Seite auswählen

GS Hồ Vĩ: ‚Trung Quốc cần vứt lẹ Putin để không bị cô lập cùng Nga‘

A service member of pro-Russian troops in uniform without insignia jumps off a tank with the letters "Z" painted on it outside a residential building which was damaged during Ukraine-Russia conflict in the separatist-controlled town of Volnovakha in the Donetsk region, Ukraine March 11, 2022.

REUTERS Xe tăng Nga ở Ukraine

Trong lúc truyền thông Trung Quốc cố tỏ ra ‘trung lập’ trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, một bộ phận trí thức, cán bộ nước này (giống như ở Việt Nam), nhiệt tình ủng hộ ‘Putin thắng trận’, có tiếng nói từ Trung Quốc kêu gọi “chọn bên thắng trận là hòa bình thế giới, bỏ chơi với Putin”.

Bài của tác giả Hồ Vĩ (Hu Wei), Phó Chủ tịch Trung tâm Nguyên cứu Chính sách Công thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Chính sách công Thượng Hải (Shanghai Public Policy Research Association) đề nghị lãnh đạo Trung Quốc hãy bỏ cách đứng về phía Kremlin để không bị cô lập và hứng chịu hậu quả Phương Tây nhắm tới.

Giáo sư Hồ Vĩ, trong bài đăng bản tiếng Trung hôm 05/03/2022 nhưng nhanh chóng bị xóa đi trên mạng ở TQ, đã nhận định rằng Vladimir Putin “cuối cùng sẽ sụp đổ, kể cả có thắng về quân sự ngắn hạn ở Ukraine”, và vùng Đông Á sẽ ngày càng nghiêng về sức mạnh của Hoa Kỳ và đồng minh dân chủ.

Sự kiện này được nhiều báo quốc tế đăng tải như bài “Ukraine war: China risks isolation if it doesn’t distance itself from Russia, says Shanghai academic” trênSCMP(14/03/2022).

BBC News Tiếng Việt giới thiệu một số đoạn từ bản dịch tiếng Anh của Lưu Gia Kỳ ngày 12/03/2022 được các trang như uscnpm.org đăng tải song ngữ.

Dự đoán về kết quả chiến tranh Nga-Ukraine:

“Xung đột lớn nhất châu Âu từ sau Thế Chiến II có thể còn gia tăng, và không thể nào loại trừ khả năng Phương Tây dính líu vào….Khi mà sự gia tăng sẽ vô cùng tốn kém, có thể đoán với khả năng cao rằng Putin không bỏ cuộc dễ dàng, vì tính cách của ông ta, và vì quyền lực. Cuộc chiến có thể lan ra bên ngoài Ukraine, thậm chí có thể có cuộc tấn công nguyên tử. Nếu điều đó xảy ra, Hoa Kỳ và châu Âu sẽ không ngồi yên, và mọi sự sẽ làm nổ ra thế chiến, hay thậm chí chiến tranh hạt nhân. Kết quả sẽ là đại thảm họa cho nhân loại và sẽ là cuộc đấu (showdown) giữa Mỹ và Nga. Cuộc tranh giành cung cuộc sẽ tồi tệ cho Putin, nếu nhìn vào sức mạnh quân sự của Nga không bằng nổi của Nato.

Kể cả khi Nga chiếm được Ukraine thì đó là “lò lửa chính trị” (烫手的山芋). Nga sẽ phải ôm gánh nặng lớn, sẽ bị choáng ngợp và thực ra, không quan trọng là Volodymyr Zelensky còn sống hay chết thì người Ukraine sẽ lập chính phủ lưu vong để chống Nga về lâu dài. Nga sẽ vừa chống đỡ lệnh trừng phạt của Phương Tây, vừa chống lại nội loạn ở Ukraine trong cuộc chiến trường kỳ.”

Kinh tế Nga sẽ không chịu nổi và cuối cùng sẽ quỵ xuống và thời kỳ này sẽ không quá vài năm.”

Đánh giá rằng Trung Quốc bênh Nga nhưng cố ra vẻ “trung lập”, ông Hồ Vĩ khuyến cáo chính phủ nước mình “cần chọn bên”, vì quyền lợi quốc gia lâu dài.

Về thế giới hậu chiến tranh Nga-Ukraine, ông viết:

The Duke and Duchess of Cambridge with Olena and Volodymyr Zelensky at Buckingham Palace in October 2020

PA MEDIA Hoàng tử William và Nữ công tước Cambridge đón TT Volodymyr Zelensky và Phu nhân Olena tại Điện Buckingham, London vào tháng 10/2020. GS Hồ Vĩ tin rằng Phương Tây sẽ mạnh lên và thu hút thêm nhiều xứ sở theo họ sau cuộc chiến thất bại của Nga ở Ukraine.

“Thế lực Phương Tây sẽ tăng đánh để, Nato sẽ bành trường tiếp, và ảnh hưởng cùa Hoa Kỳ ở thế giới ngoài Phương Tây sẽ chỉ tăng. Sau cuộc chiến này, bất kể Nga đạt thành tựu gì, nước này sẽ chỉ có yếu đi, và cùng nó là các thế lực chống Phương Tây trên thế giới.

Khung cảnh xảy ra như ở khu vực Xô Viết và Đông Âu biến động sau 1991: các thuyết “kết thúc thời của ý thức hệ” sẽ tái hiện, và sự trỗi dậy của làn sóng thứ ba dân chủ hóa sẽ mất đà, và nhiều nước Thế giới thứ ba sẽ theo Phương Tây. Phương Tây sẽ bá quyền (hegemony) hơn trước, cả về quân sự và các giá trị, các định chế, và quyền lực cứng, và quyền lực mềm của nó sẽ lên đỉnh cáo mới.

Trung Quốc thì sẽ tiếp tục bị cô lập khi bối cảnh mới này hình thành. Vì các lý do trên, nếu Trung Quốc không chủ động tìm cách đối phó, thì quốc gia sẽ còn bị bao vây tiếp từ phía Hoa Kỳ và Phương Tây.”

Một khi Putin sụp đổ, Hoa Kỳ không còn phải đối mặt với hai đối thủ mà chỉ cần bao vây chiến lược Trung Quốc. Châu Âu sẽ bỏ Trung Quốc, Nhật Bản sẽ trở nên tiền đồn chống Trung Quốc và Nam Hàn ngả mạnh vào vòng tay Mỹ. Đài Loan sẽ gia nhập dàn đồng ca chống TQ và cả thế giới, theo tâm lý đám đông, sẽ đi theo phe mạnh.

Trung Quốc sẽ không chỉ bị bao vây quân sự bởi Hoa Kỳ, Nato, the QUAD, AUKUS, mà còn bị các giá trị Phương Tây và hệ thống của họ thách thức.”

Ông Hồ Vĩ bày tỏ lo ngại về viễn kiến trên và đề xuất Trung Quốc “phá vòng vây” càng sớm càng tốt.

“Cần thoát thế bị cô lập’

Mục tiêu của ông là “tịnh tiến bãi thoát cô lập cục diện” bằng cách bỏ ngay Putin, bỏ ngay “trung lập hình thức” để tái thiết hình ảnh quốc tế của Trung Quốc và làm dịu đi quan hệ với Hoa Kỳ, và Phương Tây.

Xi Jinping and Vladimir Putin at the Kremlin

EPA Hai ông Tập và Putin ‘cùng nhìn về tương lai’?

“Dù khó khăn và cần trí huệ lớn, đây là giải pháp tốt nhất cho tương lai Trung Quốc,” ông viết.

“Trung Quốc cần chứng tỏ vai trò là một đại cường có trách nhiệm, không thể cứ đứng cạnh Putin mà phải có hành động cụ thể ngăn Putin phiêu lưu tiếp.

Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới có năng lực làm việc đó. Mất sự ủng hộ của TQ, Putin sẽ có khả năng chấm dứt chiến tranh sớm…Kết quả là TQ sẽ thắng được nhân tâm, sự công nhận quốc tế vì đã giúp gìn giữ hòa bình (nguyên văn: ghi công đầu về hòa bình – duy hộ thế giới hòabình lập hạ liễu đầu công 和平立下了头功) và điều đó sẽ có thể giúp làm giảm đi nguy cơ cô lập trong nay mai, và có thể còn tạo ra cơ hội cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ và Phương Tây.”

Tính từ thời điểm đăng bài, GS Hồ nói Trung Quốc chỉ còn hai ba tuần để ra quyết định “chọn bên” trước khi quá muộn.

Tin từ Rome 15/03/2022 cho hay sau cuộc gặp với Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan của Mỹ, nhà ngoại giao cao cấp TQ Dương Khiết Trì cam kết sẽ “tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Ukraine”.

GS Hồ Vĩ từng là học giả tại Viện Harvard-Yenching Institute và là tác giả nhiều công trình nghiên cứu về Trung Quốc.

KẾT QUẢ CÓ THỂ XẢY RA CỦA CHIẾN TRANH NGA-UKRAINE VÀ SỰ LỰA CHỌN CỦA TRUNG QUỐC

 

Tác giả: Hu Wei, dịch ra tiếng Anh bởi Jiaqi Liu, US-China Perception Monitor, ngày 13 tháng 3 năm 2022 


Người dịch: Lê Nguyễn

Diễn Đàn Khai Phóng

Cập nhật ngày 13 tháng 3 năm 2022: Bài viết dưới đây được tác giả gửi cho ấn bản tiếng Trung [1] của US-China Perception Monitor. Bài báo không được ủy quyền bởi US-China Perception Monitor, tác giả cũng không liên kết với Carter Center hay US-China Perception Monitor.

Hu Wei là phó chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công của Văn phòng Tham tán Quốc vụ viện, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Công Thượng Hải, Chủ tịch Ủy ban Học thuật của Viện Chahar, một giáo sư và là một chủ nhiệm giám sát luận án tiến sĩ. Để đọc thêm về Hu, xem tham khảo dưới đây[2] để đọc bài viết của ông về “Đặng Tiểu Bình đã điều phối các vấn đề trong nước và quốc tế như thế nào?”

Bài này được viết vào ngày 5 tháng 3 năm 2022. Do Jiaqi Liu dịch từ tiếng Trung ra tiếng Anh vào ngày 12 tháng 3 năm 2022.

Chiến tranh Nga-Ukraine là cuộc xung đột địa chính trị nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai và sẽ dẫn đến hậu quả toàn cầu lớn hơn nhiều so với các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9. Vào thời điểm quan trọng này, Trung Quốc cần phân tích và đánh giá chính xác hướng đi của cuộc chiến và tác động tiềm tàng của nó đối với cục diện quốc tế. Đồng thời, để phấn đấu có được môi trường bên ngoài tương đối thuận lợi, Trung Quốc cần ứng phó linh hoạt và đưa ra các lựa chọn chiến lược phù hợp với lợi ích lâu dài của mình.

‘Chiến dịch quân sự đặc biệt’ của Nga chống lại Ukraine đã gây ra sự tranh cãi rất lớn ở Trung Quốc, với những người ủng hộ và phản đối, chia thành hai phe đối lập không thể dứt ra được. Bài viết này không đại diện cho bất kỳ bên nào và cũng không nhằm giúp để đánh giá hay tham khảo của cấp ra quyết định cao nhất ở Trung Quốc, nó chỉ nhằm tiến hành phân tích khách quan về hậu quả chiến tranh có thể xảy ra cùng với các phương án đối phó tương ứng của nó.

I. Dự đoán tương lai của Chiến tranh Nga-Ukraine

1. Vladimir Putin có thể không đạt được các mục tiêu mong đợi của mình, điều này khiến nước Nga rơi vào thế ngặt nghèo. Mục đích của cuộc tấn công của Putin là để giải quyết hoàn toàn vấn đề Ukraine và chuyển hướng sự chú ý khỏi cuộc khủng hoảng trong nước của Nga bằng cách đánh bại Ukraine qua một cuộc tấn công chớp nhoáng, thay thế lãnh đạo và xây dựng một chính phủ thân Nga. Tuy nhiên, cuộc tấn công chớp nhoáng đã thất bại và Nga không thể hỗ trợ một cuộc chiến kéo dài và chi phí cao kèm theo đó. Phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ đặt Nga vào phía đối lập với toàn thế giới và do đó không thể nào thắng được. Tình hình cả trong và ngoài nước cũng ngày càng bất lợi. Ngay cả khi quân đội Nga chiếm đóng thủ đô Kyiv của Ukraine và thành lập một chính phủ bù nhìn với một chi phí cao, điều này cũng không có nghĩa là chiến thắng cuối cùng. Tại thời điểm này, lựa chọn tốt nhất của Putin là kết thúc chiến tranh một cách tử tế dứt khoát thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, điều này đòi hỏi Ukraine cũng phải có những nhượng bộ đáng kể. Tuy nhiên, cái gì không đạt được trên chiến trường thì cũng khó có thể đạt được trên bàn đàm phán. Trong mọi trường hợp, hành động quân sự này đã cấu thành một sai lầm không thể đảo ngược.

2. Xung đột có thể leo thang hơn nữa, và không thể loại trừ sự can dự cuối cùng của phương Tây vào cuộc chiến. Mặc dù cuộc chiến leo thang sẽ gây tốn kém, nhưng khả năng cao là Putin sẽ không dễ dàng từ bỏ do tính cách riêng và quyền lực của mình. Chiến tranh Nga-Ukraine có thể leo thang vượt ra ngoài phạm vi và khu vực của Ukraine, thậm chí có thể bao gồm khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Một khi điều này xảy ra, Mỹ và châu Âu không thể nào tránh không dính vào cuộc xung đột, do đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới hoặc thậm chí là một cuộc chiến tranh hạt nhân. Kết quả sẽ là một thảm họa cho nhân loại và cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Nga. Cuộc đối đầu cuối cùng này, cho rằng sức mạnh quân sự của Nga không thể sánh được với NATO, sẽ còn làm tồi tệ hơn đối với Putin.

3. Ngay cả khi Nga chiếm được Ukraine trong một canh bạc tuyệt vọng, thì đó vẫn là một củ khoai tây nóng bỏng tay về chính trị. Nga sau đó sẽ phải  mang một gánh nặng và trở nên quá tải. Trong hoàn cảnh như vậy, không cần biết Volodymyr Zelensky còn sống hay không, Ukraine rất có thể sẽ thành lập một chính phủ lưu vong để đối đầu với Nga về lâu dài. Nga sẽ còn phải chịu cả các lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc nổi dậy trong lãnh thổ Ukraine. Các chiến tuyến sẽ được vẽ ra rất dài. Nền kinh tế trong nước sẽ không bền vững và cuối cùng sẽ bị kéo xuống. Khoảng thời gian này sẽ không quá một vài năm.

4. Tình hình chính trị ở Nga có thể thay đổi hoặc bị tan rã dưới bàn tay của phương Tây. Sau khi cuộc tấn công chớp nhoáng của Putin thất bại, hy vọng chiến thắng của Nga trở nên mỏng manh và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đạt đến mức độ chưa từng có. Do sinh kế của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và khi các lực lượng chống chiến tranh và chống Putin tập hợp lại, không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc binh biến chính trị ở Nga. Với nền kinh tế Nga đang trên đà sụp đổ, sẽ rất khó để Putin có thể chống chọi với tình huống nguy cấp ngay cả khi không có tổn thất trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nếu Putin bị lật đổ do xung đột dân sự, đảo chính hoặc một lý do khác, Nga sẽ càng ít có khả năng đối đầu với phương Tây. Nước này chắc chắn sẽ khuất phục trước phương Tây, hoặc thậm chí còn bị phân chia và vị thế đại cường của Nga sẽ chấm dứt.

II. Phân tích tác động của chiến tranh Nga-Ukraine đối với bối cảnh quốc tế

1. Hoa Kỳ sẽ giành lại vị trí lãnh đạo trong thế giới phương Tây và phương Tây sẽ trở nên đoàn kết hơn. Hiện tại, dư luận cho rằng cuộc chiến Ukraine biểu thị cho sự sụp đổ hoàn toàn của bá quyền Mỹ, nhưng cuộc chiến lại thật sự đưa Pháp và Đức, cả hai đều muốn tách khỏi Mỹ, quay trở lại khuôn khổ phòng thủ của NATO, phá hủy giấc mơ của châu Âu để đạt được nền ngoại giao độc lập và khả năng tự vệ. Đức sẽ tăng đáng kể ngân sách quân sự của mình; Thụy Sĩ, Thụy Điển và các quốc gia khác sẽ từ bỏ quan điểm trung lập. Với việc Nord Stream 2 bị đình chỉ vô thời hạn, sự phụ thuộc của Châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên. Mỹ và châu Âu sẽ hình thành một cộng đồng chung với một tương lai chặt chẽ hơn, và vai trò lãnh đạo của Mỹ ở thế giới phương Tây sẽ phục hồi.

2. “Bức màn sắt” sẽ lại rơi xuống không chỉ từ Biển Baltic đến Biển Đen, mà còn cho cuộc đối đầu cuối cùng giữa phe do phương Tây thống trị và các đối thủ của nó. Phương Tây sẽ vạch ra ranh giới giữa các nền dân chủ và các quốc gia độc tài, xác định sự chia cách với Nga là một cuộc đấu tranh giữa dân chủ và độc tài. Bức màn Sắt mới sẽ không còn được vẽ ra giữa hai phe chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, cũng như sẽ không bị giới hạn trong Chiến tranh Lạnh. Đó sẽ là một trận chiến sinh tử giữa những người ủng hộ và chống lại nền dân chủ phương Tây. Sự thống nhất của thế giới phương Tây dưới Bức màn sắt sẽ có tác động mạnh đến các quốc gia khác: chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ được củng cố, và các quốc gia khác như Nhật Bản sẽ gắn bó hơn nữa với Mỹ, sẽ hình thành một khối thống nhất dân chủ rộng rãi chưa từng có.

3. Sức mạnh của phương Tây sẽ phát triển đáng kể, NATO sẽ tiếp tục mở rộng, và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong thế giới không phải phương Tây sẽ tăng lên. Sau Chiến tranh Nga-Ukraine, cho dù Nga có đạt được bước chuyển biến chính trị như thế nào đi chăng nữa thì cũng sẽ làm suy yếu rất nhiều các lực lượng chống phương Tây trên thế giới. Bối cảnh sau cuộc biến động của Liên Xô và phương Đông năm 1991 có thể lặp lại: các lý thuyết về “sự kết thúc của hệ tư tưởng” có thể xuất hiện trở lại, sự trỗi dậy của làn sóng dân chủ hóa lần thứ ba sẽ mất đi động lực và nhiều nước thế giới thứ ba sẽ tiếp nhận phương Tây. Phương Tây sẽ sở hữu nhiều “bá quyền” hơn nữa cả về sức mạnh quân sự lẫn giá trị về thể chế, sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của nó sẽ đạt đến tầm cao mới.

4. Trung Quốc sẽ trở nên cô lập hơn trong khuôn khổ mới được thiết lập. Vì những lý do trên, nếu Trung Quốc không chủ động có những biện pháp ứng phó thì sẽ vấp phải sự bao vây hơn nữa của Mỹ và phương Tây. Một khi Putin thất thủ, Mỹ sẽ không còn phải đối mặt với hai đối thủ chiến lược nữa mà chỉ còn cần nhốt Trung Quốc lại trong vòng kiềm tỏa chiến lược. Châu Âu sẽ tiếp tục cắt đứt với Trung Quốc; Nhật Bản sẽ trở thành đội tiên phong chống Trung Quốc; Hàn Quốc sẽ tiếp tục rơi vào tay Mỹ; Đài Loan sẽ tham gia điệp khúc chống Trung Quốc, và phần còn lại của thế giới sẽ phải chọn phe theo tâm lý bầy đàn. Trung Quốc sẽ không chỉ bị bao vây quân sự bởi Mỹ, NATO, QUAD và AUKUS mà còn bị thách thức bởi các giá trị và hệ thống của phương Tây.

III. Lựa chọn chiến lược của Trung Quốc

1. Trung Quốc không thể để bị ràng buộc bởi Putin và cần phải cắt đứt càng sớm càng tốt. Theo nghĩa cho rằng xung đột leo thang giữa Nga và phương Tây sẽ giúp chuyển hướng chú ý của Mỹ khỏi Trung Quốc, Trung Quốc nên vui mừng và thậm chí ủng hộ Putin, nhưng chỉ là khi Nga không gục ngã. Ở cùng thuyền với Putin sẽ có tác động đến Trung Quốc nếu ông ta mất quyền lực. Trừ khi Putin có thể đảm bảo chiến thắng với sự hậu thuẫn của Trung Quốc, một viễn cảnh xem ra có vẻ ảm đạm vào lúc này, Trung Quốc không có sức đủ để chống lưng cho Nga. Quy luật chính trị quốc tế nói rằng “không có đồng minh mãi mãi cũng không có kẻ thù vĩnh viễn”, nhưng “lợi ích của chúng ta là vĩnh viễn và mãi mãi.” Trong hoàn cảnh quốc tế hiện nay, Trung Quốc chỉ có thể tiến hành cách bảo vệ lợi ích tốt nhất cho mình là chọn bên nào ít tệ hại hơn và trút bỏ gánh nặng  Nga càng sớm càng tốt. Hiện tại, người ta ước tính rằng vẫn còn một khoảng thời gian từ một hoặc hai tuần trước khi Trung Quốc mất khả năng xoay trở. Trung Quốc phải hành động một cách dứt khoát.

2. Trung Quốc nên tránh trò chơi với cả hai bên trên cùng một con thuyền, hãy từ bỏ trung lập và chọn vị trí chủ đạo trên thế giới. Hiện tại, Trung Quốc đã cố gắng không làm mất lòng bất cứ bên nào và đi hàng hai trong các tuyên bố và lựa chọn quốc tế của mình, bao gồm cả việc bỏ phiếu trắng ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vàbỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tuy nhiên, lập trường này không đáp ứng được nhu cầu của Nga, và nó đã gây phẫn nộ cho Ukraine và những người ủng hộ cũng như những người đồng tình với Ukraine, đặt Trung Quốc vào phía sai lầm của phần còn lại của thế giới. Trong một số trường hợp, trung lập rõ ràng là một lựa chọn hợp lý, nhưng nó không được áp dụng cho cuộc chiến này, nơi mà Trung Quốc không có lợi gì. Cho rằng Trung Quốc luôn chủ trương tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, nên để tránh bị cô lập xa hơn, Trung Quốc chỉ cần đứng chung với đa số các quốc gia trên thế giới.Vị trí này cũng có lợi cho việc giải quyết vấn đề Đài Loan.

3. Trung Quốc cần đạt được bước đột phá chiến lược lớn nhất có thể và không bị phương Tây cô lập thêm. Cắt đứt quan hệ với Putin và từ bỏ quan điểm trung lập sẽ giúp xây dựng hình ảnh quốc tế của Trung Quốc và dễ dàng quan hệ với Mỹ và phương Tây. Dù khó khăn và đòi hỏi phải rất khôn ngoan  nhưng đó là lựa chọn tốt nhất cho tương lai. Quan điểm cho rằng một cuộc xung đột địa chính trị ở châu Âu gây ra bởi cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm trì hoãn đáng kể sự chuyển dịch chiến lược của Mỹ từ châu Âu sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương phải không thể được coi là lạc quan quá mức. Đã có những tiếng nói ở Mỹ rằng châu Âu là quan trọng, nhưng Trung Quốc còn hơn thế nữa, và mục tiêu chính của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong hoàn cảnh đó, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là thực hiện các điều chỉnh chiến lược phù hợp, để thay đổi thái độ thù địch của Mỹ đối với Trung Quốc, và để tự cứu mình khỏi sự cô lập. Điểm mấu chốt là ngăn Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chung đối với Trung Quốc.

4. Trung Quốc nên ngăn chặn sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh thế giới và chiến tranh hạt nhân và có những đóng góp không thể thay thế cho hòa bình thế giới. Do Putin đã yêu cầu rõ ràng các lực lượng răn đe chiến lược của Nga phải vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt, cuộc chiến Nga-Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Một nguyên nhân chính đáng sẽ thu hút được nhiều sự ủng hộ; còn một nguyên nhân không chính đáng sẽ không được mấy người ủng hộ. Nếu Nga cố xúi giục cho một cuộc chiến tranh thế giới hay thậm chí là một cuộc chiến tranh hạt nhân, nước này chắc chắn sẽ gây ra nguy cơ náo loạn thế giới. Để thể hiện vai trò là một cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc không những không thể đứng chung với Putin mà còn phải có những hành động cụ thể để ngăn chặn những cuộc phiêu lưu có thể xảy ra của Putin. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng này, và nước này phải phát huy hết khả năng của mình. Việc Putin không được sự ủng hộ của Trung Quốc rất có thể sẽ kết thúc chiến tranh, hoặc ít nhất là không dám leo thang chiến tranh.Do đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ giành được sự khen ngợi rộng rãi của quốc tế về việc duy trì hòa bình thế giới, điều này có thể giúp Trung Quốc ngăn chặn sự cô lập mà còn tìm thấy cơ hội cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây.

Nguồn: https://uscnpm.org/2022/03/12/hu-wei-russia-ukraine-war-china-choice/

Xem thêm: Những bài viết / dịch của Lê Nguyễn

Ghi chú:

[1]http://uscnpm.com/model_item.html?action=view&table=article&id=27365

[2]http://cn3.uscnpm.org/model_item.html?action=view&table=article&id=27190

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen