Seite auswählen

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh).

Trong một video đăng tải trên trang Twitter của phong trào Fridays for Future Japan – xin tạm dịch là “Thứ 6 cho Tương Lai” – một số nhà hoạt động sinh viên từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM Bank) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) rút ra khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2 tại Hà Tĩnh, Việt Nam.

Một sinh viên trẻ xuất hiện trên video, nhưng khác với những khuôn mặt của các bạn trẻ Hàn Quốc và Nhật, khuôn mặt của bạn ấy bị cắt mất, và trên màn hình có hàng chữ:

“Ở Việt Nam, phản đối dự án quốc gia đồng nghĩa với việc tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm, nên quay phim mà không có mặt mũi.”

Sinh viên Việt Nam này nói bằng tiếng Anh:

“Nhiên liệu hóa thạch không thuộc về sự phát triển trong tương lai của chúng tôi. Điều quan trọng đối với chúng tôi là một tương lai bền vững, không khí sạch và một cuộc sống lành mạnh không sử dụng các giải pháp nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, tôi kêu gọi các công ty ngừng tài trợ cho các dự án than và thay vào đó hỗ trợ năng lượng tái tạo và các giải pháp đúng đắn trong tình hình biến đổi khí hậu ”.

Nhà hoạt động vì khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg phát biểu tại Brussels hôm 5/3/2020. Ảnh minh họa. AP

Phong trào Fridays for Future lấy tên từ sáng kiến của nhà hoạt động Greta Thunberg. Khi cô 15 tuổi cô kêu gọi học sinh khắp nơi “bãi khóa” nghỉ học trong những ngày thứ 6 để xuống đường biểu tình đòi các lãnh đạo quốc gia phải có biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Cô Thunberg, nay 18 tuổi, qua một video, bày tỏ sự ủng hộ lời kêu gọi của các bạn trẻ Châu Á. Cô nói:

“Các bạn thật dũng cảm và các bạn hãy tiếp tục. Tôi ủng hộ các bạn hết mình và tôi gửi đến bạn những lời chúc may mắn nhất. Xin đừng bao giờ dừng lại.”

Từ Hà Nội, cô Cao Vĩnh Thịnh, một nhà đấu tranh vì môi trường phấn khởi khi thấy cô Thunberg góp tiếng nói vào một dự án than ở Việt Nam mà cô và nhiều người bạn đồng hành tại Việt Nam đã phản đối lâu nay. Về dự án Vũng Áng 2 ở Hà Tĩnh, cô nói:

“Thứ nhất, nó sẽ gây tác hại nhiều đến con người cũng như là môi trường và xã hội. Bởi vì các tác hại nhìn được ngay, đó là những tác hại của chất thải xỉ than, khói bụi của những nhà máy khi họ hoạt động hết tần suất. Nhìn từ năm 2000 khi bắt đầu những dự án của các nhóm xã hội dân sự, thì mọi người đã tạo những liên minh tổ chức xã hội đề có thể đưa ra những bản kiến nghị hoặc bản tuyên bố, gửi đến cấp cao. Như đầu năm 2020 có gửi cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự án điện than nói chung. Trong tuyên bố đó, đương nhiên những dự án cũ, như ở Vĩnh Tân, ở Huế, và nhiều khu vực khác, vì mình chưa có phương án để thay thế và đang trên đường phát triển để tìm và khai thác nguồn điện năng sạch hơn, tái tạo chẳng hạn, thì tốt nhất duy trì cái cũ, không phát triển cái mới”.

Cô Thịnh nhận định rằng tiếng nói của cô Greta Thunberg, một nhà hoạt động trẻ tuổi được quốc tế biết đến, sẽ tạo thêm nguồn cảm hứng và động lực cho những nhà hoạt động mới bắt đầu xuất phát ở Việt Nam:

“Tiếng nói của một người trẻ lại là người có tầm ảnh hưởng lớn như bạn Thunberg là một điều rất là tuyệt vời đối với những người trẻ ở Việt Nam, bởi vì sẽ có nhiều người trẻ Viêt Nam thấy rằng sự cam kết bảo vệ môi trường của mình sẽ cao hơn, bởi vì nó chứng minh rằng đó là vấn đề môi trường không có biên giới”.

Bà Quách Thị Xuân, nhà tư vấn môi trường độc lập, nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thư: “Ngưỡng mộ các bạn trẻ quá. Mong giới trẻ Việt Nam cũng quan tâm tới môi trường và tham gia phong trào này. Chị ủng hộ các bạn lên án dự án Vũng Áng 2 tại Việt Nam, ủng hộ việc kêu gọi các nhà đầu tư không tiếp tục rót tiền vào dự án này. Các bạn trẻ đang làm những việc tốt góp phần nâng cao nhận thức cho người dân toàn thế giới về biến đổi khí hậu, về tác động tới môi trường và sức khỏe của các nhà máy nhiệt điện than… Sự lên án mạnh mẽ này sẽ có những tác động nhất định tới chính quyền địa phương nơi có dự án, chính phủ Việt Nam và chủ dự án. Hy vọng các bên cùng nỗ lực để giảm thiểu phát thải CO2 từ dự án này”.

Các bạn trẻ của phong trào Fridays for Future đã gửi một bức thư ngỏ cho các công ty tham gia dự án Vũng Áng 2, bao gồm Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) thuộc sở hữu nhà nước. Các nhà đấu tranh trẻ viết: “Thủ tướng Suga [Yoshihide] đã kêu gọi một xã hội không còn khí thải vào năm 2050. Trước những diễn tiến như thế, quý vị có dự định hủy bỏ kế hoạch này không?”

Khoản vay do JBIC tài trợ được ước tính là khoảng 636 triệu USD, trong khi tổng số khoản tiền vay ước tính là 1,8 tỷ USD, được đồng tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và các tổ chức cho vay tư nhân, như Mitsubishi Corp, Chugoku Electric Power và ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản: Mizuho Financial Group, Mitsubishi UFJ Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group.

Dự án Vũng Áng 2 không chỉ là một mối quan tâm của thế hệ trẻ. Ngày 25 tháng 1, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cùng 128 tổ chức trên thế giới cũng đã gửi thỉnh nguyện thư đến Thủ tướng Nhật và giám đốc của các công ty nêu trên, kêu gọi JBIC rút khoản tài trợ ra khỏi dự án Vũng Áng 2.

Trang Twitter của phòng trào Fridays For Future. Courtesy of Twitter.

Trong lá thư các tổ chức đồng ký tên nói rằng phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch cho thấy lượng phát thải dự kiến từ nhà máy này sẽ cao hơn tiêu chuẩn Nhật Bản từ 5 đến 10 lần. Họ nói tiếp:

“Hơn nữa, có những sự cố ô nhiễm môi trường lớn đã xảy ra gần địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy Vũng Áng 2. Việc thải các chất ô nhiễm vào năm 2016 từ nhà máy thép do Tập đoàn Thép Formosa Hà Tĩnh vận hành được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất của Việt Nam, gây ô nhiễm trên 200 km bờ biển và có tác động tàn phá đối với nghề cá. Ngoài ra, nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 đang hoạt động gần địa điểm quy hoạch của Vũng Áng 2, nhận tài trợ từ JBIC và SMBC vào năm 2011, đã có báo cáo về thiệt hại do bụi và ảnh hưởng đến sức khỏe từ nhà máy”.

Bà Quách Thị Xuân cho rằng việc các ngân hàng Nhật Bản rút ra khỏi dự án khó có thể thực hiện nếu các công ty tham gia dự án không vi phạm luật Việt Nam.

“Nếu các công ty không vi phạm pháp luật Việt Nam thì họ vẫn có thể tồn tại và vẫn được hoạt động. Nếu Việt Nam mà nâng tiêu chuẩn môi trường lên, có nghĩa là khi đó các công ty này bị coi là vi phạm, nhưng vi phạm như thế thì là do lỗi của bên Việt Nam mình. Vậy thì liệu Việt Nam có đủ tiền để bồi thường cho họ không? Nên việc đóng cửa các công ty này mà Việt Nam không phải đền bù gì thì rất khó, dường như không thể xảy ra được. Bây giờ chỉ có thể phải để cho nó hoạt động mà phải có sự giám sát chặt chẽ, phải đòi hỏi sự giám sát không chỉ của nhà nước, mà của cộng đồng, trong đó có các bạn trẻ”.

Bà Xuân lập luận rằng cho dù dự án Vũng Áng 2 vẫn tiến hành, sự lên tiếng phản đối từ các phía, giới trẻ và các tổ chức quốc tế vẫn có tác động tạo được sự chú ý và buộc các bên tham gia phải cẩn trọng hơn trong việc xây dựng và vận hành nhà máy điện than này, nếu không muốn rút ra khỏi dự án.

 

Giang Nguyễn
RFA (02.01.2021)

 

 

Quốc tế kêu gọi chính phủ Nhật rút khỏi dự án nhiệt điện than ở Việt Nam

Khói từ các nhà máy ở ngoại ô Hà Nội trong bức ảnh chụp ngày 21/5/2018. Hơn 120 tổ chức quốc tế vừa kêu gọi chính phủ và các công ty Nhật Bản rút khỏi một dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam, hiện đang gây tranh cãi vì nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Hơn một trăm tổ chức quốc tế vừa lên tiếng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản và các công ty tham gia cung cấp tài chính xây dựng một nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam rút khỏi dự án mà họ cho là sẽ gây ra hại tới môi trường.

Trong bức thỉnh nguyện thư gửi tới Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cùng các bộ trưởng và CEO của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở New York công bố hôm 25/1, 128 tổ chức từ 39 quốc gia kêu gọi Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) rút lại quyết định cung cấp tài chính cho dự án Nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng 2 ở Việt Nam. Các tổ chức đồng ký tên cũng kêu gọi các công ty tham gia rút khỏi dự án này trước lo ngại về sự xung đột với các hành động chống biến đổi khí hậu.

Ngân hàng JBIC của Nhật Bản hôm 28/12/2020 ký một thoả thuận cho vay lên tới khoảng 636 triệu USD cho dự án Vũng Áng 2 ở miền Trung Việt Nam. Các tổ chức tài chính khu vực tư nhân được cho là sẽ tham gia đồng tài trợ bao gồm một số ngân hàng và tập đoàn tài chính của Nhật. Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc cũng được cho là sẽ đầu tư vào dự án đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và gây bất đồng trong nội bộ chính phủ Nhật Bản, theo Business Times.

Như VOA từng đưa tin, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiến hành với dự án nhiệt điện than này ở Việt Nam, bất chấp những tranh cãi và áp lực của giới đầu tư, và sẽ cung cấp khoản tiền vay tổng cộng lên tới gần 1,8 tỷ USD dù cả hai nước đều đưa ra những cam kết đầy tham vọng sẽ đáp ứng mục tiêu không tạo thêm carbon ngay trên lãnh thổ của mình.

Vũng Áng 2 đã trở thành mục tiêu của chỉ trích của quốc tế, khiến dự án này nảy sinh nhiều vấn đề.

“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ quyết định của JBIC trong việc hỗ trợ dự án này mặc dù trên thực tế JBIC chưa tho thấy trách nhiệm giải trình đối với nhiều mối lo ngại đã được nêu lên, bao gồm sự xung đột của dự án đối với các biện pháp chống biến đổi khí hậu và sự thiếu sót trong đánh giá tác động môi trường,” theo thỉnh nguyện thư mà HRW đồng tham gia ký tên.

Nhật Bản đã ký Thỏa thuận Paris, trong đó yêu cầu các quốc gia tham gia ký kết nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu các nhà máy nhiệt điện than mới được xây dựng, theo các tổ chức cho biết trong thỉnh nguyện thư.

“Việc tiếp tục dự án Vũng Áng 2 là không thể chấp nhận được, xét trong bối cảnh không thể đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 độ C trừ khi việc sản xuất nhiệt điện than bị loại bỏ trên toàn thế giới vào năm 2040, bao gồm cả việc ngừng hoạt động các nhà máy điện than hiện có,” thỉnh nguyện thư viết.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1 độ C, theo 128 tổ chức trong đó có SCODE và 350 Vietnam – 2 tổ chức lên quan đến môi trường ở Việt Nam.

Vào tháng 10 năm 2020, trong vòng một tháng, bốn cơn bão đã tấn công miền Trung Việt Nam, nơi dự kiến đặt địa điểm Vũng Áng 2, gây ra thiệt hại đáng kể. Theo thỉnh nguyện thư, khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng trên toàn thế giới, việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện than mới gây ra rủi ro lớn hơn không chỉ cho người dân Việt Nam mà cho tất cả mọi người trên thế giới, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương ở phía nam bán cầu.

Được biết, nồng độ khí thải gây ô nhiễm không khí từ nhiệt điện Vũng Áng 2 sẽ cao hơn nhiều lần so với phát thải từ các nhà máy điện xây dựng ở Nhật Bản. Phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch được trích dẫn trong thỉnh nguyện thư cho thấy lượng phát thải dự kiến từ nhà máy này, nếu được xây dựng, sẽ cao hơn tiêu chuẩn của Nhật Bản từ 5-10 lần.

Một sự cố ô nhiễm môi trường lớn đã từng xảy ra gần địa điểm quy hoạch của Vũng Áng 2. Việc xả thải các chất ô nhiễm từ nhà máy thép do Công ty thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh hồi năm 2016 đã khiến hàng trăm tấn cá chết và gây ra thảm hoạ môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam mà các chuyên gia cho rằng sẽ mất cả thế kỷ để phục hồi.

Theo nguồn tin Tạp chí Năng lượng Việt Nam, điện than là nguồn năng lượng giá rẻ nên được sử dụng phổ biến tại các nước đang phát triển. Khoảng 5% nguồn vốn vay ODA năm 2018 của Chính phủ Nhật Bản (1.370,5 tỷ yên, tương đương khoảng 13,22 triệu USD) được dành cho các dự án điện than, trong đó các dự án tập trung tại khu vực châu Á như Việt Nam và Bangladesh.

Hiện hợp đồng thuê đất cho dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh và chủ đầu tư ký tắt ngày 19/3/2020 và đang được thảo luận giữa chủ đầu tư, tư vấn luật của Bộ Công thương và bên cho vay. Theo kế hoạch, tổ 1 của dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 sẽ được đưa vào vận hành thương mại trong quý 3 năm 2025 và tổ máy 2 sẽ được vận hành thương mại vào năm tiếp theo.

“Chính phủ Nhật Bản nên lắng nghe một cách chân thành những tiếng nói của công dân kêu gọi hành động vì khí hậu và từ bỏ sử dụng than, cũng như rút lại sự ủng hộ cộng đồng đối với dự án Vũng Áng 2,” các tổ chức kêu gọi trong bức thư.

VOA (02.02.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen