Seite auswählen

Giáo sư Anh văn LÊ VĂN ĐÀO

Thành Viên Cuối Cùng của Hội Mỹ Thuật Nha Trang

Giáo sư Lê Văn Đào (bên phải)

ĐIỆP MỸ LINH

Như mọi buổi sáng, qua khung cửa sổ trên lầu, tôi âm thầm nhìn những sinh hoạt hằng ngày của nhiều người láng giềng thầm lặng, nơi hai góc đường của một khu vực dân cư rất yên tĩnh. Bất ngờ, điện thoại reng. Tôi nhận ra giọng của chị Phương Nga – cháu gọi giáo sư Lê Văn Đào bằng cậu – từ Canada.

Từ ngày thính giác của thầy Đào không còn như trước, tôi không điện thoại thăm Thầy nữa mà tôi lại gọi chị Phương Nga để hỏi thăm sức khỏe của Thầy; vì thầy Đào là bạn rất thân với Ba tôi – cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – và thầy Đào cũng là giáo sư Anh văn của tôi những năm tôi học đệ nhất cấp tại trường Võ Tánh.

Tại sao hôm nay chị Phương Nga lại bất ngờ gọi tôi? Linh tính cho biết có điều không lành, tôi vội nói:

-Chị ơi! Chị đừng nói với em là thầy Đào “đi” rồi, nha chị!

-Cậu “đi” rồi, em! Chị gọi, tin cho em biết đó!

Dù không ngạc nhiên, vì thầy Đào đã ngoài 100 tuổi, tôi cũng cảm thấy như hụt hẩng rồi nước mắt tuôn dài trên gò má nhăn nheo của tôi – không khác chi ngày tôi được tin Ba tôi qua đời!

Thầy Đào và Ba tôi đều là thành viên của Hội Mỹ Thuật Nha Trang.

Theo lời kể của Ba tôi, lúc Cụ còn sinh thời, tôi được biết, Hội Mỹ Thuật Nha Trang được thành lập vào thập niên 40. Theo đây, tôi xin trích một đoạn trong truyện ngắn Cây Đàn của Thầy Dưỡng – trong tập truyện Tưởng Như Trở Về của Điệp Mỹ Linh – để quý độc giả có thể biết phần nào về một tổ chức vô vị lợi, nhưng tinh thần yêu nước rất cao của nhóm người trẻ cùng thời đại với thầy Lê Văn Đào và Ba tôi:

“…Thời kỳ đó, trước những biến động của Quê Hương, trước nạn đói thảm khốc – năm Ất Dậu, 1945 – do Nhật gây ra cho đồng bào miền Bắc, Dưỡng, Đào, Ngữ, Lộc, Chại, Gia và Thông cùng nhiều công, tư chức, thương gia, học sinh tham gia công tác cứu trợ và cứu nước với tất cả nhiệt huyết và hoài bảo của thanh niên lúc bấy giờ.

 

Nhận thấy Dưỡng, Ngữ, Đào, Thông, Gia, Lộc, Chại và nhiều thanh niên khác là một tập hợp của những người trẻ có khả năng về nhiều bộ môn văn học nghệ thuật, bác sĩ Lê Khắc Quyến kêu gọi thành lập Hội Mỹ Thuật Nha Trang.

 

Dưới sự dìu dắt của bác sĩ Lê Khắc Quyến, Hội Mỹ Thuật Nha Trang, ngoài mục đích cứu đói miền Bắc, còn chủ tâm khích động lòng yêu nước bằng cách viết hoặc phóng tác và trình diễn, tại rạp xi-nê Cô Hai (sau này đổi tên là rạp xi-nê Tân Tiến) những vở kịch như Lửa Cách Mạng – phỏng theo Les Misérables của Victor Hugo – Hồn thiêng Sông Núi, kịch thơ Phi Khanh Nguyễn Trãi, v.v…

 

Ngoài một ban kịch có tầm vóc và các nhóm phụ trách mỗi bộ môn khác nhau như vẽ phông, trang trí sân khấu, quảng cáo, v.v…Hội Mỹ Thuật Nha Trang còn được nguyên “băng” của Dưỡng thành lập ban đàn giây, chứ không đủ tiêu chuẩn để thành lập một dàn nhạc – orchestra – tối thiểu. Ban đàn giây gồm có:

 

– Ông Trần Tân Thông, công chức, đàn Accordéon Diatonique.

– Ông Lê Văn Đào, giáo sư Anh văn, đàn Violon.

– Ông Nguyễn Hữu Dưỡng, giáo sư Toán Lý Hóa, đàn Violon.

– Ông Hùng Lân, công chức – không phải nhạc sĩ Hùng Lân, tác giả hùng ca Việt Nam Minh Châu, sau này – đàn Guitar Hawaiian.

– Ông Huấn, học sinh, đàn Acoustic Guitar.

– Ông Trần Bá Lộc, thổi Flute.

– Ông Đức, tư chức, đàn Acoustic Guitar.

– Ông Khương, thương gia, đàn Banjo Soprano.

Ông Chại, đàn Banjo Alto.

– Ông Phạm Ngọc Gia – về sau trở thành Đại Tá Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) – viết, phóng tác hoặc tập cho thành viên đóng kịch.

– Ông Nguyễn Văn Ngữ, bút hiệu Điệp Linh, giáo sư Pháp văn, có khả năng xử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau; được chỉ định – ngoài việc viết hòa âm và phân đoạn bản nhạc để nhạc công độc tấu hay hòa tấu – phải đóng vai trừ bị để thay thế bất cứ nhạc công nào trong trường hợp cần thiết.

 

Thời điểm đó chưa có “micro”Nhạc cụ hầu hết là nội hóa, không thể lên đúng âm thanh biểu (diapason) cho nên ông Ngữ phải chép lên một bậc âm thanh so với Accordéon; đó cũng là lý do ban nhạc ít khi hòa tấu nhiều bè – partie son croisement – vì muốn âm thanh của tất cả nhạc cụ đều tập trung vào bè chính để khán giả có thể nghe được. Ngoài những nhạc khúc thời danh như Ải Chi Lăng, Dòng Sông Hát, Chùa Hương, ban nhạc cũng hợp tấu Bến Đò Xưa, Lửa Thiêng, Đường Đi Quan Ải, Chiến Sĩ Phương Nam của Trần Tân Thông và Con Thuyền Trên Sóng của Trần Bá Lộc cùng một số nhạc ngoại quốc như Goodbye Hawaii của Tony Rossy, Shina No Yoru của Kyu Sakamoto, v.v…(hết trích)

 

Trong các thành viên của Hội Mỹ Thuật Nha Trang tôi chỉ được gặp và nhớ tên vài vị:

 

– Bác Nguyễn Hữu Dưỡng – giáo sư Toán của tôi trong mùa Hè, tại các tư thục – vì tôi có ý định theo ban Toán khi lên đệ nhị cấp, cho nên phải học thêm toán vào mùa Hè tại trường tư.

– Bác Trần Tân Thông – em ruột của bà chủ tiệm sách Kim Anh, đầu đường Độc Lập; nơi tôi thường đến mua sách và bản nhạc. Bác Thông chết trong thời gian cùng với Ba tôi đi kháng chiến chống Tây.

-Bác Chại là chủ tiệm vàng Mỹ Kim và khách sạn Mỹ Kim.

-Bác Lê Văn Đào là giáo sư Anh văn.

 

Nhà của bác Đào ở Phú Vinh. Nhà Ba Má tôi trên đường Yersin; do đó, thuận đường, bác Đào thường ghé nhà thăm Ba tôi.

 

Năm lên đệ Tam, tôi chọn ban Anh văn. Ba tôi im lặng. Giáo sư Anh văn của tôi thời điểm đó là thầy Nguyễn Bá Tiết. Khi bác Đào ghé thăm, tôi bưng nước lên mời Bác thì Ba tôi chỉ vào tôi rồi hỏi Bác Đào:

 

-Đào! Nó chọn Anh văn. “Toi” thấy “Cha làm thầy, con đốt sách”, đúng không?

 

Tôi ngẩn người, không ngờ Ba tôi phật ý về việc tôi không chọn Pháp văn là sinh ngữ chính. Bác Đào đáp:

 

-Kệ nó! Tình hình này thì Mỹ sẽ đến Việt Nam. Nó chọn Anh văn là đúng.

 

Năm 1998, Minh – Bố của các con tôi – và tôi về Việt Nam. Từ Nha Trang, chúng tôi đón xích lô lên Phú Vinh thăm thầy Đào. Sau đây là phần trích dẫn trong bài Tìm Vết Chân Xưa của Điệp Mỹ Linh, viết về lần hội ngộ sau cùng với thầy Đào:

 

“…Nhìn ngôi nhà thầy Lê bị đập sập hết một phần ba, Bảo-Trân phân vân, không biết đúng nhà hay không. Giữa lúc đó, từ phía nhà sau, một người đàn ông đứng tuổi bước ra sân, khom xuống sắp mớ rui mè lại cho ngay ngắn. Nhận ra thầy Lê, nhờ vầng trán rộng và cao của Thầy, Bảo-Trân bước nhanh đến:

 

-Dạ, thưa Thầy.

 

Quá bất ngờ, thầy Lê đứng thẳng lên, nhìn Bảo-Trân không chớp mắt. Bảo-Trân cười, tiếp:

 

-Thầy không nhận ra con sao, thưa Thầy?

 

Thầy Lê đưa ngón tay trỏ gõ gõ lên vầng trán rộng:

 

-Nhận ra chứ, nhưng không nhớ tên.

 

Chỉ một thoáng thôi, Thầy cười, tiếp:

 

-Con “thằng” Ngữ, phải không?

 

Ngày xưa, trong trường và những nơi khác – nếu gặp thầy Lê – Bảo Trân gọi thầy Lê bằng Thầy. Nhưng mỗi khi thầy Lê đến nhà thăm ông Ngữ, Bảo-Trân bưng nước mời thì Bảo-Trân gọi thầy Lê bằng Bác. Bây giờ nghe thầy Lê nhắc đến ông Ngữ một cách trìu mến, Bảo-Trân trở lại cách xưng hô như trong gia đình:

 

-Dạ, con cảm ơn Bác. Bác vẫn còn nhớ Ba con. Con tên là Bảo-Trân.

 

-Đúng rồi! Vô đây, con!

 

-Thưa Bác, tại sao nhà Bác và nhà hai bên đường bị đập phá vậy, Bác?

 

-Nhà cầm quyền đập phá để làm đường. May mà con và Minh thoát được! Thôi, đừng nói về “họ” nữa, Bác “ngán” thấu cổ rồi!

 

Đó là lý do suốt cuộc viếng thăm, thầy Lê và Bảo-Trân chỉ nhắc lại những ngày gia đình ông Ngữ mới hồi cư sau khi ông Ngữ ly khai Việt Minh; những người bạn của Thầy và của ông Ngữ mà Bảo-Trân biết, như chú Phạm Ngọc Gia – sang Mỹ theo diện HO – và thầy Dưỡng. Thầy Dưỡng đã chết trong trại tù Nghĩa-Phú. Giọng Bảo-Trân bùi ngùi:

 

-Để tưởng nhớ Bác Dưỡng, tụi con đã đi ngang nhà Bác, trên đường Hoàng-Tử-Cảnh.

 

-Nay đổi là đường Hoàng-Văn-Thụ…” (hết trích)

 

Đang hàn huyên, thầy Đào chợt nhớ:

 

-Ô, có cái này hay lắm, để Bác cho con xem. Chờ chút.

 

Nói xong Thầy đi vào trong. Vợ của Thầy góp chuyện:

 

-Chắc Thầy đi lấy cuốn Lướt Sóng…

 

Cô chưa dứt lời, thầy Đào trở ra phòng khách, cầm theo đặc san Lướt Sóng của Hội Hải Quân.V.N.C.H. tại San Jose. Tôi ngạc nhiên:

 

-Làm thế nào Bác có được cuốn này?

 

-Bà chị của Bác ở Canada về thăm, đem theo cho Bác; vì trong này có bài của Điệp Mỹ Linh đề cập đến Hội Mỹ Thuật Nha Trang, có tên Bác. Bác chỉ biết “thằng” Ngữ hồi đó viết báo, bút hiệu Điệp Linh; còn Điệp Mỹ Linh là ai, Bác không biết.

 

-Dạ, Bác nhớ, năm xưa, có lần Ba con than với Bác hay không, thưa Bác?

 

-Than cái gì? Bác không nhớ.

 

-Dạ, hồi đó – khi con chọn Anh văn là sinh ngữ chính – Ba con than với Bác là “Cha làm thầy, con đốt sách”. Nhưng, sau đó Ba con dạy con viết văn.

 

-Vậy thì bây giờ “Cha nào con nấy”. Được đó, con! Còn đàn thì sao, con vẫn chơi chứ?

 

-Dạ, bên đó thời gian eo hẹp lắm mà anh Minh lại không thích con đàn cho nên con không đàn nữa.

 

Im lặng. Minh nghiêm nét mặt, nhìn tôi. Tôi chuyển đề tài:

 

-Thưa Bác, con thấy, tại phi trường Tân Sơn Nhất họ kiểm soát gắc gao lắm mà làm thế nào cuốn Lướt Sóng có thể “thoát” được?

 

-Cho họ vài đô la là xong, con à!

 

-Dạ, Bác có bị đi “cải tạo” hay không, thưa Bác?

 

-Không. “Thằng” Ngữ và thằng gì em kế của con đó, có bị đi tù hay không?

 

-Dạ, em con tên Linh. Linh và mấy đứa em trai kế đều bị tù, nhưng khác trại. Riêng Ba của con thì bị vô trại tù Nghĩa Phú; gặp Bác Dưỡng trong đó. Sau bốn năm, Ba con được tha; Bác Dưỡng vẫn còn bị giam.

 

-“Thằng” Ngữ thì Bác hiểu; vì “nó” là trưởng Ty Nội An thị xã Cam Ranh; mấy thằng em của con thì sĩ quan; còn “thằng” Dưỡng cũng đi dạy như Bác mà tại sao lại bị tù còn lâu hơn “thằng” Ngữ?

 

-Thưa Bác, theo Ba con kể – sau khi Ba con ra tù và sang Mỹ – thì, bác Dưỡng thành lập tổ chức phục quốc, ngay sau khi cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm miền Nam. Tổ chức phục quốc bị “bể”. Bác Dưỡng bị bắt. Điều làm con ăn năn và áy náy mãi là lần Ba con trở lại nhà tù Nghĩa Phú thăm Bác Dưỡng; Bác Dưỡng nói Ba con xin con $400.00 đô-la cho Bác để Bác mua cây đàn Violon. Nhưng thời điểm đó (đầu thập niên 1980) con không thể giúp được; vì con phải phụ với anh Minh lo cho các cháu và gửi tiền về Việt Nam giúp Má con nuôi Ba và các em trai của con trong tù!

 

-Thôi, chuyện qua rồi, vì hoàn cảnh con không thể giúp được “thằng” Dưỡng thì đành chịu, đừng áy náy. Bác nghĩ “thằng” Dưỡng chắc không trách con đâu. Còn chuyện “thằng” Dưỡng thành lập nhóm phục quốc thì Bác không ngạc nhiên; bởi vì tất cả thành viên trong Hội Mỹ Thuật Nha Trang đều mang hoài bảo lớn cho Quê Hương và dân tộc Việt Nam. Nhưng, thế hệ chúng ta thất bại thì các thế hệ kế tiếp sẽ thành công. Như Tổng Thống John F. Kennedy đã nói sau khi ông ấy được đề cử là ứng cử viên Tổng Thống: “We are not here to curse the darkness, but to light the candle that can guide us thru that darkness to a safe and sane future.”

 

Nhiều thập niên qua, chưa bao giờ tôi có thể quên được dáng thầy Đào ngồi nghiêng nghiêng trên chiếc Vespa, chiếc mũ “phớt” màu cà-phê sữa cũng đội hơi nghiêng; và nhất là lần cuối cùng viếng thăm Thầy, nghe Thầy dẫn một câu rất thâm thúy và đầy ý nghĩa.

 

Thầy tôi – giáo sư Anh văn Lê Văn Đào, thọ 101 tuổi – đã từ biệt cõi đời vào ngày 20 tháng 11 năm 2020.

 

Dù Thanksgiving đã qua, lòng tôi lúc nào cũng biết ơn sự dấn thân, sự hy sinh và sự dạy bảo của các thế hệ Ông Cha. Nguyện cầu các thế hệ tiếp nối sẽ ghi nhớ câu nói của Tổng Thống Kennedy mà Thầy Lê Văn Đào – năm 1998 – đã lập lại để dạy tôi.

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen