Seite auswählen

Từ vô thần dẫn đến vô cảm ở Việt Nam?

 

Saturday, November 5, 2011

 

Báo Mai

 

Nạn vô cảm ở Việt Nam

Câu chuyện liên quan đến cái chết của bé Duyệt Duyệt (Yue Yue) ở Trung Quốc được truyền bá khá rộng ở Việt Nam. Đó cũng là một điều hay: Nó khiến nhiều người giật mình nhìn lại chính mình. Trung Quốc thì thế; còn Việt Nam thì sao?

 

image

Câu trả lời hình như không lấy gì đáng vui cho lắm: Ở Việt Nam, căn bệnh vô cảm cũng tràn lan khắp nơi. Chỉ liếc sơ qua vài bài báo về sự vô cảm ở Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua, chúng ta cũng thấy có vô số ví dụ. Cũng tai nạn giao thông và người bị thương ngay giữa đường và cũng hàng chục hay hàng trăm người đứng nhìn, không ai ra tay cứu giúp cả. Cách đây hai năm, ở Thủ Đức có một thanh niên bị xe tải tông, cán nát nửa người.

Một vụ “hôi của” quá vô cảm

Anh kêu cứu, nhờ những người chung quanh gọi điện thoại báo tin giùm cho gia đình. Không ai có phản ứng gì cả. Sau đó, anh chết. Mới đây, vào ngày 7 tháng 10, một chiếc “xe điên” do một bác sĩ lái tông hết người này đến người khác, khiến 2 người chết và 17 người khác bị thương.

Nhiều người không những không cứu mà còn xông vào hôi của, cướp ví tiền và nữ trang của các nạn nhân. Có nạn nhân bị chết nhưng mãi đến ba ngày sau gia đình mới biết. Lý do: toàn bộ túi xách gồm tiền bạc và giấy tờ tùy thân của chị đã bị cướp mất nên bệnh viện không thể biết chị là ai và ở đâu để liên lạc với gia đình. Báo chí gọi đó là những “kẻ hôi của máu lạnh”.

Bé Duyệt Duyệt đã qua đời

Đó là chuyện ở Sài Gòn. Ở Hà Nội cũng thế. Ngày 23 tháng 7, hai cha con anh Nguyễn Công Vinh bị bọn cướp móc ví tiền và đánh đập ngay ở trạm xe buýt. Cả hàng trăm người chung quanh đứng nhìn. Chỉ đứng nhìn. Không ai có phản ứng gì cả. Báo chí gọi đó là thái độ “sống chết mặc bay”.

Thái độ “sống chết mặc bay” và “máu lạnh” như thế cũng xuất hiện nhan nhản trong các bệnh viện, nơi bác sĩ và y tá, theo truyền thống, vẫn thường được ví như “từ mẫu”. Các “từ mẫu” hiện nay thì theo một nguyên tắc rất đơn giản: Trả tiền trước, chữa bệnh sau. Mà tiền trả thì qua nhiều chặng lắm. Muốn khám bệnh? – Trả tiền! Muốn có giường nằm trong bệnh viện? – Trả tiền! Muốn thay ra giường mỗi ngày? Trả tiền! Muốn chích thuốc? – Trả tiền! Mấy tháng vừa qua, ở Cà Mau, dân chúng phẫn nộ về việc cô Dương Thị Thu Huyền (16 tuổi) bị thương nằm bất tỉnh ngoài đường và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Câu đầu tiên bác sĩ hỏi là: Có tiền không? Những người chở Huyền vào bệnh viện đều không có tiền. Mãi đến khi thân nhân của Huyền biết tin, chạy đến bệnh viện, làm giấy tờ cam kết trả tiền xong, các bác sĩ mới bắt đầu ngó đến bệnh nhân. Tuy nhiên lúc ấy đã quá muộn. Mấy tiếng sau, cô gái mới 16 tuổi đầu ấy chết.

Bệnh vô cảm ngày càng nặng, vì sao?

Tất cả những chuyện vừa kể, thật ra, không mới. Cách đây mấy năm, các trang mạng xã hội tại Việt Nam từng tung lên đoạn phim ngắn cảnh một số nữ sinh nhào đến đánh đập tàn nhẫn một nữ sinh khác. Điều khiến người xem kinh ngạc đến sững sờ không phải chỉ là cảnh bạo động mà là thái độ dửng dưng của các nữ sinh khác chung quanh. Các em cũng chỉ đứng nhìn. Không có phản ứng gì cả. Hoàn toàn dửng dưng. Rồi một bức ảnh khác, chụp cảnh bố chồng trói ké người con dâu vất ra đường. Cô nằm như một con thú, quằn quại, đau đớn. Ngay giữa đường. Mọi người, từ hàng xóm đến công an, cũng đều dửng dưng.

Hàng xóm dửng dưng. Công an dửng dưng. Ngay giới lãnh đạo cũng dửng dưng trước nỗi khổ của đồng bào. Điển hình nhất là chuyện, cũng cách đây mấy năm, Hà Nội bị ngập lụt nghiêm trọng. Có đến mấy chục người chết hoặc do bị điện giật hoặc do bị nước cuốn trôi. Hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí, không có cả thực phẩm để ăn. Ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành ủy Hà Nội, không những không làm gì mà còn lên tiếng trách dân là quen thói ỷ lại, không biết chủ động tự cứu mình. Lúc ấy (năm 2008), nhiều người, trên các trang mạng xã hội, lên tiếng mắng ông Nghị là vô cảm.

Sự vô cảm của giới lãnh đạo Việt Nam đã được nhiều người ở Việt Nam nói đến. Hàng chục ngàn người Việt Nam lao động xuất khẩu ở nước ngoài bị bóc lột, thậm chí, bị đánh đập tàn nhẫn ư? Ai lên tiếng thì lên tiếng, giới lãnh đạo vẫn im lặng, xem đó như không phải việc của mình. Hàng chục ngàn cô gái Việt Nam bị bán ra nước ngoài làm điếm ư? Chính quyền vẫn im lặng. Ngư dân Việt Nam bị “tàu lạ” đe dọa, tấn công, cướp bóc, giết hại ư? Ai lên án “tàu lạ” thì lên án, họ vẫn im lặng. Ai đau xót thì đau xót, họ vẫn im lặng. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ có sự đồng cảm giữa giới lãnh đạo và những khổ đau mà dân chúng đang gánh chịu.

Mà đâu phải bây giờ mới có sự vô cảm ấy. Nhớ cuốn phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy cách đây mấy chục năm. Máy quay phim cứ quét đi quét lại những sự đối lập đến khủng khiếp: Trong khi cán bộ thì đi xe xịn, bước xuống có người mở cửa, gót giày bước lộp cộp trên những chiếc thảm đỏ sang trọng thì ở các bến xe, hàng ngày người ta chen chúc xô lấn nhau mua vé, dành cho được một chỗ ngồi trên những chiếc xe đò cũ kỹ, chật chội, hôi thối. Trong khi một số người có tiền và có quyền ăn uống phủ phê thì trên đường phố bao nhiêu người nghèo đói, ốm yếu, quặt quẹo. Có chút thương cảm nào không? – Không. Cái gọi là “tử tế” chỉ là một giấc mơ xa vời dù ở đâu người ta cũng nói đến đạo đức cách mạng, đến khẩu hiệu “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, đến câu thơ của Tố Hữu “Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người với người sống để yêu nhau”.

Chốn thị thành, đất chật người đông nhưng các mối quan hệ lỏng lẻo và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt.

Nhìn vấn đề một cách bao quát, từ dân chúng đến giới lãnh đạo, từ hiện tại đến quá khứ, như vậy, chúng ta sẽ thấy ngay những cách lý giải của một số nhà giáo dục và tâm lý học trên báo chí ở Việt Nam về tình trạng vô cảm là không chính xác. Nói chung, họ nêu lên hai lý do chính: Một là sự “yếu kém của lực lượng chức năng”, ví dụ: “Như trong vụ tai nạn, nếu lực lượng cảnh sát, dân phòng dẹp ngay thì làm gì có chuyện hôi của.” Hai là do sự “khủng hoảng niềm tin”. Sự khủng hoảng ấy xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất là do “tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, lối sống theo kiểu ‘đèn nhà ai nấy sáng’, hàng xóm sát vách cũng không biết mặt nhau; đi cùng với nó là sự phân hóa giàu nghèo, sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất, tính vị kỷ, khiến mọi người chỉ chăm chăm lo cho hạnh phúc của bản thân hoặc gia đình mình.”

Đô thị đất chật người đông “Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”, trong khi lực lượng an ninh không đủ để có mặt kịp thời khi xảy ra sự cố.

Thứ hai là “Những vụ tham nhũng, hối lộ, tiêu cực của một bộ phận quan chức nơi này nơi kia cũng khiến người dân càng mất lòng tin vào cộng đồng. Rồi ngay cả trong ngành giáo dục cũng có những tiêu cực học giả, bằng giả, tiến sĩ giấy… nên người dân không còn biết đặt niềm tin vào đâu.”

Trong hai nguyên nhân tạo nên “khủng hoảng niềm tin” và dẫn đến sự vô cảm nêu trên, có vẻ như nhiều người muốn tập trung vào nguyên nhân thứ nhất nhiều hơn. Họ xem sự vô cảm như một hậu quả không thể tránh được của sự phát triển. Mà ngay chính ở Trung Quốc, trong các cuộc thảo luận liên quan đến bé Yue Yue vừa rồi cũng vậy. Nhiều người cũng đổ lỗi cho quá trình hiện đại hoá và đô thị hóa.

Tuy nhiên, nếu theo cách nhìn và cách giải thích như vậy thì nước nào càng phát triển bao nhiêu lại càng trở nên vô cảm bấy nhiêu.

Liệu cách nhìn như vậy có đúng không?

 

Vô cảm đến từ đâu?

Trong bài trước, tôi cho nguyên nhân của sự vô cảm không đến từ sự phát triển kinh tế và xã hội. Vậy chúng đến từ đâu?

Trước khi trả lời câu hỏi ấy, chúng ta cần phân biệt ba cấp độ vô cảm khác nhau trong đời sống hàng ngày.

 

Thứ nhất, vô cảm trước người khác – hiểu theo nghĩa là một hay nhiều người cụ thể, ở ngay trước mặt, như người thân trong gia đình, hàng xóm hay bất cứ ai đó gặp tai nạn ngoài đường.

Thứ hai là vô cảm trước đất nước hiểu theo nghĩa một cộng đồng mà mỗi người là một thành viên.

Thứ ba là vô cảm trước đồng loại, bao gồm cả những người ở xa, xa xôi và xa lạ, thuộc một đất nước khác hay một lục địa khác.

Tạm thời, chúng ta gác loại vô cảm thứ ba lại. Chỉ tập trung vào hai loại vô cảm thứ nhất và thứ hai. Lý do: một, đó là những vấn đề bức xúc nhất hiện nay; hai, sự vô cảm thứ ba chỉ khắc phục được nếu người ta đã vượt qua được hai loại vô cảm đầu tiên: Không hy vọng có người biết xúc động trước nỗi đau khổ của ai đó, ở châu Phi chẳng hạn, nếu người ta cứ dửng dưng trước những đau khổ ngay trước mặt và trước mắt mình. Nếu có, đó chỉ là chút cảm xúc mang mùi lãng mạn chủ nghĩa; nó thoáng qua, rồi tắt, chứ chắc chắn sẽ không dẫn đến bất cứ một hành động cụ thể nào cả.

Trong hai loại vô cảm trên, xin phân tích loại vô cảm trước đất nước trước. Vì câu trả lời tương đối đơn giản và dễ có sức thuyết phục nhất.

Vô cảm trước đất nước có nhiều biểu hiện, nhưng trung tâm vẫn là sự dửng dưng, hay nói theo chữ quen thuộc ở Việt Nam lâu nay, là mặc kệ. Đất nước nghèo đói ư? – Mặc kệ! Đất nước càng ngày càng lạc hậu ư? – Mặc kệ! Sự bất bình đẳng trong nước càng ngày càng trầm trọng; khoảng cách giữa giàu – nghèo càng ngày càng lớn; người giàu càng ngày càng giàu  và người nghèo càng ngày càng nghèo ư? – Mặc kệ! Nạn tham nhũng càng ngày càng hoành hành, càng phá nát nền kinh tế quốc gia ư? – Mặc kệ! Xã hội càng ngày càng băng hoại; văn hóa càng ngày càng suy đồi; giáo dục càng ngày càng xuống cấp ư? – Mặc kệ! Trung Quốc xâm lấn Việt Nam, làm lũng đoạn kinh tế Việt Nam, bắt bớ và giết hại ngư dân Việt Nam ư? – Mặc kệ!

Dửng dưng hay mặc kệ trước những vấn đề liên quan đến danh dự quốc gia cũng là một sự vô cảm. Cái gọi là danh dự quốc gia có nhiều cấp độ khác nhau. Một vị nguyên thủ hay quan chức cao cấp khi tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, cần giữ gìn quốc thể (ngay cả cách bắt tay: trong lúc đối tác đưa một tay; còn mình thì đưa cả hai tay, làm toát lên vẻ gì như nịnh bợ, hoặc ít nhất, khúm núm một cách quá đáng như hiện tượng được nhiều blogger Việt Nam nêu lên gần đây, cũng liên quan đến quốc thể). Ngay cả người bình thường, trong những hoàn cảnh bình thường, khi tiếp xúc với người ngoại quốc, cho dù chỉ là một du khách bình thường, cũng cố gắng không để họ đánh giá thấp dân tộc của mình. Ngược lại, cứ mặc kệ tất cả, ai khinh thì khinh, ai ghét thì ghét, miễn có chút lợi nhỏ là mình cứ làm: Đó là vô cảm.

Bình thường, người ta hay quy chung cả hai khía cạnh ở trên (sự quan tâm đến vận mệnh và danh dự của đất nước) vào phạm trù yêu nước. Tuy nhiên, theo tôi, đó là điều không nên. Nói đến yêu nước, thứ nhất, là chỉ tập trung ở khía cạnh tình cảm; và thứ hai, một cái gì có tính chất tự nguyện. Ở Tây phương hiện nay, rất hiếm khi người ta đề cập đến lòng yêu nước. Người ta chỉ đề cập đến tinh thần trách nhiệm (trong trường hợp trên) và sự tự trọng (trong trường hợp dưới).

Trách nhiệm có hai hình thức: bắt buộc và tự nguyện. Đóng thuế và thi hành các bổn phận công dân như chấp hành pháp luật, tham gia bầu cử… là những trách nhiệm bắt buộc. Nhưng ứng cử, tranh đấu cho một chính sách mà mình tin là đúng đắn, bảo vệ môi trường sinh thái, v.v… là những trách nhiệm tự nguyện.

Sự tự trọng cũng thuộc phạm vi tự nguyện. Nó thuộc phạm vi văn hóa hơn là pháp luật.

Ở Tây phương, người ta dùng pháp luật để cưỡng chế loại trách nhiệm thứ nhất trong khi đó họ lại dùng giáo dục để khuyến khích loại trách nhiệm thứ hai và nuôi dưỡng lòng tự trọng đối với cá nhân cũng như đối với đất nước.

Ở Việt Nam, từ xưa, cha ông chúng ta cũng từng ra sức giáo dục và nuôi dưỡng cả loại trách nhiệm tự nguyện lẫn lòng tự trọng trong những phạm vi liên quan đến quốc gia và quốc thể. Những câu tục ngữ và ca dao quen thuộc như “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” hay “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương / người trong một nước phải thương nhau cùng”, “khôn ngoan đối đáp người ngoài / gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” là thuộc loại đó.

Trong lịch sử, người Việt Nam từng chứng tỏ ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng cao trong những vấn đề liên quan đến đất nước. Không có ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng ấy, chắc chắn Việt Nam không thể giành được độc lập sau một ngàn năm bị Trung Hoa đô hộ và cũng không thể giữ được độc lập trước bao nhiêu cuộc xâm lược khác, sau đó.

Thế nhưng, gần đây, mọi sự dường như khác hẳn. Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh hải Việt Nam, bắt bớ, thậm chí giết ngư dân Việt Nam, phần lớn vẫn dửng dưng. Trung Quốc lũng đoạn kinh tế Việt Nam, đưa di dân lậu tràn ngập vào Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, chủ quyền và độc lập của Việt Nam, phần lớn vẫn dửng dưng. Chỉ có một số, một số thật nhỏ, biểu thị thái độ cảnh giác và phản đối sự uy hiếp ấy từ Trung Quốc qua một số cuộc biểu tình tại Sàigòn và Hà Nội. Điều đáng chú ý không phải là bản thân các cuộc biểu tình ấy mà là thái độ thờ ơ, thậm chí, thù nghịch của nhiều người chung quanh. Theo tường thuật trên các blog, không ít thanh niên lái xe qua, chõ miệng chửi những người biểu tình chống Trung Quốc là “Đồ điên!”

Sự thờ ơ, dửng dưng cũng biểu hiện rất rõ qua thái độ của các cán bộ cao cấp thuộc loại đầu ngành ở Việt Nam. Những sơ sót liên quan đến các bản tin Trung Quốc tập trận ở Biển Đông từng làm xôn xao dư luận trong cộng đồng mạng, theo tôi, cũng xuất phát từ sự thờ ơ và dửng dưng ấy. Chính quyền các địa phương để cho Trung Quốc thuê rừng, kể cả rừng đầu nguồn và có vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam, ngoài chuyện có thể bị mua chuộc, phần nào cũng xuất phát từ sự thờ ơ và dửng dưng như thế. Dường như người ta chỉ cần vơ vét lợi nhuận riêng, còn chuyện quốc gia và quốc thể thì mặc kệ. Bất cần.

Những sự thờ ơ, dửng dưng, mặc kệ và bất cần ấy thực chất là một sự vô cảm.

Nhưng tại sao người ta lại trở thành vô cảm một cách đáng sợ như thế?

Câu trả lời tương đối dễ: Một, người ta bị tước trách nhiệm đối với đất nước; và hai, bất cứ người nào còn có trách nhiệm và muốn biểu lộ trách nhiệm ấy thì bị chụp mũ, sỉ nhục, bắt bớ, giam cầm. Trách nhiệm đối với đất nước trở thành một cái tội. Trên hệ thống tuyên truyền, chính quyền luôn luôn nhấn mạnh: đó là trách nhiệm của đảng và chính quyền chứ không phải của người dân. Chính quyền và đảng thực thi trách nhiệm ấy như thế nào? Không cần biết. Chỉ cần biết đó là chuyện của chính quyền và của đảng. Vậy thôi. Dân chúng bị xem là những kẻ ngoại cuộc đối các vấn đề quốc sự. Người nào không chấp nhận điều đó thì bị trừng phạt nặng nề. Kẻ thì bị đạp vào mặt. Kẻ thì bị bắt bớ. Kẻ thì bị đe dọa. Kẻ thì bị bêu xấu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong hoàn cảnh như thế, người ta không vô cảm đối với đất nước mới là chuyện lạ.

 

Nguyễn Hưng Quốc

Vô cảm: Sự bất hạnh của dân tộc

 

Blog VOA

Trong bài “Mất cảnh giác” cách đây ba tuần, tôi nhìn vấn đề từ giác độ những người cầm quyền. Trong bài này, tôi nhìn từ góc cạnh khác: sự mất cảnh giác của người dân. Luận điểm chính của tôi là: Không những giới lãnh đạo mà ngay cả phần lớn dân chúng cũng hờ hững trước những hiểm hoạ đến từ Trung Quốc.

Một người bạn thân của tôi có cháu họ – con của một cán bộ cao cấp trong chính quyền-, trước, du học tại Úc, sau, về Việt Nam làm giám đốc chi nhánh một công ty nào đó của Trung Quốc. Người cháu rủ bạn tôi sang Trung Quốc chơi với những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn. Bạn tôi, vốn ghét những âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, hỏi: “Mày không khó chịu trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam à?” Người cháu cười to và đáp: “Thôi, bận tâm làm gì về mấy chuyện đó, chú. Cứ coi như Việt Nam đã mất trắng vào tay Trung Quốc rồi, mình có làm gì được nữa chứ. Lo chơi cho vui, chú ạ.”

Tôi có một số bạn bè thuộc giới trí thức tại Việt Nam. Họ không sỗ sàng như người cháu của bạn tôi. Nhưng thái độ của họ trước nguy cơ giành lấn biển đảo của Trung Quốc thì cũng như vậy. Trong những lần chuyện trò, bao giờ tôi cũng là người gợi chuyện về mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc chứ không bao giờ là họ cả. Ngay cả khi tôi đặt vấn đề, người ta cũng lảng sang chuyện khác với lý do giống nhau: “Mình có làm được gì đâu. Suy nghĩ làm gì cho mệt óc!”

Một số người có thể cãi: Các ví dụ tôi nêu ở trên chỉ là những ngoại lệ. Ở đây, chúng ta gặp ngay một khó khăn: Khác với ở Tây phương, ở Việt Nam không có những cuộc điều tra dư luận để chúng ta có được những con số chính xác. Tuy nhiên, bù vào đó, chúng ta có thể quan sát từ kinh nghiệm giao tiếp riêng của mình. Trước đây, những lần về Việt Nam, tôi gặp khá nhiều người đủ mọi giới, tôi nhận thấy ít người thực sự quan tâm đến chính trị. Mà nếu quan tâm, những điều họ quan tâm cũng chỉ quanh quẩn những giai thoại về đời sống của một số chính khách. Điều quan trọng nhất trong chính trị là chính sách thì thường bị bỏ quên.

Với những người chưa có dịp về Việt Nam, có thể quan sát điều này trên facebook. Nghe nói ở Việt Nam hiện nay có khoảng 30 triệu người sử dụng facebook. Không ai có thể biết hết những người chơi facebook ấy. Nhưng theo ghi nhận của tôi, trong số mấy ngàn “friend” và gần mười ngàn “follower”, những người thực sự quan tâm đến chính trị chỉ là thiểu số. Phần lớn chỉ thích chuyện ăn uống, quần áo, vui chơi, du lịch… thuần tuý có tính chất giải trí. Nhiều người tuyên bố thẳng thừng: Sẽ huỷ kết bạn với những người thích bàn chuyện chính trị. Về phương diện xã hội, trước đây có một số cuộc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội nhưng số người tham gia bao giờ cũng rất thưa thớt. Mà mấy năm gần đây, những cuộc biểu tình như thế cũng hoàn toàn vắng bóng.

Có thể nói người Việt Nam ở Việt Nam rất ít bận tâm đến các vấn đề chính trị, kể cả vấn đề quan trọng nhất liên quan đến độc lập và chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Ít hơn hẳn những người Việt Nam đang sống ở hải ngoại. Ở hải ngoại, ở đâu và lúc nào người ta cũng trăn trở với các diễn biến chính trị trong nước. Mà không phải chỉ là người Việt Nam lưu vong. Cộng đồng lưu vong nào cũng vậy. Cũng chia sẻ một số những ký ức tập thể giống nhau. Cũng dằn vặt về vấn đề bản sắc. Và cũng khắc khoải với những biến động chính trị ở quê gốc. Nhiều người, từ Việt Nam sang, có dịp gặp gỡ nhiều người Việt sống ở hải ngoại, cứ thắc mắc: Sao sống xa quê hương lâu đến thế mà vẫn không quên quá khứ và vẫn không thoát được những ám ảnh về chính trị?

Điều quan trọng là người Việt Nam ở Việt Nam hiện nay ít quan tâm đến chính trị hơn hẳn ngày trước. Trước, ở miền Nam, hầu như lúc nào người ta cũng sôi sục chuyện chính trị. Ở miền Bắc cũng vậy. Trong đời sống cũng như trong văn học, đề tài chính trị lúc nào cũng nóng hổi. Chỉ có hiện nay người ta mới nguội lạnh trước số phận của đất nước. Nguội lạnh đến mức gần như vô cảm. Tại sao?

Câu trả lời, thật ra, rất đơn giản và đã được nhiều người đề cập: Đó là hậu quả của các chính sách tuyên truyền và giáo dục của nhà cầm quyền mà biểu hiện cụ thể nhất là qua lập luận: “Chuyện quốc gia đại sự hãy để nhà nước lo, đồng bào đừng bận tâm.” Xin lưu ý là kiểu lập luận này khác hẳn với chủ trương của đảng Cộng sản trước đây. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp cũng như chiến tranh Nam Bắc, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Hà Nội lúc nào cũng đề cao sức mạnh của quần chúng, kêu gọi quần chúng tham gia vào các công tác chính trị. Bây giờ, ngược lại, họ đẩy quần chúng ra ngoài, biến thành những kẻ bàng quan và vô trách nhiệm trước các biến động của đất nước. Có thể nói là họ sợ việc quần chúng quan tâm đến chính trị.

Mà sợ cũng phải. Năm ngoái, khi chính quyền Hà Nội chủ trương chặt hạ 6700 cây xanh trên 190 con đường ở thủ đô, dân chúng phản đối quyết liệt, cuối cùng, chính quyền phải rút lại cái lệnh quái gở ấy, hơn nữa, còn bị buộc phải kiểm điểm về quyết định và quá trình thi hành quyết định ấy của mình. Đầu năm nay, dân chúng phát hiện và phản đối việc tỉnh Sơn La có dự án chi cả 1.400 tỉ đồng cho việc xây dựng khu lưu niệm, kể cả tượng đài Hồ Chí Minh, đã khiến không những chính quyền Sơn La mà cả chính phủ trung ương phải lúng túng. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải ra lệnh xét duyệt lại dự án bị dân chúng phản đối ấy. Gần đây, khi dân chúng phát hiện những lỗi sai nghiêm trọng trong bộ sách thực hành kỹ năng sống bậc tiểu học, Bộ giáo dục đã phải ra lệnh thu hồi toàn bộ các cuốn sách ấy.

Qua các trường hợp hoạ hoằn vừa kể, chúng ta thấy rõ sức mạnh của quần chúng (nếu quần chúng biết tận dụng!). Đó là điều chắc chắn chính quyền Việt Nam không hề mong muốn. Chính vì thế, họ có hai sách lược: Một là giấu giếm toàn bộ các việc làm của họ để không ai biết và không ai phê phán cả. Hai là họ nỗ lực tuyên truyền và giáo dục dân chúng trở thành vô cảm. Cho đến nay, không thể nói là họ không thành công. Tiếc, sự thành công của họ lại là một bất hạnh lớn nhất của cả nước.

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen