Seite auswählen

Tôi không muốn nhắc đến cái mốc này trên nghĩa yêu thương, hạnh phúc hay thù hận, đau khổ, may mắn, tự do hay đày đọa, ngục tù nữa. Bởi chuyện này người khác đã nói nhiều, đau khổ nhiều, hạnh phúc, hí hửng trên nỗi đau của đồng loại cũng nhiều, nhắc thêm nữa, chỉ tổ thêm buồn thôi. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là tâm tình, tâm tính người Việt trước mốc sự kiện lịch sử này. Và, trên hết là do đâu dẫn đến mốc sự kiện này (xét trên góc độ tâm tình/tâm tính) và người Việt cho đến lúc này, là tuýp người như thế nào?

Thực tình, nói về người Việt (trong đó gồm người viết bài này và rất nhiều anh chị em bằng hữu), có thể nói rằng người Việt khá đặc biệt, đặc biệt bởi có thể tốt đến mức cuối cùng và xấu đến mức tận đáy cũng trong cùng một con người, đặc biệt vì có thể bao dung, vị tha và thanh liêm đến mức không thể nào hơn nhưng cũng tham lam vô độ, bất chấp và sẵn sàng ung dung trên nỗi đau đồng loại cũng chính trong một con người, đặc biệt đến mức có thể làm thánh nhân và kẻ giết người trong chốc lát.

Sở dĩ người Việt trở nên như vậy bởi người Việt thiếu hẳn khả năng trung tính. Và cứ nhìn vào bất kì nơi nào, lĩnh vực nào, chỉ cần có một người thành công, có uy tín trong lĩnh vực đó thì bạn có thể tin chắc rằng đó là một người Việt giữ được khả năng trung tính. Với người Việt, khả năng trung tính như một thứ của báu trời đất ban cho, trong khi đó, với các dân tộc khác, khả năng trung tính có sẵn trong máu.

Người Việt thiếu khả năng trung tính nên luôn hướng đến một thứ gì đó vượt ngoài chính mình, khả năng kiềm chế hay khả năng giữ thăng bằng tâm lý, tư tưởng, tình cảm rất kém. Chính vì kém các khả năng trên nên người ta có thể nóng giận, thậm chí đạp đổ một cách dễ dàng và dễ bị dỗ ngọt. Một khi dễ bị dỗ ngọt thì khả năng phản phé xuất hiện, người ta sẵn sàng bỏ qua mọi ràng buộc về lòng trung thành và danh dự, lý tưởng để nghe theo một ai đó rỉ tai dỗ ngọt về một tương lai tốt hơn thực tại. Chính vì vậy mà không ít người vợ Việt sẵn sàng bỏ chồng con đi theo đàn ông Trung Quốc, theo đàn ông giàu có, không ít người làm nhân viên sẵn sàng bỏ ông chủ từng một thời vào sinh ra tử với mình, thậm chí cứu mạng gia đình mình, và ngược lại, không ít ông chủ sẵn sàng ném nhân viên của mình ra ngoài lề quyền lợi một khi mọi thứ đã có trong tay. Nói xa hơn một chút, không ít người Việt đã ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản mặc dù họ chưa biết gì về Cộng sản và trả giá cho việc này là sau 30 tháng 4 năm 1975, họ đã sáng mắt, tá hỏa nhận ra mình sai lầm, nhưng chuyện đã quá muộn màng.

Mãi cho đến bây giờ, sự mất trung tính của người Việt không những chắng giảm bớt mà con tăng cao, do cơn gió vật dục, do những trận gió xã hội hóa và do những trận gió quyền lực xô dạt mọi thứ. Người Việt đi từ chỗ mất trung tính với người khác đến chỗ mất trung tính với bản thân và máu mủ, ruột thịt. Người Việt sẵn sàng bán đồng loại mình cho kẻ giết người lấy nội tạng, người Việt mang thai đi bán con, người Việt giết anh em, ruột thịt chỉ vì mấy tấc đất xê dịch… Khi nói đến những cái xấu, sự ghê rợn, dường như không thiếu ở người Việt. Thế nhưng khi nói đến lòng bao dung, chia sẻ với đồng loại, người Việt cũng không thiếu. Lấy đợt dịch Covid-19 và những đợt thiên tai, lũ lụt trong nhiều thập kỉ qua để đánh giá, có thể nói rằng hiếm có quốc gia nào, dân tộc nào có tình đồng loại hơn người Việt, tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của người Việt khiến cho thế giới ngỡ ngàng và cảm phục.

Nghiệt nỗi, cái gì tốt đẹp thì nhắc tới người Việt mà cái gì xấu xa cũng nhắc tới người Việt đầu tiên. Đây là bi kịch của một dân tộc. Một dân tộc cần được giải phóng đúng nghĩa về mặt tư tưởng và nhân tính nhưng tiếc thay, cả hai mặt này chưa bao giờ được giải phóng mà luôn chịu trận qua nhiều thế hệ, nhiều thế kỉ, mọi thứ chỉ là ước mơ và quyền lực bao giờ cũng thuộc về tay kẻ biết khéo léo dụ dỗ. Kết cục là Việt Nam càng lúc càng lún sâu vào văn minh hái lượm trong một bộ dạng hiện đại và năng động. Vì sao?

Bởi cho đến lúc này, sự phát triển thái quá về vật dục trong các chương trình phát triển nóng, bất chấp tài nguyên, môi trường, cảnh quan và lịch sử đã nhanh chóng đẩy dân tộc vào guồng máy phát triển với tốc độ chóng mặt để truy tìm vật chất, thủ đắc vật chất và đạp lên nhau, chống cự nhau, tị nạnh nhau, thậm chí tiêu diệt nhau để thủ đắc vật chất. Vật chất được xem là thước đo giá trị xã hội của cá nhân và tập thể. Một người có văn hóa không bằng một người có xe hơi, một nhà hiền triết không bằng cái móng tay của kẻ có tiền, đó là phép đối đãi hiện thời. Và điều này nhanh chóng đẩy xã hội đến thứ văn minh hái lượm, thay vì ngày xưa người ta hái lượm tự nhiên thì bây giờ hái lượm vật dục thông qua công nghệ và kĩ nghệ. Tính người bị giảm thiểu, và tính người càng giảm thiểu bao nhiêu thì danh nghĩa dân chủ, văn minh, tự do và tiến bộ càng bị lạm dụng, mượn làm bình phong bấy nhiêu.

Con người, đặc biệt con người Việt Nam, cho đến lúc này, gồm cả trong nước và bên ngoài, dường như quen với lối hành xử văn minh hái lượm hơn là lối hành xử của văn minh công nghệ tiến bộ, của thứ văn hóa đỉnh cao mà con người đang cố vượt chạm. Bởi phát triển nóng, mọi công trình hay dự án đều dựa vào lợi nhuận, cho dù đó là lợi nhuận ảo và dựa vào quyền lực phe cánh, lợi ích nhóm để tiến hành nên nó đương nhiên đạp qua mọi lý lẽ, đạp qua mọi sự hiểu biết về nhân tính và đạp qua mọi giá trị lương tri để đạt mục đích. Nếu xét về vật dục, nhìn mọi thứ hào nhoáng mà nó thủ đắc sẽ khiến người ta mất tự tin về thân phận nhưng nhìn về căn cốt, tâm hồn hay tư tưởng thì nó chẳng khác gì khối bê tông vô tri, vô nghĩa.

Khi chính sách kinh tế vĩ mô luôn cổ súy cho thứ văn minh hái lượm và đánh đổi nó bằng các giá trị vật dục, giá trị tinh thần và lương tri dần bị triệt tiêu, thì đương nhiên, khả năng giữ trung tính của con người cũng sẽ dần mất đi, thậm chí bị tổn thương trầm trọng, dẫn đến tình trạng biến thái tập thể về mặt tâm hồn. Và những gì đang diễn ra trên đất nước này đã chứng minh điều đó. Và, ngày 30 tháng 4, phải chăng là cái ngày nhắc cho dân tộc này nhớ đến một câu chuyện khác, một tình tự khác về sự mất trung tính của tập thể và bản thân? Bởi mất khả năng trung tính nên thù hận không bao giờ dứt bỏ được, bởi mất khả năng trung tính nên sự hí hửng, tự kiêu tự đại về một thứ chiến thắng ảo giác chẳng bao giờ rời xa. Và hố thẳm của thù hận ngày càng giãn rộng giữa lòng một dân tộc đã đánh mất khả năng trung tính?!

Câu chuyện còn rất dài, một lát cắt nhỏ chỉ thêm buồn, nhưng dẫu sao cũng chấp nhận nhìn vào sự buồn của mình mà… may ra!

Song Chi: 46 năm sau cuộc chiến và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

  • Song Chi
  • Gửi đến BBC từ Leeds, Anh Quốc

Một cô gái trên đường phố Việt Nam mang khẩu trang với những địa danh Mỹ

GETTY IMAGES

Chiến tranh đã kết thúc từ lâu, vì sao vết thương vẫn chưa lành?

Đã 46 năm kể từ khi chiến tranh VN kết thúc. Thời gian dài gần bằng hai thế hệ.

Người cộng sản luôn tự hào là họ đã kết thúc được cuộc chiến, thống nhất được đất nước! Cứ mỗi dịp này báo chí nhà nước ở VN lại chạy hết công suất để nhắc lại những “chiến công” lừng lẫy trong “cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam”…còn bên kia ở hải ngoại nhắc lại những nỗi đau của “tháng Tư đen”.

Chỉ vài năm gần đây, những cụm từ như “chế độ ngụy, tay sai bán nước” một thời thường được “bên thắng cuộc” dùng để nói đến chế độ VNCH cũ đã bớt đi, một số bài viết cũng khéo léo dùng chữ “mừng ngày thống nhất đất nước” hơn là “mừng ngày chiến thắng”

Ngược lại, theo thời gian ngôn từ căm hận trong những bài viết của “bên thua cuộc” cũng nhẹ bớt. Nhưng tôi thấy vẫn còn đó nỗi đau, sự tiếc nuối cho một chữ “nếu” của lịch sử trớ trêu.

Cùng với nỗi đau chung cho đất nước là nỗi đau về những mất mát riêng của từng cá nhân, từng gia đình khi một biến cố lịch sử ập đến, đã làm đổi thay bao nhiêu số phận.

Có cả những câu chuyện của những người thuộc phe chiến thắng nhưng cũng ẩn chứa những nỗi đau khác, có người ngay sau ngày tiếng súng vừa tắt, đã ngồi bên vệ đường Sài Gòn để khóc vì biết mình bị lừa dối, uổng phí cả một thời tuổi trẻ để đi “giải phóng” một quốc gia tự do, nhân bản, văn minh, phồn thịnh hơn quốc gia nơi mình sinh ra và lớn lên, có người nhiều năm sau mới ngậm ngùi nhận ra mặt trái của tấm huân chương…

Mỗi gia đình Việt Nam đều có ngày 30/04

Cuộc đời của mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam tự nó đã là một cuốn sách, một bộ phim, qua đó người ta có thể hình dung được một phần bức tranh của dân tộc và nếu chỉ cần kể lại một cách trung thực, thì rất nhiều cuộc đời đó còn chân thực hơn gấp bao nhiêu lần những cuốn sách, bộ phim, của người Mỹ hay của người Việt, đã viết, đã thực hiện, về Chiến tranh Việt Nam.

Cũng như bao nhiêu gia đình người Việt khác, gia đình họ hàng tôi có cả hai phe Nam – Bắc và cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi theo chiều ngược nhau sau 30/04.

Saigon trong thang Tư 1975

GETTY IMAGES

Sự ly tán đã có trong thời chiến, thời hậu chiến gặp lại nhau, không ai bảo ai nhưng có một chủ đề chung đều muốn né tránh là chuyện chính trị, chuyện chiến tranh. Họ hàng thì vẫn là họ hàng, một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhưng quan điểm chính trị chẳng phải lúc nào cũng đồng thuận, trong một dòng họ đã như thế, nói gì giữa nhà cầm quyền với người dân.

Rồi hàng chục năm sau, họ hàng tôi lại tiếp tục ly tán, quê hương không còn là nơi đất lành chim đậu nên nhiều người phải bỏ nước ra đi, tản mác khắp bốn phương trời. Nhưng dù đã là công dân của nước khác, đa số người Việt vẫn đau đáu chuyện quê nhà, thì giờ dành để theo dõi, vui buồn theo từng biến cố ở VN nhiều hơn dành cho những sự kiện ở quê hương thứ hai.

Vì sao không quên được quá khứ?

Chỉ có thế hệ trẻ như con gái tôi, rời nước khi còn ở tuổi thiếu niên, hay những bạn trẻ sinh ra ở nước ngoài là không quan tâm bao nhiêu tới VN, và không hiểu nổi tại sao người Việt không thể quên?

Đó cũng là câu hỏi của rất nhiều người, rằng tại sao người Việt, ở cả hai phe, cứ luôn nhắc hoài về quá khứ? Sao không bỏ qua, cùng nhau nhìn về phía trước để xây dựng đất nước? Tại sao 40, 42, rồi 46 năm trôi qua nhưng hàng chục triệu người Việt, dù có dính líu trực tiếp đến cuộc chiến hay không, vẫn không thể bình an, thậm chí như một nhà thơ từng nói, là bị hội chứng PTSD (post-traumatic stress disorder)?

Câu trả lời thật ra rất đơn giản. Nếu sau chừng ấy năm, Đảng Cộng sản làm cho đất nước trở nên giàu mạnh, bảo vệ được chủ quyền trọn vẹn về lãnh thổ lãnh hải, người dân thực sự được sống trong một xã hội tự do, dân chủ, nhân bản, tiến bộ, Việt Nam có vị thế của mình trên thế giới, thì vết thương của cuộc chiến tranh đã qua, dẫu có tàn nhẫn đến đâu, cũng sẽ tự lành. Cả dân tộc sẽ khép lại quá khứ, chấp nhận thực tại và hào hứng hướng về tương lai. Chính vì đảng cộng sản không làm được như vậy, thậm chí ngược lại, nên nỗi đau vẫn cứ còn mãi, thời gian càng lùi xa, càng đau…

Sài Gòn ngay sau tháng Tư, 1975

GETTY IMAGES

Đẩy nhân dân vào cuộc chiến tương tàn vì lý tưởng XHCH nhưng sau đó Đảng Cộng sản đã phản bội lại chính những lý tưởng, học thuyết, mô hình thể chế chính trị mà họ từng mù quáng tin và bắt nhân dân phải tin theo. Họ đã phản bội lại hàng triệu người dân miền Bắc, trong đó có những người ngã xuống vì tin vào “cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ, giải phóng miền Nam”, cho một tương lai tốt đẹp hơn! Tất cả những gì họ đã từng hô hào chống lại trước kia giờ đây họ lại làm theo, nhưng tồi tệ hơn!

Không biết cần bao nhiêu thời gian để phục hồi, xây dựng lại là sự tàn phá về thiên nhiên-môi trường, về văn hóa, đạo đức xã hội, và về nhân cách, khí chất, lòng tự tôn của một dân tộc?

ĐCSVN đã bỏ qua rất nhiều cơ hội “vàng” để hòa giải hòa hợp thực sự với bên thua trận, với nhân dân, và để chuyển hóa thành một thể chế dân chủ đa đảng, hội nhập với xu hướng tiến bộ chung của thế giới.

Nghiêm trọng nhất là mối quan hệ bất xứng, thiệt thòi và nguy hiểm cho độc lập dân tộc của VN giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam-Trung Quốc trong suốt một thời gian dài, khiến Việt Nam phải liên tiếp trải qua hai cuộc chiến tranh khác là chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam, mất đảo, lãnh thổ, lãnh hải, phụ thuộc nặng nề về kinh tế, chính trị, và luôn luôn đứng trước nguy cơ hiểm họa bành trướng của Trung Quốc.

Tất cả những điều đó đã làm cho nỗi đau tháng Tư vẫn không thể nguôi vơi trong lòng rất nhiều người dân Việt Nam như tôi.

Nhưng không thể cứ nhìn mãi về quá khứ, về những sai lầm, những cơ hội đã bị bỏ lỡ.

Đường phố Hà Nội thời Covid

GETTY IMAGES

Một lần nữa, như một sự trớ trêu của lịch sử, Việt Nam lại nằm trong khu vực sẽ trở nên sôi động nhất, “nóng” nhất trong tương lai gần, với sự đối đầu giữa hai phe, một bên là Hoa Kỳ và các nước đồng minh, bên kia là Trung Quốc vừa bắt tay với Nga, và có thể có thêm Iran, Bắc Hàn, cùng cạnh tranh khốc liệt để giành ảnh hưởng, vị trí trên toàn cầu.

Nhìn lại thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai phe tư bản-cộng sản, Việt Nam có học được bài học lịch sử để một lần nữa, không trở thành con tốt trên bàn cờ chính trị thế giới, hoặc lẻ loi đơn độc và cuối cùng buộc phải ngả vào sự kiềm tỏa của phe Trung-Nga, liệu có là câu hỏi chỉ dành riêng cho nhà cầm quyền, hay cho tất cả người dân?

Từ giữa thập niên 1970, thế giới đã chứng kiến làn sóng thứ ba của quá trình dân chủ hóa lần đầu tiên diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha, rồi một số quốc gia trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, ở Trung Âu và Đông Âu là những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đã làm sụp đổ cả khối XHCN cũ.

Sống ở châu Âu nhưng tôi vẫn nhận thấy thật rõ thời gian gần đây một số quốc gia Á Đông tiếp tục có những chuyển động giữa một bầu không khí đang nóng lên trong toàn khu vực. Người dân Thái Lan đã đứng lên biểu tình chống lại chính phủ hiện tại và yêu cầu cải cách chế độ quân chủ, người dân Myanmar đang đổ máu từng ngày để đòi lại nền dân chủ non trẻ vừa bị quân đội thực hiện đảo chính và có nguy cơ trở lại với chế độ độc tài quân phiệt. Nhiều người đã bắt đầu nói đến một làn sóng dân chủ thứ tư sắp đến.

Chỉ có Việt Nam dường như vẫn đứng ngoài mọi biến động. Điều đáng buồn là người Việt, vốn đã chia rẽ vì nguyên nhân lịch sử, mấy năm vừa qua lại thêm chia rẽ vì bất đồng quan điểm khi nhận định về chính trị Mỹ, cộng với sự đàn áp ngày càng hà khắc của công an Việt Nam, khiến những tiếng nói đối lập, những hành vi phản kháng gần như chìm lắng hẳn.

Mỗi thế hệ suy cho cùng cũng chỉ có thể chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong thời của mình. Làm sao để Việt Nam không tiếp tục chịu số phận đi sai đường và thường xuyên bị nhỡ tàu, mà có thể hội nhập với thế giới tự do, để mai này đất nước, con người Việt Nam được “giải phóng” khỏi mọi sự kìm hãm và phát triển hết mức có thể; làm sao để 5, 10 năm nữa người Việt có thể thanh thản khi nhìn lại những trang sử cũ, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Song Chi, ra đi từ Sài Gòn, tỵ nạn tại Na Uy và hiện sống ở Anh.

BBC

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen