Seite auswählen
AFP/GettyAFP/GETTY Trung Quốc từ nhiều năm nay luôn ban lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên vùng biển rộng lớn ở Biển Đông với lý do bảo vệ nguồn lợi hải sản

Việt Nam cần có các biện pháp ở mức cao hơn, mới hơn trước việc Trung Quốc tái đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở một phần Vịnh Bắc Bộ và khu vực biển ở Quần đảo Hoàng Sa, theo một cựu lãnh đạo Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam.

Các biện pháp này không chỉ bao gồm việc phản đối kịp thời như hàng năm, mà cần gửi công hàm lên và lưu chiểu tại Liên Hiệp Quốc, đồng thời cung cấp trang thiết bị tự bảo vệ chính đáng cho ngư dân Việt Nam, với sự hỗ trợ của cảnh sát biển, kiểm ngư và ngoài ra là mời các quốc gia không gây phương hại, đe dọa chủ quyền của Việt Nam, tham gia khai thác trồng cấy, đánh bắt và chế biển hải sản và các nguồn lợi hải dương xa bờ, vẫn theo ý kiến này.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội hôm 04/5/2020, Tiến sỹ Trần Công Trục trước hết nêu bình luận về thực chất bản chất của lệnh cấm đánh bắt cá mà theo ông là ‘đơn phương’ của phía Trung Quốc:

“Vừa rồi phía Trung Quốc ra một lệnh cấm đánh bắt cá ở một tọa độ khoảng từ ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa trở về phía Bắc. Hàng năm, đến khoảng tháng Năm, Trung Quốc thường có một lệnh như vậy với một lý do là để họ bảo vệ nguồn lợi hải sản, sợ đánh cá cạn kiệt, không bảo vệ được hải sản, đó là lý do của Trung Quốc.

“Nhưng theo tôi nghĩ, giống như mọi năm, phía Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh đó, bởi vì đây là vùng biển thuộc khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam vẫn thường làm ăn hàng năm từ bao đời nay, trong đó có vùng ở Quần đảo Hoàng Sa.

“Lệnh cấm đánh bắt cá này là lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác và thậm chí có những vùng biển đang có những vấn đề mà hai bên đang đàm phán để mà phân định.

“Nhất là vùng cửa Vịnh Bắc Bộ, hai bên đang đàm phán, chưa có đường phân định cuối cùng. Đây là vùng có sự chồng lấn.

“Việc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở một vùng rộng lớn như thế này rõ ràng là một hành động trái với quy định của Công ước Luật Biển, trái với thông lệ quốc tế và đặc biệt là gây cản trở cho hoạt động làm ăn, sinh sống của ngư dân Việt Nam ở khu vực này.”

TQ có ý đồ gì trong cuộc đối đầu ở Bãi Tư Chính?

Có gì mới lần này?

Theo nguyên lãnh đạo Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, mặc dù trong nhiều năm qua, hàng năm Trung Quốc đều ban hành lệnh cấm nói trên, nhưng trong bối cảnh của năm 2020, động thái này có một ý nghĩa mới.

Tiến sỹ Trần Công Trục nói:

“Năm nào cũng vậy và chính phủ Việt Nam đều lên tiếng phản đối, còn năm nay họ làm là tiếp tục, nhưng nó diễn biến sau những sự việc như chúng ta biết là họ tiến hành tập trận, rồi húc chìm tàu cá của Việt Nam, rồi ra quyết định nâng cấp đơn vị hành chính của quần đảo mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa thành quận Tây Sa, quận Nam Sa, thuộc thành phố Tam Sa.

“Rồi họ đưa các tàu ‘nghiên cứu’ đi xuống phía nam và hiện nay họ vẫn đang quần đảo ở khu vực ấy, bây giờ lại ra quyết định này, thì theo tôi nó là một sự tính toán chung của một cái nhìn mà họ đang chuẩn bị cho một chiến dịch mới, trong bối cảnh các nước trong khu vực cũng như quốc tế đang tập trung, gồng mình để chống lại đại dịch Covid-19. Đây rõ ràng là hành động có tính toán của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.”

Giải pháp cao hơn?

Khi được hỏi trước lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đưa ra lần này, Việt Nam so với những năm trước cần có động thái gì có tính đổi mới để đạt được sự hiệu quả hơn trong đảm bảo lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình hay không, Tiến sỹ Trần Công Trục nói:

“Đây là một câu chuyện đã lặp đi, lặp lại và thường khi có lệnh cấm này, phía Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam đều có tiếng nói phản đối. Tôi nghĩ rằng đây là một cách về mặt pháp lý phải duy trì, nó thể hiện lập trường của Việt Nam không bao giờ từ bỏ các quyền hợp pháp của mình ở các vùng biển mà mình có chủ quyền và các quyền khác.

“Đó là một cách, nhưng nếu như phía Trung Quốc cứ tiếp tục, thì tôi nghĩ phải tính đến một giải pháp cao hơn.

“Ví dụ trước đây như công luận biết là Việt Nam có gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, lưu chiểu ở đấy, phản đối tất cả những quan điểm của Trung Quốc, thì lần này cũng có thể phải làm như thế.

Getty GETTY IMAGES Trung Quốc hàng năm đơn phương áp lệnh cấm đánh bắt cá lên cả các vùng biển thuộc khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay, theo Tiến sỹ Trần Công Trục

“Thứ hai nữa là về các tổ chức của các nước châu Âu mà trước đây họ từng nói là đã phạt ‘thẻ vàng’ ngư dân Việt Nam đánh cá vào vùng biển của nước khác, thì chính chỗ này cũng phải nên nói rõ cho các tổ chức này biết rõ là khu vực này là khu vực của Việt Nam, vùng biển này là vùng có những khu vực chồng lấn, và những vùng là hoàn toàn của Việt Nam chứ không phải là vùng biển của Trung Quốc.

“Thậm chí một số nước khác nói rằng ngư dân Việt Nam đã đánh cá xâm phạm vùng biển của nước khác mà do đó bị ‘thẻ vàng’, thì bây giờ cần phải nói rõ điều này, bởi vì trong vùng biển, không chỉ ở vùng mà Trung Quốc đã ra lệnh cấm đánh bắt như tôi đã phân tích, mà còn có một số khu vực khác nữa đang có sự chồng lấn lên nhau giữa các quốc gia ở ven biển Đông.

“Như vậy những khu vực đó chưa có thể nói là vùng biển của nước nào cả, vì nó là chồng lấn và các bên đang đàm phán giải quyết đường biên giới và chồng lấn đó, nên điều này phải khẳng định rất rõ, nếu không sẽ có một sự nhầm lẫn và đánh giá sai bản chất vấn đề, làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp đánh cá của ngư dân Việt Nam”.

‘Điều không đơn giản’

Cựu quan chức lãnh đạo Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam trong dịp này cũng nêu quan điểm cá nhân của ông về một số biện pháp khác mà ông cho là chính quyền Việt Nam cần quan tâm, lưu ý thực hiện nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản và công việc làm ăn của ngư dân nước này, trước lệnh cấm của quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Ông nói:

“Đây là một vấn đề luôn được đặt ra và phải nói là rất cần thiết, mà cực kỳ khó khăn chứ không phải đơn giản chút nào, bởi vì Trung Quốc luôn tìm cách ra các lệnh và đồng thời dùng sức mạnh để đe dọa, ngăn cản, thậm chí bắn, húc, đánh chìm tàu, hay thậm chí bắt rồi giam tù, đòi tiền phạt, tịch thu tàu bè, ngư cụ, tài sản của ngư dân Việt Nam mà trước đó đã rất nhiều lần xảy ra như vậy, mà Việt Nam cũng đã có phản đối.

“Theo tôi, điều đầu tiên, trước hết là Việt Nam phải tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa đối với các lệnh phi pháp này của Trung Quốc, như trước đây Việt Nam đã làm.

“Thứ hai, đối với ngư dân, trong bối cảnh đó, có những khó khăn và nguy hiểm mà ngư dân phải để ý, chứ không thể nhắm mắt mà làm liều được, cần phải trang bị cho ngư dân hiểu biết về toàn bộ tính nhạy cảm của khu vực này, làm đến đâu và làm chỗ nào thì cần phải có sự hỗ trợ của các lực lượng khác như là cảnh sát biển, kiểm ngư và tổ chức thành các đoàn, đừng đánh cá riêng lẻ, để có thể sẵn sàng đối phó với những hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

“Đấy cũng là câu chuyện tôi nghĩ nên làm và thậm chí trong bối cảnh hiện nay, người ngư dân, trong sự mưu sinh của người ta, ra các vùng biển đó là quyền hợp pháp của ngư dân Việt Nam, cho nên vẫn cứ phải sẵn sàng ra. Và ngư dân Việt Nam, tôi được biết, họ cũng nói là sẵn sàng tiếp tục ra để đánh bắt vì đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam từ xưa đến nay, họ không bao giờ lùi bước cả.

“Nhưng tất nhiên để không xảy ra tổn thất về người và phương tiện, gây ra những rắc rối, thì cần phải có thêm sự tổ chức mạnh hơn, rõ ràng hơn các tập đoàn, các tổ, rồi có những lực lượng bảo vệ cụ thể.”

Trang bị đặc biệt?

Theo Tiến sỹ Trần Công Trục, Việt Nam cần cung cấp và trang bị thêm cho ngư dân một số biện pháp nâng cao hơn để giúp cho việc tự bảo vệ, cũng như giúp đỡ cho việc đấu tranh pháp lý hiệu quả hơn, ông nói.

TK Pham

“Tôi nghĩ phải trang bị cho ngư dân, các lực lượng khi làm ăn đó, có được những phương tiện cần thiết để ghi nhận lại tất cả những hành vi phi pháp của Trung Quốc khi họ ra đó bắt bớ hoặc họ húc chìm tàu, hoặc họ đánh bị thương, thì phải ghi nhận lại vị trí tọa độ, hành xử ra làm sao, để chúng ta có thể có những hồ sơ pháp lý khi cần thiết, chúng ta kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán về mặt dân sự, cũng như về các mặt khác, mặt hình sự khác.

“Tôi nghĩ phải làm như thế, chứ nếu Việt Nam chỉ hô hào chung rồi ra đấy, không có ghi nhận bất cứ một bằng chứng nào cả, thì khi cần thiết đưa ra kiện thì rất khó khăn…

“… Và đặc biệt, tôi cho rằng cần phải xử lý rất khôn ngoan, cương quyết, nhưng rất kiên trì, chỗ này rất quan trọng, cho nên có thể phải sử dụng đến ngay bản thân lực lượng của những người đánh cá, trang bị cho họ những phương tiện cụ thể cần thiết và các phương tiện khác như đã nói.

“Rồi các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, đấy là lực lượng chấp pháp của Việt Nam, họ có thể có quyền ra đấy để hoạt động về mặt dân sự, về mặt hành chính, còn đụng đến hải quân thì là phạm vi khác, tức là phạm vi trong lãnh hải, trong nội thủy, ở trong vùng lãnh thổ thì có thể dùng đến lực lượng quân sự.

“Còn ở đấy mà dùng đến lực lượng quân sự thì có thể dẫn đến điều mà cần phải lưu ý về mặt thủ tục pháp lý.”

Hợp tác khai thác?

Việt Nam từng hợp tác kinh tế với quốc gia thứ ba khai thác các nguồn lợi trên biển ở vùng biển thuộc chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của mình, đặc biệt về thăm dò, khai thác dầu khí.

Về phương diện hợp tác nghiên cứu, khai thác, trồng cấy, kể cả khai thác xa bờ các nguồn lợi thủy, hải sản ở biển Đông, các vùng biển thuộc chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có nên mời các tổ chức kinh tế, công ty, các hãng của quốc gia bên thứ ba hợp tác hay không, Tiến sỹ Trần Công Trục nói:

“Ở những vùng biển mà theo quy định của Công ước Luật Biển được xác định trên cơ sở tính từ đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, mà hiện nay đã công bố, thì có thể nói rằng vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, thì trong vùng biển xác đinh rõ đó, việc Việt Nam có quyền chủ quyền về lĩnh vực kinh tế, hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật.

“Và trong Công ước Luật Biển Unclos 1982 có quy định rằng có thể hợp tác, tức là với tư cách nước có các quyền chủ quyền trên vùng đó, có thể hợp tác với các nước khác, vào đó để tham gia trong việc nghiên cứu, khai thác, đánh giá tài nguyên môi trường, khai thác các nguồn lợi hải sản, thủy sản, cũng như các nguồn lợi như dầu khí, tức là không sinh vật.

“Thì có thể tham gia với tư cách là các hợp đồng khai thác và thậm chí trong Luật Biển, người ta khuyến khích là quốc gia ven biển, nếu như năng lực khai thác của mình chưa đủ để đáp ứng khai thác triệt để và có hiệu quả nhất, thì có thể mời các nước khác đến, ưu tiên cho việc họ vào đây khai thác, tất nhiên là với điều kiện phải tôn trọng quyền chủ quyền của quốc gia ven biển .

“Thế thì người ta có đặt ra để không bị lãng phí, tức là tài nguyên sinh vật đến mùa nó có thể chết đi, nếu không khai thác, có thể lãng phí, cho nên người ta khuyến khích các quốc gia ven biển cần phải tạo điều kiện để hợp tác với các nước khác có trình độ đánh bắt hải sản và nghiên cứu tốt, để có thể tận dụng nguồn tài nguyên, đừng để bỏ phí.

“Trong Công ước nói chuyện đó và Việt Nam nên sẵn sàng làm việc đó, tất nhiên với việc phải có sự tôn trọng các quyền hợp pháp của Việt Nam, chứ không phải theo cách như Trung Quốc nói rằng đây là vùng tranh chấp, hãy gác tranh chấp cùng khai thác, chuyện đó là khác.

“Đây là hoàn toàn là vùng thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, như là vùng đặc quyền kinh tế, còn vùng nào hai bên còn có chồng lấn, đàm phán, thì vùng ấy cần phải xử lý, còn nếu hợp tác khai thác, phải xác định vùng chồng lấn ở đâu, phạm vi nào để hợp tác, cùng khai thác, chứ không có nghĩa hợp tác là toàn khu vực Biển Đông như theo quan niệm của Trung Quốc, và phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, tôi nghĩ là như vậy,” Tiến sỹ Trần Công Trục nói với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Hai.

Truyền thông Trung Quốc mới đây dẫn lời nhà đương cục nước này, công bố một lệnh cấm đánh cá trong thời gian liên tục ba tháng rưỡi, tính từ ngày 29/4 đến 16/08/2020.

Sở Nông Nghiệp Hải Nam của Trung Quốc hôm 02/5 được báo Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời tuyên bố rằng”mọi hoạt động đánh bắt cá là không được phép trong những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.

Trước đó, theo truyền thông quốc tế, lực lượng Hải Cảnh và bộ Nông Nghiệp Trung Quốc đã ra thông báo tăng cường tuần tra và giám sát kể từ ngày 01/05 nhằm bắt giữ mọi “tàu thuyền vi phạm”.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen