Seite auswählen

„Sự đố kỵ, hẹp hòi ngày trong giới được cho là tri thức đã giết chết biết bao niềm tin và sự khao khát tự do vừa được thắp lên đã tan biến.“

Nhật Quỳnh

 

Nhìn Venezuela, người ta lại hỏi về Việt Nam. Nhìn Hồng Kông, người ta lại hỏi về Việt Nam. Nhìn Thái Lan, người ta lại hỏi về Việt Nam và hôm nay, nhìn Myanmar, người ta lại hỏi về Việt Nam…

 

Ngày 10/06/2018, tôi và anh bạn thân của mình bước xuống công viên Hoàng Văn Thụ hoà vào dòng người lên tiếng phản đối Luật đặc khu. Ôi, dòng người sao mà đông đến thế! Từ Hoàng Văn Thụ đến Hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà ken cứng con người ta. Có thể nói, đứng trước hoạ mất nước, mất chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc, người Việt đã không hề ngồi yên..

 

Ở đó, tôi chứng kiến một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc bộ đồ pijama màu kem sữa vẫn sung sức rảo bước cùng đoàn như thanh niên tuổi đôi mươi, những tiếng hô phản đối Trung Quốc vang dậy một góc trời, những chị phụ nữ đồng thanh la lớn khi có kẻ lạ xâm nhập:

 

– Đàn ông lui về sau, để phụ nữ chúng tôi lên trước. Họ không dám làm gì đàn bà con gái đâu!

 

Những Trưng vương là đây, những anh hùng hào kiệt là đây chớ đâu.

 

Ở đó, chúng tôi chưa từng biết mặt nhau, nhưng vẫn siết chặt tay nhau, khoác vai nhau cùng tiến. Phải rồi! Vì chúng ta là đồng bào kia mà! Ở đó, tôi chứng kiến những giọt nước mắt của cậu CSCĐ tuổi đôi mươi khi tôi đứng tranh luận cùng cậu ấy:

 

– Hôm nay, những dùi cui này, những phát súng này nếu bắn vào chúng tôi, nhưng ngày sau, khi có giặc xâm lăng thì chính chúng tôi lại cầm súng cùng các anh, chiến đấu cùng các anh. Viên đạn của chúng tôi chỉ nhắm vào giặc chứ không nhắm vào đồng bào mình. Máu chúng tôi có đổ hôm nay cũng là vì con cháu các anh mai sau. Chúng sẽ nghĩ gì nếu biết cha ông chúng đã từng bắn vào người dân Tây không tấc sắt chỉ vì họ thể hiện lòng yêu nước?

 

Ở đó, khi tôi bị một tên mật vụ chỉ đạo đám lính của hắn trà trộn vào để bắt vì tưởng lầm tôi là người cầm đầu cuộc diễu hành, chính các em sinh viên là những người tạo ra vòng tròn bảo vệ cho tôi. 

 

– Nhìn anh giống người Hoa?

– Ờ, anh 1/4 gốc Tàu mà. Nhưng anh không thích Trung Quốc.

 

– Trời ơi, vậy mà không nói, bọn em cũng gốc Tàu Chợ Lớn không nè. Mà bọn em ghét Tàu khựa lắm! Mình là dân Việt Nam mà!

 

Các em vẫn hồn nhiên, vẫn tíu tít không hề sợ hãi dù trước mặt là rất nhiều CSCĐ bố ráp. Có lẽ, chính niềm tin  vào chính nghĩa khiến các em không hề run sợ.

 

Anh bạn tôi bị bắt vì đứng sau cùng đoàn để cảnh giác cho mọi người trước việc có kẻ xấu trà trộn, việc đầu tiên anh ấy làm khi ra khỏi đồn là gọi cho tôi.

 

– Tui phải gọi ngay cho chú, vì sợ chú lo cho tui.

 

Vâng, tất cả con người chúng tôi có mặt hôm đó không ai có tư tưởng lo cho mình mà luôn nghĩ cho nhau. Tất cả luôn có niềm tin vào chính nghĩa.

 

Vậy rồi…

 

Những năm tháng dần trôi sau sự kiện đó, tôi chứng kiến nhiều sự chia rẽ đáng tiếc trong cộng đồng những người yêu nước. Một chị bạn sau nhiều năm quan sát tình hình đất nước bảo với tôi: “Mình ghét cộng sản nhưng cũng sợ mấy người tự nhận là Dân Chủ”.

 

Câu nói rất đau. Nhưng…vì đâu đến nỗi?

 

Có thể nói, đứng trước bất công, chúng ta thường dễ lên tiếng phản đối. Nhưng, đứng trước bất đồng, chính những người trong chúng ta lại không biết cách giải quyết.

 

Người Việt có tư duy thần tượng, ấy là do cái tâm thức ỷ lại vào người khác sẽ làm giúp những việc mình chưa/không dám làm. Để rồi, khi thấy ai thay mình làm cái việc đó, lập tức họ sẽ được gắn thành thần tượng. Và, một khi thần tượng lên tiếng, ắt đó sẽ là chân lý. Từ tâm thức đó, người ta sẽ không bao giờ tiếp nhận những ý kiến trái chiều với thần tượng của mình. Họ ra sức tìm cách biện giải cho những sai lầm của thần tượng thay vì thấu hiểu và chia sẻ để giúp người đó vượt qua và hoàn thiện. Có một lần, tôi hỏi một anti fan của Messi ở Việt Nam rằng “vì sao cậu ghét Messi vậy?”

 

– Không biết tự khi nào, nhưng thấy bọn cuồng hắn nhiều quá nên đâm ra ghét. Mà từ khi ghét thì xem trận nào đội hắn đá dở thì bọn cuồng lại càng ra sức bào chữa, thế là lại thêm ghét. Hễ thắng là công của hắn, mà thua thì do toàn đội. Làm gì có kiểu tiêu chuẩn kép như vậy?

 

“Thương nhau trái ấu cũng tròn

Ghét nhau trái bồ hòn cũng méo”

 

Người Việt là như vậy, thương thì thương bất chấp, ghét thì đủ mọi lý do. Chính nhiều khi thấy người khác được thương nhiều nên đâm ra ghét, còn người được thương nhiều lại tưởng mình là chân lý, rồi lại cao ngạo. Và khi thần tượng sụp đổ thì mọi giá trị đúng của họ đều bị đem ra làm trò cười, kéo theo mọi niềm tin đều tan như mây khói…

 

….Ấy là do người Việt mình dựa dẫm quá nhiều vào cảm xúc mà không phân định rạch ròi giữa điều đúng và điều sai, giữa hành động đúng và con người.

 

Khi những người dấn thân đấu tranh vì sự công bằng, quyền lợi chính đáng cho dân phạm sai lầm, họ liền bị khoác áo là cuội; khi một người nói lên ý kiến riêng của mình một cách trung dung thì bị gắn mác “cộng sản đổi màu“. Tôi thì chẳng biết các danh từ ấy xuất hiện từ khi nào, ai là người khởi xướng nhưng tôi biết chắc, chỉ có nhà cầm quyền là được lợi. 

 

Đó là vì, chúng ta mang một tâm lý sợ bị lừa gạt nên luôn tìm cách phòng vệ, tốt nhất là tránh luôn những gì ta cho là xấu, từ đó mất luôn khả năng khám phá và nâng cao hiểu biết của bản thân mình. Kế tiếp là tâm lý đạp đổ mọi thứ mà mình cho là nó xuất phát từ kẻ xấu mà không suy xét. Ví dụ, hiện nay trong cộng đồng thường có câu cửa miệng “những thằng hay nói đạo đức thường sống như l…” Và, chúng ta mặc định luôn là không cần xác minh những gì nó nói. Chúng ta không phân biệt giữa “những thằng sống như l…” và chuyện đạo đức mà nó nói là hai chuyện hoàn toàn khác nhau!

 

Dân chủ là một quá trình không ngừng nghỉ và lọc dần những điều không hợp lý chứ không phải là một hệ thống hoàn chỉnh không lỗi. Vì thế mà có nhiều bạn réo gọi tôi khi những bê bối của bà Aung San Suu Kyi bị báo chí trong và ngoài nước Myanmar đưa lên, và họ đánh giá bà rằng: “là nhà dân chủ chửi thì giỏi nhưng quản trị một quốc gia thì tồi” thì tôi lại cho rằng bà đã làm tốt sứ mệnh lịch sử của mình, là đưa đất nước Myanmar thành một nước dân chủ. Bằng chứng là từ ngày bà nhậm chức, báo chí và người dân được công khai chỉ trích, lên án nhà lãnh đạo của mình mà không hề e sợ. Vài bài báo ở Việt Nam giật tít đại khái “Aung San Suu Kyi: từ một thần tượng đến sự sụp đổ”, v.v. Nhưng hôm nay thì như thế nào?

 

Người Myanmar chứng tỏ họ không hề thần tượng bà San Suu Kyi mà là kế thừa những giá trị đúng từ bà ấy. Họ xuống đường không phải vì ủng hộ một “thần tượng Aung San Suu Kyi” mà là phát huy tính thần dân chủ mà bà đã gầy dựng. Bà ấy sai, họ vẫn chỉ trích, phê phán gay gắt nhưng không vì những sai lầm đó mà đạp đổ những giá trị đúng của bà trong quá khứ, không khoác cho bà những luận điệu vô căn cứ để trúng kế kẻ gian. Đó là một tư duy độc lập trong suy nghĩ mà trong suốt quá trình đấu tranh, bà Aung San Suu Kyi và dân tộc Myanmar đã tạo ra để có một thế hệ người Myanmar như hiện nay – như những gì chúng ta đã thấy.

 

Còn Việt Nam chúng ta? Sự đố kỵ, hẹp hòi ngày trong giới được cho là tri thức đã giết chết biết bao niềm tin và sự khao khát tự do vừa được thắp lên đã tan biến.

 

Tôi nhớ mãi câu hỏi của em sinh viên gốc Chợ Lớn hôm nào:

 

– Ngày mai đi nữa không anh? 

 

Ừa, các em đâu có hèn, thế hệ trẻ các em đâu có hèn, đâu có thờ ơ với vận mệnh non sông. Chỉ tại…

 

Nhật Quỳnh

Thesaigonpost (18.03.2021)

Hình 1&2: Tuổi trẻ Myanmar và Việt Nam.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen