Seite auswählen

 

RFI

Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam: Sáng tạo và Dấn thân’’ (*) là nội dung cuối cùng, khép lại loạt bài giảng đầu năm 2023 của giáo sư Bùi Trân Phượng (”professeur sur chaire annuelle”) tại Collège de France, cơ sở học thuật lâu đời của nước Pháp, nổi tiếng là một không gian khoa học tự do. Tiếp theo giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, giáo sư sử học Bùi Trân Phượng là người Việt thứ hai được mời giảng dạy tại đây. Hội thảo ngày 08/06/2023 vừa qua đem lại những gì mới mẻ ?

Một buổi giảng của giáo sư Bùi Trân Phượng tại Collège de France, Paris, đầu năm 2023.

 

Một buổi giảng của giáo sư Bùi Trân Phượng tại Collège de France, Paris, đầu năm 2023. © ảnh do Tiến sĩ Bùi Trân Phương cung cấp

Hội thảo giới thiệu với công chúng hơn mười gương mặt phụ nữ người Việt thuộc nhiều thế hệ, tiêu biểu cho các cách tân trong hàng loạt lĩnh vực, từ khoa học công nghệ đến khoa học xã hội, từ văn chương, nghệ thuật, đến hoạt động xã hội, giáo dục, truyền thông, doanh nghiệp. Cao tuổi nhất là bà Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929, nhỏ nhất là cô Trần Trà My sinh năm 1986.

Lịch sử của ‘‘muôn dân, trăm họ’’

Sự tham gia của những người phụ nữ nói trên có ý nghĩa gì trong loạt bài giảng ‘‘Femmes vietnamiennes : Pouvoirs, cultures et identités plurielles’’ (Phụ nữ Việt Nam : Quyền năng, Văn hoá và đa bản sắc) của giáo sư Bùi Trân Phượng tại Collège de France? Trả lời RFI Việt ngữ, nữ giáo sư sử học nhận định: ‘‘Lịch sử trong thời gian dài là ‘‘chính sử’’. Có nghĩa là do những người chuyên trách làm việc đó, và họ có đặc quyền để làm việc đó. Tất nhiên cũng nên hiểu rằng những người viết sử bao giờ họ cũng hướng đến một sự trung thực, chứ không phải không có đâu, kể cả trong thời vua chúa. Nhưng dù có hướng đến đâu chăng nữa, đó cũng là nhãn quan của người viết sử. Còn người làm ra lịch sử là muôn dân, là trăm họ, là người dân bình thường. Vậy thì làm sao để chúng ta tiếp cận được cái lịch sử thiệt của cái muôn dân trăm họ đó’’.

Những người vượt ‘‘lối mòn’’

Các phụ nữ của ‘‘muôn dân’’, ‘‘trăm họ’’, như diễn dạt của giáo sư Bùi Trân Phượng, tham dự hội thảo này có điểm chung : họ đều là những người vượt qua những lối mòn. Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, tác giả cuốn tự thuật ‘‘Áo Dài…’’ bằng tiếng Pháp, với phiên bản tiếng Việt ‘‘Gánh gánh …gồng gồng…’’, được ví như ‘‘một pho sử về phụ nữ Việt thu nhỏ’’. Người chế tạo thuốc nổ, phóng viên chiến trường trở thành bà đỡ của nhiều tài năng hội họa Việt Nam. Bà Trần Tố Nga, cũng từng là một phóng viên chiến trường, tranh đấu không mệt mỏi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Cô Nguyễn Thục Quyên, quê Đắk Lắk, thành viên Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ, được coi là một trong những nhà khoa học gốc Việt có ảnh hưởng nhất thế giới. Trước khi rời Việt Nam năm 1990, cô Quyên đã gần như không có cơ hội đi lên, bởi có người cha làm việc cho quân đội chế độ cũ. Chị Phan Thúy Hà, có cha là quân nhân miền Bắc, ngược lại gần như không biết gì về cuộc chiến Việt Nam. Nhưng Hà đã dành toàn bộ nhiều năm thanh xuân để viết về những hậu quả thảm khốc của chiến tranh hàng chục năm sau, đối với những người lính và thân nhân, cả hai bên chiến tuyến.

Hội thảo Phụ nữ Việt Nam ở Collège de France: nhà văn Trần Trà My (người áo đỏ) trình bày, trên màn hình là đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng.

 

Hội thảo Phụ nữ Việt Nam ở Collège de France: nhà văn Trần Trà My (người áo đỏ) trình bày, trên màn hình là đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng. © RFI / Trọng Thành

Vượt qua những giới hạn thể chất tưởng như không thể là Trần Trà My. Chân bị liệt, tay chỉ dùng được một ngón, miệng khó thốt thành lời, người được mệnh danh ‘‘Thiên thần 6 chân’’ này là tác giả của nhiều cuốn sách về tình yêu, về lòng ‘‘tử tế’’, truyền cảm hứng sống cho rất nhiều người, trong đó có các tù nhân. Lòng tử tế cũng là điều mà cô Huyền Tôn Nữ Cát Tường chăm chút, xuyên qua hành động bền bỉ, hỗ trợ nhiều mặt cho hơn nghìn sinh viên Việt Nam trong suốt 10 năm qua.

Khoa học về xã hội có hai khách mời, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đồng giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), được ghi nhận là người có đóng góp hàng đầu trong nghiên cứu, can thiệp hỗ trợ đối với các cộng đồng xã hội dễ bị tổn thương, như người khuyết tật, cộng đồng LGBT, người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV… Tiến sĩ Thái Thị Ngọc Dư, nguyên trưởng khoa Phụ nữ học, Đại học Mở, Thành phố HCM, một trong những người lập nền móng cho nghiên cứu và giảng dạy về phụ nữ và giới ở Việt Nam. Nhà báo Vũ Kim Hạnh mang lại một tấm gương vượt lối mòn khác. Nữ nhà báo, 72 tuổi, được mệnh danh là ‘‘Mẹ đỡ đầu’’ của nhiều thương hiệu Việt. Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao mà bà sáng lập, xuất phát từ báo “Sài Gòn Tiếp Thị”, được coi là một trong khoảng mươi hiệp hội doanh nghiệp có tiếng nói hàng đầu tại Việt Nam.

Lịch sử ‘‘nhìn từ dưới lên’’….

Cụ thể thì các vị nữ khách mời của hội thảo có thể mang lại những điều gì cho công chúng ? Giáo sư Bùi Trân Phượng giải thích: ‘‘Chính vì phụ nữ không có mặt trong chính sử, vậy tìm phụ nữ ở đâu ? Thì phải tìm từ nhiều người rất là đa dạng, tức là từ những cuộc đời cá nhân, từ những chuyện nhỏ của từng con người bình thường. Trong Hội thảo mình có nhấn mạnh cách tiếp cận đó. Tức là trong đó có những người hoàn toàn có thể nói về cái công trình nghiên cứu khoa học của họ, nhưng mình không yêu cầu họ nói về cái đó. Mà nói về chính bản thân họ, về trải nghiệm của họ, về cuộc đời của họ. Cái quá trình thay đổi nhận thức của họ, về vấn đề phụ nữ. Đó là cái mình gọi là cách tiếp cận từ bên dưới’’.

Trong số các trải nghiệm cuộc đời, bài trình bày của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên đại học ngoại thương, mang lại một bức tranh hiếm có về tình cảnh và nhân cách người phụ nữ miền bắc Việt Nam xuyên qua nhiều thời kỳ lịch sử đương đại. Trưởng thành trong một gia đình với nền giáo dục hỗn hợp Nga – Pháp, chị Nguyễn Hoàng Ánh khi còn trẻ từng sống trong xung đột giữa nhiều hệ chuẩn mực. Tuyên bố bình quyền của chế độ mới tương phản với thực tế còn nặng kỳ thị giới tính. Những áp chế theo truyền thống “Tam tòng, Tứ đức” của Nho giáo với nữ giới tương phản với vai trò trên thực tế thường là trụ cột của người phụ nữ trong gia đình.

Đảm đang’’ là nô lệ truyền thống hay là động lực dấn thân ?

Chị Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ: ‘‘Bài trình bày ở đây là một câu chuyện ba thế hệ phụ nữ trong gia đình chúng tôi. Những gì mà bản thân tôi trải qua, và bằng những gì mà tôi bắt đầu tìm hiểu được từ những người phụ nữ trong gia đình chúng tôi. Vai trò của người phụ nữ Việt Nam rất hiếm người được sử sách ghi tên. Nhưng thực tế mà nói đằng sau sự im lặng đó là một hồn cốt… Sau khi đã nghiên cứu được về ba thế hệ, tôi phát hiện ra được có một điểm nổi bật đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, đó là lòng yêu thương gia đình và một sự cam kết rất lớn đối với trách nhiệm của họ. Cái đấy gần như là mỗi người sinh ra đã có sẵn nó trong huyết quản của mình, như là những người bà của tôi. Mặc dù là có thể nói rơi vào những hoàn cảnh hôn nhân rồi cuộc sống vô cùng ngang trái. Nhưng mà mọi người có một kim chỉ nam, tức là lúc nào cũng vì chồng, vì con, vì xã hội. Và sự nhân ái đó đã cứu họ vượt qua những cái trở ngại của cuộc đời, giúp cho gia đình được đứng vững, được kết nối với nhau sau rất nhiều biến cố’’.

GS Bùi Trân Phượng giới thiệu về chủ đề ''Đảm đang'', Hội thảo Phụ nữ Việt Nam..., Collège de France, 08/06/2023 (Trên màn hình là một biếm họa về ''phụ nữ đảm đang'')

 

GS Bùi Trân Phượng giới thiệu về chủ đề ”Đảm đang”, Hội thảo Phụ nữ Việt Nam…, Collège de France, 08/06/2023 (Trên màn hình là một biếm họa về ”phụ nữ đảm đang”) © RFI / Trọng Thành

Tinh thần vì gia đình của người phụ nữ Việt Nam là chủ đề trung tâm của hội thảo. Khái niệm ‘‘đảm đang’’ là nội dung chính trong phần dẫn nhập. Theo dòng lịch sử thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, nhà sử học Bùi Trân Phượng dõi theo những biến đổi trong cách hiểu về ”đảm đang” (có thể được hiểu theo nghĩa sau đây : đảm 擔 là gánh vác  đang/đương 當 là đối mặt, chịu trách nhiệm, cũng là gánh vác). Với bà, ‘‘đảm đang’’ – vốn chuyển tải một truyền thống lâu đời quý báu của phụ nữ Việt Nam, có thể tính bằng nhiều thiên niên kỷ – đã bị một bộ phận khá đông đảo giới trẻ hiện nay ‘‘ngoảnh mặt’’ bởi nhiều lý do. Do chính sách biến ‘‘đảm đang’’ thành một công cụ phục vụ cho tuyên truyền trước đây, do xu thế đặt cá nhân lên trên hết hiện nay, cũng như việc thiếu hụt hiểu biết về phẩm tính này.

Tự do Hôn nhân: Quyết định khó khăn

Người phụ nữ ‘‘đảm đang’’ tạo nên hồn cốt gia đình, với tình yêu thương, nhưng khi không có tình yêu thương, khi hôn nhân bị ép buộc, thì sao? Tự do hôn nhân là điều không dễ đạt được. Chị Khuất Thu Hồng cho biết phải mất hai thập niên chị mới đi đến được quyết định. Cuộc ly hôn chỉ diễn ra sau khi chị xây dựng được một công việc mới, và tìm được người bạn đời mới:

‘‘Tôi hay nói đùa với bạn bè của mình rằng là trong cuộc đời của mình đã trải qua ba cuộc ly hôn. Lần thứ nhất tôi ly hôn với Nhà nước. Lần thứ hai với ”siêu Nhà nước”, tức với Liên Hiệp Quốc. Lần thứ ba là ly hôn với cha của các con mình. Cả ba cuộc ly hôn đều không dễ dàng, nhưng tôi đã không bao giờ hối tiếc. Giờ đây tôi đã có một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng hiện tại vốn là đồng nghiệp, và là bạn tôi. Anh ấy đã cùng tôi xây dựng ISDS, và đồng hành cùng tôi đối mặt với các thách thức, khó khăn trong 20 năm qua… Tôi đã có thể bình yên sống cuộc đời một phụ nữ tuân thủ những giá trị truyền thống, nhưng tôi đã lựa chọn một cuộc sống khác”.

Hội thảo Phụ nữ Việt Nam - Collège de France : Tiến sĩ Đào Lê Na giới thiệu một số tác phẩm cải biên sân khấu truyền thống, trong đó có tác phẩm ''Đợi Kiều''.

 

Hội thảo Phụ nữ Việt Nam – Collège de France : Tiến sĩ Đào Lê Na giới thiệu một số tác phẩm cải biên sân khấu truyền thống, trong đó có tác phẩm ”Đợi Kiều”. © RFI / Trọng Thành

Ly dị cho phép giải phóng phụ nữ khỏi hôn nhân cưỡng bức là điều ngày càng được xã hội ủng hộ, theo giáo sư Trân Phượng. Tuy nhiên, xã hội đương đại Việt Nam đang biến đổi mạnh mẽ và nhanh chóng. Giới trẻ hiện nay, nhìn chung có nhiều tự do hơn, được hưởng nền giáo dục cởi mở hơn, có nhiều khả năng lựa chọn hơn trước, đang đứng trước một thách thức rất mới: khả năng chung sống với người khác, hành động vì cộng đồng.

Nạn ‘‘đứt gãy ký ức’’ và thách thức của thời đại

Nhiều khủng hoảng của giới trẻ đương đại không thể quy cho những gánh nặng của quá khứ, của truyền thống Khổng giáo trọng nam khinh nữ nghìn năm. Nhà sử học Bùi Trân Phượng cảnh báo nguy cơ, để biện minh cho việc thoái thác trách nhiệm, thổi phồng áp lực của truyền thống bảo thủ, đổ lỗi hoàn toàn cho truyền thống, coi đây là những yếu tố bất biến. Hệ quả là những gì tích cực trong các truyền thống phụ nữ Việt Nam bị lu mờ.

Trong buổi Hội thảo cuối cùng, cũng như xuyên suốt trong loạt bài giảng tại Collège de France, một trong những điều giáo sư Bùi Trân Phượng lo ngại nhất cho giới trẻ đương đại là đã có ‘‘vô vàn đứt gẫy trong ký ức tập thể’’. Giới trẻ hiện nay không biết đến nhiều điều căn bản, bởi họ ‘‘không được truyền dạy’’. Hai mảng đứt gãy căn bản được giáo sư Bùi Trân Phượng nhấn mạnh là giai đoạn đặt nền móng cho nữ quyền Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ 20 dưới thời Pháp thuộc, với các tên tuổi lớn như Phan Bội Châu, Đạm Phương Nữ Sử, Nguyễn Thị Kiêm (1). Và thứ hai là truyền thống nữ quyền trong xã hội Việt Nam tiền hiện đại bắt rễ sâu trong ‘‘cơ tầng văn hoá Đông Nam Á’’, tồn tại bền bỉ bất chấp những áp lực Hán hóa. Thách thức căn bản hơn cả đối với phụ nữ Việt Nam đương đại nói riêng và giới trẻ nói chung hiện nay là ‘‘làm thế nào trở thành chính mình, trong lúc sống hài hòa với người khác’’, ‘‘điều quý giá nhất’’ mà các truyền thống tích cực để lại cho xã hội Việt Nam.

Đối với nhà nghiên cứu, nhà giáo Bùi Trân Phượng, đây cũng chính là phương thuốc chủ yếu để đối trị lại tình trạng đoàn kết gia đình, đoàn kết xã hội suy giảm mạnh trong bối cảnh ‘‘Chế độ toàn trị’’ (totalitarisme) làm trầm trọng thêm quan hệ đẳng cấp phụ hệ truyền thống’’, và ‘‘những tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản hoang dã, nền kinh tế thị trường không được điều chỉnh đủ mức, dẫn đến hình thành một liên minh giữa quyền lực chính trị và thế lực kim tài dẫn đến sự hình thành các lực lượng hắc ám có mặt phổ biến, với bạo lực không thể kiểm soát ở mọi cấp độ, kể cả trong y tế và giáo dục’’.  

Mẹ đơn thân lấy ‘‘gieo hạt giống’’ làm lẽ sống

Bài chia sẻ khép lại hội thảo của chị Huyền Tôn Nữ Cát Tường, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận VietSeeds Foundation, thuật lại quá trình nhận thức, và những động lực đã khiến Cát Tường sớm từ bỏ công việc không ý nghĩa để dồn tâm lực cho Quỹ hỗ trợ học bổng và đồng hành với học sinh nghèo với tôn chỉ ‘‘Gieo một hạt giống để thay đổi một cuộc đời và dần dần chuyển hóa một xã hội’’. Cát Tường coi VietSeeds như gia đình thứ hai. Lịch sử tăng tốc. Nhiều phụ nữ đầu thế kỷ 21 đã sớm tìm được một công việc phù hợp, và một cuộc sống gia đình phù hợp. Khác hẳn với nhiều người phụ nữ thế hệ trước, Huyền Tôn Nữ Cát Tường đã chọn cuộc sống mẹ đơn thân ‘‘ngay từ khi con còn ẵm ngửa’’.

Điều gì đã dẫn đến sự quyết đoán và nỗ lực dấn thân quyết liệt như vậy? Với Cát Tường, trước hết chính là ‘‘lòng biết ơn’’ và nền giáo dục cô được thừa hưởng từ gia đình. Cát Tường biết ơn những hỗ trợ ‘‘từ bạn bè, sếp, đồng nghiệp lẫn đối tác và cả những người xa lạ’’. Cát Tường biết ơn rất nhiều cha mẹ, người đã cho cô tình yêu thương và một nền giáo dục công bằng, ‘‘mẹ luôn hiện diện như một nữ tướng xông pha ngoài tiền tuyến và ba là một hậu phương vững chắc’’, một điều có lẽ khác với đa số gia đình Việt Nam. Cát Tường muốn trả ơn đời, cô tâm nguyện ‘‘gieo trồng những hạt giống tử tế’’, với hy vọng ‘‘hơn 700 sinh viên tốt nghiệp ra trường với hỗ trợ của VietSeeds sẽ tiếp tục nhân rộng sự tử tế”. ‘‘Lòng trắc ẩn’’ trước những đau thương, bất hạnh của người khác và ‘‘niềm tin mãnh liệt vào sự thay đổi ngày một tốt đẹp hơn’’ là động lực hàng ngày của cô trong suốt 13 năm qua. Cái nhìn ‘‘Chánh niệm’’ (mindfulness), theo lời kể của cô, cũng là một bí quyết giúp Cát Tường duy trì được khả năng phục hồi, bền bỉ.   

‘‘Lòng tử tế’’ có biên giới không ?

‘‘Lòng tử tế’’ có biên giới hay không là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo này. Một phát biểu rất ngắn nhưng gây bất ngờ là của ‘‘Thiên thần 6 chân’’ Trần Trà My, dành cho nhà văn Phan Thuý Hà: Chị có lo khi chạm đến những chuyện ‘‘nhạy cảm’’ về chính trị? Nhà văn khuyết tật ”viết chỉ bằng một ngón tay” Trần Trà My, tác giả của ‘‘Tin vào những điều tử tế’’’, sống tại TP HCM, là người đã vượt qua rất nhiều định kiến, chuyển tải cảnh đời – tiếng nói của nhiều cư dân bên lề xã hội. Dường như duy chỉ có một điều cô chưa vươn đến: Phía ‘‘bên kia’’. Trả lời chúng tôi bên lề hội thảo, cô chia sẻ… những con chữ khó nhọc hiện ra: ‘‘Em đã từng đọc cuốn ‘‘Cha tôi là lính’’’ và em vô cùng ấn tượng, vì đây là một đề tài nhạy cảm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến người viết, khi dám viết về sự thật về phía ‘‘bên kia’’.

‘‘Cha tôi là lính’’, theo trí nhớ của Trà My, đúng hơn là cuốn ‘‘Tôi là con gái của cha tôi’’, xuất bản tại Hà Nội năm 2019. Cuốn sách có nhân vật trung tâm là những cựu chiến binh chế độ Việt Nam Cộng Hòa cùng thân nhân. Đa số là những thương binh, nhiều người gần như hoàn toàn tàn phế. Phan Thúy Hà đã đến với họ như những người thân của cha mình, một người lính Bắc. ‘‘Tôi là con gái của cha tôi’’ nói riêng, và các tác phẩm của Phan Thúy Hà nói chung, ‘‘đã viết nên một cuốn sử chiến tranh bằng những phận người trong cuộc chiến và sau cuộc chiến từ cả hai bên mà hợp chung lại là phận người Việt đau thương. Một cuốn sử vết thương’’, nói như nhà văn Phạm Xuân Nguyên.

Hậu duệ của ‘‘Bà Triệu’’, ‘‘Thúy Kiều’’

Bà Triệu và Thúy Kiều, hai hình tượng phụ nữ nổi bật trong lịch sử Việt Nam, được nhấn mạnh trong cuộc hội thảo ở Collège de France. Tinh thần bất khuất của người nữ anh hùng chống giặc phương Bắc thế kỷ thứ 3, với câu nói bất hủ ‘‘tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô ra ngoài bờ cõi, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp nhà người’’, được nhắc đến ngay trong phần dẫn nhập hội thảo.

Hội thảo Phụ nữ Việt Nam ở Collège de France : phần trình bày của Huyền Tôn Nữ Cát Tường về Quỹ học bổng và đồng hành với học sinh nghèo VietSeeds.

 

Hội thảo Phụ nữ Việt Nam ở Collège de France : phần trình bày của Huyền Tôn Nữ Cát Tường về Quỹ học bổng và đồng hành với học sinh nghèo VietSeeds. © RFI / Trọng Thành

 Irene Öhler, tác giả cuốn ‘‘Những người con gái thế kỷ 21 của bà Triệu’’ (‘‘Ba Trieu’s 21st Century Daughters’’) (2016), tập hợp các tấm gương phụ nữ Việt Nam xuất sắc đương đại, diễn giả nước ngoài duy nhất. Mặt khác, nhà hoạt động xã hội người Áo này chỉ ra phụ nữ Việt Nam cũng là nạn nhân phổ biến của tình trạng bạo lực gia đình (63%), và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng, với tỉ lệ nam nữ 112/100, do tác động của quan điểm trọng nam khinh nữ, là một chỉ dấu nguy hiểm. Điều có lẽ là một khoảng thiếu vắng trong hội thảo toàn diện về phụ nữ Việt Nam đương đại này là không có nhiều thời gian cho tiếng nói của những Thúy Kiều thời hiện đại phải ‘‘bán mình’’ vì gia đình, hay từ phía những người bảo vệ họ. Vấn đề đã từng được nhắc gợi trong bài giảng cuối cùng của giáo sư Bùi Trân Phượng, khi bà dành nhiều thời gian để phân tích về giá trị của tình yêu trong ca dao tục ngữ Việt Nam, về tình yêu và sự xả thân vì gia đình của nàng Kiều trong truyện thơ Nguyễn Du.

Huyền sử ‘‘Tiên Rồng’’ và giảng đường Budé: Nơi lịch sử ”đang diễn ra

Ngày 08/06/2023, ở trường Collège de France, bên trong chính giảng đường mang tên người có sáng kiến lập ra cơ sở học thuật đặc biệt này – nhà bác học Pháp Guillaume Budé (1467 – 1540) – đã diễn ra Hội thảo ‘‘Phụ nữ Việt Nam sáng tạo và dấn thân’’. Đúng như truyền thống nhiều thế kỷ của nhà trường, chú trọng đến việc giới thiệu về ‘‘các nghiên cứu đang diễn ra’’, Hội thảo này là một cuộc trao đổi quan điểm giữa những nhân chứng sống, chủ thể của lịch sử đương đại, ‘‘lịch sử đang diễn ra’’. Vì sao cuộc đối thoại này lại là điều quan trọng? Nhà sử học Bùi Trân Phượng giải thích:

‘‘Càng nghiên cứu sâu, tôi càng thấy sự đa dạng của những cảnh đời, kiếp người, của người Việt Nam, do những xáo trộn lớn của thế kỷ 20 vừa qua. Người Việt Nam bị ném khắp bốn phương trời. Mà ngay cả ở trong nước họ cũng có những số phận rất khác biệt nhau. Thành ra là tạo điều kiện cho những cái khác biệt nhau đó gặp gỡ, đối thoại, giao lưu, thì họ sẽ hiểu nhau hơn, và khi nào người ta hiểu, thì mới thương được. Và mới làm được cái điều mà mình vẫn nói cửa miệng, nhưng mình không làm được. Nếu thực sự là nòi giống Tiên Rồng (2) đó, thực sự coi nhau là đồng bào ruột thịt, thì phải hiểu nhau. Mà muốn hiểu nhau thì phải nghe nhau… Nhìn lại truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, mình thấy đó là một sự vô cùng khoan dung, thừa nhận một thực tế vốn có với tất cả nhân loại. Cộng đồng nào trên thế giới cũng là thành quả của một sự métissage hết (sự lai tạp, hỗn dung của nhiều ảnh hưởng khác nhau). Mình không biết có một dân tộc khác nào mà ghi khắc vào truyền thuyết sinh thành của mình cái chuyện là, hai truyền thống rất khác biệt, thậm chí đối lập nhau, nhưng bây giờ coi nhau như là cùng một tử cung người mẹ sinh ra. Cái đó đẹp biết chừng nào ! Đó là sức mạnh sáng tạo, tạo ra giá trị mới, bảo đảm sự sinh tồn của dân tộc’’.

Để kết hợp những gì đối lập rất cần sự bao dung. Cuộc hội thảo nói riêng và loạt bài giảng của giáo sư Bùi Trân Phượng nói chung dường như là dịp thể nghiệm cho một hướng ứng xử bao dung triệt để như vậy. Để làm dịu những đối kháng, đau thương vẫn chưa dứt nhiều thập niên sau chiến tranh, để mở lòng cho những cách nhìn khác, cách nghĩ khác : ‘‘Nghe nhau, hiểu nhau để thương nhau’’.

GHI CHÚ

Quý vị có thể tham khảo thêm về Hội thảo ”Phụ nữ Việt Nam: Sáng tạo và Dấn thân” trên trang nhà tiếng Pháp của Collège de France :https://www.college-de-france.fr/fr/agenda/colloque/femmes-vietnamiennes-creativite-et-engagement

(1) Bài giảng về chủ đề ‘‘Phụ nữ, tính hiện đại và nữ quyền, 1918-1945: Giáo dục, báo chí và nữ quyền’’ của giáo sư Bùi Trân Phượng tại Collège de France tập trung làm sáng tỏ sự trỗi dậy của làn sóng nữ quyền đầu tiên ở Việt Nam, diễn ra dưới thời thực dân Pháp, trong bối cảnh nữ giới Việt Nam được tiếp cận với nền giáo dục công Pháp-Việt và mạng lưới các trường tư thục và Công giáo. Xuất hiện báo chí hướng đến độc giả nữ (‘‘Nữ giới chung’’, ‘‘Phụ Nữ Tân Văn’’, ‘‘Đàn bà mới’’…). Một thiểu số phụ nữ được đào tạo theo một số ngành nghề mới. Nhiều phụ nữ dấn thân vào hoạt động xã hội, vào nhiều không gian sáng tạo nghệ thuật mới như văn học quốc ngữ hiện đại, thơ mới, hội họa, kịch nói, cải lương. Người phụ nữ có cơ hội tự đặt câu hỏi về bản sắc nữ giới, về phẩm giá con người, về xã hội hiện đại, về tình hữu ái chị em, tìm kiếm những cách quan hệ mới trong đời sống vợ chồng, trong gia đình.

(2) Gần đây trong nước có khảo cứu Khai nguyên rồng tiên của nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến (NXB Hội Nhà văn, 2021) được chú ý trong giới chuyên môn (xem Yến Thanh, ‘‘Con rồng cháu tiên – Huyền thoại trăm trứng hay là cộng đồng tưởng tượng của/về một Việt Nam đa tộc người’’, Tạp chí Sông Hương, 9/2021). Trong lịch sử hình thành ý thức dân tộc Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ 20, vấn đề truyền thuyết Tiên Rồng từng gây nhiều tranh luận, phản bác dữ dội (đơn cử loạt bài ba kỳ ‘‘Một đều mê-tín rất hại cho dân-tộc’’ trên tờ báo chính luận Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng (tác giả Ngộ Nhân). Kỳ 1 – Nguyên-lai của thuyết ”Tiên-Rồng’‘, 12/01/1929, kỳ 2 – Cái lợi-hại của thuyết Tiên-Rồng, 26/01/1929, và kỳ 3 – Phải phá bỏ cái thuyết ”Tiên-Rồng” 28/01/1929).

01:14

Giáo sư Bùi Trân Phượng

TIN VÀO KHẢ NĂNG TỰ THAY ĐỔI CỦA CON NGƯỜI

Trả lời RFI, nhà nghiên cứu, nhà giáo Bùi Trân Phượng chia sẻ :

‘‘Tự nhiên con người sinh ra đã có khả năng học hỏi rồi. Lọt lòng ra thì người ta nói là con có khóc thì mẹ mới cho bú. Tức là nó biết là khi nó khóc kiểu gì, mẹ nuôi con sẽ biết là khi nó khóc kiểu gì thì mình phải cho nó bú, nó khóc kiểu gì thì mình phải thay tã, khi nó khóc kiểu gì thì là chỉ vì nó muốn bồng ẵm thôi. Đó đều là cái học của đứa trẻ. Học giao tiếp với người lớn mà nó cần. Nhưng đến một thời điểm nào đó thì đối với cái tương quan giữa người lớn và đứa trẻ đó nó thay đổi, và tục ngữ việt Nam vẫn nói là: ‘‘trẻ cậy cha, già cậy con’’. Cậy không chỉ là mình đau ốm nó chăm sóc, mà còn là cả về hiểu biết. Đó là cả một sự vận động không ngừng nghỉ. Bao giờ còn cuộc sống, và xã hội còn vận động như thế, và bao giờ con người còn sống là con người có khả năng suy nghĩ, có khả năng nghĩ đi, nghĩ lại. Có thể là do cái hệ lụy của một nền giáo dục gia đình – xã hội – nhà trường không đúng đắn, dẫn đến người ta thụ động thiếu suy nghĩ, chấp nhận một cách này kia, nhưng trong một tích tắc nào đó, nếu người ta muốn, người ta vận dụng cái khả năng suy nghĩ của mình thì tế bào não nó còn phát triển hoài hoài mà, nhất là các kết nối giữa các tế bào não với nhau, thì những kết nối đó là những điều mình học mới. Và người ta có thể học mới bất kỳ tuổi nào trong đời !’’

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen