Seite auswählen

Sài Gòn về đêm

5g30 chiều, một buổi chiều như mọi buổi chiều khác, mùi hanh khô từ trưa còn vương lại chưa kịp bốc hơi hết đi hòa với dòng người hối hả càng làm không khí thêm nóng bức, ngột ngạt đến khó chịu.

Ai nấy đều đổ ra đường sau một ngày làm việc mệt mỏi, trời Sài Gòn dần chuyển mình về đêm.

Trên đường xe cộ qua lại tấp nập như mắc cửi nào xe máy, ô tô, xe buýt,… có nơi kẹt cứng cả đoạn đường dài vài cây số. Không hẹn mà gặp cùng lúc các loại đèn đường, đèn xe, đèn từ các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại thay nhau lên. Từ trên cao nhìn xuống, Sài Gòn như khoác lên mình bộ áo mới lung linh, sáng chói


Ở một quận nào đó trong thành phố, trong một siêu thị cỡ trung, vào giờ này là giờ đông đúc nhất trong ngày. Tại một quầy thức ăn nấu sẵn nhỏ hẹp, vài chục người đang chen chúc nhau chờ nhân viên dán tem giảm giá, ai nấy đi qua lại nhìn những hộp thức ăn xem giá mới đã được dán lên chưa, lâu lâu liếc nhìn đồng hồ tự hỏi mấy giờ rồi sao nhân viên chưa đến. Vài ba nhóm sinh viên trên cổ còn đeo thẻ bước tới, nhìn giá rồi lặng lẽ bước đi qua gian hàng khác, lâu lâu ghé mắt nhìn sang bên này với vẻ thăm dò.


Đến giờ, nhân viên bước tới dán tem lên, theo sau đó là hàng người đang lựa đồ ăn tối nay của mình. Nào ly súp còn lại năm nghìn, cơm gà xối mỡ mười lăm nghìn hay bì cá kho sẵn nhỏ năm nghìn… Quầy thu ngân đông đúc, mọi người xếp hàng tính tiền, có người mua nhiều đồ nhưng có người chỉ đơn giản là vài bọc nhỏ trên tay cho một bữa tối “thịnh soạn”. Tính tiền xong, ai nấy lặng lẽ bước vào phòng ăn, chọn cho mình một vị trí thích hợp.


Nơi đây không giống như những quán ăn, có tiếng trò chuyện, nói cười, tiếng ồn ào ầm ĩ, nhưng ngược lại im lặng đến đến đáng sợ, nghe được cả tiếng mở bọc nilon, tiếng xé màng bọc thức ăn. Một buổi chiều tối thật yên ả, êm như nhung, chẳng mấy thay đổi so với những ngày khác, có chăng chỉ là mưa hay nắng mà thôi. Phía xa xa ngồi trong góc là cô công nhân đang ăn cơm, không nhìn rõ vẻ mặt đang vui hay buồn, chỉ lặng lẽ ăn cho qua bữa, bên cạnh là một cụ già đang húp ly súp sột soạt. Vài ba bạn sinh viên mỗi người ngồi một bàn ăn trong im lặng, lâu lâu lại ngước mắt nhìn ra bên ngoài. Bên gian hàng mỹ phẩm, trang sức, ánh đèn sáng trắng, phản chiếu lên những chiếc đồng hồ sang trọng càng làm cho nó lấp lánh hơn. Cả gia đình đi mua sắm, bé gái được ngồi lên xe đẩy đi cười khanh khách, những người khách khác vừa cười nói, chuyện trò, vừa đi vòng lựa cho mình những món hàng đẹp mắt.


Mặc dù vào cùng một nơi nhưng tâm trạng mỗi người có vẻ khác nhau. Phía bên này, vài người nữa bước vào, có một chú bảo vệ tuổi trung niên cầm trên tay hộp cơm với đôi đũa, đi từng bước chầm chậm tiến vào góc bàn trống phía trong. Có cả hai mẹ con cô bé kia dắt tay nhau bước vào, đứa bé gái nghiêng đầu nhìn mẹ cười, người mẹ đáp lại con với ánh nhìn trìu mến có thêm chút chua xót thoáng hiện lên nhưng vụt qua rất nhanh. Mọi người ăn xong vứt rác rồi đứng dậy ra về.


Bước chân ra về, một cô bé sinh viên bỏ lại siêu thị đang huyên náo, sáng rực phía sau. Tại trạm xe buýt, nghe tiếng một anh thanh niên chạy grab đang nói chuyện với vợ, anh cười hiền nói: “Mẹ con em chờ anh chút thôi, anh chạy xong chuyến này là về rồi, em muốn ăn gì để anh mua về. Mua cho em tô bún bò nha, anh mới thấy quán này bán ngon lắm, em có muốn ăn chè không để anh mùa về. Ừ, ừ anh biết rồi, em cứ tiếc tiền thôi, ăn cho ngon mà. Thôi tạm biệt em nha, anh về liền đó, chờ anh”. Nhìn anh grab chạy vuốt qua, cô gái mỉm cười, người ta nói Sài Gòn lạc nhau là mất nhưng giữa dòng người tấp nập đó họ vẫn tìm thấy nhau, mỗi người đều tìm được niềm vui nhỏ của riêng mình.

Trạm chờ xe khá tối, chỉ có ánh sáng hắt ra từ siêu thị hay đèn của xe máy qua lại, một chấm sáng vụt lên ở phía xa xa, đang từ từ tiến lại gần, ngày càng hiện rõ, xe buýt tới rồi, bước ra đón xe, cô đã bắt kịp nó. Ngoảnh đầu nhìn lại phía sau, nở một nụ cười rồi bước lên xe, không biết cô cười vì điều gì nữa, phải chăng đã tìm thấy một điều gì tươi mới. Xe tiếp tục chạy, chạy nhanh về phía trước, xé toạc màn đêm u tối, đưa hành khách đến một trạm khác, phải chăng trạm mới của cuộc đời.

***

Sài Gòn, một ngày tôi sẽ yêu

Một chiều nhìn dòng người chen chúc trên phố xá chật chội, tôi tự hỏi, liệu mai này rời Sài Gòn, tôi có nhớ?

Đường hoa Nguyễn Huệ. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tôi ở Sài Gòn đã tròn 5 năm. Đây là lựa chọn mà tôi bất chấp mọi thứ để theo đuổi. Vậy mà suốt thời gian qua tôi không hề sống hết mình với Sài Gòn.

Cứ mỗi khi mệt mỏi, cô đơn quá, tôi hay trách cứ phố thị ồn ào, đông đúc. Sài Gòn phức tạp lắm, nên con người dễ sa ngã. Sài Gòn bụi bặm lắm, nên con người dễ đau bệnh. Sài Gòn bận lắm, nên chẳng ai dư dả thời gian quan tâm ai. Sài Gòn rộng lắm, nên lỡ buông nhẹ tay nhau là lạc mất.

Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ rất nhiều kẻ đến và sống nhờ vào Sài Gòn đổ lỗi cho Sài Gòn. Tôi và có lẽ cả bạn quên mất rằng, vấn đề không phải là cuộc sống bận rộn hay vùng đất rộng lớn. Quan trọng là ở lòng người. “Bé hay rộng hay lớn, cuối cùng chỉ là một thành phố. Và ta loay hoay giữa những cô đơn riêng mình”.

Thành phố quá ngột ngạt và xô bồ với chúng tôi, nên hình như ai cũng muốn tìm cách “đi trốn”. Có những cuộc phượt đêm Vũng Tàu, Long Hải, Đà Lạt,… chỉ vì muốn đổi gió. Có những chuyến đi tình nguyện về miền Tây mong tìm bình yên nơi xa thành phố. Có những lần trở về quê để hiểu được, Sài Gòn là lựa chọn khôn ngoan nhất cho tương lai. Rốt cục, Sài Gòn với tôi chỉ là một thứ gì đó khá bất-đắc-dĩ. Là nơi mang định kiến chỉ gắn với đồng tiền và những cơ hội.

Cứ mỗi khi mệt mỏi, cô đơn quá, tôi hay trách cứ phố thị ồn ào, đông đúc. ẢNH: THIÊN ANH

Mà Sài Gòn nào đâu có lỗi lầm gì! Có đất nơi đâu bị đào lên lấp lại nhiều như Sài Gòn, cả thân mình lồi lõm bao nhiêu chỗ. Có khí hậu nơi đâu thất thường vì chịu nhiều ô nhiễm như Sài Gòn. Nhưng có người nơi đâu dịu dàng, bao dung người tứ xứ như ở Sài Gòn. Dù là miền quê nào đến thì đều được nơi đây thu nạp, chở che.

Và sau khi được dang tay chào đón, ôm vào lòng nồng hậu, ngỡ như là người yêu không bao giờ buông tay, thì những kẻ nương tựa vào Sài Gòn lại quyết định rời xa. Sài Gòn chấp nhận làm sân ga, bến tàu, tươi tắn đón người xa xứ đến học tập, làm ăn, lập nghiệp. Rồi khi người ta thành công, Sài Gòn lại lặng lẽ tiễn họ lên tàu. Những vị khách chưa một ngày xem Sài Gòn là nhà. Chỉ là một căn trọ tạm bợ để che mưa nắng cho kẻ tha phương cầu thực một lòng đau đáu quê hương.

Một đứa em của tôi từng học đại học tại thành phố, sau khi về quê làm việc, hay bảo rằng nhớ Sài Gòn. Khi được hỏi, em nhớ điều gì nhất ở Sài Gòn. Em bảo nhớ nhiều thứ lắm, đặc biệt là những hàng quán quen và các cung đường mà em cùng người yêu đi qua.

Tôi chợn nghĩ, hay bởi vì tôi không thực sự yêu ai hết lòng tại phố thị, chưa cùng người yêu trải qua những điều đẹp đẽ tại Sài Gòn. Thành thử chưa bao giờ tôi thấy nhớ, dù chỉ một chút thôi. Cũng như mọi người hay bảo, chúng ta yêu một thành phố không phải vì nơi đó có gì, mà là nơi đó có ai. Sài Gòn đã cho tôi quá nhiều mối quan hệ chóng vánh và tạm bợ. Những đổ vỡ tổn thương chưa kịp lành lặn cứ chồng lên nhau như thế.

Máy tính của tôi lưu một thư mục ảnh riêng về Sài Gòn. Trong đó có kỷ niệm cùng rất nhiều người mà tôi dành tình cảm, dù ít hay nhiều, dù bạn bè, người thương hay người yêu. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thật ra thì tôi biết, người đến và đi, không ai có lỗi. Cả Sài Gòn cũng không. Chỉ là chữ duyên ngắn ngủi chớp nhoáng và lòng người không nặng nợ. Vốn dĩ tôi cũng chẳng dành trọn vẹn tình cảm cho bất kỳ một ai mà. Sự chân thành một nửa thì không được gọi là chân thành. Bất kể Sài Gòn bao dung và đáng yêu thế nào, tôi đã chưa từng yêu thành phố này.

Máy tính của tôi lưu một thư mục ảnh riêng về Sài Gòn. Trong đó có kỉ niệm cùng rất nhiều người mà tôi dành tình cảm, dù ít hay nhiều, dù bạn bè, người thương hay người yêu. Có khi chỉ là hình ảnh mà tôi chụp lén bọn họ. Hoặc một vật, một cảnh có gắn liền với ai đó. Có người bây giờ vẫn còn hiện diện trong cuộc sống của nhau, cũng có kẻ chỉ còn là quá khứ.

Cứ như tôi luôn chuẩn bị cho mọi cuộc chia tay.

Nhưng tôi lại chưa nỡ chia tay Sài Gòn. Ở đây, tôi đã vui, đã cười, đã khóc, đã đau lòng, đã hi vọng rồi tổn thương. Chỉ tuyệt nhiên chưa từng hạnh phúc. Ít ra thì, tôi phải hạnh phúc ở Sài Gòn một lần, rồi hẵng rời đi không luyến tiếc. Biết đâu một ngày, Sài Gòn sẽ có ai đó đợi tôi, yêu thương tôi như chính tôi yêu thương họ. Và nơi đây trở thành nhà, là nơi chốn quay về mà tôi không hề muốn rời đi nữa, Sài Gòn nhỉ!

***

Sài Gòn không của riêng ai!

Tôi là người bản xứ, như triệu triệu cư dân của thành phố Sài Gòn hoa lệ này. 10 năm, quãng thời gian sống và làm việc ở đây không quá nhiều so với nơi mà tôi được sinh ra, miền Trung – khúc ruột cả nước.

Miền đất bao dung

Sài Gòn, thành phố khác. Chả có sự chuyển Xuân-Hạ-Thu-Đông, mà chỉ có 2 mùa. Một mưa. Một nắng. Và cũng chỉ giao mùa trong một ngày mà thôi. Nhiều khi tôi đã từng tủm tỉm ví Sài Gòn tựa như cô gái ương ngạnh. Một cô bé hay nũng nịu bất chợt, giận hờn vu vơ và cũng ngu ngơ đáng trách quá đỗi. Và cũng hay thường quên, hay thường cười, nhưng cũng lại rất dễ khóc nhè. Mọi điều dù là nhỏ nhắn nhất cũng dễ chạm vào sự mong manh, dễ vỡ trong ấy. Nhưng có lẽ, may mắn, thành phố này cũng phải lòng trong mắt những kẻ nhập cư như tôi.

Năm 1997, lần đầu tiên tôi theo má đặt chân đến Sài Gòn chưa được 3 tháng phụ bán vé số. Là đứa trẻ nhà quê tỉnh lẻ thứ thiệt, Sài Gòn trong tôi ngày ấy có trăm nghìn thứ lạ lẫm: kẹt xe, ngập nước, đông đúc, cướp giựt, nhốn nháo…

Năm 2006, tôi lại có điều kiện đến thành phố này lần nữa như sự nặng nợ những năm đèn sách của ba, của má. Bốn năm nơi đây, những “thói hư, tật xấu” cứ dửng dưng khiến tui không khỏi sờ sợ. Vẫn là bao cạm bẫy hóng chờ.

Năm 2015, sau nhiều biến cố, tôi cũng lại chọn Sài Gòn làm đích đến. Như sự đổi thay từ mảnh đất cống hiến đời trẻ của bao người. Là sự thử thách bản thân “không gì là không thể” của tuổi trẻ háo thắng một thời. Và có lẽ, đó không hiển nhiên mà tôi lại chọn Sài Gòn làm điểm dừng chân. Cốt muốn tự giải phóng mình từ trong sự thoáng đãng, bao dung và mở lòng hết thẩy.

Và rồi tháng năm, từ những phút trầm mình trôi theo nhịp sống, tôi mới hiểu rằng, thành phố này không như những gì tôi và đa số ai đó vẫn từng ngỡ…

Nhớ là những ngày rụt rè rời quê vào đây lập nghiệp. Nghe chuyện bác xe ôm ở bến xe miền Đông nhiệt tình quá đỗi khi chở những tân sinh viên lần đầu xa nhà lên thành phố đến tận nơi rồi cương quyết chỉ nhận mỗi 2 chữ “cảm ơn”. Thấy chú xe ôm ở sân bay Tân Sơn Nhất tốt bụng nhất quyết chở miễn phí cho khách vì chẳng may khách bị mất ví duy chỉ muốn sẻ chia sự cảm thông “con chú cũng từng bị như vậy!”.

Nhớ bà lão trên phố Nhà thờ Đức Bà lưng còng vẫn đêm đêm rong ruổi bán từng tấm vé số niềm tin từ chối nhận tiền khách cho: “Con ơi! Thay vì con cho bà 10 ngàn thì con hãy mua ủng hộ một tấm vé cũng 10 ngàn bà vui hơn!”.

Như tiếng chào niềm nở, không cầu kỳ, sáo rỗng của những nhân viên một tiệm bán điện thoại di dộng dù khách chỉ ghé khám phá độ sang chảnh hay tự sướng với những chiếc điện thoại xin. “Xin cảm ơn quý khách…”.

Và nhớ lại tấm biển một công ty nọ trên một con đường sầm uất đã qua đang sửa chữa tầng hai (tầng một vẫn kinh doanh) treo tấm biển làm ấm lòng khách: “Xin lỗi sự sửa chữa này đã gây phiền hà cho quý khách!”

Còn đó tiếng lòng năn nỉ mời khách của bác xe ôm già chậm công nghệ trên một góc đường đêm khuya chỉ đi để có tiền về đong gạo nấu cơm nuôi cả nhà: “Con đi xe già đi, trả bao nhiêu cũng được, cả ngày ni già không đi được cút nào!”

Nhiều nữa kìa, nhớ hổng hết đâu… Còn lắm chuyện ngày ngày đêm đêm giữa Sài Gòn.

Sài Gòn trong tôi này là vậy đó, ở thương, đi nhớ… Thành phố hoa lệ này mê hoặc tôi bởi những điều hết sức bình dị từ chính cốt cách của nhịp sống thành thị như thế đó. Tuy hối hả, tuy xô bồ, tuy nhiễu nhương nhưng vẫn còn đó những điều đáng yêu vô ngần. Những câu chuyện giúp đỡ, chia sẻ nhau như một phần cuộc sống. Ở đâu đấy trong Thành phố phồn hoa giữa dòng người ngày ngày vẫn hối hả bon chen chạy đua với đời kia, những điều bình dị nhất về tình người vẫn luôn lấp lánh. Tự dưng ai đó lại thấy thêm yêu cái thành phố những tưởng ngột ngạt và hỗn tạp này.

Vì thế, đi tìm lòng tốt người Sài Gòn, ta không cần phải đến bệnh viện, cô nhi viện, mái ấm tình thương, trường học hay bất kỳ nơi nào đấy mà người ta cứ ngỡ mới có lòng tốt. Lòng tốt người Sài Gòn luôn hiển hiện trên những con phố ta đi qua.

***

Sài Gòn không của riêng ai!

Ở Sài Gòn, giữa cuộc mưu sinh, ai đó vẫn mải mê cho những hành trình, những chuyến đi và những lần trở về. Bao lần về là bấy nhiêu câu chuyện dặm dài để rồi nhung nhớ… Nên theo lẽ thường, khi đã ở, ai cũng có một chỗ của mình ở Sài Gòn. Thành phố như người mẹ bao dung hết thẩy những đứa con tứ xứ, bất kể cũ mới mà chỉ còn là một – người Sài Gòn.

Người Sài Gòn, tiếng nói thân thương là thế nhưng mấy ai tường. Chỉ biết, cách đây hơn 200 năm, cái tên “Sai-gong” đã được người phương Tây nhắc đến như tên một vùng đất mới trên bản đồ thế giới. Rồi qua thời gian, Sài Gòn được định hình không chỉ là tên một địa danh, một cảng thị bậc nhất xứ Đàng Trong mà trong thời gian dài, còn là niềm kiêu hãnh về một “Hòn Ngọc Viễn Đông” của Đông Nam Châu Á. Rồi kể từ đó, quá trình giao lưu tiếp biến Đông-Tây đã kiến tạo nên một chất Sài Gòn với di sản người Pháp, hiện thân là những công trình kiêu sa, tráng lệ thuở đi hoang lấm lem, trần ai.

Sự pha trộn tinh tế của miền đất hoang vu ấy đã làm nên Sài Gòn – thành phố năng động, hiện đại, đầy cởi mở – hơn 300 năm; và góp phần làm nên phong thái một con người Sài Gòn lịch lãm, nho nhã, hào hoa và văn minh ngày ngày.

Với người Sài Gòn, cho dù đó là lớp cư dân bản xứ, là kẻ sa cơ đã trót “trao thân gửi phận” hay thậm chí chỉ là người nhỡ đường thì Sài Gòn luôn là một phần ký ức sống động nhất, đẹp đẽ nhất vẫn mênh mễnh mà chỉ khi rời xa mới thấy nhớ nhiều.

Còn hơn nữa, Sài Gòn còn mê hoặc những ai bởi sự đầy đủ mọi không gian tiện ích từ chính mảnh đất “thủ phủ” Nam Kỳ Lục Tỉnh và từ những con người tử tế, hiền hậu, bao dung và đầy nghĩa hiệp nơi đây.

Bởi thế, như đất nước, Sài Gòn không của riêng ai, cũng không phải của một giai đoạn, một thời kỳ nào cả mà là ký ức dân tộc, là một phần trái tim của Tổ quốc Việt Nam.

Nên hiểu và yêu Sài Gòn như là cách chưng cất và nhắn gửi giấc mơ từ những giá trị một thời đẹp đẽ đã qua. Và có lẽ, thành phố này cũng phải lòng trong mắt những kẻ nhập cư như thế – nhỏ nhẹ, bặt thiệp, bao dung – qua thời gian.

 

***

Sài Gòn không của riêng ai!

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại thành Sài Gòn. Nhà tôi cách thành phố tầm 45 km và trong mắt một đứa trẻ lên năm thì thành phố cái gì cũng ngộ, lạ và đẹp lắm!

Niềm vui trẻ thơ. ẢNH: LINH LINH

Mỗi lần được ba mẹ đưa lên thành phố là y như rằng đêm đó tôi không ngủ được. Thế nhưng cụm từ “đi thành phố” không nằm trong mục đích đi chơi, tham quan hay ngắm cảnh mà những chuyến đi chủ yếu điểm đến là… bệnh viện. Từ Bệnh viện Tim 115, Bệnh viện Hòa Hảo, Phạm Ngọc Thạch đến Chấn thương chỉnh hình – hành trang của mỗi chuyến đi chất đầy sự vất vả của ba, nỗi lo của mẹ.

Cứ như thế, tôi lớn lên trong một thành phố năng động với những lần gãy xương, buộc phải nằm “bất động” từ căn bệnh xương thủy tinh khắc nghiệt. Nhưng tôi chưa từng ngừng đi những xao động bâng quơ, những nhen nhóm với ước mong được hòa nhập giữa thành phố hoa lệ. Thú thật, sẽ chẳng mấy dễ dàng gì đối với một cô bé khuyết tật gắn liền trên chiếc xe lăn mà vẫn âm thầm bền chí nung nấu trong tim ý định liều lĩnh “rời quê lên phố”.

Rời quê nghĩa là tôi phải chấp nhận rời vòng tay chăm sóc của người thân để trải nghiệm chuyến phiêu lưu mang tên hòa nhập. Tôi chấp nhận đấu tranh rồi chuyển sang thuyết phục để ba mẹ đồng ý cho tôi lên thành phố sống.

Lúc đầu cũng gian nan lắm nhưng vì yêu thương mà cuối cùng cả nhà cũng phải chịu thua tôi. Tôi rời nhà bỏ lại mọi thứ để tung bay theo cách khó nhọc của riêng mình.

Đó là một ngày đất trời chuyển mình vào đông năm 2012!

Nhớ nhất là những hôm bạn bè bế đi tìm phòng trọ, có nơi họ xua tay đuổi thẳng thừng khi nhìn thấy tôi. Có chỗ thì họ treo giá tít tận trên trời kèm theo ánh nhìn nghi ngại lẫn thương hại. Loay hoay gần một tháng thì cũng ổn định chỗ trọ có chút tiếp cận với người khuyết tật. Tôi bắt đầu hành trình mới với nỗi nhớ nhà da diết, nhất là lúc trời đổ mưa. Rồi cả những hôm cuối tháng sống trong nỗi nơm nớp lo lắng khi vét cạn đồng tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật ở quê vẫn không đủ đóng tiền trọ – lúc đó chỉ muốn mặc kệ ước mơ, mặc kệ mọi thứ mà về an phận bên mẹ, bên ba. Vậy mà tôi lây lất cũng được bốn năm! Bốn năm – khoảng thời gian đủ dài không với một con bé mỏng manh như tôi? Hẳn sẽ là niềm kiêu hãnh nếu như cuộc đời không đẩy tôi đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết khi gặp phải tai nạn giao thông khủng khiếp vào buổi sáng thứ sáu, ngày 23.12.2016 – trước một tháng ngày tôi chuẩn bị khai trương quán cà phê sách ngay tại Q.Gò Vấp.

Tai nạn giao thông ngày hôm ấy đã lấy đi của tôi không chỉ một chút máu bầm tụ ở não, phần cánh tay trái gãy lìa mà còn lấy đi của tôi những hạt mầm ước mơ vừa mới vun trồng. Gần ba năm kể từ ngày gặp phải sự cố bất như ý thì hiện tại tôi vẫn phải nỗ lực tịnh dưỡng.

Có lẽ, mỗi người sẽ yêu cái thành phố mà mình sinh ra theo cách rất riêng và tôi cũng vậy. Yêu theo cách của tôi!

Yêu những cơn mưa hối hả từ những chuyến đi phát quà cho các em nhỏ mồ côi, khuyết tật. Yêu cả cái nắng ban trưa giữa Sài Gòn đỏng đảnh, yêu cả cái quán cóc bên vệ đường với ly cà phê sữa đá “ngon đến giọt cuối cùng”. Yêu lắm những hình ảnh của các cô chú lao công, những cụ già, em nhỏ bán dạo, yêu cả những cơn ho hen, xương rạn vì di chuyển nhiều của bản thân… Tất cả như những gam màu trong cái chốn phồn hoa đô hội.

Và, đến bây giờ, tôi vẫn còn ý niệm “biết đâu được một ngày nào đó tôi sẽ lần nữa vẽ tiếp ước mơ dang dở thì sao?”. Rồi tôi sẽ lại hòa cùng nhịp thở của Sài Gòn, lắng nghe Sài Gòn trở mình chuyển động? Chỉ mới tưởng tượng thôi mà tôi đã thấy háo hức vô cùng. Tôi biết, thanh xuân là thứ đẹp đẽ nhất cũng là thứ khiến con người khó níu giữ nhất. Tôi vẫn sẽ hướng về phía trước, cố gắng bỏ lại sau lưng cơn đau của bệnh tật với ước mong lần nữa khởi tạo lại từ những viên gạch vụn vỡ thuở nào.

Sài Gòn lên đèn rồi tắt, nhưng luôn có một thứ ánh sáng vẫn lấp lánh giữa trời đêm – ánh sáng của niềm tin, hy vọng hòa lẫn sự biết ơn trân quý với những mối nhân duyên, ơn nghĩa giữa cuộc đời. Hơn thế, Sài Gòn còn chất chứa một tình yêu nồng ấm của cô gái non xanh dành cho Sài Gòn – một Sài Gòn không hẳn của riêng ai…

(Tổng hợp các bài sưu tầm trên diễn đàn Internet)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen