Seite auswählen

Trương Nhân Tuấn

20-12-2020

Chuyện bầu cử của Mỹ xem như là “game over”. Nhưng chuyện đấu tranh cho dân chủ cho nhân quyền ở VN thì còn rất nhiêu khê. Nói kiểu ông Trọng thì “không biết trăm năm nữa có thành công hay chưa”. Kiều có câu “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” thấy thật là phù hợp.

Dân VN không có vụ chia hai phe “chống Trump” hay “ủng hộ Trump” mà chỉ có hai khuynh hướng ủng hộ hay chống các hành vi lạm dụng quyền lực, vô trách nhiệm, độc tài gia đình trị, phản dân chủ, kỳ thị chủng tộc… của Trump mà thôi.

Tình hình dân chủ, nhân quyền của VN rõ ràng sau này sẽ… “rất tình hình”. Sẽ rất khó cho những vị dân biểu, nghị sĩ, đảng phái chính trị… ở Mỹ hay ở các quốc gia Châu Âu lên tiếng binh vực những “nhà tranh đấu” của VN mà những người này có quá khứ “cuồng Trump”.

Ta thấy rõ ràng ở Trump một tổng thống có khuynh hướng độc tài gia đình trị. Ông này đã từng thố lộ việc ngưỡng mộ của cá nhân ông với các lãnh tụ độc tài như Putin, Tập Cận Bình.

Việc chống TQ của Trump cần được xem lại cho kỹ. Mục đích chống TQ của Trump chưa chắc là để nước Mỹ giữ vị thế “đứng đầu”. Nếu ta xét thực tế để làm bản tổng kết bây giờ, rõ ràng việc đánh TQ của Trump không phải làm cho nước Mỹ “mạnh trở lại” (mà làm cho nước Mỹ suy nhược trước TQ và Nga). Trump sử dụng TQ như là một con cờ để tranh cử.

Rõ ràng Trump đánh TQ “rùm beng” là để tranh cử. Bởi vì nếu đánh có bài bản thì không thể “quảng cáo” rầm trời để rồi đánh đâu thua đó, đánh đâu “chạy” đó. Xét lại thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ và TQ ta sẽ thấy kết quả của “chiến tranh thương mại” của Trump.

Còn về “tầm nhìn chiến lược”, Trump vừa rút bỏ TPP thì Tập đã mau mắn thế vô CREP. Báo chí Nhật gần đây bình luận, Biden muốn “trở lại” cũng không dễ. Trump đã “bỏ ghế” thì Tập đã ngồi vô. Mỹ trở lại để “lãnh đạo thế giới”, biết các quốc gia Châu Á có đồng ý hay không?

Trump cũng là người duy nhứt của nước Mỹ đã thể hiện sự “vui mừng” và “vinh dự lớn lao” khi bắt tay với tên đồ tể Kim Jong Un và bước qua lãnh thổ Bắc Hàn.

Nên biết giữa Mỹ và Bắc Hàn chưa ký “hiệp ước hòa bình”. Tức là hai bên vẫn còn trong tình trạng “thù địch”. Không một lãnh đạo quốc gia nào đối xử với một đất nước thù nghịch như Trump đối xử với Bắc Hàn. Đã có hàng chục ngàn quân Mỹ đã bỏ mạng ở đây để chống lại sự bành trướng về quân sự của ông nội Kim Jong Un.

Thái độ của Trump trong chừng mực là phỉ nhổ vô máu xương của hàng chục ngàn lính Mỹ đã đổ xuống ở đây để bảo vệ, trước hết là sự ”tự do” cho Mỹ, cũng như các quốc gia đồng minh. Sau đó là để trừng phạt việc “bội ước” của Bắc Hàn, đứng sau là LX và TQ, qua việc không tôn trọng đường phân chia ảnh hưởng vĩ tuyến 38°. Trong khi hiện tại Bắc Hàn vẫn tiếp tục các chương trình vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn “liên lục địa” để đe dọa nước Mỹ.

Vừa “lên ngôi” Trump đã bố trí cho con cái, dâu rể vào các vị trí “trụ cột” trong nội các chính phủ. Đây là một hiện tượng “gia đình trị”. Những người có khuynh hướng độc tài thường không tin người ngoài. Chỉ trong 4 năm, tổng thống Trump đã thay người trong nội các đến 96 lần. Chưa nói tới các việc bổ nhiệm 195 vị quan tòa (số liệu của Trung tâm Pháp luật liên bang FJC Federal Judicial Center) mà các luật sư phê bình hầu hết là “bất tài”.

Trump điều khiển nội các chính phủ của Mỹ như một “công ty gia đình”. Trump muốn “xử” ai thì xử, đuổi sở cộng sự chỉ bằng một cái “tuýt”, còn tệ hại hơn cả thủ tục đuổi người làm mướn trong nhà.

Cũng nên nhắc lại là, ngày xưa ông Diệm bị giết mà một trong những lý do là ông này “gia đình trị” khi sử dụng ông em Ngô Đình Nhu làm “cố vấn”.

Cái gì cũng có nguyên tắc của cái đó. Các nhà dân chủ VN ủng hộ Trump là đã phá vở các “nguyên tắc” cộng hòa.

Hôm trước Biden có đọc diễn văn nói đại khái là, nước Mỹ “đứng vững” nhờ vào hiến pháp cũng như các định chế dân chủ và nền pháp trị vững chắc. Theo tôi thì chưa chắc. Hệ thống luật pháp ở Mỹ có nhiều kẻ hở mà kẻ “láu cá” (tầm Trump) có thể sử dụng để biến chức vụ tổng thống 4 năm thành một “ngai vàng” muôn năm trường trị.

Vừa khi đắc cử tổng thống năm 2016, Trump đã lập ra một “quĩ tranh cử” cho năm 2020. Tin tức bên Mỹ vừa được báo chí cho biết đến nay quĩ tranh cử này đã đạt số tiền khổng lồ là 1 tỉ 200 triệu đô la. Vấn đề là Trump đã giao cho “thằng rể quí” quản trị (bên trong) để “rút ruột” khoản tiền này.

Nên biết nước Mỹ có cả bộ luật về việc sử dụng tiền quyên góp tranh cử. Không phải muốn xài sao thì xài. Nghe nói có khoảng 600 triệu đô trong quĩ này “không cánh mà bay”.

Số tiền “thất thoát” có thể đã được sử dụng “chính danh” (không phạm luật) để ủng hộ cho các ứng cử viên Cộng hòa. Vì vậy, ta không ngạc nhiên khi có hàng trăm dân biểu, nghị sĩ trung thành với Trump cho tới chết để “tát cạn đầm lầy”.

Ta thấy Trump bổ nhiệm Bill Barr vào ghế Bộ trưởng Tư pháp. Nhờ Barr “bôi xóa” cũng như “diễn giải sai” hồ sơ Ukraine mà Trump “thoát” khỏi cuộc luận tội truất phế ở thượng viện. Trump cũng ép Barr công bố hồ sơ Hunter Biden trước ngày bầu cử để “hạ” uy tín của Joe Biden. Chuyện này thành công thì Trump 100% sẽ thắng cử (như vụ Hillary và các thư tín bị giám đốc FBI công bố trước ngày bầu cử).

Vấn đề là ông Barr “làm gì cũng theo luật mà làm”. Hồ sơ Ukraine chưa chắc Barr phạm luật. Nhưng nếu công bố hồ sơ Hunter Biden, vốn đã bị điều tra từ năm 2018, thì Barr sẽ phạm tội “tiết lộ bí mật vụ án”.

Vì vậy Biden hơi lạc quan nếu cho rằng hiến pháp và các định chế dân chủ ở Mỹ là “bền vững”.

Nếu không nhờ luật pháp nghiêm minh, cũng như nhờ vào con người trọng luật, thì không chừng cha con Biden, Hillary, Obama… đều đã ở tù. Vì bằng chứng giả.

Chỉ cần một các “mắc xích” trong hệ thống quyền lực của Mỹ bị “bung”, Trump sẽ trở thành “hoàng đế”.

Thí dụ, ông Barr “ngồi lên luật” để công bố hồ sơ Hunter Biden. Hay các thẩm phán Cộng hòa ở Tối cao Pháp viện, hay các quan tòa Cộng hòa ở các tòa Pennsyvania, Michigan, Georgia, Wisconsin…, các thống đốc Cộng hòa ở các tiểu bang này “ngồi lên luật”, bẻ cong sự thật, thì Trump đã thắng cử.

Ngay cả ở các cấp thấp hơn, chỉ cần cơ quan giám sát an ninh bầu cử tuyên bố một câu vu vơ “ờ, chắc là có gian lận bầu cử kỳ này” thì Trump cũng dã thắng các vụ kiện.

Người của Trump bổ nhiệm ở cùng khắp hệ thống quyền lực. Chỉ cần một nhân viên CIA hay FBI… dựng một “bằng chứng giả” thì Trump cũng đã thắng cử, hay cả phe dân chủ đã ở tù.

Tức là nước Mỹ vẫn còn “trụ được” là nhờ vào nền “pháp trị” vững chắc cũng như vào “con người trọng luật”. Đây là hai yếu tố không thể thiếu để chống lại hiện tượng “tham nhũng quyền lực” trong bất kỳ quốc gia nào.

Dân Mỹ họ có lý do ủng hộ Trump. Có thể là vì Trump thể hiện cho “quyền lợi” của họ. Còn những nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền VN ủng hộ cho Trump vì lý do gì? Trên nguyên tắc nào? Đạo lý nào?

Rõ ràng không có đạo lý cũng như nguyên tắc gì hết cả.

Trump “hãnh diện” và “vui mừng” về vụ bắt tay với Kim Jong Un và bước qua lãnh thổ Bắc Hàn. Các nhà “dân chủ VN” ủng hộ Trump về cái gì?

Trong bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, lời mở đầu có câu rất hay. Đại khái nội dung “để các quyền của con người được tôn trọng thì một quốc gia pháp trị phải được xây dựng để bảo vệ”.

Trump “ngồi xổm lên luật”, lạm dụng quyền lực, gây chia rẽ xã hội, gia đình trị… có đủ các yếu tố của một “nhà độc tài”. Phe dân chủ Việt Nam ủng hộ Trump là ủng hộ cái gì? Những người này biết gì và đã đóng góp gì để xây dựng một “quốc gia pháp trị”?

“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Thử nhìn về tương lai dân chủ của VN. Quả nhiên là “lạnh người”. Sẽ không có một vị dân biểu, nghị sĩ nào ở Mỹ, nhứt là ở các quốc gia châu Âu có thể lên tiếng bênh vực các “nhà dân chủ” VN khi biết được những người đó có quá khứ ủng hộ Trump.

Ngay cả những người đã từ chối không ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” (Mạng người da đen là quan trọng). Họ ngụy biện rằng “mạng sống của ai cũng quan trọng hết cả”.

Vấn đề là số phận của người da màu ở Mỹ luôn bị coi thường bởi nhân viên công lực da trắng. Vụ George Floyd, khởi đầu cho phong trài BLM, là thí dụ.

Vì bị coi thường mạng sống, do đó mới có khẩu hiệu “Black Lives Matter”. Ý nghĩa của nó là ý nghĩa của điều thứ nhứt của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, nói về “quyền sống” của con người là quan trọng, cũng như “nhân phẩm” bình đẳng của mỗi con người.

Không hiểu được ý nghĩa như vậy thì làm sao mang “nhãn hiệu” là nhà dân chủ hay nhà tranh đấu cho nhân quyền?

Ngẫm cụ Nguyễn Du, qua truyện Kiều đã có những câu hiệu lực như “sấm”. Nào là “trời còn để có hôm nay/ sương tan đầu ngõ vén mây giữa trời”, nào là “rằng trăm năm cũng từ đây/ của tin xin gọi chút này làm ghi”.

Bây giờ, với phe “dân chủ VN”, “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”…

Tiếng Dân

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen