Seite auswählen

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (theo UN)

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam kêu gọi ký thỉnh nguyện thư chống CSVN tham gia Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Theo Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ biểu quyết vào tháng 10 năm nay cho nên chúng ta chỉ còn 3 tháng nữa để vận động. Vì lợi ích chung, kính mong quý vị bỏ một hai phút để ký và giúp chuyển những nơi khác.

https://www.change.org/p/do-not-elect-vietnam-to-the-united-nations-human-rights-council-for-the-2023-2025-term

Xin chân thành cảm ơn quý vị.

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

 

 

Mỹ thêm Việt Nam vào danh sách đen buôn người

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES

Hoa Kỳ vừa thêm Việt Nam vào danh sách đen buôn người, cùng với một số nước khác, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Các quốc gia bị đưa vào danh sách đen – “Bậc ba” – phải chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, mặc dù chính quyền Mỹ thường bỏ trừng phạt đối với các quốc gia thân thiện hứa hẹn cải thiện, theo AFP.

Việt Nam, quốc gia đang có mối quan hệ nồng ấm với Washington do cùng quan ngại về một Trung Quốc đang trỗi dậy, vẫn bị cho vào sách này.

Báo cáo buôn người hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ từ trước đến nay ‘không tha’ các đồng minh thân cận, đo dó thường gây bất đồng, mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng việc này đã khiến các chính phủ phải hành động, theo AFP.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chính quyền Hà Nội đã giảm các vụ truy tố liên quan đến buôn người vào năm 2021.

Báo cáo đặc biệt này chỉ trích Hà Nội đã không có hành động nào để xử lý vụ việc một nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi bị cáo buộc đồng lõa buôn bán một số công dân của họ.

Cùng được bổ sung vào danh sách đen buôn người đợt này còn có Campuchia, Brunei và Ma Cao, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Danh sách này đã có tên Malaysia, Afghanistan, Cuba, Eritrea, Guinea-Bissau, Iran, Myanmar, Triều Tiên, Nicaragua, Nga, Nam Sudan, Syria, Turkmenistan và Venezuela.

Trong một báo cáo thường niên, Hoa Kỳ cũng đã thêm Belarus vào danh sách đen và trong một lần hiếm hoi chỉ trích một đồng minh phương Tây, đã đưa Bulgaria vào danh sách theo dõi vì lo ngại rằng nước này không thực sự để tâm giải quyết vấn nạn này, theo AFP.

“Nếu bạn nhìn vào bản báo cáo, bạn sẽ thấy một bức tranh tổng thể về sự tiến bộ,” Ngoại trưởng Antony Blinken nói khi trình bày báo cáo.

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES

“Hai mốt quốc gia đã được nâng cấp một bậc, bởi vì các chính phủ đó đã có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người trong nước cũng như đối với công dân của họ ở nước ngoài.

“Mười tám quốc gia đã bị hạ một bậc, cho thấy rằng họ không có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người – hoặc tệ hơn, rằng chính phủ của họ có chính sách hoặc mô hình buôn người do nhà nước bảo trợ.

Blinken nói rằng tham nhũng là một “công cụ hàng đầu” của những kẻ buôn người – vốn trông cậy vào sự làm ngơ của các chính phủ.

“Các quan chức chính phủ rõ ràng có thể làm ngơ trước các hoạt động bất hợp pháp, cung cấp giấy tờ giả cho người lao động, báo trước cho những kẻ buôn người về các cuộc đột kích sắp xảy ra.

“Tham nhũng cho phép những kẻ buôn người tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt.”

“Trong khi đó, tại 11 quốc gia, chính phủ khiến người dân của mình trở thành đối tượng bị buôn bán – ví dụ như để trả thù cho quan điểm chính trị của họ, hoặc thông qua lao động cưỡng bức trong các dự án vì lợi ích quốc gia.

“Các việc này có thể là ép người dân, bao gồm cả trẻ em, lao động cưỡng bức trong các lĩnh vực chủ chốt – khai thác mỏ, khai thác gỗ, sản xuất, nông nghiệp – hoặc đưa các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số đi “giáo dục” trong các trại.”Hoặc cũng có thể là đưa người lao động đi mà không cho họ biết họ đang đi đâu hoặc làm gì, tịch thu hộ chiếu và tiền lương, buộc họ vào điều kiện làm việc nguy hiểm và liên tục theo dõi hoạt động của họ,” Ngoại trưởng Antony Blinken nói.

“Khi chúng tôi giải quyết các vấn đề như khí hậu và tham nhũng trong suốt quá trình ngoại giao của mình, chúng tôi cũng đề cập tới cách chúng giao thoa với nạn buôn bán người,” ông Antony Blinken nói thêm.

Algeria và quần đảo Ấn Độ Dương, Comoros đều đã được đưa ra khỏi danh sách đen trong năm nay sau khi có những tiến bộ.

Việt Nam và nạn buôn người

Tháng 11/2021, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) ra thông cáo đề cập vụ một thiếu nữ Việt Nam 15 tuổi tử vong tại Ả Rập Saudi.

Sau khi bị chủ đánh đập, cô gái này không được ăn và chữa trị. Cô chết trước khi được đưa trở về Việt Nam. Vì hồ sơ của cô bị một đơn vị tuyển dụng lao động làm giả mạo nên gia đình không thể đưa thi hài cô về nước.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) đã kêu gọi chính phủ Saudi Arabia và Việt Nam cùng truy quét nạn buôn người sau khi hồ sơ cho thấy có nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị lạm dụng tình dục, bị chủ đánh đập, hành hạ khi đến Ả Rập Saudi làm nghề giúp việc nhà.

OHCHR yêu cầu chính phủ Việt Nam và Saudi Arabia tiến hành một cuộc điều tra độc lập và bất thiên vị đối với những cáo buộc vi phạm nhân quyền nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái lao động ở nước ngoài, và cáo buộc có sự liên quan của giới chức nhà nước trong nạn buôn người, và đồng thời truy tố thủ phạm.

Trả lời BBC News Tiếng Việt vào thời điểm đó, Giáo sư Mullaly Siobhán, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc nói rằng điều quan trọng là Việt Nam phải gia tăng nhận thức về nạn buôn người.

Ả Rập Saudi chỉ là một trong nhiều nước mà nhiều người Việt bị buôn bán sang để bị bóc lột.

Theo báo cáo về tình hình buôn người ở Việt Nam do ĐSQ và Tổng Lãnh sự quán Mỹ công bố năm 2011, nhiều người Việt Nam bị đưa đi lao động cưỡng bức trong các ngành xây dựng, ngư nghiệp, nông nghiệp, khai thác mỏ, công nghiệp hàng hải, khai thác gỗ và công nghiệp chế tạo, chủ yếu ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, và một số vùng ở châu Âu và Vương quốc Anh.

Phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài, chủ yếu ở vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập Saudi, Singapore, và Đài Loan.

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES

Đã được cảnh báo

Trong báo cáo tình hình buôn người năm 2021, chính phủ Mỹ đã cảnh báo Việt Nam – khi đó đang trong danh sách bị theo dõi – bậc hai – rằng nếu không có những cải thiện đáng kể, Việt Nam có nguy cơ rơi vào danh sách đen – bậc ba.

Báo cáo năm 2021 do chính phủ Mỹ công bố nói rằng trong năm thứ tư liên tiếp, báo cáo số vụ việc điều tra và kết án đối với bọn buôn người của chính phủ Việt Nam bị giảm xuống.

Bên cạnh một số cải thiện, báo cáo cho hay:

“Chính phủ không công bố bất cứ vụ điều tra, truy tố, kết án nào đối với các cán bộ nhà nước đồng lõa trong các vụ buôn người.

“Các quan chức chính phủ thừa nhận rằng yếu kém về thu thập và quản lý dữ liệu, giám sát các cơ sở kinh doanh tiếp tay cho hoạt động mại dâm, thu thập chứng cứ trong các vụ án buôn người xuyên quốc gia, và giám sát các vụ án buôn người và các xu hướng đang phát triển đã cản trở các nỗ lực của chính phủ trong việc chống nạn buôn người.

“Các quan sát viên quốc tế trước đây cho biết các quan chức chính phủ thường đổ lỗi cho công dân Việt Nam về tình trạng họ bị bóc lột ở nước ngoài hoặc cho rằng các nạn nhân đã thổi phồng việc họ bị lạm dụng để tránh bị truy cứu về các vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh.

“Chính phủ không nỗ lực nhằm làm giảm nhu cầu mua dâm hoặc du lịch tình dục trẻ em.

“Chính phủ không thực hiện các biện pháp từ chối nhập cảnh đối với những người Mỹ đã từng phạm tội về tình dục.”

BBC (20.07.2022)

 

 

 

Đàn áp truyền thông, chống diễn tiến hoà bình

Việt Nam đang phải chật vật chống diễn biến hòa bình, tự chuyển hóa trong quần chúng

Chính quyền, cánh tay của đảng cộng sản độc tài VN đang ra sức đàn áp quyền tự do biểu đạt ôn hòa của người dân trong nước mà họ xem như nằm trong chiến lược diễn biến hòa bình, tự chuyển hóa của chủ nghĩa tư bản.

Ngoài tích cực chận truy cập các trang mạng mà họ cho có tính nhạy cảm chính trị, như Việt Nam Thời Báo, Luật Khoa, chính quyền còn gây sức ép với các công ty viễn thông buộc gỡ bỏ các nội dung phê phán chính quyền hay ĐCSVN.

Với báo chí trong nước cũng xiết chặt hơn sự kiểm soát, mặc dù trước đó  chưa hề buông lơi hệ thống tuyên truyền thiết yếu bảo vệ đảng này.

Hơn 800 phương tiện truyền thông được ĐCSVN sử dụng, qua hàng chục ngàn nhà phóng viên, biên tập viên, chú nhiệm, chủ bút, chủ động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng. Tuy vậy, càng lâu chế độ càng bộc lộ những điểm xấu mà họ cố che dấu, hoặc có thể đảng ngộ nhận là tốt nhưng thật ra là độc hại, kiềm hãm đà tiến của xã hội. Những người còn chút lương tri trong báo giới lại là những người nhanh nhạy nhất ‘chủ động nắm bắt’ được sự bất cập, thối nát của chế độ. Qua các tờ báo, kênh thông tin  ‘định hướng dư luận xã hội’ họ góp phần chống lại nền tảng tư tưởng của Đảng. Làn sóng phản kháng từ ngấm ngầm dần lên cao. Bắt đầu từ những người dân thường đến các thức giả, từ người thờ ơ với sự thay đổi chính trị, đến người có tâm với đất nước và tới đảng viên, tới những người được huấn luyện bảo vệ đảng.

Những người dám lên tiếng phê phán đảng hay chính quyền phải đối mặt với việc bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị câu lưu và bắt giữ tùy tiện, và bị bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng như các nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập VN, như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, nhà báo Phạm Đoan Trang  nhà văn Bà Đầm Xòe Phạm Thành, Lê Dũng Vova, Nhóm Nhà Báo Sạch.

Không dừng ở sự trấn áp những người chống đối mà họ gọi là chống phá cách mạng VN. Chính quyền VN đánh mạnh vào những tờ báo, nhà báo có tư tưởng tự chuyển hóa ngay trong hệ thống báo chí họ dựng nên làm công cụ tuyên truyền, định hướng chính kiến. Trường Chinh đã nói:  “Nhà báo phải là chiến sĩ dũng cảm, toàn tài. Làm báo là dạy người làm người”.

Những chiến sĩ dũng cảm, toàn tài, dạy người làm người khi bắt đầu chập chững bước vào nghề đã bị công an ‘mời’ ký giấy cam đoan phải bảo vệ tổ quốc; sự cam đoan mà ngay cả kẻ thất phu cũng muốn. Nhưng tờ cam đoan đó là cái kim cô công an chụp lên đầu bắt người làm báo luôn chịu nhục, cúi đầu nghe theo đảng, đảng bảo sao nghe vậy, đảng nắn sao nên vậy. 

Tờ Al Jazeera kể, Nguyễn Hằng (tên giả) nhớ về ngày đầu tiên làm “trợ lý tin tức” vào năm 2008 cho một ấn phẩm quốc tế tại Việt Nam.

Cô được yêu cầu tham dự một cuộc họp với công an, người đã yêu cầu cô ký vào một tờ giấy khẳng định rằng công việc mới của cô là bảo vệ đất nước.

Hằng nói với Al Jazeera: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mảnh giấy đó sẽ theo tôi đi khắp nơi. “Mỗi khi tôi định làm điều gì đó không theo ý muốn của chính quyền, họ sẽ đặt tờ giấy đó trước mặt tôi như một lời nhắc nhở.”

Hằng cho biết cô đã bị các nhân viên an ninh cộng sản VN đe dọa nhiều lần nhưng cô nói thêm rằng cô không phải là người duy nhất trong những người làm báo trong bối cảnh tự do báo chí bị thu hẹp ở quốc gia Đông Nam Á này.

Tổ chức nhân quyền Freedom House cho rằng Việt Nam là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất về tự do truyền thông ở châu Á. Freedom House đánh giá tình trạng tự do báo chí ở VN là “không tự do” 

Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019 xếp Việt Nam đứng thứ 176 trong số 180 quốc gia, giảm một bậc so với năm trước.

Nhiều nhà báo có tư cách đã phản ứng bằng cách này, cách khác đối với sự sai lầm có hệ thống của đảng khi họ viết thẳng, hay có khi phải luồn lách, qua các mảng chuyên môn của họ như chính trị, kinh tế, thương mại, xã hội. Những người này bị đảng chụp cho cái mũ “các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng”, khiến cho “sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta gặp nhiều khó khăn, thách thức”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động…Nhiều phóng viên bị bắt, nhiều tờ báo ‘kiểm soát lỏng lẻo nội tình’ để có các bài viết không hợp ý đảng bị phạt, bị đóng cửa có thời hạn hay vĩnh viễn.

Ngoài bị các tổ chức nhân quyền thế giới xếp hạng VN là nước vi phạm nặng nề nhân quyền,  không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, VN đang phải chật vật chống lại chiến lược diễn biến hòa bình, tự chuyển hóa xảy ra từ trong lòng quần chúng như một cách tự nhiên, xuyên qua hoạt động báo chí chính thức từng là nơi nương tựa vững chắc của đảng.

 Quang Nguyên

______________

Tham khảo

https://freedomhouse.org/country/vietnam/freedom-net/2020

https://www.hrw.org/vi/world-report/2020/country-chapters/336851

https://rsf.org/en/country/vietnam

https://www.aljazeera.com/news/2019/5/20/fear-and-paranoia-how-vietnam-controls-its-media

http://lsvn.vn/lam-bao-la-day-nguoi-lam-nguoi1623920785.html

VNTB (20.07.2022)

 

 

 

Lời ai điếu cho nền báo chí bưng bô tội ác!

Báo Việt Nam RFA edited

Tháng 6, tháng của báo chí cách mạng Việt Nam với ngày cúng giỗ 21-6, tôi cứ khắc khoải chờ một bài viết, một câu nói phản tỉnh, nhìn lại một cách chân thành về những duyên nghiệp mà nền báo chí cách mạng đã tạo lập trong năm. Nhưng đáng tiếc, tháng 6 đã qua đi, tháng 7 sắp hết, nền báo chi cách mạng ấy vẫn vận hành đều đặn, lạnh lùng theo định hướng XHCN như đoàn tàu cứ lao tới chân trời vô định theo đường rail đã lập trước từ thời ông Lê Nin, Xít ta lin, Mao Trạch Đông.

Hơn 10 năm trước nhà báo đỏ Lê Phú Khải đã viết thiên Hồi Ký Lời ai điếu cho nền báo chí bưng bô như sự phản tỉnh với mình và sự cảnh tỉnh với lớp đồng nghiệp trẻ về lề thói báo chí tuyên truyền theo định hướng, bẻ cong sự thật, đánh tráo trắng đen,

Rất tiếc, tiếng nói của ông như giọt mưa trong sa mạc, Báo chí cách mạng Việt Nam càng ngày càng lập đỉnh cao bưng bô mới và đặc biệt năm 2021-2022 này lại vươn đến tầm cao mới là bưng bô tội ác. Thời ông Lê Phú Khải, báo chí chỉ mới bưng bô, bịt tai nhắm mắt tô vẽ cho các chủ trương quyết sách sai lầm phá nước- hại dân như hợp tác hóa nông nghiệp, ngăn sống cấm chợ, dẹp bỏ kinh tế tư nhân… Cá nhân được báo chí bưng bô là quan chức đương quyền.

Công bằng mà nói, trong thời đó vẫn ít nhiều có tiếng nói phản biện, vẫn có những nhà báo, tổng biên tập (TBT) có tâm dám lên tiếng phản biện ở những mức độ khác nhau. Người ta vẫn còn nhớ những cái tên Tống Văn Công (Người Lao Đông, Lao Động), Vũ Kim Hạnh (Tuổi Trẻ) Tô Hòa (SGGP) Nguyễn Thế Thanh (Phụ Nữ TP,HCM) góp phần rất lớn cho cuộc phá vỡ thành trì bao cấp, bảo thủ lạc hậu.

Lớn hơn nửa là Nguyên Ngọc (Văn Nghệ) đã khai mở một trào lưu mới trong sáng tác văn học… Tất cả đã phải trả giá bằng sinh mạng chính trị bị đứt đoạn nhưng ít nhiều đã đem đến cho công chúng những mảnh bánh mì sự thật.

Thế hệ kế tiếp với sự quản lý chặt chẽ hơn, sức phản biện của báo chí giảm đi nhưng ít nhất một số nhà báo, tờ báo vẫn còn giữ lòng tự trọng và trách nhiệm đem đến cho người đọc nhiều bột sự thật hơn trong phân nửa cái bánh mì. Gan cóc tía  to nhất lại chính là các tờ báo bé bé như Sài Gòn Tiếp Thị của TBT Tâm Chánh với hàng loạt bài viết thốn động Chị Hai Thủ Tướng, Biên Giới Tháng Hai, Trung Quốc bắn thẳng vào tàu cá Việt Nam trú bão ở Hoàng Sa…. Tờ Cựu Chiến Binh của Thiếu Tướng TBT Kim Quốc Hoa với hàng loạt bài phản ánh các vụ tham nhũng tiêu cực đất đai đặc biệt là chuyện mua quan bán tước trong quân đội trong bài “Thị Trường Sao và Vạch”, Tâm Chánh mất chức, báo SGTT bị “không gia hạn cấp phép”. Ông Kim Quốc Hoa bị khởi tố…

Ở mức độ tự trọng nghề nghiệp, người ta còn trêu chọc nhắc nhở nhau về những lỗi, những hạt sạn trong nghề nghiệp, nhiều tờ báo có mục “dọn vườn” báo Pháp Luật TPHCM có mục: “Giao Lưu” “Làng ta muôn mặt” nhặt sạn cho mình và cho đồng nhiệp. Trong vụ Mỹ tấn công Irắc, báo SGGP in báo sớm, khi báo ra Mỹ đã tấn công nhưng trên báo lại đăng tin dự đoán Mỹ sẽ tấn công trong 24 giờ, TBT Phan Hồng Chiến bị đồng nghiệp đặt biệt hiệu là “ông 24 giờ”

Trong trường hợp đồng nghiệp bị xử oan, bị đối xử bất công tờ báo chủ quản và ít nhiều các báo bạn cũng lên tiếng tranh luận, phản biện như trường hợp Nguyễn Việt Chiến, Việt Hải trong vụ PMU 19 hay Nguyễn Hoàng Khương vụ hối lộ cảnh sát giao thông sau này.

Điểm lại vài sự kiện để nhớ rằng có một thời dù là báo chí bưng bố nhưng ít nhiều nền báo chí Việt Nam nhất là báo chí Sài Gòn vẫn còn giữ được chút ít tàn dư của văn hóa Mỹ Ngụy, tuy phải gồng gánh bưng bô nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng nhưng vẫn “của tin còn giữ chút này” một chút liêm sĩ, một chút trách nhiệm của người cầm bút.

Hơn một thập niên gần đây, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, với tài quản lý của các Bộ trưởng tội phạm Nguyễn Bắc Son, Phạm Minh Tuấn với các quy hoạch báo chí mới theo ý Đảng, nền báo chí cách mạng đã thật sự thay đổi về bản chất hồn Trương Ba- da hàng thịt. Báo chí chỉ còn là cái tên gọi, thực chất đã thành guồng máy tuyên truyền bưng bô. 

Hình minh hoạ: Bản đồ tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới trong báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2022. AFP

Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, báo chí cách mạng đi đầu hùng hào cổ súy cho chủ trương chống dịch như chống giặc, phong tỏa, xây lô cốt, pháo đài tập trung F1, F0 trong các khu cách ly bệnh viện dã chiến, nhốt người dân vùng đỏ trong các ngỏ hẻm, không thuốc men, không phương tiện điều trị, thiếu thực phẩm. Những cái tên mỹ miều ‘khu cách ly, bệnh viện dã chiến’ thực chất là những lò sát sinh đã được báo chí che lấp bằng những khẩu hiệu không ai bị bỏ lại phía sau hay hình ảnh Thủ tướng mướt mồ hôi đi kiểm tra thực tế, hình ảnh bốn anh bộ đội xách một túi thức ăn đi chợ hộ cho dân. Người dân chạy đói, chạy chết về quê bị báo chí gán tên là “hồi hương tự phát”…

Tiếng nói của các chuyên gia y tế độc lập như các bác sĩ trong nước Pham Xuân Trung, Võ Xuân Sơn, Phạm Việt Thắng, Trương Hữu Khanh, Trần Tuấn …. hoặc các chuyên gia gốc việt từ nước ngoài như Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Bác sĩ Trần Tịnh Hiền (Mỹ) phản biện về các quyết sách sai lầm, cực đoan này trên mạng xã hội bị báo chì nhận chìm trong im lặng hoặc chụp cho cái mũ phản động.

Báo chí cách mạng góp công rất lớn bằng hàng ngàn bài viết xây dựng hình ảnh Phan Quốc Việt, Kit test Việt Á cổ súy cho chiến lược ngoáy mũi đại trà, thần tốc, tạo bức màn che hào nhoáng cho thương vụ 4000 tỉ trên sinh mạng, sức khỏe và sự đau khổ thể xác, sự hoảng loạn tinh thần của hàng triệu người dân. Kit test Việt Á được WHO công nhận, được xuất khẩu ra hàng chục nước trên thế giới bao gồm cả EU… có máu và những oan hồn người Việt thấm đẫm trong những ngôn từ lừa dối ấy.

Sự nhiệt thành bưng bô tội ác này chỉ đơn thuần là do lòng trung thành mang tính bầy đàn với chủ trương đường lối của trên hay còn lý do gì khác nữa? Số tiền 800 tỉ bôi trơn của Việt Á lẽ nào chỉ có quan chức ngành Y? Lẽ nào các quan chức ngành y thụ hưởng một mình trong khi những con số tiến độ số lượng Kit test tiêu thụ hàng ngày là thành tích hay khuyết điểm của địa phương. Số ca chết tăng mỗi ngày là nỗi ám ảnh của người dân thì số lượng người dân bị lùa đi test mỗi ngày là thành tích của cán bộ. Hợp đồng tung hứng nhịp nhàng ấy lẽ nào chỉ một bên hưởng lợi?

Bước phát triển mới về tay nghề và tâm nguyện bưng bô tội ác của Báo Chí Cách mạng không chỉ thể hiện trong đại án Kit test Việt Á mà có mặt trong hầu hết các đại án đã lộ hình hoặc đang tiềm ẩn của các đại gia địa ốc, chứng khóan.

Cũng vẫn một bài bản, im lặng trước tiếng kêu than của người dân bị cướp đất giao cho các đại gia từ Đồng Tâm, Văn Giang, Thủ Thiêm, Cồn Dầu, … tô vàng trét bạc lên những dự án các khu đô thị đáng sống, các căn hộ chung cư đẳng cấp nhà ở xã hội cao cấp… Trước khi bị bắt các đại gia Trầm Bê, Trần Bắc Hà, Đỗ Anh Dũng …. đều là những nhân vật khả kính được báo chí hết lời ca tụng. Chỉ duy nhất còn sót lại báo Phụ nữ TP.HCM đã tung ra loạt phóng sự điều tra về những mánh khóe chiếm đất, tàn phá môi trường cảnh quan thiên nhiên của tập đoàn SunGroup kết quả là TBT Lê Huyền Ái Mỹ phải rời chức vụ.

Đỉnh cao bưng bô các đại gia tội phạm là báo tết Nhâm Dần, báo Pháp Luật TP.HCM đã dùng trọn trang bìa ấn phẩm xuân để đăng hình các đại gia. Hình to nhất là nữ đại gia đình đám qua vụ ly hôn nghìn tỉ, hai gương mặt khác kèm theo lời có cánh là Trịnh Văn Quyết và Phạm Nhật Vượng. Chỉ mấy tháng sau khi báo ra, Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bắt giam vì thao túng chứng khoán, Phạm Nhật Vượng thì ngừng sản xuất xe ô tô xăng và chuyển hết vốn VinFast ra nước ngoài mà ai cũng biết rằng tài sản lớn nhất của VinFast chính là hàng ngàn hécta đất được Nhà nước ưu đãi xây dựng nhà máy ô tô.

Bưng bô đại gia kiếm tiền là phương thức kiếm sống của báo chí cách mạng. Nhưng dân gian có câu, làm đĩ mười phương cũng chừa một phương kiếm chồng. Theo luật bất thành văn của báo chí trang bìa 1 của ấn phẩm xuân là trang bàn thờ để cúng quảy cho các sự kiện chính trị quan trọng hoặc là quà tặng thẩm mỹ cho người đọc trong những ngày đầu năm. Trong các giải thưởng của Hội báo Xuân hàng năm có cả giải thưởng cho trang bìa 1.

Dùng cả trang bìa một để bưng bô thì như cô gái bán cả cái phương để lấy chồng. Đã vậy lại bưng bô cho ngay kẻ mà ai cũng biết không sớm thì muộn cũng vào lò vì những tội ác tày trời lộ lộ thì còn tệ hơn cả cô gái ấy.

Đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp bưng bô của báo chí cách mạng còn hoành tráng cao ngất Trường sơn, xanh ngát Biển Đông hơn nữa khi cả bầy đàn lề phải, tất cả các thể loại báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử cùng hợp lực vu khống bịa đặt, soi mói làm tội làm tình một cụ già 90 tuổi và gia đình gồm những đứa con, cháu nuôi của cụ trong mái ấm có tên Tịnh Thất Bồng Lai, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Chỉ vì cái tội tu tại gia không đăng ký, tu mà biết hát, hát hay, nổi tiếng, con nít mồ côi mà tài năng giành nhiều giải thưởng.

Họ bị cáo buộc đủ thứ tội, giả tu trục lợi, giả mồ côi trục lợi, thậm chí là loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Bị bắt giam, bị khởi tố điều tra hóa ra cái tội chỉ có thể quy chụp gượng gạo là vi phạm Điều 331 ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’.

Cũng giống như chuyện bầy đàn ngợi ca Việt Á. Không phải báo chí cách mạng không biết là những người trong Tịnh thất Bồng Lai bị oan. Không phải báo chí không biết là mình đưa tin sai sự thật vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trong đó có nhiều trẻ em. Ngay khi cơ quan điều tra chính thức công bố tội danh khởi tố là Điều 311,  luật sư Đặng Bá Kỹ đã có bài cảnh báo trên Facebookvà được nhiều trang mang xã hội đăng tải. Status ngày 7-1 của luật  sư Đặng Bá  kỹ đã khẳng định 

 VỀ “VỤ ÁN TỊNH THẤT BỒNG LAI”: PHẢI CHĂNG BÁO CHÍ/TRUYỀN THÔNG/MẠNG XÃ HỘI ĐÃ BỊ “HỐ”?!? (1)

Năm trong sáu người bị khởi tố trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai. FBVN

Theo luật khi đã khởi tố theo Điều 331 thì không có loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều 331 là cái quái thai của xứ thiên đường, là cái vòng thiên la- địa võng chụp lên đầu những người lương thiện mà chính quyền thấy ghét.

Cục Trẻ em đã có văn bản đề nghị Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, kiểm tra, xử lý các tài khoản, fanpage chia sẻ hình ảnh trẻ em trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai” (2)

Thế nhưng đến nay trên mạng xã hội vẫn đầy rẫy thông tin hình ảnh bài viết, clip vu cáo các trẻ trong Tịnh Thất Bồng Lai là con loạn luân. Điển hình là tờ báo đại diện giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong của Đảng. (3)

Ngay khi công an ra Kết luận điều tra vụ án với những quy chụp lố bịch kệch cởm cáo buộc những lời ăn tiếng nói hàng ngày mà ai cũng có thể nói ra thành hành vi phạm tội thì Báo Chí lẽ ra phải đứng về phía lương tri, chính nghĩa phản biện với sự cáo buộc vô lý này; nhưng không, một làn sóng đấu tố dư luận lại bùng phát cao trào.

Từ phát súng tấn công của báo CAND, bầy đàn báo chí cách mạng đã sao y bản chính làm ra hàng ngàn bài báo khác. Dùng từ khóa “sự thật kinh hoàng tại Tịnh Thất Bồng Lai” sẽ cho ra hàng triệu kết quả tìm kiếm.(4)

Trước ngày xét xử, các luật sư đã phát hiện và công bố vụ án đã vi phạm nghiệm trong quy định tố tụng, dùng chứng cớ giả, xâm phạm hoạt động tư pháp và gởi đơn kiến nghị từ Bộ Chính Trị đến chủ tịch nước…. nhưng chẳng thấy báo chí nào đăng.

Phiên tòa với án bỏ túi chắc sẽ diễn ra. Báo chí sẽ là dàn đồng ca bưng bô cho bản án tội ác này

Gió Bấc

Tham khảo 

1-https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid02HcS6uhfMBw2yLVUKaejRWaVj2MdLvrc2Sw25LARDziFB4pop1uwq1VGVE1Ehaoddl&id=110804830261042&m_entstream_source=permalink

2-https://tintuc.vn/de-nghi-go-anh-tre-em-tren-mang-vu-tinh-that-bong-lai-post2211444

3-https://laodong.vn/phap-luat/cong-an-mo-rong-dieu-tra-toi-loan-luan-lua-…

4-https://www.google.com/search?

RFA (19.07.2022)

 

 

 

LHQ quan ngại việc Việt Nam đe doạ các nạn nhân tố cáo tội phạm buôn người

Các nữ lao động Việt Nam ở Ả Rập Xê Út.

Văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vừa công bố thư tố giác của bốn chuyên gia nhân quyền gửi chính phủ Việt Nam về nạn buôn người theo chương trình xuất khẩu lao động, trong thư nêu vấn đề công an Việt Nam đã đe dọa những người hồi hương từ Ả Rập Xê Út.

Thư tố giác số UA VNM 3/2022, ngày 26/4, của các chuyên gia nhân quyền thuộc LHQ yêu cầu chính phủ Việt Nam điều tra, làm rõ việc các nạn nhân của vụ buôn người và thân nhân của họ “sống trong môi trường đầy sự sợ hãi và đe dọa liên tục của quan chức chính quyền, đại diện các công ty xuất khẩu lao động, các nhóm buôn người và nhóm xã hội đen có liên hệ với chính quyền”.

Văn thư của LHQ ngày 26/4/2022.

“Đã có sự gia tăng của các hành vi đe dọa đối với những người hồi hương là nạn nhân của tội phạm buôn người và gia đình của họ. Những cáo buộc này bao gồm hành vi đe dọa, gây áp lực lên các nạn nhân và gia đình để họ ngừng khiếu nại với các tổ chức nước ngoài, cũng như việc cảnh sát giám sát một số nạn nhân”, báo cáo viên LHQ viết.

 

Văn thư của LHQ nêu cụ thể trường hợp của bà H’Thai Ayn, một lao động người dân tộc Ê Đê ở Ả Rập Xê Út là nạn nhân của vụ buôn người và được hồi hương về Việt Nam vào tháng 9/2021.

Các báo cáo viên LHQ lo ngại việc những nạn nhân cùng chung sống với bà H’Thai Ayn tại trung tâm xã hội Sakan ở Ả Rập Xê Út sau khi hồi hương về Việt Nam lại bị “công an thẩm vấn liên quan đến các hoạt động và các quan hệ của bà”. Ngoài ra, thân nhân của bà cũng bị công am mời làm việc, thông báo rằng bà sẽ bị khởi tố hình sự.

Các các báo viên LHQ nêu rõ rằng công an ở Việt Nam phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động để điều tra và đe doạ một số nạn nhân đã hồi hương này vì họ đã dám đứng lên đòi công lý.

Vào tháng 6 năm ngoái, bà H’Thái Ayun, nói với VOA rằng bà bị một quan chức đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh khiển trách sau khi đăng một video cầu cứu lên mạng xã hội vào đầu tháng 4.

Vào ngày 25/10/2021, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ đã gửi văn thư cho chính phủ Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các trường hợp buôn người lao động sang Ả Rập Xê Út.

Công văn phản hồi ngày 04/03/2022 của chính quyền Việt Nam. Photo: spcommreports.ohchr.org

Ngày 4/3/2022, Việt Nam phản hồi văn thư này, nêu lên những vấn đề một cách chung chung về chính sách, về khung pháp luật của Việt Nam… Các chuyên gia LHQ lấy làm tiếc vì văn thư của Việt Nam “không trả lời một số câu hỏi, đặc biệt các câu hỏi có liên quan đến việc điều tra, khởi tố, trừng phạt các thủ phạm trong vai trò buôn phụ nữ và thiếu nữ”.

“Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, bao gồm cả Ả Rập Xê-út, để ngăn chặn và đối phó với nạn buôn người liên quan đến công dân Việt Nam”, văn thư của Việt Nam viết.

Thư tố giác của nhóm công tác LHQ chỉ ra rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc không được hăm doạ hoặc trả thù những người báo cáo vi phạm.

VOA (19.07.2022)

 

 

Báo cáo Buôn người 2022: Việt Nam tụt hạng, quan chức tiếp tay cưỡng bức lao động ở nước ngoài

Những người phụ nữ Việt lao động tại Ả Rập Xê Út kêu cứu BPSOS/CAMSA International

Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước hạng ba, tức hạng cuối, trong báo cáo về nạn buôn người toàn cầu năm 2022 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 19/7.

Buổi công bố Báo cáo Buôn người 2022 (the 2022 Trafficking in Persons Report),  Diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoà Kỳ vào trưa ngày 19/7 (giờ địa phương). Tại đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken cho biết Bản báo cáo đánh giá 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Hoa Kỳ, đang hoạt động như thế nào trong việc ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ nạn nhân và trừng phạt những kẻ buôn người.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết theo báo cáo chi tiết, năm qua có 21 quốc gia đã được nâng cấp lên một hạng. Vì chính phủ các nước đó đã có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người ở trong nước cũng như đối với công dân của họ ở nước ngoài.

Ngược lại, có 18 nước đã bị hạ một bậc, cho thấy rằng họ không có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người, hoặc tệ hơn là chính phủ những nước đó có chính sách hoặc mô hình buôn người do nhà nước bảo trợ:

“Tham nhũng tiếp tục là công cụ hữu hiệu hàng đầu của những kẻ buôn người. Các quan chức chính phủ rõ ràng có thể đã làm ngơ trước các hoạt động bất hợp pháp, cung cấp tài liệu giả cho người lao động… Tham nhũng cho phép những kẻ buôn người tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt.

Buôn người vi phạm quyền được tự do của tất cả mọi người: tự do được làm những gì mình muốn, được trở thành ai và sống cuộc đời như thế nào.”

Việt Nam nằm trong nhóm 18 nước bị tụt hạng và cũng thuộc nhóm 11 nước xếp hạng ba. Các nước hạng ba bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau: “buôn người trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết, nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ, hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em.”

Báo cáo nêu rằng Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và chưa có nhiều nỗ lực để thực hiện điều này. Chính phủ Việt Nam cũng không truy cứu trách nhiệm đối với vụ việc hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cáo buộc đồng lõa trong vụ đưa người Việt ra nước ngoài rồi trở thành nạn nhân buôn người, và cũng không nỗ lực hết sức để bảo vệ các nạn nhân.

Vào năm 2021, một số nạn nhân bị cưỡng bức lao động ở Ả-Rập Xê-Út đã trốn thoát tìm đến Đại sứ quán Việt Nam, nhưng bị chính quan chức ở đây cưỡng bức trả lại cho những kẻ buôn người.

Trong một vụ khác cũng ở Ả-Rập Xê-Út, sau khi những nạn nhân tìm được nơi trú ẩn ở một tổ chức tại địa phương và tiếp cận với Sứ quán, cũng chính quan chức này đã nói dối rằng sẽ cho họ hồi hương. Nhưng sau đó lại “bán” nạn nhân cho những người chủ mới và họ tiếp tục bị cưỡng bức lao động.

Các tổ chức phi chính phủ nước sở tại đã giúp đỡ những nạn nhân này được về trở về nước. Trong khi đó, các nhà chức trách tại Việt Nam đôi khi còn sách nhiễu và gây áp lực với nạn nhân và gia đình của họ nhằm cố gắng bịt miệng những người này.

Chính phủ Việt Nam thông báo đang điều tra về vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao bị tố cáo vẫn tiếp tục được tại vị mà không phải chịu bất kỳ một hình phạt nào. Một số người bị cáo buộc là đồng phạm cũng đã trở về Việt Nam hoặc đi du lịch các nơi trong khi vẫn tiếp tục hoạt động tuyển dụng lao động ra nước ngoài làm việc.

Vụ án bốn quan chức lãnh đạo Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao bị bắt do tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài hồi hương với giá cắt cổ cũng là một điểm trừ của Việt Nam trong báo cáo về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Về mặt tích cực, Hoa Kỳ ghi nhận rằng chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số bước để giải quyết nạn buôn người, bao gồm việc tăng cường hợp tác thực thi luật pháp quốc tế; bắt đầu đánh giá để thực hiện dự thảo sửa đổi luật chống buôn người và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn so với năm 2020.

Ngoài ra, từ năm 2022, Việt Nam cũng ban hành luật bãi bỏ phí môi giới cho người lao động ở nước ngoài. Phí này được cho là nguyên nhân khiến người lao động Việt Nam có nguy cơ cao bị cưỡng bức do áp lực phải làm việc để trả khoản nợ đã vay để đóng tiền phí môi giới.

Từ đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra một số khuyến nghị dành cho chính phủ Việt Nam, bao gồm:

  • Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi luật chống buôn người. Nghiêm khắc truy tố tất cả các hình thức buôn người, trừng phạt những kẻ buôn người, kể cả trong các trường hợp liên quan đến các quan chức bị cáo buộc đồng lõa.
  • Tập trung vào việc xác định và điều tra các vụ lao động cưỡng bức và buôn bán nội tạng, bao gồm cả những vụ liên quan đến nạn nhân là nam giới. Phối hợp với xã hội dân sự, tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương, ví dụ như lao động nhập cư hay các cá nhân hoạt động mại dâm…
  • Loại bỏ tất cả các khoản phí tuyển dụng mà người lao động trả và các hình thức tuyển dụng có tính chất lợi dụng đối với người lao động ra nước ngoài làm việc. Tăng cường giám sát các công ty tuyển dụng lao động, các công ty môi giới, và truy tố các mạng lưới môi giới phụ bất hợp pháp.
  • Mời xác minh độc lập để chấm dứt lao động cưỡng bức trong các trung tâm cai nghiện ma túy và minh bạch kết quả điều tra đó.

Bản báo cáo cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng nhiều băng nhóm buôn người lợi dụng người dân Việt Nam thất nghiệp do đại dịch, kinh tế khó khăn nên đã dụ dỗ, hứa hẹn hão huyền về cơ hội việc làm ở nước ngoài với mức lương cao.

Nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị lừa đưa đến nhà thổ ở biên giới Trung Quốc, Campuchia và Lào, hoặc đến các nơi khác ở châu Á, Tây Phi và châu Âu. Theo báo cáo, ngày càng có nhiều phụ nữ  Việt Nam bị buôn bán tình dục ở Miến Điện.

Theo báo cáo, nhiều phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là người dân tộc thiểu số H’mong, đã bị bắt cóc rồi đưa Trung Quốc cho các cuộc hôn nhân cưỡng bức hoặc lao động cưỡng bức.

Trong một số trường hợp đang di cư sang các nước Châu Âu để làm việc, băng nhóm buôn người châu Âu thường bóc lột nạn nhân Việt Nam, cưỡng bức lao động hay thậm chí là và buôn bán tình dục trước khi họ đến đích cuối cùng.

RFA (19.07.2022)

 

 

 

CSVN phớt lờ mọi khuyến nghị từ các tổ chức nhân quyền

Ông Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội là một trong những người bị bắt vì chỉ trích chính quyền

Chính quyền Việt Nam không những không thực hiện các cam kết bảo vệ nhân quyền, mà thậm chí tăng cường đàn áp người dân trong những năm qua.

Hai tổ chức nhân quyền Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR), đã gửi bản điều trần mà hai tổ chức cùng soạn thảo cho Ủyban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Trong bản điều trần này, hai tổ chức cho rằng chính quyền Việt Nam không những không thực hiện các cam kết bảo vệ nhân quyền, mà thậm chí tăng cường đàn áp người dân trong những năm qua.

Bản điều trần được gửi lên Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh cơ quan này sẽ tổ chức một phiên họp vào tháng 10 tới đây, nhằm xem xét báo cáo của Chính phủ Việt Nam về việc thực hiện các cam kết về nhân quyền.

Bà Penelope Faulkner, Phó chủ tịch của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, cho biết lý do tổ chức của bà quyết định thực hiện bản điều trần vào thời điểm này:

“Nghĩa vụ của chúng tôi, dưới tư cách là một tổ chức nhân quyền, đó là nói lên sự thật. Cho nên, chúng tôi muốn cho Liên Hiệp Quốc biết rằng những gì Chính phủ Việt Nam nói đều là giả dối.”

Việt Nam là một quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, do đó nước này phải trải qua các đợt trao đổi định kỳ với Ủy ban Nhân quyền để theo dõi việc thực hiện các cam kết nhân quyền quy định trong công ước.

Trong đợt trao đổi định kỳ gần đây nhất vào tháng 3/2019, Ủy ban Nhân quyền đã đưa ra ba khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam liên quan đến ba lĩnh vực, bao gồm vấn đề án tử hình, quyền tự do ngôn luận, và sự đối xử của nhà nước đối với những người hoạt động nhân quyền.

Theo bà Penelope Falkner, chính quyền Việt Nam đã không thực hiện bất cứ khuyến nghị nào mà Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đưa ra:

“Hồi năm 2019 thì Việt Nam đã trải qua một lần kiểm định, và đáng lẽ ra thì tình hình phải được cải thiện. Nhưng chúng tôi thấy rằng blogger, nhà báo, và những người sử dụng internet để bày tỏ quan điểm vẫn tiếp tục bị bắt và kết án tù.

Tôi có thể lấy ví dụ trường hợp của ông Phạm Chí Dũng, người đã bị kết án 15 năm tù chỉ vì đã gửi một đoạn video cho chúng tôi để nói về Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và EU.

Tình hình nhân quyền ở Việt Nam thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, khi mà chính quyền luôn nói với Liên Hiệp Quốc rằng họ không giam giữ tù nhân chính trị mà chỉ bắt những người vi phạm pháp luật, nhưng điều nguy hiểm ở đây đó là chính quyền đang tạo ra thêm các điều luật chống lại nhân quyền, và bất cứ ai phản đối những điều luật này đều sẽ bị bắt và kết án tù nặng nề.”

Ngoài ra, chính quyền Việt Nam cũng bị tố cáo là đã lừa dối Ủy ban Nhân quyền khi cho rằng các số liệu về án tử hình đã được công khai theo luật định, nhưng trên thực tế thì thông tin về án tử hình vẫn được liệt vào hạng mục bí mật quốc gia, và không có cách nào để tiếp cận.

Một lý do khác được người đại diện của tổ chức nhân quyền có trụ sở ở thủ đô Paris, nước Pháp, đưa ra để lý giải cho việc gửi bản điều trần cho Liên Hiệp Quốc ở thời điểm này đó là vì Việt Nam đang chạy đua để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Việt Nam muốn trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và đã đệ đơn ứng cử. Nếu sự thật về tình trạng nhân quyền tệ hại ở Việt Nam được công khai thì sẽ tác động đến việc nước này có được vào Hội đồng Nhân quyền hay không, và chúng tôi ở đây là để nói lên sự thật.”

(Theo RFA)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen