Seite auswählen
  • Nhã Duy

 

  • Gửi đến BBC từ Dallas, Texas
Obamacare

Năm 2020 này đánh dấu 10 năm chương trình y tế “Affordable Care Act”, vẫn quen được gọi là Obamacare, ra đời.

Trong khi Obamacare đã giúp thêm vài chục triệu người dân Mỹ có được bảo hiểm y tế, nó vẫn luôn là vấn đề thời cuộc gây ra tranh cãi trên chính trường Hoa Kỳ, một đề tài tạo sự phản đối, hay là lý do ảnh hưởng đến chính kiến của một số người dân Mỹ.

Bài báo “Tâm tư một nữ cử tri gốc Việt ủng hộ Trump” trên mục diễn đàn BBC ít nhiều cho thấy điều này.

Theo bà Trương Đỗ Minh Ánh được ký giả Tina Hà Giang phỏng vấn trong bài báo, thì lý do khiến bà từ một người mang xu hướng có cảm tình với đảng Dân Chủ chuyển sang đảng Cộng Hòa là, năm 2015 khi nghỉ làm, vì không đủ điều kiện nghèo để được hưởng Obamacare và bà bị buộc phải mua bảo hiểm giá mắc, nên đã có cái nhìn khác đi về chính sách của đảng Dân Chủ.

Nhân đọc câu chuyện của bà Minh Ánh, chúng ta thử nhìn lại Obamacare, xem nó là chương trình như thế nào?

Là một quốc gia phát triển cao nhưng dịch vụ y tế nước Mỹ bị xem là đắt đỏ nhất thế giới trong khi phẩm chất lại chỉ xếp hạng 30 thế giới, cũng như số người không có bảo hiểm lại chiếm một tỉ lệ khá cao, đến 46 triệu người, trước khi Obamacare ra đời, theo Kaiser Family Foundation.

Theo số liệu từ cơ quan liên bang về dịch vụ Medicare và Medicaid CMS thì tổng chi phí y tế của Mỹ hiện nay ước tính lên đến 4,000 tỉ đôla trong năm 2020, tức vào khoảng 12,000 đôla mỗi đầu người và chiếm đến 18 % tổng sản lượng GDP.

Chi phí y tế cao dẫn đến hệ lụy đây là lý do phá sản hàng đầu của người dân Mỹ.

Theo tạp chí Medical Journal of Public Health, nó đã chiếm đến 66.5 % các vụ phá sản của người dân do không trả nổi viện phí cùng các chi phí chữa trị y tế.

Trong khi đó, nhìn sang Canada thì chi phí y tế chỉ là $5,400 cho mỗi đầu người (năm 2019) và hệ thống y tế Canada được đánh giá tốt và cao hơn Hoa Kỳ. Đó là vài lý do mà hệ thống y tế Hoa Kỳ cần phải cải tổ và bảo hiểm y tế Obamacare ra đời trong mục đích giải quyết các vấn đề nói trên.

Obamacare chắc chắn chưa phải là chương trình hoàn hảo, nhưng đã giúp thêm cho hàng chục triệu người dân có được bảo hiểm. Nếu muốn hủy bỏ Obamacare, nước Mỹ cần có chương trình thay thế, điều mà trong bốn năm qua chính phủ Trump chưa làm được, nếu không muốn nói là chăm sóc sức khỏe không hề nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ trong bốn năm qua, hay bốn năm tới, nếu tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Đảng Cộng Hòa chống đối chương trình y tế này, cũng như chống đối các đề xuất miễn phí giáo dục đại học cộng đồng hai năm do đảng Dân Chủ đưa ra.

Họ cho rằng khi cổ súy cho những chính sách tạo phúc lợi cho người dân nói trên, đảng Dân Chủ muốn đưa nước Mỹ đi theo đường hướng “xã hội chủ nghĩa”, muốn “quốc hữu hóa” y tế, giáo dục.

Trên thực tế, đó là chính sách dân sinh mà các nước Bắc Âu, Canada, Úc… đang áp dụng, không phải vấn đề ý thức hệ hay thể chế chính trị như đa số người theo đảng Cộng hòa đã nghĩ và đang hô hào.

 

Obamacare ra đời để bảo vệ những người có lợi tức thấp, vì họ cần có bảo hiểm y tế giá rẻ để việc lo lắng cho sức khỏe được tốt, tránh bớt những trường hợp vì không được săn sóc kịp thời, khiến bệnh trở nên trầm trọng, cuối cùng tạo gánh nặng cho xã hội.

Với những người có nguồn thu nhập cao nào đó thì trách nhiệm bảo hiểm y tế là nhằm bảo vệ cho chính mình một khi hữu sự. Bởi như đã dẫn ở trên, hai phần ba dân Mỹ bị buộc khai phá sản khi không kham nổi các chi phí y tế.

Quyết định sự ủng hộ ứng cử viên nào trong mùa bầu cử, hay liên đới chính trị đảng phái là quyền lựa chọn của mỗi người, và là điều cần được tôn trọng.

Lựa chọn này, đôi khi bắt nguồn từ quan điểm sống, nhưng nhiều khi đến từ việc chính sách của đảng phái nào mang đến cho mình nhiều ích lợi tài chánh hơn, như cái nhìn về Obamacare chẳng hạn.

Nói chung, người nghèo thường hay ủng hộ đảng Dân chủ, có khuynh hướng mang đến cho họ nhiều phúc lợi xã hội, trong khi giới giàu ủng hộ những chính sách giảm thuế cho thành phần lợi tức cao của đảng Cộng hòa, có lợi hơn cho hầu bao của họ.

Và việc một người trước đây từng hưởng các chương trình trợ cấp xã hội, y tế và giáo dục theo các chính sách dân sinh của đảng Dân Chủ nên ủng hộ đảng này, giờ đây tình trạng tài chánh đã thay đổi, chuyển qua ủng hộ đảng khác có chính sách thích hợp với mình hơn vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, có lẽ cũng nên công bằng và có cái nhìn chính xác hơn về những chương trình cùng đường lối như vậy, cùng nhiều các vấn đề liên quan đang được tranh luận hiện nay.

Nhìn xa hơn, nếu chúng ta từng là những người di dân, tị nạn được cưu mang thì có lẽ cũng nên có cái nhìn bác ái, thoáng đạt hơn về người di dân, tị nạn.

Tương tự, nếu chúng mong muốn không bị kỳ thị thì càng không nên thể hiện sự kỳ thị chủng tộc và ủng hộ cho sự kỳ thị. Nếu chúng ta muốn sống an bình thì chẳng nên ủng hộ sự kích động bạo lực.

Hoặc giả chúng ta thuộc giới nhân công hay người dân thu nhập thấp thì vì lý do gì muốn ủng hộ chính sách giảm thuế cho người giàu.

Có vô số điều khác biệt có thể kể ra như vậy giữa đôi bên và là lý do để đưa đến bất đồng hay xung đột. Lắng nghe ý kiến khác biệt trên tinh thần thông hiểu là điều kiện để nối lại khoảng cách.

Trước ngày bầu cử, nước Mỹ đang có cuộc chia rẽ và tranh luận dữ dội từ cấp lãnh đạo quốc gia xuống đến mọi tầng giới người dân cùng trong các gia đình.

Khó phân biệt đâu là những phức cảm và mâu thuẫn tâm lý hay quan điểm chính trị bởi các tranh luận này chứa nhiều cảm xúc.

Nhưng cho dù quan điểm có như thế nào thì mọi chính sách và sự việc cũng cần được nhìn nhận một cách công bằng và chính xác hơn, theo đúng bản chất và mục đích ra đời của nó, như về chương trình y tế Obamacare nói trên.

* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một chuyên viên Công nghệ Thông tin, và là một nhà báo tự do từ Dallas, Texas.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen