Seite auswählen

„dù Nga có làm điều gì đi chăng nữa thì nền kinh tế Nga vẫn sẽ tụt hậu và tụt hậu một cách bi đát vì từ chối các giá trị tiến bộ của loài người.“

 Thiên Cầm

Kể từ sau khi Nga phát động cuộc xâm lăng vào một quốc gia có chủ quyền được Liên Hợp Quốc công nhận là Ukraine, đã có gần 4000 lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhắm vào những kẻ chóp bu Nga đã gây ra tội ác xâm lược. Những người lương thiện tin rằng đêm tối sẽ qua, cả Nga và Ukraine sẽ cùng sang trang để bước vào một kỷ nguyên mới của đất nước họ: Kỷ nguyên dân chủ đa nguyên. Nhưng đồng thời cũng có không ít người ủng hộ quân xâm lược Nga, chỉ trích và mỉa mai các lệnh trừng phạt của phương Tây là vô ích và sẽ không cứu vãn được tình hình chiến cục, đồng thời họ cũng kỳ vọng rằng sự kéo dài của cuộc chiến sẽ khiến tinh thần ủng hộ của dân chúng phương Tây dành cho Ukraine sẽ giảm dần vì chính quyền các nước phương Tây phải tìm lời giải cho giá cả năng lượng, lạm phát cũng như phải làm thế nào để có thể vừa hỗ trợ Ukraine vừa có thể hạn chế tác dụng phụ của các lệnh trừng phạt. Vậy các lệnh trừng phạt Nga có “vô ích” như nhiều người nghĩ dưới góc độ của kinh tế vĩ mô? Hôm nay chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này nhằm làm sáng tỏ trước những luận điệu xuyên tạc của các kênh truyền thông độc tài.

 

  1. Căn bệnh Hà Lan

Tại sao lại nói đến đất nước Hà Lan trong khi vấn đề của bài viết này là phân tích tác động của các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga? Thực sự căn bệnh Hà Lan đã từng được Venezuela “trình diễn” trong năm 2010 và nay lại được đế quốc phát xít Nga “remix” với nhạc trưởng là Putin. Vậy căn bệnh Hà Lan là gì?

Trong lĩnh vực kinh tế học, căn bệnh Hà Lan xảy ra vào năm 1960 tại Hà Lan là một hiện tượng một nền kinh tế của một quốc gia tăng trưởng quá nhanh nhờ tập trung vào một ngành “có khả năng xuất khẩu” (tradable) mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn làm tỷ giá đồng nội tệ của quốc gia đó tăng phi mã khiến sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu của quốc gia đó giảm. Nhưng tai hại hơn đó là nguồn lực kinh tế quốc gia đó bị phân bổ tập trung một ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên khiến các ngành sản xuất khác (bao gồm cả ngành sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước và ngành sản xuất hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu) không phát triển được và cuối cùng là sự sụp đổ trong lưu thông hàng hóa dẫn tới “lạm phát rút ruột hàng hóa” (shrinkflation). Nói một cách ngắn gọn, thuật ngữ căn bệnh Hà Lan nhằm chỉ nguy cơ suy giảm mạnh của khu vực sản xuất của một quốc gia khi tập trung khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu. Ngoài ra, nó cũng dùng để chỉ tình trạng giảm sút của nền kinh tế do có sự gia tăng dòng ngoại tệ nói chung như sự tăng nhanh giá tài nguyên thiên nhiên xuất khẩu hay nguồn viện trợ từ nước ngoài, nguồn vốn FDI.

Đầu tiên hãy bàn đến hai giai đoạn của nền kinh tế Nga sau khi tổng thống Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine. Trong hai giai đoạn thì giai đoạn một thì chính là nguyên nhân của giai đoạn hai mà yếu tố đã thúc đẩy là những chính sách ngông cuồng do Putin và đồng đảng ban hành, còn giai đoạn hai của nền kinh tế Nga thể hiện rõ nét hậu quả của căn bệnh Hà Lan.

Căn bệnh Hà Lan đang đẩy nước Nga lún sâu vào khủng hoảng.

a-  Giai đoạn từ 24/2/2022 đến 31/5/2022

Giai đoạn một không quá quan trọng nên sẽ được nói một cách ngắn gọn và súc tích nhất có thể. Trong giai đoạn này nền kinh tế Nga dần bị thu hẹp do các lệnh cấm vận của phương Tây có tính chất tăng nặng theo thời gian. Lúc này Nga cũng gặp nhiều thất bại nặng nề vì ảo tưởng của Putin là “người Ukraine sẽ mang hoa ra đón quân Nga”. Giá trị đồng nội tệ Ruble bị giảm do lệnh trừng phạt mạnh nhất trong giai đoạn này là loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Việc chặn Nga khỏi SWIFT khiến khả năng lưu thông hàng hóa của Nga trên thị trường quốc tế trở nên kém đi, cộng thêm việc Mỹ và các đồng minh Phương Tây quyết định đóng băng khối tài sản thuộc các định chế tài chính có liên quan đến các thành phần chóp bu tại Nga dẫn đến việc chi trả cho những tổn thất chiến tranh trong giai đoạn này trở nên khó khăn.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga đột ngột bị hạn chế giao dịch thương mại để đổi lấy ngoại tệ và các khoản tiết kiệm của giới chóp bu ở các nước trên thế giới cộng thêm một loạt các hành động của các thành phần trong nền kinh tế như các nhà đầu tư tháo vốn khỏi Nga, các ngành sản xuất của Nga không kịp chuyển đổi sang các ngành sản xuất bắt buộc phục vụ xuất khẩu, giá cổ phiếu tại Nga giảm… dẫn đến lạm phát tăng phi mã và đỉnh điểm trong tháng 3, giá đồng Ruble mất 40% giá trị khiến lạm phát nước này vượt quá 9% (có nghĩa lạm phát tại Nga chính thức tăng phi mã kể từ tháng 1 năm 2016).

b-   Giai đoạn từ 1/6/2022 đến hiện tại. Giải thích căn bệnh Hà Lan

Giai đoạn hai của nền kinh tế Nga đã chứng kiến đợt tăng giá mạnh của đồng ruble. Nhiều nhà kinh tế không hề cảm thấy bất ngờ vì họ đã nhìn thấy một loạt sự thay đổi trong chính sách của Putin nhằm ép các ngành sản xuất và khai thác phải sản xuất hàng hóa và sản phẩm để phục vụ cho xuất khẩu nhằm chống lại tình trạng kiệt quệ ngoại tệ. Ở một chiều hướng khác ngoài lãnh thổ Nga, Trung cộng và Ấn Độ đã trở thành hai khách hàng lớn nhập dầu thô của Nga. Nga nhận thấy việc có hai thị trường thay thế này đã giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nên đã quay sang đe dọa và cắt nguồn cung dầu sang các nước Phương Tây. Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó. Nga ỷ bản thân có dầu mỏ, chỉ việc xúc và đem bán và giờ cái kết là phải đổi sang đồng Ruble mới. Và đây chính là hậu quả của căn bệnh Hà Lan (Dutch disease).

Các lệnh cấm vận của phương Tây chủ yếu với mục đích ngăn chặn mọi nguồn lực có thể hỗ trợ cho quân đội Nga, trong đó có 1 lệnh cấm vận nghiêm khắc nhất mà Liên Hiệp Châu Âu phải mất nhiều tháng đàm phán: Cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga (30/5/2022). Lệnh cấm vận dầu mỏ ngay lập tức phát huy tác dụng hạn chế doanh thu của Nga nhưng Châu Âu dường như đã quá chậm trễ khi áp lệnh trừng phạt này. Trong khoảng thời gian Châu Âu bắt đầu áp các lệnh trừng phạt lên Nga thì Nga đã tìm được thị trường mới là Trung cộng và Ấn Độ, thành công né được lệnh trừng phạt này. Và như một hệ quả của quy luật cung cầu, giá dầu mỏ tăng nhanh chóng khiến Nga liên tục thu về ngoại tệ dẫn đến giá trị đồng Ruble tăng phi mã bất chấp việc các định chế tài chính – ngân hàng lớn trên thế giới như FED, BoC, BoE, SNB,… liên tục tăng lãi suất nhằm kìm chế lạm phát và cố gắng làm đồng nội tệ của bản thân quốc gia tăng giá trị so với các nước trên thế giới (một động thái nhằm hạ giá nhập khẩu vì lạm phát đã tàn phá các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu khiến các ngành này không thể phát triển nên việc nâng giá nội tệ quan trọng hơn là hạ giá để dễ dàng xuất khẩu).

Khi bị Phương Tây ruồng bỏ Nga sẽ sớm trở thành chư hầu của Trung cộng ?

 

Nhưng Nga cũng không vui vẻ gì khi thu được ngoại tệ. Như đã nói, Putin đã ban hành các chính sách nhằm ép các doanh nghiệp phải sản xuất các sản phẩm và mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu nhằm tăng dự trữ ngoại hối sau khi nhận thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây không phải là nói suông. Putin không hề chuẩn bị cho nền kinh tế để đương đầu với các lệnh trừng phạt có thể sẽ bị phương Tây áp đặt như nhiều người nghĩ mà ngược lại, dường như y nghĩ rằng phương Tây sẽ phản ứng yếu ớt như khi Nga chiếm vùng Crimea của Ukraine. Chính sách ngông cuồng của Putin khiến các doanh nghiệp buộc phải xoay xở nhằm thu lợi nhuận tối đa và không có gì lý tưởng hơn là dồn hết nguồn lực kinh tế vào việc múc dầu lên và bán, một công việc đơn giản và dễ kiếm được siêu lợi nhuận trong bối cảnh giá dầu tăng. Và Nga lại đi vào vết xe đổ như Venezuela và Hà Lan chỉ vì… kinh tế phát triển quá nhanh mà dẫn đến lạm phát!

Nhiều người sẽ phì cười, cho rằng việc đồng nội tệ tăng giá thì làm thế nào mà dẫn đến lạm phát? Nhưng nó đã diễn ra và được chứng minh bởi hai nhà kinh tế học W. Max Corden và J. Peter Neary vào năm 1982. Theo đó, hai nhà kinh tế học dựa trên giả thiết rằng nền kinh tế quốc dân có triệu chứng của “căn bệnh Hà Lan” được chia làm hai khu vực: khu vực xuất khẩu (tradable sector) và khu vực không xuất khẩu (non-tradable sector). Trong đó khu vực xuất khẩu được chia làm hai khu vực nhỏ là khu vực bùng nổ tức khu vực khai thác tài nguyên và khu vực trì trệ tức khu vực chế tạo.  

Khi các ngành khai thác tài nguyên bùng nổ, lượng cầu về lao động của khu vực này tăng lên, lao động từ các khu vực sản xuất khác sẽ chuyển sang khu vực khai thác làm cho khu vực sản xuất bị thiếu cung lao động và trở nên suy thoái, quá trình này được gọi là “phi công nghiệp hóa trực tiếp”. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực khai thác đã làm tăng thu nhập cho người lao động trong lĩnh vực này dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của họ cũng tăng lên và làm tăng trưởng khu vực không xuất khẩu. Sự tăng trưởng này kéo theo sự di chuyển nguồn lực từ khu vực chế tạo sang khu vực không xuất khẩu khiến cho khu vực chế tạo trở nên ngày càng trì trệ, quá trình này được gọi là “phi công nghiệp hóa gián tiếp”. Hai nhà kinh tế học W. Max Corden và J. Peter Neary gọi đây là “hiệu ứng di chuyển nguồn lực” của căn bệnh Hà Lan.

Nói một cách đơn giản, “phi công nghiệp hóa” là quá trình thay đổi về mặt xã hội và kinh tế khi quá trình này loại bỏ năng suất lao động hoặc hoạt động công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng và công nghiệp sản xuất. Đối với Nga, ngành công nghiệp nặng tương ứng với khu vực khai thác tài nguyên thô (khu vực 1 của nền kinh tế) và ngành công nghiệp sản xuất hay còn gọi là ngành công nghiệp nhẹ tương ứng với khu vực chế tạo (khu vực hai của nền kinh tế). Còn 3 khu vực của nền kinh tế là khu vực ba (công nghiệp dịch vụ hay dịch vụ), khu vực bốn (dịch vụ thông tin) và khu vực năm (dịch vụ con người) thì tôi sẽ không bàn tới vì Nga thực chất không phải là nước phát triển quá mạnh đến mức các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng áp đảo trong nền kinh tế, cùng lắm nó chỉ chiếm đa số phần trăm quá bán và không thể phát triển quá 70% như các nền kinh tế phát triển. Nếu có ai phản đối và cho rằng Nga rất mạnh về công nghệ thông tin thì họ chẳng hiểu gì về nền kinh tế vì ngành công nghệ thông tin của Nga chỉ phát triển nhằm “phá hoại” thông tin của “các quốc gia thù địch” chứ không tạo ra giá trị thặng dư đáng kể nào cho nền kinh tế Nga (bằng chứng là ngành công nghiệp vũ quốc phòng của Nga lạc hậu đến mức không thể chống lại cuộc chiến điện tử do vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine gây ra khiến Nga tổn thất lớn đến mức phải “tổng động viên” tại các vùng ly khai và “khuyến khích” nhà độc tài Lukashenko gây hấn với Ukraine).

Tóm lại, ý tôi muốn nói đến là gì? Đó là nền kinh tế Nga tuyệt nhiên không có sự phát triển vượt bậc nào của các ngành dịch vụ, đó một đặc điểm của các chế độ độc tài. Chỉ có các ngành dịch vụ sinh ra để phục vụ và phát triển con người chứ không phải để bóc lột như các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng. Lạm phát và “phi công nghiệp hóa” chỉ là hệ quả tất yếu của việc tăng cường đầu tư quá mức vào các ngành công nghiệp để kiếm nhanh lợi nhuận và không chú trọng phát triển cân bằng các ngành dịch vụ mà quên mất “hiệu ứng tiêu dùng” sẽ tạo sức ép lên giá cả các mặt hàng thuộc khu vực không xuất khẩu (dịch vụ, y tế, giáo dục, tài chính, vận chuyển,…).

Tiếp theo, hãy đến với nguyên nhân đã trực tiếp gây ra lạm phát tại Nga: “hiệu ứng tiêu dùng”. “Hiệu ứng tiêu dùng” xảy ra khi những người có thu nhập từ yếu tố bùng nổ tăng lên, và lượng thu nhập này sẽ được chi cho cả hai mặt hàng là mặt hàng có khả năng xuất nhập khẩu (hàng khả thương, Tradable) và mặt hàng chỉ được sản xuất để phục vụ nội địa (hàng nội địa, Non-tradable). Nếu cầu của hàng nội địa so với thu nhập co dãn thì thu nhập tăng sẽ đẩy giá hàng nội địa tăng. Khi giá hàng nội địa tăng nghĩa là đầu vào của hàng khả thương cũng tăng theo như giá của nguyên, nhiên liệu hay lương nhân công. Tuy nhiên, giá của hàng khả thương lại cố định bởi đó là những mặt hàng được giao dịch quốc tế và bị áp dụng nguyên tắc một giá. Do vậy, khi chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận xuất khẩu của các nhà sản xuất hàng khả thương sẽ bị giảm. Do đó, cầu hàng khả thương tăng sẽ được thay thế bằng các mặt hàng nhập khẩu. Khi tỷ giá danh nghĩa là cố định, thu nhập tăng nhưng sẽ không kéo theo giá của hàng khả thương tăng theo. Khi đó, cầu của hàng nội địa tăng sẽ làm giá tăng và do đó tỷ giá hối đoái thực tế giảm theo.

Đối với Nga, khi tỷ giá hối đoái thực giảm, hàng hóa trong nước trở nên đắt đỏ hơn so với hàng quốc tế nhưng đồng nội tệ vẫn mạnh và lạm phát trong nước vẫn cao dẫn đến hiện tượng “lạm phát rút ruột hàng hóa”. Điều này xảy ra không phải do quy luật thị trường mà là do các lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt lên Nga khiến Nga dù muốn tiêu bớt các đồng ngoại tệ thì cũng lấy làm khó vì có tiền nhưng không nhập khẩu được thứ gì dù đồng nội tệ mạnh giúp giá hàng hóa nhập khẩu rẻ tương đối so với hàng nội địa. Nói một cách dân giã như tổng bí thư Trọng thì “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu!”. Hết cách, ngân hàng trung ương Nga phải giảm lãi suất từ 11% xuống 9,5% và nó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đổi tiền của Nga.

 

  1. Thấm đòn trừng phạt của phương Tây, Nga đổi sang đồng Ruble mới

Nga in thêm tiền mới vì muốn quản lý chặt nền kinh tế ?

a-   Hậu quả của việc đồng rúp tăng giá phi mã và các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga.

Những người lo ngại hoặc huênh hoang cho rằng nền kinh tế Nga đã phục hồi, ngân hàng trung ương Nga đã thành công trong việc chặn đứng đà tăng giá cao nhất kể từ năm 2018 thì một là không hiểu nền kinh tế vận hành như thế nào, hai là mắc chứng cuồng Putin quá đáng mà chỉ biết nghe mấy lời tâng bốc “khả năng lãnh đạo tài tình” của đám chóp bu thân cận Putin. Lạm phát và giá trị đồng nội tệ không đơn giản tỷ lệ nghịch như nhiều người vẫn nghĩ, nhiều nhà kinh tế học đã chỉ ra hiện tượng giá trị đồng nội tệ tăng nhưng lạm phát vẫn cao là nghịch lý “tỷ giá Potemkin”. Trong Kinh tế học và chính trị, thuật ngữ “làng Potemkin” (Potemkin Village) ám chỉ bất kỳ công trình (theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng) có mục đích duy nhất là cung cấp vẻ ngoài hào nhoáng cho một quốc gia đang hoạt động kém hiệu quả, khiến mọi người tin rằng đất nước đang phát triển tốt hơn. Thuật ngữ này xuất phát từ việc Grigory Potemkin dựng lên những khu làng di động giả dọc các bờ sông Dnieper nhằm đánh lừa Catherine II về sự trù phú của khu vực Ukraine và bán đảo Crimea, vốn nằm dưới quyền quản lý của Potemkin, trong chuyến đi thị sát của bà tới khu vực này vào năm 1787. Qua đó, chúng ta có thể thấy tỷ giá đồng Ruble không là một thước đo sức khỏe nền kinh tế Nga. Cơ quan thống kê liên bang Nga Rosstat đã thừa nhận rằng số người Nga sống dưới ngưỡng nghèo đã tăng từ 12 triệu người lên 21 triệu người trong quý 1/2022. Vậy hậu quả là gì?

Nguyên liệu sản xuất thiếu hụt, hàng tiêu dùng tăng giá vì khan hiếm đang dần phổ biến tại Nga, đang cảnh báo một tương lai ảm đạm cho kinh tế nước này. Chẳng hạn, sau khi các lệnh trừng phạt làm cản trở hoạt động sản xuất tại nhà máy của Avtotor ở Kaliningrad, hãng ôtô Nga quyết định tung ra chương trình xổ số miễn phí trúng các lô đất rộng 4 ha kèm cơ hội mua khoai tây giống để nhân viên có thể tự trồng trọt lương thực trong “tình hình kinh tế khó khăn”. Trong lĩnh vực công nghiệp (bao gồm hóa chất, dầu, khí đốt và sản xuất) khối lượng nhập khẩu trung bình trong 4 tuần giảm 88% so với đầu tháng Hai, theo đơn vị chuyên theo dõi chuỗi cung ứng FourKites. Khối lượng nhập khẩu liên quan đến tiêu dùng giảm 76%, khiến người Nga gặp khó khăn trong việc mua hàng. Các bệnh viện bị hạn chế các bộ phận và vật tư thay thế cho máy lọc máu và máy thở.

Từ khi Nga xâm lược Ukraine, hàng nghìn công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga, khiến nhiều người Nga lâm vào cảnh thất nghiệp. Vào giữa tháng 5, bộ kinh tế Nga đã dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này sẽ tăng lên mức gần 7% trong năm nay, từ mức dưới 5% của năm ngoái, và sớm nhất phải đến năm 2025 mới có thể quay trở lại mức cũ. Trong khi đó, lạm phát của Nga không tỷ lệ nghịch với thất nghiệp như nhiều sinh viên kinh tế Việt Nam “phán” mà nó vẫn ở mức cao, bộ đôi lạm phát và thất nghiệp tạo nên hiện tượng đình lạm tại Nga. Tuy lạm phát tại Nga đã dịu đi đôi chút nhưng vẫn đang ở vùng đỉnh của 20 năm do khan hiếm hàng hóa. Giá thực phẩm ở nước này hiện đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập khả dụng thực tế của người dân trong 3 tháng đầu năm nay giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đỉnh cao nhất là vào ngày 25/06/2022, Nga vỡ nợ chủ quyền lần đầu tiên kể từ sau 100 năm khi chính quyền cộng sản tuyên bố không công nhận các khoản nợ có từ thời Sa Hoàng.

Dòng cuối tôi muốn lưu ý cho các bạn sinh viên kinh tế: Đừng bao giờ chỉ học mỗi chương trình kinh tế được dạy tại một trường đại học vì nó phiến diện và không bao quát toàn bộ vấn đề. Muốn học kinh tế phải tự tìm tài liệu đọc để hiểu bản chất sự vật hiện tượng hơn là học vẹt để được điểm cao trong các kỳ thi cuối kỳ. Việc các bạn hiểu sai về lạm phát nó tương tự như các bạn hiểu sai về bản chất của nhà nước dân chủ vậy. Lưu ý một lần và mãi mãi: Lạm phát tăng không phải lúc nào cũng xấu, lạm phát tăng chỉ gây hại cho nền kinh tế khi nền kinh tế không tăng sản lượng lưu thông hàng hóa và lạm phát tăng sẽ có lợi khi khối lượng lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế tăng tương ứng. Khi lạm phát tăng cùng với khả năng lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thì không chỉ chi phí sản xuất, giá cả hàng hóa tăng mà thu nhập của người tiêu dùng cũng và vốn của nhà đầu tư cũng tăng, nền kinh tế trong trường hợp này phát triển để mở rộng quy mô hoạt động.

 

b-   Nga đổi tiền để làm gì?

Việc Nga xâm chiếm vô cớ Ukraine đã khiến mức độ tín nhiệm của quốc gia này trên thế giới giảm nghiêm trọng, bằng chứng là trong các cuộc họp cấp cao trên trường quốc tế thì một là ngoại trưởng Nga bỏ đi hai là ngoại trưởng của các nước bỏ đi khi một trong hai bên phát biểu quan điểm của mình. Lưu thông tín nhiệm là một dạng lưu thông trong nền kinh tế nhưng không được đánh giá đo đạt như các loại lưu thông khác vì đặc tính cơ bản của nó: Tính nhân bản. Điều này giải thích tại sao Mỹ từ chối mua hàng ở Tân Cương vì Trung cộng vi phạm nhân quyền hay các nước Châu Âu cắn răn chấp nhận các biện pháp cấm nhập khẩu dầu của Nga vì các hành động lạm dụng nhân quyền tại Bucha, Ukraine…và điều này cũng giải thích nốt hành động mua dầu giá rẻ của Nga mà Trung cộng đang thực hiện (Ấn Độ là một trường hợp ngoại lệ đáng xấu hổ của các nước thuộc khối không liên kết, dễ hiểu vì bản chất văn hóa của Ấn Độ vốn không tôn trọng nhân quyền). Lưu thông tín nhiệm là nền tảng cho lưu thông tín dụng, Nga chỉ có thể lưu thông tín dụng tại các quốc gia còn tín nhiệm Nga, thị trường của Nga đã thu hẹp từ bao quát quốc tế xuống cục bộ vài quốc gia.

Hiện tại Nga đang dùng dầu mỏ để bảo hộ giá trị đồng tiền do bị thế giới cô lập (trừ những nước không tôn trọng nhân quyền) và bị ép để trở thành một nền kinh tế tập trung thì khi lưu thông quốc tế càng nhiều càng làm Nga tốn kém tài nguyên và dẫn đến suy yếu trong dài hạn. Càng nhiều giao dịch mua bán tài nguyên, Nga sẽ càng kiệt quệ vì Nga chả được lợi gì khi bán một lượng lớn dầu mỏ mà chỉ thu được về một sấp giấy lộn không có khả năng lưu thông quốc tế và nguy cơ lạm dụng lưu thông tiền tệ nội địa. Nhất là khi Nga trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung cộng thì càng dễ bị Trung cộng mặc cả để mua được dầu giá rẻ bởi ngoài Trung cộng ra thì không quốc gia nào muốn bản thân bị ảnh hưởng bởi mức độ tín nhiệm thấp của Nga, tránh việc không vay được nợ trong tương lai như Nga. Trong khi Nga cầm nhiều tiền mà không thể nhập khẩu được những mặt hàng phục vụ cho lưu thông nội địa thì những pháp nhân còn làm ăn với Nga vẫn có thể dùng số tiền đóng băng kia đem đổi lấy tài nguyên của Nga.

Vậy nên, phải hiểu rằng động thái đổi mẫu tiền của Nga là nhằm tăng khả năng chia phối của chính phủ Nga trong các giao dịch quốc tế và nội địa. Ba lý do có thể kể đến:

Một là muốn giao dịch trực tiếp với Nga bằng đồng ruble cũ thì phải thông qua chính phủ Nga mà đại diện là hệ thống ngân hàng của Nga, phải đổi đồng ruble cũ sang đồng ruble mới rồi mới dùng đồng ruble mới đó để mua hàng hóa và tài nguyên được. Và trong quá trình này sẽ phải chịu sự chia phối, điều phối của chính phủ Nga.

Hai là khống chế được lượng tiền giấy đang lưu thông trong chính nước Nga, tránh việc bị các kênh giao dịch ngầm lũng đoạn thị trường và mệnh giá đồng ruble.

Và ba, cũng là quan trọng nhất. Nó đánh dấu sự quyết tâm của Nga trong việc cắt đứt hệ thống lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế thị trường để chính thức trở về với nền kinh tế tập trung, giúp chính phủ chi phối người dân và người dân hoàn toàn lệ thuộc vào chính phủ. Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Putin kêu gọi các doanh nhân Nga quay về đầu tư cho chính nước Nga.

Lúc này thì đồng tiền không còn được lưu thông tự do nữa (không thể mua ngoại tệ, không thể đem ra nước ngoài để chi tiêu, không thể mua được hàng hóa quốc tế, không thể chuyển khoản ra nước ngoài…), mà chỉ có thể giao dịch với nơi phát hành là chính phủ, vậy thì nó sẽ không khác gì tem phiếu, để dần dần thì người dân có tiền cũng chỉ có thể mua được những gì mà chính phủ cho phép lưu thông trong nền kinh tế.

Dòng cuối cùng này là vài kết luận đơn giản: dù Nga có làm điều gì đi chăng nữa thì nền kinh tế Nga vẫn sẽ tụt hậu và tụt hậu một cách bi đát vì từ chối các giá trị tiến bộ của loài người. Mặt khác nếu Nga vẫn tiếp tục bán dầu cho Trung cộng thì vẫn sẽ luôn ở cửa dưới vì mức độ tín nhiệm của Trung cộng trong những năm gần đây tuy có thấp nhưng không đến mức âm vô cùng như Nga và vì thế có tiếng nói hơn khi mua dầu của Nga, Nga sẽ trở thành cu li để Trung cộng mặc sức làm lợi từ nguồn tài nguyên của chính mình vì Nga không hiểu một vấn đề giản dị: Thị trường nhỏ thì khả năng lưu thông nhỏ và tính công bằng cũng sẽ ít được đảm bảo.

Vài lời nói vui sau cuối: Luật nhân quả chẳng chừa một ai, trước kia, Stalin nhìn thấy tiềm năng của cuộc nội chiến quốc – cộng tại Trung cộng thì đã làm “từ thiện kiểu Liên Xô” theo thể thức hàng đổi hàng và đương nhiên Liên Xô luôn ở cửa trên vì các vũ khí mà họ viện trợ cho đảng cộng sản Trung cộng là các vũ khí của quân phát xít Đức và Nhật, trong khi giá trị hàng hóa mà Trung cộng trao đổi cho Liên Xô luôn lớn hơn những món đồ mà Liên Xô từ thiện cho Trung cộng. Sau này khi Trung cộng cần các món vũ khí mới nhất thì Liên Xô dùng dằng và chỉ chịu viện trợ khi Trung cộng chấp nhận ký kết một khoản tín dụng ngoại tệ 300 triệu dolar (15 tỷ dolar theo thời giá hiện nay) cùng với lời cam kết đẩy lùi các căn cứ quân sự Mỹ ở Trung cộng và cũng từ đó nền kinh tế Trung cộng bị trói chặt vào nền kinh tế Liên Xô cho tới cuối những năm của thế kỷ trước. Tình thế hiện nay dường như bị đảo ngược lại khi Trung cộng đang là một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong khi Nga lại là một đế quốc đang suy tàn. Nền kinh tế của Trung cộng lớn hơn 6 lần (tính theo sức mua tương đương) so với Nga (30 nghìn tỷ so với 4,365 nghìn tỷ đô-la Mỹ, nguồn: IMF).

Sự lớn mạnh của Trung cộng có thể cho Nga nhiều thứ như thị trường tỷ dân, thành phần cho các hệ thống vũ khí của Nga và đương nhiên cả những thiết bị an ninh mạng chuyên giám sát người dân Nga… Cái bẫy mà Trung cộng đặt ra quá hấp dẫn đến mức đồng nhân dân tệ đang trở thành nguồn dự trữ ngoại hối chủ yếu của Nga (tỷ trọng dolar giảm một nửa xuống 23% trong năm 2018, trong khi tỷ trọng của đồng nhân dân tệ tăng từ 3% lên 14%). Nga không còn là một đối tác bình đẳng nữa mà đang phát triển thành một “nước chư hầu của Trung cộng”. Và như lời của cố thủ tướng người Anh Winston Churchill nói: “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Dù Trung cộng và Nga tuyên bố với thế giới là “đôi bạn vàng”, “tình bạn không giới hạn”… nhưng vẫn luôn có giới hạn trên thực tế, Trung cộng không thích thú việc bị kéo vào các lệnh trừng phạt của Nga và cũng không muốn giúp Nga né các lệnh trừng phạt, Trung cộng hiểu những lệnh trừng cấm vận các chất bán dẫn và những lệnh trừng phạt thứ cấp tài chính có thể khiến nền kinh tế của nước này lao đao.

 

Thiên Cầm

https://www.thongluan.blog/2022/07/gau-nga-trong-cuoc-thu-hung-kinh-te.html

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen