Seite auswählen

Lam Phương trong một chương trình âm nhạc tại Dallas. (Hình: Đinh Yên Thảo)

Nhạc sỹ Lam Phương, người được xem là một trong những đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam, vừa qua đời ở miền Nam California, Hoa Kỳ, ở tuổi 83 sau nhiều năm chống chọi bệnh tật. Sự ra đi của ông đã khiến mạng xã hội tràn ngập những thông điệp tiếc thương.

Tin từ gia đình nhạc sỹ Lam Phương cho biết ông qua đời vào chiều tối thứ Ba ngày 22/12 tại một bệnh viện ở thành phố Fountain Valley, quận Cam, California. Đã nhiều năm qua, ông bị tai biến khiến cho việc đi lại và nói chuyện khó khăn. Cách nay vài ngày, ông nhập viện cấp cứu vì bệnh tim và tai biến mạch máu não.

Thông tin ban đầu từ gia đình cho biết sẽ có lễ tang và lễ tưởng niệm Lam Phương ở cả Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội ở California nên đám tang của ông cũng phải tuân thủ một số hạn chế phòng dịch.

‘Tượng đài âm nhạc Việt Nam’

Lam Phương, sinh năm 1937 tại Rạch Giá, Kiên Giang, trong một gia đình gốc người Minh Hương chạy trốn nhà Thanh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sỹ được công chúng biết đến nhiều nhất và có số đĩa hát được tiêu thụ thuộc hàng cao nhất.

Sáng tác của ông trải rộng trên nhiều chủ đề từ thân phận con người, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương cho đến đời lính chiến. Tổng cộng, ông đã viết trên 200 bài hát, trong đó có những bài hết sức nổi tiếng được công chúng thuộc lòng như: Thành phố Buồn, Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Duyên Kiếp, Khúc Ca Ngày Mùa, Biển Tình, Nắng Đẹp Miền Nam, Đoàn Người Lữ Thứ, Tình Anh Lính Chiến, Đường Về Quê Hương, Phút Cuối, Tình Bơ Vơ, Xin Thời Gian Qua Mau, Chuyện Buồn Ngày Xuân…

Tin tức về sự ra đi của ông đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và gây xúc động mạnh.

“Dòng nhạc Lam Phương có sức lan tỏa rộng khắp tới mọi tầng lớp trong xã hội, được thuộc nằm lòng và yêu chuộng qua nhiều thế hệ cho đến tận bây giờ… Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam,” trang nhà trung tâm Thuý Nga, nơi từng thực hiện nhiều chương trình ca nhạc vinh danh ông, viết.

Một trung tâm băng nhạc khác ở hải ngoại là Asia cũng gọi sự ra đi của ông là ‘mất mát to lớn’. “Dù nhạc sỹ không còn nữa nhưng những sáng tác của ông vẫn luôn sống mãi trong lòng khán giả yêu nhạc,” trung tâm Asia viết trên trang nhà.

Trên tài khoản mạng xã hội của mình, ca sỹ Thanh Tuyền đã viết những lời phân ưu vĩnh biệt Nhạc sỹ Lam Phương: “Anh ra đi nhưng dòng nhạc của anh bất tử đến ngàn năm. Tất cả mọi người đều thương Anh. Anh Lam Phương… cả một Biển Tình của Em.”

“Dòng nhạc của Chú sẽ luôn sống mãi trong tim của con, của những anh chị em nghệ sỹ và của tất cả khán thính giả,” ca sỹ trẻ Đan Nguyên viết trên Fanpage của anh.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân gọi Lam Phương là ‘ông hoàng của âm nhạc đại chúng Việt Nam’ còn ca sỹ Dương Triệu Vũ tôn vinh ông là ‘tượng đài âm nhạc Việt Nam’.

‘Lời nhạc đi vào lòng người’

Từ thành phố Hồ Chí Minh, ca sỹ Phương Dung, người có mối quan hệ thân thiết gần 60 năm với Lam Phương, nói với VOA bà ‘xúc động’ khi biết tin ông qua đời nhưng bà chấp nhận sự thật vì ‘anh Lam Phương cũng đã lớn tuổi rồi mà không thể thắng được số phận’.

“Tôi tiếc là nền âm nhạc Việt Nam mất đi một nhân tài và những bài hát của Lam Phương đã để lại trong lòng tôi nhiều xúc động, kỷ niệm và sự kính trọng,” ca sỹ Phương Dung nói.

Ca sỹ Phương Dung đã thu dĩa nhiều bài hát của nhạc sỹ Lam Phương, nhưng bà nói bà nhớ nhất là bài ‘Một mình’ vì ‘lời ca rất xúc cảm’ và bài ‘Vĩnh biệt’ mà bà thu âm trong giai đoạn 1964 – 1965 mà cho đến nay chỉ gần như một mình bà độc quyền hát bài này.

Khi mới vào nghề, ca sỹ Phương Dung từng hát cho đoàn kịch và đại nhạc hội của Lam Phương, bà cho biết.

“Lúc anh Lam Phương đàn cho đoàn kịch nói Kim Cương trong giai đoạn 61- 64, tôi hát ở rạp Thanh Bình, anh Lam Phương đàn ở dưới. Mỗi bài hát anh đàn cho tôi hát lúc nào tôi cũng có sự xúc động rất nhiều. Anh làm cho tôi thật sự dấn thân vào bài hát,” ca sỹ Phương Dung nhắc về điều bà nhớ nhất ở người nhạc sỹ vừa ra đi.

Từng đi hát chung với Lam Phương từ Nam ra tới miền Trung vào năm 1964, bà nhận xét ông là người ‘rất hiền lành’.

Nhận định về âm nhạc của Lam Phương, bà nhận xét ‘có thể ông có một cuộc tình nào đó đã in đậm trong tim ông đến tận bây giờ và đó là tài sản vô giá để ông có những bài hát đi vào lòng người’.

Bà đưa ra dẫn chứng là lời bài hát ‘Xin Thời Gian Qua Mau’ có đoạn viết: “Tám mùa đông cây rừng khô trụi lá; Chưa bao giờ một phút sống xa nhau.” “Lối viết nhạc cho tình yêu đó chỉ có anh Lam Phương mới viết được,” ca sỹ Phương Dung nhận định.

Điều mà bà tâm đắc nhất về âm nhạc của Lam Phương là ‘lời văn viết rất hay’.

“Anh viết lời làm cho người khác người ta đọc, người ta hát có cảm giác mình là nhân vật đó,” bà nói thêm.

Bà cho biết trong lần cùng nữ ca sỹ Hoàng Oanh đến thăm Lam Phương cách nay đã 10 năm tại tư gia của ông sau khi ông bị tai biến, lúc đó Lam Phương ‘đã nói chuyện hết sức khó khăn’.

Ca sỹ Phương Dung nói rằng bà sẵn sàng tham gia một chương trình tưởng niệm Nhạc sỹ Lam Phương. “Sẽ có nhiều bài mà tôi muốn chọn hát, nhưng bài mà tôi thích sẽ là ‘Một Mình’ và ‘Còn Gì Mà Mong’,” bà nói.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó với tên thật là Lâm Đình Phùng, nhạc sỹ Lam Phương trải qua tuổi thơ cơ cực. Ông được gia đình gửi lên Sài Gòn đi học và bén duyên với âm nhạc khi còn nhỏ. Ông có sáng tác đầu tay là bài ‘Chiều Thu Ấy’ vào năm 1950 khi mới 13 tuổi.

Bản nhạc ‘Kiếp Nghèo’ được sáng tác vào cuối những năm 1950 đã đưa tên tuổi Lam Phương lên tầm cao mới. Tuy nhiên, chính bản ‘Thành phố Buồn’ vào năm 1970 hết sức thành công đã đưa ông lên tột đỉnh danh vọng và giàu có.

Ông di tản khỏi Sài Gòn vào năm 1975 đến Mỹ và sống qua nhiều tiểu bang, từ Virginia, Texas và cuối cùng ở California. Có một khoảng thời gian 15 năm ông sang Pháp sống sau khi cuộc sống hôn nhân đầu với nghệ sỹ kịch nói Túy Hồng tan vỡ. Sau lần hôn nhân tan vỡ này, ông còn trải qua hai cuộc hôn nhân nữa trước khi bị tai biến vào năm 1999./.

VOA

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen