiệp của ông ta là kết quả của ma thuật kế toán (accounting magic) hơn là số tiền thật sự bị mất đi.

Năm ngoái, sau khi New York Times công bố những chi tiết trong hồ sơ khai thuế của Trump từ thập niên 1980 và 1990, ông ta quy cho số lỗ lã là do việc sử dụng giá trị hao mòn (depreciation) của các phương tiện đầu tư (nhà cửa, máy móc, xe cộ, dụng cụ văn phòng v…v… – ND) để khấu trừ vào lợi tức bị đánh thuế (taxable income). Giá trị hao mòn này, trong một nội dung tweet của Trump, ông ta khẳng định “sẽ giúp cho doanh nghiệp lúc nào cũng có thể khai lỗ” và rằng “phần lớn không mang giá trị có thể tính bằng tiền”.

Trong một cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống hồi năm 2016, Trump đã nói “tôi khóai cái khấu trừ giá trị hao mòn này” (depreciation).

Mặc dù vậy, đặc tính khấu trừ giá trị hao mòn không phải là chiếc đũa quỷ thuật – nó liên quan đến việc dùng tiền thật để mua sắm (khoản tiền này do có sẵn hay phải đi vay mượn) nhà cửa hay các dụng cụ hỗ trợ doanh nghiệp khác, mà thời hạn sử dụng chúng chỉ trong một thời hạn bao nhiêu năm, trước khi chúng trở thành vô dụng, phải hủy bỏ. Do vậy, giá trị bằng tiền của chúng sẽ được chia ra trong một thời hạn sử dụng là bao nhiêu năm, khấu trừ vào thu nhập doanh nghiệp mỗi năm cho đến lúc phải thải bỏ. Quy định về thuế này đã tỏ ra rất hữu ích đặc biệt cho những nhà kinh doanh trong trong lãnh vực địa ốc như Trump. Ông ta thật sự được quyền sử dụng những lỗ lã từ các thương vụ địa ốc để khấu trừ thu nhập phải trả thuế nhận được từ những họat động kinh doanh khác.

Tuy nhiên, các hồ sơ thuế về họat động doanh nghiệp của Trump tiết lộ rằng, ông ta đã bị lỗ lã trước khi cộng thêm khoản khấu trừ về giá trị hao mòn. Cả 3 sân golf ở châu Âu, cộng thêm với khách sạn Trump International ở Washington, sân golf Doral và công ty địa ốc Trump Corporation đã báo cáo tổng số lỗ doanh nghiệp là 150.3 triệu đô la từ năm 2010 đến năm 2018, mà không cần phải tính đến việc khấu trừ giá trị hao mòn (depreciation).

Để biết một doanh nghiệp thành công hay thất bại, khấu trừ giá trị hao mòn hay không, đừng nhìn xa hơn một trong những họat động doanh nghiệp mà ông ta không trực tiếp điều hành.

Sau khi những kế họach dự trù thực hiện một đô thị nhỏ mang nhãn hiệu Trump ở khu cực Tây thành phố Manhattan bị trì trệ trong thập niên 1990, cổ phần của Trump bị bên đối tác đem bán cho Tổ Hợp Vornado Realty. Trump kiện vụ này ra tòa với lý do mình đã không được tham khảo ý kiến về thương vụ với Vornado. Cuối cùng, Trump cũng được chia 30% cổ phần của hai tòa nhà cho mướn làm văn phòng sở hữu bởi Vornado.

Phần lợi nhuận Trump nhận được (từ 2 tòa nhà này), tính đến năm 2018, là 176.5 triệu đô la, sau khi đã khấu trừ giá trị hao mòn của chúng. Bản khai thuế tiết lộ, Trump chưa bao giờ đầu tư thêm tiền mặt với các đối tác (partnership).

Trong số những họat động kinh doanh mà Trump trực tiếp điều hành, thành công nhất – cho đến nay – lại là những họat động từ bước đầu doanh nghiệp. Những văn phòng cho thuê mở cửa hàng bán lẻ hay dịch vụ thương mại nằm trong tòa tháp Trump Tower của ông ta từ năm 1983, đã đem lại cho Trump 20 triệu đô la lợi tức hàng năm, và con số tổng cộng thu nhập từ năm 2000 là 336.3 triệu đô la đã giúp Trump đứng vững được trên hai chân của mình.

Trump có tiếng là không mấy gì dễ chịu với các ngân hàng cho mình vay tiền. Bản khai thuế cho thấy ông ta đã không đủ khả năng thanh toán nợ với một con số lớn hơn nhiều so với con số trước đây đã từng được nói đến: Tổng số 287 triệu nợ đáo hạn từ năm 2010.

Luật thuế Hoa Kỳ xếp lọai những khoản nợ được chủ nợ hủy bỏ trên con nợ (forgiven debt) là thu nhập bị đánh thuế (taxable income) đối với con nợ, nhưng Trump đã tìm cách né tránh việc đóng thuế cho phần lớn khoản nợ được tha ấy bằng cách giảm thiểu khả năng mình có thể khấu trừ những lỗ lã doanh nghiệp trong tương lai. Phần còn lại, Trump lợi dụng một điều khoản trong biện pháp cứu vãn kinh tế của chính phủ liên bang trong thời kỳ Đại Suy Thoái (2008 Great Recession) cho phép những khoản xóa nợ (forgiven debt) được hoãn trả thuế (tax deferred) trong 5 năm; sau 5 năm, số nợ ấy sẽ được rải đều ra trong 5 năm nữa để tính thuế lợi tức phải đóng. Năm 2014, Trump khai thuế cho phần đầu tiên 28.2 triệu đô la của khoản nợ tha nói trên.

Một lần nữa, những lỗ lã trong kinh doanh của Trump đã giúp ông ta thoát khỏi gánh nặng thuế lợi tức. Năm 2014, Trump không trả một đồng tiền thuế liên bang nào.

Trump bị bắt buộc phải trả mỗi tam cá nguyệt một lọai thuế đi song hành với thuế lợi tức liên bang, có tên là Alternative Minimum Tax (AMT). Lọai thuế này được sử dụng nhằm mục đích ngăn ngừa những công dân giàu có lợi dụng những điều luật thuế, cho phép họ được sử dụng những khoản khấu trừ rất lớn, trong đó có khai lỗ doanh nghiệp, để trốn tránh nghĩa vụ thuế của mình. Trong nhiều trường hợp (như Trump), họ có thể không phải trả đồng thuế nào cho khoản thu nhập không nhỏ của mình.

Trump trả thuế AMT trong 7 năm, từ 2000 đến 2017, tổng số là 24.3 triệu đô la, không tính đến số tiền bồi hoàn thuế (refund) ông ta nhận được sau khi nộp hồ sơ thuế. Năm 2015, Trump đóng $641,931.00 thuế lợi tức liên bang, lần đầu tiên kể từ năm 2010 Trump trả thuế cho chính phủ.

Khi dọn nhà vào ở trong tòa Bạch Ốc, hồ sơ thuế của Trump lại quay trở lại như trước đây. Khoản thu nhập bị đánh thuế của ông ta trong 2 năm 2016 và 2017 gồm có 24.8 triệu đô la lợi nhuận đến từ các nguồn tiền liên quan đến vai trò người nổi tiếng (celebrity status) và 56.4 triệu đô la do Trump không đủ khả năng trả lại cho chủ nợ. Tuy nhiên, cái khoản thuế AMT đáng nguyền rủa đã không để cho những lỗ lã doanh nghiệp của Trump xóa hẳn những trách nhiệm thuế, mà chỉ cho phép sử dụng những khấu trừ có một phần.

Năm nào cũng vậy, Trump yêu cầu được kéo dài thời gian khai thuế (extension) trước khi chính thức gởi nộp mẫu thuế 1040. Mỗi lần như thế, Trump đều gởi đi phần đóng thuế theo quy định để bảo đảm cho khoản thuế ông ta có thể nợ chính phủ – 1 triệu đô la cho năm 2016 và 4.2 triệu cho năm 2017. Nhưng trong thực tế, tất cả những trách nhiệm thuế ấy của Trump đểu bị xóa sạch khi ông ta chính thức gởi bản khai thuế trong năm đến sở thuế. Và phần lớn những khoản tiền gọi là tiền đóng thuế ông ta đã gởi đi đều được chuyển đến năm thuế kế tiếp để trả cho những trách nhiệm thuế trong tương lai (nếu có).

Để xóa đi số tiền thuế phải đóng, Trump đã sử dụng 9.7 triệu đô la trong điều khoản thuế dành ưu đãi đặc biệt cho đầu tư kinh doanh (business investment credits). Một phần trong số đó là khoản chi phí nâng cấp tòa trụ sở bưu điện cũ (Old Post Office) thành khách sạn Trump International, chi phí này thỏa mãn yêu cầu góp phần bảo tồn di tích lịch sử để sử dụng điều khoản ưu đãi thuế nói trên. Mặc dù Trump còn có nhiều yếu tố khác để khấu trừ đi toàn bộ số thu nhập của mình, nhưng các nhân viên kế toán của ông ta có vẻ như đã tạm gác chúng qua một bên, để hồ sơ thuế của ông ta cũng có chút đỉnh trách nhiệm thuế phải đóng cho hai năm 2016 và 2017.

Vì vậy, khi các nhân viên kế toán đi đến Line 56 của mẫu thuế 1040, nơi họ sẽ phải ghi khoản tiền thuế người đứng tên trên mẫu thuế phải đóng, cho cả hai năm (2016 và 2017) số này giống hệt nhau: $750.00.

(Còn tiếp)

Kỳ tới: Thủ thuật 72.9 triệu đô la

(Phần 5)

 

Phần 5: Thủ Thuật 72.9 triệu đô la

Chương trình truyền hình “The Apprentice” có lẽ đã ban cho Trump cú ngọam thuế lợi tức ngon lành nhất, lớn nhất trong cuộc đời của mình. Trong thời kỳ Đại Suy Thoái (The Great Reccession), lợi dụng các biện pháp cứu vãn kinh tế của chính phủ, Trump đã tìm cách đòi tiền đóng thuế lại.

Tháng 2 năm 2019, trong buổi điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ của viên cựu luật sư riêng của Trump, Michael Cohen, ông này đã nhắc đến việc Trump đưa cho mình xem tờ ngân phiếu có số tiền khổng lồ từ Bộ Ngân Khố gởi cho Trump mấy năm trước, vẻ mặt vẫn còn ngạc nhiên “rằng, ông ta không thể nào ngờ được chính phủ đã ngu ngốc đến độ trả lại cho một người như ông ta số tiền lớn đến như vậy”.

Quả vậy, theo những tài liệu riêng cho biết, bắt đầu từ năm 2010, Trump đã khai và nhận về tổng số tiền bồi hoàn thuế (refund) là 72.9 triệu đô la – tức tổng số tiền thuế Trump đã đóng cho chính phủ liên bang từ năm 2005 cho đến năm 2008, cộng thêm tiền lời (phát sinh từ số tiền đã đóng).

Tính cách hợp pháp của số tiền bồi hoàn 72.9 triệu đô la hiện là trọng tâm của các cuộc truy vấn (audits) của sở thuế mà Trump đang phải đối phó, vốn ngoài tầm quan sát của công chúng.

Những dữ liệu mà New York Times xem xét đã xác nhận nguyên nhân luận điệu mà Trump thường hay viện dẫn đến, nhưng không hề đưa ra một lời giải thích thuyết phục, rằng những vụ audits của sở thuế đã ngăn cản không cho ông ta bạch hóa hồ sơ khai thuế của mình. Mới đây nhất, hồi tháng 7, trên đài truyền hình Fox News, Trump ám chỉ đến chúng khi trả lời Sean Hannity: “Họ đối xử với tôi ghê khiếp lắm, bọn sở thuế ấy mà, ghê khiếp lắm!”.

Và trong khi những dữ liệu thuế không cho biết chi tiết về những vụ audits này, nhưng chúng phù hợp với bản tuyên bố của các luật sư riêng của Trump trong lúc còn chiến dịch tranh cử 2016 rằng, các vụ audits hồ sơ thuế của Trump vẫn đang tiếp diễn và có liên quan đến “những thương vụ hoặc các hoạt động kinh doanh đã khai trong hồ sơ thuế năm 2008 và trước đó”.

Trump may mắn thu về khoản tiền bồi hoàn kếch xù ấy nhờ đã khai và khấu trừ những khoản lỗ kinh doanh cũng kếch xù không kém – một tổng số là 1.8 tỉ đô la lỗ lã từ những dịch vụ kinh doanh trực tiếp của Trump cho hai năm thuế 2008 và 2009 – mà những năm thuế trước đây, luật thuế đã không cho phép ông ta khấu trừ.

Nhưng để biến một chuỗi những lỗ lã doanh nghiệp nặng nề thành một tờ ngân phiếu bồi hoàn thuế khổng lồ, ông ta đã phải nhờ cậy đến những phù thủy kế toán khéo chân khéo tay và một món quà vô tình đến từ một nguồn gốc cũng vô tình không kém – ông Obama.

Các lỗ lã doanh nghiệp có thể được dùng như những tấm phiếu thưởng (coupon) để giảm thuế: một đồng lỗ từ doanh nghiệp này có thể được dùng để giảm đi một đồng lời từ một doanh nghiệp khác. Loại và số lợi tức được áp dụng khấu trừ mỗi năm mỗi khác, tùy thuộc vào tình trạng thuế của mỗi chủ doanh nghiệp. Một số loại lỗ lã có thể được để dành và dùng đến sau này, hoặc thậm chí còn được dùng để lấy lại tiền thuế lợi tức đã đóng từ năm thuế trước đó.

Cho đến năm 2009, những tấm phiếu thưởng (coupon) nói trên có thể dùng để giảm thuế cho 2 năm thuế trước đó. Nhưng tháng 11 năm đó (2009), cánh cửa đã mở rộng gấp đôi nhờ vào một điều khoản ít ai để ý tới trong một đạo luật về thuế tổng thống Obama ban hành chủ yếu nhằm vào việc thúc đẩy nền kinh tế sớm hồi phục sau trận đại suy thoái (the great recession). Với đạo luật mới này, chủ doanh nghiệp có thể yêu cầu được bồi hoàn lại số tiền thuế đã đóng trong 4 năm thuế trước đó, cộng thêm 50% số thuế đã đóng trong năm thứ 5.

Năm 2008, Trump không phải đóng một đồng thuế lợi tức nào. Nhưng với đạo luật thuế thương nghiệp mới được ban hành, khi khai hồ sơ thuế của năm 2009, ông ta có thể đòi lại không chỉ 13.3 triệu đô la tiền thuế trả trong năm 2007, mà còn đòi được thêm 56.9 triệu đô la gộp lại cho hai năm 2005 và 2006, khi mà chương trình truyền hình “The Apprentice” đã ban cho ông ta cú ngọam thuế lợi tức ngon lành nhất, lớn nhất trong cuộc đời của mình.

Những dữ liệu mà New York Times có được cho biết, chỉ vài tuần lễ sau khi luật thuế doanh nghiệp mới được ban hành, Trump đã gởi đi bản khai thuế yêu cầu những đợt bồi hoàn thuế đầu tiên, tức là vào tháng 1 năm 2010. Thời điểm này giới làm thuế chuyên nghiệp cho là thời điểm sẽ nhận được tiền bồi hoàn (refund) sớm nhất (quickie refund), sở thuế thường hoàn tất việc trả tiền trong vòng 90 ngày từ khi nhận được tờ khai thuế, cùng với việc sở thuế bắt đầu chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho một vụ audit hồ sơ thuế của người khai.

Tổng số tiền bồi hoàn thuế liên bang của Trump lên tới 70.1 triệu đô la, cộng thêm $2,733,184.00 tiền lời. Ngoài ra, Trump cũng nhận được tiền bồi hoàn từ nguồn thuế tiểu bang (state tax) và thuế địa phương (local tax) cộng chung là 21.2 triệu đô la; khoản bồi hoàn từ 2 nơi này thường lệ thuộc vào hồ sơ khai thuế liên bang.

Dù vậy, liệu Trump có giữ được trong túi khoản tiền kếch xù đó không, câu hỏi này hiện nay khó có thể trả lời.

Những khoản bồi hoàn lớn như thế thường đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của các viên chức phụ trách công việc audits và ý kiến của một ủy ban hỗn hợp lưỡng đảng về thuế vụ của Quốc hội, có nhiệm vụ xem xét những ảnh hưởng của các đạo luật về thuế. Luật thuế đòi hỏi ủy ban phải thông qua các số tiền bồi hoàn thuế từ 2 triệu trở lên.

Các tài liệu lưu trữ cho thấy, kết quả của các cuộc truy vấn (audits) về hồ sơ thuế của Trump đã được gởi tới ủy ban hỗn hợp của Quốc hội Hoa Kỳ vào mùa xuân 2011. Một quyết định về kết quả này đã được thỏa thuận vào cuối năm 2014, nhưng sau đó, các cuộc truy vấn lại được mở ra. Lần này, nội dung truy vấn bao gồm cả các bản khai thuế từ năm 2010 cho đến 2013 của Trump. Mùa xuân năm 2016, khi Trump hầu như nắm chắc trong tay chiếc vé đề cử của đảng Cộng Hòa, nội vụ thuế của Trump được gởi lại cho ủy ban hỗn hợp. Cho đến nay, hồ sơ này vẫn còn nằm ở đó, chưa được giải quyết và thời hạn phải kết thúc vụ việc (statue of limitations) cứ tiếp tục được nới rộng.

Lý do tại sao vụ việc bị trì trệ tại Quốc hội chưa ai được biết rõ ràng. Nhưng các giới chức thạo việc đoán rằng, khoảng cách về các ý kiến của hai bên vẫn còn khá rộng. Nếu những cuộc điều đình bị lâm vào bế tắc, vụ việc có thể phải đưa ra tòa án liên bang giải quyết, khi ấy công chúng sẽ có cơ hội được tỏ tường hơn.

Nội dung gây tranh cãi có thể tập trung vào một đầu mối chính, phát xuất từ một trang trong hồ sơ khai thuế năm 2009 của Trump: Lời khai về hơn 700 triệu đô la lỗ doanh nghiệp mà ông ta không được phép khấu trừ từ những năm thuế trước đó. Tháo cũi sổ lồng cho những tấm phiếu thưởng (coupon) nói trên sẽ cho phép Trump chính thức nhận được một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi hoàn thuế khổng lồ.

Những tài liệu mà New York Times có được không liệt kê rõ ràng doanh nghiệp/ hay những doanh nghiệp nào của Trump đã phát sinh số lỗ lã kếch xù nói trên. Nhưng lỗ lã doanh nghiệp là một loại lỗ lã mà doanh nghiệp chỉ được phép khai (và sử dụng khấu trừ) khi các đối tác từ bỏ quyền lợi của mình trong doanh nghiệp ấy. Và năm 2009, Donald Trump cắt đứt mọi dính líu của mình với doanh nghiệp từ lâu đã gây nên những lỗ lã khổng lồ của ông ta: Công ty sòng bài Atlantic City.

Trump thông báo trong năm 2009 rằng, ông ta đã từ bỏ mọi quyền lợi của mình ở sòng bài Atlantic City. Nguồn: Mark Makela cho NYT

Sau khi các chủ nợ của công ty khước từ đề nghị của Trump muốn mua lại doanh nghiệp, và giữa lúc lần khai phá sản thứ ba đang dọn đường xảy ra, tháng 2 năm 2009, Trump tuyên bố rút lui ra khỏi hội đồng quản trị của công ty.

Ông ta trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AP: “Nếu tôi không quản lý được công ty, tôi không muốn mình dính dáng gì đến nó. Tôi là một trong những chuyên viên kiến tạo doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Tôi vẫn còn nhiều tiền và còn nhiều nơi khác để bắt đầu lại”.

Cùng ngày, Trump thông báo ủy ban hối đoái và chứng khóan (SEC – Securities and Exchange Commission) rằng, ông ta đã nhận định “những quyền lợi trong tư cách cổ đông của mình ở công ty đã trở nên không còn giá trị gì nữa và cũng không còn tiềm năng để có thể phục hồi” và rằng “do đó từ bỏ” mọi quyền sở hữu của mình (trong công ty).

Ở đây ngôn ngữ giữ vai trò rất quan trọng. Trump sử dụng một cách chính xác từng chữ một từ quy định của sở thuế (IRS), những quy định xác quyết các cách thức có lợi cho chủ doanh nghiệp né tránh việc trả thuế khi không còn liên quan gì đến doanh nghiệp nữa.

Một đối tác bước ra khỏi một doanh nghiệp mà mình là cổ đông với hai bàn tay trắng – luật thuế gọi đó là sự từ bỏ (abandonment) – có thể khai lỗ doanh nghiệp mà trong những năm thuế trước đây người ấy đã không thể khấu trừ. Nhưng vẫn có một số điểm lắc léo, bao gồm: Từ bỏ (abandonment), về bản chất, là một lựa chọn tất cả hoặc không có gì hết. Nếu sở thuế phát giác ra người chủ doanh nghiệp có nhận lại bất cứ một thứ gì đó thì số lỗ lã được cho phép khấu trừ chỉ còn $3,000.00 mỗi năm.

Và có vẻ như Donald Trump đã có nhận lại một chút gì đó. Khi các thủ tục phá sản của sòng bài Atlantic City hoàn tất, ông ta được 5% các cổ phần trong công ty mới. Tài liệu thuế mà New York Times có được, không cho biết rõ ràng về có hay không chi tiết hồ sơ thuế đòi lại tiền bồi hoàn thuế của Trump phản ánh lời tuyên bố công khai từ bỏ mọi quyền lợi của mình ở công ty cũ (tức sòng bài Atlantic City đã tuyên bố phá sản). Nếu quả thật có chi tiết này trong hồ sơ thuế đòi tiền bồi hoàn (refund), thì khoản 5% Trump hưởng được từ công ty mới sẽ gây nhiều rắc rối cho ông ta trong việc sở hữu hợp pháp khoản refund này.

Nếu các điều tra viên chịu trách nhiệm công việc audit hồ sơ thuế của Trump cuối cùng đi đến kết luận, Trump không đủ điều kiện để nhận lại khoản 72.9 triệu đô la refund từ chính phủ liên bang, ông ta sẽ bị buộc phải trả lại số tiền đã nhận, cộng với tiền lời, và rất có thể kèm theo đó là tiền phạt. Cộng chung lại, con số sẽ vượt quá 100 triệu đô la. Mặt khác, ông ta cũng sẽ bị buộc phải trả lại số tiền bồi hoàn từ tiểu bang (state refund) và địa phương (local refund) có gốc rễ từ chung một hồ sơ khai thuế với liên bang.

Để trả lời câu hỏi về trường hợp hồ sơ thuế của Trump đang bị sở thuế truy vấn (audit), luật sư của tổ hợp Trump, ông Garten cho rằng, những dữ liệu mà New York Times căn cứ vào đó để đánh giá thực trạng thuế của Trump không xác thực, nhưng Garten không đưa ra một chi tiết cụ thể nào. Tuy nhiên, ông ta viết rằng, thật là “phi lý” (illogical) khi cho rằng ông Trump không đóng một đồng thuế nào trong 3 năm chỉ vì sau đó số tiền thuế đã đóng được bồi hoàn lại (refunded).

Garten viết: “Trong lúc các ông cho rằng tổng thống Trump không trả một đồng thuế nào trong 10 năm của 15 năm thuế trước đây, các ông cũng khẳng định rằng tổng thống Trump đã khai thuế để nhận lại tiền bồi hoàn hàng chục triệu cho số tiền thuế mà tổng thống đã thật sự trả. Hai điều ấy hoàn toàn mâu thuẫn, và dù ở bất cứ bối cảnh nào, không được căn cứ trên những dữ kiện chính xác”.

Các dân biểu của đảng Dân Chủ, từ lâu theo đuổi mục đích cho kỳ được là có các hồ sơ thuế của Trump trong tay, hẳn có thể không biết rằng, ít nhất một số hồ sơ thuế của Trump đang có mặt trong tòa nhà trụ sở Quốc hội. George Yin, người trước đây từng là tham mưu trưởng của ủy ban hỗn hợp lưỡng đảng Quốc hội, cho biết, bất cứ một tài liệu thuế nào thuộc về người trả thuế đang được ủy ban xem xét, đều được quản lý chặt chẽ bởi một số rất nhỏ các luật sư làm nhiệm vụ tham mưu cho ủy ban và cũng rất hiếm khi họ bằng lòng chia sẻ các tài liệu này với các chính trị gia (tức dân biểu) có trách nhiệm trong ủy ban.

Cũng rất có thể những phán quyết về trường hợp hồ sơ thuế bị audit của Trump tạm đình trệ vì lý do Trump là tổng thống đương nhiệm, đưa vấn đề ra vào lúc này sẽ ảnh hưởng khả năng tái tranh cử của ông ta. Nếu câu trả lời mới đây của Trump trong cuộc phỏng vấn của Sean Hannity trên đài Fox News (“Họ đối xử với tôi ghê khiếp lắm, bọn sở thuế ấy mà, ghê khiếp lắm!”) là một dấu chỉ có ý nghĩa, thì rõ ràng ông ta đang tỏ ra hết sức khó chịu mỗi khi vấn đề audit thuế này được nói đến.

Trump nói với Hannity: “Điều xảy ra thật đáng hổ thẹn. Chúng tôi đã thỏa thuận rồi. Mà đúng vậy, tôi đã ký rồi. Thế mà lúc tôi ra tranh cử, hoặc cả đến lúc tôi đắc cử, một chuyện xảy ra mãi tít ở đâu đâu trong quá khứ, bỗng nhiên mọi thứ có vẻ như ‘này nhé, hãy bắt đầu lại từ đầu nhé!’, Thật đáng xấu hổ”.

(Còn tiếp)

Kỳ tới: Giải pháp 20 phần trăm

(Phần 6)

New York Times

 

Phần 6: Giải pháp 20 phần trăm

Giúp Trump giảm thiểu tiền thuế phải đóng cho chính phủ là những khoản lệ phí tư vấn mơ hồ, một số có thể coi như là chị em sinh đôi với khoản thu nhập mà Ivanka Trump nhận được.

Xem xét kỹ các tài liệu về thuế của Tổ Hợp Trump, người ta phát hiện thấy một chi tiết đặc thù xuất hiện nhiều lần: Từ năm 2010 đến 2018, Trump khấu trừ 26 triệu đô la gọi tên chung chung là “Phí Tư Vấn” (Consulting fees) như một lọai chi phí doanh nghiệp. Chi phí này xuất hiện hầu như ở tất cả các thương vụ mang tên Trump.

Ở phần lớn trường hợp, chi phí tư vấn này chiếm 1 phần 5 (tức 20 phần trăm, do đó tiêu đề bài này có tên: Giải Pháp 20 phần trăm – ND) tổng thu nhập của ông ta: Ở Azerbaijan, Trump thu về 5 triệu đô la từ một dịch vụ khách sạn và khai chi phí tư vấn là 1.1 triệu; Ở Dubai, Trump thu 3 triệu với $630,000.00 chi phí tư vấn, và nhiều thương vụ khác cũng cùng một công thức như trên.

Những khoản thanh toán lớn và không rõ ràng trong các giao dịch doanh nghiệp thường bị đánh dấu nghi ngờ, nhất là ở những nơi mà việc hối lộ hay thói quen lại quả cho người môi giới thường hay xảy ra. Nhưng không có chứng cứ nào nghi ngờ Trump làm những việc như vậy, vì phần lớn các thương vụ giao dịch của ông ta chỉ liên quan đến việc cấp phép bản quyền “Trump marks” đến các dự án của người khác, và không liên quan gì đến việc phải chạy chọt để được sự chấp thuận của chính quyền sở tại cho một dự án doanh nghiệp.

Thực tế, dường như có một cách giải thích đơn giản hơn, gần gũi hơn cho nguồn gốc của ít nhất một số “chi phí tư vấn”: Trump giảm thiểu số lợi tức bị đánh thuế bằng cách lấy người trong gia đình ra đóng vai một chuyên viên tư vấn, rồi khấu trừ khoản chi phí ấy như là một chi phí kinh doanh.

Tên tuổi “chuyên viên tư vấn” không bắt buộc phải liệt kê trong các hồ sơ khai thuế. Nhưng chứng cớ của sự sắp xếp giả định ở trên được gợi ý từ việc so sánh các tài liệu thuế còn giữ kín của Trump với những bản báo cáo tài chánh công khai mà Ivanka Trump phải nộp khi cô này gia nhập đội ngũ cố vấn tham mưu tòa Bạch Ốc năm 2017. Ivanka báo cáo rằng, cô ta nhận được khoản tiền thanh toán từ một công ty tư vấn mà cô ta đồng sở hữu, số tiền là $747,622.00. Con số này giống hệt con số Tổ Hợp Trump khai chi phí tư vấn và dùng nó để khấu trừ lợi tức kinh doanh từ các dự án khách sạn ở Vancouver và Hawaii.

Eric, Ivanka và Donald Trump Jr. với thân phụ trong một buổi họp thông báo dự án khách sạn ở Vancouver năm 2013. Ivanka Trump có vẻ như vừa trực tiếp điều hành dự án này và một dự án khác ở Hawaii – với tư cách nhân viên ăn lương của Tổ Hợp Trump và vừa nhận thù lao với tư cách “chuyên viên tư vấn” cho cả hai dự án. Nguồn: Jonathan Hayward/ The Canadian Press/ AP

Ivanka Trump là viên chức điều hành (Executive Officer) của Tổ Hợp Trump. Các công ty từ Tổ Hợp Trump đã thu lợi nhuận và trả phí tư vấn cho cả hai dự án nói trên – có nghĩa là cô ta được Tổ Hợp Trump coi như chuyên viên tư vấn trong hai dự án khách sạn dưới quyền điều hành của chính cô, vì đó là một trong những công việc mà cô phải làm với tư cách là một viên chức điều hành trong doanh nghiệp của cha mình.

Khi được hỏi về khoản khấu trừ chi phí tư vấn này, luật sư của Tổ Hợp Trump, ông Garten đã không có lời bình luận nào.

Các công ty doanh nghiệp được phép khấu trừ chi phí tư vấn như là một loại chi phí phải tốn của doanh nghiệp, đồng thời cũng không bị bắt buộc phải giữ lại các khoản thuế như họ phải làm với những nhân viên ăn lương trực tiếp từ công ty. Theo quy định của luật thuế, để được coi là đủ tiêu chuẩn cho một chi phí doanh nghiệp, chi phí tư vấn phải chứng minh được là những chi phí “thông thường và cần thiết” (ordinary and necessary) thuộc về công việc điều hành hàng ngày của công ty; và khoản tiền chi phí phải hợp lý, phù hợp với giá cả thị trường. Người nhận được chi phí này sẽ vẫn phải trả thuế lợi tức trên số tiền thu nhập.

Sở thuế (IRS) đã từng áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt dân sự với những doanh nghiệp có ý đồ lợi dụng điều luật thuế này nhằm tránh né trả thuế bằng cách khai những con số chi phí tư vấn cao ngất trời, chi trả cho những người có quan hệ gia đình, chứ thật sự không phải là những người cung cấp dịch vụ độc lập. Một trường hợp tương tự đã xảy ra trong một bản án về thuế hồi năm 2011. Sở thuế từ chối không chấp thuận cho một công ty kế toán ở Illinois khấu trừ chi phí tư vấn 3 triệu đô la mà họ trả cho chính mình thông qua một doanh nghiệp tư vấn vệ tinh của công ty. Tòa án đã phán quyết rằng, các đối tác đã “cấu trúc” khoản chi phí này “để chia nhau lợi nhuận, chứ không phải để trả phí cho một dịch vụ”.

Không có một chỉ dấu nào cho thấy sở thuế đã đặt nghi vấn với việc Trump thường hay khấu trừ hàng triệu đô la phí tư vấn cho doanh nghiệp của ông ta. Nếu khoản tiền trả cho con gái Trump là tiền lương cô ta được lãnh, thì vẫn chưa rõ tại sao ông ta lại làm như vậy, nếu không vì mục đích man khai, hầu làm giảm nhẹ gánh nặng thuế lợi tức của mình. Ngoài ra, một khía cạnh pháp lý nguy hiểm hơn có thể áp dụng trong trường hợp này: Khoản phí tư vấn Trump trả cho Ivanka là một sự lươn lẹo Trump sử dụng để chuyển giao tài sản cho con mà không phải trả thuế biếu tặng (gift tax).

Một cuộc điều tra của New York Times hồi năm 2018 đã phát giác ra, cách đây mấy thập niên, người cha quá cố của Donald Trump là Fred Trump, đã sử dụng một số phương cách thiếu minh bạch để tránh không trả thuế biếu tặng, khi ông ta chuyển giao hàng triệu đô la cho các con cái. Tuy nhiên, qua xem xét những tài liệu thuế hiện nay của gia đình Trump, rất khó để quả quyết có một ý đồ nào khác trong những thủ thuật tài chính, mà trong đó chuyển giao tài sản trong gia đình là một yếu tố chính.

Mặt khác, trước sự kiện rõ ràng là một số chi phí tư vấn khai trong hồ sơ thuế của Trump giống hệt với thu nhập được khai bởi con gái ông ta, đã gợi lên những nghi vấn rằng, liệu có phải Trump đã dùng phương cách này để thưởng cho những người con tham gia trực tiếp vào doanh nghiệp của mình. Thật vậy, ở các trường hợp mà khoản lệ phí tư vấn rất lớn, những người hiểu biết và gần gũi với các dự án khách sạn nói trên cho biết, họ không gợi nhớ đến bất cứ một chuyên viên tư vấn bên ngoài nào nhận được khoản thù lao hậu hĩnh như vậy.

Về dự án khách sạn thất bại ở Azerbaijan, tai tiếng vì dính líu đến tham nhũng, hối lộ, một luật sư của Tổ Hợp Trump nói với báo The New Yorker rằng, công ty của Trump không có dính líu gì đến những tệ nạn trong vụ này, vì họ đơn giản chỉ là người cấp phép bản quyền, không giữ vai trò nào hệ trọng; ông còn thêm vào: “Chúng tôi không trả một xu nào cho bất cứ ai”. Tuy nhiên, hồ sơ khai thuế của 3 công ty trách nhiệm hữu hạn mang tên Trump (Trump L.L.Cs) có tham gia trong dự án đó cho thấy, những khấu trừ chi phí tư vấn là 1.1 triệu đô la, đã trả cho một người nào đó.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, một nhân vật có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện dự án xây 2 tòa tháp Trump ở thủ đô Istanbul đã tỏ ra ngơ ngác, bất ngờ khi được hỏi về dịch vụ tư vấn (consultants) cho dự án, và trả lời New York Times rằng, không hề có bất cứ một dịch vụ tư vấn nào hoặc một đối tác thứ ba nào (third party) ở Thổ Nhĩ Kỳ nhận được tiền thù lao từ Tổ Hợp Trump. Nhưng hồ sơ thuế cho thấy, con số khấu trừ thường xuyên cho các dịch vụ tư vấn lên tới 2 triệu đô la rải đều trong 7 năm.

Ivanka Trump khai trong hồ sơ bạch hóa với công chúng rằng, lệ phí mà cô ta nhận được, trả qua công ty trách nhiệm hữu hạn TTT Consulting, theo cô, công ty này cung cấp “dịch vụ tư vấn, cấp phép bản quyền và dịch vụ quản lý cho các đề án địa ốc”. Được sát nhập vào Tổ Hợp Trump ở Delaware tháng 12 năm 2005, công ty này là một trong một số các doanh nghiệp liên quan đến Trump, mang những cái tên na ná như TTT hoặc TTTT, chỉ dấu cho thấy có liên quan đến những thành viên trong gia đình Trump.

Cũng như hai người anh ruột của mình là Donald Jr. và Eric, Ivanka là một nhân viên thâm niên của Tổ Hợp Trump, giữ vai trò điều hành hơn 200 công ty lớn nhỏ của Tổ Hợp, kinh doanh chủ yếu vào việc cấp phép bản quyền, quản lý khách sạn và các đề án xây dựng khu giải trí. Hồ sơ thuế tiết lộ, ba anh em, mỗi người nhận được mức lương $480,000.00/năm. Sau khi Trump trở thành tổng thống, mức lương của họ được tăng lên 2 triệu đô la/năm – mặc dù Ivanka không còn được nhận lương nữa. Thêm vào đó, Trump từng thừa nhận, các con của ông ta đều có dính líu mật thiết đến việc điều đình, quản lý các doanh nghiệp của ông ta. Trong một vụ án hồi năm 2011, khi được hỏi, ai sẽ là người Trump tin cậy để điều hành những công việc quan trọng trong các hợp đồng cấp phép bản quyền, ông ta chỉ nêu tên 3 người: Ivanka, Donald Jr. và Eric.

Trên website riêng (nay đã bị hủy bỏ) của Ivanka, có phần giải thích vai trò của cô ta trong Tổ Hợp Trump, nhưng không thấy xác định nhiệm vụ của cô với tư cách là một chuyên viên tư vấn. Chính xác hơn, Ivanka được mô tả như là một viên chức điều hành cao cấp (senior executive) “trực tiếp tham dự vào tất cả các lãnh vực họat động của các đề án mang tên Trump hay có quan hệ tới Trump, bao gồm công việc đánh giá các thỏa thuận, hoạch định các kế hoạch tiên khởi, tài trợ, thiết kế, xây dựng, giao dịch thương vụ và quảng cáo, đồng thời bảo đảm rằng, các tiêu chuẩn họat động và hình thức bên ngoài mang tầm cỡ thế giới của Trump phải được đáp ứng triệt để”.

“Cô ta có tiếng nói trong mọi quyết định – lớn cũng như nhỏ”.

Phần cuối

Phần cuối: Tổng Thống và Doanh Nhân

Hồi tháng 5, chủ tịch của một nhóm thương mại đại diện cho quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ đã viết thư gởi bộ trưởng thương mại Wilbur Ross, xin hỗ trợ cho những nỗ lực gia tăng các giao dịch thương mại giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích tối hậu không gì khác hơn là “chuyển hướng nguồn cung cấp vật liệu cho Hoa Kỳ thóat khỏi tay Trung quốc”.

Bức thư gởi Wilbur Ross là một trong ba bức thư gửi đến các bộ trưởng trong nội các Trump, ký bởi Mehmet Ali Yalcindag, chủ tịch hội đồng thương mại Mỹ-Thổ. Một bản sao các bức thư nói trên cũng đã được Yalcindag gởi đến tổng thống Trump.

Với Trump, Yalcindag không phải là một người xa lạ: Thương nhân người Thổ này đã từng giúp Tổ Hợp Trump đạt được một thỏa thuận về bản quyền xây cất hai tòa tháp Trump ở Istanbul hồi năm 2008. Hồ sơ thuế cho biết, thỏa thuận này đã đem lại cho Trump 13 triệu đô la – con số lớn hơn rất nhiều so với các tiết lộ trước đó – bao gồm cả 1 triệu đô Trump nhận thêm lúc vừa nhậm chức tổng thống. Và giờ đây thì “người bạn làm ăn chỉ một thương vụ” ấy đang làm công việc một lobbyist (người vận động hành lang) cho quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Yalcindag tuyên bố ông ta vẫn “duy trì mối quan hệ thân thiện” với Trump kể từ dạo làm ăn chung nhiều năm trước, nhưng tất cả những liên lạc giữa nhóm thương mại do ông cầm đầu với chính phủ Trump đều “thông qua những băng tần chính thức và được công bố thích đáng”.

 

Mehmet Ali Yalcindag, chụp hình chung với hai cha con Trump, là người đã giúp Trump đạt được một thỏa thuận cấp phép bản quyền ở Istanbul, đem về cho Trump 13 triệu đô la. Hiện nay, Yalcindag đang làm công việc vận động hành lang ở quốc hội Hoa Kỳ, đại diện cho quyền lợi thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Trump Organization, via PR Newswire

Tình trạng rắc rối công tư lẫn lộn gây nên bởi quyết định của Trump vẫn duy trì các họat động doanh nghiệp của cá nhân trong lúc đang đảm nhận nhiệm vụ tổng thống đã được ghi nhận bằng văn kiện hẳn hoi. Nhưng để đánh giá toàn bộ khía cạnh tài chánh của các quyền lợi đan chéo nhau một cách khác thường – một tổng thống với cả chuỗi những hoạt động kinh doanh trong nước và vô số các điểm nóng địa chính trị hải ngoại – vẫn còn ngoài tầm nắm bắt của các giới chức thẩm quyền.

Các hồ sơ thuế của Trump và của hàng trăm công ty lớn nhỏ của ông ta đã cho biết một cách chính xác số lợi tức Trump kiếm được trong nhiều năm nay; đồng thời cũng chỉ ra sự lệ thuộc nặng nề của các hoạt động kinh doanh của Trump trên lực bẫy là nhãn hiệu Trump, bằng những thủ thuật hứa hẹn có thể sẽ có những xung đội về lợi ích (cá nhân Trump) bao lâu ông ta còn ở cương vị tổng thống Hoa Kỳ.

Các hồ sơ thuế cũng cung cấp một lỗ hổng đáng tin cậy để nhìn vào toàn bộ tình hình tài chính của Trump trước năm 2014, năm đầu tiên trong danh mục thời gian mà ông ta bị buộc phải công bố những báo cáo hàng năm về tình hình tài chính cá nhân. Qua hồ sơ thuế này, mọi người được biết tổng số lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh bên ngoài nước Mỹ của Trump lớn hơn rất nhiều so với con số ông ta báo cáo trong bản tường trình hàng năm nói trên.

Trong bản tường trình tài chính bao gồm rộng khắp nhiều hoạt động khác nhau, lợi tức thu được từ hai tòa tháp Trump ở Istanbul có thể ít nhất là 3.2 triệu đô la. Ở Philippines, nơi ông ta cấp phép bản quyền cho một tòa tháp ở Manila gần 10 năm trước, phần lợi tức thấp nhất là 4.1 triệu đô la – chưa tới một nửa con số ông ta thực sự thu được là 9.3 triệu đô la. Ở Azerbaijan, Trump nhận được hơn 5 triệu đô la từ một dự án về khách sạn không thành, con số lớn gấp đôi con số ông ta ghi trong bản tường trình công khai.

Chẳng bao lâu sau khi Trump ra tranh cử và đắc cử tổng thống, những xung đột quyền lợi của ông ta đã bắt đầu xuất hiện. Nhà lãnh đạo độc tài của Philippines, Rodrigo Duterte, đã cử đến Washington viên thương gia đứng đằng sau dự án tòa tháp Trump ở Manila với tư cách đặc sứ thương mại của chính phủ Manila. Ở Argentina, một nhân vật chủ chốt đã từng dính líu đến một thỏa thuận cấp phép bản quyền của Trump ở Uruguay, thương vụ mà Trump bỏ túi 2.3 triệu đô la, đã được đề bạt vào một chức vụ trong nội các.Những xung đột quyền lợi của tổng thống Trump nổi lên rõ nét nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đám thương gia và chính phủ độc tài chuyên chế của tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã không ngần ngại lợi dụng các hoạt động kinh doanh đa dạng của Trump để trục lợi. Khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ xuống đến mức tồi tệ nhất, một nhóm thương gia Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ một hội nghị dự trù tổ chức ở khách sạn Trump International tại Washington; 6 tháng sau, khi mối quan hệ giữa hai quốc gia được cải thiện, hội nghị nói trên được tổ chức lại, lần này có sự tham dự của các viên chức trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, hãng hàng không Thổ (Turkish Airlines) cũng chọn Trump National Golf Club ở Virginia làm nơi tổ chức một cuộc sự kiện thể thao.

Hơn thế nữa, tài liệu thuế còn cho thấy một vài ảnh hưởng khác mà vai trò tổng thống của Trump đã giúp một số doanh nghiệp của ông ta thoát khỏi tình trạng bị sa lầy. Những tờ hóa đơn về thu nhập thương vụ được báo cáo về sở thuế hàng tháng của các công ty điều hành máy đọc thẻ tín dụng (credit card processing firms), cho thấy các khu giải trí, sân golf và khách sạn của Trump đã trở thành những địa điểm lý tưởng (nếu không nói là địa điểm chính) cho những thương vụ béo bở, bắt đầu từ năm 2015 cho đến khi ông ta chính thức bước chân vào tòa Bạch Ốc.

Những dữ liệu của các công ty điều hành máy đọc thẻ tín dụng không cho biết được tổng số những thu nhập, và chỉ có thể cho biết được chỉ số tiêu thụ của khách hàng lên hay xuống trong một khoảng thời gian ngắn nhất định. Trong lúc hai doanh nghiệp trong số những doanh nghiệp có bề mặt bề thế, lôi cuốn nhất của Trump – Khách sạn quốc tế ở Washington và khu giải trí sân golf Doral – chất đống những nợ nần và cứ tiếp tục lỗ lã, nhưng những dữ liệu từ công ty thẻ tín dụng cho thấy các thương vụ ngày một gia tăng đáng kể với sự thăng tiếng cá nhân của Trump.

  Mặc dù khách sạn quốc tế của Trump ở Washington lỗ lã chỏng gọng và nợ nần chồng chất, nhưng những thương vụ được ghi nhận qua lưu trữ của các công ty điều hành máy đọc thẻ tín dụng đã gia tăng cùng với sự thăng tiến của tổng thống Trump. Nguồn: Al Drago/ NYT

Ở khách sạn quốc tế, khoản thu hàng tháng (căn cứ vào hóa đơn từ các máy đọc thẻ tín dụng) gia tăng từ 3.7 triệu đô la trong tháng 12 năm 2016 chỉ một khoảng thời gian ngắn sau khi khai trương, lến đến 5.4 triệu đô la vào tháng 1 năm 2017 và 6 triệu đô la tính đến tháng 5 năm 2018. Ở khu giải trí Doral, sau khi Trump tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống tháng 6 năm 2015, thu nhập tính qua thẻ tín dụng tăng lên gấp đôi, lên tới 13 triệu đô la trong khoảng thời gian 3 tháng, tính đến cuối tháng 8 cùng năm – so sánh với thu nhập của cùng thời kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp khác của Trump vốn là nơi thường xuyên đem về lợi nhuận, và cũng là nguồn gốc cho rất nhiều những xung đột quyền lợi mang tính chuẩn mực đạo đức (ethical conflicts) và cả những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia – đó là câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Florida. Lợi nhuận từ doanh nghiệp này tăng vọt sau khi Trump tuyên bố ra tranh cử. Các hội viên mới tranh nhau ghi tên gia nhập, khiến số thu phí gia nhập tăng gấp 10 lần – từ con số $664,000 trong năm 2014 đến xấp xỉ 6 triệu đô la trong năm 2016, trước cả khi Trump nâng phí gia nhập lên gấp đôi vào tháng 1 năm 2017. Cơn lũ tân hội viên câu lạc bộ Mar-a-Lago đã giúp Trump thu lãi 26 triệu đô la từ doanh nghiệp này từ năm 2015 đến năm 2018, hầu như gấp 3 lần số tiền Trump tự trả cho chính mình trong 2 năm trước đó.

Hồ sơ thuế chỉ ra rõ ràng: Một số doanh thu lớn nhất đến từ các nhóm kinh doanh tổ chức các buổi hội họp, gặp mặt tại Mar-a-Lago và một số địa điểm Trump khác, phát sinh sau khi Trump đắc cử tổng thống.

Tại Doral, Trump thu về con số ít nhất là 7 triệu đô la trong năm 2015 và 2016 từ Bank of America, và ít nhất 1.2 triệu đô la trong hai năm 2017 và 2018 từ một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty bán sỉ và bán lẻ thực phẩm. Năm 2018, Phòng thương mại Hoa Kỳ trả cho Doral ít nhất là $406,599.

Ngoài việc phải trả tiền mướn (một lần – one time payment) khi tổ chức sự kiện hay tiền phí hội viên (hàng năm), các công ty lớn còn trả tiền thuê mặt bằng (space lease) cho một số tòa nhà thương mại do Trump thật sự làm chủ. Walgreen, tổ hợp bán thuốc tây khổng lồ – vừa giải quyết xong một vụ án chống độc quyền trước tòa án liên bang năm 2017 – đã trả 3.4 triệu đô la tiền thuê mặt bằng tại số 40 Wall Street, một tòa nhà cao tầng do Trump làm chủ ở thành phố Manhattan.

Một khách thuê mặt bằng khác tại số 40 Wall Street, trả mỗi năm 2.5 triệu đô la là Atane Engineers. Công ty này đã đổi tên mới hồi năm 2018 vì một cáo buộc tham nhũng, khiến hai cựu viên chức điều hành của công ty phải nhận tội đã hối lộ để có được các hợp đồng cải tiến hạ tầng cơ sở của thành phố. Bất kể việc đã bị buộc tội trong một vụ án hình sự (criminal case) – công ty bị liệt kê trong danh sách những doanh nghiệp vô trách nhiệm của tiểu bang New York, và để có được những hợp đồng với tiểu bang, các doanh nghiệp nằm trong danh sách phải được cấp phép đặc biệt – công ty Atane với cái tên mới toanh này vẫn hợp lệ với tư cách một nhà thầu liên bang mà không bị một giới hạn nào.

Thu nhập cho thuê của Trump tại địa chỉ số 40 Wall Street đã gia tăng đáng kể, từ 30.5 triệu đô la trong năm 2014 lên tới 43.2 triệu đô la trong năm 2018. Hồ sơ thuế cho thấy, tiền thuê mặt bằng cho những người hiện đang thuê đã tăng lên, và ít nhất đã có 4 công ty luật mới dọn vào đây kể từ khi Trump ra tranh cử.

 

Trump có 30% cổ phần trong 2 tòa nhà cho mướn, chung với công ty Vornado và do công ty này trực tiếp quản lý, bao gồm một tòa ở khu Midtown Manhattan. Nguồn: Dave Sanders/ NYT

 

Tòa tháp thứ hai, ở San Francisco, cũng đồng sở hữu với Vornado, mà viên CEO của Vornado, đồng thời cũng là một đồng minh của Trump. Trong số những công ty thuê mặt bằng ở đây, có cả những công ty thuộc nhóm lobby các quy định liên bang. Nguồn: Jim Wilson/ NYT

Thêm vào những tòa nhà mà Trump trực tiếp và sở hữu một mình, ông ta còn có phần hùn với đối tác Vornado trong hai tòa tháp cao tầng khác – 1290 Sixth Avenue ở thành phố Manhattan và 555 California Street ở thành phố San Francisco. Steven Roth, viên CEO của Vornado, là một đồng minh thân cận của Trump; mới đây, Roth được tòa Bạch Ốc giao cho một chân trong hội đồng phục hồi kinh tế (Economy Recovery Council). Năm ngoái, Trump đã chọn vợ của Roth, bà Daryl Roth, vào làm một thành viên trong Hội đồng Tín thác (Board of Trustees) của Trung tâm nghệ thuật trình diễn Kenedy (John F. Kennedy Center for the Performing Arts).

Những cư dân của Vornado gồm có một chuỗi những công ty mua bán cổ phần, trả hàng triệu đô la tiền thuê mặt bằng mỗi năm; rất nhiều người trong số họ thường xuyên có những giao dịch với các nhóm lobbyists hoặc chính công ty của họ là đối tượng của những quy định từ luật lệ của liên bang. Theo số lượng từ hồ sơ thuế của Trump, những tên tuổi trả tiền thuê mặt bằng ở đây cho năm 2018, có Goldman Sachs trả 5.8 triệu đô la; Microsoft trả 3.1 triệu đô la; Neuberger Berman, một công ty đầu tư, trả 32.7 triệu đô la; và công ty luật Kirkland & Ellis trả 8.8 triệu đô la.

Bão tố đang tích tụ

Những mối đe dọa đang lần lượt tuôn về: doanh nghiệp lỗ lã chồng chất, các truy vấn về thuế đang đến hồi chung cuộc và những món nợ cá nhân sắp sửa tới kỳ đáo hạn.

Khi Trump trượt nhẹ nhàng trên chiếc cầu thang mạ vàng trong tòa tháp Trump Tower để đến tham dự cuộc họp báo hồi tháng 6 năm 2015, công bố ý định tranh cử tổng thống, tình hình tài chính cá nhân của ông ta đang rất cần một cú hích ra trò.

Những khu vực kinh doanh chủ yếu của ông ta đang bị lỗ lã chỏng gọng – hơn 100 triệu đô la trong vòng 2 năm. Dòng suối ngọt ngào những thu nhập đến từ vị trí người nổi tiếng, từ lâu là chiếc phao cứu đỡ cho doanh nghiệp lụn bại, đang mỗi ngày một cạn dần.

Nếu ông ta hy vọng rằng cuộc tranh cử đầy bấp bênh ấy sẽ giúp đánh bóng lại hình ảnh của nhãn hiệu Trump, thì những lời tuyên bố đầy xúc phạm đến các di dân đã nhanh chóng tước đi của ông ta hai trong số những nguồn lợi tức quan trọng và là những nguồn tiền mặt đáng kể – thỏa thuận cấp phép bản quyền với các công ty sản xuất quần áo và chăn nệm đem lại một khoản không nhỏ 30 triệu đô la. Và hãng truyền hình NBC, một đối tác của Trump trong thương vụ tổ chức Hoa Hậu Hoàn Vũ hàng năm – nguồn của khoản thu nhập gần 20 triệu đô la lợi nhuận – thông báo rằng, họ sẽ không phát sóng các chương trình thi hoa hậu hoàn vũ nữa.  Sau đó ít lâu, Trump phủi tay với chương trình thi này.

Giờ đây, dữ liệu từ các hồ sơ thuế của Trump tiết lộ rõ ràng rằng ông ta đang phải trực diện với làn sóng hung bạo của các mối đe dọa đến với hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của riêng cá nhân ông ta.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, có vẻ như ông ta đã lấp đầy các lỗ hổng tiền mặt bằng những biện pháp chỉ có thể sử dụng một lần trong đời và nay không có gì hứa hẹn ông ta có thể dùng đến chúng được nữa.

Năm 2012, Trump thế chấp tòa tháp thương mại Trump Tower để rút ra 100 triệu đô la tiền mặt. Số tiền này hầu như vừa bằng số tiền trị giá của tòa nhà. Công ty của Trump đã trả 15 triệu tiền lời, nhưng vốn thì vẫn còn nguyên. Toàn bộ số nợ 100 triệu đô la sẽ đáo hạn vào năm 2022.

Năm 2013, Trump rút ra 95.8 triệu đô la từ tài khoản đối tác với Vornado.

Và đến tháng 1 năm 2014, Trump bán đi 95 triệu đô la chứng khoán (stocks) và trái phiếu (bonds), thương vụ lớn nhất của một tháng trong vòng 20 năm. Ông ta còn tiếp tục bán đi thêm 54 triệu đô la chứng khoán và trái phiếu vào năm 2015, cộng thêm 68.2 triệu đô la nữa vào năm 2016. Bản tường trình tài chính công khai của tổng thống vào tháng 7 năm nay cho biết, Trump hiện chỉ còn lại khoảng $873,000 trị giá của chứng khoán.

Các doanh nghiệp của Trump báo cáo, có trong tay 34.7 triệu đô la tiền mặt vào năm 2018, giảm 40 phần trăm so với 5 năm trước đây.

Hơn nữa, hồ sơ thuế cho thấy, một lần nữa Trump mắc phải lỗi lầm mà ông ta đã có lần bộc lộ sự hối tiếc khi nhìn lại thất bại hồi thập niên 1990s, đó là việc ông ta đích thân đứng ra bảo lãnh những món nợ lớn hàng trăm triệu đô la, một quyết định có thể khiến cho các chủ nợ buộc ông ta phải tuyên bố phá sản cá nhân (personal bankcruptcy).

Lần này, Trump đích thân chịu trách nhiệm cá nhân cho những khoản vay và nợ nần khác lên đến tổng số 421 triệu đô la, mà phần lớn sẽ đáo hạn trong vòng 4 năm tới. Nếu Trump tái đắc cử, các ngân hàng cho vay có thể sẽ phải ở trong một vị thế chưa hề có tiền lệ trong lịch sử: Xiết nợ một vị tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm.

Tình trạng này, mặt khác, có thể sẽ đem lại cho Trump những quyền lợi về thuế. Trong khi các doanh nghiệp có thể khai lỗ để tránh không phải trả thuế, họ lại chỉ có thể khai lỗ con số không lớn hơn số đầu tư của họ trong doanh nghiệp. Nhưng bằng việc lấy cá nhân bảo lãnh cho số nợ 421 triệu đô la, Trump có thể khai khấu trừ trọn vẹn số tiền đó vào những năm thuế tương lai.

Đến cuối năm 2018, số nợ nói trên vẫn còn nguyên. Và những doanh nghiệp phát sinh nợ nhiều nhất trong số đó – khu giải trí Doral với 125 triệu và khách sạn quốc tế Washington với 160 triệu – đang gặp nhiều khó khăn, điều đó có nghĩa sẽ không dễ tìm ra những chủ cho vay sẵn sàng đứng ra tái tài trợ cho chúng.

Khoản tiền refund 72.9 triệu đô la, mũi dùi chỉa vào trong các cuộc truy vấn (audits) của IRS, đang như thanh gươm treo trên đầu Donald Trump.

Nói chung, kinh tế hiện nay hứa hẹn rất ít triển vọng. Khắp nơi, các cửa hàng bán lẻ, dịch vụ cứ mỗi ngày một suy thoái, mà những cửa hàng loại này rất quan trọng với dịch vụ của Trump Tower, và Trump Tower có vai trò sống còn với cá nhân Trump. Nike, trước đây chọn một tòa nhà nằm ngay bên cạnh Trump Tower để trưng bày cửa hàng chính (flagship store) của mình; Nike trả 195.1 triệu đô la tiền thuê mặt bằng từ thập niên1990s. Nike rời đi năm 2018.

Bản tường trình tài chính mới nhất của tổng thống Trump cho thấy, có một chút lợi nhuận khiêm nhường trong năm 2019. Nhưng đó là trước khi có trận đại dịch. Một số doanh nghiệp của Trump, vốn đã bấp bênh, lại phải đóng cửa nhiều tháng từ hồi đầu năm. Khu giải trí Doral yêu cầu Deutsche Bank cho phép được hoãn trả tiền nợ vay. Các con số phân tích cho thấy, các dịch vụ về khách sạn sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2023.

Tuy nhiên, Trump vẫn còn tài sản (assets) để bán. Nhưng làm như vậy sẽ gặp nhiều điều không hay khác, cả về khía cạnh tài chính lẫn tính cách riêng con người Trump lúc nào cũng muốn được người khác nhìn như kẻ không bao giờ biết đến thất bại. Năm ngoái, gia đình Trump cho biết họ đang xem xét việc bán đi khách sạn quốc tế ở Washington, lý do không phải là vì họ bị thua lỗ trong doanh nghiệp này.

Theo như lời của Trump, tất cả những khó khăn về tài chính mà ông ta gặp phải đều do ông ta đã hy sinh cho công việc hiện tại của mình.

Trump tuyên bố trong một buổi vận động tái tranh cử ở Minneapolis hồi tháng 10 năm ngoái: “Họ nói tôi làm giàu nhờ vào địa vị của mình. Tôi mất cả tỉ đô la khi làm tổng thống. Nhưng tôi chẳng quan tâm. Là người giàu có thì cũng khoái. Tôi nghĩ thế. Nhưng tôi mất hàng tỉ đô la”.

Hết

Ghi chú của người dịch: Trên đây mới chỉ là một phần trong bản điều tra về hồ sơ thuế của tổng thống Donald Trump. Ban biên tập New York Times cho biết, họ sẽ lần lượt công bố những dữ kiện tiếp theo mà họ phát hiện được trong lúc xem xét một núi tài liệu mà họ có được từ một nguồn sở hữu hợp pháp các văn kiện thuế nói trên.

Do đó, để phục vụ độc giả Việt Nam, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục làm công việc chuyển ngữ những bản báo cáo tiếp theo mà New York Times công bố. Chúng tôi không dám hứa sẽ theo cho đến cùng, vì khả năng và thời giới hạn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng.

T.Vấn

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen