Seite auswählen

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa

Việt Nam nhiều lần yêu cầu Đài Loan ngừng tổ chức tập trận tại đảo Ba Bình nhưng không nhận được phản hồi.

Cảnh sát biển Đài Loan thiết lập vùng cấm tàu thuyền và diễn tập bắn đạn thật trái phép tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.

Cảnh sát biển Đài Loan thông báo tổ chức diễn tập trên đảo Ba Bình ngày 28-29/6 với các khoa mục bắn đạn thật vào mục tiêu giả định trên biển và trên không. Tàu thuyền và máy bay được yêu cầu tránh khu vực này trong thời gian diễn tập.

Cảnh sát biển Đài Loan không công bố loại vũ khí nào được dùng trong diễn tập, nhưng lực lượng này được cho là đã sử dụng súng chống tăng Kestrel do Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn của hòn đảo phát triển. Súng chống tăng Kestrel có khả năng xuyên phá bê tông dày 60 cm, có thể đối phó với các đợt tiến công đổ bộ.

Bộ Quốc phòng Đài Loan năm ngoái đưa 292 súng chống tăng Kestrel tới đảo Ba Bình và Đông Sa, quần đảo nằm phía Bắc Biển Đông do đảo quốc này kiểm soát.

Trong những cuộc diễn tập trước đây trên đảo Ba Bình, cảnh sát biển Đài Loan từng sử dụng pháo phòng không 40 mm, súng cối 120 mm và các loại pháo khác .

Việt Nam nhiều lần yêu cầu Đài Loan ngừng tổ chức tập trận tại đảo Ba Bình và vùng biển xung quanh, chấm dứt hành động “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Tuy vậy, Đài Bắc không phản hồi yêu cầu của Hà Nội.

Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đài Loan kiểm soát đảo này và từng triển khai lực lượng thủy quân lục chiến đồn trú. Từ năm 2000, Đài Loan thay lực lượng đồn trú trên đảo Ba Bình bằng một đơn vị cảnh sát biển, được trang bị các loại vũ khí như súng máy, cối tầm xa.

Đảo Ba Bình hay Thái Bình theo cách gọi của Đài Loan, là đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Sơn Ca 6,2 hải lý (11,5 km) về phía Tây và cách đảo Nam Yết khoảng 11 hải lý (20,4 km) về phía Đông Bắc. Đây là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất của quần đảo Trường Sa.

Đảo Ba Bình hiện là thực thể địa lý tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Phi Luật Tân và Trung cộng.

Đất Việt (30.06.2022)

 

Đài Loan bác bỏ khiếu nại của Phi Luật Tân về cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Đảo Itu Aba, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Đài Loan sắp tổ chức tập trận.

Đài Loan hôm 29/6 bác bỏ khiếu nại của Phi Luật Tân về các cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh một hòn đảo do Đài Loan kiểm soát nằm sâu trong Biển Đông, nói rằng họ có quyền làm như vậy và luôn đưa ra cảnh báo về các cuộc tập trận của mình.

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân, trong một bài đăng trên Twitter vào cuối ngày 28/6, đã “phản đối mạnh mẽ về các cuộc tập trận bắn đạn thật phi pháp” mà Đài Loan sắp thực hiện trong tuần này xung quanh hòn đảo có tên quốc tế là Itu Aba.

Đài Loan gọi đảo này là Thái Bình, Phi Luật Tân gọi là đảo Ligaw và Việt Nam gọi là đảo Ba Bình.

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân nói hòn đảo thuộc về Phi Luật Tân.

“Hoạt động phi pháp này làm gia tăng căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đài Loan nói hòn đảo là một phần lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc – tên chính thức của Đài Loan – và Đài Loan được hưởng tất cả các quyền liên quan theo luật pháp quốc tế.

“Quốc gia chúng tôi có quyền tiến hành các cuộc tập trận định kỳ trên đảo Thái Bình và các khu vực hàng hải liên quan. Để đảm bảo an toàn cho giao thông hàng hải và tàu đánh cá hoạt động trong các khu vực biển lân cận, chúng tôi thông báo trước cho các quốc gia liên quan trong khu vực trước mỗi cuộc diễn tập bắn đạn thật”, cơ quan ngoại giao của Đài Loan nói.

Itu Aba là thực thể địa lý lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung cộng, Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền hoàn toàn hoặc một phần trên đó.

VOA (29.06.2022)

 

 

Chính phủ Việt Nam yêu cầu báo chí tuyên truyền chiến lược biển

Hình vệ tinh chụp căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh vào tháng 5/2021 Maxar Technologies

Chính phủ Việt Nam vừa phát động chiến dịch tuyên truyền các chính sách về biển của quốc gia vào khi Đảng Cộng sản cam kết sẽ khai thác “mọi công cụ pháp lý sẵn có” để bảo vệ lợi ích của mình trong lúc Trung cộng đang gia tăng các hoạt động lấn lướt ở Biển Đông.

Quyết định mới ban hành của Chính phủ xác định chậm nhất đến năm 2025, tất cả các cơ quan truyền thông trong nước phải có chuyên mục riêng biệt về chiến lược biển và đại dương của Việt Nam, và toàn bộ đội ngũ biên tập viên phải có kiến thức cần thiết và hiểu về các luật biển trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, giới chức  Việt Nam cấm tất cả các hoạt động du lịch ở hai đảo gần Vịnh Cam Ranh hiện đang trong quá trình xây dựng thành một căn cứ hải quân hiện đại dành cho các tàu ngầm của đất nước.

Việt nam có hạm đội tàu ngầm lớn nhất Đông Nam Á với sáu tàu ngầm hạng Kilo mua của Nga trị giá 1,8 tỷ đô la.

Các hướng dẫn viên du lịch và người quan sát nói với RFA rằng kể từ tháng tư vừa qua, hai đảo Bình Ba và Bình Hưng ở Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đã không tiếp nhận khách du lịch nước ngoài. Các công dân Việt Nam vẫn có thể tới đảo một cách hạn chế. Đây là hai vị trí rất gần nơi các tàu chiến neo đậu.

“Cuối cùng thì ngay cả khách du lịch Việt nam cũng sẽ không được phép đến Bình Ba” – Bình, một người điều phối các hướng dẫn viên du lịch nói với RFA. Bình không muốn được nêu tên đầy đủ.

Vì vậy, lời khuyên của tôi là hãy đến thăm (đảo) khi bạn có thể” – Bình nói.

Chiến hạm Nga mang tên Nguyên soái Shaposhnikov ở Cam Ranh hôm 25/6/2022. Hình; Sputnik

Căn cứ hải quân hiện đại

Vịnh Cam Ranh là vịnh nước sâu nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam, chỉ cách TPHCM khoảng 300 km. Cảng này đã từng được người Pháp sử dụng, sau đó là hải quân Mỹ cho đến cuối cuộc chiến Việt Nam.

Vào năm 1979, Liên Xô ký hợp đồng thuê Cam Ranh 25 năm và đầu tư một số tiền lớn vào đây để  phát triển vị trí này thành một căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Nhưng Nga sau đó đã rút khỏi căn cứ này vào năm 2002, lấy lý do là tiền thuê lên quá cao và có thay đổi trong các ưu tiên.

Hà Nội từ đó tuyên bố chính sách “Ba không”: không liên minh quân sự, không có căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ; không liên minh với nước thứ hai để chống lại nước thứ ba, có nghĩa là không có hải quân nước ngoài được phép thiết lập căn cứ ở Cam Ranh.

Mặc dù vậy, một cơ sở hậu cần đã được thành lập để cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo hành cho các tàu nước ngoài, bao gồm cả các tàu chiến của Nga và Mỹ. Moscow hiện vẫn có một trạm liên lạc ở đây và cũng đã cho thấy là nước này đang xem xét việc quay lại, theo truyền thông Nga.

Ba tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương Nga dẫn đầu bởi chiến hạm chống ngầm Nguyên soái Shaposhnikov vừa đến Cam Ranh để thực hiện chuyến thăm ba ngày từ 25 đến 28/6.

Với 50 tàu và 23 tàu ngầm, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga là hạm đội hải quân lớn thứ  hai sau Hạm đội Biển Đen hiện đang tham gia cuộc chiến ở Ukraine.

Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật  Biển

Sự hiện diện của Nga được coi là đối trọng trong đối đầu Mỹ – Trung ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền với “vùng nước lịch sử” chiếm đến khoảng 80% diện tích vùng biển, theo nhận định các nhà phân tích.

Với việc Trung cộng gia tăng sức mạnh của mình ở khu vực, tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia, thì Cam Ranh có thể trở nên quan trọng hơn về chiến lược đối với những quốc gia trong khu vực.

Vào ngày 19/6 vừa qua, Việt Nam đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận của Trung cộng ở quần đảo Hoàng Sa nơi cả hai nước đều đòi chủ quyền nhưng hiện do Trung cộng kiểm soát.

Hà Nội và năm quốc gia có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông hiện vẫn đang có những khó khăn trong việc tiến tới một bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC), nơi Mỹ và các đồng minh trong thời gian qua đã có những hành động thách thức những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung cộng.

Các chuyên gia của Việt Nam đang kêu gọi một việc áp dụng năng động hơn đối với các tài liệu pháp lý nhằm khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, dặc biệt là vào năm 2022 nhân kỷ niệm 40 năm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và 10 năm kỷ niệm Luật biển của Việt Nam.

Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, nói rằng UNCLOS “tạo ra một hành lang pháp lý cho các nước bảo vệ quyền hợp pháp của họ”, và cần được “sử dụng hợp lý”.

Một loạt các hoạt động đặc biệt đang diễn ra nhân các ngày kỷ niệm này, cũng như để nhấn mạnh tầm quan trọng của “hành lang pháp lý” này.

“UNCLOS và Luật biển của Việt Nam là hai công cụ pháp lý chính cho cuộc chiến giành quyền của chúng ta”, tướng Nguyễn Chí Vĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được báo Quân Đội Nhân Dân trích lời nói như vậy.

“Việt Nam chỉ nên cân nhắc các hành động quân sự như giải pháp cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác” – ông Vịnh nói.

RFA (28.06.2022)

 

 

Tân Ngoại trưởng Úc kêu gọi tôn trọng chủ quyền sau khi Việt Nam phản đối Trung cộng 

Ngoại trưởng Úc Penny Wong phát biểu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội hôm 27/6 trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam với tư cách là bộ trưởng Ngoại giao.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong đề cập đến tôn trọng chủ quyền quốc gia và nói muốn tăng cường mối quan hệ an ninh với Việt Nam, chỉ vài ngày sau khi Hà Nội lên án cuộc tập trận quân sự của Trung cộng là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Bà Wong, người mới thay thế bà Marise Payne trở thành tân ngoại trưởng Úc hồi tháng 5 vừa qua, đã gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà với tư cách bộ trưởng. Việt Nam được bà Wong chọn là chặng dừng châu đầu tiên của mình trong chuyến công du châu Á, trong đó còn gồm Malaysia, nơi bà sinh ra trước khi đến Úc định cư năm 8 tuổi.

Phát biểu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hôm 27/6, bà Wong cho biết tham vọng của chính quyền mới của Úc là mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh với Việt Nam, cũng như thúc đẩy hơn nữa tham gia kinh tế và các liên kết đổi mới, theo Sydney Morning Herald.

“Hai nước chúng ta cùng quan tâm đến một khu vực hòa bình, thịnh vượng, ổn định, trong đó chủ quyền được tôn trọng”, bà Wong được tờ báo của Úc trích lời nói. “Một khu vực mà các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế, chứ không phải theo quy mô và sức mạnh”.

Theo Sydney Morning Herald, bà Wong không nhắc đích danh Trung cộng nhưng phát biểu của bà được đưa ra chỉ 4 ngày sau khi Hà Nội tố cáo Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi tiến hành tập trận quân sự ở quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng hôm 23/6 nói rằng Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Trước đó, trong Đối thoại Shangri-La ở Singapore tổ chức hồi đầu tháng này, Phó Thủ tướng mới của Úc Richard Marles cũng lên án Trung cộng quân sự hóa Biển Đông khi gặp mặt Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hoàng tại đây.

Truyền thông trong nước đưa tin tân ngoại trưởng Úc phát biểu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhưng không đưa ra chi tiết những gì bà Wong nói tại đây.

Ghi nhận về chuyến thăm của tân ngoại trưởng Úc tới Việt Nam, Thanh Niên cho biết bà Wong đã trao đổi về vấn đề Biển Đông khi gặp người đồng cấp phía Việt Nam, Bùi Thanh Sơn, tại Hà Nội trước đó trong ngày 27/6. Theo tờ báo này, bà Wong khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982.

Khi gặp mặt Thủ tướng Chính cũng trong ngày 27/6, bà Wong nói rằng Australia coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế đồng thời khẳng định chính phủ mới của Úc, hiện đang dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anthony Albanese, cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Theo Sputnik, trong cuộc gặp với bà Wong hôm 27/6, Chủ tịch Phúc đề nghị hai bên tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp trong các lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng, thương mại và đầu tư, ODA và nhiều lĩnh vực khác.

Australia và Việt Nam đã có hơn hai thập kỷ hợp tác về đào tạo nhân lực quốc phòng, và vào năm 2018, đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược tập trung vào liên kết an ninh cũng như xây dựng quan hệ kinh tế.

Thương mại giữa Úc và Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng trong lúc quốc gia Đông Nam Á tiếp tục khẳng định mình là một trung tâm sản xuất toàn cầu.

Theo Sydney Morning Herald, Tổng lãnh sự Việt Nam Nguyễn Đăng Thắng cho biết tại cuộc họp của Hội đồng Doanh nghiệp Australia-Việt Nam tại Syney hôm 23/6 rằng thương mại giữa hai nước đạt kỷ lục 9 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Thắng còn cho biết rằng đầu tư hai chiều đã vượt quá 3,5 tỷ USD, trong đó 75% là tiền từ Úc vào Việt Nam.

VOA (28.06.2022)

 

 

Lo ngại Trung cộng vẫn muốn khai thác dầu khí chung với Phi Luật Tân ở Biển Đông

Tổng thống tân cử Philippine Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. trong cuộc họp báo tại Mandaluyong, Phi Luật Tân, ngày 20/06/2022. AP – Aaron Favila

Với một chính quyền mới ở Manila, Trung cộng và Phi Luật Tân có sẽ nối lại đàm phán về dự án cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông hay không ? Bắc Kinh muốn khởi động lại đối thoại với Manila về dự án, trong lúc hiệp hội ngư nghiệp quốc gia Phi Luật Tân kêu gọi tổng thống tân cử Bongbong Marcos « vĩnh viễn đình chỉ » kế hoạch hợp tác với Trung cộng.

Ba ngày trước khi ông Bongbong Marcos tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ngày 27/06/2022, hiệp hội ngư nghiệp quốc gia Philipines, Pamalakaya, ra thông cáo kêu gọi « vĩnh viễn ngừng đàm phán với Trung cộng » về các dự án khai thác dầu khí tại Biển Đông, mà Manila gọi là « Biển Tây Phi Luật Tân ». Thông cáo nói rõ : Phi Luật Tân cần « tập trung bảo vệ chủ quyền lãnh hải » ở vùng biển này. Tổng thống Marcos « cần công khai đưa ra tuyên bố hoàn toàn gạt bỏ dự án này và Manila sẽ không trở lại với hồ sơ này nữa » theo lời của chủ tịch hiệp hội ngư nghiệp Phi Luật Tân, Fernando Hicap, được báo Inquirer trích dẫn.

Lãnh đạo hiệp hội Pamalakaya giải thích : đồng khai thác với Trung cộng sẽ là cơ hội lớn hơn để Bắc Kinh « vơ vét tài nguyên thiên nhiên trên biển » của Phi Luật Tân, « vi phạm trắng trợn » luật lệ và chủ quyền của Manila trong vùng biển này, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye về chủ quyền của Phi Luật Tân.

Hơn nữa theo Fernando Hicap, Phi Luật Tân không cần dựa vào nước ngoài để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuần trước, ngoại trưởng Teodoro Locsin trước khi rời khỏi chức vụ đã tuyên bố « chấm dứt đàm phán với Trung cộng về dự án cùng khai thác dầu khí » ở Biển Đông.

Một ngày sau đó, 24/06/2022, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Uông Văn Bân tuyên bố « Trung cộng sẵn sàng cùng với chính quyền mới ở Manila thúc đẩy đảm phán để dự án được tiến triển. Bắc Kinh nỗ lực đưa ra những quyết định quan trọng cho thấy cùng khai thác tài nguyên có lợi cho cả hai quốc gia và hai dân tộc ». Ông Uông Văn Bân nhắc lại, dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, Phi Luật Tân và Trung cộng đã đạt được một thỏa thuận khung về hợp tác khai dầu khí và văn bản đó đã được chủ tịch Tập Cận Bình ký hồi 2018 nhân một chuyến công du Phi Luật Tân.

Trung cộng gia tăng áp lực với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương

Đài truyền hình Úc ABC hôm 27/06/2022 đưa tin, Bắc Kinh mời ngoại trưởng 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương họp trực tuyến với ngoại trưởng Vương Nghị vào ngày 14/07/2022, đúng vào lúc khu vực này tổ chức Diễn Đàn Pacific Islands Forum tại Suva, thủ đô Fiji. Theo giới quan sát, Trung cộng tiếp tục duy trì áp lực, mở rộng ảnh hưởng tại khu vực sau khi vào hôm 30/05/2022, 10 đảo quốc trong khu vực đã từ chối ký kết « Kế hoạch hành động 5 năm Trung cộng –Thái Bình Dương vì phát triển chung ».

Vào lúc Trung cộng cố gắng chiêu dụ các đảo quốc Nam Thái Bình Dương thì đã xảy ra sự cố ngoại giao bên lề hội nghị về đại dương của Liên Hiệp Quốc ở Lisboa, Bồ Đào Nha. Hãng tin Anh Reuters cho biết ngoại trưởng Tuvalu, Simon Kofe,  đã tẩy chay lễ khai mạc sáng nay 27/06/2022 để phản đối Trung cộng cấm ba đại biểu Đài Loan tham dự hội nghị trong khuôn khổ phái đoàn chính thức của Tuvalu. Tuvalu hiện là một trong số những quốc gia hiếm hoi trên thế giới còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. 

RFI (27.06.2022)

 

 

Việt Nam và Nhật Bản tăng cường quan hệ quốc phòng

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương và Đại tướng Izutsu Shunji tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội hôm 28/6/2022  Quân Đội Nhân Dân

Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, vào ngày 28/6 có cuộc tiếp Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, tướng Izutsu Shunji tại Hà Nội.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin dẫn phát biểu của Trung tướng Nguyễn Tân Cương rằng chuyến thăm của người đồng cấp Nhật Bản cho thấy  mối quan hệ đối tác chiến lược Việt- Nhật ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ông này nhắc lại Tuyên bố Tầm nhìn Chung về Hợp tác Quốc phòng giữa hai phía được ký vào năm 2018 và cho rằng đó là căn cứ giúp nâng cao quan hệ đối tác quốc phòng song phương Việt- Nhật lên một tầng cao mới.

Phía Nhật còn giúp quân đội Việt Nam trong công tác xây dựng năng lực và kỹ năng cho bộ đội.

Quan hệ quốc phòng Việt Nam- Nhật Bản được tăng cường trong bối cảnh Trung cộng ngày càng lấn lướt tại Biển Đông. Tokyo là một trục trong bốn nước Bộ Tứ Kim Cương- Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản- nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

RFA (28.06.2022)

 

 


Không đối đầu với Mỹ, hàng không mẫu hạm Trung cộng chỉ nhằm bức hiếp Việt Nam ?

Theo giới chuyên gia, các hàng không mẫu hạm Trung cộng không được tung ra với mục đích đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trong kỷ nguyên hỏa tiễn, khó thể hình dung một trận đại chiến trên biển như trận Midway năm 1942. Rất có thể Bắc Kinh muốn sử dụng các tàu sân bay này để tấn công những nước yếu hơn như Việt Nam, để tranh giành biển đảo.

Tiến bộ công nghệ của tàu sân bay Phúc Kiến

The Economist ngày 26.06.2022 lưu ý đến sự kiện Bắc Kinh cho xuất xưởng thêm hàng không mẫu hạm mới, cho rằng đây là một minh chứng lớn lao và đắt giá cho tham vọng của nước này. Hàng không mẫu hạm xưa nay vẫn là biểu tượng cho sức mạnh quân sự, và việc ra mắt chiếc Phúc Kiến (Fujian), chiếc tàu sân bay thứ ba hôm 17/06 cho thấy ý đồ soán ngôi bá chủ của Mỹ. Dài 318 mét, trọng tải 80.000 tấn, chiếc Phúc Kiến vượt qua HMS Queen Elizabeth của Anh, chỉ đứng sau các « siêu tàu sân bay » Mỹ. Tuy nhiên chi tiết ý nghĩa nhất lại được che giấu trong buổi lễ hạ thủy, đó là hệ thống phóng máy bay.

Khác với hai tàu sân bay trước đó của Trung cộng trang bị hệ thống phóng « ski-jet », tàu Phúc Kiến có hệ thống phóng điện từ, một tiến bộ công nghệ quan trọng. Nếu hai chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông chở theo các J-15, loại chiến đấu cơ ăn cắp kiểu Su-33 của Nga, và trực thăng để giám sát xung quanh, khó thể hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm trên biển ; thì chiếc Phúc Kiến sẽ hoạt động với những chiến đấu cơ J-15 được cải biến có thể mang theo các vũ khí hạng nặng như bom và hỏa tiễn thông minh. Về lâu về dài, còn có thể mang theo những chiếc tiêm kích tàng hình loại mới J-35.

Theo chuyên gia Henry Boyd của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Luân Đôn, J-35 có thể được sử dụng vào nửa cuối của thập niên này cũng như KJ-600 (Không Cảnh), giúp chiếc Phúc Kiến có được uy lực như các hàng không mẫu hạm Mỹ vốn thường phối hợp các chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm siêu thanh F/A-18, chiến đấu cơ tàng hình F-35, máy bay cảnh báo sớm trên không Hawkeye…


Với hàng không mẫu hạm mới, Trung cộng muốn tấn công Việt Nam ?

Tuy vậy, Trung cộng còn xa mới có thể ngang hàng với Mỹ. Tàu sân bay Phúc Kiến dùng năng lượng quy ước, trong khi các hàng không mẫu hạm Mỹ sử dụng năng lượng nguyên tử có tốc độ nhanh hơn và bền bỉ hơn. Chưa kể Hoa Kỳ đã có nhiều thập niên kinh nghiệm. Chiếc Phúc Kiến phải ít nhất hai năm nữa mới hoàn chỉnh, và dù Bắc Kinh có ý định sở hữu bốn tàu sân bay nguyên tử từ nay đến 2035, vẫn phải lẽo đẽo theo sau đuôi Mỹ.

Nhưng so sánh đơn thuần như vậy có thể dẫn đến suy luận sai lầm. Theo các chuyên gia về hải quân, các hàng không mẫu hạm Trung cộng không được đóng để đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trong một cuộc chiến tranh với Đài Loan hoặc vùng biển xung quanh Trung cộng, các hỏa tiễn đạn đạo bay thấp có thể nhanh chóng tiêu diệt bất kỳ chiến hạm lớn nào. Rất có khả năng Bắc Kinh muốn sử dụng các tàu sân bay này để tấn công những nước yếu hơn như Việt Nam để tranh giành biển đảo, hoặc bảo vệ lợi ích Trung cộng ở châu Phi.

Trong kỷ nguyên hỏa tiễn, khó thể hình dung một trận đại chiến trên biển như trận Midway năm 1942 với sự tham gia của ba hàng không mẫu hạm Mỹ và bốn của Nhật. Chuyên gia Sam Roggeveen của Viện Lowy (Úc) nói : « Tôi không cho rằng tham vọng hàng không mẫu hạm của Trung cộng là một thách thức trực diện với sức mạnh hải quân Hoa Kỳ ». Theo ông, Bắc Kinh chỉ cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân « sẽ hữu dụng một khi Mỹ trở nên yếu hơn nhiều, để lại những khoảng trống nhờ đó Trung cộng cưỡng bức và trừng phạt những nước nhỏ hơn ».

RFI (26.06.2022)

 

 

 

Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ dự kiến ghé Việt Nam vào tháng 7.2022

Theo thông tin mới nhận được, Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ  dự kiến sẽ ghé Việt Nam vào nửa cuối tháng 7 có thể không phải là tàu USS Abraham Lincoln như đã đưa trong. Thay vào đó, có thể là một HKMH khác. Hiện Mỹ có tàu USS Ronald Reagan ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, tàu USS Abraham Lincoln đã di chuyển sang Đông Thái Bình Dương, thuộc khu vực phụ trách của Hạm đội 3.

  1. Chuyển động quân sự

Trung cộng thông báo tập trận quân sự ở khu vực phía tây nam Tam Á từ 27 đến 30.6.

Nhóm tác chiến HKMH/ Mỹ USS Abraham Lincoln tập trận với tàu JS Izumo của Nhật Bản và các tàu chiến Úc ở Thái Bình Dương từ 19 đến 24.6. Các nhóm tàu Nhật Bản và Úc đang trên đường đến Hawaii tham dự cuộc tập trận RIMPAC 22 bắt đầu từ 29.6.

Tàu khu trục Mỹ USS Benfold di chuyển vào Biển Đông thông qua eo biển Verde Island ngày 25.6. Đây là tàu thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan. Trong chuyến tuần tra lần này, Ronald Reagan chỉ được hộ tống bởi 2 tàu là tàu tuần dương USS Antietam và tàu Benfold.

  1. Phi Luật Tân – Trung cộng

Có khá nhiều diễn biến liên quan đến Phi Luật Tân và Trung cộng trước thời điểm Tổng thống tân cử Bongbong Marcos nhậm chức vào ngày 30.6.

Đầu tiên là việc Phi Luật Tân thông báo hủy bỏ các cuộc đàm phán về khai thác dầu khí chung với Trung cộng ở Biển Đông.

Trong khi đó, tờ Inquirer có bài tường thuật về sự hiện diện của các tàu hải cảnh Trung cộng ở khu vực Bãi Cỏ Mây nhằm ngăn cản hoạt động tiếp tế của Phi Luật Tân ở đây.

Ngoài ra, có một diễn biến đáng chú ý là tối 26.6, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo Trung cộng sẽ tiến hành hoạt động trục một tàu mắc cạn ở gần đảo Thị Tứ mà Phi Luật Tân đang chiếm đóng.

Hoạt động này sẽ được tiến hành trong bán kính 1 hải lý quanh địa điểm có tọa độ 11-01.91N/114-10.42E kể từ rạng sáng 27.6.

Thông báo không nói rõ tàu bị mắc cạn là tàu gì. Tuy nhiên, địa điểm mắc cạn nằm tại Sandy Cay. Đây là các dải cát nổi nằm gần Thị Tứ mà Trung cộng dòm ngó lâu nay. Có khá nhiều tàu dân quân biển và tàu cá Trung cộng hiện diện tại khu vực này.

Hình ảnh vệ tinh ngày 25.6 cho thấy có một tàu không rõ chủng loại hiện diện ở khu vực này.

 

Lê Trung Hiếu (27.06.2022)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen