Seite auswählen

Nam Việt 

Saigon Nhỏ

  

Lễ Phật Đản ở Gia Lai (Hình: Báo Gia Lai)

Mùa Phật Đản, Phật lịch 2568 quả là có nhiều điều thú vị để quan sát. Câu chuyện Sư thầy Thích Minh Tuệ bất ngờ trở thành một hiện tượng xã hội được kính trọng, khiến cho cả hệ thống Giáo hội Phật giáo tay sai nhà nước đảo điên. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng bất ngờ cho thấy một tâm trạng thật của đông đảo những người tín ngưỡng, vốn đã quá chán ngán loại mượn Phật trục lợi kiểu nhà nước, và quay sang phía sư thầy Thích Minh Tuệ cùng những những tòng tu với ông, như một thái độ.

Mùa Phật Đản năm nay, theo nhận xét của nhiều người hay đi chùa, có một sự vắng lặng đến lạ thường ở nhiều chùa nhà nước, tương tự phản ứng của Phật tử với câu chuyện sợi tóc giả mạo của Đức Phật ở chùa Ba Vàng, được ông Thích Trúc Thái Minh thao túng người dân, rồi bị vỡ lỡ. Sự khinh miệt và quay lưng với những loại thầy tu và chùa to Phật lớn do nhà nước dựng nên, đang  dường như mở đầu cho một phong trào tỉnh ngộ mới của những người yêu Phật giáo chân chính.

Nhưng cũng trong năm nay, giới Phật tử cũng sửng sốt khi nhìn thấy những điều khó tin nơi đạo Phật hôm nay. Đại lễ Phật Đản năm 2024, theo yêu cầu của Ban Tôn Giáo, được nhiều chùa răm rắp tuân theo, có diễu hành cầm cờ đỏ của nhà nước vô thần đi đầu và có cả tiết mục bắt nhịp hát quốc ca cho tất cả thiện nam tín nữ đến dự lễ.

Chẳng hạn, như linh đình nhất ở miền Trung, chùa Vạn Phật ở Gia Lai có diễu hành dâng hoa Đức Phật kèm lá cờ đỏ sao vàng đi đầu. Buổi sáng của lễ Phật Đản 19 Tháng Năm, tất cả ni, sư và chúng sinh dự lễ đồng hát to “xây xác quân thù,” trước khi vào lễ chính. Thực tế, không biết là chùa Vạn Phật mượn ngày Phật Đản để dâng hoa tưởng niệm ngày sinh ông Hồ Chí Minh hay thật sự nhớ về Đức Phật.

Từ năm 2022, hiện tượng cờ đỏ sao vàng của nhà nước vô thần chen lẫn cờ Phật giáo đã làm nhiều Phật tử khó hiểu, và nhiều câu hỏi được đặt ra. Lúc đó, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, đại diện cho Giáo hội Quốc doanh công bố quy định mới, phải treo “cờ tổ quốc bên tay phải, cờ Phật giáo bên tay trái”.

Cũng dựa trên tinh thần đạo pháp – xã hội chủ nghĩa đó, Ngày 18 Tháng Năm 2024, Hòa Thượng Thích Trí Quảng – Pháp chủ Giáo hội quốc doanh, cũng nhân ngày lễ Phật Đản, đã đến dâng hương và đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đền tưởng niệm Bến Dược và Đền tưởng niệm liệt sĩ cách mạng Gia Định, huyện Củ Chi của chế độ hiện hành lập ra.

 

Phật giáo quốc doanh bái lạy lãnh tụ Hồ Chí Minh của CSVN (trên), Thích Trí Quảng thành kính thắp hương cho “phe ta. (Hình: Phatgiao.org)

Cách chọn phe, và thể hiện sự cúc cung tận tụy chế độ của ông Thích Trí Quảng khiến cho nhiều người ngao ngán. Bởi nguyên tính Phật giáo với sự từ bi và cứu độ không phân biệt bất kỳ ai, đẳng cấp nào, phía chính trị nào… đã bị ông Trí Quảng làm lem luốc.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên, ông Trí Quảng có sự chọn lựa rõ ràng, thậm chí luôn giới thiệu sự kính bái tượng ông Hồ Chí Minh trong chùa, bên cạnh tượng Phật, để nhận quyền lợi thế tục cho bản thân.

Với sự lãnh đạo Phật giáo như kiểu ông Thích Trí Quảng, chúng sinh có kẻ thù, có địch-ta. Năm 2007, trong chuyến về Việt Nam và tổ chức cầu nguyện cho 6 triệu người Việt thiệt mạng trong chiến tranh của thiền sư Nhất Hạnh, tài liệu của tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam bị tiết lộ, có số hiệu 05Hanoi767 và 07Hochiminhcity261, trong đó cho biết ông Thích Trí Quảng có nhắn gửi lời từ của chính quyền với thiền sư Nhất Hạnh, rằng không trong các lễ cầu siêu “cấm nhắc đến lính Mỹ đã chết, cấm nhắc đến tù cải tạo, và cấm nhắc đến thuyền nhân.”

Một trong những buổi cầu siêu được nói đến đó, có hơn 2,000 người tham dự tại chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 16 Tháng Ba 2007, thiền sư Nhất Hạnh vẫn công khai gọi tên tất cả những người đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông thậm chí kêu gọi với lãnh đạo Việt Nam “hãy thống nhất đất nước trong hòa bình và sám hối như Đông Đức và Tây Đức.”

Ngay sau khi lễ cầu siêu và bài thuyết pháp của Thiền sư Nhất Hạnh chấm dứt, có một nhóm của Giáo hội quốc doanh xuất hiện, dẫn đầu là hòa thượng Thích Trí Quảng (lúc đó là phó chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo hội Quốc doanh) và một ủy viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc.

Sau khi yêu cầu được cho phát biểu, ông Trí Quảng cầm micro tuyên bố rằng buổi lễ cầu siêu này, chỉ dành cho những liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, chứ không phải dành cho ai khác.

Ông Thích Trí Quảng thể hiện sự nhất quán trong việc chọn phe và coi những người Việt đã chết ở miền Nam – cùng một dân tộc – không thuộc về nhà nước cộng sản, là “kẻ thù.” Miệng ông Trí Quảng thì hay nói về chúng sinh không phân biệt, và sự bao dung, nhưng ông ta chưa một lần nào đến để thắp nhang hay cầu siêu ở nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nơi cũng là những người Việt Nam đã chết trong một cuộc chiến tương tàn, mà đến hôm nay, nhục thể vẫn còn bị giam cầm trong sự thù hận của phía chiến thắng bằng bạo lực.

Ông Thích Trí Quảng hay nói về tinh thần chống Mỹ và chống Pháp, biệt lộ sự trung thành cúc cung với chế độ, bất kể lúc này những chủ nhân của ông Thích Trí Quảng bắt tay, và coi Mỹ và Pháp là đồng minh lớn.

Mùa Phật Đản năm nay cũng vậy, ông Quảng và Giáo hội tay sai ở Việt Nam mặc chiếc áo đẹp đắt tiền, và đến thắp nhang cho những liệt sĩ, chọn phe, mà mục đích cuối chỉ vì danh lợi; cùng những đồng tu tay sai của mình cùng hát vang bài “xây xác quân thù” một cách hân hoan, nhân danh ngày sinh Đức Phật.

Thích Trí Quảng là ai?

Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

(PLO)- Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IX đã suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngày 29-11, phiên làm việc thứ 4 của Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IX, đã hành nghi thức suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tổ chức Đại hội đã trân trọng thông báo kết quả suy tôn Đức Pháp chủ và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh trước toàn thể đại biểu.

Nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ GHPGVN.

Nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ GHPGVN.

Hòa thượng Thích Lệ Trang cung tuyên chúc từ kính dâng lên Đức Pháp chủ. Hòa thượng Chủ tịch dâng ấn tín Hội đồng Chứng minh. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu dâng cà-sa. Ngay sau nghi lễ suy tôn, Đức đệ Tứ Pháp chủ GHPGVN ban đạo từ trước đại hội.

Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trước khi được suy tôn là Đệ tứ Đức Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy tôn Quyền Đức Pháp chủ GHPGVN tại Hội nghị kỳ 6 khóa VIII Trung ương GHPGVN vào ngày 31-12-2021.

Trước đó, ngày 1-12-2021, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh họp phiên đặc biệt, đồng thanh suy cử Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đảm nhiệm ngôi vị Quyền Pháp chủ.

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017), ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tháng 7-2020, Đức Đệ tam Pháp chủ phê chuẩn giáo chỉ ngài thành lập Hội đồng Giám luật, đồng thời cử ngài đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng sinh năm 1940 tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Hóc Môn, Gia Định (nay là huyện Củ Chi, TP.HCM).

Năm lên 10 tuổi, ngài xuống tóc xuất gia với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Đức (1909-1999) tại tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức), được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Sa-di tại tổ đình Linh Nguyên (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Từ năm 1957 đến 1960, ngài tu học tại Phật học đường Nam Việt – chùa Ấn Quang (Sài Gòn). Ngài được đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo năm 1960 tại Đại giới đàn Ấn Quang do Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973) làm Hòa thượng đường đầu, tổ chức dành riêng cho các học Tăng vừa tốt nghiệp Phật học đường Nam Việt; chính thức nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Đức Pháp chủ GHPGVN.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Đức Pháp chủ GHPGVN.

Từ năm 1960 đến năm 1964, ngài làm giảng sư, sau đó, du học tại Đại học Rissho, Tokyo, Nhật Bản từ năm 1965 đến 1972.

Từ năm 1973 đến năm 1975, sau khi trở về nước, ngài được các bậc giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất suy cử đảm nhiệm Vụ trưởng Vụ Phiên dịch và Trước tác thuộc Tổng vụ Hoằng pháp.

Ngài được Đức Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đặc cách tấn phong giáo phẩm Thượng tọa lúc 37 tuổi.

Ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào ngày 7-11-1981, ngài là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương cho tới năm 2007.

Ngài là một trong những vị giáo phẩm tham gia thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, được Trung ương Giáo hội chỉ định tham gia Ban Trị sự, đảm nhiệm Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Phó Trưởng ban Thường trực, Quyền Trưởng ban rồi chính thức lãnh đạo Phật giáo TP.HCM trong trách nhiệm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM từ tháng 11-1998 đến tháng 6-2022.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ thứ V (2002), ngài được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, từ 2007 đến năm 2017, ngài được Trung ương Giáo hội suy cử kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN, trực tiếp tham gia chỉ đạo các kỳ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen