Seite auswählen

Bên cạnh thuyết pháp chánh niệm, vai trò chánh trị của ông nổi bật (và gây tranh cãi) không kém.

Võ Văn Quản

Ảnh trái: Thích Nhất Hạnh dẫn đầu một buổi đi bộ thiền tại Làng Mai ở Pháp vào năm 2014. Nguồn: PVCEB. Ảnh phải: Thích Nhất Hạnh tham gia cuộc diễu hành ở Mỹ vào năm 1982 nhằm kêu gọi giải giáp vũ khí hạt nhân. Nguồn: Plum Village. Ảnh giữa: Path of Happiness.

Trong các nhân vật lãnh tụ tôn giáo từ thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, Thích Nhất Hạnh có vẻ là người nổi tiếng nhất, song cũng gây tranh cãi nhất.

Một mặt, tại phương Tây, thiền phái của Thích Nhất Hạnh cũng như sách thiền, sách Phật học do ông viết có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ. [1] Ông được xưng tụng là người cha của chánh niệm (mindfulness). Người Tây phương có vẻ rất thích thú với định hướng Phật giáo của Thích Nhất Hạnh.

Trong một bài giảng đạo nổi tiếng, ông từng cho rằng ai cũng có thể trở thành Bồ tát (bodhisattvas) nếu họ học cách tìm thấy niềm vui và thanh thản ngay ở những hành động nhỏ nhặt nhất như lột cam hay uống trà. Với hơn 70 quyển sách được xuất bản, vai trò của Thích Nhất Hạnh trong đời sống tâm linh phương Tây là không thể phủ nhận.

Christiana Figueres, cựu thư ký thường trực của Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, từng chia sẻ vào năm 2016 rằng cô đã không thể tham gia và xây dựng thành công Hiệp định Paris nếu không nhờ vào những lời giảng dạy của Thích Nhất Hạnh. Giám đốc Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim gọi quyển “Phép màu của Chánh niệm” (Miracle of Mindfulness) của Thích Nhất Hạnh là quyển sách ưa thích nhất của ông. [2]

Thích Nhất Hạnh trong một bức ảnh chụp tại Làng Mai vào năm 2009. Ảnh: PVCEB.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, đặc biệt đối với cộng đồng người Việt hải ngoại hình thành ngay sau năm 1975 và những người trong nước có tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, Thích Nhất Hạnh không khác gì con cờ của chính quyền Bắc Việt.

Cùng với Phật giáo Ấn Quang, một nhánh chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoạt động tích cực tại miền Nam Việt Nam, Thích Nhất Hạnh và giới tăng sư phản chiến thời kỳ này bị nhiều người gọi là “phản quốc” hay “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”.

Điều gì đã tạo ra hai hình ảnh thuộc về hai thái cực khác biệt nhau đến như vậy? Liệu đó có phải là hiểu nhầm? Định mệnh của lịch sử? Hay chúng là sự thật? Bài viết sẽ không đi quá xa về việc bình luận hay đưa ra những giả thiết mang tính chất âm mưu thường thấy về vị thiền sư lừng danh này (như về đời sống vợ chồng, con riêng hay thực tế tu tập). Do bản thân Thích Nhất Hạnh ít khi được bàn đến trong sử sách chính thống Việt Nam, tác giả mong muốn cung cấp cho bạn đọc những thông tin còn thiếu sót đó.

Con đường đến danh tiếng quốc tế

Danh tiếng của Thích Nhất Hạnh trước tiên đến từ quốc gia nơi ông sinh ra. Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926, lớn lên tại Huế, Việt Nam. [3] Ông được ghi nhận là có định hướng tu hành khi còn khá nhỏ. Năm 16 tuổi, Nguyễn Xuân Bảo xuất gia theo phái Thiền Tông tại Việt Nam và chính thức trở thành một sư thầy vào năm 1951.

So với độ tuổi, Thích Nhất Hạnh đạt được những thành tựu tôn giáo đáng kể. Ở giữa tuổi 20, Thích Nhất Hạnh đã có sách xuất bản riêng. Ông bắt đầu quảng bá cho cách tiếp cận đổi mới của riêng ông về Phật giáo.

Thích Nhất Hạnh vào những năm 1950. Ảnh: PVCEB.

Ông chỉ trích Phật giáo miền Nam Việt Nam thời kỳ này quá phi chính trị và cách biệt với đời sống người dân. Từ đó, ông phát động phong trào Phật giáo Dấn thân (thường được biết đến ở phương Tây là “Engaged Buddhism”). [4] Nhiệm vụ của phong trào này là áp dụng triết lý và điều răn dạy của Phật giáo vào đời sống thực tế để giải quyết các vấn đề như chiến tranh, bất bình đẳng xã hội hay đàn áp chính trị. Thích Nhất Hạnh đồng thời là chủ biên của Tạp chí Phật học Việt Nam, một tờ báo chỉ được phát hành tại miền Nam Việt Nam.

Năm 1960, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Miền Nam Việt Nam là dấu mốc đẩy các cuộc xung đột, giết chóc tại miền Nam Việt Nam ngày càng leo thang và lan tỏa vào thành phố.

Phong trào Phật giáo Dấn thân của Thích Nhất Hạnh được cho là trở thành cái gai trong mắt của chính quyền Ngô Đình Diệm khi công khai phản đối nhiều hoạt động quân sự và khuyến khích người dân phản chiến.

Tuy vậy, Thích Nhất Hạnh vẫn đến Sài Gòn sinh sống trong một thời gian trước khi được chọn tham gia vào chương trình trao đổi do Đại học Princeton, Hoa Kỳ tài trợ. Ông học tập về Tôn giáo học So sánh (Comparative Religion) và được bổ nhiệm làm giảng viên môn Phật giáo Đông phương tại trường Đại học Columbia sau khi kết thúc khóa học. Đây là giai đoạn Thích Nhất Hạnh bắt đầu xây dựng danh tiếng của mình như một nhà vận động phản chiến, hay thậm chí có thể nói là một trong những người đầu tiên khơi mào cho phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Ông nhanh chóng trở thành gương mặt “người thật việc thật” từ Việt Nam được giới phản chiến Hoa Kỳ thời điểm này ưa chuộng.

Năm 1963, sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh và giết hại, Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam và tiếp tục các hoạt động của mình. Danh tiếng và ảnh hưởng của Thích Nhất Hạnh đối với phong trào phản chiến trong nước được tăng cường.

Ngay sau khi chính phủ Sài Gòn mới thành hình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Thích Nhất Hạnh là một trong những thành viên tích cực nhất.

Ông được giao làm chủ bút của tuần báo Hải Triều Âm – cơ quan ngôn luận chính của Viện Hóa đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. [5] Tuần báo này thu hút nhiều tác giả Phật học, nghị luận viên có tiếng nói và nhanh chóng trở thành tạp chí tôn giáo phổ biến nhất miền Nam Việt Nam. Ông cũng tạo cơ sở cho việc thành lập một trường học Phật giáo dành riêng cho thanh thiếu niên có tên gọi Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. [6]

Thích Nhất Hạnh dạy trẻ em tập đọc bằng một bài hát về Quán Thế Âm Bồ Tát tại một làng tự nguyện những năm 1960. Ảnh: PVCEB.

Hải Triều Âm lẫn Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội đều có xu hướng chống chính phủ Sài Gòn. Các bài viết của Hải Triều Âm đều có mục tiêu chung là chỉ trích Ngô Đình Diệm và biện giải cho phong trào Phật giáo trước đó, với điểm nhấn là việc Thích Quảng Đức tự thiêu. Tờ báo còn dấn sâu vào việc phê bình chính phủ đương thời miền Nam Việt Nam, yêu cầu loại bỏ các thành phần “thân Diệm” còn sót lại trong chính quyền, đồng thời chỉ trích khả năng can thiệp của quân đội Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam.

Bản thân Thích Nhất Hạnh cũng cho ra đời quyển “Hoa sen trong biển lửa”, viết bằng tiếng Việt (xuất bản và biết đến tại phương Tây với tên gọi “Lotus in the Sea of Fire”). [7] Theo người viết, cuốn sách này là tác phẩm phê bình và đấu tranh chính trị thuần túy. Nó bàn và phân tích cả đến vấn đề lịch sử Việt Nam cận đại với mục tiêu gây ảnh hưởng lên dư luận; và chỉ là “vô tình” có sử dụng ngôn ngữ Phật học.

Năm 1966, nhận lời mời của Đại học Cornell, Thích Nhất Hạnh lên đường sang Hoa Kỳ. [8] Chuyến đi trở thành chuyến công du tại hơn 19 quốc gia. Ông phát biểu trước Quốc hội Vương quốc Anh, Quốc hội Canada, Quốc hội Thụy Điển. Ông gặp gỡ với hai đại diện của hai chiến tuyến ở Hoa Kỳ: phe chủ chiến của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara và phe phản chiến do Thượng Nghị sĩ William Fulbright đứng đầu. Ông thậm chí còn có cơ hội gặp gỡ riêng và trình bày ý kiến với Giáo hoàng Paul VI.

Thông điệp chủ đạo của Thích Nhất Hạnh tại nước ngoài nhất nhất như một: đòi hỏi Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào chiến tranh Việt Nam; yêu cầu các hoạt động quân sự của quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân đội Hoa Kỳ chỉ được giới hạn trong phạm vi phòng vệ; lên án các vi phạm nhân quyền nói chung và quyền tôn giáo nói riêng tại miền Nam Việt Nam; yêu cầu chính quyền Sài Gòn thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và từ đó chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. [9]

Thông điệp này bị cho là vượt quá vai trò của một lãnh tụ tôn giáo, và khá dễ hiểu khi nó không được Việt Nam Cộng hòa chào đón. Thích Nhất Hạnh bị cấm trở lại miền Nam Việt Nam. Song trong cuộc sống tha hương, hình ảnh và quan điểm của ông ngày càng phổ biến ở phương Tây, mà đặc biệt là Hoa Kỳ. Giới hippies phổ nhạc những bài thơ phản chiến của Thích Nhất Hạnh, và Martin Luther King đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình năm 1967. [10]

Thích Nhất Hạnh cùng mục sư Martin Luther King trong một cuộc họp báo về chiến tranh Việt Nam ở Chicago vào ngày 31/5/1966. Ảnh: PVCEB.

Dù công khai chống lại phe chủ chiến ở Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn trong suốt hai thập niên tồn tại ngắn ngủi của quốc gia này, Thích Nhất Hạnh luôn xem mình nằm ở vị trí trung lập và chưa bao giờ đứng về phe nào. Quan điểm này cũng được báo chí thế giới phản ánh ghi nhận.

Trong luận thư đính kèm với một bài thơ phản chiến gửi cho ấn phẩm New York Review of Books, ông khẳng định: [11]

“Người ta cho rằng chúng tôi quá ngu ngơ về Cộng sản. Chúng tôi không như thế. Chúng tôi biết rằng Phật giáo bị quản thúc và kiểm soát như thế nào tại miền Bắc. Chúng tôi đã được học về những gì xảy ra tại Trung Hoa. Chúng tôi biết không có chỗ cho tâm linh trong chủ nghĩa Marx.

Và chúng tôi đã sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh chính trị hòa bình đối với những người Cộng sản, nhưng nó chỉ có thể thực hiện nếu chiến tranh kết thúc. Chúng tôi tin rằng người dân miền Nam Việt Nam có thể tự bảo vệ mình khỏi chủ nghĩa Cộng sản nếu họ được trao quyền tự quyết và thực hiện đời sống chính trị của mình trong hòa bình”.

“Kẻ phản bội”?

Những hoạt động chính trị của Thích Nhất Hạnh liên quan đến chiến tranh Việt Nam đã giúp ông trở nên nổi tiếng và nay, có thể nói, là lãnh tụ Phật giáo có ảnh hưởng nhất thế giới, chỉ đứng sau Đức Dalai Lama.

Song dù phong trào phản chiến giúp tiếng nói của ông nhận được sự đồng cảm và ủng hộ rất lớn từ giới bình dân phương Tây, Thích Nhất Hạnh không tìm được nhiều sự ủng hộ từ chính những người ông từng hứa sẽ bảo vệ – người dân miền Nam Việt Nam. Và người viết, ở mức độ nào đó, hiểu được sự bất mãn của phần lớn những người sinh sống dưới thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt là những thuyền nhân phải vượt biên sau năm 1975.

Bạn đọc có thể tham khảo những quan điểm này, được tổng hợp tương đối rời rạc trong tác phẩm “The Dark Journey: Inside the Re-education Camps of Vietcong” của tác giả Hoa Minh Truong, do Strategic Book Publishing xuất bản. [12] Người viết đã cân nhắc và nhận thấy nhà xuất bản có trụ sở ở Hoa Kỳ từng vướng vào nhiều tranh chấp pháp lý với các tác giả và cộng sự, và chắc chắn chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng biên tập của họ. Tuy nhiên, xét về mặt thông tin, không quá khó để kiểm chứng lại chúng.

Điểm thứ nhất, nhiều người chỉ ra tiêu chuẩn kép trong các vận động chính trị của Thích Nhất Hạnh.

Dù cực lực lên án Hoa Kỳ tham chiến và phê phán tình trạng nhân quyền của chính quyền miền Nam Việt Nam, ông chưa bao giờ có thái độ tiêu cực đối với vai trò của quân đội Trung Quốc tại Bắc Việt, hay việc quân đội Bắc Việt Nam tiến vào miền Nam Việt Nam. Đặc biệt hơn, ông chưa từng dám lên tiếng phản đối những chiến dịch khủng bố, ám sát tại đô thị do lực lượng Mặt trận (thường được quân nhân Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn gọi là Việt Cộng) thực hiện.

Người dân chạy nạn đợt tấn công Mậu Thân 1968 trở về Huế sau khi binh lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tái chiếm thành phố. Hình chụp ngày 13/3/1968. Nguồn: Getty Images.

Đây là luận điểm mà người viết cho rằng không hề nói quá. Từ các cuộc thảm sát sau Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 do chính quyền Bắc Việt và phe Mặt trận chủ động thực hiện, cho đến hàng loạt những vụ đánh bom nhắm vào các mục tiêu dân sự suốt từ năm 1968 cho đến 1975, người viết không tìm được bất kỳ tài liệu nào về việc Thích Nhất Hạnh lên tiếng phản đối hay lên án những hành vi leo thang vũ lực của phía chính quyền cộng sản, dù ông luôn tự nhận mình là người trung lập.

Trong suốt giai đoạn này, Thích Nhất Hạnh vẫn tiếp tục những nỗ lực phản chiến, hay đúng hơn là chỉ trích chính quyền Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam Việt Nam. Đây là điều khó lý giải, bởi sau sự kiện Mậu Thân 1968 đẫm máu, khó ai có thể nghĩ phe quyết chiến tại Việt Nam thật sự là Hoa Kỳ hay chính quyền Sài Gòn.

Song những nỗ lực của Thích Nhất Hạnh với phong trào phản chiến quốc tế vẫn thành công trong việc đẩy toàn bộ trách nhiệm của việc leo thang chiến sự tại miền Nam Việt Nam về phía liên minh Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Một năm trước sự kiện Mậu Thân 1968, trong tác phẩm “Hoa sen trong biển lửa” đã nhắc đến ở trên, ông vẫn cho rằng Mặt trận là một lực lượng đại diện ý nguyện nhân dân mà cả Hoa Kỳ lẫn Sài Gòn phải tôn trọng ý kiến. [13]

Vậy, nói về tự do tôn giáo và bảo vệ Phật giáo, liệu Thích Nhất Hạnh có tiền hậu bất nhất hay không? Có nhiều bằng chứng cho thấy là có.

Trong giai đoạn trước 1975, đặc biệt là sau 1963, dù Lễ Phật Đản và các hoạt động Phật giáo được tiến hành một cách hết sức thuận lợi, [14] Thích Nhất Hạnh vẫn vận động mạnh mẽ và nhiều lần lên án chính quyền Sài Gòn trong vấn đề tự do tôn giáo tại quốc hội nhiều nước hay tại Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, sau năm 1975, ông gần như không có bất kỳ chỉ trích nào dành cho Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và sau đó là Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dù các tăng lữ, tăng ni thuộc phái của chính ông phải chịu sự đàn áp và tổn thất nặng nề.

Ngay sau giải phóng, cơ sở Phật giáo của các giáo phái trong nhánh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) như Ấn Quang hay Quốc Tự bị tịch thu trên diện rộng, dù phái Ấn Quang của Thích Nhất Hạnh khá ủng hộ Mặt trận trước đó.

Năm 1977, khi việc quốc hữu hóa tài sản của GHPGVNTN trở nên quyết liệt và phổ biến hơn, Ban trị sự của Giáo hội cũng ra lời kêu gọi tổ chức biểu tình. [15] Song phong trào dân sự, tôn giáo thời điểm này không dễ dàng thành công như trong thời kỳ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Những chức sắc lãnh đạo cuộc biểu tình như Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị bắt và bị xét xử hình sự. Các cuộc tự thiêu chìm vào quên lãng.

Thích Quảng Độ trong phiên tòa vào tháng Tám năm 1995 tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Hòa thượng Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực và hai Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường. Ảnh: Phật tử Việt Nam.

Đến năm 1981, Giáo hội này bị chính quyền giải thể bằng quyết định hành chính. Thay vào đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời sau cuộc họp của các đại diện tăng lữ do chính quyền chỉ định.

Kể từ lúc ấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự nhận mình là đại diện độc tôn của tất cả các hoạt động Phật giáo của người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước. Nó cũng là thành viên đại diện duy nhất của tôn giáo này trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Năm 1981 cho đến đầu thập niên 1990 là giai đoạn mà hoạt động tôn giáo bị kiểm soát chặt chẽ, với việc các cá nhân phản đối bị bắt bớ, giam giữ và xét xử.

Thích Quảng Độ, lãnh đạo cuối cùng của GHPGVNTN, ra tù vào năm 1998 và tá túc tại Thanh Minh Thiền viện ở thành phố Hồ Chí Minh dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Do sức ép quá lớn và sự xuất hiện thường xuyên của lực lượng an ninh, công an, Thích Quảng Độ sau đó phải rời thiền viện này. [16] Ông mất vào đầu năm 2020.

Câu chuyện về sự đàn áp của chính quyền đối với GHPGVNTN, bằng cách nào đó, chưa bao giờ tìm được đường vào những lời giảng hay những bài phát biểu của Thích Nhất Hạnh tại nước ngoài. Ngược lại, ông tập trung phổ biến và xây dựng nhiều chi nhánh Phật giáo Thiền tông của mình tại nước ngoài, tận hưởng những thành công lớn cả về mặt tôn giáo lẫn tài chính.

*** 

Trong một khoảng thời gian dài, Thích Nhất Hạnh không hề lên tiếng về những bất công mà người dân miền Nam Việt Nam phải gánh chịu sau năm 1975, về nỗi thống khổ của hơn hai triệu thuyền nhân Việt Nam và hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển; hay ra mặt bảo vệ quyền lợi cho chính giáo hội trong nước của mình.

Đến năm 2005, Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam để chủ trì Đại lễ cầu siêu cho các “nạn nhân chiến tranh Việt Nam”. Trớ trêu thay, ông cũng chỉ làm việc thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với sự can dự sâu của chính quyền trước mặt truyền thông quốc tế.

Thích Nhất Hạnh thăm chùa Thiên Mụ tại Huế vào năm 2005. Ảnh: Dang Ngo/ Zuma Press.

Đây có thể xem là giọt nước tràn ly khiến cho một bộ phận lớn người Việt hải ngoại cũng như giới nghiên cứu chiến tranh Việt Nam khó có thể cân nhắc Thích Nhất Hạnh như là một nhân vật trung lập với chánh niệm Phật giáo thuần túy.

Hiển nhiên, Thích Nhất Hạnh có thể tự xem mình là kẻ thù của cả hai phía trong chiến tranh Việt Nam; như ông tự kể một cách châm biếm rằng tội của ông là “đã xem con người của cả hai bên là anh em, dù họ thuộc phía Cộng sản hay thuộc phía chống Cộng”. [17]

Với những bằng chứng đã có, người viết cho rằng chánh niệm của Thích Nhất Hạnh chưa bao giờ chỉ là chánh niệm. Ông thành lập ra phong trào Phật giáo Dấn thân là để can dự và tham gia vào cuộc đối thoại, tranh cãi chính trị của Chiến tranh Việt Nam. Vậy nên, dù đúng hay sai, lịch sử có quyền tháo bỏ cái hào quang thánh người ta đội cho ông và xét lại vai trò của ông như nó đã làm với bất kỳ ai.

 VÕ VĂN QUẢN

Luật Khoa tạp chí  (24.01.2022)

Chú thích:

  1.  Aidyn Fitzpatrick. (2019, January 24). The Monk Who Taught the World Mindfulness Awaits the End of This Life. Time. Retrieved 2022, from https://time.com/5511729/monk-mindfulness-art-of-dying/
  2. Xem [1]
  3.  Kyte, L. (2022, January 21). The Life of Thich Nhat Hanh. Lion’s Roar. Retrieved 2022, from https://www.lionsroar.com/the-life-of-thich-nhat-hanh/
  4.  Thich Nhat Hanh. (2021, June 10). The Fourteen Precepts of Engaged Buddhism. Lion’s Roar. Retrieved 2022, from https://www.lionsroar.com/the-fourteen-precepts-of-engaged-buddhism/
  5. Thích Giác Toàn. (Aug 2014). Lược Sử Báo Chí Phật Giáo Việt Nam Từ Năm 1951 Đến Năm 1975. Thư viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/a21838/luoc-su-bao-chi-phat-giao-viet-nam-tu-nam-1951-den-nam-1975
  6.  Chân Diệu Hải. (2014). Trái tim thanh niên phụng sự xã hội – Làng Mai. Làng Mai. Retrieved 2022, from https://langmai.org/dai-may-tim/van/cau-van-cua-long-truoc-2014/trai-tim-thanh-nien-phung-su-xa-hoi/
  7.  Vietnam: Lotus in a Sea of Fire – A Buddhist Proposal for Peace: Thich Nhat Hanh, Thomas Merton: 9780809013340: Amazon.com: Books. (1967). Amazon. Retrieved 2022, from https://www.amazon.com/Vietnam-Lotus-Buddhist-Proposal-Peace/dp/0809013347
  8.  Modernity and Re-enchantment. (2007). Google Books. Retrieved 2022, from https://books.google.com.vn/books?id=0h9qDwAAQBAJ
  9.  A Proposal for Peace: 1 June, 1966. (2019, October 10). Plum Village. Retrieved 2022, from https://plumvillage.org/about/thich-nhat-hanh/letters/a-proposal-for-peace-1-june-1966/
  10.  Schedneck, B. (2019, March 18). Thich Nhat Hanh, the Buddhist monk who introduced mindfulness to the West, prepares to die. The Conversation. Retrieved 2022, from https://theconversation.com/thich-nhat-hanh-the-buddhist-monk-who-introduced-mindfulness-to-the-west-prepares-to-die-111142
  11.  Thich Nhat Hanh. (2021, November 21). A Buddhist Poet in Vietnam | by Thich Nhat Hanh. The New York Review of Books. Retrieved 2022, from https://www.nybooks.com/articles/1966/06/09/a-buddhist-poet-in-vietnam/
  12.  The Dark Journey. (2010). Google Books. Retrieved 2022, from https://books.google.com.vn/books?id=082R3MlMLfAC
  13.  Congressional Record. (1967). Google Books. Retrieved 2022, from https://books.google.com.vn/books?id=BNZwcP4UuZEC
  14.  Phật Giáo A Lưới. (2015). Lễ Phật đản năm 1964 trong ký ức người dân Sài Gòn – Phật giáo A Lưới. Phật Giáo A Lưới. Retrieved 2022, from http://phatgiaoaluoi.com/news/Dien-dan/Le-Phat-dan-nam-1964-trong-ky-uc-nguoi-dan-Sai-Gon-6088/#.XZmNYVUzbix
  15.  Vietnam. (1995). Human Rights Watch. Retrieved 2022, from https://www.hrw.org/reports/1995/Vietnam.htm
  16.  RFA. (2020, October 11). Hoà Thượng Thích Quảng Độ bị đuổi khỏi Thanh Minh Thiền Viện. Radio Free Asia. Retrieved 2022, from https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ven-thich-quang-do-evicted-10072018085741.html
  17.  BBC Vietnamese. (2005). BBC Việt Ngữ. Retrieved 2022, from https://www.bbc.com/vietnamese/regionalnews/story/2005/01/050110_thichnhathanh

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen