Seite auswählen

Những bức ảnh chụp được và loan truyền trên mạng xã hội trong mấy ngày qua của Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức đại hội lần thứ 10 cho thấy những hiện trạng xấu xí của một giai cấp được xem là trí thức của Việt Nam hiện nay. Trí thức vì ai cũng nhất trí rằng cái mà nhà văn theo đuổi là phản ảnh xã hội, miêu tả niềm tin của con người vào cuộc sống, tranh đấu cho sự thật, phác họa chân dung của xã hội nhằm đánh thức cộng đồng và chính quyền…

 Thế nhưng nhìn vào hai mươi năm gần nhất cho tới ngày nay chế độ đã biến nhà văn thành những con rối. Những con rối ngày ngày hóng chế độ trợ cấp từ tiền bạc cho tới ý tưởng. Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ tệ hại đến thảm thương như cái ngày họ đi họp đại hội, cái ngày mà thay vì quang gánh tác phẩm tới cuộc chơi thì hầu hết lại mang vác tới chỗ tụ tập những cái nhìn hau háu vào nhau, những liếc mắt châm chọc, những lời chào hỏi xách mé, những gợi ý đều cáng hay cãi vã không chút thẹn thùng.

Nhìn cảnh một nhà văn ngồi kiểu nước lụt chém gió với bạn bè mới thấy được cái chiều sâu thăm thẳm của ý thức công cộng. Nhà văn hôm nay chống đối lại hình thức hoa hòe hoa sói trong các kỳ đại hội chăng? Nhiều người cố bênh vực như thế nhưng trong những bênh vực mang tính hồ đồ ấy người ta khó bênh vực cho kiểu ngồi nước lụt trên một cái ghế được trịnh trọng phủ vải trắng. Cách ngồi ấy nếu của một văn hào thì báo chí sẽ lên đồng ca ngợi nhưng tiếc thay nó có khuôn mặt lạ hoắc với nền văn học Việt Nam đã đành, nó cũng lạ hoắc đối với văn hóa cộng đồng của một đất nước tự hào có nhiều ngàn năm văn hiến.

Nếu ai từng nhìn thấy khách du lịch Trung Quốc chen chúc nhau trong các tiệm buffet sẽ không ngạc nhiên khi thấy cảnh chen chúc nhau bỏ phiếu trong Đại hội Nhà văn lần thứ 10. Họ gần như trườn tới thùng phiếu như người ăn buffet sợ hết món mình yêu thích. Họ chen lấn cật lực để bày tỏ quyền được bỏ phiếu mặc dù không có giới hạn về giờ giấc do ban tổ chức đặt ra. Họ sợ, như sợ mất phần ăn, như sợ không được góp khuôn mặt của mình trên báo chí, cùng những cái sợ vô hình khác đã đẩy họ tới bờ của vực thẳm, vực thẳm phe nhóm và lợi quyền.

Chế độ đã thành công vượt bậc khi tạo ra những “trí thức” có hành vi phản cảm và mất văn hóa như vậy. Cung cấp một số tiền khủng hằng năm cho Hội Nhà Văn không gì khác hơn là được chăn dắt những ngòi bút viết theo định hướng. Từ hơn hai mươi năm qua không ai nhìn thấy một tác phẩm đáng được gọi là tác phẩm đặt trên kệ sách của Hội Nhà Văn. Tất cả đều tầm tầm, dễ dãi và sợ hãi đến nỗi gần như mỗi trang giấy tác giả đều tự kiểm duyệt chính mình trước khi bị cục xuất bản kiểm duyệt. Nhà văn, ở mặt nào đó rất đáng thương vì họ bị tước mất thứ vũ khí mà thượng đế ban cho họ: Viết.

Viết về sự thật thì họ không dám. Viết để trang trải nhận thức và bề sâu của lý trí thì họ không đủ tài. Họ viết những chủ đề nhạt nhẽo với thứ văn phong hoa mắt và rền rĩ. Kết quả là hầu hết tác phẩm của văn nhân thi sĩ trong Hội Nhà Văn gần như giống nhau hay na ná như nhau.

Thú tiêu khiển của họ sau những ngày tháng “động não” trước màn hình máy tính là chờ dịp gặp nhau trong cái ngày trọng đại này. Cái ngày mà họ có quyền bỏ phiếu chứ không phải được bỏ giúp như trong các kỳ bỏ phiếu trong Đại Hội Đảng.

Nếu nhân dân có Tổng bí thư thì Hội Nhà Văn có Chủ tịch. Hai vị trí cốt lõi để giúp cho đảng viên và hội viên kiếm sống.

Giống nhau đến nỗi lần này Hội Nhà Văn có thêm chức Thái thượng hoàng, tức ngồi buông rèm chấp chính. Ông Hữu Thỉnh được mời làm cố vấn cho hội, vẫn có phòng làm việc tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam mặc dù ông này đã làm Chủ tịch suốt hai mươi năm và từ chối làm tiếp trong nhiệm kỳ này.

Quan trọng như vậy thảo nào Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X diễn ra tại Hà Nội sáng 24-11 được kiểm soát an ninh chặt chẽ, tất cả phóng viên đều bị chặn lại trước cửa. Các đại biểu là các nhà văn dự đại hội có thẻ dán ảnh chân dung để kiểm soát.

Hãnh diện thật.

RFA

 

Tôi vốn không quan tâm mấy đến cái gọi là Hội nhà văn Việt Nam này, chắc chắn là vậy. Bạn tôi, anh em cầm bút, chiến hữu tôi, cũng có nhiều người trong hội đó, có người còn chọn cách trèo cao, luồn sâu để mong thay đổi được một thứ gì đó trong hội, đặc biệt, nhân vật tân Chủ tịch hội bây giờ cũng là bạn tôi, khá cởi mở trong quan niệm viết và theo như anh nói thì đã nhiều lần lên tiếng, khuyên nên có tự do báo chí. Không biết khi lên đến chỗ ghế này rồi, anh có còn giữ quan điểm này hay không, e khó nói, mà cũng khó đoán! Vấn đề tôi muốn nói ở đây là nói về một cái chợ, chứ không phải cái hội.

Nói nghiêm túc, Hội nhà văn Việt Nam trong gần hai mươi năm nay, nó giống cái chợ hơn cái hội. Bởi trong một cái hội, đặc biệt là hội nhà nước, nó không thể có những động thái và hành trạng của cái chợ, ngược lại, trong một cái chợ, không khí của nó không thể là không khí của một cái hội. Rất tiếc, không khí của hội nhà văn Việt Nam lại mang mọi sắc thái của cái chợ. Từ việc trình tác phẩm, cơ chế xin – cho phép ấn loát, ăn chặn tiền in ấn, xin xỏ tiền trợ cấp nhà nước cho đến ăn tiền của hội viên mới, nghĩa là muốn được giới thiệu vào hội, ngoài các tác phẩm, phải có tiền lót đường để vào hội. Vào một cái hội giống như cái chợ như vậy, sao lại có nhiều người cầm bút muốn vào?

Xin thưa, bởi nhiều người cầm bút này, họ cũng thích không khí kẻ chợ, viết chỉ là cái cớ để thăng tiến, với tiêu chuẩn được in bao nhiêu tác phẩm, có hội viên cũ giới thiệu thì được kết nạp… Những kiểu tiêu chuẩn này thì bất kì ông già về hưu nào cũng có thể vào được, nếu không có khả năng viết thì thuê người viết, thuê người giới thiệu, ngày xưa có Vũ Khiêu, chuyên viết và giới thiệu, sau này thì có nhiều hơn nhưng không oanh tạc kiểu như Vũ Khiêu. Và sở dĩ người ta ham hố, muốn vào cái chợ ấy bởi nó có quá nhiều quyền lợi cho họ, nghe thì đơn giản, thậm chí có gì đó hèn hẹ, thê thảm, nhưng người ta vẫn muốn vào.

Như một nhà thơ, hiện là giám đốc một nhà xuất bản ở miền Trung, chia sẻ: “Vào hội thì mình được rất nhiều quyền lợi, ví dụ như tiền trợ cấp sáng tác hằng năm, rồi mình có đi chơi tỉnh khác, mình chỉ cần tới cơ quan Hội của tỉnh đó, trình thẻ hội viên nhà văn Việt Nam thì mình được cấp cho phòng ngủ ngon lành, được quan chức họ mời đi ăn, thậm chí phải bưng bê mình một chút để mình viết bài về tỉnh họ. Nói chung là nhiều quyền lợi lắm! Do vậy mà người ta mới cố gắng vào phân hội của tỉnh, được khá nhiều quyền lợi ở cấp này, sau đó, vào thẳng hội trung ương thì được thêm lần có ăn nữa!”. Đương nhiên không phải ai vào hội cũng chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống, chuyện đi lại đỡ tốn tiền như ông bạn nhà thơ này. Bạn tôi cũng không thiếu người là hội viên trung ương, họ cũng có lòng tự trọng, cũng tự bỏ tiền túi mà mời bạn bè, anh em, thuê khách sạn… Và họ cũng ước mơ làm nên một thứ gì đó làm thay đổi bộ mặt văn học Việt Nam. Nhưng có vẻ như họ bất lực, bó tay!

Họ bất lực bởi khi bước vào chợ thì phải sống theo cách của người kẻ chợ, phải biết kì kèo bớt một thêm hai, phải biết xài tiền lẻ và cất cái gọi là lương tri hay lòng tự trọng vào một chỗ nào đó thật kín đáo. Bởi vào chợ chẳng ai dại mà mang vàng ra mua rau, việc cất lương tri và lòng tự trọng, tính trung thực của một người cầm bút vào chỗ thật kín đáo cũng giống như biết giấu vàng khi vào chợ. Hầu hết khi bước vào hội, họ là những người cầm bút, chắc chắn vậy rồi! Nhưng họ phải biết là mình đang bước vào một cái chợ, mà ở đó, mọi qui luật về mua bán đều không tùy thuộc vào tài năng, tác phẩm hay nỗi thao thức vì văn chương, mà ở đó, tính giảo hoạt, sự vâng phục trước đảng cầm quyền, nhất nhất biến mình thành kẻ “ăn cơm chúa múa tối ngày” (chúa ở đây chính là trung ương đảng, kẻ ban bố cho họ thức ăn, quyền được viết và chỉ đạo cho họ nên viết, được viết cái gì, viết cho ai…).

Với một tâm thế như vậy, trong một sinh quyển hoạt động như vậy, chắc chắn rằng các hội viên sẽ không bao giờ thoát khỏi tư thế luồn cúi trước quyền lực. Mà hình như trước khi bước vào đây, họ buộc lòng hoặc rất muốn chọn tâm thế này rồi.

Và câu chuyện trở nên sôi nổi trong bầu bán chức vị ở hội nhà văn mấy ngày nay, thực ra là nó vốn vậy mấy chục năm nay rồi. Nhưng năm nay, dường như mọi sự trở nên khác thường bởi vì mọi thứ được rò rỉ ra mạng xã hội nhiều hơn, và người quan tâm đến hội này cũng nhiều hơn. Xin nói rõ là người ta không quan tâm vì nó cho ra lò nhiều tác phẩm, góp phần vào sự nghiệp làm đẹp tâm hồn con người mà người ta quan tâm bởi mức độ bôi bẩn tâm hồn con người ngày càng trầm trọng và đặc biệt là nó làm ảnh hưởng đến tiền thuế của nhân dân quá cao.

Mỗi năm, số tiền rót cho hội nhà văn Việt Nam hoạt động lên đến hàng ngàn tỉ đồng, trong đó có các hạng mục xây dựng cơ quan, đầu tư sáng tác, tài trợ ấn loát, tổ chức trại sáng tác, tổ chức giải… Đó là chưa nói đến các tỉnh phải tốn kém quĩ đất để xây dựng cơ quan phân hội, chưa xây xong đã đập xây lại… Toàn những hành trạng rửa tiền. Tốn thì nhiều nhưng tác phẩm, may mắn lắm mới có thể nói được rằng “chẳng có bao nhiêu”. Trong suốt hơn ba chục năm nay, số lượng tác phẩm đọc được từ hội nhà văn, tôi dám khẳng định là đếm không tới mười đầu ngón tay! Còn lại thì in, mang đi cho, tặng, ký gửi… Nhưng ngày cả người nhận cũng thấy mệt vì phải nhận mấy cuốn sách viết lằng chằng chẳng đâu vào đâu này! Như vậy, nói cho cùng, sở dĩ cái hội này tồn tại được, lý do tồn tại của nó vẫn là cơ quan tuyên truyền số một của đảng Cộng sản Việt Nam. Nó sinh ra nhằm qui tụ các cây bút về một chỗ để “ăn cơm chúa múa tối ngày”.

Chính vì những mục tiêu và mục đích tồn tại rất chợ búa của Hội nhà văn Việt Nam mà cái hội này được dư luận quan tâm nhiều nhất. Đến bây giờ, khi tân Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều lên nắm quyền (chuyện này hội viên chờ cả chục năm nay rồi!), không biết nó có khá hơn không? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cái chợ luôn có mặt trong cái hội này, và mọi li kì từ nó, là li kì của một cái chợ gồm những người cầm bút mua bán, trả chắc và léo hánh nhau!

RFA

 

 

Hãy gọi tên cho đúng: Hội Nhà văn chính là Hội… bưng bô

 

Vũ Hữu Sự

Quang cảnh buổi “liên hoan” của Hội nhà văn hôm 24/11/2020. Ảnh: Nguyễn Văn Nghĩa

Thế là đại hội Hội nhà văn Việt Nam khóa X đã “thành công rực rỡ”. Ông “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta” về vườn, nhường ghế cho “Kẻ ám sát cánh đồng”. Sự kiện này gợi cho tôi một vài suy nghĩ về cái hội mà tôi cũng có một chân trong đó.

Hồi mới lên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà, tôi là một thanh niên 24 tuổi, còn Tạ Duy Anh 19 tuổi. Chúng tôi gặp nhau, quen nhau vì cùng có sự đam mê viết lách. Lúc đó, nhìn dòng chữ “Hội nhà văn Việt Nam” in dưới tiêu đề tờ báo “Văn Nghệ”, chúng tôi thấy một cảm giác ngưỡng mộ, thiêng liêng dâng lên trong lòng. Và mỗi khi đọc một tác phẩm, thấy dưới tên tác giả chua thêm những chữ như nhà văn, nhà thơ, giáo sư, tiến sỹ, trong lòng chúng tôi đều có cái cảm giác ngưỡng mộ ấy. Hội nhà văn, khi ấy, với chúng tôi, là một tòa lâu đài của tri thức, của nhân cách và của lòng dũng cảm.

Rồi thì vào năm 1993, sau khi học xong khóa IV của trường viết văn Nguyễn Du, chúng tôi cũng trở thành hội viên của cái hội mà trước đó trong mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ đến việc mình được gia nhập vào nó.

Nhưng rồi càng ngày, tôi càng nhận chân ra gương mặt của nó. Hơn một nghìn hội viên của cái hội được coi là sang trọng nhất nước này, tất cả đều cúc cung dưới cái gậy chỉ huy của Ban tư tưởng Trung ương, mà ngày nay là Ban Tuyên giáo trung ương.

Toàn bộ nền văn học Việt Nam, kể từ tháng 8/1945 đến nay “mùa nào thức ấy” dưới cái gậy đó. Khi cải cách ruộng đất nổ ra, tiêu diệt thẳng thay hàng trăm ngàn người thuộc tầng lớp tinh hoa của nông thôn, thì có ngay “giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ/ cho ruộng đồng xanh tốt, thuế mau xong/ cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng/ thờ Stalin, thờ Mao Trạch Đông bất diệt” và “thắp đuốc cho tỏ sân đình/ thắp đuốc cho sáng đường làng đêm nay/ lôi cổ chúng nó ra đây/ đập đầu xuống đất, đọa đầy chết thôi”…

Thời chống Mỹ, có hàng nghìn tác phẩm trở thành thủ phạm khiến cho “trong một đêm, hai nghìn người xuống đồng bằng/ sáng hôm sau quay về, còn có ba mươi”. Những tác phẩm được gọi là văn chương ấy thực ra không có văn, chúng chỉ là những tác phẩm minh họa, những tác phẩm bưng bô, mà nói như GS Phạm Vĩnh Cư là “chúng rất giống tiểu thuyết, rất giống thơ”. Không chịu bưng bô ư? Hãy lấy những tấm gương Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán… mà soi.

Thời kỳ đầu của “đổi mới (thực ra là quay trở về với cái cũ)”, tuy ông Nguyễn Minh Châu đã viết “Lời ai điếu” cho thứ văn chương minh họa, bưng bô đó. Nhưng từ ngày có “Lời ai điếu” đến nay, tình hình vẫn vậy. Bất công trong xã hội càng ngày càng chồng chất, án oan nhiều như lá rừng. Những vụ cưỡng chế đất tàn bạo như Thủ Thiêm, Văn Giang, Lộc Hưng… Không một nhà văn nào dám mở mồm.

Chỉ riêng năm 2020 này, có hai sự kiện làm chấn động lương tâm xã hội. Đó là vụ tập kích vào làng Hoành xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, HN), một ngôi làng không có bất cứ một ai vi phạm pháp luật vào 3 giờ ngày 9/1/2020 để giết, phanh bụng một lão đảng viên 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng. Và thứ hai là vụ giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, với bản án giám đốc thẩm mất dạy, bất nhân, ngồi xổm lên pháp luật.

Với vụ án Hồ Duy Hải, trong hơn một nghìn hội viên hội nhà văn Việt Nam, những người được cho là đại diện cho lương tâm của dân tộc, chỉ lác đác có một vài người dám lên tiếng nói được một vài phần sự thật. Còn vụ Đồng Tâm, ngoài nhà văn Tạ Duy Anh ra, không có bất cứ một ai dám mở mồm. Tất cả đều trở thành những con hến.

Chao ôi, hội nhà văn của tôi. Một cái hội được sinh ra với mục đích để bưng bô, và nó đã bưng bô một cách hoàn hảo. Không những thế, nó còn cổ vũ, hô hào để cả triệu thanh niên “có thể biến thiên nhiên thành điện, thép” lao vào chỗ chết. Và đó cũng là tội ác./.

Tiếng Dân

Lỗi không phải ở nhà văn

Chu Mộng Long

25-11-2020

Dư luận chửi rủa, đúng hơn là phỉ nhổ vào Hội Nhà văn. Lý do, nhiệm kỳ nào cũng như nhiệm kỳ nào, một đám lổn nhổn, lộn xộn, ồn ào, kể cả thô tục, mất vệ sinh.

Tôi thì thấy bình thường và rất vui. Tôi ghét những đại hội khoa trương khẩu hiệu, cờ hoa, và hình thức trang nghiêm. Những đại hội như vậy thì phải gọi là “đại lễ” chứ không phải “đại hội”. Lễ mới có chuyện báo cáo thành tích để vỗ tay và ngợi ca như ngợi ca thần thánh. Bất cứ sự trang nghiêm nào cũng chỉ là cái vỏ hình thức rỗng tuếch. Cho nên ta hiểu vì sao ở xứ sở gì cũng thần tượng hoá này, các đại hội thường nhạt toẹt, vô vị.

Đại hội Hội Nhà văn đúng nghĩa là hội lớn, ngày hội về thế tục: hội được nói, được ăn, được chơi, được ch*ch và bầu ra chủ ch*ch. Nó phải vui như hội Carnaval của phương Tây mới là đại hội. Tiếc là các quan chức trong Hội Nhà văn vẫn trịnh trọng chào cờ, hát quốc ca và báo cáo thành tích, trong không khí vui nhộn ấy mọi thứ trang nghiêm thành thừa thãi, vì chẳng ai nghe.

Sự bình thường mà tôi nói ở đây là… cái giống nhà văn nó thế! Đòi nhà văn có học, có văn hoá là bất khả. Bởi gốc nhà văn là vô học, vô văn hoá nếu hiểu đầy đủ văn hoá là kiến tạo phản tự nhiên. Nhà văn sống theo bản năng tự nhiên, cho nên thường hồn nhiên đến trần tục. Nhiều nhà văn không có học, thậm chí không cần học, nếu hiểu học là phải đặt chân đến học đường. Thì đấy, giới bình dân có học đâu mà có cả kho tàng văn chương đồ sộ? Đúng nghĩa bình dân phải là thô tục. Tôi dám chắc mảng văn học tục, gồm truyện tiếu lâm, câu đố, ca dao tục có sức sống mạnh mẽ hơn những thể loại trang nghiêm như thần thoại, ngụ ngôn, cổ tích, anh hùng ca.

Đến lượt nhiều nhà văn tên tuổi cũng có học đâu? M. Gorki, Nguyên Hồng chỉ học ở trường đời. Trần Đăng Khoa làm thơ hay khi chưa đi học, sau đó do học ở Trường Viết văn Nguyễn Du hay Gorki mới làm thơ dở. Còn gọi là tệ nạn thì vô số. Dostoievsky mê cờ bạc và mắc nợ nần, Balzac thì mắc tội loạn luân, Nguyễn Công Trứ hiếp dâm gái quê, Nguyễn Bính bạc tình và nhiều nhà văn Việt Nam trước 1945 nghiện rượu, ma tuý, hát cô đầu và truỵ lạc ở các nhà chứa của phố Khâm Thiên…

Không gì thuộc về con người xa lạ với nhà văn. Lỗi tại các giáo sư, tiến sỹ làm phê bình, do không có đủ tri thức về nhà văn nên cứ tôn vinh nhà văn thành thánh với đủ lời ngợi ca. Học trò và nhiều người tưởng thật, xem nhà văn như là tấm gương về văn hoá nên khi biết sự thật mới sốc. Nhớ năm trước, một giáo sư khoe một đứa học trò viết sách và tặng sách cho mình, rằng “thêm một người nữa bước vào đền thiêng văn học”.

Tôi đọc đến cụm từ “đền thiêng văn học” mà bật cười. Giáo sư gọi văn học rồi phê bình văn học là cái “đền thiêng” để tự phong thánh cho nhà văn và cho mình thì đúng là bị ngáo. Theo tôi, thay vì chê cười Hội Nhà văn, dư luận nên cảm ơn Hội Nhà văn đã có một ngày hội lớn tưng bừng, để phơi mọi thứ trần tục nhất mà hàng ngày nhà văn phải mang chiếc mặt nạ thần thánh để ăn cúng, thực chất là ăn xin…

Tiếng Dân

Vì sao tiếng cười bị căm ghét?

Tạ Duy Anh

25-11-2020

Tôi phát hiện ra rằng, những người cầm quyền trong chế độ toàn trị rất dị ứng với những tác phẩm hài hước, dù nó nói về bất cứ chủ đề gì. Cứ gây cười là rất đáng ghét và đáng sợ?

Vì sao vậy? Tại sao những tác phẩm mang đến bạn đọc tiếng cười lại bị săn lùng, ngăn chặn, tìm cách vô hiệu hóa ở mọi nơi, mọi lúc gắt gao, khắc nghiệt đến thế? Hóa ra khi ngồi xem ti vi, tôi nhận ra toàn bộ các chương trình, dù rất nghiêm trang như những lễ kỉ niệm, những kì hội họp, những cuộc thăm thú, những lời phát biểu… đều ẩn chứa yếu tố hài hước, yếu tố diễn hề.

Bất cứ gương mặt nào xuất hiện cũng có khả năng gây cười, nếu người xem có một chút hiểu biết về ông hay bà ta, rồi đặt bên cạnh những gì ông hay bà ta nói. Làm sao không gây cười được, khi một ông bà nào đó kiến thức rỗng tuếch, đến viết còn sai chính tả, lại nói rất hùng hồn về những thứ cao siêu, về thời đại trí tuệ, về tầm nhìn nửa thế kỉ? Làm sao không gây cười được, khi trong một hội trường nào đó, trên những băng rôn, khẩu hiệu, trên những dáng đi, cử chỉ nghiêm cẩn… thực chất đều là diễn, đều đang làm trò, chẳng có cái gì thiêng liêng cả.

Hàng ngàn người nét mặt ai nấy đầy vẻ nghiêm nghị, cứ như họ đang chuẩn bị tuyên thệ, nhưng tất cả đều đang đóng kịch, đang canh chừng nhau, đang ngầm toan tính giành giật quyền lợi về mình và không một lời nào được nói ra là thật, không một hành động nào đáng tin. Thế thì làm sao lại không gây cười. Quan sát rộng ra, mọi thứ khác cũng đều ẩn chứa sự hài hước. Một bức tranh áp phích, một đoạn phát biểu, những khẩu hiệu nhiều nhan nhản, những cử chỉ, lời nói như thánh phán, nổ như bom, buông ra ở bất cứ đâu…Cũng đều là những chi tiết có thể cười vỡ bụng của vở đại hài kịch.

Phàm con người ta rất ghét phải thấy lại hình ảnh nhếch nhác của chính mình. Bạn cứ làm một cú test đơn giản mà xem: Tặng một đại nhân thích trịnh trọng nào đó tấm hình chụp ông ta lúc ông ta ăn mặc lôi thôi, hoặc lúc ông ta chức vụ còn bé tí, ông ta sẽ căm ghét bạn – kẻ lưu giữ trong kí ức những thứ chả ra gì về ông ta – đến xương tủy. Vua chúa ngày xưa tìm cách giết bạn nối khố cũng là vì thế. Mà cấp nhếch nhác ấy chỉ mới ở hình thức, còn lâu mới kinh bằng nhếch nhác từ trong tinh thần. Vì thế, mọi sự “nhắc cho nhớ lại” còn hơn cả nhạo báng. Con người có thể nói dối ráo hoảnh, trơ tráo, nhưng nó rất sợ đối diện với chính sự nói dối ấy, rất sợ bị vạch trần bởi người khác.

Một chế độ tồi tệ cũng thế. Nó biết rõ nó đang tạo ra hài kịch ở khắp nơi, trong bất cứ công việc núp bóng nghiêm trang nào, nên không muốn thấy thêm bất cứ một tiếng cười nào nữa. Tiếng cười nào cũng là đang giễu cợt nó, biến nó thành con rối, thành kẻ hạ đẳng về trí tuệ, xóc thẳng vào tim óc nó. Nhưng chính vì thế, chính vì không dám chấp nhận bị chế giễu, sợ tiếng cười như sợ một liều thuốc đắng, mà con người, hoặc rộng ra là chế độ, sẽ không bao giờ có thể tử tế được. Những thứ nó cần là bọn nịnh thần, bọn bồi bút và rốt cuộc cũng chính bọn đó sẽ đào huyệt chôn nó.

Hãy khảo sát lại quá trình đi đến tiêu vong, nhiều khi cũng đồng nghĩa với quá trình tắm máu, của các chế độ căm ghét hài hước , chúng ta dễ dàng nhận ra chúng cùng chung một kiểu chết: Đó là mù tịt trước mọi sự thật về mình, cho đến khi tim gan óc tủy thối ruỗng mà không biết. Tương lai của nó không gì khác là cái chết.

Toàn bộ lý do khiến tác phẩm hài hước bị ghét bỏ, chính là ở chỗ đó.

Nhưng một xã hội chỉ thay đổi khi xuất hiện tiếng cười. Đạo đức chỉ được vãn hồi nhờ sự thanh tẩy của tiếng cười. Chỉ cần thấy nó gây cho quyền lực, cho sự lố bịch nhan nhản khắp nơi nỗi sợ hãi thế nào, là đủ hiểu sức mạnh của nó. Buồn thay thứ quan trọng đó lại gần như tuyệt đối vắng bóng trong nền văn học nước nhà. Hoặc nếu có, thì cũng bị ngăn chặn ở mọi cửa ải khiến nó không thể tham gia vào quá trình cải tạo xã hội.

Nhân đang diễn ra Đại hội Hội nhà văn, nơi tôi không có mặt vì sợ sự ồn ào, tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp rằng, chúng ta có lỗi lớn trong việc để cho nền đạo đức chính trị (chứ chưa nói đến đạo đức xã hội) xuống cấp trầm trọng, là môi trường dung dưỡng những quan chức tham lam, đồi bại, dốt nát, dối trá… vì thiếu vắng sự giễu nhại. Cái xấu, cái ác chỉ có thể bị đẩy lùi bằng tiếng cười. Hãy khiến chúng phát điên, phải đối diện ngày ngày với sự nhếch nhác của chúng, đến mức phải nhảy múa.

Và tiện đây tôi cũng muốn nói thêm: Cái gọi là tự do sáng tác theo định hướng, không những lố bịch về mặt ngôn từ, mà còn có nguy cơ biến nền văn học đương đại nước nhà thành đống rác khổng lồ không sọt nào chứa hết.

Tiếng Dân

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen