Seite auswählen
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel họp thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc tại Bruxeles, 22/06/2020.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel họp thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc tại Bruxeles, 22/06/2020. © AP
Anh Vũ

Từ khi Úc yêu cầu mở điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona, Trung Quốc đã liên tiếp ra các trừng phạt kinh tế đối với Canberra bằng áp thuế lên hàng loạt các sản phẩm xuất khẩu của Úc. Theo nhà kinh tế học Yves Parez, cuộc khủng hoảng thương mại này cảnh báo về mối nguy hiểm khi công nghiệp Liên Âu lệ thuộc vào Trung Quốc.

Trung Quốc áp thuế và đơn phương chặn nhập khẩu nhiều sản phẩm của Úc

Hiệp định tự do mậu dịch ký giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chưa ráo mực, Trung Quốc đã gây sự với một trong những đối tác, đó là nước Úc.

Mối bất hòa thương mại mới này khiến chúng ta phải đánh giá một cách thận trọng « những tiến bộ » của tự do mậu dịch trong khu vực này của thế giới.

Trung Quốc là một bạn hàng lớn thậm chí lớn nhất của Úc. Trung Quốc tiêu thụ 40%  hàng xuất khẩu của Úc. Nước này vì thế rất lệ thuộc vào Trung Quốc trên phương diện thương mại. Từ tháng 9, Trung Quốc đã áp thuế cao đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Úc. Thuế nhập khẩu lúa mạch Úc đã tăng 80%. Xuất khẩu rượu vang Úc sang Trung Quốc do đại dịch, từ đầu năm 2020 đã giảm 14%, giờ đây bị Trung Quốc đóng cửa. Bắc Kinh cũng tạm ngưng nhập thịt bò từ 4 công ty Úc.

 Những biện pháp như vậy của Trung Quốc làm giảm 20% lượng thịt bò Úc nhập vào Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã quyết định chặn tôm hùm xuất xứ từ Úc ngay trên đường băng sân bay Thượng Hải đồng thời cấm nhập gỗ từ Queensland. Nhiều biện pháp ngăn chặn nhập khẩu và tăng thuế cũng đã được dự kiến nhằm vào mặt hàng đồng và đường của Úc.

Cuối cùng chính phủ Trung Quốc sẽ cắt giảm mạnh dòng du khách đến Úc. Trong  khi đó, du lịch nói chung và du khách đến từ Hoa lục nói riêng, là một nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế Úc.

Tuy nhiên, tranh chấp thương mại giữa hai nước lại tập trung xung quanh than đá. Úc xuất khẩu một phần lớn than đá sang Trung Quốc. Nhưng từ tháng 09/2020, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà máy công nghiệp và các hải cảng của họ dừng toàn bộ việc mua than Úc. Bằng những quyết định đó, Trung Quốc giảm ít nhất 10% nhập khẩu than Úc.

Tất cả những biện pháp như trên của Trung Quốc đều được quyết định đơn phương. Kết quả : Chính phủ Úc mất nhiều vì cuộc tấn công thô bạo của Trung Quốc. Canberra quyết định không đáp trả tương xứng, mà có muốn thì liệu có làm được không ? Các biện pháp trả đũa nào của Úc sẽ đáng tin cậy khi mà quan hệ thương mại hai nước đã rất mất cân bằng ?

Dẫu sao, Nghị Viện Úc cũng vừa thông qua một luật cho phép chính phủ hủy thỏa thuận đã ký với một nước không tôn trọng cam kết. Trong khi chờ đợi, Úc chuẩn bị thưa kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Nhưng lý giải thế nào cho quan hệ thương mại Trung – Úc đột nhiên bị hư hại ?

Những trách cứ của Trung Quốc chống lại Úc đan xen giữa kinh tế và chính trị. Trước hết, làm theo sức ép của Washington, chính phủ Úc đã loại Hoa Vi ra khỏi đấu thầu lắp đặt mạng 5G ở Úc, ngay từ năm 2018. Canberra còn hủy bỏ nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc thuộc lĩnh vực khai khoáng và công nghiệp ở Úc.

Nhưng các đòn trừng phạt của Bắc Kinh không giới hạn ở kinh tế mà còn bao gồm cả chính trị. Vì Úc là nước đầu tiên trên thế giới, ngay từ đầu năm 2020, đòi mở điều tra độc lập để xác định nguồn gốc của virus corona, xuất hiện tại Trung Quốc. Tất nhiên, Bắc Kinh không thể hài lòng với sáng kiến này. Trung Quốc cũng kêu ca về cách báo chí Úc nói về chính trị Trung Quốc. Bắc Kinh không chấp nhận các chỉ trích của Úc nhắm vào họ về hồ sơ trấn áp ở Hồng Kông, ở Tân Cương và các mối đe dọa của Hải quân Trung Quốc tại các vùng Biển Đông hay biển Hoa Đông.

Đằng sau những biện pháp thương mại mà Trung Quốc đưa ra để chống Úc, Bắc Kinh có ý đưa ra thông điệp là họ quyền kiểm soát cách thức mà một quốc gia khác, dù đó là đối tác thương mại, nói về Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Trung Quốc mới đây đã tóm tắt sự việc một cách thô thiển thế này : Nếu anh đối xử Trung Quốc như là kẻ thù, Trung Quốc cũng sẽ đối xử với anh là kẻ thù.

Mặt khác, hải quân Úc đã tham gia bên cạnh hải quân Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản nhưng cuộc tập trận trong Ấn Độ Dương, dọc tuyến đường tơ lụa trên biển. Để trả đũa, Trung Quốc tung lên Twitter hình ảnh một quân nhân Úc cầm dao dọa một đứa trẻ Afghanistan. Chính phủ bảo thủ của Scott Morrison đã khẳng định đó là hình ảnh cắt ghép và đòi Bắc Kinh phải xin lỗi. Tất nhiên Bắc Kinh đã làm ngơ trước đòi hỏi đó.

Cuộc khủng hoảng thương mại Úc-Trung Quốc này chứa đựng nhiều bài học, có giá trị vượt quá các nước bên bờ Thái Bình Dương. Những bài học đó có giá trị cho cả các nước châu Âu, vốn lâu nay vẫn coi việc buôn bán với Trung Quốc cũng không khác gì làm ăn với Canada hay Thụy Điển. Những người lạc quan nhất trong số ủng hộ tự do trao đổi sẽ nói rằng Liên Hiệp Châu Âu không phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều như Úc.

Đúng là như vậy. Nhưng sự lệ thuộc đang lớn dần và cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đã minh họa cho các nguy cơ có quá nhiều lệ thuộc vào đế chế Trung Hoa trong một số sản xuất trọng yếu liên quan đến chủ quyền của châu Âu, chẳng hạn như sản xuất trong lĩnh vực y, dược. Nếu cần tiếp tục làm ăn với Trung Quốc, châu Âu phải mở to mắt và đừng có ngây thơ./.

RFI

Pháp đặt điều kiện với Trung Quốc

Vào lúc châu Âu và Trung Quốc mong muốn nhanh chóng đúc kết đàm phán và ký được thỏa thuận bảo hộ đầu tư hai chiều trước cuối năm 2020, trả lời nhật báo Le Monde, bộ trưởng Pháp đặc trách về Ngoại Thương, Franck Riester mạnh mẽ tuyên bố, để đạt đến đích, Paris cần trông thấy phía « Bắc Kinh đưa ra những cam kết rõ ràng ».

Pháp sẽ không ủng hộ thỏa thuận đang được Liên Âu đàm phán nhân danh 27 nước thành viên với phái đoàn Trung Quốc nếu như Bắc Kinh từ chối « phê chuẩn công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế. Trong đó có biện pháp chống cưỡng bức lao động ».  

Theo nghiên cứu của chuyên gia người Đức Andrian Zenz công bố hôm 15/12/2020, khoảng 570.000 người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động trên những cánh đồng trồng bông vải tại Tân Cương.

Bộ trưởng Pháp Franck Riester giải thích, có ít nhất hai trở ngại để Paris ủng hộ và đặt bút ký vào thỏa thuận đầu tư Châu Âu –Trung Quốc. Trở ngại thứ nhất : Bắc Kinh chưa đề xuất với các đối tác châu Âu về một lịch trình đàm phán cụ thể với những nội dụng cụ thể và chưa cam kết là tiến trình đàm phán sẽ kết thúc trong hai năm sắp tới.

Tuy không nói ra nhưng bộ trưởng đặc trách Ngoại Thương Pháp có hàm ý cảnh báo Trung Quốc là châu Âu không còn ngây thơ trước chiến thuật câu giờ của Bắc Kinh. Trung Quốc chớ kỳ vọng nhiều vào cung cách đàm phán theo kiểu « đầu xuôi, đuôi lọt » ?     

Franck Riester nhắc lại thỏa thuận bảo hộ đầu tư này nhằm « cân bằng hóa đầu tư của châu Âu vào thị trường Trung Quốc, các điều khoản về cạnh tranh phải công bằng và sòng phẳng ». Để đạt được những mục đích đó Trung Quốc cần có những cam kết « rõ ràng về phát triển bền vững » bao gồm hai vế. Một là môi trường và hai là các điều kiện lao động.

Về các chuẩn mực bảo vệ môi trường, Paris nhìn nhận Bắc Kinh đã có những cam kết chống biến đổi khí hậu đáng khích lệ. Ngược lại Trung Quốc vẫn im lặng trên các điều khoản về chuẩn mực lao động. Đây chính là trở ngại thứ nhì được bộ trưởng Ngoại Thương Pháp nêu lên trong bài trả lời báo Le Monde.

Ông nói rõ : Trung Quốc chưa đưa ra đủ những cam kết tôn trọng công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế và không có một sự bình đẳng cho các doanh nghiệp của châu Âu vào hoạt động tại Trung Quốc nếu như Bắc Kinh vẫn duy trì chế độ lao động khổ sai.

Frank Riester kết luận : « Thông điệp của Paris rất rõ ràng Bắc Kinh cần phê chuẩn các công ước mà đối với châu Âu là quan trọng và phải cam kết thực thi những điều khoản quy định ». 

Bộ trưởng Pháp nhấn mạnh : phê chuẩn công ước lao động quốc tế là « lằn ranh đỏ » không thể vượt qua do « những thỏa thuận về thương mại là nhằm thúc đẩy những tiến bộ về phương diện xã hội, là phương tiện để bài trừ nạn cưỡng bức lao động, đặc biệt là trong trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ ».

RFI

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen