Seite auswählen

RFI

Thanh Phương

16-2-2021

 Blogger Điếu cày biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh: DLB

Nhà tranh đấu nhân quyền blogger Nguyễn Văn Hải, biệt danh “Điếu Cày” đã sống lưu vong tại Hoa Kỳ từ hơn 6 năm. Từ đó đến nay, anh vẫn tham gia quản trị trang mạng của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Ngoài ra, anh còn tham gia vào một chương trình của đài truyền hình SBTN tại Quận Cam (Orange County). Nhân dịp đến thăm đài SBTN trong chuyến đi Quận Cam đầu tháng 2/2021 vừa qua, đặc phái viên Thanh Phương đã có dịp phỏng vấn blogger Điếu Cày.

Trong bài phỏng vấn với RFI Việt ngữ, anh Nguyễn Văn Hải đã nêu lên những khó khăn của việc đấu tranh trên mạng hiện nay và nhất là sự phân hóa của phong trào dân chủ tại Việt Nam do tác động của những tin giả, đặc biệt tập trung trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn.

RFI: Xin anh cho biết đôi nét về cuộc sống của anh hiện nay thế nào?

Blogger Điếu Cày: Từ khi tôi sang đến nay, tôi vẫn tập trung theo dõi tình hình trong nước, và quản trị một số trang do Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do thành lập, và cùng với một số anh em trong nước quản trị một số diễn đàn. Mạng lưới truyền thông do chúng tôi lập ra cũng tạo được lượng truy cập khá lớn, và hoạt động trong nhiều năm. Mới đây trang group “Lều của Đầy Tớ”, vào lúc cao điểm đã có hơn 74.000 thành viên, và có lúc còn khoảng 62.000, thì đã bị Facebook đóng. Hiện nay chúng tôi cũng vẫn chưa lấy lại được. Nhưng về tình hình đấu tranh trên mạng xã hội, cũng gặp nhiều khó khăn, vì sự quản lý của Facebook, cũng như tác động của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với Facebook, nên cũng bị hạn chế nhiều.

RFI: Như vậy, chắc là anh có theo dõi về tình hình Việt Nam trong thời gian qua, nhất là thời gian trước Đại hội Đảng, với việc rất nhiều người đã bị bắt bớ, bị truy tố. Nhìn từ bên ngoài, theo anh, lý do gì dẫn đến sự bắt bớ như vậy, hay đó là một sự diễn tiến bình thường mỗi khi có Đại hội Đảng?

Blogger Điếu Cày: Trước khi diễn ra Đại hội Đảng, họ đều tìm cách ngăn chặn những tiếng nói tự do, mà điển hình là những vụ bắt bớ. Nhưng trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang lên đến bây giờ, chính quyền cộng sản Việt Nam chuyển sang công an trị rõ ràng nhất, và sự đàn áp là khốc liệt nhất. Những kỳ Đại hội Đảng người ta thấy là nhiều người có tiếng nói trên các diễn đàn tự do đã bị khống chế, bị bắt bớ. Nhưng đặc biệt là trong năm nay, đàn áp là khốc liệt hơn. Các nhà báo bị đàn áp với những bản án rất nặng, như vừa rồi, Hội Nhà Báo Độc Lập với ba thành viên, là anh Phạm Chí Dũng, anh Nguyễn Tường Thụy và anh Lê Hữu Minh Tuấn. Tổng cộng là 37 năm tù cho ba người. Rồi một số nhóm như nhóm Hiến Pháp, và một số nhóm nữa cũng bị truy tố, với những bản án cao. Cho nên phong trào gặp rất nhiều khó khăn.

RFI: Những vụ bắt bớ như thế ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của tờ báo của Hội Nhà Báo Độc Lập?

Blogger Điếu Cày: Trang của Hội Nhà Báo Độc Lập được quản trị từ bên ngoài, một số tiếng nói chủ lực bị bắt, nhưng trang của Hội Nhà Báo Độc Lập vẫn tiếp tục hoạt động.

RFI: Vũ khí chính của những người đấu tranh dân chủ là các trang mạng xã hội, như anh có nói lúc đầu, nhiều trang mạng, nhiều bài viết bị Facebook chặn, có phải là họ chặn theo lệnh của chính quyền Việt Nam?

Blogger Điếu Cày: Chính quyền Việt Nam sử dụng nhiều công cụ, không những chỉ gây sức ép với Facebook về việc đặt máy chủ ở Việt Nam, họ còn yêu cầu Facebook phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, và thậm chí Facebook cũng nói là họ tuân thủ pháp luật địa phương, trong một số vấn đề. Đó là cái khó khăn cho những người đấu tranh dân chủ. Gần đây nhất là chính quyền cộng sản còn sử dụng một biện pháp kỹ thuật nữa. Khi máy chủ Facebook thuê băng thông để chuyển tải thông tin vào trong nước, băng thông đã bị bóp để gây sức ép với Facebook, khiến Facebook phải đối phó, phải đặt máy mới bên Đài Loan.

RFI: Đấy là chưa kể trên thế giới nói chung, và đối với các mạng xã hội của Việt Nam nói riêng, có rất nhiều tin giả. Đã có rất nhiều trang Youtube, trang Facebook về tình hình chính trị Mỹ, và tình hình bầu cử Mỹ, với hai ứng viên Cộng Hòa, ông Donald Trump, và Dân Chủ, ông Joe Biden. Những tin giả có gây tác động nhiều đến các trang mạng của các nhà đấu tranh dân chủ hay không?

Blogger Điếu Cày: Nó gây tác động rất là nhiều, mà gây tác động rất nặng nề. Tại vì nó làm phân hóa phong trào. Kể cả xã hội Việt Nam và xã hội Mỹ. Cộng đồng ở Mỹ cũng bị phân hóa, xã hội Mỹ cũng bị phân hóa, bởi những nguồn tin giả, những nguồn tin độc hại như vậy. Chúng tôi ở đây, có tham gia với SBTN làm chương trình “Đối diện với Sự thật”. Mỗi một kỳ của chương trình, đều đưa lên chi tiết về vấn đề, cách lan truyền tin giả trong cộng đồng, tác hại của tin giả đối với cộng đồng như thế nào. Một cái nữa là, cũng thông qua những trang của anh em ở hải ngoại, anh em trẻ họ thành lập ra trang “Người thông dịch”, để dịch các bản tin của các tờ báo lớn trên thế giới, chuyển tải các thông tin đến cộng đồng. Nó như là thông tin dòng chính, để đối phó với tin giả.

Còn cách thức của chính quyền Việt Nam, chính quyền Nga, Trung Quốc, Iran, là họ xâm nhập vào trong mạng lưới tin giả này, họ khuếch đại tin giả đó, chủ yếu để làm lũng đoạn xã hội Mỹ, phân hóa xã hội Mỹ, trong đó có mục tiêu phân hóa các cộng đồng sắc tộc. Mà người Việt Nam là một trong những cộng đồng bị phân hóa nhiều nhất bởi tin giả.

 

RFI: Tôi thấy đặc biệt là có sự tham gia rất nhiều của một tờ báo tiếng Việt gọi là Đại Kỷ Nguyên. Tờ báo này xuất phát từ đâu, do ai chủ trương, tại sao họ lại tuyên truyền những tin giả như vậy?

Blogger Điếu Cày: Trên báo New York Times, có bài điều tra liên quan đến mạng lưới của Epoch Times, trong đó có tức Đại Kỷ Nguyên, Trí Thức Việt Nam, Tân Đường Nhân, đều là mạng lưới tin giả của Epoch Times cả. Câu hỏi đặt ra ở đây là nguồn lực ở đâu mà Pháp Luân Công có thể làm được việc như thế? Kể cả việc mua quảng cáo hàng triệu đô trên Facebook.

Chúng ta thấy rằng, thứ nhất là trong cuộc điều tra của New York Times cũng đặt câu hỏi nguồn lực ở đâu ra, và Pháp Luân Công với Epoch Times có liên hệ với nhau thế nào. Những người đấu tranh trên mạng nhiều năm, có kỹ năng, đều hiểu rằng, khi Epoch Times hoạt động ở Mỹ, nó cần hai cái mũ. Cái mũ thứ nhất là cái mũ chống Cộng, nó núp vào Đại Kỷ Nguyên, hoặc nó mượn danh Đại Kỷ Nguyên. Thứ hai là nó phải mượn một cái mũ khác, với chiêu bài ủng hộ tổng thống Donald Trump. Nhưng tuyến bài vở chủ yếu của nó là tấn công vào các đảng đối lập. Trong rất nhiều kỳ bầu cử, các ứng cử viên đối lập Cộng Hòa hay Dân Chủ, việc ủng hộ bên này hay bên kia là chuyện bình thường, và sau bầu cử xã hội vẫn trở lại bình thường, với sự cầm quyền của hai đảng. Thế nhưng trong đợt này, do tác động của tin giả, kể cả bầu cử đã qua rồi, tin giả vẫn lan truyền, và gây ra sự xáo lộn xã hội Mỹ, gây phân hóa xã hội Mỹ rất nhiều.

Như vậy, mục tiêu của tin giả là để cho người dân, thứ nhất là mất niềm tin vào hệ thống báo chí Hoa Kỳ, và thứ hai là mất niềm tin vào chính phủ Hoa Kỳ, mất niềm tin vào nền dân chủ, và phân hóa xã hội Mỹ. Tất cả những mục tiêu đó, khi họ đạt được, thì ai được lợi? Chỉ có các chính quyền cộng sản Trung Quốc, Nga và Việt Nam được hưởng lợi trong vấn đề đó. Câu hỏi đặt ra là, mạng lưới Epoch Times sử dụng những thủ thuật gì?

Trong điều tra của New York Times cũng chỉ ra, như sử dụng công nghệ IA, để vượt qua giai đoạn xác định danh tính, để lập ra hàng ngàn trang Facebook giả, sử dụng các trang đó phát tán tin giả, đồng thời sử dụng kỹ thuật “click farm” để tạo ra nhiều lượng view, nhiều lượt coi. Nhưng thực ra số lượng người coi đó là giả. Họ dùng những trang đó để người xem kích ngược vào website của trang mẹ. Chính vì thế, Đại Kỷ Nguyên trở thành một trang có lượng người truy cập lớn nhất ở Việt Nam, mà đây lại là truy cập vào một cái trang của người Tàu. Tôi thấy đây là một khuyết tật trên truyền thông, mà chúng ta cần phải để ý.

RFI: Anh đã nói là tin giả tác động rất nặng nề đến các nhà đấu tranh dân chủ, cũng như các mạng xã hội, trang thông tin của những người đấu tranh dân chủ. Cụ thể điều này làm phân hóa như thế nào?

Blogger Điếu Cày: Việc các ứng cử viên tổng thống được người này, được người kia ủng hộ là chuyện rất bình thường trong xã hội, nhưng vấn đề là mạng truyền thông tin giả, nó dẫn dắt người ủng hộ đi theo hướng nào, và cái xu hướng dẫn dắt như thế nào mới là cái nguy hiểm. Nguy hiểm là vì, núp dưới chiêu bài ủng hộ tổng thống Donald Trump, nhưng cái đích ngắm là làm mất niềm tin vào xã hội Mỹ, vào nền dân chủ Mỹ, và một số anh em đấu tranh dân chủ ở trong nước, một số blogger nổi tiếng đã chia sẻ những tin giả từ Epoch Times, Đại Kỷ Nguyên và Tân Đường Nhân, cùng với những “thuyết âm mưu” rất vô lý. Đồng thời với việc làm lan truyền những tin giả như vậy, một số anh em quay sang tấn công những người đưa tin thật. Bởi vì, để lan truyền tin giả, phải tấn công người đưa tin thật. Điều này là đương nhiên thôi.

Nhưng nếu Đại Kỷ Nguyên, hay các nick ảo, các nick của dư luận viên của chính quyền cộng sản họ làm việc đó, thì là một chuyện. Nhưng nick của những người đấu tranh dân chủ mà làm chuyện đó, thì là tiếp tay cho nó. Gây thiệt hại rất lớn cho phong trào, làm phân hóa phong trào, và từ đó làm yếu phong trào đi. Đấy là điều nguy hiểm.

RFISau những đợt bắt bớ, truy tố như vậy, người hoạt động dân chủ ở nước ngoài có thể giúp thêm cho phong trào trong nước hay không?

Blogger Điếu Cày: Trong môi trường Internet tự do, anh vẫn có thể đóng góp được, miễn là anh có còn quan tâm đến phong trào hay không. Về việc đóng góp, chúng tôi vẫn liên lạc với gia đình của các tù nhân lương tâm, những anh em bị bắt. Chúng tôi không bỏ qua vấn đề đó, mà thường truyền tải thông tin đến các vị dân biểu Hoa Kỳ.

Ví dụ như khi vụ Đồng Tâm xảy ra, tôi cùng với những anh em trong nước, cũng như anh Nguyễn ở Houston, có tham gia vào nhóm Hành động vì Đồng Tâm. Ở trong nước, anh em làm những báo cáo về Đồng Tâm, thông qua nguồn tin của bà con Đồng Tâm đưa ra cho gia đình chị Cấn Thị Thêu và Phạm Đoan Trang ở trong nước. Chúng tôi ở ngoài này chuyển tải các thông tin như vậy đến các vị dân biểu, cũng như việc đàn áp, bắt bớ anh em. Mình chuyển thông tin đến các tổ chức quốc tế, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, để vận động cho anh em.

RFI: Hiện nay, nước Mỹ có một tổng thống mới, tổng thống đảng Dân Chủ Joe Biden. Chính quyền mới có thể giúp thúc đẩy phong trào dân chủ ở Việt Nam hay không, giúp thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam hay không?

Blogger Điếu Cày: Tôi nghĩ đây là một tin mừng cho những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Bởi trước đây, trong thời kỳ chính quyền Dân Chủ thời ông Obama cầm quyền, rất nhiều người Việt Nam đã được thoát khỏi nhà tù. Vì những cam kết của chính quyền Mỹ và chính quyền Việt Nam đều có đặt điều kiện nhân quyền trong đó. Và nhờ đó, nhiều anh em được thoát khỏi nhà tù cộng sản. Chính quyền của ông Obama cũng rất quan tâm đến vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Điều thứ hai là, trong chính quyền mới sắp tới này, bên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trước có người là thứ trưởng, bây giờ làm bộ trưởng. Và một số bạn bè tôi trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã trở lại làm việc. Họ là những người rất am hiểu về tình hình Việt Nam, và khi họ quay trở về, thì những vấn đề Việt Nam không phải là mới với họ. Và đó là điều thuận lợi, chúng ta có thể đề đạt các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền với họ. Họ chính là những người hiểu sâu những vấn đề đó trong nhiệm kỳ 8 năm của tổng thống Obama trước đây. Đây là một tin mừng.

Hy vọng vấn đề dân chủ sẽ được quan tâm hơn nhiều. Như chúng ta thấy, tổng thống Joe Biden đã lên tiếng ngay sau cuộc đảo chính ở Miến Điện, hay về những vấn đề ở Hồng Kông, Tân Cương ở Trung Quốc. Chúng ta thấy là đang có chiều hướng thuận lợi./.

RFIXin cảm ơn Blogger Điếu Cày.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen