Seite auswählen

„Nhắc lại để người ta sống với nhau tử tế hơn. Nhắc lại để lịch sử không bị bóp méo xuyên tạc mà phải được ghi chép lại một cách trung thực, chính xác và đầy đủ.“

 

Quang Huy 

Mấy hôm nay xem các phim tài liệu trên TV, tôi thấy người ta vẫn còn nhắc đến những từ ngữ chính trị vừa sai vừa lỗi thời, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua.

Sau tháng 04/1975, như có một mệnh lệnh được ban hành và áp dụng nhất quán từ trung ương đến địa phương, trên các phương tiện truyền thông, giấy tờ và cả trên miệng người đã xuất hiện những cụm từ “Ngụy quyền”, “Ngụy quân”, “Thằng Mỹ”, “Thằng Thiệu”… mang đầy tính thù hận làm nặng nề thêm bầu không khí chính trị của Miền Nam Việt Nam vốn đã nặng nề sau ngày Sài Gòn thất thủ. Và điều đó cũng đã làm xáo trộn thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình.

Những dòng chữ nhận xét “gia đình ngụy quyền/ ngụy quân”, “có cha/ anh tham gia ngụy quyền/ngụy quân”… đè nặng trên những trang sơ yếu lý lịch của nhiều công dân Việt Nam từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã một thời là những trở ngại lớn khiến các cánh cửa vào đời trở nên hẹp hơn đối với họ.

 

Nhiều người đã phải rất nỗ lực lách qua những khung cửa hẹp của sự tị hiềm và phân biệt đối xử để tồn tại và vươn lên. Nhưng cũng có một số người đã không chịu đựng nổi những thử thách khắc nghiệt mà chính quyền dành cho gia đình họ. Nhiều bạn bè tôi đã phải cười đau khóc hận, thậm chí tàn lụi cuộc đời chỉ vì trót có cha anh giữ những trọng trách trong bộ máy chính quyền, hoặc quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

 

Trong một thời gian rất dài, bằng cách gán ghép cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa danh xưng “ngụy quyền”, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi sau đó là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam muốn cố gắng chứng tỏ với thế giới rằng họ mới là thực thể chính danh nắm quyền lãnh đạo quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Thử hỏi có một “ngụy quyền” (chính quyền ngụy tạo) nào có được một lãnh thổ quốc gia hẳn hoi, một tổ chức chính quyền đầy đủ từ trung ương đến địa phương, có quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với 91 quốc gia và quan hệ ngoại giao cấp lãnh sự với Tòa Thánh Vatican và 3 quốc gia khác (tính đến năm 1975)?

Và thực thể chính trị nào đã điều động quân lực chiến đấu với hải quân Trung cộng xâm lược trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/01/1974?

 

Đến hôm nay sau nhiều biến chuyển chính trị và xã hội, chính quyền hiện hành – bước đầu thông qua những trang sách lịch sử  – đã công khai thừa nhận Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa là những thực thể chính trị đã từng tồn tại trong lịch sử đất nước, điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận từ lâu.

Thật sự và thẳng thắn mà nói, chẳng phải chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trên thực tế cũng đã công nhận điều đó, khi vào những năm 1954 và năm 1973 họ đã từng ngồi cùng bàn đàm phán với đại diện Quốc Gia Việt Nam tại hội nghị Genève, và với đại diện Việt Nam Cộng Hòa tại hội nghị Paris đó sao?

Một sự công khai thừa nhận muộn màng khi đã có quá nhiều đau thương mất mát xảy ra khó thể khắc phục được. Sẽ vẫn còn rất nhiều chuyện cần phải làm để giảm bớt hậu quả của những điều tệ hại đã xảy ra trong gần nửa thế kỷ qua.

Cũng cần nói thêm rằng việc công nhận Việt Nam Cộng Hòa, là một thực thể chính trị đã từng thực thi chủ quyền đầy đủ đối với Hoàng Sa và Trường Sa là một sự cần thiết cho chính quyền hiện hành trong cuộc chiến pháp lý với Trung cộng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo này.

 

Nhắc lại chuyện xưa không phải khơi sâu thù hận, nhưng để hậu thế biết được giai đoạn đen tối của đất nước, khi những đồng bào máu đỏ da vàng đối xử tàn tệ với nhau như loài lang sói.

 

Nhắc lại để người ta sống với nhau tử tế hơn. Nhắc lại để lịch sử không bị bóp méo xuyên tạc mà phải được ghi chép lại một cách trung thực, chính xác và đầy đủ.

 

VNTB (24.04.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen