Seite auswählen

An ninh tư tưởng triệt phá giới trí thức

Mạc Văn Trang

21-5-2023

 

Ba nhà khoa học tên lửa siêu thanh Nga bị buộc tội phản quốc: Anatoly Maslov, Alexandr Shiplyuk và Valery Zvegintsev. Nguồn: ITAM/ ABC Australia

Hôm qua xem Tin tức trên kênh DKN thấy 3 nhà khoa học Nga công bố Thư ngỏ về vấn đề 50.000 nhà khoa học Nga đã bỏ nước ra đi. Trong thư có đoạn: “Chúng tôi chỉ đơn giản không hiểu làm thế nào để tiếp tục công việc của mình, khi bất kỳ bài viết hoặc báo cáo nào cũng có thể trở thành căn cứ để buộc tội phản quốc”…

Thận trọng hơn, tôi tìm trên Google về thông tin này, thì thấy VietNamnet cũng có bài: “Nga mất 50.000 nhà nghiên cứu khoa học trong 5 năm qua”, trong đó né vấn đề an ninh kiểm duyệt tư tưởng, chỉ nói lý do chủ yếu do không được quan tâm, thiếu kinh phí cho nghiên cứu… (1).

Đó mới là 50.000 nhà khoa học, chứ chưa nói đến các nhà văn, nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hoá, xã hội đã ra đi, có thể còn nhiều hơn.

Thì ra ở đâu cũng vậy, khi chế độc độ tài dung túng cho lực lượng “AN NINH TƯ TƯỞNG” (Khoa giáo, an ninh mạng, An ninh nội địa, cho đến CA phường/ xã) thấy ai viết cái gì họ cho là “nhạy cảm” là có quyền “mời làm việc” hoặc “đến gặp nói chuyện” để răn đe; ai viết gì đụng chạm đến “chế độ” là có thể quy tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước”, bị tù đày.

Việt Nam đã có bao nhiêu bài học cay đắng, khi an ninh, tuyên giáo lộng quyền muốn quy kết ai “có tư tưởng sai trái” bắt tù thì bắt.

Kể ra thì vô số ví dụ:

Vụ anh “Lộc Vàng”, chỉ hát “nhạc vàng” mà mấy người đi tù đến 10 năm.

Đạo diễn Trần Văn Thuỷ kể, ra mắt phim “Hà Nội trong mắt ai” xong, lúc nào cũng bị công an theo dõi, phải trốn lủi “như buôn bạc giả”, may có ông Phạm Văn Đồng, rồi Nguyễn Văn Linh xem và “bảo kê” cho nên thoát tội, và làm tiếp phim “Chuyện tử tế”, nổi tiếng…

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo kể, đang là Trưởng trại Viết văn ở Vũng Tàu, làm bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” mà bị Tuyên giáo, an ninh truy nã. May có ông Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí can thiệp, nên thoát. Lần hai, là xuất bản cuốn “Ly thân”, bị Tuyên giáo ra lệnh thu hồi và an ninh truy nã, lại nhờ ông Nguyễn Văn Linh can thiệp nên thoát tội. Ông Hảo nói, nếu không có mấy ông ấy can thiệp thì Hảo tôi đã tù mục xương và có lẽ xanh cỏ rồi…

Thì ra chả có LUẬT PHÁP gì, an ninh thấy “nhạy cảm” là “xử lý”. Nhưng có ông to “bảo kê” thì thoát nạn. Quả là “vô pháp”!

Nhớ lại những chuyện Tuyên giáo chỉ đạo “đánh Nhân văn- Giai phẩm” bằng kiểu quy chụp, suy diễn, kết tội một cách chủ quan tuỳ tiện, rồi đày đoạ bao nhiêu trí thức mà kinh hãi. Ghê sợ hơn là chuyện “đánh bọn xét lại, chống đảng”, nghi ai, là an ninh truy bức đến cùng.

Ai còn chưa tin, chưa hiểu rõ, xin hãy đọc “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên; “Chuyện kể năm 2000” và “Hậu chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn…

Cuộc “đại cải tạo” đối với trí thức miền Nam sau 1975 cũng gây nên biết bao thảm cảnh. Tuyên giáo, an ninh ra lệnh bắt đi “cải tạo”, khám nhà, đốt sách, báo “tài liệu phản động” là thực thi ngay. “Cải tạo tư tưởng” thì không có hạn tù, bao giờ “trên” thấy “cải tạo tốt” thì được tha.

Điều đáng lo là cho đến ngày nay, khoa giáo, an ninh vẫn lộng quyền như xưa, không rút ra bài học đau đớn nào trong quá khứ.

Tôi nhớ cách đây mấy năm, cùng ngồi với nhà văn Nguyên Ngọc trong buổi họp mặt sinh nhật nhà giáo Phạm Toàn, ở Hà Nội. Một cô giáo dạy văn Trung học đến thưa với Nguyên Ngọc: Thưa bác, chúng cháu được lệnh, loại các tác phẩm của bác ra ngoài chương trình, rất buồn. Nhà văn Nguyên Ngọc cười không nói gì. Tôi bị sốc, hỏi: Ai ra lệnh đó? – Dạ, chúng cháu chỉ biết “trên” chỉ thị như vậy…

Nghe nói Khoa giáo (hay ai?) chỉ đạo, chương trình Văn phổ thông loại tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng, như Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo … (?). Ai có thẩm quyền lớn như vậy?

Lại nhớ cuốn sách “Cùng học làm người” của GS Nguyễn Đình Cống, do NXB Tri Thức ấn hành năm 2022, bỗng có lệnh “cấm phát hành”(?). Tôi hỏi, cuốn sách về giáo dục rất lành mạnh sao lại cấm phát hành?

Cấm không phải nội dung mà vì tác giả! Cụ Cống bèn rao bán trên mạng, có mấy ngày sách hết sạch.

Mới đây, “Ban Tuyên giáo Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các tờ báo dưới quyền như Tuổi Trẻ và Phụ nữ TPHCM không được đưa hoặc gỡ bản tin về việc nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời ở Pháp”. (2)

GS Đặng Tiến, tác giả cuốn “Vũ trụ thơ”, nổi tiếng; qua đời ở Pháp ngày 17/4, thọ 83 tuổi. Ông gắn bó với văn học Việt Nam và có nhiều đóng góp về phê bình văn học cho Việt Nam. Ông hay về nước và vận động cho xu hướng hòa hợp văn học trong và ngoài nước…

Nhưng Khoa giáo tp HCM cho rằng, ông là thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, nên chắc coi ông là “phản động”. Họ có quyền to như vậy đấy.

Tóm lại, một khi chế độ độc tài toàn trị để cho “an ninh tư tưởng” lộng hành thì giới trí thức chỉ có lụn bại, văn hoá, khoa học xuống dốc. Đảng CSVN có bao nhiêu nghị quyết về “thu hút nhân tài”, kêu gọi trí thức Việt kiều về xây dựng đất nước, nhưng từ Ngô Bảo Châu đến bao nhiêu trí thức trẻ “lớn lên dưới mái trường XHCN” còn chả chịu ở lại trong nước, thì Việt kiều nào dám về?

Đối với trí thức điều cơ bản nhất là được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt. Không có những điều đó thì không còn trí thức.

________

45 Năm Chính Sách “Triệt Người”

 

Mạnh Kim

Trong hồi ký Viết trên gác bút, nhà văn Nguyễn Thụy Long (cháu ruột nhà văn Nguyễn Bá Học, người nổi tiếng với câu “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”), kể lại thảm cảnh một vụ tịch thu sách năm 1975 sau khi chính quyền mới tiếp quản Sài Gòn: “Một cửa hiệu chuyên cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên bên cạnh nhà thờ Ba Chuông tại Phú Nhuận phát nổ khi đoàn thu gom sách mang băng đỏ xâm nhập tiệm. Ông chủ nhà sách mời tất cả vào nhà. Rồi một trái lựu đạn nổ. Chuyện xảy ra không ai ngờ. Đương nhiên là có đổ máu … Cả chủ tiệm cũng mạng vong”…

Câu chuyện ông chủ hiệu sách uất ức thà chết còn hơn nhìn “băng đỏ” gom và ném sách đi đốt chỉ là một trong những bi kịch của miền Nam sau 1975. Không chỉ đốt sách, con người cũng bị triệt, đến tận cùng. Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư… đều bị tống đi học tập cải tạo. Miền Nam không chỉ đột nhiên rơi vào tình trạng thống khổ cùng cực mà còn chứng kiến những cảnh không thể tưởng tượng: Phu nhân đại tá đi bán rong, vợ giáo sư buôn vỉa hè, thầy giáo mưu sinh bằng xích lô, ký giả chạy xe lam, con sĩ quan xếp hàng mua từng ký gạo …

Những hình ảnh đã đột ngột làm biến dạng miền Nam sau 1975. Những câu chuyện trải dài theo ký ức và nghe (tưởng chừng) “phi thực tế” đến nỗi những thế hệ sau này khi được nghe kể, nghĩ chắc hẳn là chuyện bịa. Đã có cả trăm quyển sách viết về những câu chuyện này, từ đi tù cải tạo đến vượt biên bỏ mạng. Nhắc lại không phải “đào xới” chuyện cũ. Để thấy rằng, “di sản” 1975 đến giờ vẫn tiếp tục còn sau 45 năm. Chính sách triệt tiêu con người sau 1975 vẫn tồn tại. Đó mới là điều cần nói.

Trong số “đối tượng” hứng chịu sự trả thù vô lý và nghiệt ngã, có những trí thức đỉnh cao mà trí tuệ họ xứng đáng đại diện cho dân tộc Việt. Có lẽ không gương mặt nào trong Bộ Chính Trị hoặc nhân vật nào trong “nội các” CSVN hiện tại có thể so với những bậc trí thức VNCH về trình độ lẫn nhân cách. Điều đáng tiếc nhất là một số trí thức này đã phải “trả giá” cho lòng yêu nước, chỉ bởi họ quá yêu nước, khi họ chọn ở lại mà không đi nước ngoài sau 1975, với niềm tin ngây thơ vào chế độ mới và với nhiệt tâm đóng góp tái thiết sau chiến tranh. Quê hương, với họ, là nước nhà; là đất nước và mái nhà.

 

Sinh năm 1929 tại Cần Thơ, Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ có bằng cử nhân khoa học, thủ khoa Thực Vật Học, Paris; bằng cao học Vạn Vật Học, Paris; bằng thạc sĩ/Agrégé Vạn Vật Học; bằng tiến sĩ Khoa Học/Vạn Vật Học, Paris. Giáo Sư Hộ từng là giám đốc Hải Học Viện Nha Trang; khoa trưởng Đại Học Sư Phạm Sài Gòn; tổng trưởng Quốc Gia Giáo Dục; viện trưởng sáng lập Viện Đại Học Cần Thơ… Ông cũng là hội viên Hội Thực Vật Học Pháp; hội viên Hội Tảo Học Quốc Tế; hội viên Hội Viện Trưởng Đại Học Quốc Tế; cố vấn Môi Sinh Uỷ Ban Quốc Tế Sông Mekong… Giáo Sư Hộ chính là người vận động cho bằng được việc thành lập ngôi trường đại học đầu tiên ở miền Tây vào giữa thập niên 1960. Đó là Viện Đại Học Cần Thơ, nơi canh nông trở thành môn khoa học chính quy được đào tạo như một chuyên ngành đại học.

Sau 9 năm sống dưới chế độ mới (CSVN), Giáo Sư Hộ, từ khát vọng, trở nên thất vọng!  Môi trường giáo dục bị thay đổi hoàn toàn. Nó bị cào xé rách nát để thay bằng chiếc áo thô đính băng đỏ. Ý nghĩa và triết lý giáo dục khai phóng bị vất xó. Theo lời kể của Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, năm 1977, Giáo Sư Hộ phải học lớp chính trị 18 tháng về “chủ nghĩa xã hội khoa học”. Không chấp nhận chương trình giáo dục bị “đảng hóa”, Giáo Sư Hộ phản đối quyết liệt. Cuối cùng, năm 1984, khi được chính phủ Pháp mời sang thỉnh giảng, Giáo Sư Hộ quyết định ở lại Paris. Tại Pháp, ông vùi mình vào Viện Bảo Tàng Thiên Nhiên Quốc Gia Paris (thuộc hệ thống Đại Học Sorbonne), miệt mài làm việc suốt sáu năm, bổ túc cho công trình Cây Cỏ Việt Nam của ông – một công trình đồ sộ có giá trị đến mức giới thực vật học thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ.

Nhắc đến Giáo Sư Hộ, không thể không nhắc đến Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân. Không như Giáo Sư Hộ, Giáo Sư Xuân có số phận cay nghiệt gấp nhiều lần. Từng được Giáo Sư Hộ mời về Viện Đại Học Cần Thơ thay mình ở ghế viện trưởng, Giáo Sư Xuân tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại Học Vanderbilt-Hoa Kỳ. Giáo Sư Xuân cũng là vị tổng trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Một bài báo trên Thanh Niên (28-4-2015) nhắc lại: “Theo Giáo Sư Võ Tòng Xuân, trước ngày 30-4-1975, những người nào có chức sắc ở Viện Đại Học Cần Thơ đều được cấp một tấm giấy coi như giấy thông hành để ra nước ngoài khi có biến cố. Với chức vụ tương đương bộ trưởng, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam”.

Không chỉ không được trọng vọng, Giáo Sư Xuân còn bị tống đi tù, bị giam tại trại Hà Nam Ninh. Cuối cùng, năm 1986, Giáo Sư Xuân bỏ mạng chốn thâm sơn cùng cốc. Nhắc lại điều này, Bác Sĩ Ngô Thế Vinh không giấu được chua xót: “Tôi không thể không tự hỏi nếu không có 11 năm giam hãm đầy đọa độc ác và vô ích của những người Cộng Sản thắng cuộc, nếu Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, một tiến sĩ kinh tế tài ba và giàu lòng yêu nước, vẫn tiếp tục ở lại xây dựng Viện Đại Học Cần Thơ với nhịp độ 1966-1975 thì không biết Viện Đại Học Cần Thơ và ĐBSCL sẽ phát triển và tiến xa tới đâu”…

Sẽ phát triển và tiến xa tới đâu, nếu Việt Nam sau 1975 trân trọng trí tuệ và tài năng của các trí thức như giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, Giáo Sư Lê Xuân Khoa, cụ Bùi Diễm, Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, ông Đỗ Văn Thảo (cựu phó tổng Thanh Tra Ngân Hàng Quốc Gia; bị đi “cải tạo”), Giáo Sư Vũ Quốc Thông (khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, cũng bị đi tù) …..?  Sẽ còn phát triển và tiến xa tới đâu, nếu chế độ đang cai trị – luôn dễ bị “kích động” một cách thái quá cái gọi là “tự hào dân tộc” – biết dùng hiền tài, để sự tự hào có phần đóng góp của những trí thức đỉnh cao và trí thức đúng nghĩa!  Trí thức chân chính là những người không chỉ “thể hiện” lòng yêu nước bằng ngôn từ. Họ là những người không bao giờ ngưng bồn chồn lo lắng cho sự tụt hậu nước nhà cùng sự lấn át ngoại bang.

Trong bài viết trên tờ Một Thế Giới ngày 2-2-2017, tác giả Lê Học Lãnh Vân thuật lại tâm sự của Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ trong một lần gặp ông tại Pháp giữa thập niên 1980: “Nhiều người Trung Quốc từ đại lục và cả từ Đài Loan, Singapore đã đến tìm học các bộ sưu tập thực vật Đông Dương của Pháp. Tôi không biết họ có chủ trương gì đó không. Tài nguyên nước mình, mình phải biết. Mình không biết mà người ta biết thì người ta xài hết của dân mình. Lãnh vực nào cũng vậy, riết rồi người ta áp chế mình, ăn trên ngồi trước, còn mình cắm đầu dưới đất, tiếng là có độc lập mà còn thua hồi thuộc Pháp !”…

Cách đây hai năm, khi nghe Giáo Sư Lê Xuân Khoa vừa trải qua ca phẫu thuật ngặt nghèo, tôi đã vào viện thăm. Ông nằm giữa đống dây nhợ gắn quanh gần như kín người. Không thể nói vì miệng mũi còn vướng ống, ông ra hiệu cho cô con gái lấy tấm bảng. Ông viết, chỉ một câu, nhưng nghe nặng trịch, mỗi chữ như một nhát búa: “Tôi lo mất nước về tay Tàu rồi!”. Và ông rươm rướm. Nằm trên giường bệnh, thập tử nhất sinh, ông chẳng nghĩ gì khác ngoài quê hương. Ông không lo gì khác ngoài cái lo “mất nước” , về sự lệ thuộc gần như toàn diện của Việt Nam với Trung Cộng. Bao nhiêu người trong hệ thống lãnh đạo Việt Nam XHCN hiện tại có thể bị đánh thức lòng tự ti dân tộc bởi nhát búa lương tri của một vị trí thức gần 90 tuổi như Giáo Sư Lê Xuân Khoa?

Chưa ai thống kê cho thấy hiện có bao nhiêu trí thức kiều bào vang danh nước ngoài nhưng không được mời về hoặc họ không buồn về. Thậm chí có những người bị cấm về, dù hệ thống tuyên truyền chế độ luôn ra rả về sự “trân trọng đón chào” trí thức hải ngoại. Một số trí thức đã quyết định không về!  Họ không tin và họ có đủ bằng chứng để không tin nhà cầm quyền CSVN. Khi những Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Chu Hảo … còn là “thành phần phản động” thì không ai còn ngây thơ để ngộ nhận sự “thành thật” của nhà cầm quyền đối với trí thức. 45 năm sau 1975, chế độ cai trị vẫn tiếp tục chính sách “triệt người”, “triệt” cả chính người của họ. Trí thức muốn đóng góp và xây dựng nhằm thay đổi chính sách đã và sẽ không có cơ hội !

Một trong những trí thức mà khi tiếp xúc, tôi luôn nhìn thấy sự nhiệt tình dữ dội của ông dành cho nước nhà. Nói chuyện với ông có cảm giác như đang ngồi trước một sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, dù ông đã gần 80 tuổi. Đó là Bác Sĩ Ngô Thế Vinh. Ông là một trong những người Việt Nam luôn nặng tình với miền Tây, với đồng bằng sông Cửu Long, một cách bền bỉ, dù quê quán ông ở Hà Nội. Ông là tác giả quyển khảo cứu Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. Ông cũng là tác giả quyển Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch… Việt Nam không chỉ có dòng Mekong nghẽn mạch. Việt Nam đang bị nghẽn cả dòng trí tuệ của các bậc trí thức minh tuệ-hùng tâm.

Mạnh Kim
Ngày 13/8/2020

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen