Seite auswählen

Thông Báo của BPSOS

Ngày 3 tháng 5, 2022

Là thành viên Ban Chỉ Đạo của Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (International Religious Freedom Summit), chúng tôi kêu gọi sự yểm trợ của các cổng truyền thông của người Việt để đưa tin về sự kiện quốc tế quan trọng này, đặc biệt về các sinh hoạt của phái đoàn người Việt có thể là hùng hậu nhất tại hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh năm 2022 sẽ được tổ chức ngày 28-30 tháng 6 tại thủ đô Hoa Kỳ, với sự tham dự của trên một nghìn người đến từ nhiều quốc gia, bao gồm lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo tổ chức nhân quyền, và những nhân vật nổi tiếng. Chẳng hạn, tuyển thủ bóng rổ chuyên nghiệp Enes Kanter Freedom sẽ có mặt, là người mới đây kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam; cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, là người phát động phong trào bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu; nữ Nghị Sĩ Anh Quốc Fiona Bruce, là đương kiem chủ tịch của liên minh 35 chính quyền bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu… Xem thêm: https://irfsummit.org/speakers/

Phái đoàn người Việt hiện nay gồm 70 tham dự viên, tính luôn khoảng gần chục thân hữu đi cùng dù không phải người Việt. Phái đoàn này sẽ có những sinh hoạt chính sau đây tại hội nghị:

  1. Phát động chiến dịch toàn cầu đòi tự do cho các tù nhân lương tâm tôn giáo mà điển hình là Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hoá và Y Pum Bya
  2. Vận động quốc tế đẩy lùi chính sách kích động hận thù và bạo lực nhắm vào các cộng đồng tôn giáo độc lập với nhà nước Việt Nam
  3. Huấn luyện giới trẻ về truyền thông, quốc tế vận và tổ chức quần chúng
  4. Tổ chức buổi cầu nguyện đa tôn giáo cho tù nhân lương tâm và cho hoà bình
  5. Vận động quốc tế yểm trợ các “đại sách lược” của các tín đồ Cao Đài và các tín đồ Tin Lành Tây Nguyên

Mục tiêu quốc tế vận của BPSOS là giúp người dân ở Việt Nam hội nhập rộng, sâu và nhanh với thế giới tự do thông qua các ‘sân chơi’ quốc tế, nơi mà luật chơi công minh và người Việt ở hải ngoại nắm phần chủ động. 

Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, chế độ dùng quyền lực để khống chế người dân ở trong nước, nhưng phải xuống nước ở sân chơi quốc tế vì muốn hội nhập để sinh tồn, vì phải xin viện trợ, vì phải cầu cạnh đầu tư, vì cần sự yểm trợ quốc tế trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông…

“Chấp nhận ‘đổi mới’ giữa thập niên 1980 nghĩa là chế độ mặc nhiên thừa nhận sự phá sản của chính sách ăn bám theo các chế độ cộng sản Xô Viết và Trung Quốc. Tuy nhiên, chế độ ở Việt Nam chỉ muốn nhà nước hội nhập với thế giới tự do; họ tìm mọi cách để ngăn cản, bưng bít không cho người dân hội nhập quốc tế,” Ts. Thắng nói. 

“Sách lược của chúng tôi từ 2005 đến giờ là phá vỡ các rào cản và các biện pháp bưng bít ấy bằng cách nối kết để các cộng đồng và tổ chức tôn giáo của người Việt ở trong và ngoài Việt Nam đối tác trực tiếp với cộng đồng quốc tế.”

Hội nghị thượng đỉnh tổ chức hàng năm ở Hoa Kỳ là một trong nhiều phương tiện và cơ hội mà BPSOS khai dụng cho sự nối kết này.    

Cũng nằm trong mục tiêu nối kết, BPSOS đang huy động các cổng truyền thông tiếng Việt, tiếng Khmer, tiếng Ê Đê, tiếng Jarai, tiếng Hmong… để đưa thông tin về sinh hoạt của phái đoàn người Việt tại hội nghị thượng đỉnh đến các cộng đồng người Việt ở khắp nơi, kể cả trong nước và ở hải ngoại. 

“Đồng thời, chúng tôi sẽ giới thiệu các cổng truyền thông này với các tham dự viên ngoại quốc để họ thấy được thực lực về truyền thông của người Việt ở trong và ngoài nước,” 

Ts. Thắng nói. “Qua đó, hy vọng một số tổ chức xã hội dân sự hoặc cơ quan chính quyền quốc tế sẽ tìm đến các cổng thông tin của người Việt này để hợp tác.” 

Có 2 cách để tham gia nỗ lực truyền thông liên quan đến Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế:

  1. Phổ biến các video livestream, các bài tường thuật, các bản tin: Xin cung cấp đường dẫn đến cổng truyền thông, email để liên lạc, và số ước lượng người theo dõi. 
  2. Gửi phóng viên đến tường trình tại chỗ: BPSOS sẽ yêu cầu ban tổ chức cung cấp thẻ báo chí để tiếp cận các sự kiện tại hội nghị. 

Trong cả 2 trường hợp, xin thông báo cho chúng tôi tại: forb@bpsos.org.

Chúng tôi sẽ bắt đầu chuyển tin đến quý vị đã ghi danh bắt đầu từ tuần này.

Hội nghị thượng đỉnh năm nay là lần thứ hai. Hội nghị lần đầu được tổ chức vào tháng 7 năm 2021, với gần một nghìn tham dự viên. Ngân sách cho việc tổ chức năm nay là 1.2 triệu Mỹ kim, do khoảng 80 – 90 tổ chức đồng tài trợ, trong đó có BPSOS.

BPSOS (94.05.2022)

http://machsongmedia.org

 

 

 

Tự do báo chí ở Việt Nam “rất ổn định ở nhóm chót bảng xếp hạng”

Các tờ báo Việt Nam/ Ảnh minh hoạ RFA edited

Nhân việc Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 vào ngày Tự do báo chí Quốc tế 3/5, một nhà báo độc lập nhận định rằng, bên cạnh bắt bở bỏ tù các nhà báo độc lập, Nhà nước Việt Nam còn “chống lưng” cho các hội nhóm tung tin giả. Đó cũng là lý do khiến tình nền báo chí Việt Nam vẫn tồi tệ và luôn ổn định đứng cuối trong các bảng đánh giá về Tự do báo chí.

 

Luôn thuộc nhóm chót bảng về Tự do báo chí

Trong bảng xếp hạng này, RFS xếp Việt Nam xếp ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một hạng so với năm ngoái, và là quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù đứng thứ ba trên Thế giới.

RSF nhận định, các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam bị Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ khiến nhiều phóng viên và blogger độc lập bị bỏ tù. Tổ chức này thống kế Việt Nam hiện có 41 nhà báo bị bỏ tù. Bộ máy đàn áp của Nhà nước bỏ tù tất cả nhà báo xuất phát từ xã hội dân sự, chẳng hạn như Báo Sạch, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, hay bà Phạm Đoan Trang, người được trao Giải Tự do Báo chí RSF năm 2019.

Theo RSF, trong khu vực, Chỉ số Tự do Báo chí của Việt Nam xếp dưới các nước láng giềng như Lào và Campuchia, đứng trên một số nước như Trung Quốc (175), Myanmar (176) và chót bảng là Bắc Hàn (180).

Ông Nguyễn Gia Quốc, đại diện Hội nhà báo Độc lập Việt Nam ở hải ngoại đánh giá tình hình tự do báo chí ở Việt Nam trong những năm vừa qua vẫn tồi tệ, bằng chứng là các thành viên chủ chốt của hội đều đã bị bắt và đang chịu những bản án rất nặng:

“Tình hình tự do báo chí của Việt Nam năm vừa rồi cũng chẳng có gì thay đổi so với từ trước đến giờ. Tự do báo chí là phải được ra báo, phải được ấn hành sách vở, báo chí nhưng ở Việt Nam lại không có chuyện đó. Nếu có tự do báo chí thì đâu có những cái vụ bắt những người trong Việt Nam Thời Báo.

Có những tờ báo của Chính phủ bây giờ cũng có một phần tiến bộ, cũng dám nói một số chuyện, chứ không phải giống như những năm trước đó là họ không dám nói một điều gì cả. Ví dụ như trong vụ Ukraine thì bây giờ có vài các tờ báo cũng có những cái ý kiến hơi khác một chút, nhưng nói chung sự khác nhau đó cũng phải nằm trong khuôn khổ Chính quyền cho phép.”

Luật sư Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật khoa Tạp chí khẳng định tình hình tự do báo chí ở Việt Nam rất ổn định, luôn luôn xếp gần cuối bảng, theo các bảng xếp hạng tự báo chí:

“Chuyện nó tệ thế nào chắc tôi không cần nói thêm. Tôi chỉ muốn nói rằng bất chấp mọi thứ tồi tệ, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi lớn của công chúng trong việc lựa chọn và hấp thụ thông tin. Công chúng đang lên tiếng mạnh mẽ trong việc bác bỏ các kênh tuyên truyền của nhà nước và chào đón các kênh truyền thông thay thế. Với một công chúng như vậy, chuyện báo chí phi nhà nước nở rộ chỉ là chuyện thời gian.”

Bản báo cáo của tổ chức Freedom House được công bố ngày 21/9/2021 lại xếp Việt Nam vào nhóm các Quốc gia không có tự do trên mạng Internet. Theo thang đánh giá với số điểm tự do nhất là 100 và ít tự do nhất là 0, Việt Nam năm nay ở mức 22 điểm, trong đó 12 điểm về những trở ngại tiếp cận, 6 điểm về giới hạn nội dung và 4 điểm về những vi phạm quyền của người sử dụng.

 

Chính quyền “chống lưng” cho nạn tin vịt?

Ngoài đàn áp những người làm truyền thông đọc lập, Bộ máy kiểm duyệt còn thực hiện một số biện pháp khác để hạn chế Tự do báo chí ở Việt Nam, ví dụ như trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách “chống lưng” cho việc lan truyền tin giả, hay định hướng dư luận bằng những thông tin “giật gân”.

Có thể thấy rõ nét qua sự kiện Nga xâm lược Ukraine đang diễn ra. Trong suốt khoảng hai tháng qua, các fanpage lớn chuyên tuyên truyền cho đảng như Đơn vị Tác Chiến Mạng, Truy Quét Phản Động, Bộ Tự lệnh Tác Chiến, Cùng Troll Phản động, và Trung Đoàn 47… đều đăng thông tin, các bài phân tích bình luận, thậm chí là tin giả để tuyên truyền theo bênh vực Nga và Putin.

Ông Nguyễn Gia Quốc cũng xác nhận có tình trạng tin giả lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội. Ông quan sát thấy rằng liên quan đến cuộc chiến Nga và Ukraine, có một số facebooker, được cho là có sức ảnh hưởng tới cộng đồng chủ động đăng những thông tin không đúng sự thật, nhưng lại không bị cơ quan hữu trách xử lý, giống như cách họ đã luôn làm với những người đăng tin giả khác:

“Một số Facebooker người nổi tiếng, ví dụ như của ông Đại tá Quân đội Nhân dân Trịnh Lê Hoài Nam, ông ấy đứng hẳn về Nga và lấy những tin tức không đúng từ những tin tức của Nga và viết rất nhiều những điều sai trái, đặc biệt ông ấy chửi những người bênh vực Ukraine.”

Bình luận về vấn nạn tin giả, ông Trịnh Hữu Long nói Chính quyền Việt Nam chắc chắn vừa là người trực tiếp, công khai tung tin vịt, vừa “chống lưng” cho nhiều nguồn tin vịt có độ phủ rất lớn. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các tác nhân phi nhà nước chủ động tung tin vịt và cũng rất thành công. Chính quyền không phải là thủ phạm duy nhất, nhưng chắc chắn là thủ phạm chính và là thủ phạm có nguồn lực dồi dào nhất:

“Tôi nghĩ tin vịt lan tràn và bùng nổ ở nước ta gần đây trong môi trường mạng xã hội khi phần lớn công chúng còn chưa kịp biết mặt mũi một cơ quan báo chí, một kênh truyền thông đáng tin là thế nào, và làm thế nào để nhận diện được tin vịt.

Chúng ta hưởng trọn một thảm hoạ, có thể nói là một đại dịch tin vịt thời đại mới, có quy mô toàn cầu, nhưng thể trạng của chúng ta quá yếu so với các nước khác, và “vaccine” thì cũng về quá trễ và quá ít so với các nước khác. Nhưng thôi thì cũng phải chịu để từ nay về sau chúng ta tỉnh táo hơn trước những thông tin được bày ra trước mặt.”

Còn về tình trạng định hướng dư luận, ông Long cho khẳng định chắc chắn là có và điều đã được ban hành thành luật:

“Chuyện định hướng dư luận được ghi rõ trong Luật Báo chí, Điều lệ của Hội Nhà báo cũng như các loại văn bản chỉ đạo của Đảng Cộng sản và chính quyền. 

Mức độ của nó là bao trùm, toàn diện, và sâu sắc. Đó là công cụ cai trị chính của một chính quyền chuyên chế. Chuyện này đã được bàn nhiều, người Việt Nam chắc đều hiểu rõ.”

Theo Luật Báo chí năm 2016, rại Điều 4 về “Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí” quy định một trong những nhiệm vụ của báo chí là “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân”.

Mức độ, trình độ kiểm duyệt cao hơn trước

Luật sư Trịnh Hữu Long cho rằng môi trường tin vịt đang là cái cớ để chính quyền ban hành nhiều quy định siết chặt tự do báo chí, tự do ngôn luận hơn, chẳng hạn Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định 15/2020. Đó cũng là cái cớ để họ chính danh hóa việc ép các công ty công nghệ như Google hay Facebook kiểm duyệt nội dung ở Việt Nam. Cánh tay kiểm duyệt đã vươn xa hơn rất nhiều so với trước đây, và cũng hoạt động ở trình độ cao hơn hẳn so với thời họ còn lúng túng với Internet:

“Tôi rất tiếc là nhiều cá nhân, tổ chức phản biện cũng góp phần tung tin vịt, vô hình trung giúp cho chính quyền có thêm cớ để vươn vòi kiểm duyệt ra xa hơn, củng cố hơn nữa bộ máy kiểm duyệt của họ. 

Chỉ có sự thật mới chiến thắng được bộ máy tuyên truyền định hướng dư luận của chính quyền. Không có gì mạnh bằng sự thật. Và chính quyền cũng không sợ gì hơn thế. Ta sẽ huỷ hoại tính chính danh – vốn đang còn ít ỏi – của báo chí độc lập và truyền thông độc lập nếu rời xa sự thật và tiếp tay cho tin vịt. Và như vậy, ta sẽ tự sát chứ không cần chờ chính quyền bắt bớ. Bức tranh báo chí khi đó sẽ ảm đạm hơn rất nhiều.”

Hôm 20/4, hãng tin Reuters công bố bản tin về việc Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ thông qua một luật mới nhằm siết chặt quản lý mạng xã hội. Theo đó, yêu cầu các công ty sở hữu mạng xã hội có nhiều người dùng ở Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok… phải gỡ bỏ nội dung “chống chính quyền”, hay được cho là vi phạm pháp luật trong vòng 24 tiếng. Nếu không đáp ứng thời hạn do Chính phủ đặt ra thì nền tảng của công ty đó có thể bị cấm ở Việt Nam.

RFA (03.05.2022)

 

 

Việt Nam vẫn chưa có Tự do báo chí

Một nhà báo Việt Nam đang làm việc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26 tháng 1 năm 2021.  AFP

Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) vừa công bố Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5. Theo bảng xếp hạng, Việt Nam ở vị trí 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng một bậc so với năm ngoái. Theo RSF, tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, các chỉ số được dựa trên căn bản khảo sát định lượng về những vụ vi phạm, lạm dụng quyền tự do báo chí đối với các phóng viên và giới truyền thông.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một quyền cơ bản của công dân theo hiến pháp. Theo đó, quyền tự do báo chí là quyền của công dân  được sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in. Báo chí có vai trò là phương tiện để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Tự do báo chí và cả tự do ngôn luận hoàn toàn không có gì thay đổi hết. Vẫn là báo của nhà nước mà cón bóp chặt hơn. May còn có mạng xã hội của nước ngoài cho nên mọi người sử dụng rầm rộ hơn. Nhưng mạng xã hội vẫn bị bóp chặt. Bị Nhà nước ra những quy định bắt những mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ những luật lệ của Việt Nam. – Blogger Huỳnh Ngọc Chênh

Thực tế ra sao, nhà báo – blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người đoạt giải thưởng Công dân mạng 2013 nói với RFA sáng ngày 3 tháng 5 năm 2022:

“Tự do báo chí và cả tự do ngôn luận hoàn toàn không có gì thay đổi hết. Vẫn là báo của Nhà nước mà cón bóp chặt hơn. May còn có mạng xã hội của nước ngoài cho nên mọi người sử dụng rầm rộ hơn. Nhưng mạng xã hội vẫn bị bóp chặt. Bị Nhà nước ra những quy định bắt những mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ những luật lệ của Việt Nam.

Về tự do báo chí thì vẫn không ai được quyền phát hánh báo chí mà chỉ có Nhà nước mới phát hành báo chí. Như vậy, từ trước đến giờ không có gì tiến bộ trong tự do báo chí hết. Nhà nước độc quyền về báo chí.

Về tự do ngôn luận thì người dân không có báo chí để nói tiếng nói của mình cho nên người ta dùng mạng xã hội nhưng cũng bị giám sát. Rất nhiều người bị đi tù vì có tiếng nói trên mạng xã hội.”

Nhà nước Việt Nam những năm qua ban hành nhiều quy định để quản lý chặt mạng xã hội, bóp nghẹt tiếng nói người dân mà Luật an ninh mạng có hiệu lực đầu năm 2019 là một ví dụ. Trong luật có điều khoản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng ở Việt Nam phải mở văn phòng đại diện, đặt máy chủ tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam ở trong nước và trao các dữ liệu này cho công an khi được yêu cầu mà không cần lệnh của toà án.

Mới hôm 20 tháng 4 vừa qua, hãng tin Reuters cho hay Việt Nam đang chuẩn bị ra những quy định mới, buộc các công ty mạng xã hội phải gỡ bỏ những nội dung bị xem là “bất hợp pháp” trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Reuters cho biết, những công ty nào không tuân thủ thời hạn 24 tiếng đồng hồ để gỡ bỏ các nội dung bị cho là “bất hợp pháp”, thì các mạng xã hội của họ có thể sẽ bị cấm hoạt động ở Việt Nam. Các công ty mạng xã hội này còn được yêu cầu gỡ bỏ ngay lập tức các nội dung bị xem là gây phương hại cho an ninh quốc gia.

Hình minh hoạ: Bản đồ tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới trong báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2022. AFP

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, một nhà báo độc lập đang sinh sống tại Hà Nội, đồng thời là hội viên của Hội Nhà báo độc lập, khẳng định với RFA sáng ngày 3 tháng 5 năm 2022 là Việt Nam chưa có tự do báo chí. Ông nói:

“Phía Nhà nước Việt Nam vẫn bắt giữ rất nhiều những nhà báo và xử án tù rất nặng, điển hình là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Chí Dũng và Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thụy. Như vậy, cách quản trị của Nhà nước Việt Nam với báo chí trong xã hội là hết sức chặt chẽ, khắc nghiệt. Sẵn sàng ra tay trấn áp, trừng phạt, chế tài, bắt giữ, đàn áp quyền tự do báo chí của công dân trong xã hội Việt Nam.

Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam đã cho an ninh của mình ngày đêm săn lùng những người hoạt động trên Facebook, trên YouTube – cũng là một dạng báo chí tự do trên mạng xã hội – và trấn áp, bắt giữ người ta rất nhiều. Nhiều trường hợp chỉ đưa nhưng status hay comment đơn giản phê phán Việt Nam chưa thật sự có tự do, chưa có dân chủ và bất công xã hội rất nhiều thì cũng bị bắt giữ. Họ coi đó là những người đang vi phạm tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ để trừng phạt họ với án tù rất nặng nề.

Như vậy có thể nói ở trong nước chưa có tự do báo chí thật sự.”

Thống kê của RSF cho thấy có chừng 40 nhà báo đang bị giam cầm tại những nhà tù nổi tiếng đối xử ngược đãi ở Việt Nam. Trong số này có những người thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nhóm Báo Sạch và bà Phạm Đoan Trang.

Đầu năm 2021, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị tuyên 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy – Phó Chủ tịch và Lê Hữu Minh Tuấn – Biên tập viên của Việt Nam Thời Báo cùng mức án 11 năm tù giam với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Tháng 10 năm 2021, năm nhà báo của nhóm Báo Sạch bị tuyên tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”.

Phía Nhà nước Việt Nam vẫn bắt giữ rất nhiều những nhà báo và xử án tù rất nặng, điển hình là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Chí Dũng và Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thụy. Như vậy, cách quản trị của Nhà nước Việt Nam với báo chí trong xã hội là hết sức chặt chẽ, khắc nghiệt. Sẵn sàng ra tay trấn áp, trừng phạt, chế tài, bắt giữ, đàn áp quyền tự do báo chí của công dân trong xã hội Việt Nam. – Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn

Ngoài một số nhà báo như vừa nêu, chính phủ Việt Nam còn bắt bớ, bỏ tù một số bloggers, Facebookers, YouTubers từ Bắc chí Nam với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” dù họ chỉ viết lên những bất công trong xã hội hay nói lên những hành xử sai trái của chính quyền.   

Ngày 20 tháng 9 năm 1977, nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã gia nhập Liên Hiệp Quốc. Điều đó có nghĩa Nhà nước Việt Nam phải chấp nhận và thực thi những nghị quyết của tổ chức quốc tế này, trong đó có Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. 

Việt Nam luôn tự nhận mình là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc, luôn coi việc bảo đảm quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng cách hành xử thì luôn bị các tổ chức nhân quyền lên án mà cụ thể là chỉ số tự do báo chí vừa công bố. Việt Nam chỉ đứng trên sáu nước, trong đó có Trung Quốc, Myanmar và Bắc Hàn.

Diễm Thi, RFA (03.05.2022)

 

 

Việt Nam tiến 1 bậc trên Chỉ số Tự do Báo chí dù bỏ tù thêm nhiều nhà báo

Một nhân viên công an lái xe ngang qua một sạp bán báo trên đường phố ở trung tâm Hà Nội. Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia “tồi tệ nhất trên thế giới” về tự do báo chí, theo đánh giá của RSF.

Việt Nam tiến một bậc trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí, mới được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố hôm 3/5, dù có thêm nhiều nhà báo bị bắt giữ và xét xử trong khi chính quyền thắt chặt thêm việc kiểm soát đối với truyền thông và tự do ngôn luận.

Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2022, Việt Nam xếp hạng 174, ngay dưới Cuba (173) và trên Trung Quốc (175), hai quốc gia cùng do Đảng Cộng sản cầm quyền như Việt Nam. Với vị trí này, Việt Nam tăng một bậc so với năm trước, trong bối cảnh mà RSF, tổ chức có trụ sở ở Paris, nhận định rằng các nền dân chủ trên toàn cầu bị suy yếu trong sự trỗi dậy của các thể chế độc tài.

Dù tiến hơn một bậc so với những năm trước đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới, tức danh sách đỏ của bảng Chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí “rất tồi tệ”, với Triều Tiên đứng cuối bảng (180).

Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi RSF đánh giá là quyền “tự do báo chí đã xuống cấp trầm trọng” trong năm qua với hai sự kiện đáng chú ý, gồm cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar dẫn đến một cuộc đàn áp cực kỳ khắc nghiệt đối với các nhà báo và việc Taliban lên nắm quyền đã khiến điều kiện của các phóng viên và các tổ chức trở nên tồi tệ hơn.

Việc Việt Nam “nhích” một bậc trên bảng Chỉ số của RSF không phản ánh đúng thực tế về “tình trạng tự do báo chí tồi tệ” ở Việt Nam, theo đánh giá của nhà báo Võ Văn Tạo, một người hoạt động báo chí nhiều năm và tiếp tục viết tự do ở trong nước.

“Những nhà báo của nhà nước, nhà báo tự do rồi những người dân bình thường khi viết lên những gì nhà nước không hài lòng, không thích – chỉ trích (nhà nước) chẳng hạn, phê phán (nhà nước) chẳng hạn – thì đều gặp rắc rối với công an và đều bị những mức án khá nặng,” nhà báo Tạo nói từ Nha Trang. “Tôi thấy rằng tình hình rõ ràng còn tệ hơn những năm trước nữa nên tôi không hiểu vì sao Việt Nam lại ‘may mắn’ nhích lên một bậc nhưng thực tế thì tôi thấy tồi tệ không kém gì (trước đây).”

RSF nhận định rằng truyền thông chính thống của Việt Nam bị kiểm duyệt chặt chẽ bởi độc đảng và việc các phóng viên độc lập cũng như các blogger thường xuyên bị bỏ tù khiến cho Việt Nam trở thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với các nhà báo.

VOA (03.05.2022)

 

 

Tự do báo chí: RSF tiếp tục xếp Việt Nam trong 10 nước tệ nhất

NGUỒN HÌNH ẢNH,VNEXPRESS Chụp lại hình ảnh, Phạm Đoan Trang trong phiên tòa ngày 14/12/2021 với mức án tù 9 năm về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”.

Trong báo cáo tự do báo chí năm 2022 ra ngày 3/5, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói rằng nội dung trực tuyến không được kiểm soát đã phát tán thông tin và tuyên truyền sai lệch và khuếch đại sự chia rẽ chính trị trên toàn thế giới, làm gia tăng căng thẳng quốc tế và thậm chí góp phần vào việc Nga xâm lược Ukraine.

Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Paris cho rằng các chế độ toàn trị và chuyên quyền đang kiểm soát chặt chẽ thông tin trong xã hội và đồng thời tiến hành “cuộc chiến tuyên truyền”.

Myanmar với cuộc đảo chính quân sự năm 2021 đã dẫn đến thực trạng đàn áp nhà báo cực kỳ khắc nghiệt và đưa đất nước này xếp hạng thứ 176 trong số 180 và trở thành một trong những nhà tù lớn nhất thế giới với những người làm truyền thông.

Trong khi Bắc Hàn (đứng cuối bảng ở vị trí 180) là quốc gia tồi tệ nhất về tự do báo chí, thì Trung Quốc (thứ 175) tiếp tục mở rộng mô hình kiểm soát thông tin không chỉ trong phạm vi biên giới mà còn vượt ra ngoài biên giới của họ.

Cụ thể là Hong Kong đã tụt 68 bậc xuống vị trí 148 do sự kiểm soát truyền thông của Bắc Kinh trong năm 2022.

Việt Nam, từ vị trí 175 (năm 2021), được xếp vị trí 174 trên 180 nước vào năm nay, cao hơn Trung Quốc.

Tuy nhiên đáng chú ý là Việt Nam lại có số lượng nhà báo, nhà hoạt động bị ngồi tù vì viết bài trên mạng xã hội lại rất lớn (41) so với các nước thuộc Asean khác như Indonesia (1), Thái Lan (2), Campuchia (3) và Lào (5).

RSF lưu ý rằng Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh tuyên truyền sau khi xâm lược Ukraine trong bối cảnh các phương tiện truyền thông nhà nước khuynh đảo và các cơ quan truyền thông độc lập ngày càng bị bóp nghẹt.

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Quản lý thông tin trên mạng xã hội được chính phủ VN đề cập nhiều thời gian gần đây

“Việc tạo ra vũ khí truyền thông ở các quốc gia độc tài làm mất đi quyền được thông tin của công dân mà còn liên quan đến sự gia tăng căng thẳng quốc tế, có thể dẫn đến loại chiến tranh tồi tệ nhất”, Tổng thư ký RSF Christophe Deloire cho biết.

Nga (đứng thư 155) và đồng minh Belarus (153) cũng nằm trong danh sách đỏ các quốc gia đàn áp báo chí mạnh nhất.

Các nước Bắc Âu Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển vẫn đứng đầu bảng xếp hạng, đóng vai trò là mô hình dân chủ “nơi tự do ngôn luận phát triển mạnh mẽ”.

RSF được thành lập vào năm 1985 và đã công bố chỉ số tự do báo chí hàng năm kể từ năm 2002 và đã trở thành cái gai đối với các chế độ toàn trị trên khắp thế giới.

Danh sách năm nay được phát triển với một phương pháp xếp hạng mới xác định lại quyền tự do báo chí và sử dụng 5 chỉ số mới gồm bối cảnh chính trị, khuôn khổ pháp lý, bối cảnh kinh tế, bối cảnh văn hóa xã hội và an ninh để phản ánh điều họ gọi là “tính phức tạp” của nó.

Một trong các vụ xử tù nhà báo được thế giới chú ý nhất trong thời gian qua tại Việt Nam là trường hợp nhà báo Phạm Thị Đoan Trang, chịu án 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước” cuối năm 2021.

Bà Trang được Canada và Anh trao giải Tự do Truyền thông vào tháng 2/2022 và từng được nhận Giải thưởng Homo Homini 2018 từ tổ chức nhân quyền People In Need có trụ sở tại Cộng hòa Czech.

Trước đó, năm 2019, bà nhận giải thưởng của Tổ chức Phóng viên Không biên giới.

Báo Công an Nhân dân khi đó nói “Tổ chức Phóng viên Không biên giới lại giở chiêu trò trao giải Tự do báo chí, hạng mục ‘Ảnh hưởng’ cho Phạm Đoan Trang, đối tượng từng có nhiều hành động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền vu cáo, xuyên tạc tình hình Việt Nam”.

BBC (03.05.2022)

 

 

Quyền tư pháp bị tổ chức Đảng “chồng lấn”

Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được trình Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra trong tháng 5 này xem xét, quyết định.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học diễn giải rằng với mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh, dự kiến do bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban. Bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban sẽ phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói các cán bộ vào Ban chỉ đạo cấp tỉnh này trước hết phải gương mẫu, trong sáng, không được tham nhũng”, ông Học nhấn mạnh.

Có ý kiến thắc mắc tức thì với mô hình mà ông Học nêu ra, rằng ở đây phải có giải pháp phù hợp pháp luật trong chuyện tránh việc một số bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy vi phạm thời gian qua?

Theo Quy định số 32-QĐ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 16 tháng 9 năm 2021, thì Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt là Ban Chỉ đạo) có 2 nhiệm vụ cụ thể:

“1. Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.

  1. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ (gọi chung hai loại vụ án, vụ việc này là vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm)”.

Nếu giờ đây thành lập thêm Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cho thấy một lần nữa quyền tư pháp độc lập đã bị can thiệp thô bạo.

Về mặt nguyên tắc thì quyền lực tư pháp (quyền tư pháp) là một bộ phận cấu thành nên quyền lực nhà nước và gắn liền với hoạt động bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay, theo Hiến pháp năm 2013, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Như vậy có thể hiểu khi thực hiện quyền tư pháp cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, hay có nhiều cơ quan cùng tham gia thực hiện quyền tư pháp.

Quyền tư pháp sẽ bao gồm: Quyền xét xử của Tòa án (trọng tâm); các quyền khởi tố, điều tra, truy tố, thi hành án và bổ trợ tư pháp của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án và các cơ quan bổ trợ tư pháp nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức để duy trì công lý. Trong đó, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (Điều 102 Hiến pháp năm 2013), Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án được coi là cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp.

Vậy thì các quyền tư pháp kể trên sẽ không thể giữ được sự độc lập của mình, khi sắp tới đây ngay cả một cơ quan Đảng phạm vi tỉnh/ thành là “Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” ở cấp địa phương cũng được trao quyền “chỉ đạo án”.

Hoài Nguyễn

VNTB (03.05.2022)

 

 

Vì sao Công an phường lạm dụng ‘quyền lực cá nhân bất chấp pháp luật’?

Ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO

Chỉ trong tháng 4/2022, hàng chục công an phường tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đã bị truy tố, điều chuyển công tác do lạm dụng quyền lực cá nhân bất chấp pháp luật. Cụ thể là 13 công an tại phường Phú Thọ Hoà, Quận Tân Phú đã nhận tiền của nhóm người vi phạm trong việc mua bán, tàng trữ sử dụng chất ma tuý và một trung uý tại Công an phường Tân An, tỉnh Bình Dương tự lập chốt “bắt” người vi phạm giao thông “chi tiền” cho mình.

Do buông lỏng quản lý & lạm quyền

Đó chỉ là hai trong số các vụ công an phường tự “làm luật” với dân bị truyền thông phanh phui gần đây và ắt hẳn còn không ít vụ việc công an “bắt chẹt” dân chưa được truyền thông loan tải.

Vì sao công an phường lộng quyền, coi thường pháp luật như vậy? Cựu Đại úy Võ Minh Đức khi trả lời RFA từ thành phố Hồ Chí Minh hôm 2/5, nhận định:

“Lực lượng công an hiện nay mặc nhiên cho là họ thay mặt chính quyền, thay các cơ quan chức năng khác xử lý mọi vấn đề về trật tự an toàn xã hội, vi phạm hành chính của người dân… Cộng với sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo chính quyền, tôi có cảm giác giống như họ cố tình buông lỏng để công an ra tay. Từ chỗ đó công an ảo tưởng rằng họ có quyền trong mọi lĩnh vực, nên vụ việc nào họ cũng làm rất cảm tính, nhiều khi không nằm trong khuôn khổ pháp luật. Đến khi sự việc quá đà, bung bét ra xã hội, dư luận biết hết, thì lúc đó họ lấp liến dùng đủ biện pháp che chắn…”

Theo cựu Đại úy Võ Minh Đức, không chỉ lãnh đạo công an che chắn cho công an vi phạm mà chính quyền cũng bao che, dung túng cho những vi phạm đó. Ông Đức nói tiếp:

“Cụ thể vụ việc ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú chỉ là một điển hình thôi, chứ không phải chỉ công an phường như vậy đâu, mà rất rất nhiều lực lượng khác thuộc ngành công an. Như lực lượng cảnh sát giao thông cũng vậy, cảnh sát kinh tế cũng thế… Thậm chí lực lượng công an phòng cháy chữa cháy là lực ít tai tiếng nhất trong ngành công an cũng có những cái lạm quyền theo cảm tính, không dựa trên khung pháp luật nào cả. Họ làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, nhưng họ kiêm luôn công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy của người dân, doanh nghiệp, cơ quan công sở… nên họ sử dụng quyền đó để lạm quyền. Nhưng nói chung lực lượng công an lạm quyền rất nhiều.”

Cũng trong tháng 4/2022, hình ảnh một cảnh sát giao thông ‘đạp’ vào mặt một người tham gia giao thông trong video lan truyền trên mạng xã hội cũng khiến nhiều người bức xúc.

Ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO.

Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng công an lộng quyền được dư luận biết đến. Vào năm 2018, trên mạng xã hội xuất hiện một video clips cho thấy cảnh một thiếu tá công an Phường Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh mạnh mẽ thách thức người dân đòi ‘cởi áo, hẹn địa điểm’ để sát phạt nhau. Nhưng sau đó lãnh đạo phường Tân Phú chỉ giải thích vị thiếu tá công an có hành xử như thế vì do ‘kích động’ trong lúc làm nhiệm vụ.

Cũng với cách hành xử tương tự, vào năm 2020, ba công an phường Thanh Xuân Nam đã bị Tòa án Nhân dân quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội tuyên án bảy năm tù vì đã nhận tiền hối lộ và trả lại ma túy cho người nghiện.

Anh Đệ, một người dân hiện sinh sống ở Sài Gòn nói với RFA hôm 2/5 về những sự việc nêu trên:

“Công an phường bắt ma túy mà không lập biên bản giao lên cho quận, cho thành phố mà tự động gọi người nhà tới phạt vạ thì rõ ràng là sai. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe, đặc biệt là sử dụng cái đám dân phòng không hề biết luật pháp là gì, cứ bắt người là bắt. Bắt người là phải có vi phạm gì, phải có trát của tòa… Muốn vô nhà dân cũng phải có trát tòa, có lệnh tòa án thì mới vô nhà lôi người ta đi. Như vụ dịch vừa qua, họ chẳng có quyền hạn gì mà phá cửa vô nhà lôi người ta đi test, như vụ cô giáo ở Bình Dương. Đó là một điển hình, họ đâu có quyền xâm phạm gia cư bất hợp pháp, trong khi ở Việt Nam việc xâm phạm gia cư bất hợp pháp như vậy là thường tình. Vi phạm pháp luật như vậy là thường tình, muốn bắt ai là bắt, muốn giam ai là giam… không cần trát tòa hay lệnh khám xét.”

Lộng quyền có hệ thống

Những hành xử sai trái, không đúng chuẩn mực của cán bộ, lực lượng công khi bị báo chí phanh phui, hay bị đăng tải trên mà xã hội… thường được các cơ quan chủ quản từ phía công quyền luôn có giải trình có lợi cho người công an vi phạm, và sai trái thường do từ dân mà ra. Đây được cho chính là nguyên nhân khiến công an dù chỉ là cấp phường xã cũng lộng quyền như vậy.

Cựu Đại úy Võ Minh Đức nhận định thêm:

“Công an lạm quyền như thế, nhưng chính quyền thì buông lỏng quản lý, lãnh đạo chính quyền thì giống như dung túng. Tôi đánh giá là để đến khi có vấn đề gì đụng chạm đến quyền điều hành xã hội của chính quyền, của lãnh đạo… thì họ sẽ dễ dàng sử dụng công an hơn. Kể cả những cái công an lợi dụng chức năng quyền hạn của mình để đầu tư bảo kê cho những việc làm ăn phi pháp vẫn xảy ra không công khai, chính quyền biết nhưng không xử lý. Như cảnh sát giao thông đầu tư vận chuyển hàng hóa, hay công an phường đầu tư karaoke nhạy cảm, mát-xa và các dịch vụ khác, rất nhiều.”

Luật sư Hà Huy Sơn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này thì cho rằng, tình trạng công an lộng quyền bắt nguồn từ việc thiếu độc lập của ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp:

“Các cơ quan tư pháp và lập pháp chưa độc lập, chưa đối trọng với cơ quan hành pháp, chưa phải là cơ quan giám sát cơ quan hành pháp nên tất yếu nó sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền của cơ quan hành pháp. Cụ thể là lực lượng công lực, là lực lượng công an.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong một lần trả lời RFA trước đây cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là một chế độ vốn đã lộng quyền, nên những người được Đảng cử làm cán bộ công an hiển nhiên cũng sẽ lộng quyền theo.

RFA (02.05.2022)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen