Seite auswählen

Triệu Tử Long 

Người Sài Gòn lâu nay vốn ghét những người cộng sản Tàu, và không ít người vẫn giữ thói quen thích gọi bằng tên Trung Cộng hơn để phân biệt với người Hoa Chợ Lớn.

Ghi nhận dịp khai xuân đầu Tân Sửu nơi công sở, nhiều người hỉ hả khi đọc tin tức trên báo chí về dồn dập chuyện Mỹ tiếp tục vờn Trung cộng, đặc biệt là trong bối cảnh hôm 17-2, báo chí đồng loạt có bài viết về cuộc chiến tranh vệ quốc ở 42 năm trước chống giặc Trung cộng.

Tàu khu trục USS Russell đã đi ngang các hòn đảo do Trung cộng tuyên bố chủ quyền trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 17-2, nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông” – đây là tin làm hài lòng nhiều người dân vốn ít nhiều hoài nghi ngài Joe Biden.

Theo Reuters, tàu USS Russell đã đi ngang quần đảo Trường Sa sau một cuộc tập trận chung giữa hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cũng tại Biển Đông.  Trước đó, hôm 5-2, một tàu chiến khác của Mỹ là tàu khu trục John S. McCain cũng lần đầu tiên di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Hoàng Sa bị Trung cộng dùng vũ lực chiếm đóng hoàn toàn từ năm 1974. Nước này thành lập ‘thành phố Tam Sa’ và đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7-2012.

Giới quan sát đánh giá những động thái trên cho thấy chính quyền Biden sẽ không hạn chế các hoạt động nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông, vốn là hoạt động được đẩy mạnh dưới trào của chính quyền cựu tổng thống Donald Trump.

Còn theo Bloomberg, trong số những nhân vật mới tham gia nhóm Chính sách Trung cộng của ông Joe Biden, có bà Melanie Hart, cựu thành viên cấp cao của Trung tâm Tiến bộ Mỹ. Bà sẽ giúp giám sát việc xem xét các chính sách của chính quyền ông Trump, bao gồm sáng kiến “Mạng lưới sạch”, thúc đẩy các nước cấm Huawei Technologies khỏi khỏi mạng 5G của họ.

Vào tháng 10 năm ngoái, bà Melanie Hart viết một báo cáo nhấn mạnh các khoản trợ cấp của nhà nước Trung cộng  thúc đẩy sự trỗi dậy của Huawei và ủng hộ hỗ trợ đối kháng các nhà cung cấp từ Mỹ và các quốc gia đồng minh.

Nhóm Chính sách Trung cộng của ông Biden còn có ông Ely Ratner (trợ lý đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin) và bà Elizabeth Rosenberg (cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ). Cả hai đều từng công tác tại Trung tâm An ninh Mỹ (CNAS).

Trong một báo cáo viết cùng các đồng nghiệp ở CNAS, ông Ratner và bà Rosenberg đã kêu gọi thành lập một “liên doanh quốc tế” với Nhật Bản và Hà Lan để chế tạo chất bán dẫn và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Báo cáo khẳng định “thách thức của Trung cộng – thường được mô tả là một vấn đề tương lai – đang ở đây và bây giờ”.

Ở báo cáo khác, bà Rosenberg và ông Peter Harrell, chuyên gia tại CNAS, đã kêu gọi Mỹ tài trợ để bù đắp các mục tiêu của “các biện pháp cưỡng chế của Trung cộng”, giúp Mỹ giữ vai trò không thể thay thế trong chuỗi cung ứng trong tương lai.

Hãng truyền thông CNBC cho biết nhóm đặc trách của Lầu Năm Góc về Trung cộng gồm khoảng 15 chuyên gia, chịu trách nhiệm cung cấp các khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến Trung cộng cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

Tương tự, tờ thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xác nhận lực lượng đặc nhiệm sẽ cung cấp “đánh giá cơ bản” về các chính sách, chương trình và quy trình của Lầu Năm Góc về các vấn đề liên quan đến Trung cộng, đồng thời đưa ra các khuyến nghị và điểm quyết định chính cho Bộ trưởng Quốc phòng Loyd Austin.

Còn theo Sputnik, thì các lĩnh vực mà lực lượng đặc nhiệm thực hiện bao gồm chiến lược, tình báo, quản lý lực lượng, công nghệ, bố trí lực lượng cũng như các liên minh, quan hệ quốc phòng với Trung cộng và những vấn đề khác.

Lực lượng mới có thời hạn 4 tháng để đưa ra các đánh giá và khuyến nghị về chiến lược quân sự của Mỹ đối với Trung cộng. Lực lượng đặc nhiệm sẽ làm việc để nhanh chóng thu hút các chuyên gia dân sự và quân sự của bộ để trong vòng vài tháng tới.

Nhóm Chính sách Trung cộng của ông Biden thống nhất trong thông điệp làm việc với các đồng minh trước khi đối đầu với Trung cộng, trái ngược với cách tiếp cận đơn độc của ông Trump.

Giả dụ Việt Nam được ông Biden mời làm đồng minh, và ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước ‘gật đầu’, chắc hẳn quốc dân sẽ vỗ tay hoan hô dữ lắm…

Theo VNTB (19.02.2021)

 

***

Bài đọc thêm

 

Nếu phải chọn lựa, người Việt đứng thứ 2 ASEAN về chọn Mỹ thay vì Trung cộng

Đa số người ASEAN trả lời khảo sát rằng họ chọn đứng cùng phe với Mỹ thay vì chọn Trung cộng.

Có tới 61,5% người dân thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói trong một cuộc khảo sát rằng họ muốn khối này đứng về phía Mỹ thay vì liên kết với Trung cộng, nếu buộc phải chọn một trong hai cường quốc.

Kết quả cuộc khảo sát thường niên được viện nghiên cứu về Đông Nam Á có tên ISEAS Yusof-Ishak công bố hôm 10/2.

Tính chung trong cả khối ASEAN, tỷ lệ chọn đứng về phía Mỹ của năm nay tăng lên đáng kể so với mức 53,6% của năm ngoái.

Trong số những người tham gia cuộc thăm dò, người Phi Luật Tân ủng hộ Mỹ mạnh mẽ nhất với tỷ lệ 86,6%, người Việt Nam đứng thứ hai với mức 84%.

Ba nước Miến Điện, Brunei và Lào có đa số người trả lời là họ chọn đứng cùng phe với Trung cộng, với tỷ lệ cao nhất là ở Lào, 80%; Brunei đứng thứ hai với mức gần 70%.

Tính chung, số nước ASEAN ủng hộ Trung cộng trong cuộc khảo sát năm nay giảm mạnh so với năm ngoái, từ 7 xuống còn 3, và tỷ lệ người ASEAN ủng hộ Trung cộng giảm tương ứng từ 46,4% còn 38,5%.

Theo Viện ISEAS Yusof-Ishak, có 4 nước đổi phe trong năm nay là Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Viện đưa ra nhận định rằng có lẽ sự ủng hộ của khu vực Đông Nam Á dành cho Washington tăng lên là do những kỳ vọng về tân chính quyền của ông Biden. Viện cho biết cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã diễn ra ở thời điểm cuộc khảo sát đang được tiến hành từ ngày 18/11/2020 đến ngày 10/1/2021.

Trong thời gian đó, ông Biden được tiên liệu giành chiến thắng trước ông Trump nhưng chưa chính thức nhậm chức.

Trong nhiều năm trước đây, Mỹ duy trì sự hiện diện quan trọng ở khu vực Đông Nam Á thông qua các hoạt động can dự cả về an ninh lẫn kinh tế.

Tuy nhiên, trong thời ông Trump làm tổng thống, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các quan chức hàng đầu của Mỹ hầu như đều vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khu vực.

Giữa lúc Mỹ dường như sao nhãng mối quan tâm trong mấy năm vừa qua, Trung cộng lại ráo riết thúc đẩy nhiều hoạt động ở khu vực, trong đó có Sáng kiến Vành đai-Con đường với các khoản đầu tư to lớn vào hạ tầng cơ sở.

Giờ đây, với việc ông Biden là lãnh đạo của Mỹ, cuộc khảo sát của Viện ISEAS Yusof-Ishak nhận thấy có tới gần 69% số người thuộc ASEAN tỏ ra lạc quan rằng nước Mỹ với chính quyền mới sẽ tăng mức độ can dự vào Đông Nam Á.

Mức độ tin cậy của người dân trong khu vực dành cho Mỹ cũng tăng lên 48,3% từ mức hơn 30% trong lần khảo sát trước.

Như VOA đã đưa tin, có những dấu hiện cho thấy chính quyền của ông Biden sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào khu vực này trong những năm tới.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi tháng 1 tiến hành tái cơ cấu đội ngũ nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), giảm bớt người chuyên trách Trung Đông và tăng cường người ở bộ phận điều phối chính sách về châu Á, một động thái cho thấy chính quyền Biden sẽ ưu tiên châu Á, xét đến sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung cộng.

Hơn 88% số người được Viện ISEAS Yusof-Ishak hỏi ý kiến nói rằng họ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng về mặt chính trị cũng như trên bình diện khu vực, tỷ lệ này cao hơn mức 85% của năm ngoái.

Trong khi đa số ủng hộ việc chọn phe với Mỹ, song những người trả lời cuộc thăm dò cũng cho rằng Trung cộng gần đây có ảnh hưởng ở Đông Nam Á nhiều hơn so với mức độ ảnh hưởng của Mỹ, khối ASEAN và các cường quốc khác.

Cụ thể, 76,3% cho rằng Trung cộng có tầm ảnh hưởng kinh tế mạnh nhất, 49,1% xác định rằng Trung cộng có ảnh hưởng chính trị và chiến lược mạnh mẽ nhất.

Những người tham gia khảo sát cũng tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông. 62,4% nói họ lo lắng về việc Trung cộng quân sự hóa các thực thể và có các hành động lấn át các bên tranh chấp, trong đó Việt Nam là một trong các bên tranh chấp gay gắt nhất với nước láng giềng khổng lồ.

Liên quan đến vùng biển này, 45,2% quan ngại về việc Mỹ và Trung cộng đối đầu có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị.

Trả lời câu hỏi liệu họ có tin tưởng Trung cộng làm điều đúng đắn để đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trên toàn cầu hay không, 63% nói họ không mấy tin tưởng hoặc hoàn toàn không tin tưởng.

Như vậy, mức độ bất tín nhiệm đối với Trung cộng đã tăng lên so với mức 51,5% của năm 2019 và 60,4% của năm ngoái.

Tham gia cuộc thăm dò của Viện ISEAS Yusof-Ishak là hơn 1.000 người thuộc 10 nước ASEAN, họ bao gồm các quan chức chính phủ, doanh nhân, học giả, các nhà nghiên cứu và các nhà phân tích.

Việt Nam có số người tham gia đông nhất, 175 người, chiếm 17%; đứng thứ hai là Singapore với 158 người, tương đương 15,3%.

Cuộc thăm dò có mục đích như là “một chiếc phong vũ biểu về thái độ và cảm nhận của các bên liên quan” đối với với các diễn biến quan trọng ở khu vực, theo lời các nhà nghiên cứu.

Theo tìm hiểu của VOA, bản báo cáo sau cuộc khảo sát do 4 nhà nghiên cứu của Viện ISEAS Yusof-Ishak soạn thảo, trong đó có hai người Việt Nam là Hoàng Thị Hà và Phạm Thị Phương Thảo, hai người còn lại là Melinda Martinus và Sharon Seah.

Theo VOA (19.02.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen