Seite auswählen

© AFP 2021 / Ted Aljibe

Nhóm Đặc nhiệm đối phó với Trung cộng của Ngũ Giác Đài (China Task Force) khuyến nghị các đồng minh của Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các cuộc tuần tra của hải quân và không quân Mỹ, cũng như các chuyến đi theo kế hoạch tới khu vực Biển Đông của chiến hạm Pháp và chiến hạm Anh là một phần trong chiến lược của NATO nhằm tiến gần biên giới Trung cộng, các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn cho biết.

Ngũ Giác Đài tăng cường phát triển chiến lược quân sự mới chống Trung cộng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh cho Nhóm Đặc nhiệm về Trung cộng bắt đầu hoạt động, thông cáo ngày 1 tháng 3 trên trang web của Ngũ Giác Đài cho biết.

Theo phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby, nhóm đặc nhiệm sẽ xác định các ưu tiên trong hoạt động theo hướng Trung cộng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đến tháng 6, nhóm cần đưa ra “khuyến nghị và hành động cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề về Trung cộng”. Thông cáo nhấn mạnh rằng công việc này của Ngũ Giác Đài là một phần trong phân tích quan hệ Mỹ-Trung của chính phủ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ muốn nhóm này tìm ra những điều Mỹ cần làm để đáp trả các thách thức mà Trung cộng gây ra.

Trước đó, trong tháng 2, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nêu nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế khả năng cạnh tranh công nghệ của Trung cộng. “Vấn đề cạnh tranh công nghệ ngày càng trở nên quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Trung” – Trưởng nhóm Đặc nhiệm Ely Ratner cho biết. Ông Ely Ratner là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về châu Á và hiện là Trợ lý đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Thời Biden là Phó Tổng thống, Ratner là một trong số các cố vấn an ninh của ông ta.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. @Reuters/ Carlos Barria

Ngũ Giác Đài thúc đẩy các đồng minh của Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Tại cuộc họp trực tuyến gần đây của các bộ trưởng quốc phòng NATO, Bộ trưởng Lloyd Austin đã gọi vấn đề “Trung cộng đang phát triển” là một trong nhiều nguy cơ đe dọa và thách thức mà Liên minh phải đối mặt. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hoan nghênh việc các đồng minh NATO thừa nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng, chính sách đối ngoại của nước này gây ra các vấn đề phức tạp đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương. Ông Lloyd Austin bày tỏ hy vọng các đồng minh sẽ có những hoạt động chung để giải quyết vấn đề này.

Theo chuyên gia Vladimir Yevseyev từ Viện nghiên cứu chiến lược của Nga (Russia’s Institute for Strategic Studies RISS), lập trường như vậy của Mỹ có thể sẽ thể hiện trong các khuyến nghị tới đây của Nhóm đặc nhiệm về Trung cộng:

“Chính quyền Biden đang thực hiện nhiều cam kết với các đồng minh. Xét đến điều này, cần phải lường trước rằng các cam kết như vậy sẽ được giải quyết bằng các đề xuất tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiến hành tập trận thường xuyên hơn và cho tàu bè qua lại vùng biển tranh chấp. Điều đó khiến cho áp lực đối với Trung cộng gia tăng, không chỉ bằng hành động của chiến hạm, mà còn bởi máy bay do thám các nước đồng minh. Có nghĩa là, những gì chúng ta đang quan sát hiện nay liên quan đến Nga sẽ được thực hiện đối với Trung cộng, gần biên giới Trung cộng, chủ yếu là ở Biển Đông.

Một mặt, Mỹ gánh thêm nhiều nghĩa vụ kiềm chế Trung cộng, mặt khác Mỹ không đủ sức để làm việc này, nên chiến hạm Pháp và chiến hạm Anh sẽ xuất hiện ở Biển Đông. Rõ ràng, trong tình huống như vậy, Trung cộng buộc phải tăng cường tiềm lực quân sự để đáp trả hành động của NATO. Trước hết là đáp trả bằng các tàu nổi và tàu ngầm, cũng như tăng cường thành phần lực lượng không quân” – chuyên gia Vladimir Yevseyev nói.

NATO đang tiến gần biên giới Trung cộng?

Pháp đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Sau khi điều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Émeraude và tàu hỗ trợ Seine đến khu vực này hồi tháng Hai, Pháp đang chuẩn bị hoán chuyển các chiến hạm của mình. Trong khuôn khổ cuộc tập trận thường niên Jeanne d’Arc bắt đầu ngày 18 tháng 2, tàu đổ bộ Tonnerre và khu trục nhỏ hạm Surcouf khởi hành từ cảng Toulon ở Địa Trung Hải để tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Nhật Bản và Mỹ ở Thái Bình Dương trong tháng 5 tới. Trên đường đi, các tàu của Pháp sẽ đi qua vùng Biển Đông. Một số nhà quan sát không loại trừ khả năng chúng sẽ đi qua eo biển Đài Loan.

Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth. Foto: Dave Jenkins /InfoGibraltar

Trước đó, Bộ Quốc phòng Anh thông báo sẽ điều Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth tới khu vực này. Pháp và Anh là đồng minh của Mỹ trong NATO, liên kết với nhau bởi các lợi ích địa chính trị chung. Chuyên gia Pavel Zolotarev thấy rõ vai trò hàng đầu của Mỹ trong sự liên kết này:

“Các hành động cụ thể, tích cực hơn của NATO là sự tiếp nối hoàn toàn tự nhiên trong chính sách của Mỹ. Mỹ không muốn các đồng minh NATO ngồi yên tại doanh trại của mình và hài lòng với thực tế là họ đã giảm ngân sách quốc phòng xuống dưới 2% GDP. Mỹ hiểu rằng họ không có đủ lực lượng của mình để chống Trung cộng, do đó họ kêu gọi các đối tác NATO đối đầu với Trung cộng, kể cả thực hiện các sứ mệnh ở Biển Đông. Đến lượt mình, Trung cộng sẽ không giảm bớt hoạt động về tạo dựng và phát triển các căn cứ trong khu vực này, về gia tăng an ninh giao thông vận tải” – chuyên gia Pavel Zolotarev nhấn mạnh.

Trung cộng cảnh báo Pháp và Anh leo thang căng thẳng ở Biển Đông

Phía Trung cộng cực lực phản đối mọi quốc gia can thiệp vào các vấn đề khu vực với lý do “tự do hàng hải” và gây tổn hại đến lợi ích chung của các quốc gia trong khu vực. Tuyên bố này được Bộ Quốc phòng Trung cộng đưa ra đáp lại yêu cầu bình luận về quyết định của Hải quân Pháp gửi chiến hạm đến Biển Đông trong khuôn khổ sứ mệnh đảm bảo “tự do hàng hải”, cũng như các hoạt động sắp tới của hạm đội Anh trong khu vực.

Trong khi đó, ngày 2 tháng 3, quân đội Trung cộng và Mỹ đang giám sát chặt chẽ các hoạt động của nhau dọc theo biên giới phía Nam Trung cộng. Tổ chức tư vấn Bắc Kinh The South China Sea Strategic Situation Probing Initiative đã thông báo về sự xuất hiện gần đây của tàu trinh sát Mỹ USNS Impeccable tại Biển Đông.

Vladimir Fedorov, Sputnik (03.03.2021)

 

 

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ lên kế hoạch đối phó Trung cộng

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ vừa phác thảo kế hoạch chi tiêu mới nhằm tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa từ Trung cộng, trong đó có việc bổ sung các loại vũ khí mới, xây dựng cơ sở hạ tầng và phối hợp với các đồng minh của nước này.

Bản báo cáo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ trình lên Quốc hội hôm qua (1/3), kêu gọi cấp ngân sách 27 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2027.

Với một vài thay đổi lớn so với đề xuất ngân sách năm 2020, kế hoạch chi tiêu mới đề xuất cung cấp các tên lửa và hệ thống phòng không mới, hệ thống radar, xây dựng trung tâm chia sẻ thông tin tình báo, bãi thử nghiệm trên khắp khu vực và tăng cường tập trận với đồng minh, đối tác.

Trước đó vào năm 2020, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã yêu cầu chi 18,5 tỷ USD đến năm 2026 và đề xuất xây dựng cơ sở cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.

Các đề xuất được nêu trong báo cáo này được đưa ra để cảnh báo các đối thủ tiềm năng của Mỹ rằng, bất cứ hành động quân sự phủ đầu nào sẽ phải trả giá đắt và có khả năng thất bại trước sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy của các lực lượng Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng”, Defense News dẫn tóm tắt báo cáo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết.

Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố biên bản ghi nhớ, trong đó nhấn mạnh, hỏa lực tầm xa là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch chi tiêu quân sự cho năm tài khóa 2022, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã nhắc lại lời kêu gọi xây dựng mạng lưới các tên lửa tầm xa phóng từ đất liền, có tầm bắn hơn 500km, để bảo vệ các máy bay và chiến hạm.

Cơ quan này cho biết, Trung cộng đang được cho là có ưu thế áp đảo Mỹ trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ đất liền.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, ông nhất trí với đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung cộng đang nuôi tham vọng phát triển một lực lượng quân đội với năng lực ngang bằng hoặc vượt trội quân đội Mỹ vào năm 2050.

Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương là một “công cụ hữu dụng” và ông sẽ phối hợp với Quốc hội để thực thi sáng kiến này.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhắc lại lời kêu gọi phân bổ 1,6 tỷ USD xây dựng năng lực phòng thủ tích hợp và bền vững tại đảo Guam, với sự hỗ trợ của hệ thống radar tần số cao trị giá khoảng 200 triệu USD đặt tại Palau để phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên biển và trên không, cùng hệ thống radar đặt ngoài không gian ước tính trị giá 2,3 tỉ USD.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề xuất khoản kinh phí 3,3 tỷ USD để mua sắm các tên lửa tầm xa phóng từ đất liền, có phạm vi hoạt động hơn 500km, hợp thành “các mạng lưới tấn công chính xác, có khả năng sống sót cao dọc theo Chuỗi đảo thứ nhất vây quanh Trung cộng (bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishima, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Phi Luật Tân).

Đô đốc Philip Davidson (Ảnh: Military.com)

Đô đốc Philip Davidson cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông là thiết lập một hệ thống lá chắn tên lửa trên mặt đất (Aegis Ashore) tại đảo Guam vào năm 2026, giúp bảo vệ người dân và các lực lượng Mỹ ở đây.

Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được khai triển ở đảo Guam có thể bảo vệ hòn đảo này trước các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, tuy nhiên radar AN/TPY-2 của nó được cho là dễ bị tổn thương và không thể cung cấp tầm nhìn 360 độ.

Ngoài ra, ông Davidson muốn phát triển loại máy bay chuyên biệt mới để thực hiện nhiệm vụ thu thập tình báo trên khắp khu vực với kinh phí 206 triệu USD. Sự kết hợp của các loại vũ khí được nêu ra trong đề xuất sẽ mang lại ưu thế trên không, trên biển và cho phép các lực lượng Mỹ gia tăng khả năng cơ động.

Trong số các kế hoạch nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ với đồng minh, có kế hoạch phân bổ 2,5 tỷ USD cho chương trình xây dựng, huấn luyện và trang bị cho lực lượng an ninh quốc gia của các đồng minh và đối tác.

Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ được thắt chặt dưới thời Tổng thống Biden, báo cáo nhấn mạnh, Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương sẽ là một cách tiếp cận thực tế và hiệu quả nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong khu vực, đồng thời giảm các nguy cơ rủi ro và tránh leo thang căng thẳng.

Theo kế hoạch phác thảo, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xin cấp 4,6 tỷ USD cho năm tài chính 2022, ít hơn so với kinh phí trong năm tài chính 2021. Một phần của khoản kinh phí này sẽ chi cho Sáng kiến phòng thủ châu Âu. Sáng kiến phòng thủ châu Âu được coi là tiền đề của Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương, nhằm mục đích tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.

Ông Eric Sayers, một cựu quan chức của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho biết: “Báo cáo này là sản phẩm của thỏa thuận đã được lưỡng viện Quốc hội nhất trí, sau khi đánh giá rằng kế hoạch hiện tại của Bộ Quốc phòng nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng quân sự ngày càng gia tăng ở Thái Bình Dương là chưa đủ”./.

Theo SOHA (03.03.2021)

 

 

Mắt thần’ ở Biển Đông: Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vệ tinh NanoDragon

© Depositphotos / Rottenman

NanoDragon là vệ tinh lớp nano ‘Made in Vietnam’ do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển, chuẩn bị được thử nghiệm và dự kiến sẽ phóng lên vũ trụ vào tháng 9/2021 tới đây.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ là ‘mắt thần’ ở Biển Đông, được sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển khi tích hợp bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy.

Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vệ tinh NanoDragon

NanoDragon, vệ tinh siêu nhỏ lớp nano, do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển chuẩn bị được thử nghiệm và phóng lên vũ trụ vào thời gian tới với sự hỗ trợ của Cơ quan Nghiên cứu Hàng không – Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Trao đổi với báo chí, PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, sáng nay, ngày 3/3, vệ tinh “made in Việt Nam” NanoDragon (NDG) đã được gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản để được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi phóng lên quỹ đạo vào tháng 9/2021.  

Việt Nam muốn làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất

Vệ tinh NanoDragon nặng khoảng 4 kg, dạng siêu nhỏ (cubesat), do các chuyên gia, kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển.

© ẢNH : VIETNAM NATIONAL SPACE CENTER Vệ tinh NanoDragon.

“Sau khi thử nghiệm xong, vệ tinh sẽ được đưa trở lại Việt Nam để chờ phóng, trong lúc đó sẽ không được tháo lắp hay thay đổi gì về phần cứng nữa mà sẽ chỉ có tối ưu và hoàn thiện phần mềm bay cho vệ tinh”, đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thông tin.

Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dự kiến vệ tinh NanoDragon sẽ được tên lửa Epsilon của Nhật Bản phóng lên theo chương trình “Innovative satellite technology demonstration (ISTD) ” vào tháng 9 tới hoàn toàn miễn phí.

Trước đó, Cơ quan Nghiên cứu Hàng không – Vũ trụ Nhật Bản đã thông báo lựa chọn NanoDragon của Việt Nam là một trong 15 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vào năm 2021. Hoạt động này nằm trong chương trình chùm vệ tinh thử nghiệm công nghệ lần thứ hai của Nhật Bản.

Vệ tinh NanoDragon là ‘mắt thần’ trên biển của Việt Nam?

Theo thông tin từ lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520 km.

Vệ tinh NanoDragon sẽ có hai nhiệm vụ chính. Theo VNSC, thứ nhất là tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Như vậy, có thể đánh giá, NanoDragon hoạt động giống như “mắt thần” quan sát ở Biển Đông.

Trên thực tế, ở một quốc gia như Việt Nam, việc làm chủ công nghệ vệ tinh có ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng. Với vị trí địa lý đặc thù, Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh từ quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chưa nói đến việc “thăm dò, giám sát” tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, từ vùng biển này, hàng năm, Việt Nam cũng phải hứng chịu hàng loạt cơn bão, đối mặt với nhiều nguy cơ thiên tai bão lũ nghiêm trọng.

Theo Sputnik (03.03.2021)

 

  

Đức lần đầu tiên đưa chiến hạm tới Biển Đông sau gần 20 năm

Một tàu hộ vệ của Đức tại Virginia, Mỹ, năm 2018. Ảnh: Reuters

Các viên chức cấp cao của chính phủ Đức ngày 2/3 xác nhận một tàu hộ vệ của nước này sẽ khởi hành tới châu Á vào tháng 8 và đi qua Biển Đông trong hành trình trở về. Đây sẽ là chiến hạm đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.

Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết tàu hộ vệ nước này sẽ không đi vào khu vực thuộc phạm vi “12 hải lý” xung quanh các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.

Theo báo Nikkei (Nhật Bản), tàu hộ vệ hải quân Đức sẽ xuất phát từ Đức vào đầu mùa hè và có thể tới thăm cảng Hàn Quốc và Úc. Đây là một phần trong trọng tâm mới mà Đức hướng tới tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Việc triển khai chiến hạm được xem là động thái hiếm thấy của Đức, quốc gia không có lãnh thổ hải ngoại ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương như Anh và Pháp.

Nội các Đức năm 2020 đã phê chuẩn Định hướng chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền và thúc đẩy các thị trường mở tại khu vực. Việc triển khai chiến hạm có thể là bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa chiến lược này.

Thomas Silberhorn, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức, cho biết kế hoạch của Berlin “không nhằm vào bất cứ bên nào”. Tuy nhiên, Nikkei cho rằng Đức dường như đang “để mắt” tới các hành động của Trung cộng trong khu vực.

Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Đức được cho là phù hợp với những thay đổi chính sách tương tự ở Anh, Pháp và Hà Lan – những quốc gia châu Âu đang đẩy mạnh sự tham gia của họ vào khu vực địa chính trị quan trọng của thế giới.

Mỹ và các đồng minh đang có xu hướng tăng cường các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung cộng ở vùng biển này. Động thái của các nước phương Tây diễn ra bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Từ sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi cuối tháng 1, Mỹ đã đưa hàng loạt chiến hạm tới Biển Đông. Hải quân Mỹ hồi tháng 2 đã triển khai 2 nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các chiến hạm tới Biển Đông để tham gia diễn tập. Ngày 17/2, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Russell của Mỹ đã thực hiện hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đầu tháng 2, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ đã áp sát quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cũng tại Hoàng Sa, tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ đã hoạt động xung quanh quần đảo này ngày 23/2.

Hải quân Pháp hồi tháng 2 bắt đầu các cuộc tuần tra và huấn luyện, đưa tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf từ cảng quê nhà ở Toulon, phía nam Pháp, tới khu vực Thái Bình Dương. Nhóm tàu này sẽ đi qua Biển Đông 2 lần và tham gia cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5.

Cũng trong tháng 2, tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude của Pháp đã kết thúc cuộc tuần tra tại Biển Đông. Trong khi đó, Anh cũng chuẩn bị triển khai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth tới châu Á trong những tháng tới.

Tháng 9 năm ngoái, Pháp, Anh và Đức đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản bác các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung cộng ở Biển Đông.

Theo Dân trí (02.03.21)

 

 

Trung cộng bắt đầu một tháng diễn tập quân sự ở Biển Đông

Một máy bay trực thăm Z-9 của Hải quân Trung cộng chuẩn bị hạ cánh trên chiến hạm của Trung cộng khi tàu này thực hiện một loạt cuộc diễn tâp và trao đổi với tàu khu trục của Mỹ ở Biển Đông – 16/06/2017.  Hải quân Mỹ/Reuters

Trung cộng đã bắt đầu một tháng diễn tập quân sự ở Biển Đông từ thứ Hai tuần này và cáo buộc các quốc gia khác làm căng thẳng thêm tình hình bằng việc gia tăng hiện diện quân sự của họ tại các vùng biển có tranh chấp.

Thứ Sáu tuần trước, Cục An toàn Hàng hải Trung cộng tuyên bố một khu vực có diện tích khoảng 80km2 trong vùng biển của Trung cộng ở phía Tây bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông và phía Bắc đảo Hải Nam sẽ được đóng để dành cho  hoạt động diễn tập từ ngày 1-31/3/2021.

Những cuộc diễn tập này diễn ra sau nhiều cuộc tập trận của quân đội nước ngoài trong vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, điều có vẻ đã làm Bắc Kinh tức giận.

Trong hai tháng vừa qua, Hải quân Mỹ đã liên tục thực thi “các hoạt động tự do hàng hải” (FONOPS) và các hoạt động khác như vậy ở Biển Đông và hải quân Pháp cũng ghé qua vùng biển này. Các quốc gia khác như Anh và Đức được cho là cũng đang có kế hoạch điều tàu hải quân tới khu vực này như RFA đã thông tin trước đây.

Bộ Quốc phòng Trung cộng nói hôm thứ hai (1/3) rằng bộ này “kiên quyết phản  đối bất cứ quốc gia nào gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông dưới chiêu bài “tự do hàng hải”, tạo ra bầu không khí căng thẳng, xen vào các vấn đề khu vực và làm tổn hại tới lợi ích của các quốc gia trong khu vực”

Cục An toàn Hàng hải thông báo một khu vực có bán kính 5 km, trong khoảng 21-14.23 độ Bắc và 109-32.80 độ Đông sẽ bị đóng cửa trong tháng 3. Nguồn bản đồ: MarineTraffic. Phân tích: RFA

Cục An toàn Hàng hải thông báo rằng các cuộc diễn tập mới nhất này của  Trung cộng sẽ diễn ra trong khoảng bán kính 5 km tính từ một điểm ngoài bờ biển của tỉnh Quảng Đông trong khu vực Vịnh Bắc Bộ. Trung cộng chưa công bố thêm thông tin về những cuộc diễn tập này.

Diễn tập kéo dài một tháng được bắt đầu hôm thứ hai chỉ là một hành động quân sự mới nhất của Trung cộng tại Biển Đông – nơi Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Malaysia và Brunei đang có những tranh chấp chồng chéo về lãnh thổ và hàng hải.

Ví dụ, các máy bay ném bom của Trung cộng gần đây đã thực hiện các cuộc diễn tập tấn công trong khu vực Biển đông và máy bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLA) đã liên tục đi vào khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan (ADIZ) giữa quần đảo Đông Sa và vùng đất liền của Đài Loan. Các quốc gia thường yêu cầu máy bay phải tuân thủ một số quy trình nhận diện khi đi vào khu vực nhận diện phòng không của nước họ.

Theo Tân Hoa Xã, Hải quân của Quân đội Nhân dân Trung cộng cũng tiến hành một cuộc diễn tập chung với Hải quân Singapore trong tuần trước. Theo một báo cáo được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung cộng, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ trong tháng 9/2020, hải quân Trung cộng thường xuyên tham gia vào các hoạt động ngoại giao hải quân để hỗ trợ các mục tiêu chiến lược và chính trị.

Oriana Skylar Mastro, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Standford nói với RFA rằng: “Các hoạt động quân sự của Trung cộng đang trở nên ngày càng thường xuyên trên Biển Đông”.

 “Một phần việc này diễn ra khá tự nhiên khi quân đội Trung cộng trở nên hùng mạnh hơn và cố gắng thử và hoàn thiện năng lực quân sự của mình”

Nhưng những hoạt động này cũng nhằm truyền đi sự quyết tâm và răn đe của Bắc Kinh đối với cường quốc khác, ông Mastro nói.

Nỗ lực tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và trên biển rộng lớn của Trung cộng đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Biển Đông trong những năm gần đây, thu hút cả các quốc gia không tuyên bố chủ quyền trong khu vực như Mỹ, Pháp và Nhật Bản.

Tuần trước, Kyodo News đưa tin theo những nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản,  Trung cộng đã đệ đơn phản đối Nhật Bản vào năm 2018 sau khi hai máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bay gần đảo nhân tạo của Trung cộng được xây dựng trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhật Bản dường như đã trích dẫn vụ việc này trong một công hàm ngoại giao gửi Liên Hợp Quốc, trong đó Nhật Bản bác bỏ tuyên bố đường cơ sở của Trung cộng và tố cáo những nỗ lực hạn chế tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực Biển Đông. Công hàm của Nhật Bản là đề nghị mới nhất trong một loạt công hàm ngoại giao từ nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Malaysia, Úc, Mỹ, Indonesia, Vietnam và Phi Luật Tân phản đối những tuyên  bố chủ quyền của Trung cộng.

Zachary Haver, RFA (02.03.2021)

 

 

Biển Đông : Trung cộng tập trận một tháng ở vịnh Bắc Bộ

Ảnh minh họa. Trong bức ảnh chụp ngày 24/05/2014, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Harbin (112) của Trung cộng tham gia cuộc tập trận hải quân Trung cộng-Nga tại Biển Hoa Đông. AP

Hôm qua, 01/03/2021, quân đội Trung cộng đã bắt đầu một cuộc tập trận kéo dài một tháng tại Biển Đông. Theo truyền thông chính thức Trung cộng, cuộc tập trận gần eo biển Quỳnh Châu (Qiongzhou), nằm giữa Hoa lục và đảo Hải Nam, diễn ra trong bối cảnh Hải quân Hoa Kỳ cũng như Hải quân Pháp sẽ có nhiều hoạt động trong thời gian tới tại khu vực này.

Chính quyền Trung cộng không nêu rõ chi tiết các cuộc tập trận, nhưng Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo đại diện cho quan điểm cứng rắn của chính quyền Trung cộng, cho biết cụ thể là các cuộc tập trận được tổ chức trong một khu vực có bán kính 5 km ở Biển Đông, phía tây bán đảo Lôi Châu. Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung cộng, thứ Sáu, 26/02, đã thông báo lệnh cấm tàu bè ra vào khu vực tập trận.

Hoàn Cầu Thời Báo lưu ý tập trận diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ « bắt đầu thường xuyên tiến hành các hoạt động trinh sát tại các vùng ven biển của Trung cộng, cũng như khảo sát môi trường thủy văn ở Biển Đông ». Quân đội Pháp cũng đã cử một tàu tấn công đổ bộ và một tàu khu trục nhỏ, dự kiến ​​sẽ quá cảnh Biển Đông hai lần, trong thời gian tới. Hoàn Cầu Thời Báo nhấn mạnh là, theo lộ trình trong báo cáo của trang Navynews.com, các chiến hạm của Pháp có kế hoạch đi qua eo biển Quỳnh Châu, một vùng biển nằm giữa bán đảo Lôi Châu (Leizhou), tỉnh Quảng Đông, và đảo Hải Nam, mà theo Hoàn Cầu Thời Báo là vùng biển « nội địa » của Trung cộng.

Báo Việt Nam : « Trung cộng gây bất ổn ở Biển Đông »

Báo chí Việt Nam đưa tin đồng loạt về cuộc tập trận kéo dài một tháng của quân đội Trung cộng tại vùng biển phía tây Vịnh Bắc Bộ. Báo Thanh Niên có bài chỉ trích « Trung cộng liên tục tập trận gây bất ổn ở Biển Đông ». Báo mạng Việt Nam nói trên phỏng vấn nhiều chuyên gia Hoa Kỳ về quân sự và hàng hải.

Trả lời báo Việt Nam, ông Timothy R. Heath, chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Viện tư vấn chiến lược quân sự RAND, nhận định : « Trung cộng tổ chức cuộc tập trận lần này nhằm trả đũa việc Mỹ hợp tác cùng các đồng minh như Pháp, để tiến hành nhiều hoạt động ở Biển Đông ». Tiến sĩ Patrick Cronin, chủ tịch Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu Hudson, nhận xét là cùng với việc trao cho lực lượng Hải cảnh quyền hạn nổ súng vào tàu nước ngoài kể từ đầu tháng 2/2021, đợt tập trận tháng Ba này « cho thấy Trung cộng đang tăng cường hoạt động quân sự và bán quân sự ở Biển Đông. Điều đó dường như hoàn toàn trái ngược với điều mà Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng muốn đóng góp vì lợi ích chung ».

Tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhằm đối phó với các tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh, đặc biệt tại Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế, là một chủ trương của Hoa Kỳ và các đồng minh từ nhiều năm nay. 

RFI (02.03.2021)

 

 

Bị Trung cộng phá, CSVN tìm mua dầu thô Phi Châu

Mỏ dầu suy kiệt, CSVN loay hoay chọn lựa nguồn cung cấp dầu thô từ bên ngoài. (Hình: VNN)

 

Bị Trung cộng phá không cho dò tìm các mỏ mới trong khi các mỏ hiện có đang cạn kiệt, CSVN đang tính mua dầu thô từ Phi Châu vì giá rẻ hơn.

Tổ chức thông tin dầu khí quốc tế S&P Global Platts hôm Thứ Ba, 2 Tháng Ba, cho hay nhà cầm quyền CSVN đang nỗ lực thảo luận với một số nước ở phía Tây Phi Châu để mua dầu thô cung cấp cho nhà máy lọc dầu nội địa. Nguyên nhân là các mỏ dầu ngoài khơi của Việt Nam sau nhiều năm khai thác hiện đang gần cạn kiệt mà dầu thô của các nước khu vực thì đắt hơn.

Nguồn tin nói rằng nhà máy lọc dầu Bình Sơn (BSR) thấy dầu thô của hai nước Nigeria và Angola rẻ hơn dầu thô do mấy nước khu vực Đông Nam Á cung cấp. Nhà máy này tại khu kỹ nghệ Dung Quất, Quảng Ngãi, công suất lọc 148,000 thùng một ngày đang bị áp lực tìm nguồn mua dầu thô từ nước ngoài vì nguồn cung cấp nội địa giảm xuống nhanh chóng.

Ngày 11 Tháng Mười Hai năm ngoái, báo VietNamNet viết: “Nhiều doanh nghiệp dầu khí đang căng mình ứng phó với tình trạng giá giảm, mỏ dầu ngày càng cạn kiệt, tìm kiếm mỏ mới khó khăn.” Bản tin này không nói trắng ra sự “khó khăn” tìm mỏ mới vì Bắc Kinh cản trở, không để Hà Nội dò tìm và khai thác các mỏ mới trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng vướng tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò” ngang ngược của Trung cộng.

Theo thông tin của S&P Global Platts, sản lượng của tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) năm 2020 chỉ được 11.47 triệu thùng dầu thô, giảm 12.4% so với năm 2019, đánh dấu năm năm liên tiếp sản lượng khai thác giảm liên tục. Liên danh với Nga (Vietsovpetro) cung cấp được 3.42 triệu thùng trong năm 2020, giảm 8.8% so với năm 2019.

Nhà máy lọc dầu Bình Sơn được thiết kế để tiêu thụ dầu thô thuộc dạng phẩm chất nhẹ của các mỏ nội địa như Bạch Hổ, Sư Tử Đen, Chim Sao, Thăng Long, cũng như dầu thô của các mỏ các nước trong khu vực như Mã Lai, Brunei.

Gần đây, xưởng lọc Bình Sơn mua một ít chuyến từ thị trường Trung Đông nhưng để có nguồn cung cấp đều hơn, họ xoay qua khu vực Phi Châu. Nguồn tin nói Bình Sơn đang lọc thử dầu thô của Nigeria và Angola. Hành động này nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp và giảm tùy thuộc vào dầu từ mỏ Bạch Hổ vốn khả năng cung cấp cạn dần đã được báo động từ mấy năm trước.

Vì nguồn cung cấp nội địa ngày mỗi ít dần, càng ngày nhà máy lọc dầu nội địa của CSVN phải nhập cảng nhiều hơn. Thống kê nói năm 2020, Việt Nam nhập cảng 11.74 triệu thùng dầu thô, gia tăng 51% so với năm 2019. Tháng Mười Một, 2019, CSVN hủy bỏ thuế nhập cảng 5% đánh trên dầu thô nhập cảng để giúp kỹ nghệ nội địa đối phó với các khó khăn.

Ban quản lý xưởng lọc Bình Sơn nói họ sẽ thử năm loại dầu thô trong nửa đầu năm nay rồi sẽ lựa chọn mua từ đâu dựa trên giá cả, phẩm chất để đưa ra kế hoạch mua dài hạn.

Hơn một tuần trước, tin tức cho hay, tàu Hải Cảnh của Trung cộng đến rất gần một kho nổi chứa dầu thô của mỏ Hải Thạch trên Biển Đông, cách Vũng Tàu 170 hải lý. Lúc nó đến gần nhất mang tính đe dọa chỉ cách kho vừa kể chừng 500 mét.

Hành động của tàu Hải Cảnh Trung cộng mang tính khiêu khích nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, tạo áp lực để các công ty dầu khí quốc tế bỏ chạy khỏi Việt Nam. Mấy năm vừa qua, nhiều công ty từ Nga tới Mỹ, Tây Ban Nha… đã phải dừng hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giữa năm 2020, công ty Nga Rosneft (liên danh với tập đoàn Dầu Khí Việt Nam) đã phải hủy bỏ hợp đồng thuê giàn khoan Noble Clyde Boudre vì áp lực từ Trung cộng. Rosneft thuê giàn khoan này khoan thăm dò tại lô 06-01 ở bãi Tư Chính, nhưng tàu Hải Cảnh Trung cộng tới quấy nhiễu liên tục suốt nhiều tháng trong năm 2019. 

Theo Người Việt (02.03.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen